Thứ Tư, 17 tháng 6, 2020

Thăm Nhiếp ảnh gia Thành Hưng

Anh Thành Hưng thắp hương 100 ngày Cha mất
Xin em Thân (Chánh văn phòng Hội NSSK VN) số tel từ khoảng 3 tháng trước, mà mãi mới thăm
được anh. 
Thực ra, ý định thăm anh đã có từ dăm năm trước, khi Lễ Tưởng niệm 10 năm Cha mất diễn ra tại Nhà hát Chèo Kim Mã (3/7/2013).
Ngày đó, trong lúc tất bật đón khách đến dự, mình vẫn không để lọt khỏi tầm mắt một người đàn ông cao, đầu cạo trọc, tay cầm gậy, tay vịn vào vai một cháu gái, nhấc từng bước chân nặng nhọc lên cầu thang của nhà hát. Ngỡ ngàng, khi người ấy với âm giọng ngọng nghịu, cất lên: Anh Thành Hưng đây! 


Trời… Người đàn ông “hầm hố”, bụi bặm kiểu “nghệ sĩ”, râu tóc đầy mặt, dáng vẻ bề ngoài rất mạnh mẽ đây ư?... Cảm động quá…
Sau Lễ, qua một vài thông tin, được biết, anh ở tận Thanh Hà (Hải Dương). Dù người nhà ái ngại, lo lắng, anh vẫn quyết không thể không có mặt trong ngày Lễ Cha! Ôi, cái tình của một người trò, một người bạn nhỏ của Cha, một người con, một nghệ sĩ dành cho Cha… thật khó nói một từ “Cảm ơn” là đủ…
* * *
Qua 3 tuyến buýt, thêm một chặng taxi theo con đường đổ bê tông lổn nhổn bò quanh Đồi Dền (xã Kim Quan, Thạch Thất), vợ chồng mình bước vào nơi được gọi là nhà của anh. Nhà anh, hai gian cấp 4 tềnh toàng, tạm bợ. Bước xuống gian đầu bằng một cái thang gỗ thô sơ, đến gian anh nằm. Vừa nhìn thấy chúng tôi, anh oà khóc. Tiếng khóc ồ ồ, tắc nghẽn, bất lực...
Chắc chắn anh không bao giờ nghĩ rằng, vợ chồng gái út của Cha lại xuất hiện thăm anh đường đột thế này...



Anh hỏi ngay: Thắm có cần gì anh không? (Chắc anh nghĩ mình đi tìm tư  liệu về Cha). Ôi anh! Chả nhẽ con người ta, cần gì mới đến với nhau ư? Đành rằng, điều đó không xấu…
Anh khó ngồi dậy, đương nhiên không đi lại được, nhưng khá tỉnh táo, sáng suốt. 
Mỗi lần nhắc đến kỷ niệm cùng Cha, anh lại khóc. Ôi, nghe tiếng khóc của người đàn ông bệnh tật... thật khó ngăn được cảm giác cay cay nơi sống mũi...
Anh nói: Nhớ lắm những lần nhắp rượu với đĩa lạc rang cùng bố Lộng Chương. Hai bố con khề khà đủ chuyện trên đời. 
Anh nói: Bố Lộng Chương thì nhất rồi. Bố mà xuất hiện, anh em văn phòng Hội vui như Tết.
Nhắc lại thời gian đầu Nhà nước có quyết định thành lập Giải thưởng Hồ Chí Minh, anh nói: Bố Lộng Chương là số 1, rất tiếc, “người ta” phải chọn người có chức có quyền, là đảng viên trước tiên. Chứ số phiếu của bố là cao nhất khi Hội đồng xét chọn của Hội bỏ phiếu…
Anh kể về cách ứng xử của Cha với bạn bè, học trò…
Xen kẽ câu chuyện, là những giọt nước mắt, là tiếng khóc “ồ… ồ…”, tắc nghẽn, bất lực, buồn bã…  
Dù gì, anh vẫn còn may mắn. Bên anh giờ có người phụ nữ dịu dàng, chu đáo, chấp nhận gá nghĩa cùng anh, sau những ngày tháng: vợ anh "đi xa" do bạo bệnh, nhà không có (vì bán đi chữa bệnh cho vợ), tiền vì thế càng không luôn và chính anh cũng không có khả năng tự mình trong những sinh hoạt đời thường...
Người phụ nữ nhân hậu của anh Thành Hưng
Có lẽ, trời cũng không lấy đi hết tất cả của anh. Nhưng nhìn nơi được gọi là nhà của vợ chồng anh, trong tâm vợ chồng mình ái ngại vô cùng...
Chia tay, không hẹn gặp lại. Nhưng anh vẫn nhắc: Cần gì đừng ngại. Cứ gọi cho anh. Vâng, em biết. Em rất hiểu. Những người trò của Cha bao giờ cũng rất tận tâm khi gái út của Người tìm đến nhờ công việc. Cảm động lắm, anh à… 
Chỉ thêm một câu: Vợ chồng em cảm cái tình của anh dành cho Cha. Và em thật sự tự hào, vì Cha có rất, rất nhiều người trò, người bạn nhỏ, người con… như anh!
Anh lại bật khóc! Ôi, tiếng khóc dồn nén, bất lực của một ng đàn ông...
Anh là Nhiếp ảnh gia sân khấu Thành Hưng 
Ảnh thờ Cha, anh là tác giả. 
(Chuyến đi khá vất vả, vì cứ nghĩ anh còn ở Thanh Hà, Hải Dương, nhưng không; anh đã chuyển về huyện Thạch Thất. Giữa đường về lại mưa sầm sập. Nhưng thật an lòng vì cuối cùng đã  thực hiện được chuyến đi dự định từ nửa thập kỷ trước. Cũng còn may, vẫn gặp được anh...
Tuy nhiên, bọn mình vẫn bị ám ảnh nhiều ngày sau, về cảnh ngộ hiện tại của anh Thành Hưng).

Một trong những ngôi trường mình học nơi sơ tán, nay đẹp đẽ hơn xưa
                                                                                                                           6/9/2018








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét