Thứ Năm, 25 tháng 6, 2020

Tưởng niệm 10 năm ngày mất Nhà viết kịch Lộng Chương(*)

Cập nhật lúc 21:47, Thứ tư, 03/07/2013 (GMT+7)
   
 (ĐCSVN) – Sáng 3/7, tại Hà Nội, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam và gia đình Nhà viết kịch Lộng Chương tổ chức Lễ tưởng niệm 10 năm ngày mất của ông (2003 - 2013).

Dự lễ tưởng niệm có đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí  Đào Duy Quát, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cùng các nhà nghiên cứu, các nghệ sĩ và gia đình nhà viết kịch, đạo diễn Lộng Chương.

Nhà viết kịch Lộng Chương tên khai sinh là Phạm Văn Hiền, sinh năm 1918, quê gốc ở Hồng Châu Thượng (Hải Dương), tốt nghiệp đại học ngành hoá năm 1939, làm chế hoá viên tại phòng thí nghiệm nông lâm Đông Dương, rồi tham gia hoạt động sân khấu. Ông đã được Đảng, Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật năm 2000 do có nhiều cống hiến lớn và để lại dấu ấn ở các phương diện: sáng tác; đạo diễn; tổ chức hướng dẫn, thành lập một số Đoàn Sân khấu của Hà Nội, một số địa phương và có nhiều vở diễn nổi tiếng.

Nhà viết kịch, đạo diễn Lộng Chương nguyên là Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam Khóa I (1957 - 1983). Ông cũng từng là thày dạy của các thế hệ đạo diễn, diễn viên như Đoàn Dũng, Doãn Hoàng Giang, Trọng Khôi...

Bút danh Lộng Chương lần đầu tiên được ký dưới cuốn tiểu thuyết phóng sự "Hầu thánh", tiếp đó là các tác phẩm kịch "Chiến đấu trong lòng địch" (1954), "Chặn tay chúng lại" (1959), "Đôi ngọc lưu ly" (1961), "Mai sau" (1967), "Dũng sĩ Rạch Gầm" (1967), "Cửa hé mở" (1969), "Cánh chim luân lạc" (1975), "Quẫn" (1978), "Tình sử Loa thành" (1979), "Án tử hình" (1981)...
  
Lễ tưởng niệm 10 năm ngày mất nhà viết kịch Lộng Chương. Ảnh: Huy Lê

Trên 100 vở kịch, chèo, múa rối của Lộng Chương được coi là tiêu biểu cho sự gắn bó của một trí thức với số phận dân tộc. Bằng ngôn ngữ trong sáng, giản dị, gần gũi với quần chúng, bám sát hiện thực đời sống, những sáng tác trên luôn đáp ứng kịp thời những vấn đề đặt ra trong xã hội bởi ông quan niệm: “Nghệ thuật không thể dùng cách nói lấy lòng, vì như thế là giết chết nghệ thuật”.

Với mảng hoạt động báo chí, Lộng Chương cũng là tác giả của nhiều ký sự, phóng sự, hàng trăm bài văn vần, ca dao, nhằm động viên tinh thần chiến đấu và sản xuất của bộ đội, dân công, nông dân, công nhân… Ông viết văn vần, ca dao ở mọi nơi, mọi lúc; viết bằng nhiệt tình của người trí thức giác ngộ cách mạng, bằng lương tâm và trách nhiệm công dân, bằng trí thông minh và sự nhạy bén của mình. Ông còn viết rất nhiều tiểu luận, lý luận phê bình sân khấu đăng trên báo chí đương thời. Nói về Lộng Chương, có thể khẳng định rằng, cả cuộc đời ông đã sống hết mình vì một nền nghệ thuật chân chính, vì hạnh phúc của nhân dân. Nhà hoạt động văn học, sân khấu, báo chí Lộng Chương chính là sự hoà quyện bền chặt giữa con người nghệ sĩ và con người chiến sĩ.

Tưởng niệm 10 năm ngày mất nhà viết kịch Lộng Chương, nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật đã ôn lại những kỷ niệm và chia sẻ những cảm xúc yêu thương, trân trọng đối với ông.
NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam khẳng định: 10 năm qua, cây đại thụ này vẫn che bóng mát để cho lớp nghệ sĩ sân khấu trẻ Việt Nam coi đó là tấm gương lao động nghệ thuật. Chân dung của Nhà viết kịch Lộng Chương vẫn được kính cẩn treo tại phòng họp của Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam để mỗi nghệ sĩ ý thức vẫn như có ông luôn bên cạnh nhắc nhở, khích lệ mọi sáng tạo, đưa sân khấu nước nhà vượt qua mọi khó khăn trong cơ chế thị trường.

Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam - Nhà thơ Hữu Thỉnh đánh giá cao những sáng tác của Nhà viết kịch Lộng Chương. Ông cho biết: Dù không học văn nhưng Lộng Chương cầm bút viết văn rất “cứng”. Đó quả là một tài năng, một tinh hoa của mảnh đất địa linh nhân kiệt. Các tác phẩm của Lộng Chương thường gắn bó với tinh hoa dân tộc, gắn bó với cội nguồn dân tộc. Tại lễ tưởng niệm, nhà thơ Hữu Thỉnh cũng đề nghị Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cần có công văn đề nghị UBND tỉnh Hải Dương đặt một con đường mang tên ông. Đây là việc làm không chỉ tôn vinh tên tuổi nhà viết kịch Lộng Chương mà còn nhắc nhở thế hệ sau nhớ về các bậc tiền bối.

Nhà phê bình sân khấu Nguyễn Văn Thành cho rằng: Sự nghiệp nghệ thuật của Nhà viết kịch Lộng Chương chiếm một vị trí quan trọng trong những trang sử của nền sân khấu Việt Nam hiện đại. Lộng Chương tả xung hữu đột ở cả sân khấu chuyên nghiệp lẫn sân khấu không chuyên ở cơ sở. Qua sự sàng lọc nghiệt ngã của thời gian và sự bình phẩm, đánh giá khắt khe của dư luận, có thể nói hai dấu ấn đậm nét nhất mà Lộng Chương khắc ghi vào sinh hoạt kịch trường Việt Nam hiện đại là những vở diễn thuộc dòng kịch hài và những đóng góp của ông khi viết lại tích chèo cổ. Đó cũng là dấu ấn còn lại của người nghệ sĩ tài hoa này, là dấu ấn để tên tuổi Lộng Chương sẽ được các thế hệ ghi nhớ theo dòng thời gian.

Ngay sau lễ tưởng niệm, các nghệ sỹ Nhà hát Tuồng Việt Nam đã diễn một trích đoạn trong vở “Tình sử Loa thành” của tác giả Lộng Chương. Vở diễn do NSND Nguyễn Ngọc Phương làm đạo diễn, ra mắt lần đầu vào năm 1979./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét