Thứ Sáu, 1 tháng 10, 2021

Tọa đàm 100 năm Nhà viết kịch Lộng Chương (1918-2018)

 GIẢI THƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ VHNT

TÔI VÀ KỊCH BẢN "CỬA MỞ HÉ" CỦA TÁC GIẢ LỘNG CHƯƠNG

NSƯT - Đạo diễn Lê Chức
PCT Hội NSSK Việt Nam 

Cuộc chiến ấy trong “Cửa mở hé” mới là phần đầu khúc dạo của sứ mệnh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Lộng Chương chọn gia đình Giáo sư Tòng làm môi trường của chuyện kịch. Và, cửa ra vào nhà Giáo sư luôn đóng kín ngày đêm. Theo ý tác giả thì, cái sự “đóng cửa, khép lòng” tránh giao tiếp với chính quyền và xã hội đương thời, không chỉ là đặc trưng không gian kịch, mà còn là đặc trưng cá tính của nhân vật kịch.

Con trai cả của Giáo sư Tòng là Đại tá Bách, tỉnh trưởng.

Con trai thứ là Trung úy Quân lực cộng hòa Nguyễn Thế Kỷ, trí thức “sinh nhầm thế kỷ”, tâm trạng luôn trong bế tắc và ngạt thở.

Có cả cố vấn Mỹ của CIA trong chuyện kịch.

Căn nhà của giáo sư Tòng kiến trúc theo lối cổ, biệt lập như một ốc đảo, im lìm, lặng lẽ… phù hợp phong thái sống cũ xưa. Ngày ngày Giáo sư chìm vào chiêm nghiệm cùng người vợ. Bà ta gần như không nói gì, ngoài âm tự duy nhất mà Đạo diễn Trần Hoạt cho bật lên đôi chỗ, là từ: “hé”!.

Trong khi đó dấu hiệu của sự nổi dậy trong cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân - 1968 hiện lên rất rõ, khiến không khí xã hội sục sôi náo loạn ngày đêm. Sục sôi cả trong những “ý ngầm” của hai người lao công trong gia đình, làm nhiệm vụ giữ gìn an toàn tính mạng cho Giáo sư (cô Vỵ và người ông của mình).

Câu chuyện kịch như tuân theo nguyên tắc “Tam duy nhất” của nghệ thuật biên kịch cổ điển Châu Âu: 1 địa điểm, 1 sự kiện, 1 ngày đêm.

Và chỉ là cái đêm hôm đó, sự dồn nén về tâm lý, tâm trạng, như bừng thức, bật dậy… cùng với ý thức dân tộc trong con người Giáo sư. Khi tiếng súng cách mạng vang lên, khi những lá cờ sao vàng trên nền nửa xanh nửa đỏ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam xuất hiện trên đường phố, thì cũng là lúc Giáo sư Tòng “hé cửa” nhìn ra bên ngoài, như để đón một điều gì mới mang tính tất yếu, đó là: Vấn đề Tổ quốc và Dân tộc.

“Cửa” mới chỉ “mở hé” thôi, đã là một thay đổi của Nhận thức!

Đoàn Kịch Hải Phòng dựng kịch bản “Cửa mở hé” năm 1971, dưới bàn tay của Đạo diễn bậc thầy Trần Hoạt, người bạn nghề “cố tri” của Tác giả Lộng Chương.

Tôi được thể hiện nhân vật Trung úy Quân lực Cộng hòa - Nguyễn Thế Kỷ.

Khi đó tôi 24 tuổi và đã vào nghề kịch được 6 năm.

Thể hiện nhân vật Nguyễn Thế Kỷ, với tôi có nhiều thuận lợi: Tuổi như ngang nhau. Hình thức và tiếng nói sân khấu của tôi cũng đáp ứng thỏa mãn tiêu chuẩn cần thiết của vai kịch. Nhất là lớp diễn trong trạng thái say, thể hiện sự bế tắc về tâm lý,  Trung úy Kỷ đã ôm lấy cây manequin mà nhảy - một điệu nhảy có tiết tấu nhanh và mạnh, cùng giọng cười chát chúa khác lạ. Tóm lại, mọi sự thể hiện của tôi đều xuất phát từ ý định chủ đề của kịch bản.

Cũng từ ý định chủ đề ấy, Đạo diễn Trần Hoạt cùng Họa sĩ Tường Vân đã đặt vào trong căn phòng luôn đóng kín cửa đó hai cây manequin với hai bộ trang phục: bộ áo the của “cố” nhà ta, và bộ quân phục Đại tá của Bách. Sự sắp đặt như thế đủ nói rõ rằng: Họ chỉ còn như là “cái giá áo” thôi. Hoặc chỉ còn là bộ trang phục đeo trên giá áo - mà không có đời sống thực, không còn là con người thực nữa.

Và, vở diễn đã có ngay được “đời sống” trong người xem Hải Phòng, Hà Nội và nhất là ở Nam Định. Vé xem kịch bán phân phối theo giấy giới thiệu; số còn lại, người xem phải xếp hàng dài để mỗi người chỉ được mua một cặp đôi.

Tại Nam Định, chúng tôi diễn “Cửa mở hé” cùng với vở “Masa”, cả tháng ở Nhà hát 3 tháng 2, vào cuối năm 1972.

Khi Hải Phòng bị Mỹ đánh bom B52, có tin tôi (người đóng Nguyễn Thế Kỷ) chết, khiến người xem Nam Định cứ tiếc thương mãi.

Năm 1979, tôi về Hà Nội học lớp Đạo diễn Đại học chuyên tu tại Mai Dịch. Tác giả Lộng Chương rất muốn tôi diễn cùng anh chị em, tập hợp từ các đoàn Kịch: Thanh niên - Đường sắt - Công an. Tôi đã nhận lời. Nhưng sau đó tôi được cử đi học Đạo diễn  chính quy 6 năm ở Đại học Sân khấu Kiep (Cộng hòa Ucraina - Liên Xô) từ năm 1981 - 1987, nên không trở lại với vai diễn được.

Vai Nguyễn Thế Kỷ đầy tâm trạng và bản lĩnh, là “dấu ấn nghề nghiệp” trong không nhiều “vai diễn hay” của chặng đời diễn viên của tôi. Tác giả Lộng Chương đã cho tôi điều kiện và cơ hội nghề nghiệp đó!

Ông còn có công đối với chị gái Lê Mai tôi về sự vượt khó ban đầu khi lập nghiệp ở Hà Nội. Cả anh trai tôi - Nhạc sĩ Lê Đại Chương, Ông đã “dẫn lối” cho anh đến với Đoàn Chèo Cổ Phong, để sau này trở thành nhạc trưởng, sáng tác và chỉ huy.

Mấy năm trước, tôi đã được tham gia vào cuộc Hội thảo về việc đề xuất đặt tên một con đường ở Hải Dương mang tên: Lộng Chương. Con đường đó nay đã có ở Thành phố quê hương Ông.

Con đường đời và sự nghiệp sáng tác của Ông đã giành thành tựu lớn: Một Nghệ sĩ - Một người Thầy - Một nhân cách văn hóa.

Cuộc đời Ông đã tạo nên biết bao tác phẩm sân khấu, với những kịch bản thuộc nhiều thể loại, nhưng Hài kịch vẫn là: Lộng Chương Nhất!

“Quẫn” đấy!.

“Quẫy” nữa!

Và… chưa kịp “Quỵ”, thì Ông đã “đi xa”…

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Ông, chúng ta vẫn nhớ và tôn kính Ông với bút lực “hiếm có” về số lượng cùng chất lượng các kịch bản; về số người chịu ảnh hưởng nghề nghiệp từ Ông để thành danh!...

Ông là Lộng Chương trong lòng chúng ta với tình cảm biết ơn trong cuộc đồng hành trên Con đường Nghệ thuật!

Kính tâm!

           (Tọa đàm được tổ chức ngày 7/1/2018 tại Nhà hát Lớn, Hà Nội)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét