Thứ Bảy, 2 tháng 10, 2021

Tọa đàm 100 năm Nhà viết kịch Lộng Chương (1918-2018)

GIẢI THƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ VHNT
NHÀ VIẾT KỊCH LỘNG CHƯƠNG VỚI TÔI

                                                                                                    NSND Bùi Thanh Trầm 

                                                                                                Chủ tịch Hội NSSK Hà Nội 

(…)

Nhà viết kịch Lộng Chương - Cây đại thụ của sân khấu nước nhà, đã có nhiều đóng góp lớn trong hai cuộc kháng chiến, đặc biệt là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. 

Nhiều vở kịch ngắn và bài tấu của Ông đã theo chân chúng tôi phục vụ kịp thời các chiến sĩ trên mâm pháo phòng không tại Hà Nội. Bản thân tôi còn được đóng nhiều vai trong các vở chèo của Ông. Trong vở “Đôi ngọc lưu ly”, tôi vẫn nhớ như in cái đoạn Thị Phương khoét mắt cứu mẹ chồng. Thấy tôi loạng choạng đứng dậy dắt mẹ, Ông bảo: Không được! Lúc này Thị Phương đang rất đau đớn, phải gục xuống chứ. Thị Phương có còn mắt đâu để mà dắt mẹ đi. Từ đây, chính bà mẹ mới là người dắt con dâu… để vào bài Vãn theo đó. Thế mới đúng với tình huống.

Tôi còn một kỷ niệm không bao giờ quên là cái lần Ông bảo tôi phụ giúp Đoàn Chèo Nam Định về việc ăn ở, và “chỉnh đốn” vai Thị Phương (vở Đôi ngọc lưu ly), Thị Mầu (vở Quan Âm Thị Kính) cho các cháu diễn viên trẻ của Đoàn. Dù khi đó tôi đang rất bận việc riêng, nhưng vẫn nhiệt tình gánh vác nhiệm vụ Ông giao. Bởi chính Ông và cả bà Lộng Chương cùng phải lăn vào lo lắng nơi ăn chốn ở cho Đoàn khi về biểu diễn tại Hà Nội cơ mà. Ngôi nhà 47 phố Hàm Long của Ông những ngày này đông vui, chen chúc như cái trụ sở của một đoàn nghệ thuật vậy. Chỗ thì nổi lửa nấu ăn, chỗ thì luyện tập chuyên môn… Phần tôi, tuy có vất vả nhưng lại rất vui, bởi mình đã làm trọn cả hai  phần việc mà Thày Lộng Chương giao cho (…).

Với Nhà viết kịch Lộng Chương, tôi thực tâm coi Ông là một người Thày lớn. Đến với Ông, tôi học được rất nhiều điều hay về trách nhiệm trước công việc và nhân cách sống. Đặc biệt là, trong quá trình hoạt động nghệ thuật, tôi được Ông trực tiếp hướng dẫn, phân tích tỷ mỷ, từ lý luận đến biểu diễn thực tế ra sao; và thế nào là Chèo, thế nào là Kịch nói… Những bài học đó đã theo suốt cuộc đời làm nghệ thuật của tôi…

Trên bình diện rộng, Nhà viết kịch Lộng Chương đã để lại cho đời nhiều vở diễn kinh điển như: Quẫn (kịch nói), A Nàng (cải lương), Đôi ngọc lưu ly (chèo), Tình sử Loa thành (tuồng)… Những vở diễn này đã đi vào lịch sử sân khấu hiện đại Việt Nam,  cũng là niềm tự hào và kiêu hãnh của những người làm nghề sân khấu chúng ta.

(…) Thật vinh dự cho tôi được đến dự cuộc Tọa đàm nhân 100 năm ngày sinh Nhà viết kịch Lộng Chương. Tôi nghĩ, cuộc Tọa đàm là một hoạt động rất có ý nghĩa:  Để vinh danh Ông. Để nhớ ơn Ông. Và để những người hoạt động sân khấu hôm nay, đặc biệt là lớp nghệ sỹ trẻ, hãy học tập và noi gương Ông - Nhà viết kịch Lộng Chương, Cây đại thụ của Sân khấu Cách mạng Việt Nam.

Tọa đàm tổ chức ngày 7/1/2018, tại Nhà hát Lớn Hà Nội

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét