Nhà Thơ Trần Huyền Trân |
Vừa qua, gia đình cố nhà thơ nổi tiếng
Trần Huyền Trân khánh thành nhà lưu niệm ông. Nhà lưu niệm được xây ngay trên
chính mảnh đất gia đình ông sống từ khi hoà bình lập lại đến nay, tại 175/ngõ
180/đường Nguyễn Lương Bằng(phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội). Suốt
nhiều năm qua, bà Hạc Đính - vợ ông, cùng các con, đặc biệt là anh con trai cả
Trần Kim Bằng, đã dồn tâm dồn sức để sưu tầm, sắp xếp và xây dựng nên cái kho
tư liệu quý giá này. Ngắm nhìn nhà lưu niệm, chợt trong tôi ùa về hình ảnh của
gian nhà cấp bốn cũ kỹ, ọp ẹp ở nơi đây trước kia.
Gian nhà ấy từng là nơi che mưa che nắng
suốt quãng đời dài khốn khó nhưng tràn trề hạnh phúc của ông bà. Nhưng cũng tại
đây, liên tiếp có những cái “hạn” giáng xuống ông bà, tưởng chừng không thể
gượng dậy nổi đối với mỗi người. Gian nhà tre nhỏ mang đặc trưng dấu ấn văn hoá
Việt của ông bà đã bị thiêu trụi sau một trận giặc lửa tới thăm. Bao ky cóp,
dành dụm nhỏ nhoi sau lần duy nhất ông được “ưu tiên” ra công tác nước ngoài,
bị mấy tên đạo chích vét sạch chẳng tha. Đã khốn khó, ông bà càng khốn khó hơn.
Tiếp đến, đứa con gái ngoan, học giỏi của ông bà bị mất trên đất người trong
khi du học là cú xỗc quá nặng, chẳng thể tả bằng lời. Vậy mà bà vẫn phải gượng
đứng lên; bởi bà vẫn phải sống vì ông, vì những đứa con còn lại. Thế nhưng, nỗi
bất hạnh tiếp tục trút lên đôi vai mềm yếu của bà. Chỉ vài năm sau, ông mắc
bệnh hiểm nghèo. Đằng đẵng suốt 4 năm trời, bà kiêm tất cả: là người vợ chu
đáo, người mẹ tảo tần, người hộ lý cần mẫn, người thư ký siêng năng… Và, tất
nhiên bà phải là người chủ lo lắng kiếm tiền để duy trì cuộc sống bình thường
của một gia đình với những đứa nhỏ và một mẹ chồng già nua, hiền hậu. Trong
những tháng năm ông trên giường bệnh, bạn bè, thân hữu đến thăm ông, chắc chắn
chẳng ai quên được hình ảnh bà ngồi bên chồng, đọc cho ông nghe một bài báo,
chép giúp ông một ý thơ chợt tới, chuyện trò an ủi những khi ông đau…
Giờ đây, đã mấy chục năm trôi qua. Những
cái “hạn” cuộc đời của bà đã lùi vào dĩ vãng. Nhưng, cũng ngần ấy năm trời, bà
Trần luôn đau đáu nỗi niềm, làm sao để lưu giữ, bảo tồn những di vật thiêng
liêng, quý báu của chồng. Trong bà vẫn nhớ như in từng kỷ niệm lúc ông sinh
thời. Đó là những ngày đầu kháng chiến, được ông chọn đóng vai trong vở 19.8
(của ông và Thâm Tâm); từ đó, ông bà quen nhau rồi yêu nhau. Tiếp đó là đám
cưới tiết kiệm và giản dị, trong không khí sục sôi của cách mạng tại Thủ đô,
của kiều nữ (cô Hạc Đính) được yêu chiều của cụ Nam hương Bùi Huy Cường - một
nhà thơ ngụ ngôn tiếng tăm đất Hà Thành thời Pháp thuộc, với Trần Huyền Trân -
Nhà thơ nổi tiếng với những câu thơ chỉ thoáng đọc đã se sắt đến thắt lòng:
“Người ơi mưa đấy hay sênh phách. Tay yếu gieo lòng xuống chiếu hoa”; rồi gần
chục năm trời gồng gánh nuôi con cùng ông ở Chiến khu Việt Bắc; những ngày đầu
về Thủ đô, trong cái khó chung của đất nước, ông bà dành dụm mua được mảnh đất
con con, heo hút phía sau Nhà thờ Nam Đồng, xây nên căn nhà nhỏ, giản dị
mà đầm ấm. Thế rồi, một giai đoạn dài… những cái “hạn” và “hạn”… cứ thế nối
tiếp nhau…
Giờ đây, cũng chung ý nguyện của bà, các
con bà đã cùng nhau gắng sức, cùng nhau tạo dựng được một chốn trang nghiêm mà
ấm cúng, lưu giữ những vần thơ bi tráng lay động lòng người xuyên suốt nhiều
thế hệ của ông; những kỷ vật thiêng liêng từng theo ông bao năm dài hoạt động
nhiệt thành và sôi nổi phục vụ cách mạng; có cả những tặng phẩm của các nhân
vật tri kỷ tri âm (Thâm Tâm, Nguyễn Bính, Lộng Chương…) cùng thời tặng nhà
thơ...
Anh Nguyễn Kim Bằng thổ lộ cùng tôi: việc
xây nên nhà lưu niệm này chỉ là chuyện nhỏ so với mấy năm trời tôi tìm tòi, sưu
tầm, chỉnh lý, xắp sếp những kỷ vật của bố tôi.
Điều này tôi hiểu, bởi để có kết quả như
hôm nay, có những việc không thể đơn thuần tính bằng tiền! Và, được anh
thực hiện trong hoàn cảnh hết sức bận rộn của một người làm báo thời sự;
trong điều kiện phải lặn lội, liên hệ, tìm kiếm những tư liệu bị thất lạc của
nhà thơ. Tôi cũng còn biết một điều, anh chị em anh gây dựng nên nhà lưu niệm
bố, còn là sự báo hiếu dành cho mẹ - bà Hạc Đính Trần Huyền Trân, người đã một
đời tâm nguyện sống vì chồng vì con.
Trong không khí trang trọng và đầm ấm của
ngày khánh thành, bà Trần Huyền Trân thở phào vẻ mãn nguyện: Vậy là tôi yên
tâm lắm rồi. Tôi sẽ cố giữ gìn sức khoẻ để tiếp tục chăm sóc những kỷ niệm của
ông ấy; sống cùng ông trong quãng đời còn lại.
Báo Phụ nữ Thủ đô, 8/3/2006
1 nhận xét:
Cảm ơn bài viết của Thắm. Đọck lại thấy nhớ thương các Cụ nhiều.
Đăng nhận xét