Thứ Bảy, 2 tháng 10, 2021

Lời cuối sách “Lộng Chương - Sống để cho đi!”

Thưa Cha,

 Ngày đưa tiễn Cha về cõi vĩnh hằng, trong Điếu văn do NSND Nguyễn Trọng Khôi - Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, đọc tại Lễ truy điệu, có câu: “Vĩnh biệt ông, giới sân khấu luôn nhớ về ông, một con người tâm huyết, một tấm lòng trăn trở với cuộc đời, một tâm hồn yêu thương nâng niu đồng nghiệp; vẫn nhớ về ông, một tài năng lớn, một nhân cách lớn, một người Anh, một người Thày lớn.


                         Thực ra, tình cảm trân trọng yêu kính Cha trong lời ai điếu, thì ngay từ khi Cha còn hiện diện nơi dương thế, nhiều                  bạn bè, đồng nghiệp và học trò, đã luôn luôn nghĩ về Cha như thế!

                         Và, thưa Cha,

Riêng con gái út của Cha, trong suốt hơn hai chục năm qua, những khi mò mẫm, lần tìm, gõ cửa từng địa chỉ, gặp gỡ nhiều anh chị cô bác; xin sao chép, nhặt nhạnh từng con chữ, nâng niu từng trang bản thảo của Cha mang về; sắp xếp, phân loại, chọn lựa, biên tập, để bảo tồn, thì đã thật “ngấm” lắm, cái tình mà học trò, bạn bè, đồng nghiệp, dành cho Cha, về cả sự nghiệp cùng ứng xử trong đời thường.

Nhưng sự “ngấm” trong con, đậm đà hơn cả, là niềm tự hào khôn kể về một người Cha - “một tấm lòng trăn trở với cuộc đời, một tâm hồn yêu thương nâng niu đồng nghiệp… một nhân cách lớn…”, khi được nghe nhiều, nhiều lắm, các anh chị cô bác, thốt lên: “Ôi, ông (thày) Lộng Chương thì đạo đức lắm! Tử tế lắm!”. Thực sự lúc đó, con “phiêu” lắm; “phiêu” hơn cả khi nghe mọi người khen Cha tài, Cha giỏi. Con chắc một điều: Trên đời này, rất nhiều người tài, người giỏi, nhưng để làm “Một người tử tế” - như Cha, không hề dễ!

Hãy nghe NSND Doãn Hoàng Giang nói: “Ai đã đến ngôi nhà Lộng Chương… đều phải ngạc nhiên về những khách khứa của anh, đều phải suy nghĩ về tình cảm những người khách ấy đã giành cho anh… Anh tiếp khách bằng cơm, bằng rượu "quốc lủi", bằng chè, bằng thuốc lá… Anh nghèo cũng chính vì thế”...

(*) LC qua ký ức và suy nghĩ của tôi; TC Sân khấu, số 4/1979; Sách “Lộng Chương trên mọi nẻo kịch trường”, Nxb Sân Khấu, 2003.

Còn GS Hà Văn Cầu thì: “Bên cạnh lòng yêu nghề, anh còn rất quý con người. Ai cũng biết anh chị đông con: trai gái tám người. Vậy mà anh vẫn nhiều con nuôi. Nuôi… để gây dựng, lo toan cho chúng: từ manh áo mặc, viên thuốc uống, trang vở học, chiếc xe đi… cho đến dựng vợ gả chồng… Rất đông tác giả mới vào nghề từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Hưng, Hà Nội, Nam Hà, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An… cho đến các cơ quan, bệnh viện, trường học, công đoàn, công ty, cửa hàng… có kịch bản đầu tay khó “đứng” đều tìm đến anh. Anh sẵn sàng giúp đỡ tận tình… “cầm tay viết chữ” cho, nên ngày nay nhiều người đã đứng vững trong ngành sân khấu. Quên gì thì quên, chứ không mấy ai quên công anh”.

(*) Tạp chí Sân khấu - 6.1997; Lộng Chương trong trái tim bè bạn, Nxb Hội Nhà văn, 2013.

Bác Hà Khang, một lãnh đạo ngành Văn hóa tỉnh Thanh Hóa, trong bài viết về Cha, sau rất nhiều kỷ niệm cảm động được bác hồi tưởng, đã hạ bút: “… những mong sao trong anh em văn nghệ nhà mình có được nhiều người như anh, hết lòng hết dạ, lao tâm khổ tứ đầu tư cho công trình của bạn mình, ắt rằng các tác phẩm của họ ra đời sẽ hay, chí ít là khá... Nhưng cho đến nay, sau nhiều năm nhìn ngang nhìn dọc, trông lên trông xuống, tôi ngẫm ra thì... "có lẽ rằng là hiếm!".

(*) Sách “Kịch Lộng Chương” - Nxb Văn học, 1997.

Còn bác Mai Bình, cũng là lãnh đạo ngành Văn hóa tỉnh Thanh Hóa, đã khẳng định về cái tình mà Cha đã gửi gắm khi tham gia xây dựng các đoàn nghệ thuật và phát triển phong trào văn hóa của địa phương này: “… Phần lớn, phần nặng cân trong thành quả trên đây là nhờ công lao và sự hi sinh nhiều mặt của ông thầy Lộng Chương. Ngoài đoàn kịch, ông cũng không kém công lao bồi dưỡng nghệ thuật và dàn dựng tiết mục cho đoàn chèo. Có thể nói, mười năm giặc Mĩ dội bom đạn xuống Thanh Hóa thì cũng mười năm ấy Lộng Chương xuất hiện nhiều nhất”.

(*) Sách “Kịch Lộng Chương” - Nxb Văn học, 1997.

Nhà văn Thy Ngọc thì nhớ lại những kỷ niệm của hơn 50 năm trước: “Những ngày nghỉ phép, gia đình nhỏ của tôi gồm vợ chồng và cháu bé 3 tuổi, luôn có mặt ở nhà ông bà Lộng Chương. Chị Quy - tên thân mật chúng tôi gọi, là người hiền dịu, biết điều, khiến mọi người đều nể trọng. Mỗi lần chúng tôi tới nhà là chị tất bật suốt cho những bữa cơm khách, mà thành phần bao giờ cũng gồm đông đảo các thành viên Ban kịch của chồng”.

(*) TC Tài hoa Trẻ, số 277-278, 9/2003; Sách “Lộng Chương trên mọi nẻo kịch trường”, Nxb Sân khấu, 2003.

Tại cuộc Tọa đàm 100 năm sinh Cha (7/1/2018), trong 5 điều KỲ DIỆU GS Trần Trí Trắc tóm lược về cuộc đời và sự nghiệp của Cha, có Điều Kỳ diệu thứ tư: “Nghệ sĩ Lộng Chương không giàu, nhưng đã sống thật “cởi lòng cởi dạ”. Ngôi nhà 47 Hàm Long - nơi ở của cả gia đình ông, đã như nhà tập thể của nghệ sĩ bốn phương. Ai đến dăm ba bữa nửa tháng cứ tự nhiên ăn ngủ miễn phí. Có khi cả ba gian hai chái và sân trước nhà đều đầy chặt bạn bè. Nếu chỉ tính lượng nước đun sôi để khách uống thôi cũng đã tốn bao tiền củi lửa, giữa cái thời đất nước mình phải gồng sức vượt cảnh sống đầy khó khăn thiếu thốn. Vậy mà ngôi nhà ấy lại từng là văn phòng của Đoàn Chèo Cổ Phong, và là “giảng đường” của bao thế hệ học sinh các nơi về tụ hội học hành, làm nghề sân khấu trong suốt nhiều năm trời đằng đẵng. Ngôi nhà ấy phải chăng đã may mắn nằm đúng huyệt của mảnh đất thiêng, nên đã tạo ra anh thanh niên Phạm Văn Hiền thuở nào, để sau này trở thành một Lộng Chương rất hiền, và là người “nhóm lửa tình yêu sân khấu” cho thiên hạ?”.

(*) Toạ đàm “100 năm sinh Nhà viết kịch Lộng Chương (1918-2018); 7/1/2018.

Và, cũng trong Điếu văn tiễn biệt Cha, NSND Nguyễn Trọng Khôi da diết: “… ông không chỉ ký thác đời mình vào khối lượng tác phẩm riêng, mà còn chia gửi những ý tưởng lớn cho mọi người, cả trong những tác phẩm của nhiều người viết kịch đến thụ giáo ông… nơi ông trú ngụ đã trở thành ngôi nhà của một Mạnh Thường Quân, một Tụ Nghĩa Đường cho những bạn đồng nghiệp, những tác giả, đạo diễn, cả những người chơi kịch nghiệp dư, lui tới để nhờ ông giúp đỡ, để mong ông dạy bảo, để được thụ giáo ở ông dăm bảy “miếng nghề”.

Có lẽ, con gái út của Cha không cần phải trích dẫn thêm hơn nữa, vì những điều ghi lại trên đây đã quá đủ để ai đó đọc được những dòng này, cũng sẽ cảm động và trân trọng cái tình mà Cha đã trao gửi cho cuộc đời này!

Và, ai cũng hiểu, để có “Một Lộng Chương” ghi dấu ấn đậm nét trong lòng những người yêu mến, trân trọng về cả sự nghiệp cùng nhân cách sống, thì chắc chắn bên Cha, phải có mẹ con - Mẹ Nguyễn Thị Quy. Mẹ là điểm tựa vững chắc, là bờ vai ấm êm, là bến đỗ bình an, là chốn thanh bình yên ả… để Cha tìm về nghỉ ngơi thanh thản, sau mỗi chuyến “ra khơi” căng thẳng, nhọc nhằn…

Thưa Cha,

Vậy là, gái út con đã hiểu. Cha và Mẹ có ở trên đời là để thuộc về nhau! Và, Cha cùng Mẹ có ở trên đời, chính là: SỐNG ĐỂ CHO ĐI!

Cha Mẹ là niềm tự hào của chúng con!

Con gái út mãi yêu Cha Mẹ!

                                                Phạm Hồng Thắm


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét