GIẢI THƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ VHNT
TÌNH SỬ LOA THÀNH ĐÃ CHO TÔI NHẬN THỨC MỚI
VỀ SỰ SÁNG TẠO NGHỆ THUẬT
NSND LÊ TIẾN THỌ
Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam
“Tình sử Loa thành” của Nhà viết kịch Lộng
Chương tuy chưa hẳn là kịch bản Tuồng, nhưng tác giả đã khai thác được nhiều
trò diễn, với nhiều khía cạnh của tâm lý nhân vật, đặc biệt là những lớp phân
thân giằng xé nội tâm giữa tình yêu và nghĩa vụ đặt trên vai Trọng Thủy, vì thế
vở diễn rất có chiều sâu và hấp dẫn người xem.
Được sự động viên
khích lệ của đạo diễn và tác giả kịch bản, tôi say sưa lao vào công việc. Cái
lúng túng và cũng là điểm yếu của tôi là phần múa trong nhân vật mình sắm vai.
Đương nhiên, tôi phải học, phải luyện, để làm sao hài hòa được từ ánh mắt đến
những động tác khoa trương của đôi hia và đôi lông trĩ trên mũ đội đầu… Mặc dù
vậy, tôi vẫn ấp ủ một quan niệm khác, đó là chống thói quen bắt chước mô típ
truyền thống cũ. Bởi vì, mỗi con người ngoài đời cũng như mỗi nhân vật trong vở
diễn đều có một đời sống riêng biệt cơ mà. Thế nên, khi tiếp cận tác phẩm, nghệ
sĩ phải nghiền ngẫm, khắc họa nhân vật sao cho nổi bật được tính cách riêng,
nhất là đối với các nhân vật lịch sử. Nếu không, ta sẽ sa vào lối dập khuôn,
khiến cho nhân vật Trọng Thủy na ná giống kép phong tình Lã Bố. Và tôi đã mạnh
dạn trao đổi với đạo diễn Ngọc Phương cùng tác giả Lộng Chương, được hai ông
hết sức ủng hộ ý tưởng này. Đồng thời vở dễn cũng được tác giả chính sửa lại,
với những tình tiết bạo liệt hơn, phù hợp kịch tính trong Tuồng. Tôi nhớ nhất
lớp diễn giữa nhân vật Triệu Đại Phu giao trọng trách cho Trọng Thủy, là phải lấy
cắp bằng được chiếc nỏ thần để đưa về Bắc quốc. Ở màn diễn này, ngôn ngữ đối
thoại bằng thơ đã tạo nên một lớp Tuồng đầy xung đột. Nhưng từ khi Trọng Thủy
gặp Mỵ Châu, được nàng yêu say đắm, chàng đã quên hẳn việc lớn. Sau này gặp lại
Triệu Đại Phu, bị Đại Phu khích tướng, máu Đại Hán trong người Trọng Thủy lại
sôi lên. Và, chàng đã lừa Mỵ Châu để bước lên đài nỏ. Nhưng… vì Trọng Thủy cũng
rất yêu Mỵ Châu, nên tác giả kịch bản và đạo diễn đã “có cớ” để tạo được nhiều
“trò” cho Trọng Thủy “thả sức” phô diễn tính hai mặt trong con người hắn, giữa
sự lựa chọn hành động và không hành động…
Mặt khác, kịch bản
“Tình sử Loa thành” do tác giả Lộng Chương sáng tác trong giai đoạn đất nước ta
có biến động rất lớn ở vùng biên giới phía Bắc (1979), nên ông đã gửi gắm được
nhiều điều hay vào nhân vật Trọng Thủy. Đó là: Sự trả giá của chiến thắng, tấn
bi kịch của sự mất niềm tin, mộng vương bá vương quyền đổ vỡ… Và, cái kết cuối
cùng dành cho Trọng Thủy khi quay lại thành Cổ Loa, nơi mà dân Âu Lạc đã yêu
thương đùm bọc hắn trong những ngày gửi rể, đó là cái chết! Đây là một lớp
Tuồng lịch sử hay, mẫu mực, có “chỗ đứng” trong suốt bao năm qua của Nhát hát
Tuồng Việt Nam. Với ngòi bút điêu luyện trong xử lý ngôn từ, trong khai thác
tâm lý nhât vật, tác giả Lộng Chương đã thể hiện rất thành công, không chỉ với
Trọng Thủy - nhân vật chính, mà với cả vở diễn “Tình sử Loa thành”.
Trọng Thủy hoang
mang vì đổ vỡ niềm tim, sau khi theo dấu chiếc áo Thiên nga đi tìm Mỵ Châu
không thấy, chàng kéo lê thanh gươm quay về nơi giếng ngọc với bao nỗi chán
chường. Mang tâm trạng của kẻ chiến bại, trong cuộc chinh phạt bằng dã tâm đê
hèn, Trọng Thủy khi nhìn thấy cảnh điêu tàn sau chiến tranh trên mảnh đất Cổ
Loa, đã thốt lên:
“Đất Âu Lạc bốn bề hỗn mang dâu bể
Chỉ có nơi đây còn nguyên vẹn như xưa
Mỵ Châu ơi!
Lầu còn đây, giếng ngọc còn đây, sao
người không thấy nữa…
Dấu ngựa chiến mấy ngày đêm ròng rã
Để đuổi vua Thục tới chân non Mộ Dạ
Trắng toát lông chim sẵn dấu chỉ đường
Tan tác dặm dài áo múa công nương
Vó ngựa đường cùng, vua Thục đã dùng
gươm tự sát.
Chẳng bận đến ta, nhưng đáng căm đáng
ghét
Là lão vua đã giết chết Mỵ Châu
Mỵ Châu ơi, ta có phụ nàng đâu
Sao chẳng sống cùng ta để hưởng phần
vinh hiển…
Từ trong hương
khói của am thờ, Mỵ Châu hiện ra. Trọng Thủy những tưởng mình đang bê gối đuổi
theo bóng Mỵ Châu chập chờn… Và tiếng hát của nàng cất lên trong điệu khách hồn
bảng lảng, nghe đến xé lòng.
Mỵ Châu: Trọng Thủy chàng ơi! Những tưởng trăm năm,
duyên thắm lứa đôi vui trăm họ.
Trách gì tơ nguyệt, nhưng vì ai bội ước… nỗi hận này
dẫu thác còn mang.
Trọng Thủy vẫn
trong tâm trạng thảng thốt, lao theo bóng Mỵ Châu đến bên giếng ngọc, cốt tìm
được người xưa, bỗng gặp Cao Lạc Hầu và những người dân Âu Lạc chặn lại. Trọng
Thủy vung gươm, định xông lên chém. Lão tướng Cao Lạc Hầu liền chỉ mặt Trọng
Thủy mắng rằng:
“Trọng Thủy kia! Muốn đọ gươm?… lát nữa khó
gì đâu!
Nhưng trước khi Thế tử Triệu rơi đầu,
Đôi mắt nên nhìn, cái đầu nên nghĩ…
Bởi tin người nên nàng Mỵ Châu một lòng
chung thủy
Dân Âu Lạc đã đem trâu cày làm lễ cưới
cho ngươi…
Vậy mà… Ân tình đó, ngươi trả bằng manh
tâm loài dã thú!
Trọng Thủy vung
gươm chém loạn xạ. Nhưng Lão tướng Cao Lạc Hầu và những người dân Âu Lạc đã kịp
rời khỏi đất Cổ Loa. Trọng Thủy cô đơn thét trong hoang tưởng:
Thanh gươm này chưa giúp ta làm nên
nghiệp đế
Hùm đã sa cơ… Người vây bốn phía
Sao toàn quân Âu Lạc quanh ta?
Kìa! Đài nỏ thần ào ạt bắn tên ra
Quân Thục chết? Ha ha… Không!... Quân
Triệu chết! (ôm mặt khóc)
Gió lạnh thế này… Trời! Bóng đêm mù mịt
Nghe ghê hồn tiếng cú giữa đêm đông…
Trọng Thủy hoảng
loạn, lại rút gươm lao đi bốn phía chém loạn xạ. Nhưng rồi bất lực, hắn vất bỏ
gươm và rắp tâm tìm kiếm Mỵ Châu trong tâm trạng thất vọng mơ hồ:
Mỵ Châu! Mỵ Châu ơi!
Ta mặc hết, giờ đây ta mặc hết!
Đã mệt mỏi cả đôi tay chém giết
Hát
nam: Chém giết đôi tay mệt mỏi
Văng vẳng cồng rung gọi chúng ta
Múa đi cánh áo thiên nga
Hoa rơi lả tả hay là máu rơi?
Liền đó, Trọng
Thủy thất thểu lê bước tới bên giếng ngọc, nhìn xuống giếng, nói với Mỵ Châu:
Mỵ Châu ơi! Hãy dìu ta xuống đáy giếng
sâu
Mò lấy nghiệp đế vương
Mò lấy cảnh sang giàu…
Mỵ Châu!…
Và, Trọng Thủy lao
đầu xuống giếng ngọc tự vẫn.
Qua lớp diễn trên,
chúng ta thấy tác giả Lộng Chương đã khai thác một cách tinh tế, tâm trạng của
một kẻ mơ mộng ngai vàng (không bằng sức mạnh quân sự, mà bằng sự phản bội lừa
lọc) để rồi kết cục dẫn đến bi kịch là cái chết của Trọng Thủy - cái chết của
kẻ mất lòng tin. Về ngôn ngữ, tác giả đã có những phá cách trong sử dụng luật
biền ngẫu giữa vê trống mái của nghệ thuật Tuồng. Song, người nghe hát (và xem diễn)
Tuồng vẫn thấy rõ niêm luật của dòng thơ cổ. Đây là một điểm mạnh trong nhiều
điểm mạnh của tác giả Lộng Chương.
“Tình sử Loa
thành” do Đoàn Tuồng Bắc diễn đã gặt hái thành công lớn. Đặc biệt là, vai Trọng
Thủy được nhiều người xem tỏ lời khen ngợi. Với cảm xúc cao, NSND Lê Huy Quang
đã tức thời viết bài thơ “Nhân vật và cuộc đời”, để ca ngợi tác giả kịch bản và
các nghệ sĩ biểu diễn:
…
Hừng hực vai Tuồng - bê, quay, xiến, té
Roi ngựa vút lên câu hát xé lòng
Tình yêu hỡi trắng trong và bi kịch
Vọng mãi ngàn năm nhịp đập trái tim”…
Tuồng “Tình sử Loa
thành” ra đời đã ba mươi năm, đã có đến hơn ngàn xuất diễn trong khoảng thời
gian những năm 1980. Nghĩ lại thấy rằng, nội dung vở diễn vẫn luôn mang tính
thời sự đối với ngày hôm nay. Và, với tôi, vai Trọng Thủy đã là cái “mốc” đánh
dấu bước đường phát triển nghệ thuật của cuộc đời mình. Tuy nhiên, không phải
cứ có kịch bản hay, ắt có vở diễn hay trên sân khấu. Bài học của tôi là: Dù
nghệ thuật Tuồng vốn có nhiều khuôn mẫu, nhiều dạng vai truyền thống như Đào,
Kép, Tướng, Nịnh, Lão, Mụ, Hài… được định hình theo “khuôn vàng thước ngọc”,
nhưng không nên dập khuôn bắt chước nó trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Từ nhận thức
ấy, đã giúp tôi hoàn thành xuất sắc vai Trọng Thủy trong “Tình sử Loa thành”.
Nói cách khác là: “Tình sử Loa thành” đã xây dựng cho tôi nhận thức mới về sự
sáng tạo nghệ thuật.
Lời cuối, tôi lại xin nói về Tác giả Lộng Chương: Cuộc đời sáng tạo nghệ thuật của ông là bài học quý giá cho các thế hệ nghệ sĩ trong sáng tác kịch bản cùng nhận thức về tính kế thừa, phát triển nghệ thuật Tuồng truyền thống Việt Nam. Chúng ta hãy biết ơn và ghi công lớn cho ông trong lịch sử sân khấu Cách mạng Việt Nam.
Nhà hát Lớn Tp Hà Nội, 7/1/2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét