Thứ Hai, 3 tháng 8, 2020

Tọa đàm 100 năm Nhà viết kịch Lộng Chương (1918-2018)

 GIẢI THƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ VHNT

ĐÔI LỜI VỀ NHÀ VIẾT KỊCH LỘNG CHƯƠNG

(NGHĨA ĐỜI BẤT TẬN)

                                                               PGS. TS. Phạm Duy Khuê

  (…)

 Lộng Chương “làm nghề” viết kịch như một “định mệnh”. Phẩm chất “hài kịch” ở ông là thứ “thiên bẩm”. Cái năng khiếu trời cho ấy vừa là phương tiện, vừa là động lực, vừa là góc nhìn và cách nhìn trong suốt quá trình dấn thân vào hiện thực để khơi dậy nguồn cảm hứng từ tâm tuệ sáng ngời luôn nổi sóng thần mong trả nghĩa cho đời không mảy may vơi cạn trong ông. Lộng Chương – một trái tim dũng cảm, nhân hậu; một tính cách giản dị, khiêm nhường; một ý chí tiên phong… tất cả đã thuộc về Tổ quốc và nhân dân.

   Có người nói rằng Lộng Chương lấy sáng tác kịch bản sân khấu để “phục vụ  chính trị”. Ông không tin và không thích hai chữ “phục vụ” ấy, mà cho rằng mình làm chính trị bằng nghệ thuật sân khấu - như đề xuất của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nay ở trong thơ nên có thép - Nhà thơ cũng phải biết xung phong. 

   Là người thạo tiếng Pháp, đáng lẽ phải dùng vốn liếng ấy để tu nghiệp theo chức phận công chức của mình, nhưng Lộng Chương lại tìm tòi tài liệu, sách báo… về sân khấu để tự học. Ông không chỉ nghiên cứu những tài liệu, những kịch bản cổ kim Đông - Tây trên thế giới; những kịch bản xuất sắc của sân khấu truyền thống dân tộc (tuồng và chèo); mà còn nghiên cứu rất kỹ về nghệ thuật biểu diễn, nghệ thuật đạo diễn, thiết kế mỹ thuật và cả âm nhạc sân khấu nữa. Ông nhận thức rằng, kịch bản viết ra là để diễn trên sân khấu, chứ không phải để đọc như những tác phẩm văn học khác. Cho nên nhà biên kịch cần phải hiểu rõ các thành phần cơ bản khác để xây dựng nên vở diễn sân khấu; nếu chỉ biết phần việc của riêng mình thôi, thì nhất định không thể thành tác gia kịch được. Cái khó nhất của người viết kịch bản sân khấu cũng là ở chỗ này - chỗ nào mình cần phải viết ra; chỗ nào thuộc về sáng tạo của các thành phần nghệ thuật khác, thì tác giả chỉ đóng vai trò khơi gợi, chứ không thể làm thay.

   Lộng Chương còn chịu ảnh hưởng sâu sắc hài kịch Molière, về tư tưởng chính trị, ý chí “quyết đấu” và thi pháp hài kịch. Nhưng ông rất khác ở chỗ :

Một là, Lộng Chương là người tự do, tự nguyện làm chính trị bằng những vở kịch của mình. Ông đi vào phản ánh những vấn đề thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống thời sự chính trị - xã hội, ở những giai đoạn khác nhau trong tiến trình cách mạng của đất nước. Giai đoạn kháng chiến chống Pháp (1946-1954), ngoài những công việc chính, ông đã viết tới 17 vở kịch ngắn cho nhiệm vụ “tuyên giáo” kịp thời, nhằm thúc đẩy phong trào kháng chiến và diệt giặc đói, xóa nạn mù chữ. Chỉ với việc  cổ vũ phong trào chiến tranh du kích diệt giặc ngoại xâm ông đã viết bốn vở : Lý Thới (1948), Du kích thôn Đồi (1952), Chiến đấu trong lòng địch (1954, Giải thưởng Văn học 1954-1955) và Đoàn quân tóc trắng (1954).

   Đúng như nhận xét của TS Tôn Thảo Miên: Toàn bộ những vở kịch của Lộng Chương… phản ánh tương đối đầy đủ thực tế xã hội lúc đó, cả về đấu tranh chính trị lẫn đấu tranh xã hội. Hầu như không có một biến động nào lại không được phản ánh vào tác phẩm của Lộng Chương. Điều đó chứng tỏ ông là một tác giả hết sức gắn bó và lăn lộn với phong trào, đồng thời cũng là một nghệ sĩ có tinh thần trách nhiệm và thái độ dũng cảm khi đi vào những vấn đề mới.  

Hai là, Nếu trong kịch của Molière là tiếng cười “chuyên chính” quyết liệt, “tiêu diệt”, không mảy may thương xót - tiếng cười của nguyên lý bi kịch, mà Molière là nhân vật bi kịch điển hình của hiện thực thời đại ấy; thì tiếng cười trong hài kịch của Lộng Chương là tiếng cười của người đang chiến thắng, của người ở thế “đứng trên đầu thù”, tự do và dân chủ. Cho nên trong “Quẫn” - tác phẩm kinh điển, kể về gia đình ông bà Đại Cát, một gia đình tư sản lâu đời, trước chính sách công tư hợp doanh của Nhà nước, vì lo sợ khối tài sản lớn tích cóp bị mất trắng, nên ông bà Đại Cát đã tìm mọi cách để cất giấu và tẩu tán. Thế là, bao nhiêu chuyện cười ra nước mắt từ hai vợ chồng ông bà Đại Cát đến bà mẹ Đại Lợi và cô em gái Đại Hưng của ông bà đều được phơi bày. Lộng Chương cười cái lạc hậu lỗi thời của gia đình ông bà Đại Cát,  nhưng vẫn khoan dung trân trọng con người. Lộng Chương đã đem cái sự thật “không phải thế” đến, nhằm thay đổi cách nhìn cách nghĩ của gia đình Đại Cát, khiến họ bất ngờ và tự nhận thấy cái đáng cười ở chính mình. Tiếng cười hài kịch của tác giả thì, về kết chuyện, nó được chuyển sang các nhân vật tự cười chính mình, vừa ngượng ngùng  xấu hổ, vừa vui vẻ thán phục, sáng mắt sáng lòng…   

“Quẫn” đã trải nghiệm qua thời gian - đúng như nhận định của TS Tôn Thảo Miên: “… Quẫn  đã  vượt  qua được sự  thử  thách  khắc nghiệt của thời gian và trở thành một vở  hài kịch tiêu biểu nhất, xuất sắc nhất của sân khấu cách mạng nước ta từ năm 1945 đến nay”.

   Hài kịch Lộng Chương là hiện thân của quan niệm rằng: Khi con người bước tới đỉnh cao của trí tuệ và cảm xúc về cái đẹp, ngoảnh đầu nhìn lại quá khứ lạc hậu lỗi thời của mình, sẽ ngả mũ vẫy chào từ biệt nó một cách vui vẻ.

   Ba là, Quá trình phát triển của hiện thực cách mạng Việt Nam từ thô sơ đến độ trưởng thành (bốn mươi năm: 1945-1985) đều ảnh xạ kịp thời trong các tác phẩm hài kịch của Lộng Chương. Hiện thực tươi mới ấy khác hẳn về chất so với hiện thực được phản ánh trong các vở hài kịch của Molière. Đó là cơ sở quyết định, cùng với tài năng sáng tạo và mục đích phản ánh, khiến cho thi pháp hài kịch của Lộng Chương không “viết tô” thi pháp hài kịch Molière. Trong “Cửa mở hé”, trong “Quẫn”… ông kết hợp thật tài tình và nhuần nhuyễn giữa các tình huống hài kịch và tính cách hài kịch trở thành bản thể chất sống của các nhân vật, cùng với thái độ tự diễu mình của họ, đã gom thành những nguyên lý thi pháp hài kịch của ông. Chính thi pháp hài kịch rành mạch ấy đã tạo nên phong cách hài kịch chính trị của Lộng Chương, mà tôi xin được gọi là “hài kịch khoan dung”.

   Bốn là, Thời của tác gia kịch Lộng Chương, đó là giai đoạn văn nghệ “duy thật”, “… giai đoạn mà thiên hạ cho rằng mục đích phổ quát của nghệ thuật là sao chép sự vật đúng như chúng thực sự là thế, mà không cần dùng đến khả năng sáng tạo”. Nhưng xem trong kịch của Lộng Chương, kể cả những vở kịch ngắn, mang tính chất cổ động chính trị, thì chỗ này chỗ kia vẫn thấy có cái gì đó thật là “người”, thật hồn nhiên và rí rỏm một cách “vật chất” hơn, dường như chúng đang ở xung quanh ta.

   Nhớ lại khoảng giữa năm 1962, khi Lộng Chương vừa viết xong vở chèo “Đôi ngọc lưu ly”, lớp Nghiên cứu Lý luận - Phê bình sân khấu đã mời ông vào đọc cho chúng tôi nghe. Đọc xong, ông động viên chúng tôi “góp ý kiến” cho kịch bản. Bấy giờ chúng tôi đang học năm thứ ba. Có vài anh lớn tuổi, đã từng làm sân khấu, hoặc đang làm sân khấu như anh Thanh Khầm, anh Ngọc Dư … phát biểu ý kiến, chứ bọn trẻ chúng tôi thì chưa dám. Thấy chúng tôi ngần ngại, tác giả “Đôi ngọc lưu ly” chân thành, cởi mở, khơi gợi và động viên chúng tôi mau chóng nhập cuộc; tham gia thảo luận thật là sôi nổi, dân chủ. Thế là chúng tôi có được buổi học thật tuyệt vời. Đây là một kỷ niệm không thể nào quên trong quãng đời đi học của tôi.

Qua buổi mai hôm ấy, tôi nhận ra sự uyên bác, nhân hậu, khiêm nhường và giầu kiến thức sân khấu, cả lý luận và thực tiễn ở người thầy - kịch tác gia này. Về con người xã hội, ông đúng là một trong những điển hình của sự tổng hòa các mối quan hệ xã hội, và là kết quả của thời kỳ lịch sử cách mạng Việt Nam ở thế kỷ XX.

Bởi thế, trong bài viết của TS Phan Trọng Thưởng “Lộng Chương và những đóng góp của ông cho nền kịch Việt Nam hiện đại” đã ghi: “… thế hệ của những nghệ sĩ như Lộng Chương, Học Phi, Bửu Tiến, Nguyễn Văn Niêm… có thể coi là thế hệ kịch tác gia đầu tiên - những bậc tiên chỉ của giới viết kịch.

   … tên tuổi Lộng Chương gắn liền với Quẫn và gắn liền vời hài kịch hiện đại… ông là danh thủ Hài kịch… là người có đóng góp hàng đầu cho thể Hài kịch Việt Nam hiện đại ”.

(…)

                                                                                                                                PDK


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét