Thứ Ba, 18 tháng 8, 2020

Tọa đàm 100 năm Nhà viết kịch Lộng Chương (1918-2018)

 GIẢI THƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ VHNT

     TỪ NẶNG SÂU, MÊ ĐẮM NHÂN VẬT HỀ CHÈO…
ĐẾN NHỮNG TÁC PHẨM HÀI KỊCH XUẤT SẮC

Nguyễn Quốc Trượng

Giám đốc-Đại tá-Đạo diễn-NSND

(…)

            Đối với anh em nghệ sĩ hoạt động trên lĩnh vực nghệ thuật Chèo, trong đó có nghệ sĩ chuyên diễn Hề Chèo, dù được làm việc trực tiếp hay không trực tiếp với thầy Lộng Chương thì ông mãi mãi là một người thầy lớn; bởi số lượng tác phẩm đồ sộ nổi trội, đã được khẳng định qua thời gian  rất dài; và bởi ông còn là một con người mẫu mực về nhân cách, đạo đức sống trong suốt cuộc đời mình.

            Kịch tác gia Lộng Chương sinh trưởng trong thời kỳ lịch sử đầy đau thương dưới ách thực dân phong kiến. Nên ông nhận rõ sự đàn áp tàn bạo  của bọn thống trị đối với đồng bào mình. Phải chăng hoàn cảnh đó chính là điều kiện đủ để ông trở thành người nghệ sĩ - chiến sĩ làm công tác văn nghệ phụng sự Tổ quốc và nhân dân. Cũng từ sự nhạy cảm của một tâm hồn nghệ sĩ, và xác định rõ trách nhiệm người cầm bút, Lộng Chương đã sử dụng thể loại Hài kịch làm vũ khí sắc bén để chiến đấu và chiến thắng, mà cho đến nay khó có tác giả nào vượt qua ông.

Lộng Chương còn bén duyên nặng sâu và mê đắm với nghệ thuật Chèo, đặc biệt là nhân vật Hề Chèo. Ông hiểu Chèo là vàng là ngọc của dân ta, nên đã tiếp thu và vận dụng những tinh hoa đặc sắc của Chèo cổ, đặc biệt là với nhân vật Hề Chèo, vào trong kịch của mình. Ông tìm thấy ở nhân vật Hề Chèo tiếng cười vừa trào lộng vừa chua chát, đắng cay; để rồi liên hệ bản thân, ông tự hỏi: Phải chăng chỉ những ai biết khóc cho mình và cho xã hội, mới có đầy đủ tố chất để viết Hài kịch? Và ông đã trả lời bằng việc tiếp tục dấn sâu vào tìm hiểu tiếng cười của nhân vật Hề Chèo, tìm hiểu bản chất cốt lõi câu nói của người xưa: Phi Hề bất thành Chèo! Vì vậy, tất cả những vai Hề Chèo: Hề mồi, Hề gậy, Hề chanh, Hề chóp, Thầy bói, Thằng khoèo, Lão say, Xã trưởng, Mẹ đốp… ông đều mê say nghiên cứu. Ông nghiên cứu nó như nhà địa chất tìm tòi và khai quật những mỏ quặng quý hiếm trong lòng đất vậy.

Hẳn những ai yêu nghệ thuật Chèo đều nhớ tới nhân vật Hề con - Hề Nhỡ - Hề Già trong bộ ba vở Chèo “Bài ca giữ nước” - tác giả Tào Mạt, của Đoàn Chèo Tổng cục Hậu cần (nay là Nhà hát Chèo Quân đội). Rõ ràng, những nhân vật Hề ấy đã vượt lên trên lẽ thông thường của một nhân vật ngoài tích trò, để truyền tải đến người xem Chèo những nội dung tư tưởng có tính triết lý sâu sắc và tính chiến đấu cần thiết.

Nhà viết kịch Lộng Chương đã tiếp nối truyền thống Hề Chèo bằng những biến đổi thích ứng để vận dụng thành công vào thể loại Hài kịch. Nếu không có sự say mê, không nắm bắt được ma trận ẩn dưới tầng sâu của những tích trò thì, có lẽ bất cứ ai cũng chỉ dừng lại là một người yêu Chèo, yêu Hề Chèo mà thôi. Bằng cách cảm thụ sâu sắc và sự sáng tạo, Lộng Chương đã đưa Hề Chèo vào trong Hài kịch nhiều tiếng cười, với những cung bậc cảm xúc khác nhau: khi thì mỉa mai châm biếm sắc sảo, có khi chứa đựng nội dung đả kích sâu cay, chua chát; cũng có lúc là tiếng cười chế giễu hóm hỉnh, nhẹ nhàng… Những tác phẩm Hài kịch của ông, kể cả ngắn -  dài đều mang tính thời sự;   mỗi tác phẩm đều trở thành vũ khí chiến đấu trên những mặt trận mà Tổ quốc và nhân dân kêu gọi đấu tranh. “Quẫn” là một trong những tác phẩm Hài kịch xuất sắc của ông, đến nay vẫn sừng sững như một đỉnh cao của dòng Hài kịch Việt Nam hiện đại. Vở diễn này đã có tuổi thọ qua mấy thập kỉ, với hơn 2000 đêm diễn. NSND Doãn Hoàng Giang  - một trong những đạo diễn thuộc hàng cây đa cây đề hiện nay, từng nhận định: “… chưa vở diễn nào bước qua được sự tác động xã hội mạnh mẽ như Quẫn”, mà nghệ sĩ Lộng Chương đã làm cho sân khấu Việt Nam!”.

            Những tác phẩm Hài kịch nổi tiếng khác như: “Hỏi vợ”, “Yểm bùa trừ sâu”, “Mối lo của cụ Cửu”, “Ma hiện”, “Quẫy”, “Cửa mở hé”… cũng là kết quả của quá trình trải nghiệm đưa Chèo và Hề Chèo vào sáng tác của ông, để hình thành một phong cách Lộng Chương. Phong cách ấy từng được lớp học trò ông mô tả qua đôi câu đối: “Muôn thói đời tối đen phải lùi xa qua ngữ ngôn trào LỘNG - Một tâm hồn hiền hậu luôn đi đầu với đòn bút văn CHƯƠNG”. Phong cách ấy đã làm nên một Lộng Chương với dấu ấn được khắc ghi trong đời sống sân khấu Việt Nam hiện đại.

            Là một nghệ sĩ hoạt động lâu năm trong nghệ thuật Chèo, dù không được trực tiếp học Thày Lộng Chương, nhưng tôi vô cùng biết ơn, kính trọng và coi ông là một người Thày lớn của mình. Một người Thày luôn trăn trở, tìm cách bảo tồn và phát huy những tinh hoa của nghệ thuật Chèo dân tộc. Một người Thầy đã góp phần xây nền móng và cơ ngơi cho Sân khấu Chèo hiện đại Việt Nam. Làm sao những nghệ sỹ Chèo lớp kế cận Thày Lộng Chương có thể quên công lao đóng góp to lớn của ông? Không! Chúng tôi vẫn nhớ Thày đã cùng các ông: Lưu Quang Thuận, Trần Huyền Trân, Hà Văn Cầu, Nguyễn Đình Hàm xây dựng Đoàn Chèo Cổ phong; và cùng nhau khảo tả, sưu tập, chỉnh lý, bảo tồn nhiều vở Chèo cổ. Thày Lộng Chương đã chung tay góp sức cùng bạn bè vạch rõ con đường đi cho những người làm nghề Chèo lớp sau chúng tôi. Thày còn đào tạo nên rất nhiều kịch tác gia, nghệ sỹ biểu diễn của ngành Sân khấu Việt Nam hôm nay.

(…)

            Thời gian thì không ngừng trôi, và trước sau mỗi lớp người đều qua đi hết, nhưng tác phẩm nghệ thuật xuất sắc của Nhà viết kịch Lộng Chương sẽ còn sống mãi. Ông là niềm tự hào lớn của chúng ta, không chỉ ở tài năng, mà còn ở nhân cách đạo đức nữa.

            (…)

 7/1/2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét