Thứ Hai, 3 tháng 8, 2020

Tọa đàm 100 năm Nhà viết kịch Lộng Chương (1918-2018)

 GIẢI THƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ VHNT


NHÂN CÁCH, ĐẠO ĐỨC SÁNG NGỜI 
CỦA NGƯỜI CẦM BÚT ĐÃ THÔI THÚC CHÚNG TÔI 


TS Nguyễn Thị Việt Nga 

Giám đốc Sở VH-TT-DL Hải Dương

Trong buổi lễ trọng thể và vô cùng ấm áp này, kỷ niệm 100 năm ngày sinh Nhà văn - Nhà viết kịch Lộng Chương, các nhà nghiên cứu và các văn nghệ sỹ đã có nhiều tham luận sâu sắc về sự nghiệp, về các tác phẩm của ông. Tôi, lớp hậu sinh thiệt thòi chưa từng được gặp mặt Nhà văn - Nhà viết kịch Lộng Chương ngoài đời thực, xin không bàn thêm về học thuật, mà chỉ có đôi điều trao đổi rất tản mạn.

   Trước đây, lúc còn công tác tại Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh Hải Dương, thời gian đầu tôi chỉ biết đến tên tuổi Lộng Chương một cách rất khái quát như: đây là một nghệ sỹ nổi tiếng, viết kịch là chủ yếu, quê Hải Dương, đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh… Đến năm 2014, khi làm Chủ tịch Hội, tôi có dịp tiếp xúc với chị Phạm Hồng Thắm - con gái út Nhà viết kịch Lộng Chương, đã giúp tôi mau chóng hiểu sâu hơn về người nghệ sĩ lão thành đa năng đa tài của quê hương mình. Ông không chỉ để lại cho đời một khối  lượng tác phẩm đồ sộ, mà còn là nhân cách, đạo đức sáng ngời của người cầm bút trước cuộc sống còn lắm gian lao, nhiều phức tạp và cả không ít nhiễu nhương này. Từ nhận thức mới đã thôi thúc chúng tôi, phải sớm làm việc gì đó để ghi nhận dấu ấn ông trên mảnh đất xứ Đông - Hải Dương giàu truyền thống xưa nay.

   Thế là, ngay trong năm 2014, Hội VHNT Hải Dương mở cuộc hội thảo về sự nghiệp văn học nghệ thuật của Lộng Chương, thu hút sự quan tâm của đông đảo văn nghệ sỹ và công chúng. Các bài tham luận xoay quanh việc đánh giá giá trị to lớn những tác phẩm của ông trong kho tàng VHNT Việt Nam. Và không ai bảo ai, trong các tham luận, bên cạnh việc khẳng định tài năng Lộng Chương, còn là những lời ca ngợi nhân cách của ông; nhất là những nghệ sỹ đã có may mắn được tiếp xúc với ông như NSƯT Trịnh Thái, Tác giả kịch bản Xuân Ba... Vẫn biết một cuộc hội thảo cấp tỉnh để khẳng định tên tuổi của một tác gia đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh là việc làm như “muối bỏ bể” thôi, nhưng nó đã thực sự mang lại cho các văn nghệ sỹ xứ Đông niềm tự hào to lớn và sâu sắc. Không tự hào sao được khi Cây đại thụ của nền sân khấu hiện đại ấy chính là người của quê hương họ: Thôn Châu Khê, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.

   Tại cuộc Hội thảo này, Hội VHNT tỉnh Hải Dương đã tha thiết đề nghị Hội đồng Đặt đổi tên đường phố và các công trình công cộng tỉnh Hải Dương (mà Sở VHTTDL là cơ quan Thường trực của Hội đồng) quan tâm xem xét để  sớm có một con đường mang tên Lộng Chương. Lúc đó, thành phố Hải Dương đã có một số con đường mang tên các văn nghệ sỹ nổi tiếng như Hoàng Lộc, Nguyễn Tuấn Trình (nhà thơ Thâm Tâm), Nguyễn Công Hoan… Việc đặt tên đường phố mang tên các văn nghệ sỹ nổi tiếng là sự ghi nhận, trân trọng của lãnh đạo và nhân dân đối với những ai có cống hiến lớn trong lĩnh vực VHNT;  và cũng là niềm vui chung, là động lực lớn lao để các văn nghệ sỹ phấn đấu vươn lên trong sự nghiệp của mình.

   Thủ tục đặt tên đường phố mang tên Nhà viết kịch Lộng Chương được tiến hành theo đúng trình tự quy định trong nghị định của Chính phủ, từ Hội đồng cấp cơ sở đến Hội đồng cấp tỉnh, và xin ý kiến nhân dân. Đến nay, nhân dân và văn nghệ sỹ Hải Dương rất tự hào bởi đã có con phố mang tên Lộng Chương. Điều đó có nghĩa là, tên tuổi Nhà viết kịch Lộng Chương luôn luôn hiện diện sâu đậm  trong mỗi người dân Hải Dương hiện tại và các thế hệ mai sau.

   Cũng trong buổi lễ trọng thể này, tôi xin bày tỏ đôi điều mong muốn của mình. Đó là, khi còn làm Chủ tịch Hội VHNT, tôi dự định sẽ xây dựng một giải thưởng của Hội về lĩnh vực sân khấu mang tên Lộng Chương. Hải Dương - xứ Đông vốn là cái nôi của nhiều loại hình sân khấu dân gian: chèo, tuồng, hát trống quân... Các loại hình nghệ thuật này vẫn được quần chúng nhân dân yêu thích; nên cả tỉnh có tới hàng trăm đội văn nghệ không chuyên, lấy loại hình sân khấu làm nòng cốt (chèo, tuồng, kịch ngắn). Ban sân khấu của Hội VHNT tỉnh cũng đông hội viên nhất trong số các ban chuyên môn của Hội. Và, Chi hội NSSK tỉnh Hải Dương là một chi hội mạnh, hoạt động tốt. Tuy nhiên, lực lượng sáng tác kịch bản sân khấu của tỉnh đang “già hóa” và ngày một “vơi bớt”, trong khi lớp trẻ chưa được bổ sung. Bởi vậy cần lắm sự động viên, khuyến khích phát triển toàn diện ngành sân khấu của tỉnh. Tuy nhiên, dự định và kế hoạch đó chưa kịp triển khai thì tôi được điều động sang làm Giám đốc Sở VHTTDL. Trong buổi lễ kỷ niệm hôm nay, tôi xin nhắc lại chút mong ước này cùng lời đề nghị lãnh đạo Hội VHNT tỉnh xem xét, nếu có thể thực hiện được thì sẽ là điều tuyệt vời trong việc khuyến khích phong trào hoạt động sân khấu phát triển.

Thứ hai là, thành phố Hải Dương đã có đường phố mang tên Lộng Chương, nhưng huyện Bình Giang quê hương ông thì chưa có công trình tôn vinh “Cây đại thụ của sân khấu cách mạng” này. Bởi thế, tôi rất mong tại thị trấn Kẻ Sặt sớm có con đường hoặc công trình nào đó (như ngôi trường hay công viên chẳng hạn) mang tên Lộng Chương. Quê hương Bình Giang đã sinh ra người con ưu tú ấy, vì thế rất nên có hình thức vinh danh ông, người đã góp phần làm giàu thêm truyền thống hiếu học của vùng đất có “Lò Tiến sĩ Mộ Trạch” nổi tiếng cả nước từ thời xa xưa; vùng đất có nghề vàng bạc Châu Khê gắn liền với sự phát triển của Kinh thành Thăng Long từ hơn 500 năm trước (Thế kỷ XV).

Nhắc đến truyền thống nổi tiếng của Bình Giang - Phủ Thượng Hồng cũ - thì luôn là niềm tự hào của mọi thế hệ trước nay. Ngay từ thời xuất hiện “Lò Tiến sĩ”, Bình Giang đã có hàng chục học giả nổi danh ngoài làng Mộ Trạch, được sử sách ghi truyền đến ngày nay. (Có thể tham khảo sách “Lược truyện các tác gia Việt Nam” - Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội -1971) Thời hiện tại này, Bình Giang cũng không thiếu những tài danh trên mọi lĩnh vực chính trị - xã hội - văn học - khoa học; trong đó có Nhà viết kịch Lộng Chương.

Với truyền thống nổi tiếng xưa nay, hy vọng trong tương lai gần, Bình Giang có sự thay da đổi thịt, phát triển hiện đại, xứng tầm với đà đi lên mạnh mẽ của cả xứ Đông - Hải Dương. Hy vọng rồi đây thị trấn Kẻ Sặt và vùng phụ cận sẽ không chỉ là một thành phố công nghiệp, mà còn là địa chỉ mang đậm dấu ấn văn hóa địa phương mình. Hy vọng cái riêng của Bình Giang sẽ mãi mãi tồn tại cùng mai sau.

Thứ ba là, thủ đô Hà Nội cũng chưa có con đường nào mang tên Lộng Chương. Nhà viết kịch Lộng Chương quê ở Hải Dương nhưng sự nghiệp của ông là gia tài của đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Cả cuộc đời ông đã sống đúng nghĩa là một CON NGƯỜI RẤT ĐẸP, đã miệt mài lao động, cống hiến hết mình cho nền VHNT cách mạng Việt Nam, đã không ngừng nghỉ đấu tranh với cái xấu cái ác, lên án, loại trừ nó ra khỏi cuộc sống con người. Bởi vậy, tên tuổi ông rất xứng đáng để được vinh danh tại thủ đô Hà Nội - trái tim của cả nước - bằng hình thức đặt tên đường phố Lộng Chương. Tôi biết Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam đã tích cực đề nghị với lãnh đạo Thủ đô về việc này. Tôi mong muốn và tin tưởng rằng, trong thời gian không xa nữa, chúng ta sẽ được hân hoan đón nhận phố Lộng Chương tại Thủ đô Hà Nội.

   Cuối cùng, tôi xin kính chúc sức khỏe các vị đại biểu, khách quý, các văn nghệ sỹ. Chúc quý vị một năm mới an khang, thịnh vượng và hạnh phúc.

Xin trân trọng cảm ơn!

Nhà hát Lớn Hà Nội, 7/1/2018

 

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét