Thứ Ba, 26 tháng 10, 2021

Không có tiền thì không được... ốm...

 Có lẽ, nên gọi là: Một cuộc họp chợ thì đúng hơn cả, cho buổi “dã ngoại” ngày hôm nay của mình.

Rất lâu rồi, lần kiểm tra sức khỏe gần nhất của mình là cách đây hơn 1 năm. Thế nên, nhiều điều mới mẻ ở bệnh viện đã làm mình ngỡ ngàng khi đặt chân đến nơi đây.

Từ cabin thang máy bước ra, đập vào mắt mình là một khoảng không đông nghẹt người. Mặt bằng tầng 3 này thuộc toà mới xây của bệnh viện, giờ hội tụ gần hết các chuyên khoa khám bệnh; vì thế, gần chục cái loa được bố trí theo kiểu vòng ngoài, bao vây khoảng không dành cho các “tiền bối” chờ khám, xả láng nhả âm thanh kiểu “ông ăn chả bà ăn nem”, không ai chịu nhẹ giọng để thể hiện chút nét “văn minh nho nhã”. Lại được sự hoà âm có tới hàng trăm giọng của các cụ, mà cụ nào cũng muốn thể hiện “có biết bố mày là ai không?”, thành thử, âm thanh hội tụ nơi không gian này đúng kiểu một cái chợ vỡ…

Khổ nỗi, nhiều cụ chậm chạp, tai nghễnh ngãng, lo mất lượt, dứt khoát không chịu ngồi ghế, cứ đứng vây quanh các cháu gái trẻ… chờ được xướng danh. Một cụ, ngồi ngay hàng ghế đầu, đứng bật dậy ngơ ngác, khi được gọi đến tên lần thứ 3. Lách qua đám đông trước mặt, cụ phân trần đủ thứ, khiến cô nhân viên phải nhẫn nại, cũng đến lần thứ 3 để hỏi:

-         Cụ khám gì?

-         (Ú ớ nói chắc cô không nghe rõ)…

-         Cụ khám gì?

Rồi cuối cùng cô cũng à lên:  Vâng, vậy cụ vào phòng khám tim mạch nhé.

Cùng lúc cô nhân viên này phát phiếu cho cụ ông, là tiếng loa ngay bàn bên: “Nào các bác ơi, đề nghị các bác không nói chuyện. Đề nghị các bác ngồi vào chỗ, cho người khác lên lấy phiếu”. Mà cái sự đề nghị này của các cô không chỉ một lần. Trong suốt thời gian mình chờ đợi là gần như liên tục các cụ bị nhắc nhở, nhưng nhiều cụ kiên quyết không nghe lời, còn lẩm bẩm: Chỗ đâu mà ngồi, rồi lọc cọc chống ba toong đi quanh ngó nghiêng. Ngắm cái cảnh hỗn độn này mà thấy ngán ngẩm thay…

Thôi thì, “đã chót đưa chân”…

Sau khi mình được phát phiếu, ra bàn chờ cô nhân viên đo huyết áp. Lúc này cô nhân viên chạy đâu đó. Cùng lúc có một chàng đi sau. Chàng giục mình: Bà đo đi.

Mình trả lời: Không, tôi đợi cô nhân viên.

-         Ở cái tuổi này mà còn không biết đo huyết áp - chàng chì chiết mình, đồng thời rất tự tin ngồi xuống ghế, cầm phần vải của máy quấn vào bắp tay để thể hiện…

Vừa lúc cô nhân viên chạy đến. Mình bảo:

-         Cô đợi cháu đo. Chứ tự đo rồi làm gì?

-         Vâng, đúng rồi. Cháu đo xong còn ghi vào sổ - cô trả lời.

-         Vậy mà ông này cứ giục cô tự đo. Đo xong rồi “xách” người đi à? Để làm gì?

-         Thôi… thôi… tôi xin lỗi - ông ta liến láu, hết cả cái vênh vang ta đây “thế lọ thế chai”.

Đến cái đoạn đi xét nghiệm, siêu âm và chụp XQ thì ôi thôi, chả muốn “sống” lại cái cảnh này để mà “ăn mày quá khứ” nữa. Thật kinh khủng khi tất tần tật được bố trí trong cái không gian nối tiếp của phòng gọi số khám bệnh với 2 cái loa gần như đồng hoạt động và đều muốn thể hiện sức mạnh như nhau. Cùng đó là các cụ chuyện trò râm ran và nhiều cụ vẫn cái kiểu “biết bố mày là ai không”, chen lấn, xô đẩy, thắc mắc… ỏm củ tỏi.

Một cụ bà trong cái váy màu xanh lè, khoác cái áo len ngắn cũn, mắt đeo kính trễ gần xuống cánh mũi, kiễng chân bới đống phiếu xếp trong hộp. Nhiều cụ khác nhao nhao: Thôi bà ơi… Sao làm loạn lên thế kia… Nhầm hết cả bây giờ…

Cụ bà quay lại: Nhầm thế nào mà nhầm. Tôi tìm phiếu của tôi. Lắm chuyện…

Các cụ hầu hết im. Chắc nghĩ: Tránh voi…

Trong lúc mình đứng lánh ra một xó sảnh, với cái chân bị thay khớp đang muốn rụng ra, ngắm nhìn quang cảnh mà ngám ngẩm, thì đập luôn vào mắt một cụ ông, lệt sệt từ phòng siêu âm đi ra, tay trái túm phía đũng quần, tay phải vừa kẹp ba toong ở nách vừa cố kéo khóa quần đang bị ngắc khoảng giữa của moi quần, ngay phía trên tay phải lòi cả một đống quần đùi ra ngoài. Ôi trời…

Qua được mấy cửa ải xét nghiệm, chụp choẹt, cuối cùng hết giờ làm việc sáng. Vậy là lần đầu tiên mình phải “cơm đường cháo chợ ngủ mơ trưa” trên mấy cái ghế tại bệnh viện để chờ chiều lấy kết quả đưa vào bác sĩ đọc…

Tới chiều, lại phải “họp chợ” tiếp dưới tầng 1, khi xuống mua thuốc.

Lúc này, thì mình mới ớ ra một điều: Tập tính của dân Việt ta là vậy! Ồn ào, thiếu kỷ luật, tính cá nhân cao, thích thể hiện, thiếu tôn trọng môi trường xung quanh…

Cuối cùng, ứng xử vô tổ chức như vậy thực ra là: Vô cùng thiếu tự trọng!

Bởi, sáng thì chứng kiến “chợ” của các cụ!

Còn chiều thì là “chợ” của các cháu thanh niên đến bệnh viện để tiêm vacxin!

“Chợ” của các cháu cũng không hề chịu thua kém các bậc “tiền bối” một chút xíu nào. Lại cũng loa oang oang, cũng chuyện trò rôm rả, tao - mày loạn xà ngầu, cũng “đề nghị trật tự” nhưng hình như chả biết “đề nghị” ai…

Điểm sáng của cả ngày khi ngẫm lại vẫn còn cười được là: Khi mình bước vào cabin thang máy còn có 1 cụ ông 1 cụ bà. Cụ ông hỏi cụ bà, đồng thời nhìn vào cái thẻ cụ bà đeo ở cổ:

-         Bà lên khoa thần kinh à?

Cụ bà quật lại rất nhanh:

-         Tôi không bị thần kinh!

-         Thì thẻ của cụ đề điều trị ở khoa thần kinh mà - cụ ông vẫn chày cối.

-         Tôi không bị thần kinh.

Mình bụm miệng cười… Rõ khổ! Tuổi già nó thế… nghe gà hóa cuốc. Ước gì mình chết sớm khi còn nghĩ được điều phải - trái

Kết luận rút ra trong ngày đi khám bệnh là:

Chỉ nên ốm khi có tiền để vào các bệnh viện cuốc tế, bệnh viện tư nhân.

Và, không bao giờ được ốm khi không có tiền. Nhá…  

BV Việt Xô, 22/11/2021

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét