Chủ Nhật, 5 tháng 11, 2023

BẦU TRỜI TRONG XANH QUÁ!

   

 Hắn gục mặt xuống ngực. Hai chân cũng chợt khuỵu nhũn. Cả thân mình hắn đổ đánh rụp xuống nền nhà. Tiếng nấc thê thảm bật ra khỏi cuống họng. Thoạt tiên nghèn nghẹn. Tiếp đến là tiếng khóc ồ ồ từng đợt tuôn xả. Tiếng khóc của một kẻ thuộc phái mạnh khiến những người có mặt trong phiên toà nhói buốt thắt tim. ở hàng ghế phía trái sau vành móng ngựa, nơi hắn đứng hầu toà, có một phụ nữ mảnh mai ngồi giữa hai đứa trẻ, cũng đang khóc. 
Nhưng chị khóc không thành tiếng. Đôi vai nhỏ rung lên từng đợt. Hàng ghế phía phải ngay sau hắn, là một đôi vợ chồng. Chị vợ trong trang phục cảnh sát màu xanh. Trên vai gắn chiếc lon thượng uý. Người chồng mặc bộ quần áo bệnh viện. Nửa đầu phải và phía sau gáy của anh quấn kín băng. Đôi chỗ máu vẫn loang thẫm đỏ. Chợt, hắn đứng phắt dậy, xoay mặt về phía hai vợ chồng người cảnh sát. Hắn quỳ sụp xuống, chắp tay vái lấy vái để. Hai vợ chồng người cảnh sát bối rối nhìn nhau trước tình huống bất ngờ này. Chị vợ đứng dậy, dìu anh từ từ đi về phía hắn. Cả phiên toà lặng đi. Khi đối diện, người chồng giang đôi tay choàng qua vai hắn. Xoa xoa lưng an ủi. Miệng thì thầm một điều gì đó. Mọi người chỉ thấy hắn gật lia lịa.
            Toà tuyên bố kết thúc. Dòng người đổ ra cửa trong im lặng. Hai cảnh sát kẹp hai bên, dẫn hắn ra chiếc ô tô chở phạm. Trên đường đi, hắn vẫn cố ngoái đầu lại. Nhưng không để nhìn vợ nhìn con. Hắn hướng về đôi vợ chồng cảnh sát, gật gật đầu liên tục. Người ta hiểu, hắn vẫn muốn vái sống đôi vợ chồng này.

                                                            *          *          *

            Hắn gò lưng đạp chiếc xích lô. Từ sáng đến giờ, đây mới là chuyến hàng thứ hai hắn được gọi chở. Trước đây ít năm, cái nghề của hắn cũng kiếm được kha khá tiền. Bởi, rất ít người chịu làm cái nghề này. Bởi, loại phương tiện này còn được cho phép hoạt động trên nhiều loại tuyến phố. Bởi, các loại chuyên chở hiện đại hơn chưa phát triển. Bởi, chưa có cái nghị định gì gì đó về đường thông hè thoáng của “ông” Chính phủ ban hành. Nên, hắn có nhiều khách. Nên, hắn có thể khua khoắng khắp các loại phố loại đường lớn nhỏ. Nên, hắn không phải ngó nghiêng lấm lét trên đường để trốn tránh những bộ trang phục màu xanh của cảnh sát trật tự. Chỉ một cái xích lô tèng tèng mà hắn nuôi được vợ được con. Chẳng ung dung thì cũng có đủ cái ăn. Chẳng ung dung thì cũng không đến nỗi ăn bữa sáng lo bữa tối. Cuối mỗi ngày, hắn có thể khề khà lưng chén rượu nhạt bên mâm cơm đạm bạc của gia đình. Chứ hắn chẳng bao giờ dám mong có được cuộc sống sung túc như các tầng lớp trung lưu khác trong xã hội. Hắn cũng chẳng dám nhảy vào những quán xá bia bọt tùm lum của những kẻ lắm tiền nhiều của mỗi chiều. Có lúc khát quá, hắn ghé xe sát vỉa hè cạnh quán bia. Hắn gọi một cốc uống “sếch”. Uống vội uống vàng. Rồi đứng lên đạp xe đi ngay khi hai bên mép còn dính trắng xoá bọt bia. Như thế cũng đã là xa xỉ đối với hắn.

Đi bộ đội về. Không nghề. Không nghiệp. Tuổi cũng đã cưng cứng. Chẳng đâu nhận đào tạo nghề cho những kẻ đã ngót bốn mươi như hắn. Cả gia đình hắn bốn người chúi vào gian nhà ngói thấp lè tè trong một ngõ nhỏ sâu hun hút. Vì là cái ngõ nhỏ nên những kẻ lắm tiền nhiều của chẳng màng đến định cư. Quanh nhà hắn, phần lớn là những gia đình lam lũ, ăn bữa sớm lo bữa tối. Tiếng là sống trong nội thành nhưng nơi hắn ở vẫn gọi là làng. Cái làng đặc sệt nếp sống quê dân dã tuy đã có những cung cách lai căng của thị thành. May cho gia đình hắn là còn có gian nhà ngói để chui vào chui ra. Đấy là của “gia bảo”, mẹ hắn lúc còn sống lấn được bên cạnh một khu đổ rác của làng. Nay đô thị hoá, để giữ gìn môi trường cái bãi rác đó đã được di dời xa hơn ra ngoại thành. Thế là nghiễm nhiên, những hộ dân sống nơi bãi rác, trong đó có gia đình hắn, sở hữu được chỗ định cư yên ổn. ở đã vậy. Thôi tạm được! Nhưng còn ăn. Đó là nỗi lo ngày càng thường trực cho một người chủ gia đình là hắn. Vợ hắn cũng là một người đàn bà chăm chỉ, nhưng sức lại yếu. Mỗi sáng, cô ấy làm một chõ xôi bán đầu ngõ. Bán hết xôi, lại về phụ làm đậu với người hàng xóm. Với hai cái tàu há mồm mỗi ngày một lớn, cả vợ cả chồng hắn quần quật quanh năm mới tạm yên. Đôi lúc nằm vắt tay lên trán, ngó cái mái ngói với nhiều hòn đã mục, thỉnh thoảng rơi bụi xuống mặt, hắn cũng thấy nản. Chẳng biết bao giờ vợ chồng hắn mới ngẩng đầu lên được. Thiên hạ sao họ lắm tiền nhiều của thế. Cứ bước ra khỏi cái xóm bãi rác hắn ở, là thấy đường xá tấp nập đông vui. Ngày hắn mới ở bộ đội về, hiếm hoi lắm mới nhìn thấy con Honda đèn tròn tám mươi tám mốt chạy trên đường. Nay các loại xe máy đời mới hơn trăm phân khối nhiều lắm. Còn bắt đầu có cả ô tô biển đăng ký của tư nhân. Đúng là kẻ ăn không hết người lần không ra. Cha sinh mẹ đẻ ơi, chẳng biết đến bao giờ con sẽ có cuộc đời khác với cuộc đời của cha của mẹ cách đây nửa thế kỷ. Thỉnh thoảng hắn thầm kêu lên như vậy khi ngẫm về cái gia cảnh mà hắn đang làm ông chủ. Hì hì hì. Hắn bật cười khẩy. Cũng được gọi là ông chủ cơ đấy. Nhưng ông chủ như hắn thì, nhiều khi hắn nghĩ, thà… chết quách đi có khi lại thanh thản. Khổ nỗi, khó khăn đến mấy cũng có ai tự chết được đâu. Dù sao, hắn cũng có một mái nhà. Dù sao, hắn cũng có một người vợ, chẳng xinh đẹp giỏi giang thì vẫn cùng hắn góp mặt làm nên một gia đình. Dù sao, hắn cũng còn có hai đứa con luôn nhắc nhở hắn về nghĩa vụ làm cha. Ôi, nghĩa vụ. Sao con người ta sinh ra lại phải làm nhiều cái thứ nghĩa vụ thế? Còn cha còn mẹ, có nghĩa vụ làm con. Đến lúc đủ mười tám tuổi, phải có nghĩa vụ công dân đối với đất nước. Vào bộ đội, phải có nghĩa vụ của người lính bảo vệ Tổ quốc. Rồi đến khi lấy vợ có con thì đấy… Trời đất ạ, hắn cũng cố làm cái nghĩa vụ mà trời đất đã đặt lên vai hắn đấy chứ. Hàng ngày hắn gò lưng đạp xe, chở hết chuyến hàng này đến chuyến hàng khác. Có hôm tối mịt còn chưa được nghỉ. Mà có hàng chở đã là may. Thời gian gần đây, xích lô bị cấm đi vào một số tuyến phố. Thế là địa bàn hoạt động của hắn bị thu hẹp lại. Rồi thì bắt đầu xuất hiện loại xe vận tải nhỏ. Như vậy là thêm một bước khó khăn cho công cuộc mưu sinh của hắn. Cái túi tiền sau một ngày làm việc cật lực của hắn ngày càng còm cõi đi. Thật đúng là mật ít ruồi nhiều. Sau chiến tranh, biết bao thằng lính không nghề không nghiệp như hắn xuất ngũ quá. Những thằng ở thành thị đã nhiều. Lại cả những thằng khoác ba lô về quê, không trụ nổi nơi đồng đất ngày càng bạc màu với những sách nhiễu của mấy ông “quan” địa phương, thế là chúng nó tếch ra thành phố với quan niệm: Giàu nhà quê không bằng ngồi lê kẻ chợ. Chúng nó kiếm tiền bằng nhiều nghề. Thằng đạp xích lô như hắn. Thằng đi bốc vác. Thằng sắm bộ đồ nghề cắt tóc. Thằng làm  nghề mài dao kéo. Hay thật, có cả thằng vào cái nghề giúp “cân bằng sinh học” cho những mụ nạ giòng lắm tiền nhiều của nhưng thiếu đàn ông… Thôi thì đủ cả. Làm đã vậy. ăn ở thì đủ kiểu tại những xóm tạm xóm liều ven sông. So với những thằng cùng đại đội may mắn sống sót trở về sau chiến tranh, dù sao hắn còn hên hơn là có một mái nhà ngay tại đất đô thị này. Không phải ăn nhờ ở đậu khi xa quê như chúng nó. Khi đối diện với đạn bom, với B52 trải thảm, với những làn khói màu da cam mà máy bay địch thả đặc một vùng trời, những thằng lính cầm súng như bọn hắn đâu có nghĩ đến lúc phải vật lộn với miếng cơm manh áo như bây giờ. Cũng chẳng ai tưởng tượng ra rằng, những con người tự hào là mình đã chai sạn trước hòn tên mũi đạn như hắn lại có thể chịu khom mình trước những kẻ đốn mạt. Và như vậy, họ đốn mạt hơn cả những kẻ đốn mạt. Hắn nghĩ thế và uất. Nhưng hắn đã phải nghiến răng. Sống chết trong chiến tranh là một sự may rủi. Để tồn tại lúc thời bình này lại có kiểu khốc liệt riêng, dễ sợ! Trong chiến tranh, đối diện cái chết anh có thể trở thành anh hùng. Khi thời bình, trước đồng tiền anh lại rất dễ trở thành kẻ đốn mạt. Đốn mạt hơn ngàn lần đốn mạt.

Một bận, hắn suýt bị thu xe vì một kẻ đốn mạt. Do phát hiện chậm một gã cảnh sát còn non choẹt đứng nấp sau gốc cây ở một góc phố, hắn bị chặn xe lại. Hắn đã phải dốc vào tay gã cả số tiền đã còng lưng đạp xe gần hết ngày mới có được. Thế là nó tha. Mẹ nó chứ, khi hắn cầm súng đối đầu với cái chết ở chiến trường, chắc thằng chíp hôi này còn chưa là cái bào thai trong bụng mẹ nó. Thế mà nó đã lên giọng bảo hắn: “Ông đã vi phạm trật tự xã hội. Tuyến đường này đã cấm các loại phương tiện thô sơ mà ông vẫn cố tình đi vào, làm xấu bộ mặt của phố phường. Ông có biết bao nhiêu người đã đổ xương đổ máu đổ công đổ sức mới giữ được cho Hà Nội như bây giờ không?”. Thật quả, hắn đã cố nén. Chứ không bàn tay từng bấm cò B41 của hắn đã nện vỡ mẹ cái bản mặt bấm ra sữa ấy rồi. Từ cái ngày ở bộ đội về, quay quắt tìm việc làm mãi không được, hắn đành chấp nhận đặt đít lên chiếc xe xích lô. Ngay khi đó hắn đã phải xác định, làm cái nghề này là phải chịu nhục. Nhưng giả thử, hắn gò lưng chở khách để lấy tiền, khách không ưng điều gì mà mắng mỏ, thì hắn phải nhịn. Đằng này, cái thằng chíp hôi ấy nó vừa thở ra giọng kiểu cha bố, nó lại vừa giơ tay cầm tiền của hắn. Đồ khốn. Không vì sợ cái phương tiện nuôi vợ nuôi con bị thu giữ thì hắn cũng dám giơ nắm đấm ra lắm.

                                    *          *          *

            Xe hàng hôm nay khá nặng. Lưng áo hắn ướt sũng sịu. Cái khăn mặt vắt trên vai cũng âm ẩm do bị thấm mồ hôi. Đã gần cuối giờ chiều, chắc mấy tay cảnh sát quản lý khu chợ này đang ngồi ở đâu đó. Biết đâu chúng chẳng đang nâng cốc với nhau. Vì cái nắng chiều khá oi ả. Thôi, cứ liều đi ngược mấy chục mét phố này. Cũng chỉ đoạn ngắn thôi mà. Hắn cắm cúi đạp thật nhanh. Đã được hơn nửa đường. Chợt, một tiếng còi “tuýt” vang ngay sau lưng hắn. Hắn sựng lại. Người cảnh sát khu vực đã đứng kề bên:

-         Anh đã đi ngược chiều. Đề nghị anh tấp xe sát vào hè.

-         Thôi, anh cho xin. Chỉ còn mấy mét nữa là đến chợ - nhận ra bộ mặt quen của tay cảnh sát, hắn vừa tạt xe vào sát hè, vừa thở phì phò.

-          Tôi đã chiếu cố anh mấy lần rồi. Lần này anh phải chấp hành nghiêm chỉnh - Người cảnh sát nói nhỏ nhưng cương quyết, rồi rút túi ra tập biên lai ghi tiền phạt - Đáng lẽ trường hợp anh, tôi phạt năm chục. Nhưng tôi thông cảm với hoàn cảnh anh, tôi chỉ ghi phạt anh hai chục.

Từ sáng ngồi suông mãi, tận chiều hắn mới có chuyến hàng này, giờ rủi thế nào lại “dính đòn”. Có vài đồng bạc cầm đi theo, vừa ăn trưa, vừa vá cái lốp sau bị thủng, túi hắn nhẵn không còn một xu. Lúc này muốn cũng chẳng thể có tiền để dúi vào tay cái gã cảnh sát này. Mẹ nó chứ, đời không khác gì cục cứt chó… Máu trong người hắn tự dưng sôi lên. Cái thằng mặt búng ra sữa mới mấy hôm trước đã vặt hết tiền lao lực trong một ngày còng lưng của hắn. Nó còn lên giọng dạy cái thằng bằng tuổi bố nó. Giờ đến lượt thằng này, mày định khó dễ hả? Bố mày cương lên đấy, làm gì thì làm. Nghĩ vậy, hắn buông một câu bất cần:

-         Tôi hết tiền rồi.

-         Vậy anh đẩy xe lên hè. Về nhà lấy tiền đến nộp phạt - Người cảnh sát vẫn từ tốn.

Nghe vậy, hắn càng nóng mặt hơn, đổi cách xưng hô:

-         Tao không về. Tao đ… có tiền.

-         Tôi đã viết biên lai rồi, không thay đổi được. Anh về nhà lấy tiền. Chiều lên đồn làm việc với chỉ huy của tôi - Vừa nói, người cảnh sát vừa cúi xuống cuốn hoá đơn đặt trên yên chiếc xích lô, xé tờ biên lai.

Nhìn động tác xé biên lai thu phạt của người ảnh sát, trong tích tắc cơn giận dữ bột phát đã xúi hắn làm một việc điên rồ. Hắn lao đến cái bàn bán thịt ngay gần cửa chợ, cầm phắt lấy con dao to bản. Nhanh như cắt, hắn chạy veo đến bên người cảnh sát, dang cao tay. Xung quanh vang lên nhiều tiếng rú, tiếng thét. Chưa kịp hiểu cái gì đang xảy ra, người cảnh sát đã bị hắn xả một nhát thẳng đỉnh đầu. Cái mũ mềm của cảnh sát không đủ sức cản nhát dao. Máu chảy tràn xuống trán và quanh đầu người cảnh sát. Vẫn còn đủ tỉnh táo, người cảnh sát đưa tay trái lên ôm đầu, tay phải nhanh nhẹn tóm được cái tay cầm dao của hắn đang phang xuống. Trong tư thế thấp hơn người cảnh sát, hắn không thể bổ dao bằng cả cánh tay. Bị tóm chặt nơi cổ tay, hắn càng điên loạn, nhưng chỉ có thể cử động được bằng cổ tay. Vì thế, những nhát chém tiếp sau nhẹ hơn, vào phần mềm ở trán và một bên cổ. Trong phút chốc, mọi người đổ xô đến quây đặc xung quanh. Mấy thanh niên nhảy vào giữ chặt được hắn. Cùng lúc, những người khác gọi tắc xi, đưa người cảnh sát vào bệnh viện.

                                                *          *          *

Sau mấy ngày ở trại tạm giam, hắn dần hồi tâm. Ngẫm lại, hắn không thể hiểu tại sao mình lại làm như vậy. Hắn ân hận. Hắn bị dày vò. Đêm đêm, hắn mê sảng. Hắn luôn thấy một người đầu đầy máu me lờn vờn trước mặt. Có đêm hắn hoảng quá vùng thức dậy, người vã mồ hôi. Sau hôm vợ hắn và vợ người cảnh sát vào thăm, hắn càng bị day dứt ghê gớm. Vợ hắn nom tiều tuỵ hẳn. Vốn là người yếu ớt, nay xảy việc tày đình của chồng, lại càng thảm hại hơn. Hắn cũng ngỡ ngàng trước cuộc viếng thăm của vợ người cảnh sát. Dáng vẻ chị ta phúc hậu. Nói năng dễ nghe. Không có ý hận thù gì hắn. Còn an ủi nói rằng, đã đến nhà và hiểu được hoàn cảnh gia đình hắn. Lại còn nói, sắp tới toà sẽ đưa ra xử vụ của hắn. Giúp được gì, chị ta sẽ giúp, cứ yên tâm. Thế này thì còn trời đất gì nữa!? Trước nay, hắn và rất nhiều những người làm nghề tự do như hắn chưa bao giờ có cảm tình với mấy kẻ hay giở giọng “nhân danh pháp luật” như vợ chồng chị ta. Thì đấy. Hắn đã chẳng bị cái thằng chíp hôi mặc quân phục cảnh sát nấp ở gốc cây vặt hết tiền mồ hôi nước mắt là gì. Nó cũng nhân danh pháp luật đấy. Nhưng nhân danh pháp luật để “bóc” những người đã từng vào sống ra chết như hắn… Thế mà nay…

                                                *          *          *

Và, hôm nay. Tại phiên toà này. Người bị hại vết thương còn chưa lành hẳn đã lên tiếng xin giảm nhẹ hình phạt cho hắn. Họ cũng là những người nhân danh pháp luật, nhưng họ khác hẳn những kẻ khác. Thật vậy. Bình tĩnh suy ngẫm lại hắn mới thấy, hắn sai quá rồi. Đúng là anh ta đã tha bổng hắn mấy lần. Đúng là anh ta rất biết hoàn cảnh gia đình hắn. Tại sao anh ta biết? Hắn không giải đáp được. Lần vừa rồi hắn vi phạm, anh ta cũng chỉ phạt cảnh cáo có hai chục nghìn đồng. Trong thời gian hắn bị tạm giam, vợ anh ta đã đến thăm gia đình hắn. Đã cho quà vợ con hắn. Sao hắn không phân biệt được kẻ xấu người tốt nhỉ. Bất cứ ở đâu, bất cứ nơi nào, mà chẳng có trắng có đen, có trong có đục, có tốt có xấu. Cuộc sống bươn chải vất vả đã làm hắn lú lẫn, mê muội mất rồi. Sao hắn lại làm một việc điên rồ đến vậy. Có thể nại ra muôn ngàn lý do giải đáp cho sự ngông cuồng mà hắn vừa phạm, cũng không thể tha thứ. Hắn thấy mình đáng tội chết! Vậy mà…

Hai tay bị cùm. Hai người cảnh sát kèm hai bên giải hắn ra xe. Họ xốc hắn lên thùng xe. Trước khi cửa xe đóng ập vào, một lần nữa hắn quay người lại, cúi rạp xuống, chắp tay vái về phía hai vợ chồng người cảnh sát. Hắn cũng còn kịp nhìn thấy trên đầu, bầu trời cao và trong xanh quá.

                              Báo Lao động Thủ đô cuối tuần, từ 8-15/3/2007

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét