Nhà ông Thôn trong làng. Ngôi nhà gạch
ba gian hai chái buồng. Buồng đầu sát ngay đường làng. Sau nhà, vườn cam chín
chắn ngang tầm mắt.
Ngày đông, trời một màu xám.
Trong buồng, ông Thôn ngồi lặng trên
giường, chân thả xuống đất, tay cầm tờ giấy; lúc ghé sát vào kẽ hở cửa sổ để đọc,
lúc lại hạ xuống, lầm lì ngồi im… Một con chuột bò đến gặm chân, ông vùng vằng
khua đuổi, không dám gây tiếng động, không dám cả nói to.
Từ xa, tiếng trống ếch thiếu nhi
tưng bừng, có cả tiếng kèn đồng thổi theo nhịp trống… Và tiếng loa vang lên:
“Thưa toàn thể bà con nhân dân Lộc
An, cuộc bắt thăm nhận đất mới trên khu đồi Trăng sắp bắt đầu. Yêu cầu nhân dân
tập trung ngay tại trụ sở Ủy ban xã”.
Ông Thôn lắng nghe, hồi hộp, như bị
sức hút của tiếng loa. Ông đứng lên, đến áp tai vào cửa ra vào nghe ngóng…
Tiếng hô của đông đảo quần chúng: “Chào mừng lễ nhận đất ở mới của nhân dân
xã Lộc An!” càng làm ông bồi hồi.
Bà
Thôn: (Kìm giọng) Ông
Thôn! Ông Thôn!
(Ông Thôn ngoắt lùi khỏi cửa buồng,
gấp tờ giấy đút vào túi ngực, im lặng. Bên ngoài, bà Thôn đập khẽ lên cửa, cao
giọng hơn)
Ông Thôn! Ông Thôn!
Ông
Thôn: (Tiến ra ghé
sát mồm vào cửa, nghiến răng nói) Thôn… Thôn cái gì?
Bà
Thôn:
Cuộc rút thăm nhận đất sắp bắt đầu rồi…
Ông
Thôn:
Mặc!
Bà
Thôn: Sao
lại mặc? Xã viên đội Bốn, mọi người đang đổ xô đi tìm ông kìa!
Ông
Thôn:
Mặc! Nhà nào cứ việc rút thăm cho nhà nấy. Tôi không biết!
Bà
Thôn:
Không biết là thế nào? Ông là đội trưởng…
Ông
Thôn:
Tôi không làm đội trưởng nữa.
Bà
Thôn: Ơ
hay…
Ông
Thôn:
Hay dở gì?
Bà
Thôn: Ông
vẫn còn là đội trưởng… ông phải có trách nhiệm…
Ông
Thôn:
Việc chuyển xã không phải là trách nhiệm của tôi. Mà cả cái thứ đội trưởng sản
xuất ấy… tôi cũng từ!
Bà
Thôn: Ai
đã cho ông từ?
Ông
Thôn:
Không cho, tôi cũng từ… Quyền rơm vạ đá!
Bà
Thôn: Hứ…
Ông là đảng viên mà ông lại ăn nói thế…
Ông
Thôn:
Thôi… thôi… bà đừng có moi cái đảng viên của tôi ra…
(Vừa lúc đó Huy hộc tốc chạy tới).
Huy:
Bác
Thôn ơi! (Bà Thôn bên ngoài cửa, ông Thôn
trong buồng, cùng giật mình).
Bà
Thôn: Trời
đất, anh Huy!
Huy:
Bác.
Bác trai đã về chưa? (Ông Thôn bồn chồn,
lo ngại vợ nói ra).
Bà
Thôn: (Ấp úng) Khổ…
quá…
Huy: Lạ
nhỉ? Bác trai trốn chỗ nào mà tìm không ra… Các đội đã tập trung gần đủ cả rồi.
Còn mỗi đội Bốn… xã viên nháo nhác hỏi ông đội trưởng để bắt thăm nhận đất. Xã
viên đội Bốn phần đông lại là giáo dân, thiếu tiếng nói có uy tín đôn đốc tập
trung, tình hình càng rắc rối. Mà ngay đơn xin nhận đất chuyển cư của nhà ta,
bác trai cũng chưa nộp cho xã… Gay thật!
Bà
Thôn: (Lúng túng, hỏi
lảng)
Em Hảo cũng đang đi tìm ông nhà tôi… Anh có gặp em Hảo không?
Huy: Cô Hảo
lên huyện. Nhưng ông nhà có lên huyện đâu mà tìm ở đấy. Mất công thôi!
Bà
Thôn:
Khổ vậy!
Huy:
Hay
là… cô Hảo về, bác cùng cô ấy làm đơn thay ông nhà xin nhận đất
chuyển cư… cho gọn
việc.
Bà
Thôn:
Ấy, không được đâu. Nhà tôi còn sờ sờ ra đó!
Huy: Sờ sờ
đâu… Bác trai trốn biệt tăm từ…
Bà
Thôn:
Trốn đi đâu được. Tính nết nhà tôi thế nào các anh còn lạ gì. Người trực tính
nhưng cũng dễ nghe ra lẽ phải.
Huy:
Tính
nết là chuyện riêng cá nhân. Đã là một đảng viên thì phải đề cao tính tổ chức,
tính nguyên tắc… tính tập thể… vì quyền lợi chung… Không thể vì cá nhân mà làm
cản trở cho công việc cách mạng. Bác cũng biết đấy: Chủ trương quy hoạch hóa
nông thôn là một công cuộc cách mạng. Mà bất kể cuộc cách mạng nào đều phải đề phòng
bàn tay địch phá… (Chợt kìm lại) Mà
thôi, công việc đang rất khẩn trương, cháu đề nghị bác gắng đi tìm bác trai về
gấp…
Bà
Thôn: Vâng…
tôi đi.
Huy:
Bác
đi ngay nhá. Cháu cũng lại đi lùng bác trai lần nữa. (Đi ra đường).
Ông
Thôn: (Từ nãy cố kìm
sự tức giận, nghiến răng) Nó quy cho mình là phá hoại hả? Để xem
ai phá… hoại!
Bà
Thôn: (Đến gần cửa lắng
nghe, khẽ gọi) Ông… Thôn! (Ông
Thôn thụt vào phía trong, nín thinh. Huy vừa ra tới đường thì ông Bõ lừng lững
đi ra, phồng má thổi kèn, nhịp “La vầy”).
Huy:
(Đứng lại) Ông
Bõ! Sao lại ra đây thổi kèn? (Ông Bõ giật
mình dừng lại, kèn vẫn trên môi. Bà Thôn lánh vào trong nhà nghe ngóng).
Ông
Bõ:
Giê su ma… lạy Chúa tôi! (Hạ kèn, khép
nép)
Trình bề trên… ủy viên… công an xã!
Nhân ngày hội chuyển xã… trống phách om xòm… ơn cha bề trên truyền cho con
chiên, tôi được ra thổi kèn cùng các thiếu nhi khăn đỏ… giúp vui ạ!
Huy: Dàn
trống các cháu nhi đồng không cần đến cái kèn đồng của ông.
Ông
Bõ:
Dạ… trình bề trên… tôi có dám thổi kèn chầu lễ đâu ạ. Tôi thổi kèn điệu “La vầy”…
Trình… thưa… ơn cha bề trên truyền cho thổi!... Da… ạ! Trình bề trên… “La vầy”
là thức tỉnh ạ… Đánh thức những người ngủ say tỉnh dậy…
Huy:
(Sốt ruột) Thôi
nhá. Ông nên mang kèn đi “la vầy” các hộ xã viên giáo dân đội Bốn tập trung ra
trụ sở rút thăm nhận đất ngay đi… thì hơn!
(Bỏ đi).
Ông
Bõ: (Đứng ngẩn một
giây, lầm rầm) Lạy chúa tôi! Bày chiên lành của chúa phải nghe lời
răn dạy của kẻ chăn chiên, để được cứu rỗi phần hồn… chớ…
(Vừa lúc ông Trùm cùng mấy xã viên
giáo dân đi tới. Ông Kế tuy không là giáo dân, nhưng cũng lững thững đi sau. Ông
Bõ trông thấy chờ nhập đám. Tất cả đứng tụm bên ngoài tường hồi nhà ông Thôn).
Ông
Bõ: (Ghé tai ông
Trùm) Ý
cha bề trên truyền dạy thế nào?
Ông
Trùm: (Chậm rãi) Giáo
dân xin hoãn chuyển cư ra ngoài lễ Đức chúa giáng sinh.
(Ông Bõ tâng tâng vung kèn lên thổi
một nhịp “La vầy”. Mọi người ngớ ra. Ông Kế đã nghe rõ câu nói của ông Trùm, liền
ngăn ông Bõ lại).
Ông
Kế:
Này ông Bõ, thổi kèn thắng lợi sớm quá đấy!
(Quay qua ông Trùm) Bà con xã viên giáo dân đội Bốn xin hoãn chuyển cư cơ mà?
Ông
Trùm: (Rề rà chưa trả
lời thì một bà đã lên tiếng).
Bà
giáo dân: Hoãn
là hoãn thế nào nhỉ?... Xã viên đội Bốn chuyển cả mà. Giáo dân mình sao lại bỏ
tập thể, không cùng chuyển đi một lúc? Phải giữ trọn tinh thần đoàn kết lương
giáo chứ lại!
Ông
Kế:
Đội Bốn ta đứng đầu là ông Thôn đội trưởng, thì ông lại lẩn tránh… Ý giả cũng
không muốn chuyển cư. Cứ bám lấy ông đội trưởng… Ông ấy có bắt thăm thì mình cũng
bắt… Không thì cùng không! Như con rắn uốn khúc thu đầu…
(Ông
Bõ khoái trá, lại vung kèn thổi. Ông Kế chợt giữ tay ông Bõ lại, hất đầu về một
phía, tiếp) Ông Thư Bí thư và anh Điển đến đấy!
Ông
Bõ:
(Đến sát ông Trùm) Lạy chúa tôi… Dịp
may… gặp lãnh đạo… Phải xin thôi!
(Ông Thư và Điển đi tới).
Ông
Kế: (Nhanh nhảu) Chào
bác Bí thư… Chào anh Trưởng ban chỉ huy công trường xây dựng xã mới ạ… (Mọi người chào theo).
Ông
Thư:
Chào bà con… Sao bà con không tập trung về trụ sở, mà còn đứng đây?... (Mọi người lúng túng nhìn nhau. Có người định
đi. Ông Thư nói tiếp) Bà con ở đây đều là xã viên đội Bốn cả phải không? (Có những tiếng “Vâng”, ông Thư nói tiếp) Vậy
thì vắng mặt nhiều nhỉ?
Ông
Kế: Báo
cáo đồng chí Bí thư, một số đã tập trung ngoài trụ sở… Báo cáo đồng chí Bí thư…
đội Bốn chúng tôi đang đổ đi tìm ông đội trưởng…
(Ông
Thư gật gật. Ông Bõ lẩn ra sau ông Trùm, lấy chiếc kèn thúc thúc vào lưng ông).
Ông
Bõ:
(Rì rầm) Kêu đi… Xin được đấy!
Ông
Kế: (Phụ họa lời ông
Bõ, nhưng cố nói to bằng sự gợi mở) Ông Trùm trưởng…
Bà con xã viên giáo dân ta sao đến thưa thớt vậy?
Ông
Trùm: (Cúi đầu) Trình
bề trên… lãnh đạo… Hàng giáo phẩm và bà con xã viên giáo dân chúng tôi đang ngơ
ngác ngóng trông ông đội trưởng, để cậy ông chuyển lên bề trên lãnh đạo lời
xin…
Ông
Thư: Vậy
như?... Bà con đề nghị gì nào, xin cứ nói thẳng với tôi… được chứ?
Ông
Trùm:
Trình bề trên… lãnh đạo… rằng là… hàng xứ Lộc An gồm có sáu trăm lẻ hai nam phụ
lão ấu giáo dân, so với tổng số dân chỉ là con số nhỏ; nên việc chuyển cư lúc
nào chắc cũng gọn gàng thôi. Mừng ngày lễ trọng Thiên chúa giáng sinh lại gần đến
nơi rồi… Nếu phải bỏ mà đi, thì phần hồn thật xót xa cay đắng!
Ông
Thư: Sao
lại… nếu phải bỏ ngày lễ?
Ông
Trùm:
Trình bề trên… bởi nhà Chúa một nơi, con chiên một chỗ cách vời… Dạ… trình bề
trên… việc thờ phượng chúng tôi hằng mong… Chúa ở đâu… con chiên được chầu ở
đó… Nên nguyện vọng của xã viên giáo dân là xin được làm lễ Nô-en rồi sẽ chuyển
lên xã mới.
Ông
Thư: (Nghiêm nghị) Ông
Trùm trưởng cùng bà con giáo dân đều đã biết, chính sách tôn trọng tự do tín
ngưỡng của Đảng đến nay thực tế đã chứng minh đầy đủ. Nhưng thiết nghĩ, muốn bền
việc đạo phải trọn việc đời. Việc đời có bằng an, linh hồn mới cứu rỗi. Mà trọn
việc đời lúc này là: Chuyển xã! Chuyển xã là công việc của cả xã, đang làm khẩn
thiết… Tôi và đồng chí Điển vừa ở trên huyện về, để gấp rút tiến hành cuộc rút
thăm chia đất. Nhân đây chúng tôi truyền đạt thêm nghị quyết của Huyện ủy về chủ
trương chuyển xã, nhằm mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp và công nghiệp
hóa địa phương… Anh Điển, báo cáo để bà con nghe…
Điển:
Vâng
ạ! (Với mọi người) Thưa bà con, chủ
trương chuyển xã ta lên đồi Trăng được Huyện ủy nhấn mạnh ý nghĩa, là vì sự
nghiệp xây dựng chung của đất nước. Lộc An ta lại vinh dự được chọn là xã thì
điểm của huyện. Cho nên… nó được xem là công trường lớn của cả huyện; nên đã được
ba mươi tư bí thư, chủ tịch các xã rất quan tâm, đóng góp sức người, sức của
cho Lộc An. Sức người… không những nhân công sẽ được điều cho ta vượt mức, mà
toàn là thợ giỏi. Sức của thì… nguyên vật liệu luồng, ngói… sẽ được đáp ứng đủ
nhu cầu và đều là chính phẩm. Như thế việc chuyển xã có thể rất nhanh, để kịp
thời làm vụ xuân ngay…
(Mọi người ồn ào, có tiếng vỗ tay).
Ông
Thư: Đó!...
Bà con nghe rõ chứ? (Một số hô lớn: “Rõ”,
ông Thư quay qua ông Trùm) Ông Trùm, mọi công việc liên quan đến chuyển cư
đều phải làm ngay và làm gấp. Còn đến Nô-en, bà con giáo dân cứ nghỉ vài ngày mà
tổ chức lễ. Gạo, rượu, thịt, mắm muối, dầu đèn… thì xã vẫn cung cấp như lệ thường
hàng năm. Được chưa nào?
Ông
Trùm: (Thấy ông Bõ lủi
mất lúc nào không hay, lúng túng) Giê-su-ma… lạy Chúa tôi!
Trình bề trên lãnh đạo… nhưng… đội chúng tôi vắng ông Thôn… ông đội trưởng…
Ông
Kế: (Hấp tấp) Báo
cáo… tôi nghĩ, thiếu cá nhân ông đội trưởng, nhưng đội Bốn chúng tôi cứ là xin
được rút thăm tức tốc. Thưa… đi cả đội là đi trong tổ chức… Hề… Kế hoạch chuyển
xã là chủ trương của trên, thì thợ hàng huyện họ mới làm giúp mình. Còn tụt lại
sau… mọi thứ ắt phải è cổ ra mà chịu tất. Cá nhân… anh đội trưởng… là cái thá
gì mà họ đợi họ chờ…
Một
xã viên nam: Đúng lắm! Xin là cho đội Bốn gắp thăm nhận đất ạ!
Ông
Thư: Xin
hoan nghênh bà con. Mời tất cả về trụ sở! Còn đội Bốn vắng mặt ông đội trưởng,
thăm vẫn để dành, ông về lúc nào thì nhận lúc đó… (Có tiếng nói: “Đúng ạ, đúng ạ”,
mọi người ùn ùn kéo đi).
Ông
Thư: (Nhìn theo họ. Với
Điển)
Đồng chí Điển, cần tìm ra bằng được đồng chí Thôn!
(Trong buồng, ông Thôn nằm phục vào
góc giường, trùm kín chăn. Khi mọi người kéo đi hết, ông mới lò dò ra nhìn qua
khe cửa, nghiêng tai lắng nghe).
Bà
Thôn: (Đi ra, nhìn trước
nhìn sau, gõ khẽ cửa buồng) Ông ơi… ông ơi! (Im lặng. Gọi to hơn) Ông ơi, ông Thôn ơi!
Ông
Thôn: (Nén giọng) Khẽ
cái mồm chứ!... Khẽ cái mồm chứ!
Bà
Thôn: Thì
tại tôi gọi, ông không thưa ngay.
Ông
Thôn:
Ở ngoài ấy thế nào? Mà sao mãi bây giờ bà mới về? Bà không bắt thăm đấy chứ?
Bà
Thôn: (Im lặng một
lát… thở dài) Không!
Ông
Thôn: Ừ…
được!
Bà
Thôn: (Não nuột) Được…
Ôi chao, khốn khổ thân tôi!
Ông
Thôn: (Gắt lên) Làm
sao mà khổ? Tôi không ra mặt là tôi tỏ thái độ rõ ràng… cho họ biết…
Bà
Thôn:
Cho họ biết… thì họ có làm sao? Hay mọi người đều vui như hội?
Còn
tôi… khóc cũng dở mà cười cũng dở.
Bà
con có người bảo tôi: Bà Thôn ơi, bà vào gắp thăm đi chứ.
Tôi lắc
đầu: Ông nhà tôi nào đã nộp đơn!
Người
khác lại bàn: Bà và cô Hảo thay mặt cũng có sao.
Tôi lắc
đầu: Việc cửa nhà, mặc áo qua đầu là cạn nhẽ
Phải
chờ ông cho vẹn tình vẹn nghĩa!
Chỉ
thương con Hảo… nước mắt cứ vòng quanh…
Ông
Thôn:
Việc gì nó phải khóc.
Bà
Thôn: Sao
ông còn hỏi việc gì phải khóc? (Im lặng một
giây, bà Thôn như nói một mình) Bác Thư được đi trước nhất xã. Chỉ nhoáng
cái, nhà cửa đã dỡ xong.
Ông
Thôn: (Ngạc nhiên) Cái
gì… cái gì? Nhà ông Thư dỡ rồi à? Thật không? Thật không?
Bà Thôn: Thì ông ra mà xem,
bà con người ta xúm lại dỡ rất nhanh và rất khéo tay,
Không sứt viên ngói,
Chẳng gẫy cái đui,
Gọn gàng chu đáo…
Ông Thôn: Thật không? Thật
không?
Bà Thôn: Ông chả ra mà xem…
Dỡ một loáng là xong, rồi họ chuyển lên đồi Trăng tức khắc! Thế là tối nay ông
Thư lên đồi trông…
Ông Thôn: Tối nay ông Thư đã
lên đồi Trăng?
Bà Thôn: Thì ông lên mà xem.
Ông Thôn: Ờ… ờ… thì tôi lên
xem!
(Bỗng ở
ngoài có tiếng động, ông Thôn lại lùi vào giường, ngồi thu mình lại).
Hảo: (Từ ngoài gọi vào) Mẹ ơi… mẹ! (Hảo ra nhìn quanh, ngơ
ngác) Mẹ, mẹ vừa nói chuyện với ai thế?
Bà Thôn: Mẹ… mẹ có nói chuyện
với ai đâu.
Hảo: Thì rõ ràng con
nghe mẹ nói mà.
Bà Thôn: À… à… mẹ nói một
mình.
Hảo: Mẹ nói gì ạ?
Bà Thôn: Mẹ thương con vì
con thương thày… lại phải đi lên huyện.
Hảo: (Thở dài) Con lên huyện, nào
có tìm thấy thày con.
Nhưng mẹ ạ, bác Bí thư Huyện ủy dặn con về nói với mẹ, cứ
yên tâm.
Bác đã giao việc này cho Đảng ủy xã giúp thày con thoát
bước chòng chành nghiêng ngả
Vì chưa biết cách trông rộng nhìn xa…
Bà Thôn: (Thở dài nói to) Từ huyện đến xã ai cũng quan tâm lo lắng đến cảnh nhà ta.
Hảo: Mẹ ạ, vừa rồi con
đã tạt vào chỗ bác Thư báo cáo. Giờ về nhà một lúc xem sao.
Rồi con lại phải đi ngay.
Bởi công việc lúc này đang túi bụi…
Bà Thôn: Ừ, nhà bác được bà
con chuyển gọn gàng chu đáo,
Thật buồn… con ạ, chỉ vắng
mặt nhà mình…
Thế nên con cố gánh chút
việc công, để tỏ rõ cái tình
Kẻo bà con trách mình ở ăn lạnh lẽo.
Hảo: Vâng ạ! Con đi, mẹ
nhé! (Đi vào)
Bà Thôn: (Gọi vào buồng) Ông ơi, ông! Ông có nghe con nó nói gì không?
Ông
Thôn: Nghe…
nghe cả!
Bà
Thôn: Nghe
thì ông tính liệu sao đây?
Ông
Thôn: (Ra) Thì
bà bảo tôi tính liệu sao nào?
(Nghe có tiếng động, ông Thôn lại thụt
vào giường, ngồi thu người lại).
Điển: (Gọi từ ngoài) Hảo
ơi, Hảo. (Ra) Cháu chào bác ạ!
Bà
Thôn: Vâng…
(Ân cần) Anh ngồi đây.
Điển: Thưa
bác, cháu vừa lên huyện về, không thấy bác trai nhà đâu cả.
Bà
Thôn:
Biết tính liệu sao bây giờ, hả anh?
Điển: (Sốt sắng) Bác ạ, Đảng ủy
xã ta vừa hội ý. Ai cũng lo về việc bác trai nhà, khéo lại mắc bệnh thần kinh
phân lập. Chứ xưa nay bác có thế bao giờ… (Như
nói một mình) Mà bác trai mắc bệnh thần kinh… thì tại trời đông gió lạnh. Hay
là… (Nhìn bà Thôn. Trở lại giọng sốt sắng)
Thế nên Đảng ủy đã giao ban bảo vệ, phải tìm bằng được bác trai. Xin bác cứ
yên tâm, anh Huy đã lên phương án…
Bà
Thôn:
Phương án gì?
Điển: Dạ,
phương án tìm kiếm ạ. Nếu cần thì phải phối hợp cả với công an huyện ạ.
Bà
Thôn: (Che đậy) Tìm
kiếm làm gì… Rồi ông ấy về thôi.
Điển:
(Thật thà)
Không thế được ạ. Đảng ủy đã nhận định là, việc này không chỉ là việc gia đình;
mà là việc phải lo chung trong cả xã.
Bà
Thôn: Rõ
khổ! Rõ khổ! Làm sao bây giờ? Nhưng nếu ông ấy về… thì Đảng ủy sẽ giải quyết
làm sao, hở anh?
Điển:
Thưa
bác, Đảng ủy vẫn quý phẩm chất của bác trai nhà; vẫn tin rồi bác ấy sẽ nghĩ ra…
Nhưng còn về phía cá nhân bác trai,
một đảng viên kỳ cựu…
Bà
Thôn:
Nếu ông ấy lại vẫn một mình một ý?
Điển:
Trong
lúc xã công việc bộn bề, cần có người gánh vác,
Nếu bác trai không thông… thì…
Bà
Thôn:
Thì sao hả anh? Chắc phải cử người thay thế chân đội trưởng?
Điển:
Thưa
bác, dù chỉ là chân đội trưởng, Đảng ủy xã vẫn coi việc thay thế là bất đắc dĩ.
Vấn đề là ở chỗ… tinh thần tổ chức Đảng mới là gay…
Hảo: (Ra) Chào anh! (Với mẹ) Mẹ ạ, con lại vừa đến bác Thư
Mới gánh xong gánh nước, thì bác một
hai bắt con về
Bác sợ mẹ ở nhà một mình buồn và khó
nghĩ…
Điển:
Anh
vừa nói với bác gái yên tâm về bác trai, Hảo ạ.
Hảo:
(Giọng mỉa mai) Xin
cám ơn anh!
Điển: Ô
hay, sao Hảo lại nói thế nhỉ?
Hảo:
Vì
biết là anh rất bận… mà vẫn phải để tâm vào việc gia đình này.
Điển: Hình
như Hảo không thông cảm với anh. Thật tình, công tác chuyển xã quá nhiều việc,
anh bận quá!
Hảo:
Bận
quá. Bận vì để… sớm dứt điểm xong trận đánh ấy!
Điển: Có
thể lời lẽ của anh thật khô khan, nhưng đúng là anh quan niệm, chuyển xã là
công việc khó khăn như một trận đánh ở chiến trường, Hảo ạ.
Hảo:
Thế
nên, phải bận vượt khó khăn để… để tạo bằng được mặt bằng… phải không anh?
Điển: Hình
như, Hảo nói xa xôi gì thì phải?
Hảo:
Vì
là đồi Trăng… nên rằng mơ mộng…
Tiếng máy san đồi thường đẹp hơn tiếng
lợn kêu
Anh Điển ạ, hình như trước anh có nhắc:
quê hương phải quý phải yêu.
Nhưng giờ… chắc anh muốn em đi nơi
nào xa khác!
Điển: Ô
hay, sao bỗng nhiên Hảo nói năng kỳ cục?
Ông
Kế: (Ra, tay xách
con cá, để xuống bực cửa) A, chào bà, chào cô Hảo. A, anh Điển!
Anh Điển này, tôi vừa ở đồi Trăng về… cô Thúy nhắn anh là, tối nay anh phải có
mặt ở đồi Trăng.
Điển:
Vâng, vâng. Tối nay đội máy xúc, máy san khởi công làm gấp mặt bằng. (Phấn khởi) Ba hôm nữa là đồi Trăng có
nhà mới mọc!
Ông
Kế: Tuyệt!
Tuyệt!... Cuộc đời này có nhiều điều thật tuyệt!
Có ai ngờ cái xã Lộc An
Lại có người lỗi lạc tài ba
Làm phi hành gia… phi hành gia đầu
tiên bay lên cung trăng… Thật tuyệt!
Bà
Thôn: Ông
Kế ạ, ông ăn nói cứ như đùa như cợt
Trong lúc chúng tôi đang nát ruột
nát gan!
Ông
Kế: Tôi
nói thật đấy! Thế tôi nói người đó là ai nhé... Ông Thư, đúng không nào?
Đồi Trăng từng hoang dại ngàn năm
Lạnh lẽo đâu có khác cung trăng…
Ông Thư đúng là nhà phi hành đầu
tiên lên đó
Đúng chứ! Đúng chứ! Xã ta có ông Thư
thật là quý hóa
Đảng viên như thế mới xứng đảng viên
Tuổi cao rồi mà việc khó mấy vẫn lăn
lưng
Còn ông Thôn nhà ta, ấy xin cả nhà bỏ
quá (Nói to hơn)
Này, ông ở đâu lắng nghe tôi nói
nhá…
Người ta là nhà phi hành, còn ông
thì phi… tỏi
Người ta đảng viên, ông cũng đảng
viên,
Người ta tiến đầu tiên, còn ông
thoái đầu tiên
Để cho vợ con ông thất điên bát đảo!
Ông
Thôn: (Từ trong buồng
bật dậy, mở toang cửa, nhảy ra, làm mọi người hết sức ngạc nhiên. Ông Thôn tiến
sát ông Kế) Này… này… đồ xỏ lá! Anh kê kích ai? Anh là thá gì
mà dám nói láo với tôi như thế?
Ông
Kế: (Lùi vài bước) Á… Hề…
hề… Biết ngay mà!
Ông chỉ quanh quẩn trong nhà, chứ đi
xa đâu được.
Thôi, em xin lỗi ông anh. Nhưng ông
anh này, hề hề…
Không kê kích vậy thì ông anh chẳng
bật lò so
Mà cứ ì ra như bánh xe xịt lốp, hề hề…
Ông
Thôn: (Tức bực, túm ngực
áo ông Kế, xô đi xô lại) Kích này, lò so này, xịt lốp nữa…
Ông
Kế:
Hề hề… Xin ông anh, ông anh đoàn kết với em thế này thì chặt chẽ quá!
Điển:
(Chạy lại) Cháu
xin hai bác!
Bà
Thôn: (Ngẩn người) Rõ khổ!
Rõ khổ!...
Ông
Thôn: (Bỏ áo ông Kế,
quay lại Điển)
Anh
Điển này, anh vừa nói gì, tôi đều nghe cả
Anh
là Đảng ủy viên… tôi xin nói rõ ý tôi đây.
(Quay lại ông Kế)
Cả
ông Kế, ông dỏng tai nghe tôi nói cho mà hay
Tôi
không nộp đơn xin rút thăm nhận đất
Không
phải vì lo toan cái tẹp nhẹp cá nhân
Mà vì
quyền lợi no ấm của mọi người dân
Tức vì
lợi ích chung của cả tập thể! (Ngừng một
lát)
Sản
xuất lớn… tôi tán thành
Chủ
trương sản xuất lớn rõ ràng phải thế.
Không
sản xuất lớn, làm sao đưa nước ta tiến nhanh… giàu mạnh (Lại ngừng)
Nhưng…
chuyển ngay cả xã Lộc An đi,
Hỏi
các anh có kỹ càng tính toán chi ly?
Một
nghìn rưỡi căn nhà bốc đi chỉ trong hai tháng
Chà…
bốc đi… còn dựng lại… có kịp không?
Xã Lộc
An được như giờ phải qua mấy trăm năm.
Nay mới
bàn việc vỡ đất đồi Trăng, hỏi rằng… bao lâu nữa?
Điển:
(Ôn tồn) Thưa
bác, việc làm này quá mới
Nếu đơn độc thì trăm năm làm chẳng nổi
Nhưng một khi cả ngàn người đã đồng
sức đồng lòng
Thì thưa bác, cháu tin việc dời xã
không thể không xong!
Ông
Thôn:
Dời ắt xong… Nhưng còn việc làm ăn?
Thế
là vung tay quá trán!
Vẫn ở đất này… vẫn sản xuất lớn được
không?
Việc làm ăn rất kỵ cái cách bốc đồng
Hấp tấp vội vàng, e khó tránh điều vấp
ngã…
Phải xem… xem kỹ đã…
Lộc An ta: Tổng sản lượng hàng năm,
mười ngàn tấn lúa.
Năng suất bảy tấn có dư
Mức ăn tháng mỗi người hai chục ký
Thiên hạ vã mồ hôi dễ gì theo kịp.
Nên việc chuyển xã cần thấu đáo nghĩ
suy
Làm lấy tiếng, hay cốt cần cái miếng?...
Ông
Kế:
Cao kiến! Đúng là ông Thôn cao kiến! Chỉ tiếc rằng…
Điển:
Thưa
bác, đúng là năng suất của Lộc An ta,
Lâu nay vẫn đứng nhất nhì trong huyện
Nhưng năng suất này chỉ là chuyện hôm
nay
Nếu xét lâu dài, chặng đường đổi mới
ngày mai
Không thể mãi dậm chân tại chỗ!
Ông
Kế:
Hay… hay… Đúng là anh Điển chí lý!
Ông
Thôn:
Ông Kế… ông có im đi không?
Bà
Thôn: Thôi
ông Kế ơi, ông ấy nhà tôi đang bực bội trong lòng.
Ông
Thôn: Anh
Điển ạ, ý kiến của tôi, tôi nói rõ rồi,
Tôi không thay lòng đổi dạ, không phải
vì một chút lợi cỏn con…
Điển:
Cháu
biết, bác không phải là người thiếu tinh thần,
Nhưng e chút chủ nghĩa cá nhân còn
len lỏi
Khiến bác phân tâm.
Khi tập thể đang dốc lòng đi lên một
hướng
Bác chệch đội hình… mà cứ tưởng mình
hay
Thưa bác, giờ nghĩ lại… việc này vẫn
còn chưa muộn!
Ông
Kế:
Ấy… ấy… Quả là tôi cũng nghĩ y như anh Điển.
Nếu chỉ nhìn thấy trái quả nhà mình
thật đẹp,
Còn cánh đồng mênh mông của ngàn nhà
lại hẹp
Thì khác chi đôi mắt nhỏ con gà
Chỉ rõ hạt thóc gần, mà chẳng thấy
chân trời tít tắp xa!
Ông
Thôn: (Lại quát to) Thôi,
im đi!
Ông
Kế: (Vờ giật mình) Ấy
xin ông…
Em nói thật lòng, sao ông lại mắng?
Mà thôi, em xin nói sang chuyện
khác, cho vui cửa vui nhà. (Cười)
Hề… hề… thưa cả nhà thân mến,
Nhân nhà ta có cô Hảo sắp giật bằng
kỹ sư, danh giá nào bằng
Hề… hề… (Với ông Thôn) Ông ạ, ông có biết,
Chẳng hiểu thế nào, sáng nay con vợ
lẩm cẩm của em
Quăng mẻ lưới vớ được mẻ cá ngon,
Thưa ông… là xin ông cho em được nghỉ
gặt hôm nay
Em nhoáng nhoàng mang ra chợ Kiều kiếm
thêm chút đỉnh.
Ông
Thôn: Không
được đâu. Ông nên nhớ là tôi vẫn đang làm đội trưởng. Cứ lơ tơ mơ là tôi kỷ luật!
Ông
Kế: (Quay lại Hảo): Hề… hề…
cô Hảo nhỉ,
Đâu như vườn nhà ta… cái hoa cái quả
Có chậm bán vẫn được đồng tiền tươi.
Chứ con cá con tép nhà tôi,
Chậm bán lúc nào, tiền ươn lúc ấy!
Hảo: (Bối rối) Cháu không biết!
Ông
Kế: (Chủ động, vì sắp
xếp trước)
Ấy chả rằng… (Ra lấy con cá vào)
Ấy chả rằng… cô Hảo nhà ta
đỗ đạt
Em gọi là có chút thành
tâm… hề… hề…
(Bất ngờ
dúi con cá vào tay ông Thôn. Ông Thôn bị động, cầm lấy).
Em đi ạ! (Vào nhanh).
Ông Thôn: (Tay xách con cá, chợt hiểu) Á à… (Gọi)
Ông Kế! Ông Kế! (Không thấy trả lời) Á à, xỏ lá thật!
Lão ta dúi con cá vào tay
mình, để mình há miệng mắc xương đây. Xỏ lá thật! (Gọi to) Ông Kế! Ông Kế! (Không
có tiếng trả lời) Phải mang sang quẳng vào nhà lão ta, rồi cho một trận. (Toan đi).
Bà Thôn: Ông ơi! (Ông Thôn dừng lại) Ông để tôi mang
sang trả cho, ông ạ.
Ông Thôn: Hừ, con cá chết tiệt
này! (Quẳng con cá xuống đất).
Bà Thôn: (Ngập ngừng) Lúc nãy…
các ông nói với nhau nhiều rồi, giờ ông cho tôi nói với ông một câu…
Ông Thôn: Bà định nói gì, tôi
biết… Ý bà là muốn có người thay thế tôi chứ gì?
Bà Thôn: Ấy ấy, chả rằng nếu,
nếu…
Ông Thôn: (Xen ngang) Nếu… nếu cái gì? Tôi đã làm
đơn đây rồi!
Bà Thôn: (Nghĩ chồng chấp thuận việc chuyển cư, sung sướng) Thật à? Thế mà… Vâng, thế là phải. Có người có ta, ông ạ!
Ông
Thôn:
Nhân anh Điển ở đây, tôi gửi anh chuyển cho Đảng ủy cái này (Đưa lá đơn lấy ở túi ra).
Điển:
Vâng
ạ. (Nhận đơn xem) Ô… (Ngạc nhiên)
Thưa bác, đơn này thì cháu không dám
nhận. (Đặt lên bàn).
Bà
Thôn: Ô
hay, sao anh lại không nhận?
Điển:
Thưa
bác, đơn bác trai xin Đảng ủy cho thôi làm đội trưởng.
Bà
Thôn: (Ngỡ ngàng) Ông
ơi, rõ khổ! Rõ khổ!
Ông
Thôn:
(Với Điển) Việc này chính vợ con trong
nhà cũng có ý như thế đấy! (Thở dài)
Còn xã viên… thì như lão Kế, lâu nay một phép… giờ cũng coi thường mình. (Thở dài tiếp) Tôi còn làm đội trưởng với
ai?
Bà
Thôn: Ông
ơi, ông nên nghĩ lại… Mẹ con tôi đâu có…
Hảo:
Thày,
thày nên nghĩ lại!
Ông
Thôn: Nghĩ
lại… Nghĩ lại… Không! (Vớ lấy lá đơn) Anh
không chuyển cho tôi lá đơn này thì tôi… đưa tận tay… ông Thư! (Bước ra, vấp phải con cá, bực tức đá ra cửa)
Cái con cá chết tiệt này! (Vào).
Bà
Thôn: Ông
ơi, ông đừng đi! (Không thấy trả lời, vẻ
muốn khóc).
Hảo: (Chạy lại ôm mẹ, nghẹn ngào) Mẹ,
mẹ ơi!
Điển: Có lẽ
cũng nên để bác trai gặp Đảng ủy!
Ông
Thôn: (Bất chợt quay lại)
Không phải thách! (Lấy cái mũ vải biên
phòng chụp lên đầu, đi nhanh ra).
Màn hạ
(*) Sách “Lộng Chương - Để đến… Nơi đến”, Nxb Sân khấu,
2013.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét