Thứ Hai, 17 tháng 8, 2020

Tọa đàm 100 năm Nhà viết kịch Lộng Chương (1918-2018)

GIẢI THƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ VNHT

LỘNG CHƯƠNG - NGƯỜI THẮP LỬA
NHỮNG ĐAM MÊ CHO
TUỔI TRẺ

                                                          NSƯT Trần Minh Ngọc                       

NSUT Trần Minh Ngọc - HIệu trưởng trường SKĐA TP Hồ Chí Minh (Người đứng)

Đã có nhiều người thuộc thế hệ tiền bối và các bậc thầy trong giới sân khấu ca ngợi về con người cùng những giá trị sáng tạo, giá trị đóng góp to lớn của Tác giả - Đạo diễn Lộng Chương. Trong bài viết này với tư cách là người của thế hệ kế cận, chịu ơn Thầy Lộng Chương, tôi xin được nói thêm về một mảng hoạt động sân khấu của ông với thanh niên Hà Nội - những người trẻ làm sân khấu không chuyên.

Hồi đó các khu phố Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng đều có những nhóm kịch nghiệp dư tụ họp, tập tành khá sôi nổi. Nhóm chúng tôi gồm Nguyễn Ánh - giữ vai trò đầu tàu, Quốc Ân - công nhân nhà máy nước, Nguyễn Thành - thực tập tại báo Nhân dân, và một số bạn nữ sinh trường Trưng Vương như Tường Vân, Thúy Hương… Tất cả chúng tôi đều một lòng một ý tụ họp lại để “Chơi kịch” tại nhà tôi - số 85 Trần Hưng Đạo. Chúng tôi say mê tập tành dưới sự hướng dẫn của Nguyễn Ánh. Vai trò chủ nhà của tôi là “điếu đóm” cho các đàn anh, và thủ vai “chạy cờ” là chủ yếu.

Cuộc “Chơi Kịch” này, nếu cứ tiếp tục kiểu tự phát thì sẽ dẫn chúng tôi tới đâu, về đâu? Sự nhận thức non nớt khiến chúng tôi rất khó trả lời.

May mắn làm sao, trong một buổi sáng chúng tôi đang tập vở “Lửa cháy lên rồi” thì được Nhà viết kịch Lộng Chương, Nghệ sĩ Trúc Quỳnh, anh Huỳnh Chinh và anh Phan Cao Điền - phụ trách Câu lạc bộ Thành Đoàn, đến xem. Sau khi xem, ông Lộng Chương khuyên chúng tôi nên chuyển về Thành Đoàn. Bởi hoạt động tại nơi ấy có tổ chức chặt chẽ và có hướng phát triển rõ ràng hơn. Ngay sau đó, anh Phan Cao Điền cũng mời chúng tôi về sinh hoạt với Câu lạc bộ Thành đoàn, tại số 9 phố Vọng Đức. Tại đây, chúng tôi có điều kiện tập tành tốt hơn, lại được Đạo diễn Lộng Chương trực tiếp bảo ban hướng dẫn nghề nghiệp. Các vở kịch “Bức ảnh” của Nguyễn Văn Niêm, “Cười dở khóc dở” - kịch vui nước ngoài, là những tiết mục đầu tiên chúng tôi được tham gia sắm vai.

Thời kỳ ấy, phong trào hoạt động nghệ thuật không chuyên phát triển rất nhanh và mạnh. Để nuôi dưỡng và nâng cao phong trào, Thành Đoàn phải tổ chức lại các nhóm văn nghệ theo chuyên ngành. Câu lạc bộ Tuổi Xanh chuyên về ca nhạc, gồm các anh chị: Quý Dương, Trung Kiên, Mạnh Hà, Trần Hiếu, Thúy Hiền… Câu lạc bộ Sân khấu có: Nguyễn Ánh, Nguyễn Thành, Quốc Ân, Minh Ngọc… dưới sự hướng dẫn nghệ thuật của Thầy Lộng Chương. Câu lạc bộ Sân khấu đã dần dần thu nạp thêm nhiều thành viên trẻ say mê môn nghệ thuật này. Trong số họ, không ít người đã thành danh,  như các anh Doãn Hoàng Giang, Đoàn Dũng, Hà Văn Trọng, Hồng Chương, Nguyễn Ánh, Nguyễn Thành, Trọng Khôi… các chị Bích Lân, Lê Mai, Minh Mẫn, Ngọc Hiền, Mỹ Dung… Họ được coi là thế hệ vàng của Sân khấu Việt Nam.

Nhớ lại cái thời thế hệ trẻ chúng tôi chập chững vào nghề chỉ với lòng say mê sân khấu, chứ chẳng ai có bằng cấp chuyên ngành như bây giờ; nhưng đã rất may mắn được các “bậc thầy” dày công dìu dắt, dạy bảo chuyên môn. Người dạy nghề đầu tiên của chúng tôi chính là Thày Lộng Chương; tiếp sau là thày Quang, thày Nghi, thày Ngô Y Linh và nhiều Nghệ nhân, Nghệ sĩ khác.

Đến hôm nay, những người thuộc thế hệ 3x…4x… thuở ấy không ai còn trẻ nữa. Nhiều người đã “rửa tay gác kiếm”. Nhưng, những đóng góp của họ cho sự nghiệp sân khấu thì không hề nhỏ. Chỉ một đạo diễn - NSND Doãn Hoàng Giang; một diễn viên - NSND Trọng Khôi; một họa sĩ sân khấu - NSND Doãn Châu; một nhà báo - diễn viên Nguyễn Ánh; một nhà tổ chức Nguyễn Thành cũng đủ để chúng tôi tự hào rồi. Và, đương nhiên chúng tôi không bao giờ quên công lao to lớn của những người Thày đã dìu dắt, tiếp sức cho chúng tôi vững bước trọn đời  trên con đường nghệ thuật sân khấu nước nhà.

Với Nhà viết kịch Lộng Chương - Người Thày đầu tiên của chúng tôi, tôi vẫn giữ nguyên ấn tượng về lời khuyên của ông tại buổi gặp gỡ ban đầu. Quả thật, không nhận được những lời khuyên ấy, chắc chắn Hà Nội sẽ không có Câu lạc bộ Kịch Thanh niên nổi đình nổi đám, và cả Phong trào Văn nghệ Thanh niên Hà Nội cũng không thể có.  Phải khẳng định rằng, với thế hệ chúng tôi hồi đó, ngọn lửa sân khấu bừng sáng được, công đầu thuộc về Người thắp lửa Lộng Chương!

Thày Lộng Chương giờ đã “đi xa”. Nhưng trong lòng tôi và anh chị em làm sân khấu cùng thời, chắc chắn không ai quên công lao to lớn của Thày, người đã dạy dỗ chúng tôi trưởng thành. Tại Hội thảo này, nhớ về Thày - Thày Lộng Chương, tôi chỉ xin thêm vài điều thật giản dị: Tính ông điềm đạm, ít nói. Nhưng khi đã nói thì, câu chữ của ông thật chính xác, rất chắc nịch!

Ông là người Tây học, nhưng cách sống, cách ứng xử rất Á Đông. Nghệ thuật trong Ông tưởng cũ, nhưng rất mới. Ông làm Kịch rất Chèo và làm Chèo rất kịch. Cái hiện tại và cái truyền thống thật hòa quyện trong tác phẩm của Ông. Và, chất hài trong kịch của ông mang đậm chất humour phương Đông, nhưng  lại rất gần thủ pháp hài Molière - cổ điển Pháp

Đó là bây giờ, khi đã trải nghiệm những thăng trầm của việc sáng tạo nghệ thuật sân khấu, tôi mới nghĩ được đôi điều đúng đắn về Sự nghiệp và Con người Nhà viết kịch - Nhà hoạt động sân khấu Lộng Chương. Còn ở thời dĩ vãng xa xưa, khi đang non trẻ, tôi có biết gì đâu về những trăn trở của Người tôi hằng quý mến…

  Xin được Thày tha thứ.

Mãi mãi nhớ ơn Thày!              

                                                                                   Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 12/2017                                                              

                  

 

 

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét