Thứ Bảy, 2 tháng 10, 2021

Tọa đàm 100 năm Nhà viết kịch Lộng Chương (1918-2018)

 GIẢI THƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ VHNT

VÀI KỶ NIỆM VỚI NHÀ VIẾT KỊCH LỘNG CHƯƠNG


Tác giả Ngọc Thụ

m 1974 tôi mới trực tiếp gặp Nhà viết kịch Lộng Chương lần đầu. Trước đó, tôi đã được xem một số vở kịch của ông. Và, khi còn là diễn viên đoàn Kim Phụng, tôi từng thủ vai phụ trong vở “A Nàng” của ông.


Sau cái bắt tay, ông bảo tôi uống nước và hỏi: Cậu đến có việc gì? Tôi trả lời: Cháu đến mời chú bớt chút thời gian đi xem vở đầu tay của cháu ở rạp Đông Đô tối nay, do Đoàn Hoa Mai diễn ạ! Ông bảo: Có tuổi rồi, giờ ngại đi tối lắm. Nhưng… vừa qua cậu gửi đơn ra nhập Hội, nên tớ sẽ đi xem để hiểu khả năng viết lách của cậu thế nào. Tôi vui mừng được ông nhận lời, liền đặt tờ vé vào tay ông và nói thêm: Cháu muốn chú xem xong cho ý kiến ạ. Nếu còn yếu chỗ nào, cháu sẽ sửa thêm cho vở hoàn chỉnh. Ông gật đầu. Tôi chia tay ông và lòng đầy hào hứng. Sau đêm diễn ấy, ông nắm chặt bàn tay tôi chúc mừng với lời hẹn: Hai hôm nữa chúng ta gặp nhau.

Gác hai căn nhà 51 Trần Hưng Đạo, hoa sấu rơi trắng vai người đến người đi, tôi bước vào gian phòng ông đang chờ. Nhấp ly rượu quốc lủi rót từ bình toong, rồi ông vào đề ngay: Vở “Lửa phi trường” của cậu, tớ xem vừa rồi, có tứ đấy. Chỉ cần gói gọn trong câu thằng Phụng nói cố vấn Mỹ: Ông tưởng với âm mưu Việt Nam hóa chiến tranh, các ông biến được dòng máu Việt Nam trong người tôi sao? Các ông nhầm rồi. trái tim tôi lúc nào cũng đập hai tiếng Việt Nam! Giờ này sân bay sắp nổ tung… Nổ tung cả cái ảo tưởng Việt Nam hóa chiến tranh của người Mỹ!... Đấy, chủ đề vở kịch cậu định nói là như vậy, đúng không? Tôi vâng. Ông khen thêm: Kịch cậu viết có văn lắm. Kịch bản sân khấu cần nhất là ý tưởng và cấu trúc vở, sau đến văn. Nếu đạt được hai điều ấy là có thể tiến tới… làm được tác giả.

Dừng một lát, ông nhận xét tiếp: Tuy nhiên, vở “Lửa phi trường” của cậu còn nhiều cảnh, nhiều lớp vụng… nhất là những chỗ viết về giới trí thức. Cậu cần cố gắng gia công nhiều hơn nữa, cho vở khá hơn. Đừng có ngại!

Làm theo sự gợi ý của ông, tôi đã bỏ nhiều công sức để chữa kịch “Lửa phi trường”. Và, cả cuộc đời, tôi không ngần ngại khó khăn, đã miệt mài với cái nghề sân khấu đầy chông gai này!

Năm 1990 tôi đem đến Trại sáng tác kịch bản vở “Một người bình thường kỳ lạ”. Vở viết về nữ anh hùng quân nhân Đinh Thị Vân trong kháng chiến chống Mỹ. Khi thông qua kịch bản trước anh chị em trại viên, tôi bị đánh tơi tả. Vì trong kịch tôi đã nhắc đến sai lầm của cải cách ruộng đất năm 1955-1956. Ai cũng phê tôi tư tưởng non yếu, vạch áo cho người xem lưng. Có người còn quy kết tôi hận thù cách mạng! Tôi tái mặt ù tai, hoang mang, chẳng biết làm thế nào. Thấy không khí quá căng thẳng, Nhà viết kịch Lộng Chương liền lên tiếng, để uốn nắn cái “quá đà” của một số trại viên: “Các anh chị định đánh hội đồng Ngọc Thụ đấy à? Chúng ta ngồi đây, số đông mới dự trại sáng tác lần đầu. Lần đầu mà bị luộc chín thì ai còn dám đi trại sáng tác lần sau nữa. Và ông kết luận: “Kịch Ngọc Thụ có độc lập tư duy, tuy vài chỗ còn tự nhiên chủ nghĩa, cần sửa thêm một chút là có thể dùng được”. Sau đó, tôi đã sửa chữa nhiều lần theo sự góp ý của anh chị em trại sáng tác, và sự chỉ dẫn tận tình của Nhà viết kịch Lộng Chương; rồi đem kịch bản ấy đi dự thi ở Đài Truyền hình Trung ương. Kết quả, tôi nhận được Giải Nhì.

                                                                                                                *             *             *

Mùa đông cách nay hơn hai chục năm, Hội NSSK VN kết hợp với gia đình Đạo diễn Trần Hoạt, lo bốc mộ ông. Là cán bộ văn phòng, tôi được phân công khâu tổ chức. Khi ông Lộng Chương đến Đình Bảng cũng là lúc hạ huyệt ông Trần Hoạt. Ông Lộng Chương bảo tôi: “Cậu cầm chai rượu này, khi hạ tiểu thì đưa cho tôi”. Lúc tiểu hạ ngay ngắn rồi, ông cầm chai rượu tưới khắp tiểu và nói: “Trần Hoạt ơi! Sống tài ba và rượu… Chết linh thiêng!... Xin ông phù hộ cho tất thảy những người thân đang trên cõi trần này. Và quan tâm phần hơn đến cháu Thụ, dù nó chưa có dịp gần gặn ông. Ông biết không? Nó phục vụ ông từ đêm đến giờ đấy! Ông là đồng nghiệp của tôi, cũng là bạn rượu. Tôi nhớ ông lắm… Trần Cồn ạ!”.

Khi biết ông Lộng Chương sẵn sàng trải lòng với bề dưới, tôi luôn đến thăm ông. Một lần tôi ngỏ ý mời ông vào 73 phố Bát Sứ - là hiệu đặc sản bồ câu duy nhất thời bao cấp, nhân có “Nhà ánh sáng” Việt Hồ đến chơi. Ông vui vẻ nhận lời. Vậy mà suốt bữa, ông chỉ uống rượu với 6 cái chân chim câu và đôi cánh rán ròn. Mấy lần tôi gặng mời ông dùng thêm đồ nhắm, đều bị từ chối. Rồi ông vừa cười vừa nói: “Mỗi người có một thói quen… Đã là dân nghệ mà ăn khỏe, nói năng thô lỗ… thì còn gì là nghệ sĩ nữa?”. E khách hàng ngồi cùng phòng hiểu lầm câu nói vui, ông thủng thẳng: “Ấy là mình nói cái quan niệm riêng thôi, đừng nhận xét… đúng đúng… sai sai… làm gì!”.

Trong nhiệm kỳ anh Trọng Khôi làm Tổng thư ký, Nhà viết kịch Lộng Chương ốm nặng, trong khi bà nhà đã “đi xa”. Chúng tôi bảo nhau thay phiên đến thăm, để xem bệnh tình của ông xấu tốt thế nào. Một lần ông gọi tôi lại gần, thủ thỉ dặn: “Tình hình này chú không thể ở lại lâu hơn với người thân, bạn bè, đồng nghiệp… Cho chú từ biệt tất cả trước nhé!”. Tôi xúc động và không nói được câu nào. Ông nói tiếp, giọng khàn khàn đứt quãng: “Với riêng Thụ, chú dặn: Cái nghề cầm bút sân khấu khổ sở, công phu… mà nghèo. Đã đi được đến đây, đừng bỏ dở, phí lắm. Chú mong cháu sẽ là người viết sân khấu thật sự!”. Tôi xúc động nắm tay ông thật chặt. Bàn tay ông khẳng khiu, lành lạnh, như nói với tôi điềm xấu sắp ập xuống… rất gần!

Và thế là, Nhà viết kịch Lộng Chương - Cây đại thụ của sân khấu hiện đại Việt Nam - từ biệt chúng ta vào ngày 26 tháng 6 năm 2003.

Ngày Nhà viết kịch Lộng Chương “đi xa”, tôi là thành viên trong Ban tổ chức tang lễ ông. Nghĩa trang Thanh Tước - nơi ông yên nghỉ - hẳn còn in dấu chân những người yêu mến, tiễn đưa ông. Và, tôi cứ đinh ninh rằng:

Chắc chắn Chú Lộng Chương nhận rõ dấu chân thằng cháu Ngọc Thụ (chú - cháu là những từ mà ông và tôi thường gọi nhau lúc xửa xưa - khi tôi còn rất trẻ).

Chắc chắn ông hài lòng với tôi, vì tôi đã được giới sân khấu ghi nhận là: Tác giả.

(Tòa đàm tổ chức ngày 7/1/2018, tại Nhà hát Lớn Hà Nội)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét