Chủ Nhật, 26 tháng 11, 2023

NỖI NIỀM QUÊ NGOẠI (Báo Văn nghệ số 14/2007)

            Con đường Láng - Hoà Lạc rộng mở, đưa xe tôi bon bon trên nẻo về quê ngoại. Quê ngoại của tôi giờ gần Hà Nội lắm, chưa tới năm mươi phút đồng hồ đi bằng xe máy. Cây đa đầu làng đã sừng sững trước mắt. Toàn thân tôi chợt gai gai, bồn chồn. Ký ức một thuở tưởng như xa lắc, xa lơ chợt cuồn cuộn chảy về, quấn quýt, xoắn bện trong cái đầu chộn rộn, xốn xang của tôi. Quẹo vào con đê làng một đoạn ngắn, xe máy của cậu tôi phanh gấp. Xe tôi cũng khựng lại theo. “Chính chỗ này đây, ngót hai mươi năm trước, mẹ cháu bị kẹt chân vào bánh xe của dì Nhu, khi dì và cậu đưa mẹ về viếng mộ ông bà ngoại. Cậu với dì lo quá. Cậu cứ nâng lấy gót chân của mẹ cháu, hỏi: Chị ơi, chị có đau lắm không? Vậy mà, đã gần hai mươi năm. Giờ, cả mẹ cháu cũng đã không còn!”.  Giọng cậu buồn buồn, xa xót.

Đoàn xe của gia đình tôi lại tiếp tục nối đuôi nhau trên đoạn đê lầm bụi, gồ ghề. Con đê quai yên tĩnh, trải dài những thảm cỏ xanh với lô nhô những bụi cỏ may xưa, nay đã chịu lùi bước trước tốc độ đô thị hoá ngổn ngang, dang dở. Chỉ bụi và bụi. Dọc theo triền đê, cách từng đoạn là những căn nhà mái bằng hiện đại, nhưng cửa cũng đóng kín mít để che chắn bụi đường (có thể cả… bụi đời). Chỉ vài trăm mét theo cánh chim bay, từ con đường cao tốc hiện đại, qua quãng đê làng, là tới đất quê ngoại, nơi mà gần bốn mươi năm trước, lũ trẻ con chúng tôi đặt bước chân lạ lẫm đầu tiên của mình về đây tìm nơi tránh đạn bom của máy bay Mỹ. Thật gần! Vậy mà, kể từ sau Hiệp định Pari được ký kết năm 1972, tôi mới trở lại nơi này, chốn chở che ôm ấp tuổi thơ tôi một thuở. Mặc cảm có lỗi với quê ngoại nhói đau trong tim tôi.

Cũng con đê này thuở ấy, mỗi chiều hè khi mặt trời dần khuất sau rặng tre, mẹ ôm manh chiếu mỏng, kéo lũ trẻ chúng tôi lên triền đê hóng mát. Gió nam phe phẩy. Từng đám, từng đám mây trắng bay trên nền trời xanh, tạo nên những con thỏ, con chó, con chim nhỏ… xinh đẹp trong trí tưởng tượng của lũ trẻ chúng tôi. Chúng tôi tung tăng vô tư trong không gian thanh bình cùng ánh mắt dịu dàng của mẹ. Chẳng tiếng máy bay gầm rú. Không bom đạn ì ầm. Người lớn ngồi trò chuyện. Lũ trẻ chạy đùa vui. Nhiều đứa cố tình lùa chân vào những đám cỏ may, để hoa cỏ đâm tua tủa vào hai ống quần. Đuổi nhau đến mệt nhoài, cả bọn lăn ra chiếu, mồm miệng tranh nhau thở. Chợt có đứa đố, chúng mình thi nhặt hoa cỏ ra khỏi ống quần, xem ai xong nhanh nhất. Vừa nhặt, cả lũ vừa lắng tai nghe mẹ kể về sự tích hoa cỏ may. Chuyện rằng, xưa có hai người yêu nhau, vì trắc trở nên nỗi chia ly. Người con trai thầm lặng ra đi. Người con gái chờ đợi, chờ đợi hoài mà chẳng thấy người yêu dấu của lòng mình trở lại. Thất vọng và đau đớn, nàng sinh bệnh rồi chết. Tại nơi nàng trở thành cát bụi, mọc lên vô vàn những đám cỏ lạ. Đó chính là cỏ may. Hoa cỏ may dễ vướng vào ống quần tất thảy mọi người đi qua. Tương truyền, nếu người đi qua là chàng trai nọ, hoa cỏ may sẽ bám chặt mãi mãi vào ống quần. Giờ đã qua gần bốn chục năm, câu hỏi thời con trẻ của chúng tôi vẫn chưa có lời giải đáp, rằng đã có ai không thể gỡ nổi hoa cỏ may?

Con đường làng xưa, vẫn con đường ấy; nhưng thay thế cho những lớp gạch đỏ lát nghiêng là mảng dày bê tông uốn lượn. Rất nhiều mái nhà cũng đã bê tông, xoá đi dấu vết của những mái ngói ta giản dị và những mái rạ đơn sơ xưa. Cả dấu tích những rặng tre xanh mướt bao quanh làng, sớm tối rì rào, lắc lư kẽo kẹt, nay cũng chỉ còn trong ký ức của những người quen hoài cổ. Ngày đó, vào buổi tối mỗi khi có việc qua những rặng tre, lũ trẻ con chúng tôi thường hay đi dính vào nhau, run run sợ sệt. Có đứa, vừa đi vừa ngoái đầu nhìn lại nghi hoặc. Tiếng dép guốc lẹt quẹt của chính mình mà như thấy có ai đó đang đuổi phía sau. Thế rồi, chẳng đứa nào bảo đứa nào, cả lũ chợt ù té chạy. Về đến nhà, đứa đứng, đứa ngồi, đứa lăn đùng ra giường, cùng cười rũ rượi. Thấy vậy, ngoại ngồi bỏm bẻm nhai trầu trên chiếc sập gỗ giữa nhà chửi yêu: Cha bố chúng mày. Chỉ thần hồn nát thần tính!

Nhà ông chủ, nơi gia đình tôi ở nhờ những năm sơ tán, đã thay đổi nhiều. Cũng phải thôi, đã ngót bốn mươi năm rồi cơ mà! Theo quy luật sinh tồn, ông chủ và bà vợ cả đã quy tiên. Bà vợ hai, thường gọi là bà Hai Sót, may mắn vẫn đang khoẻ mạnh. Nay bà đã được trên tuổi tám mươi. Cây mít đầu nhà sai lúc lỉu quả đã bị chặt đi. Cối giã gạo liền kề vẫn còn đó. Lặng trong chốc lát, tôi như thấy lại hình ảnh bà Hai Sót nghiêng nghiêng đầu, tay vịn chiếc dây thừng treo ròng xuống từ nóc chái nhà. Mồ hôi bà lã chã trên gương mặt nhọc nhằn, mắt hơi nhắm, chân đều đều nhấc lên hạ xuống nhịp nhàng, làm vang lên tiếng bộp bộp của chày nện xuống cối gạo. Khi chúng tôi bước chân vào đến cổng nhà, bà nhận ngay ra người quen thuở loạn ly sơ tán. Cuộc sống vất vả, khốn khó nơi thôn quê, cùng phận làm lẽ thiệt thòi, đã không làm mai một được cái trí nhớ mộc mạc và tinh anh của bà. Bà gọi ra rành rẽ tên từng người trong đám anh em chúng tôi: Anh Đẩu phải không? Trời đất! Đâu còn cái thằng Đẩu nhanh nhẹn, đảm đang, biết lo cho mẹ, biết thương các em, nhưng vẫn nghịch ngợm vô cùng, nay đã vào tuổi ngót lục tuần, râu ria lởm xởm. Bà nhắc lại cái vụ, anh cùng con trai bà đi câu cá trộm của hợp tác xã ban đêm. Lớ quớ thế nào, khi giật cần lên, cá đâu chẳng thấy, anh còn bị lưỡi câu chùm móc vào mu bàn tay, làm cả nhà lo sốt vó. à, thế Vân đâu? Dạ, chị Vân giờ đang làm dâu xứ người. Thế ư, con Điều cũng vậy. Nhưng khác một nỗi, Điều bị lừa bán sang Trung Quốc, nay muốn về thăm mẹ thăm anh cũng không thể vì không đủ thủ tục pháp lý, cùng cuộc sống khó khăn nơi đất khách. Đành, mỗi năm gửi vài lá thư mang chữ hiếu về với mẹ nơi quê. Tệ nạn thời hội nhập đã len lách vào tận ngóc ngách từng gia đình nông dân thuần phác quê ngoại tôi; gây nỗi đau chia cắt tựa cái thuở ngăn sông cấm chợ xưa vậy! Cũng chẳng có gì lạ. Hội nhập phát triển thì phân hoá giàu nghèo càng tăng. Sẽ xuất hiện không ít kẻ gian manh sống bằng những đồng tiền bất minh, trong một ngày có thể bay đến nhiều sòng bạc nổi tiếng trên thế giới chỉ để đốt cả triệu đô và ăn chơi trác táng. Tồn tại song hành là lớp lớp những người khốn khó, ăn không đủ no, mặc còn thiếu ấm, chày trật mưu sinh trên bãi rác thải của kẻ giàu có. Trong số đó không thiếu những cô gái như Điều - con bà Hai Sót, đang lắt lay nơi đất khách, khát khao chỉ một lần ngoái lại cố hương, mong một lần được đắm mình trong vòng tay ấm áp của mẹ, mà vô cùng khó! Vậy là, quê ngoại tôi cũng đã rơi vào vòng xoáy phân hoá giàu nghèo của sự phát triển. Bởi vậy, trước lúc bước vào đất làng, tôi chẳng dám chắc, mình tìm lại được những tình cảm nồng ấm chân chất thuở xa xưa. Băn khoăn một chút, và cũng tự trách mình thật nhiều. Chỉ đến khi tay bắt mặt mừng, tôi biết mình đã tìm lại được vị ngọt lịm của nước mật tứa ra khi ăn củ khoai lang vùi nướng trong đụn rạ; tôi như thấy mình đang ngửa mặt hóng gió lộng triền đê những chiều hè oi ả; tôi như đang được vẫy vùng dưới làn nước trong veo sông Đáy; tôi như còn thấy cả hơi lạnh ẩm nồng nồng của những hang núi đá vôi, khi ngoại đem cơm nắm muối vừng, dẫn lũ trẻ chúng tôi tìm vào để tránh bom Mỹ...

Giờ thì tôi hiểu, mình vẫn còn một chốn để đi về, vẫn còn một nơi để nương náu; để mà tìm lại sự thanh thản cho tâm hồn, sự bình yên cho con tim, mỗi khi cuộc sống chợt xô những cơn sóng to gió cả. Vậy mà, gần bốn chục năm nay…

Bà Hai Sót còn anh con trai nữa trên Điều, tên là Đê - Nguyễn Thế Đê. Đê nay làm Trưởng thôn, kiêm Bí thư chi bộ thôn 2, xã Phượng Cách. Tác phong Đê nhanh nhẹn, thoải mái. Giống mẹ mình, Đê bắt tay và gọi chính xác tên từng người trong gia đình tôi. Phút gặp mặt giữa hai gia đình thật cảm động. Bao kỷ niệm xưa ùa về. Kia là bờ ao, nơi giặt giũ, vo gạo, rửa rau, còn là chỗ bơi lội của lũ chúng tôi; giờ đã bị bức tường xây bịt lại, giữ an toàn cho lũ trẻ khỏi ngã xuống ao. Đây là nơi đặt chiếc chum, hứng nước mưa từ hai chiếc mo cau, buộc nối hai thân cây cau xuống miệng chum. Nước này được dùng để ăn uống. Cây bồ kết gội đầu nơi góc vườn có vòm lá xum xuê xanh ngắt ngả cành la đà xuống mặt ao đã bị thay thế bằng các loại sữa gội với vô vàn hương thơm hoá chất khác nhau, được pha chế từ những dây truyền sản xuất hiện đại. Xưa, chúng tôi thường trèo lên, hái những quả bồ kết vừa chín tới, bóc ra, ăn lớp cùi trong trong giữa hạt và vỏ. Không mùi. Không vị. Nhưng lũ trẻ chúng tôi vẫn lấy làm khoái lắm. Dãy nhà chính còn đó. Gian giữa vẫn chiếc ban thờ xưa. Bên trái là nơi đặt chiếc giường của bốn mẹ con tôi. Dấu tích bao năm long đong, lận đận của mẹ hiện về…

Hà Nội, những năm dài chiến tranh phá hoại ác liệt của bom đạn Mỹ. Hằng tuần, mẹ một mình lọc cọc với chiếc xe đạp cũ, tiếp tế cho chúng tôi chai nước mắm, lọ muối vừng, vài ba lon gạo, mấy cân bột mì, dăm chiếc kẹo đường đen... ngủ lại với chúng tôi một vài đêm. Mẹ dặn dò tỉ mỉ cách ăn, nếp ở. Rồi mẹ lại tong tả quay về Hà Nội. Nơi đó, mẹ còn có một người chồng - cha của chúng tôi. Nghĩa vụ của mẹ, còn phải chăm sóc động viên cha qua những ngày đêm khói lửa, để cha nhanh chóng có được những trang bản thảo kịch, phục vụ kịp thời các chủ trương kháng chiến ở giai đoạn này. Mẹ cứ vậy đi và về, trong một giai đoạn dài, giữa hai đầu gánh nặng. Một bên là chồng. Một bên là những đứa con thơ. Khi lo cho bên này. Lúc nghĩ về bên kia. Mẹ đã tham gia kháng chiến, theo cách của mẹ là vậy… Nay, mẹ cũng đã đi xa… Rất xa quê ngoại. Còn chúng tôi, hiện hầu hết đã ở tuổi được gọi là ông là bà, đang quay ngược quá khứ, tìm về quê ngoại, tìm về một nửa nguồn gốc đã tạo ra mình, để mà thương, mà nhớ… Để mà ân hận muộn màng…

Trên đường vào làng, xe tôi đi qua chiếc cầu có tên “Cầu sông Đáy”. Tôi ngơ ngẩn nhìn lạch nước nhỏ xíu, đầy rác rưởi dưới cầu, nơi vẫn được gọi là Sông. Hỏi thăm Đê mới biết, đó chính là con sông Đáy nước trong veo mát lạnh thuở nào, mẹ con tôi hay rủ nhau ra lội nước, rón rén lần theo vết con chai bò trên mặt cát đáy sông, để thò tay tóm được cu cậu nơi cuối vệt đường đi. Ôi, con sông Đáy thanh sạch nhẹ nhõm tuổi thơ tôi, giờ là nơi đang oằn mình dưới lớp lớp những rác rưởi xú uế tạp nham vô ý thức của con người; không còn đâu trong veo nước chảy; cũng chẳng thấy trải dài lớp lớp phù sa mầu mỡ, nguồn dưỡng chất nuôi sống bạt ngàn vạt mía ven sông. Đê bảo: Đang có dự án đầu tư nạo vét, để tái hiện con sông Đáy trong veo uốn mình như dải lụa đào trước kia. Nghe đâu, cũng vài chục tỷ đồng. Thật buồn! Sự phát triển ồ ạt, không theo một quy hoạch đồng bộ, cùng với cung cách đua chen mạnh ai nấy sống của con người đã xoá sạch dấu vết hài hoà của đồng ruộng sông bãi đan xen xưa. Đường xá mịt mù bụi. Và, những đống rác thải chất chưởng ven đê với đủ các loại nilon, đồ hộp sắt tây, giấy bìa các tông, quần áo cũ rách… Tất cả đang hiện hữu trong một không gian lổn nhổn mới cũ. Ngắm nhìn quê ngoại, cảm nhận một thời đoạn đổi thay, nếp sống truyền thống vẫn còn đó, cái mới ào ạt tràn về, tân cổ giao duyên. Nó giống như các bà già váy đen áo nâu sồng, miệng nhai trầu bỏm bẻm cùng tồn tại dưới một mái nhà với những cô gái mới lớn, quần bò trễ rốn áo hở cả hai vai, và những chàng trai vuốt keo cứng dựng đứng mái tóc ngỗ ngược trước trán, miệng thổi kẹo cao su bôm bốp… Tôi thầm nuối nhớ cảnh xưa, đau đáu mong muốn một đổi thay hoàn mĩ… ừ, biết đâu đấy, rồi đây Dự án nạo vét Sông Đáy sẽ được triển khai. Bằng những trải nghiệm mất mát giai đoạn qua, do sự phát triển chưa cân đối, do nhận thức còn chưa bắt kịp với xu thế thời đại; nhất định những người nông dân cần cù thuần chất lam lũ quê ngoại tôi sẽ biết yêu quý hơn những giá trị truyền thống, họ sẽ tìm cách khôi phục giữ gìn những giá trị ấy, làm cho nó hài hoà với cách sống văn minh hiện đại thời nay. Tôi hy vọng lắm…

Nhà bà Hai Sót có thêm một căn xây kiên cố, ngự trên vị trí gian bếp cũ. Đây là chỗ ở của vợ chồng cậu con trai Đê, tức cháu nội bà. Phía sau ngôi nhà này, vẫn là chuồng lợn, nhưng khác xưa lắm. Một dãy chuồng nền bê tông sạch sẽ, kéo dài hết mảnh vườn nhỏ, nơi trước kia bà Hai Sót trồng mấy luống rau su hào, bắp cải và một cây hồng bì cho quả ngọt lừ. Trong chuồng có dăm con lợn nái to kềnh càng. Đê bảo, mỗi năm cũng được vài lứa giống. Cũng chỗ này, hồi gia đình tôi sơ tán ở nhờ, chỉ có một ngăn chuồng lợn nhỏ, nuôi theo kiểu cũ. Chuồng đầy phân lợn, rác rưởi, tro bếp... ướt xình. Con lợn nuôi trong chuồng ủn ỉn giữa phân và rác nhóp nhép. Góc chuồng còn gác một thanh gỗ nhỏ, cho đám trẻ con ngồi lên đó chổng mông “ệ” xuống. Có lúc, con lợn ngổng lên, há mõm khịt khịt. Chúng tôi dọa nhau, khéo lợn đớp mất chim. Nuôi lợn kiểu này để tận dụng phân chuồng bón ruộng. Khi đó chẳng ai thấy như vậy là rất mất vệ sinh. Do nếp sống cũ, do tập quán ăn ở xưa. Cũng còn là đang trong giai đoạn đất nước liên miên khói lửa chiến tranh, việc bảo vệ môi trường sống trong lành, nào có điều kiện nghĩ tới? Giờ ngẫm lại, mới thấy tất cả sao vô tư thế. Vô tư sống, vô tư tìm mọi cách để tồn tại trong bất kể hoàn cảnh và điều kiện khó khăn nào; tất thảy nhằm dồn sức cho mục tiêu chung, là chiến thắng giặc ngoại xâm và thống nhất đất nước. Ngay cả những người Hà Nội là chúng tôi về ở, cũng thật nhanh chóng hoà nhập với nếp sống thôn quê mộc mạc xưa cũ ấy.

Tôi nhìn quanh nhà, hỏi Đê: “Điện thoại đâu?”. Đê cười: “Làm gì có?”. Tôi đùa: “Lương Trưởng thôn kiêm Bí thư chi bộ không đủ lắp điện thoại à?”. Vẫn cười: “Kiêm cũng chỉ được một phụ cấp thôi” - “Thế mỗi khi có việc gì thì Trưởng thôn - Bí thư chi bộ phải chạy bộ quanh làng để báo cán bộ đến làm việc à?” Cũng vẫn cười: “Thì chỉ có mấy người, đạp nhoáy một vòng xe là xong mà”. Trời đất, thời buổi này, khi mà mỗi buổi sáng, tôi có thể đánh thức con gái đang ngủ ở bên kia quả địa cầu bằng một cú nhắn tin qua Internet miễn phí, thì một Trưởng thôn chỉ cách xa trung tâm Thủ đô khoảng ba mươi cây số đường chim bay mà vẫn phải đi báo việc bằng chiếc xe đạp tèng tèng… Thương quá, quê ngoại của tôi ơi!

Thắp nén nhang lên ban thờ ông bà chủ với lời khấn muộn màng xin thứ lỗi, chúng tôi lên đường về Hà Nội. Phút chia tay chủ khách cũng thật bịn rịn. Tôi ôm vòng bờ vai bà Hai Sót. Cảm giác ấm áp lạ. Người đàn bà cao lớn xưa, nay tấm lưng cũng đã còng xuống, thấp bé. Thoáng trong tôi một ý nghĩ, nếu giờ bị rơi vào cảnh loạn ly sơ tán như gần bốn mươi năm trước, dám chắc, bà Hai Sót lại dang rộng vòng tay già nua phúc hậu này, đón chúng tôi trở về nơi quê ngoại để ẩn náu hiểm hoạ! Tôi rơm rớm nước mắt, lấy ngón tay lén lau, quay hỏi Đê: “Thế nào, cố bố trí ra Hà Nội chơi nhé - tôi hẹn Đê - Có nhớ địa chỉ không?”. Đê nhanh nhẩu: “Sao không? Số nhà 47 Hàm Long, làm sao không nhớ!”. Đây thực sự là một bất ngờ với anh chị em chúng tôi. Số nhà 47 Hàm Long, nơi gia đình tôi ở, cái địa chỉ mà bao lớp học trò của Nhà viết kịch Lộng Chương đã đi về và coi đó như mái ấm của mình, cũng đã kịp in dấu trong trí nhớ cậu con trai nhỏ xíu chưa đến tuổi lên mười của ông chủ nhà, nơi chúng tôi sơ tán ở nhờ gần bốn chục năm trước. Điều này càng làm tăng mặc cảm có lỗi với quê ngoại trong tôi.…

Con đường về nhà chang chang nắng, cái nắng sát Tết trái mùa sao mà gắt gao. Xe tôi mải miết bon, dần xa quê ngoại. Nhưng càng xa, trong tôi càng khắc khoải về những hoài niệm xưa…

                                                    (*) Báo Văn nghệ số 14 (7/4/2007)                                                          

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét