Thứ Ba, 18 tháng 8, 2020

Tọa đàm 100 năm Nhà viết kịch Lộng Chương (1918-2018)

GIẢI THƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ VHNT

KỊCH TÁC GIA LỘNG CHƯƠNG - MỘT NHÂN CÁCH LỚN,

MỘT CÁ TÍNH SÁNG TẠO ĐỘC ĐÁO

                                            NSND - Họa sĩ - Nhà thơ Lê Huy Quang

   Từ ngàn xưa, tiếng cười đã không thể thiếu được trong cuộc sống của dân tộc Việt Nam chúng ta. Trong các câu chuyện dân gian, cổ tích, tiếu lâm, cả huyền thoại, dã sử, lịch sử… cho đến kho tàng tục ngữ, ca dao, dân ca… tiếng cười đã trở thành vũ khí sắc bén, tạo nên sức mạnh cho con người vượt qua mọi khó khăn gian khổ của cuộc sống thường nhật. Tiếp thu những tinh hoa của di sản văn hóa dân gian, từ khi xuất hiện, nghệ thuật sân khấu dân tộc Việt Nam - mà tiêu biểu là Chèo, Tuồng, đã sáng tạo nên nhiều nhân vật và các vở diễn hài nổi tiếng… Sân khấu hiện đại Việt Nam cũng đã xuất hiện không ít các tác giả lớn, mà Kịch tác gia Lộng Chương - một nhân cách lớn, một cá tính sáng tạo độc đáo - với khối lượng tác phẩm đồ sộ gồm  hàng trăm vở kịch dài, kịch ngắn, đã khẳng định vị trí của mình, đặc biệt ở thể loại hài kịch.

       Chợt nhớ vào năm 2013, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức trọng thể Kỷ niệm 10 năm ngày mất Kịch tác gia Lộng Chương, tôi đã chép lại và tặng gia đình ông bài thơ “Nhân vật và cuộc đời” với lời đề từ “Kính tặng Nhà viết kịch Lộng Chương, tác giả vở Mỵ Châu - Trọng Thủy, do Đoàn Tuồng Trung ương diễn tại Cổ Loa, nhân Kỷ niệm 20 năm ngày thành lập (1959 - 1979)”.

 

          NHÂN VẬT VÀ CUỘC ĐỜI…

Thành Cổ Loa vang rung bờm ngựa hý

Ngọn lửa bốc cao cháy ngút trời

Áo lông ngỗng trong đêm hòa nước mắt

Tìm đường đi cho Trọng Thủy, Mỵ Châu.

 Hừng hực vai Tuồng - bê, quay, xiến, té

Roi ngựa vút lên câu hát xé lòng

Tình yêu hỡi trắng trong và bi kịch

Vọng mãi ngàn năm nhịp đập trái tim…

Người nghệ sĩ lặng im trên trang giấy

Nhân vật hiện dần lên trí tưởng tượng vô hình

Thế thái nhân tình nỗi đau muôn thuở

Niềm vui nỗi buồn đằm nước mắt nhân gian.

Nâng ly rượu quê cho lòng thanh thỏa

Quên đi những bất công, những gương mặt đớn hèn

Ta khảng khái cất lời ca người nghệ sĩ

Và nhân vật cuộc đời cứ thế hiện dần lên…

    Thời gian như bóng câu qua cửa sổ, tính từ năm 1979 đến nay, thế mà đã tròn 39 năm trôi qua. Nhưng chúng tôi, lớp nghệ sĩ của Đoàn tuồng Bắc Trung ương ngày ấy, vẫn không thể nào quên được vở diễn “Mỵ Châu - Trọng Thủy” của tác giả Lộng Chương.     

        Ngày ấy, tác giả Lộng Chương tuổi mới ngoại lục tuần, đạo diễn Ngọc Phương ngoại ngũ tuần; còn chúng tôi, những nghệ sĩ trẻ chỉ mới ngoài 20, 30. NSND - Chủ tịch Hội NSSK Việt Nam Lê Tiến Thọ - người đóng vai chính Trọng Thủy ngày ấy cũng vừa tròn 28 tuổi. Vậy mà, ấn tượng về một vở Tuồng lịch sử hấp dẫn, sâu sắc, hoành tráng, được bà con Cổ Loa cũng như người Hà Nội nồng nhiệt đón nhận, đã đem đến niềm vui lớn cho những người làm sân khấu chúng tôi: Tác giả kịch bản, đạo diễn, diễn viên. Thế rồi, sau những đêm diễn thành công ấy, Nhà viết kịch Lộng Chương lại nhâm nhi với các nghệ sĩ Tuồng, chén rượu cuốc lủi nút lá chuối quê  cùng dăm ba hạt lạc rang và mấy bìa đậu phụ nướng, nhưng với tình cảm ấm áp tràn đầy. Và bài thơ của tôi ra đời, chính là niềm cảm hứng với Kịch tác gia Lộng Chương. Nhắc lại đôi dòng về những kỷ niệm ngày ấy là để chúng tôi - những nghệ sĩ đã trên nửa thế kỷ sinh nghề - tử nghiệp với hai cánh màn sân khấu, không được quên đi quá khứ, không được quên đi những lớp người trước đã dìu dắt, hướng dẫn, dạy dỗ mình nên người. Vậy mà buồn thay, trong công cuộc đổi mới này, trong cuộc sống hiện đại tân tiến hôm nay, đã có không ít các giá trị bị đảo lộn… Có nghệ sĩ đã ẵm trong tay mình nhiều giải thưởng, nhiều huy chương và danh hiệu vẻ vang, nên cứ ngỡ mình là “sao, siêu sao” dẫn đến coi thường mọi người, mục hạ vô nhân… rồi đấu đá tranh giành cái ghế đoàn trưởng, cái ghế giám đốc nọ kia, làm mất đi cái tình nghệ sĩ từng ngọt bùi, cay đắng thuở hàn vi… Và rồi, họ đã quên đi tất cả, quên luôn cả những người thày đã tâm huyết dạy dỗ họ nên người. Vì thế, tôi hết sức đồng cảm với lời tâm sự của NSND Doãn Hoàng Giang về Kịch tác gia Lộng Chương: “… Mặc dầu ông không mở trường, mở lớp đào tạo, nhưng hầu hết Văn nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đều coi Nghệ sĩ Lộng Chương là người Thày lớn của mình. Các tác giả thì coi ông là người Thày lớn về nghề viết. Các nhà đạo diễn thì coi ông là người Thày về nghề đạo diễn. Anh chị em diễn viên cũng coi ông là người Thày về nghề diễn. Như thế có nghĩa là, trong con người của Nghệ sĩ Lộng Chương được coi là sự tổng hợp của rất nhiều yếu tố hợp thành.”                          

        Lộng Chương tên khai sinh là Phạm Văn Hiền, sinh ngày 5 tháng 2 năm 1918, tại thôn Châu Khê, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Năm 1939  ông tốt nghiệp ngành hóa chất, rồi vào làm "hóa nghiệm" tại phòng kiểm soát xuất cảng, Sở Tổng Thanh tra Nông súc, tại Hà Nội. Cũng thời gian ấy, ông tham gia chơi kịch tại các nhóm kịch tài tử: Ban kịch Hà Nội, Nhóm kịch Thế Lữ… rồi tiếp theo là Ban kịch Bình Dân thuộc Nha Bình Dân Học Vụ. Khi Hà Nội bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Lộng Chương cùng Ban kịch Bình Dân lưu diễn khắp nơi, trên những chặng đường lên chiến khu Việt Bắc. Thời kỳ tiếp sau, Lộng Chương từng tham gia nhiều công việc khác nhau: Ban Biên tập Báo Công Dân (Nam Định), tổ chức và phụ trách "Nhóm kịch Công Dân"; công tác trong Ban biên tập báo Phản Công (Thái Bình); là Chi hội phó Chi hội Văn hóa Liên khu III, đảm nhiệm Nhóm Văn nghệ Hải Kiến; công tác tại Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn (Phân hiệu II Trung bộ), làm Đội trưởng Đội công tác Văn nghệ; tập hợp lực lượng và tổ chức thành lập Đoàn Văn công Liên khu III. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đoàn Văn công được lệnh đi phục vụ. Sau chiến thắng, Đoàn được Liên Khu ủy và Hội đồng cung cấp đặt cho tên mới: Đoàn Văn công Điện Biên. Tháng 7 năm 1957, Lộng Chương tham gia thành lập Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, là Ủy viên Thường vụ - Thường trực Hội cho đến năm 1979.

        Trong quá trình công tác, dù được phân công đảm nhiệm việc gì thì Lộng Chương vẫn không quên cầm bút viết kịch. Mười năm tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, theo thống kê chưa đầy đủ, ông đã sáng tác 17 vở kịch, trong đó có Lí Thới, Du kích thôn Đồi, Chiến đấu trong lòng địch, Đoàn quân tóc trắng... Giai đoạn sau này, tác phẩm của ông có tới cả trăm vở, gồm nhiều thể loại: kịch nói, kịch hát, kịch rối... Nhiều vở kịch của ông từng làm rộn rã một thời kỳ dài trong lịch sử sân khấu cách mạng Việt Nam. Đó là: Quẫn, A Nàng, Cửa mở hé, Tình sử Loa thành, Đôi ngọc lưu ly… Lộng Chương đã trở thành một tên tuổi lớn của nền sân khấu hiện đại Việt Nam, với Giải thưởng Hồ Chí Minh - dấu son của Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi danh và tôn vinh ông.

… Là một họa sĩ thiết kế mỹ thuật sân khấu đã được xem nhiều vở diễn nổi tiếng của Lộng Chương, tôi luôn coi ông là một người Thày, một nhân cách lớn, một cá tính sáng tạo độc đáo của nền sân khấu hiện đại Việt Nam. Tuy vậy, đây chỉ là ý kiến cá nhân. Còn những vấn đề quan trọng mang tính chất lý luận, học thuật, nghiên cứu, đánh giá về Kịch tác gia Lộng Chương, xin được nhường quyền các nhà nghiên cứu, phê bình nghệ thuật tài ba và uy tín của đất nước…

       Trên tinh thần ấy, tôi xin trích dẫn một nhận xét của nhà nghiên cứu, PGS. TS. Phan Trọng Thưởng về Kịch tác gia Lộng Chương, để khép lại bài viết: “Từ năm 1960 trở đi, có thể xem là một giai đoạn mới trong quá trình sáng tác của Lộng Chương, (…) với sự mở đầu của vở Quẫn, có thể nói đến một phong cách Lộng Chương, một thể loại hài kịch mà ông là tác gia đứng hàng đầu… (…) Sẽ không cường điệu khi gọi ông là DANH THỦ HÀI KỊCH!”.

7/1/2018

 

 

 

 

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét