Thứ Sáu, 14 tháng 8, 2020

NỖI ĐAU HẬU CHIẾN(*)

                                                                                                                                        Truyện ngắn Giang Trung Học

            Anh Công con trai út bà Thành đã trở về. Cao. To. Chững chạc. Chỉ có nước da hơi tai tái. Trong tích tắc, bà ngắm con từ đầu đến chân. Rồi hai mẹ con ôm choàng lấy nhau ngay trước cửa nhà. Mừng rỡ. Nghẹn ngào. Rõ nó rồi, con bà đây rồi, mà tưởng chừng như trong mơ vậy.

           Ngày anh Công đi bộ đội, vẫn còn chiến tranh ở trong Nam. Đất nước có giặc, trai tráng ra mặt trận là phải. Tuy không khuyến khích con, nhưng nó đã xung phong thì bà đồng ý ngay. Cản trở con, hoá ra bà lạc hậu à; còn mang tiếng với làng nước, xóm giềng. Chứ đối chiếu tiêu chuẩn thì anh Công được miễn bộ đội. Vì nhà đã có hai người anh ruột ra mặt trận, lại đều hy sinh cả.


            - Con chỉ đi mấy năm, hết giặc lại trở về ngay với u - anh Công nói thế.

            - Nhưng mà u vẫn lo. Lo là lo cho con thôi. U ở nhà còn đủ sức ruộng đồng.

            - Con thương u lắm. Thế nhưng...

            Hai mẹ con bịn rịn động viên nhau trong buổi tối trước ngày anh Công lên đường. Cả hai cùng giấu những giọt nước mắt.

            Vậy mà đứng trước mọi người, bà Thành nói cười thật vui vẻ. Thì cả làng cả xã trống dong cờ mở như ngày hội để tiễn con trai bà, tiễn đồng đội nó, trong lòng có thế nào cũng phải biết kìm nén chứ. Nước mắt ngắn, nước mắt dài chỉ làm rầu lòng chúng nó, là chẳng có hay đâu.

            Sau đó về nhà, bà nằm vật xuống gường. Cái giường tre cũ kỹ, kêu lên kèn kẹt. Mắt bà nhắm nghiền. Và, những tiếng thở dài liên tiếp. Bóng tối ập xuống lúc nào chẳng hay. Nếu không có Thuỷ - cô hàng xóm sang chơi, hẳn bà cứ nằm mãi thế. Cô với cái đèn trên bàn thờ, thắp sáng lên. Hai người ngồi kề nhau bên mép giường, như hai mẹ con. Họ nói đủ thứ chuyện, cốt làm vơi nỗi buồn nhớ con trong lòng bà Thành. Rõ khuya Thủy mới ra về. Bà đứng trước hiên nhà tiễn khách. "Con bé đến là ngoan. Nó quý thằng Công đáo để".

            Quay vào, bà thắp hương cầu xin vong linh tổ tiên, chồng và hai anh con trai, hãy phù hộ cho thằng Công lên đường chân cứng đá mềm, luôn gặp may mắn, tránh được mũi tên hòn đạn nơi trận mạc. Gió đông bắc thốc tháo từng cơn, làm bùng cháy nắm chân hương. Bà tin có sự linh ứng tốt lành. Bà thành tâm thắp tiếp ba nén hương nữa, vái ba vái rồi đi nằm. Trong lòng đầy thanh thản mà không sao ngủ được. Không biết lúc này thằng Công ở đâu. Đồng đội nó ở đâu. Chúng nó, đứa nào chẳng nhớ nhà. y nhưng, tuổi trẻ đang sức ăn sức ngủ, chúng chẳng suy nghĩ day dứt gì đâu.

            Dễ đến gà gáy canh ba, bà mới chợp mắt. Mộng mỵ lung tung. Bà đội nón cắp rổ đi chợ; mua miếng thịt, con cá, để làm cơm tiễn con. Chợ đang đông, bỗng máy bay xoèn xoẹt trên đầu. Lát sau, tiếng bom ùng oàng từ xa vọng lại. Bà ngẩn ngơ hỏi:

            - Nó đánh ở đâu hở các ông các bà?

            - xa lắm. Nào biết đích xác chỗ nào.

            Lại hỏi:

            - Nó đánh ở hướng nào?
            - Hướng ấy là hướng nam.

            Bà hồi hộp, ngực đập thình thịch. Hình như con bà đang hành quân về hướng nam. Dễ thường bọn tàu bay Mỹ thám thính được đường đi của chúng nó. Chứ chẳng nhẽ nó đánh vu vơ. Nỗi sợ hãi tăng lên làm bà thức tỉnh. Mới hay, làm gì còn máy bay ném bom miền Bắc nữa. Nó đã ký cam kết thôi đánh phá miền Bắc rồi mà. Chứ còn đánh còn rơi. Có mà rơi hết. Mấy năm trước, bọn thằng Công dám cả gan dùng súng trường súng máy chơi nhau với nó, mới thật đáng phục làm sao. Dân làng này, cả nước này, có ai sợ nó đâu. Những lần xem nó cháy như ngọn đuốc lơ lửng trên trời, thật sướng mắt. Vừa đánh giặc. Vừa sản xuất. Sản xuất bằng hai. Khí thế thật!

            , sáng mai bà phải ra đồng xem cái sào - ruộng - phần - trăm đến hôm nào gặt được. Rồi còn cái chuồng gà cũng phải sửa sang cho nó chắc chắn. Việc này bà đã giục con. Nó "vâng", nhưng lại bận công việc đoàn thể, đành mấy lần bỏ bễ. Nay mai bà tự làm lấy thôi. Làm được tất. Làm càng khoẻ khoắn. Và để quên đi nỗi buồn nhớ con.

            Ban ngày, nhiều lúc bà quên thật. Về đêm thì chẳng mấy khi bà không mộng mỵ thấy anh Công. Thấy cả ba anh em chúng nó. Ba đứa đứng sừng sững giữa nhà. Bà hỏi, không đứa nào đáp. Chúng nó cứ chỉ chỉ chỏ chỏ và thì thào với nhau những gì ấy. Khi mở mắt ra, bà thấy lo lo. Không lẽ thằng Công đã... Nên chúng nó mới tìm đến nhau. Mới rủ nhau về nhà. chúng nó không nói gì với bà là đúng. Người trần và người âm có nói được với nhau đâu.

            Một lần còn đang lơ mơ, bỗng bà thấy đỏ lòm máu. Đỏ lênh láng. Trong nhà. Ngoài sân. Đường ngõ. Mặt đất. Dưới ao. Cả trên những ngọn cây. Rồi mọi người xô nhau chạy trốn. Bà cũng chạy, nhưng hai chân cứ díu lại. Bà thét rõ to và bật dậy. Sao lại có những giấc mơ quái quỷ thế này?

            Thuỷ luôn luôn là người để bà dốc bầu tâm sự. Nghe xong, cô nói:

            - Mơ không phải cái gì cũng đúng đâu, bác ạ. Chẳng qua ban ngày bác lo nghĩ nhiều đến những rủi ro sơ sẩy, nên giấc mơ thường là khủng khiếp. Cháu cũng mơ thấy anh ấy luôn, nhưng toàn chuyện vui cả thôi.

            - Thế ư?

            Cô liền kể một loạt chuyện trong mơ. Và bịa ra nữa. để bà Thành bớt lo nghĩ âu sầu. Bà luôn gật gù, tỏ ý vui theo câu chuyện của Thủy. Niềm vui đã giúp bà thanh thản trở lại.

            Phải, thằng Công bảo, nó chết làm sao được. Vì thương mẹ, nó nhất định sống để trở về; cho dù đánh giặc năm năm, mười năm. Còn nửa kín nửa hở nói rằng, thương cả con Thuỷ nữa. Thế thì đích thực chúng nó có tình ý với nhau rồi. Được thế thì mẹ mày mừng lắm con ạ. Mẹ mong con là việc của mẹ. Phận con cứ phải làm tròn công việc người lính, công việc đánh giặc. Đừng làm gì để mang tiếng với làng với nước, con nhé!

            Ấy nhưng, sau niềm vui thì nỗi buồn lại như nguyên vẹn trong đầu bà. Nhất là những năm tháng sau này, bà đằng đẵng mong con mà bặt vô âm tín. Đôi khi bà nghĩ thằng Công chết thật rồi. Nhiều trường hợp có báo tử đâu. Thuỷ cũng đi lấy chồng, nên ít đến thăm bà. Trước kia nỗi buồn gặm nhấm bà chỉ trong đêm đêm, sau thì chẳng kể ngày đêm. Nỗi buồn khiến cái già xộc đến rất nhanh, làm cho thân hình khẳng khiu, gầy đét như cành cây khô. Lưng khọm xuống ở tuổi mới ngoài năm mươi, mặt mày nhăn nheo chằng chịt.

            Cho đến ngày anh Công trở về, tính ngót ngét mười năm trời mẹ con xa nhau. Anh không nghĩ mẹ lại xuống sức đến thế. "Nhưng con đã về với mẹ đây. Con sẽ làm tất cả những gì mẹ mong muốn, để mẹ toại nguyện." Còn bà Thành, từ lúc con về, không muốn rời nó nửa bước. Thấy con lành lặn nguyên vẹn như lúc ra đi, niềm vui trong bà ngập tràn. Vui trong suy nghĩ, và cả trên nét mặt cùng câu nói tiếng cười. Vậy là cái hồng phúc nhà bà vẫn còn.

            Nửa tháng sau. Một buổi tối bà Thành bảo con lấy vợ:

            - Con đã gần ba chục tuổi đầu rồi. Mẹ thì tuổi chưa cao nhưng yếu lắm.

            Anh Công "Vâng". Lấy ai bây giờ? Thương cho Thuỷ, đã một đời chồng. Trước đó cô ấy vẫn có ý chờ. Nhưng biết đâu mà chờ. Hai đứa cũng chưa hề hứa hẹn với nhau. Vả lại, bốn - năm năm sau này mình bặt thư từ về cho mẹ, thì ai dám chắc mình còn sống. Thời chiến, việc quân nó thế; ngoài ý muốn của mọi người… Anh hỏi mẹ:

            - Theo mẹ thì con nên lấy ai?

            - Mẹ chưa nghĩ ra. Nhưng cả làng cả xã thiếu gì người.

            Mẹ thầm tiếc con Thuỷ. Được người, được nết. Nhưng số nó vất vả. Lấy chồng người xóm trong, chưa tròn năm thì anh ta hy sinh. Chung sống bên nhau đâu chỉ mấy ngày dịp cưới xin. Cũng mang tiếng đã một đời chồng. Giá như con bé chưa gì… Từ ngày thằng Công trở về, hai đứa gặp nhau mấy bận. Chẳng biết ý tứ chúng nó thế nào.

            - Mẹ ạ, hay là...

            - Con cứ nói đi.

            - Hay là... con lấy Thuỷ có được không?

            - Theo mẹ thì không nên.

            - Chẳng sao đâu mẹ ạ. Miễn là chúng con yêu thương nhau.

            - Đành là thế. Song mẹ cứ e dư luận xóm làng.

            - Con xin hỏi, mẹ có thực quý Thuỷ không?

            - Mẹ quý nó nhất.

            - Thế thì xin mẹ thuận cho chúng con lấy nhau.

            Sau đó, đám cưới của họ diễn ra thật đơn giản, nhưng cũng thật ấm cúng.

            Không ai chê cười con bà lấy gái đã có chồng. Nghĩ theo đời sống mới như thế là phải. Cốt sao chúng nó hoà thuận, ăn đời ở kiếp được với nhau. Thuỷ là người biết suy nghĩ chín chắn. Trước khi về làm dâu, đã có lời cảm ơn bà Thành "thông cảm số phận chúng con, thương yêu chúng con, để chúng con thành vợ thành chồng."

            Mấy tháng sau Thuỷ mang thai. Bà mẹ chồng tỏ ra sung sướng lắm. Sớm tối bà hỏi han con dâu, xem sức khoẻ nó ra sao. Và luôn dặn con ăn uống phải thế nào, cần giữ gìn kiêng cữ những gì, càng không được tham công tiếc việc. Bà cũng dặn con trai mình phải đỡ đần vợ nó nhiều hơn trước. Lại nữa, ngồi đâu bà cũng hay khoe cô con dâu ngoan ngoãn, hay lam hay làm. Nay mai nó sinh cho bà đứa cháu trai thì chẳng còn gì hơn. Cháu trai đích tôn, để nối dòng nối giống  nhà bà.

            Bà bấm đốt ngón tay, đúng chín tháng mười ngày, đứa cháu đích tôn ra đời, nặng bốn cân hai, thật bụ bẫm. Nó đẻ đúng vào ngày - giờ Hoàng đạo, tháng Tám ta, năm Tý. Người ta bảo số tử vi nó tuyệt vời. Chẳng phải lao tâm khổ tứ thì cái ghế quan lộc cứ đến. Mà là chức vị lớn cơ đấy. Thật phúc đức cho gia đình bà. Ông trời cũng có mắt. hiền thì gặp lành. Thế là nỗi vất vả cơ cực gần cả đời , từ nay được đền bù. Bà ẵm cháu trên tay suốt ngày không thấy mỏi. Càng ngắm nó, càng thích. Cặp mắt sáng này, cái trán cao cao này, đích thực của bố nó. Cũng giống ông nội nó. Còn cái môi cái miệng đỏ chon chót, giống như nụ hoa, là của mẹ nó này. Cả mái tóc rậm dày, đen lay láy, cũng là của mẹ nó đây.

            Theo tháng ngày, thằng Bình - tên cháu bà - lớn như thổi. Trông rõ phổng phao. Mà hiền khô. Không thấy tiếng khóc mấy khi. Đói, chỉ ọ ẹ vài tiếng. Bập miệng vào vú mẹ mút một mạch no căng, lại ngủ. Cũng nhờ sữa mẹ nó tốt. Thơm thơm là. Nhìn cái ngực, cái mông và dáng đi của Thuỷ từ khi con gái, bà đã đoán tướng này thật dễ đẻ, dễ nuôi con. Quả chẳng có sai tẹo nào.

            Nhà có thêm đứa cháu, tuy bận nhưng không khí gia đình chan hòa ấm cúng hẳn lên. Vợ chồng anh Công đi làm đồng, hoặc đi đâu chỉ một lúc, về tới nhà là quấn quít bên bà cháu. Hỏi han bà có làm sao không. Bà hiểu câu hỏi ấy mang ý rằng: Cháu nó có quấy nhiều làm bà mệt không? Cháu hư thì bà cứ đét đít, bà nhỉ. Bố hư bà cũng đét đít cơ mà!

            Chưa bao giờ bà Thành thấy cuộc đời sung sướng như thế này. Ngày xưa bà sinh nở, nuôi con vất vả lắm. Việc đồng áng tất bật, một nắng hai sương. Đói cơm, rách áo đến kiệt sức. Làm gì còn thì giờ thư thả để vợ chồng con cái trò chuyện vui đùa bên nhau.

            Rồi ngoảnh đi ngoảnh lại, thằng Bình đã đến tuổi đi học lớp một. Cháu bà sáng dạ như bố nó hồi bé. Hằng ngày bà đưa đón nó đến trường, về nhà. Để bố mẹ nó dồn sức  làm lụng xây đắp gia đình, cho tiến kịp dân làng. Không thì cứ ở mãi cái nhà gỗ lợp ngói ta giột nát; trong khi xóm làng, nhà cửa bê tông mái bằng gần hết cả rồi. Muốn thế phải khoan đẻ đứa thứ hai. Đẻ nữa, công sức tiền của lại dốc vào đấy hết. Nghe vợ chồng nó nói phải, bà ủng hộ cái kế hoạch ấy. Nên, ngoài trông nom dạy dỗ cháu, bà còn gánh hết việc nhà.

            Nhưng sự đời thường hay gặp những oái oăm. Phúc bất trùng lai. Hoạ vô đơn chí. Đang làm việc bình thường, tự dựng anh Công đổ bệnh. Mệt mỏi cứ như giả vờ. Ăn uống thất thường, không thấy ngon. Sau đó da dẻ xạm lại. Cứ nghĩ do lao động quá sức, nên chị Thuỷ không để chồng làm việc nặng. Ăn uống hằng ngày của anh cũng được chị quan tâm hơn. Vậy mà sức khỏe anh vẫn không khá lên được. Anh đành đi bệnh viện huyện khám xem cơ thể thế nào. Người ta hỏi quá trình công tác và tiền sử bệnh tật, rồi làm vài xét nghiệm cho anh. Hóa ra anh bị nhiễm chất độc màu da cam. Khi còn trai tráng thì sức khoẻ át bệnh. Dù bệnh chưa phát ra, nhưng chất ấy vẫn ngấm ngầm ăn mòn cơ thể anh.

            Anh không nghi ngờ chẩn đoán của bệnh viện. Bởi những năm tháng ở chiến trường, anh đã từng sống trong vùng bị rải chất độc hoá học. Cái chất chết tiệt ấy nó hại đời anh rồi. Nó còn là căn bệnh truyền kiếp nữa.

            - Anh lo thằng Bình của chúng mình hơn là lo cho anh, em ạ.

            - Nó khoẻ mạnh, có sao đâu nào!

            - Em chưa biết đấy thôi. Nguy hiểm lắm. Vậy mà trước nay anh không hề nghĩ mình bị trúng bệnh này. Anh mà biết trước thì...

            - Thì sao nào. Anh ngủ đi cho khoẻ. Mình khoẻ là bệnh nó lui, anh ạ.

            Nhưng sức khoẻ anh không có chiều hướng khá hơn. Bệnh này không dễ dàng chết, song nó biến anh như tên tù đeo án chung thân. Hằng ngày anh cố làm việc cho khuây khoả. Cũng là để tiếp tục gánh vác trách nhiệm người đàn ông trong gia đình. Biết chắc không lâu nữa, anh có muốn làm việc cũng khó. Thuỷ sẽ phải gánh chịu tất cả. Mẹ già. Chồng ốm. Con đau. Khổ thân Thuỷ. Giá biết trước được bệnh mình thì anh không lấy vợ. Thì không làm Thuỷ khổ thêm một lần nữa. Không làm khổ cả thằng Bình. Sớm muộn rồi thằng Bình cũng bị cái bệnh quái ác từ anh truyền lây sang nó. Hôm đi khám, anh đã tìm hiểu kỹ hậu hoạ căn bệnh này. Cứ nghĩ, chiến tranh qua đi rồi, anh lành lặn nguyên vẹn trở về là niềm vui lớn, là phúc đức lớn của cả nhà. Ai ngờ căn bệnh này là hậu họa của cuộc chiến tranh. Nó còn đeo đẳng mãi đời này, đời sau. Thế là hết. Hết thật rồi. Mẹ anh, cả Thuỷ nữa, chưa biết rõ nỗi đau này. Chẳng vội nói ngay làm gì. Rồi sớm muộn, mọi người trong nhà anh đều phải đối đầu với thực tế khốc liệt ấy.

            Tuy anh Công không nói hết, thì bà Thành cũng biết con mắc bệnh trọng. Bà thể hiện nỗi buồn rõ nhất. Hay khóc thầm. Hay cầu khấn tổ tiên phù hộ. Cho đến khi thằng cháu phát bệnh thì, nỗi đau ập đến khiến bà như bị trời giáng. Bà nằm bẹp tại giường mấy ngày liền. Nhưng vẫn lắng nghe câu được câu chăng về sự nguy hiểm đối với sức khoẻ cháu bà.

            Nó đang rất khoẻ. Vẫn đi học hàng ngày. Thế rồi một buổi tối nó bảo đau đầu; sáng hôm sau đã thấy chân đi tập tễnh, giọng nói lạc hẳn. Linh tính mách bảo có điềm dữ xảy ra, anh Công vội cho nó đi bệnh viện khám. Đúng như anh dự đoán, thằng Bình bị bệnh di truyền từ bố. Vài tháng sau, nó liệt cả hai chân, bắp thịt ngót dần, đầu gối giô ra, mặt ngơ ngơ đần độn.

            - Khổ thân cháu tôi... Khổ thân cháu tôi...

            Suốt ngày đêm bà Thành rên rỉ. Sao trời không bắt bà chịu thay cho nó. Nó còn thơ dại, nào đã tội tình gì đâu. Có cách nào chữa khỏi cho cháu bà không Cả con trai bà nữa?

            Biết chẳng có thuốc đặc trị nào cứu con thoát hiểm, song vợ chồng anh Công không thể bình chân như vại. Dù phải bán tất cửa nhà, phải mang công mắc nợ ngập đầu mà cứu được con, vợ chồng anh cũng sẵn sàng đánh đổi. Khắp các nơi, từ huyện lên tỉnh, tới tận Thủ đô, nghe tin chỗ nào có thày thuốc giỏi, bất kể là bệnh viện công hay tư, thày thuốc đông y hay tây y, anh đều bê con đến. Để cầu may. Biết đâu mình gặp được người tài trong thiên hạ. Không cứu được thằng Bình khỏi hẳn thì giảm bệnh cho nó cũng mừng. Song, mệt mỏi và tốn kém đã nhiều, chẳng ăn thua gì. Thất vọng trùm lên cả nhà.

            - Bệnh cháu nó do chất độc gây nên, vậy cần nghĩ  đến việc hút độc khử độc bằng các loại thuốc ta xem sao. Ai dám coi thường mấy cái lá mà hút được nọc độc rắn ở trong người.

            Lời bàn ấy của dân làng được coi như điều mách bảo một hướng điều trị mới. Không ngần ngại chen chúc tàu xe cuốc bộ vất vả, anh Công mò tới ông lang dân tộc Tày ở một bản sát đường biên Trung Quốc. Địa chỉ này do tay người làng từng một thời làm "cửu vạn" ở vùng ấy chỉ cho. Hắn bị rắn độc cắn, chỉ còn chờ giờ chết, chính ông lang người Tày đã cứu hắn bằng bát nước lá rừng. Thế thì, may ra ông ta chữa được bệnh thằng Bình. Nghĩ thế nên bà Thành bắt anh Công phải ngay lập tức tìm đến ông. Ruộng đồng chậm cày bừa chẳng sao. Còn người ắt còn của.

            - Nhưng con nghĩ, cũng khó ổn. Vì...

            - Không nhưng với vì gì sất. Anh không được chần chừ. Cứu cháu tôi là cứu con anh cơ mà!

            Anh Công coi chuyến đi như người có bệnh thì vái bốn phương vậy. Được thua là nhờ ở số phận rủi may thôi. Chứ không có cơ sở để tin vào cách chữa này.

            Nghe anh Công trình bày, ông lang người Tày chối đây đẩy:

            - Tôi không chữa bệnh này đâu. Chữa rắn cắn thì tôi hiểu, tôi chữa ngay. Bệnh da cam, tôi mù tịt mà. Chữa bậy là phạm pháp đấy. Nó bỏ tù, không tha đâu mà.

            Nể quá và thương quá, ông lang người Tày không để anh Công ra về tay không. Ông đành bốc cho anh mười thang thuốc dặn kỹ cách uống mỗi ngày.

            - Không tin khỏi bệnh đâu. Nhưng bảo đảm thuốc không có độc. Chỉ tiêu độc thôi. Trong ấy còn có nhiều vị bổ đấy. Thích thì uống. Không thích thì bỏ. Cái bụng còn chưa tin cũng bỏ. Cũng không lấy tiền. Lá rừng, cây rừng dễ kiếm ấy mà. Có phải mua đâu.

            Anh Công hết sức xúc động trước tấm lòng chân thật, mộc mạc của ông. Chẳng những thế, ông còn đãi rượu và cho anh ngủ nhờ qua đêm. Người như ông thời nay ít gặp, khác xa nhiều thày thuốc ở miền xuôi. Họ nói đạo lý thật giỏi, còn bụng thì ra sức bóp nặn người bệnh. Trước ca cấp cứu cũng chờ đu tiên”, rồi mới xử lý. Phải chăng vì sự bất nhân diễn ra quá nhiều, nên lâu nay người ta hay nhắc đến vấn đề đạo đức ngành y. Nhưng không thể có chuyển biến tốt đáng kể, nếu chỉ đặt hy vọng vào mấy lời kêu gọi hoặc phê phán vài hiện tượng xấu ở cơ sở điều trị bệnh. Là những người thày thuốc, họ thừa hiểu hành động vòi tiền bệnh nhân là việc làm xấu, nhưng vì sao họ cứ làm? Nguồn gốc từ đâu?... Từ đâu?...

            Vừa về đến cổng, anh Công đã nghe tiếng gõ mõ tụng kinh rộn lên ở trong nhà. Có thể hy vọng vào cách chữa bệnh này ư? Chỉ là ý mẹ anh hay cả Thuỷ? Mà thôi, đừng có căn vặn làm gì. Để mọi người thêm chút thư thái ở trong đầu. Khi cuộc lễ cầu kết thúc, chỉ còn người trong nhà ngồi chụm đầu bên ngọn đèn dầu, anh Công mới kể tỷ mỉ về chuyến đi. Mẹ anh nói:

            - Cứ cho cháu bà uống luôn thuốc ấy xem sao?

            Anh Công có ý thận trọng hơn, đưa ra ý kiến xin mẹ "Để con uống thử mấy thang trước đã. Nếu có chiều hướng tốt hoặc vô hại thì cho cháu uống cũng không muộn". Mẹ anh bằng lòng.

            Bố uống trước, con uống sau. Đến khi thuốc hết vẫn chẳng thấy thằng bé tươi tỉnh hơn chút nào. Anh Công thì cố nghe bên trong cơ thể mình phản ứng hay dở ra sao. Dở không rõ. Hay cũng tịt mít. Đành rằng trong thuốc có vị bổ, nhưng liều lượng ấy chưa đủ để cơ thể anh khá lên.

            Ngày tháng liên tiếp qua đi. Sau gần một năm phát bệnh, sức khỏe thằng Bình ngày càng xấu hơn, dù nó đã được chữa chạy bằng đủ các loại thuốc Tây thuốc Ta. Nhà bà Thành nay không ai còn ý nghĩ tìm cách chữa chạy bệnh cho nó nữa. Hết cách rồi. Không thuốc nào chữa nổi bệnh nó. Kinh tế gia đình cũng đã kiệt quệ. Và còn mang nợ nữa. Bây giờ, việc khó nhất là làm thế nào để duy trì được mức ăn uống bồi bổ khá hơn cho cả nhà. Ai cũng cần sức khoẻ lúc này.

            - Còn đối với cháu Bình, cần kéo dài thời gian sống cho nó. Đành rằng nó tàn tật, không hy vọng được gì hơn; nhưng nhà này sẽ mất hết niềm vui khi thiếu vắng nó. Vâng, thưa mẹ, chúng con buộc phải nói rõ một sự thật khắc nghiệt là: Cháu Bình không thể sống lâu bên cạnh bà và bố mẹ nó. Các thày thuốc đã nói rõ điều này. Nay con nói rõ với mẹ, cốt để nhà ta không ai đột ngột rơi vào cơn sốc mạnh khi có sự chẳng lành xảy ra với cháu... Còn con, tuy cùng bệnh cháu nhưng đủ sức chống chọi hàng chục năm nữa, thậm chí lâu hơn. Có điều là, sức khoẻ con không trở lại được như trước kia đâu. Đấy là toàn bộ sự thật về cháu, về con.

            Bà Thành không kìm nén được nước mắt. Những điều con bà nói ra, chắc đâu đã là tất cả sự thật. còn giấu những gì? Bỏ chỗ ngồi ở sân, bà vào nhà ngó thằng cháu đang ngủ trong màn. Không lẽ lại như thế ư? Cháu bà sẽ sớm bỏ bà ư?

            Và sự thật khắc nghiệt đã xảy ra. Xảy ra sau hơn một tháng, khi bà nghe con trai nói rõ tình trạng bệnh cháu bà. Xảy ra đúng lúc vợ chồng anh Công vắng nhà. Lúc này bà khô hết nước mắt khóc thương cháu. Như cái thân hình khô cỏng của nó đang nằm bất động kia. Chỉ còn tiếng thổn thức từng cơn tận sâu trong lòng, bà dành cho nó. Khóc nó, cũng là khóc thương cái kiếp khốn khổ của đời bà. Chồng chết khi một nách ba con nhỏ. Anh Công lúc ấy chưa đầy hai tuổi. Kế sinh nhai chỉ trông vào hai sào ruộng liệt đẳng. Bà đành ở vậy từ tuổi hai nhăm. Tần tảo nuôi con. Cái nghèo, cái khổ đã giết chết mọi thèm muốn thời trẻ của bà. Đôi khi nỗi khát khao chồm dậy, bà phải gồng lên dìm nó xuống. Biết rằng mình giết mình mà không sao khác được. Cứ nghĩ sông có khúc, người có lúc; hoá ra cả đời bà chẳng được lúc nào mát mặt, thảnh thơi. Kết cục là sự tuyệt vọng như thế này đây. Trong cơn hoảng loạn, bmuốn cất tiếng gọi con gọi cháu thật to, nhưng không đủ sức. Tiếng gọi chỉ còn là những âm thanh rè rè đứt đoạn, chới với giữa dòng đời cô độc khốn khổ của bà:

            - Cháu ơi!... Các con ơi!... Bình ơi!... Thành ơi!... Hoàn ơi!... Sao cháu con tôi nỡ rủ nhau ra đi tất cả thế này?... Công ơi!... Thuỷ ơi!... Các con đâu cả rồi?...

            Chị Thuỷ tranh thủ đi làm đồng.

            Còn anh Công chạy lên xã hỏi xem cái đơn đề nghị trợ cấp đã được giải quyết thế nào. Anh tức phát điên. Đơn gửi hàng tháng rồi, mà vẫn còn nằm trong ngăn kéo tủ tài liệu của họ. "Chúng tôi chưa họp bàn tập thể. Ý kiến của riêng tôi thì, đúng là đồng chí mang bệnh từ chiến trường về, nguy hiểm suốt cả đời đấy, song đồng chí lại không phải là thương binh. Nên không thể giải quyết chính sách trợ cấp đột xuất theo chế độ thương binh cho đồng chí được. Còn chính sách gia đình liệt sĩ, dịp này chưa có chủ trương giải quyết bất cứ trường hợp nào" - Đấy là ý kiến của ông Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân. Anh không thể trình bày thêm điều gì hơn. Trường hợp anh sao không thể gọi là thương binh? Và không chỉ có anh. Còn hàng vạn người lính đang mang thương tích như anh. Chẳng lẽ để đủ tiêu chuẩn gọi là thương binh thì anh lính bắt buộc phải bị viên đạn từ phía kẻ thù bắn vào người ư?... Phải làm đơn xin trợ cấp, với anh chỉ là vạn bất đắc dĩ. Cho dù có được giải quyết cũng không thoát nổi nỗi cơ hàn, cùng những mất mát to lớn đã và đang đổ xuống gia đình anh. Nhưng đồng tiền trợ cấp nó là điều an ủi tinh thần…

            Để tỏ lòng thông cảm cảnh ngộ anh Công, ông Phó Chủ tịch nói:

            - Vấn đề trợ cấp cho anh em mắc bệnh chất độc màu da cam ở chiến trường, Uỷ ban đã kiến nghị cấp trên ra chính sách. Chắc là sẽ có, song phải chờ.

            Quay về, nhìn cảnh nhà tàn rụng thương tâm, anh Công như cái thân vô hồn đổ gục xuống giường. Anh nằm bất động, hai tay ôm con, chẳng khác gì cặp xác chết vậy.

            Cùng lúc, chị Thuỷ muốn gào lên: "Trời cao đất dày ơi! Sao đời bất công đến thế là cùng!?". Nhưng nỗi đau như bàn tay vô hình đã bóp nghẹt cổ chị.

GTH

(*) - http://vietvanmoi.fr/index3.8112.html

- In trong Tập Chuyện đời 1, NXB Thanh Niên, 2003


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét