Nhà văn Thi Ngọc
Nhóm kịch kháng chiến ở Đống Năm - Thái Bình (1949) Nhà văn Thy Ngọc bên trái cùng, tiếp đến là Nhà viết kịch Lộng Chương |
Trong
bài "Về cõi hư huyền" của NSƯT Vũ Hà đăng trên báo Văn nghệ số 27 ra
ngày 5/7/2003 viết về Nhà viết kịch lão thành Lộng Chương (sinh năm 1918, từ
trần ngày 26/6/2003 tại Hà Nội), đã nhắc tới chức danh Đội trưởng Đội công tác
văn nghệ Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn mà ông Lộng Chương đảm nhiệm, khiến tôi
nhớ lại giai đoạn năm 1950, thời gian tôi và nhiều anh chị em khác được cùng
công tác với ông.
Trước
khi đặt bút viết những dòng này, tôi may mắn tìm thấy một bản thảo viết tay (vở
kịch một màn của tôi, gồm 44 trang, khổ 16x22 centimet) có bút tích của ông
trong kịch bản. Tôi thực sự xúc động vì, không những được ông bỏ công sức sửa
chữa bản thảo, mà còn cho dàn dựng để trình diễn trên sân khấu nội bộ Trường
Lục quân vào đêm 5/12/1950. Những đêm ấy, vở kịch hai màn có tên "Ngưỡng
cửa" của Ngọc Đĩnh - một tác giả Hà Nội rất nổi danh lúc bấy giờ, cùng được
trình diễn. Địa điểm, tôi không còn nhớ chính xác là núi Nưa hay Quần Tín ở
Thanh Hoá.
Khi giở
bản thảo, ngay tại trang 2, tôi đã thấy nguyên vẹn bút tích của đạo diễn Lộng
Chương; nguyên vẹn rõ ràng từng chi tiết nhỏ.
Trước
những ngày ở Trường Lục quân khoá VI (Liên khu IV), tôi đã gặp ông tại thị trấn
Đống Năm (tỉnh Thái Bình), nơi hội ngộ của rất nhiều văn nghệ sĩ đồng bằng Bắc
Bộ những năm đầu kháng chiến chống Pháp. Nhà đạo diễn dày dạn kinh nghiệm, ở
thời điểm ấy ông mới 29 - 30 tuổi, mà trông thật nghiêm nghị, khắc khổ. Suốt
ngày ông cặm cụi viết viết, xoá xoá, ngơi tay lại lao vào việc chỉ đạo trang
trí sân khấu, hoặc trao đổi chỉ dẫn các diễn viên luyện tập thuần thục vai họ đảm
nhiệm. Có lần, cùng trong một đêm, ông vừa chỉ đạo ở sân khấu này, ngay sau đó đã
lại di chuyển tới địa điểm khác cách đấy vài chục cây số để hướng dẫn cho một sân
khấu khác. Xung quanh ông luôn có nhiều nhà văn, nhà thơ nổi danh cùng cộng
tác: Hoàng Công Khanh, Trần Lê Văn, Lê Đại Thanh, Phan Tại... Nhà thơ Trần Lê
Văn chưa diễn kịch bao giờ cũng bị cuốn hút lên sân khấu. Có vở diễn mấy đêm liền
như kịch bản "Ở chung một nhà" của Hoàng Công Khanh. Tuyệt vời là cái
không khí một lòng một dạ cho đêm diễn, tuy không bán vé. Diễn xong mỗi người
húp một bát cháo gà do Ban kịch tự túc. Ăn rồi, cứ hai người kiếm một cái nong
phơi thóc, đặt ngay ở sân, nằm co ngược đầu, đếm sao mà ngủ.
Sáng tác của Nhà văn Thy Ngọc tặng Nhà viết kịch Lộng Chương |
Ban
kịch của ông Lộng Chương hoạt động cứ như những trận đánh du kích vậy. Bên cạnh
ông còn có nhà nghiên cứu sân khấu Hà Văn Cầu, sẵn sàng giúp ông mọi công việc
cần thiết như: tra cứu một vấn đề trong sách Hán Nôm, đến việc treo một cái áp
phích quảng cáo cho đêm diễn.
Hồi
ấy, mỗi khi diễn ở đâu, chúng tôi đều trưng bày tranh ký họa chân dung các diễn
viên, khuôn khổ tương đương giấy A4 bây giờ. Đó cũng là sáng kiến của Lộng
Chương. Ông nói đại ý: "Tiền đâu mà chụp ảnh. Mà ảnh chưa chắc đã bắt mắt
bằng tranh vẽ. Tranh ký họa chân dung ít tốn kém, chỉ phải mua giấy thôi. Còn
bồi dưỡng họa sĩ nhà, thì khao chầu phở là xong”. Quả thế, chúng tôi vẽ nhanh
và bày rất kịp thời. Người tới xem rất thú vị trước các chân dung diễn viên
được vẽ theo kiểu đặc tả và mang tính hài hước. Vì thế, xem xong là họ mua vé
vào coi diễn liền.
Trong
bản thảo vở kịch của tôi mà Lộng Chương đã trao trả, còn nguyên mấy trang phác
thảo nhân vật và ký họa những người hoạt động cùng ông những năm 1947 - 1950.
Những
ngày nghỉ phép, gia đình nhỏ của tôi gồm vợ chồng và cháu bé 3 tuổi, luôn có
mặt ở nhà ông bà Lộng Chương. Chị Quy - tên thân mật chúng tôi gọi, là người hiền
dịu, biết điều, khiến mọi người đều nể trọng. Mỗi lần chúng tôi tới nhà là chị
tất bật suốt cho những bữa cơm khách, mà thành phần bao giờ cũng gồm đông đảo
các thành viên Ban kịch của chồng. Nhớ lại những ngày xa xưa ấy, tôi được gần
ông Lộng Chương là gần một người bình dị trong nếp sống, say mê với nghề
nghiệp, cương nghị và chính trực, luôn luôn phác ra những dự định công việc cần
làm cho mình để thực hiện bằng được.
Tài liệu hướng dẫn lớp kịch của Lộng Chương năm 1949 tại Thái Bình |
Sau
ngày ông mất, tôi được đọc những bài đăng báo của nhiều nhân sĩ tên tuổi viết
về ông, mới thấy mình đã có hạnh phúc lớn được sống gần gũi một người hiền đức
tài năng, trong một số năm hoạt động sân khấu theo kiểu "đánh du
kích", tuy ngắn ngủi nhưng thật ý nghĩa, thật đậm đà tình thương yêu.
(*) TC
Tài hoa Trẻ, số 277 - 278, 9/2003; Sách “Lộng Chương
trên mọi nẻo kịch trường”, Nxb Sân khấu, 2003; Sách “Lộng Chương trong trái tim bè bạn”, Nxb Hội Nhà văn, 2013.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét