Phóng sự
Lời than phiền
đó - than phiền hay chê trách? - đã làm tôi nảy ra ý định. Ý định bới những đống
rác ấy lên cho nó tởm một thể. Nghĩ thế và xắn cao tay áo: Tôi đi tìm những đống
rác.
Rác
không phải là thứ hiếm, ở nhà ai mà chẳng có từng đống. Việc gì phải tìm đâu. Thật
vẽ chuyện. Nhưng cái trò đời nó thế. Bao giờ cũng muốn nghé mắt săm soi sang
hàng xóm cơ. Thì đây, hồi chiều hôm qua ông láng giềng tôi trong cơn phẫn nộ với
nội tướng, đã thẳng tay liệng cả bộ khay cốc pha lê trên mặt gạch. Sọt rác bên ấy
chắc đẹp lắm. Mảnh pha lê óng ánh bên những lá gói bánh giò khô nâu. Tôi đoán
chắc thế. Vì vợ chồng giận nhau, chồng đập đồ thì vợ tuyệt thực chứ. Mà cái lệ
tuyệt thực thì, lần nào bà láng giềng ấy cũng phải ăn vụng bánh giò.
Lại
cái sọt rác của cửa hiệu cao lâu, bên trước cửa kia nữa. Hẳn có nhiều thú vị.
Thú vị nhất là những đoàn-quân-cảm-tử-ruồi-nhặng vây kín trên đống đầu thừa
đuôi thẹo thực phẩm thải.
Và:
Sọt
rác một cửa hiệu tạp hóa với đủ rác rưởi tạp vật.
Sọt
rác khô khan của một nhà cầm cán viết.
Sọt
rác lẻng sẻng của bác phó thiếc.
Sọt
rác êm tay của một hiệu may.
Sọt
rác chua loét của các hàng cơm bày chõng.
Sọt
rác…
Sọt
rác…
Trong
trí tưởng tượng tôi thoáng một cuộc đi “duyệt” các sọt rác, trước khi tìm đến
cái bãi rác công cộng của thành phố này.
Nhưng
vừa bước ra khỏi nhà, tôi vấp ngay phải đống rác được vun gọn bên lề đường. Bác
phu lục lộ nào đã có nhã ý giúp tôi? Hẳn phải là một nhà tiên tri. Bác đã hiến
tôi cả một đống “tài liệu rác”.
Tôi mỉm
cười, nhìn đống rác. Mới mẻ quá. Cạnh đó, bên chân tường rêu đen, một lũ trẻ
đang quây quanh đống cùi bưởi, vỏ ốc, gốc mía… Nhà nào đã đổ cái thứ phế thải “trông
giăng” ra đấy để làm quà cho lũ trẻ khốn khổ này? Hừ, thì ra đống rác không phải
chỉ là nơi hò hẹn riêng của côn trùng, ruồi nhặng nhỉ?
À, ruồi
nhặng? Trong buổi tinh sương này chúng biến đâu? Tôi định thần. Và nhận thấy những
bầy nhặng nhào lộn, liệng lên, liệng xuống, có khi đứng - à quên, bay - bay tại
một chỗ - như đoàn phi cơ tắt máy để rình mò một vị trí quân sự quan trọng vậy.
Rồi một
anh xe bê sọt rác đầy chạy sộc từ trong nhà ra, mắt hếch nhìn sang bên lề hè đối
diện, như cố tình tống sọt rác vào người tôi. Tôi vội kêu lớn. Anh đứng sững lại
trợn mắt nhìn tôi, ý chừng muốn phát bẳn. Tôi sẵn sàng hứng một câu gì thô tục từ
cửa miệng anh văng ra, hay bị cả cái sọt rác kia hất vào mặt cũng chưa biết chừng.
Nhưng không. Anh xe nhoẻn miệng cười, bê sọt rác chạy biến sang hè đường bên
kia. Tôi ngạc nhiên trông theo. Sao anh ta phải sang đấy đổ rác? Và sao vội vã
vậy?
Từ
phía đường bên, một cái xe rác của sở vệ sinh đang tiến lại, nặng nề và từ từ. Nó
còn cách chỗ anh xe khoảng gần hai trăm thước, lo không kịp đổ rác hay sao mà vội?
Suýt nữa thì mình bị anh ta gắn “huy chương rác” vào ngực. Ờ, không phải. Tôi
đoán nhầm. Anh xe vội vã chạy cốt để kịp lả lơi với một cô nàng, ý hẳn là nhân
tình phiệu. Cu cậu hấp tấp moi ở trong sọt rác ra cái gói nhỏ đưa cho tình
nhân, và nhảy cỡn lên quanh cô ả để làm duyên, y hệt một trò khỉ.
Chị sen
nhăn nhở cười tình, dở phắt cái gói ra. Thấy tôi bước đến rất gần, chàng xe vội
ngăn lại. Tôi thoáng nhận ra ở trong gói một cái bánh nướng. Chừng cu cậu đã
thó của chủ nhà để làm quà cho nhân ngãi. Hóa ra cái sọt rác ngoài công dụng
thiết thực vốn dĩ của nó, lại được dùng vào việc ấy nữa đấy!
… Cái
xe rác tiến tới. Thêm mấy chị sen cùng xuất hiện với những sọt rác đầy.
Tôi
vui vẻ như một thư sinh nhận văn bằng tốt nghiệp, với hy vọng tìm được điều gì
mới lạ xung quanh xe rác và những đống rác. Có lẽ là một đời sống. Đời sống của
những kiếp người sống trên đống rác.
Bác
phu lục lộ cầm bò hạ càng xe xuống, hét lên:
-
Thong thả, thong thả!
Bác gạt
mấy chị sen đang cố dướn người đổ lấy được những sọt rác lên xe, vốn đã đầy có
ngọn. Lật cái mũ rộng quai cho rơi lủng lẳng ở ngang lưng, bác phu nhảy tót lên
xe, vớ vội cái đinh ba. Tôi tưởng chừng, với điệu bộ hung hăng ấy, bác sắp siên
chết lũ dòi bám đặc quanh xe. Không! Bác nhanh nhẹn cào đống rác cho phẳng mặt
để tìm kiếm những thứ còn dùng được.
Chứ
sao! Những cái bỏ đi của mọi người chưa chắc là đã vứt đi hẳn. Như đôi giầy bác
đương đi là từ rác mà ra. Nay nó rách bươm cả vải, đế thì thủng rồi. Sỏ vào
chân là nó như thông đồng với sỏi đường tự do xâm lăng gan bàn chân bác. Bác đã
chịu khó vá víu mấy lần, nay đành chịu thua. Bác vứt nó vào đống rác với ý
nghĩ: thế là hết cái đời mày!
Nhưng
bác lại vừa bới được đôi giầy khác để thay thế. Tôi nhận thấy một nét vui trên khuôn
mặt bác. Bác dừng tay cào, ngắm nghía lại đôi giầy, gật gù, rồi xỏ luôn vào
chân.
Tôi xun
xoe tiến lại gần xe rác. Một thứ mùi tanh hôi nồng nặc bầu không khí. Mùi của mục
nát, của biến thể, của tiêu diệt, làm tôi lao đao. Tôi lùi lại đứng về phía đầu
gió thổi, mắt không rời xe rác. Trong thùng xe đủ loại rác. Nó bị nhào trộn,
nom nhầy nhụa đến phát nôn. Vậy mà hai cẳng chân bác phu cứ điềm nhiên đầm sâu
trong cái nơi gặp gỡ không hò hẹn của tất cả những đồ thải, cặn bã tứ chiếng ấy.
Bác ung dung dẻo tay đưa cái đinh ba tiếp tục bới; và cúi nhặt miếng ván mục này,
miếng kính vỡ này, thanh sắt chấn song gãy này, cả cái ống bơ rỉ hoen nữa. Bác
ném tất cả những vật ấy vào cái bồ mây sứt cạp để ở góc thùng xe, xem chúng như
của quý vậy.
Hai bên rãnh đường, những đống rác
vô thừa nhận đang lặng lẽ xếp hàng chờ bác. Chờ đợi để nhập cuộc vào thế giới
rác! Đó là những quần thể lạc lõng từ mọi nhà, từ hè phố và mặt đường, được vun
được đổ vào từng chỗ. Lá khô, cành cây, nút chai, vỏ chuối, rẻ lau, búi rác,
bùn cống… tất cả quấn quyện lấy nhau. Những đống rác xem ra cũng khá gọn gàng.
Là nhờ những nhát chổi ngay từ lúc mờ sáng của bác phu quét đường ngớ ngẩn đấy.
Không có bác chăm sóc, đường phố có mà ngập ngụa rác rưởi lẫn mùi hôi thối.
À, có những ai đã gặp người phu quét
đường ngớ ngẩn ấy? Bác làm cái việc khai quang phố xá thật cần mẫn, với vẻ nghiêm
trang như một ông bồi tế. Thế mà người ta bảo bác dở người. Chưa hẳn đã phải
đâu!
Rất khoan thai, bác tiến từng bước đều
đặn từ chính giữa đường cái - như thể đã có ai đó vạch một đường phân luồng thẳng
tắp - đưa mạnh tay chổi về hai phía lề đường, nhịp nhàng theo bước đi, tạo nên
tiếng kêu lẹt xẹt như một điệu nhạc thần bí. Hai mắt bác đăm đăm nhìn mặt đường
và nhìn theo từng nhát chổi quét.
Có điều lạ là, cứ năm bước tiến lên,
lại một lần bác dừng chân. Bình thản và nghiêm chỉnh đặt cán chổi xuống, bác ngả
nón vái lên trời hai vái. Trong làn sương mờ buổi sớm mai chập choạng, trông
bác giống một pho tượng huyền bí, đủ gây nên sự gì rờn rợn. Tôi đã gặp bác nhiều
lần như thế. Ai có thể đoán được sự tình u ẩn này không? Phải chăng vì thế người
ta bảo bác ngớ ngẩn dở người.
Nhưng thôi, đã đến lúc ta trở lại
cái xe rác với những đống rác hai bên rãnh đường. Những đống rác lần lượt được
hót vào thùng xe. Chúng như nhẩy cỡn lên theo từng nhát xẻng hất cao.
Hót xong từng đống rác, bác phu lại
phải trèo lên xe san ấn thật cẩn thận. Một bác nữa đứng tuổi hơn, bê rổ rác đầy,
rướn người đổ nốt vào thùng xe.
Rồi, xe rác ỳ ạch lăn bánh. Hai bác
phu cong người, kéo và đẩy.
Tôi bước theo xe. Thì đã bảo là tôi
đi tìm sự thực trong rác mà lại. Vậy thì còn gì hơn là theo vết bánh xe rác để
đến “thành La mã” - nơi đổ rác của thành phố chúng ta. Nhưng khổ lắm. Cái mùi mục
nát nặng nề cứ xoắn lấy tôi, làm cho ruột gan tôi đều muốn lộn cả lên ngực. Thế
sao những người phu kia chịu được? Nghề nghiệp nó quen đi! Còn tôi, chẳng lẽ vì
cái mùi khó chịu mà bỏ cuộc? Một ý định thoáng qua óc. Tôi rút khăn tay ra bịt
mũi, rồi tiến lại sát người phu lục lộ đang tì vai vào cái mấu đằng sau xe để đẩy
cho nó tiến nhanh thêm. Với cái giọng ngạt mũi, tôi hỏi qua chiếc khăn tay:
-
Các ông xe về đâu?
Người
này ngẩng đầu lên tỏ ý ngạc nhiên, nhìn tôi tròng trọc. Hai mắt xếch dưới nếp
khăn vuông bịt khít đầu, nom dữ tợn vô cùng. Bác nhìn tôi từ chân lên đầu. Và
có lẽ thấy cái điệu bịt mũi của tôi nó không hợp thời, bác cười gằn:
-
Sợ thối thì tránh xa ra có được không!
Tôi vội bỏ khăn tay ở mũi, nín thở và cố
mỉm cười lấy lòng:
-
Tôi không quen đấy, chứ có sợ đâu!
Và nhắc lại bằng giọng thân mật:
-
Các ông đem đổ những xe rác này ở đâu nhỉ?
Bác
không rõ tôi ngớ ngẩn hay tinh nghịch. Dù ngớ ngẩn hay tinh nghịch cũng đều làm
bác phật lòng. Sự phật lòng của những người hay dùng cẳng chân và cẳng tay thì
thật là đáng sợ. Bác trợn mắt nổi đóa:
-
Ở đâu thì bận gì đến… hử?
Trước
sự cục cằn ấy, tôi vẫn nhún nhường. Ấy thế đấy! Ở đời này, mình cần yêu cầu cái
gì, mà lại yếu thế là y như phải nhún nhường. Tôi mỉm cười:
-
Thì cũng hỏi chơi vậy. Chỗ mình với nhau
cả, làm gì mà hẹp hòi đến không chỉ chỗ cho nhau được à?
Với
câu nói ấy thì rõ ra mình khinh bạc quá rồi. Xưa nay có ai hỏi thăm săn đón chỗ
đổ rác như người hỏi đường đến nơi cực lạc bao giờ.
Hẳn
bác phu lục lộ cho tôi là muốn trêu chọc bác, nên đứng sững lại và nạt nộ:
-
Tránh ra. Ở Tám Mái…
Người
phu cầm bò thấy to tiếng cũng dừng lại. Khách qua đường nhìn chăm chú. Tôi nghĩ
đến sự rút lui. Ngày mai sẽ phóng thẳng đến Tám Mái. Bác phu lục lộ còn hậm hực
lắm, khi tôi ngả đầu chào và ngỏ lời cảm ơn.
Hừ
cái cha kỳ thật, coi mình như quân thù! Thì ai bảo mình “đi trái đường”. Ăn mặc
tề chỉnh như “ông phán đại”, thế mà lại muốn làm thân với rác rưởi thì lạ thật.
Hôm
sau, tôi ăn mặc luộm thuộm một chút. Một cái sơ mi cụt tay mầu nâu, cái quần
soóc tím bạc mầu và đôi dép cao su tã. Vớ cái xe đạp, tôi ra đi vào một buổi
sáng. Sau đêm mưa bão rớt, mây còn đọng từng khối vần vũ tít ở phía tây. Gió
hơi lạnh gáy.
Đường
hàng Đẫy. Một con đường rẽ ngang lầy lội. Tôi lái xe vào. Bùn quyện lấy bánh xe.
Có phải chỉ là bùn? Hay còn gì trộn vào đó, mà thành thứ bùn mang màu sắc khó tả,
nom thật kinh dị!
Gió
hút từ trước phả vào mặt. Tôi cố đạp xe tiến đến nơi mình muốn tìm kiếm. Cái thứ
mùi khó chịu đã thoảng thấy. Vào nữa!... Trước mặt tôi là những xe rác ngổn
ngang. Và những đống rác chất ngất cao như núi. Thế giới rác là đây. Cũng là khu
vực hoạt động của thế giới ruồi, của nhặng, của muỗi…
Lập tức
tôi để ý đến những đoàn người đang tìm sự sống tại nơi này. Họ gồm già, trẻ, lớn,
bé, đàn ông, đàn bà… đủ cả. Nhưng phần nhiều là đàn bà. Tất cả đều quần sắn cao
quá đùi, áo vá tả tơi. Ai cũng cắp cái thúng, hay cái rá, hay cái rổ, và cả mẹt
nữa. Họ đều lăm lăm trong tay một cái xiên bằng sắt bẻ khoằm đầu.
Tôi thầm
nghĩ: nếu tất cả số người ấy, với y phục đúng như thế, cũng cái xiên đúng như
thế cầm tay, mà xếp thành hàng thì hàng ngũ ấy nói gì? Một sức mạnh khó lường.
Đáng ngợi ca, hay là đáng sợ. Suy tưởng thì nhiều lắm!
Rồi,
một cái xe rác lấy đà tận đằng xa sộc tới, cắt ngang ý nghĩ trong tôi. Nó muốn
tiến sâu vào mép nước để trút rác. Rác từ khắp mọi nơi trong thành phố đều đổ dồn
về nơi này; vừa cho khuất mắt, vừa để lấp
những mảnh ao tù. Cái xe rác phải vất vả lắm mới vượt qua nổi quãng lầy, đầy nhọc
nhằn; có lúc hai bánh xe sa xuống hố bùn, gần ngập trục. Khi nó chưa kịp dừng
bánh, thì cả đám đông già trẻ, lớn bé kia đã sấn tới, nhâu nhâu như đàn ruồi.
Bác phu đẩy xe vừa kịp tháo chốt ván hậu, thì bác phu cầm bò đã kịp thời cho lật
chổng càng lên. Rác đổ ầm thành một đống. Đám người kia vội chen nhau, nhẩy chồm
lên, xô vào, bới, cào, rối rít. Nom chẳng khác cái đám cướp cháo ngày lễ cầu
mát ở chợ Đồng Xuân. Nơi ấy cũng chỉ hỗn độn ráo riết đến thế là cùng. Cướp
cháo lẽ dĩ nhiên là cần phải vật lộn, xô đẩy. Đói mà! Của ăn ngay vào mồm được
mà!
Nhưng
những đống rác kia, cướp gì ở đấy? Tôi ái ngại cho loài người, sao lại xuống
giá tới bậc tranh cướp nhau rác rưởi? Mà lại là thứ rác hạng bét!
Thực
chất rác chỉ là những cặn bã của thành phố đổ về đây, hôi thối và nhơ nhớp. Nó
còn bị nước ao tù cùng nước mưa úng ngào ủ thêm, biến thành một cái ổ bệnh tổng
hợp đầy nguy hiểm đối với con người. Thế mà họ chẳng biết sợ hãi là gì. Cũng bởi
cái sự nghèo khốn cùng cực xô đẩy họ đến kiếm sống ở đây. Họ, quần xắn tới tận
bẹn, cúi lom khom, ra sức đua nhau cào bới; và kéo lê ở sau lưng mỗi người một
cái thúng cồm cộp những bùn đất đen thui.
Đã
mấy ai trông thấy cảnh hỗn loạn của một bầy người kiếm sống trên đống rác chưa?
Họ vật lộn, giành giật nhau thật khủng khiếp! Và thật đáng thương!
Năm
sáu mươi cái móc sắt tranh nhau bới, bới mãi, tới tấp. Và năm sáu mươi cái lưng
người khom khom, trông hệt một bầy dê giành lá ruối trên một gò đá chông chênh.
Tôi
tiến sát tận nơi đám người đang cào bới. Hai bàn chân tôi ngập sâu trong bùn lầy.
Mọi người không dừng tay, nhưng ngước mắt nhìn tôi bằng vẻ ngạc nhiên. Họ hầu hết
là đàn bà, con gái và cả trẻ nhỏ. Có những làn da sạm nắng dầu dãi. Có những bộ
mặt phinh phính ngây độn. Có những vẻ thản nhiên chững chạc. Có những vẻ non tơ
tuổi dậy thì. Có những cẳng tay cẳng chân khẳng khiu, đen chùi chũi. Và cả những
bộ đùi trắng nhễ nhại. Bùn đất và dơ dáy đã đắp lên họ chung một mầu cơ khổ đến
cùng bậc.
Khi
mỗi cái thúng đã đầy ắp đủ thứ tạp pí lù, những chủ nhân của nó mới chịu rời
bãi rác. Chỉ còn sót lại vài ba cái lưng lòng khòng chậm chạp, vẫn khom khom, cần
mẫn bới; như những con bò già uể oải gậm nhay cỏ trên bãi hoang khô cằn.
Làm
sao tôi dễ quên hình ảnh một thằng bé, độ sáu bảy tuổi, như vừa ở hố bùn chui
lên. Cái rổ đầy ụ những rẻ rách, giấy vụn, và ống bơ gỉ… đè nặng trên đầu nó.
Thằng bé ỳ ạch bước đi không vững. Những dòng nước ngầu bùn từ rổ rác chẩy xuống,
vẽ thành những đường vòng vèo đen kịt mặt mũi nó.
…
Đến lượt mười cái xe rác khác cùng lúc xô nhau tiến vào trong bãi. Những đống
rác mới lại ùn lên bên mí nước tù đọng. Lũ người bới rác lại xô đến. Cuộc bới
tìm lại tái diễn với sự tranh giành ghê gớm, không kém đám loạn quân đói khát!
Một
thằng bé con bị chen lấn giữa cuộc hỗn loạn ấy, ngã bổ kềnh vào gầm cái xe vừa
chổng bò. Nó hét rầm trời. Chẳng thấy ai cứu nó. Chỉ nghe đám loạn quân kia cất
tiếng mắng mỏ nó và cười the thé.
Tôi
vội chạy tới kéo thằng bé ra, lòng đầy bất mãn mà chẳng biết trút vào ai. Cùng
lúc, người phu lục lộ dìm càng xe xuống, để thằng bé thoát được dễ dàng. Rồi
ông ta nhe răng cười:
-
Ôn con cũng khỏe xông lắm. Vỡ đầu chưa
con?
Thằng bé vừa được lôi ra khỏi xe, vội
vàng chồm dậy, hung hăng vơ lấy rổ và móc sắt, chen vào bới lia lịa. Nó lại bị
thằng nhớn hơn hích cho một cái ngã ngồi thụp xuống. Nó lại chồm lên. Tôi nghĩ
cần tìm cách cản thằng bé lại, để nó khỏi bị bắt nạt. Nhưng người phu xe đã bước
đến cạnh tôi bắt chuyện:
-
Chúng nó vẫn có cái thói ấy ông ạ! Nào
ai nuốt biến được đâu mà chúng cứ vội!
Bác cười hề hề
hai tiếng và nói luôn sang chuyện khác:
-
Cái lũ nhóc này cứ hay xông xáo như ông
tướng ấy. Năm ngoái đã có một ôn con chết bẹp dưới đống rác đấy ông ạ!
Tôi giương mắt nhìn bác, hồ nghi. Tôi
có chờ đâu những cảnh đau lòng sót ruột như thế này. Nhưng tôi vẫn hỏi, sau khi
cất nhẹ tiếng thở dài:
-
Thật thế ư?
-
Thật mà. Năm ngoái còn lấp cái hồ ở đằng
kia - bác chỉ tay về phía ngõ - rác đổ thành núi. Những ông tướng con hùa nhau
trèo lên bới móc thế nào chả rõ, khiến cả một nửa đống rác to bằng cái nhà sụt
lộn xuống hồ, lấp lên một chú. Lúc moi được lên, nó đã chết nhăn răng rồi.
Câu nói vừa dứt thì một bác phu bạn
chạy tới, nói to như gắt gỏng:
-
Sắp đến giờ nghỉ rồi đấy. Còn đứng mà
chuyện hở?
Rồi bác chỉ cái bồ mây đầy vải vụn,
giấy vụn, củi vụn… hai mắt long lên sòng sọc như mắt long thần. Tuy vậy, bác cất
giọng nói khác hẳn vừa rồi, thật nhã nhặn:
-
Nặng lắm, khiêng hộ với. Bố ai cắp được
một mình cơ chứ!
Sau lời chào, bác phu nói chuyện với
tôi xốc tới bên cái bồ. Với thân hình to như ông hộ pháp, cái bồ bị đôi bàn tay
bác nhấc lên thật dễ dàng:
-
Đồ ăn hại, thế này mà kêu nặng!
Thuận tay bác phập luôn cái đinh ba
vào thân bồ, úp mấy cái rổ hót rác lên trên. Bác vặn mình một cái, xốc bồ lên
vai, thoăn thoắt bước đi. Lát sau tôi còn nghe rõ tiếng bác văng tục và chửi đổng
cái cuộc sống khốn khổ khốn nạn này.
Ý chừng bác phu bạn cũng nghe rõ tất
cả. Bác lộ vẻ khoan khoái nhìn tôi, chào rồi đi.
Vừa lúc ấy, một xe rác định xô vào
bãi. Nhưng người phu cầm bò lỡ chân làm mất đà, nên hai bánh xe bị sa xuống hố
bùn, ngập tới trục.
Người phu đẩy sau tức giận, hoa chân
múa tay, mắng bạn như tát nước. Tôi tưởng chừng như bác ta bóp chết bạn ngay.
Bác cầm bò không kìm nổi bất bình bởi những lời bị mắng, dằn mạnh càng xe xuống,
hùng hổ không kém. Bác phu khác vội chạy lại hòa giải:
-
Đánh nhau à, đánh nhau à? Hố bùn sâu như
vậy mà thiếu chính xác, lại không gắng sức nhanh chân lên thì có mà sang ăn cứt!
Thôi cầm càng đi. Còn anh, bắt bánh với tôi!
Khi càng xe được nhấc lên, hai người
phu phía sau ra sức bắt bánh. Nhưng cái xe rác cứ ỳ ra, không nhúc nhích.
-
Cố lên! Dô ta nào… dô… ô… ta…a!
Tiếng hò to, như để vận thêm sức. Nhưng
hai bánh xe vẫn thản nhiên một cách gan góc. Rồi một câu chửi bâng quơ và cái vẫy
tay về phía những người bới rác:
-
Các cô các cậu mình, lại đẩy dùm chúng
anh một tay. Mau lên!
Vài ba người kéo đến bên xe rác.
Một cô nàng răng rất đen, má lúm đồng
tiền, da bánh mật, đảo mắt nhìn mấy bác phu, bĩu môi nguýt dài:
-
Làm phách thế, chúng anh với ai?
Và cô cười thật
duyên. Một bác phu toét miệng, mắt sáng ngời, đối đáp:
-
Chúng anh với các em chứ ai!
Rồi tức thì, họ xúm lại đẩy xe rác.
Cái xe băng qua hố không mấy khó khăn. Nhờ sức tập thể mà.
Cùng lúc, thằng bé con hung hãn suýt
chết vừa rồi, nách cắp một rổ nặng, vai vác lá cờ giấy đỏ nó vừa bới được, nét
mặt phởn phơ, sải chân bước đều, vươn cổ hát vang:
-
“Cùng chung sức kiến thiết xây đời mới…”.
Thằng bé đã gây được cảm tình đối với
mọi người. Tôi nẩy ý niệm: Sức phấn đấu và lòng quả cảm của con người phải
chăng chỉ tìm được ở những tầng lớp cơ khổ. Sự mưu sinh đã bắt buộc họ phải
luôn luôn vật lộn với gian nan để vượt qua! Ai khôn khéo gây được sự phục tòng ở
họ, sẽ chắc chắn có một hậu thuẫn vô cùng mạnh mẽ. Và, cũng chắc chắn sẽ nhận
được ở họ lòng hy sinh không bờ bến cho mục đích cao cả…
Tôi bước theo chân thằng bé. Nó đội
rổ rác đi ra phía đường cái. Ở đấy, bên bức tường cao ngất của một nhà máy, những
người bới rác xếp thành từng đống những phế thải bới được. Và họ đang lựa chọn để
xếp riêng ra từng loại.
Giấy vụn đi với giấy vụn; giẻ rách
đi với giẻ rách; mảnh sắt tây với mảnh sắt tây; còn cành cây, que nứa, mẩu gỗ
thừa, lá khô, rổ rá rách… vào một đống; và, những mẩu xương thừa cũng riêng một
chỗ. Tôi quên nói tới những mảnh kính, mảnh chai, mảnh cốc vỡ nữa… đều được họ
nâng niu xắp đặt rất cẩn thận.
Tôi tò mò hỏi người đàn bà đang kéo
vạt áo lau mảnh gương vỡ:
-
Sao phải chọn để riêng từng thứ thế hở
bác?
Người đó ngẩng lên ngơ ngác nhìn tôi,
không đáp. Nhưng có tiếng nói từ phía sau tôi:
-
Phải chọn ra từng thứ chứ!
Ai đã trả lời câu hỏi của tôi. Tôi
quay lại. Đó là người phu lục lộ đã tiếp chuyện tôi dài dài lúc trước. Bác nhìn
tôi bằng ánh mắt thông cảm và cười hề hề. Tôi
cũng cười theo:
-
Chọn ra để làm gì, bác?
Bác phu nhanh nhảu,
thân mật:
- Ơ hay, để bán
chứ làm gì. Tiền cả đấy ông ạ!
Và bác ngồi sụp
xuống, bới đống thủy tinh vụn:
-
Chỗ này, năm ngoái thì khớ tiền đây!
Tôi trỏ đống
cành cây và gỗ mục:
-
Người ta mua cả những cái này?
Bác phu lại cười
hề hề, ý chừng cho tôi là ngớ ngẩn.
-
Không! Những cái ấy phơi khô để đun, đỡ ối
tiền củi!
-
Thế còn rẻ rách, giấy vụn?
-
À, những cái ấy thì bán!
Tôi ngẩng lên thì bắt gặp cô nàng má
lúm đồng tiền lúc nẫy, cắp một rổ đầy phế thải. Cô nhìn tôi cười. Hai đồng tiền
trên má cô cũng cười. Hàm răng đen đều tăm tắp. Cô hỏi bác phu:
-
Bác Tớp ơi, ông khách mua gì vậy?
Tôi nhanh nhảu trả lời thay bác phu -
gọi bác Tớp cho tiện - và không quên mỉm cười:
-
Không cô ạ! Tôi không mua gì cả. Nhưng
cô có cái gì bán cho tôi để tôi mua được không?
Cô cười khanh
khách:
-
Ông dớ dẩn chửa! Em biết ông mua cái gì
mà em bán?
Bác Tớp nhìn cô
bé, cười ranh mãnh:
-
Ông ấy muốn mua hai hàm răng của cô đấy!
Người đàn bà lau
gương ngừng tay, ngẩng lên:
-
Thôi bán cho ông ấy, lấy tiền mà ăn quà
vặt.
-
Ông có mua… em… thì em bán!
Nói xong, cô cười
ngặt nghẽo và cắp rổ chạy biến.
Cả bọn đang ngồi
chọn rác đều ngừng tay nhìn tôi, cười thích chí.
Đời sống ở đây hẳn bình dị lắm, thì
người ta mới có thể vui đùa trước một câu bông lơn không đâu ấy.
Tôi cười theo họ và thân mật vỗ vai
bác Tớp:
-
Thế ra ở đây cái gì cũng bán được?
Bác gật gù:
-
Đúng thế. Mà bán được giá nữa kia.
Và bác tiếp:
-
Này nhé, năm ngoái hồi còn loạn, thủy
tinh vụn có khi lên tới hai mươi tám, ba mươi đồng đằng trắng ấy; bây giờ cũng
bán được tới mười tám đồng.
-
Mười tám đồng, bao nhiêu cân?
-
Một tạ. Mà thủy tinh màu thì mười ba mười
bốn đồng.
-
Ai mua nhỉ?
Bác Tớp trợn
tròn xoe hai mắt nhìn tôi:
-
Những lò thổi thủy tinh ấy mà.
-
Họ đến đây mua nhặt à?
-
Không. Chúng tôi bán cho người mua vét
chứ. Ối chà, ông lại đây mà xem thủy tinh, có hàng kho.
Bác kéo tôi đi, chẳng cần hiểu tôi
là hạng người gì. Bác tin cậy và thân mật với tôi như với một người bạn cố
giao.
Tôi vui vẻ theo bác. Những người chọn
rác ngồi thành một hàng dài, dọc theo bức tường nhà máy. Tôi tò mò nhìn từng
người, và dừng trước cô gái nhỏ đang ra sức nện những hột bàng đen kịt bùn cống.
Cô bới được một rổ đầy hột bang, rồi kỳ cạch đập lấy nhân. Một vốc tướng nhân bàng
cô khều được, để ngay ở cạnh; mồm thì tóp tép nhai.
Tôi cúi xuống hỏi cô bé:
-
Em khều cái này ra để bán à?
Cô nhỏ nhìn tôi
ngạc nhiên:
-
Không. Để ăn.
Bác Tớp dẫn giải:
-
Nhân hột bàng ăn bùi lắm.
Nhặt một nhân hình thon như cái thoi
bằng ngà nho nhỏ, bác nghiền mạnh trên hai ngón tay:
-
Ông xem, nhiều dầu lắm. Giá ép ra mà ăn
có lẽ ngon hơn dầu lạc.
Tôi cũng nhận thấy thế, và tự nhủ: Sự
cần dùng cho cuộc sống đã khiến loài người nghĩ ra nhiều cái bất ngờ. Ừ mà sao
người ta không ép cái thứ dầu hột bàng ấy mà bán thay dầu ô liu đang khan hiếm?
Có thể là nguồn cung cấp hột bàng quá nhỏ bé chăng?
Tiếp theo, bác Tớp dẫn tôi bước qua
cái cổng tuyềnh toàng sác sơ, làm bằng mấy mảnh tôn ống máng. Trong cổng là khu
nhà cũ kỹ lụp sụp, mái lá còng xuống gần sát đất. Mấy ngôi nhà - gọi là túp cho
đúng - lọm khọm quây quanh một cái sân đất nện nhẵn thín. Ở sân, những toán người
của bùn đất đang tíu tít chọn rác để phân ra từng loại.
Đứng giữa sân là một người đàn ông mặc
quần lĩnh thâm bóng nhoáng, áo dòng dọc kẻ to, đầu vuốt mỡ trơn, tay chắp đít,
coi vẻ một ông trùm. Người đó quay nhìn chúng tôi. Hai mắt hiếng, vành mi sứt mẻ,
ông hất hàm hỏi:
-
Cái gì đó bác Tớp?
Bác phu lục lộ lúng
túng với câu trả lời. Tôi liền đỡ:
-
Tôi muốn hỏi ông một chút việc.
Ông ta ngạc nhiên buông thõng hai
tay, giương mắt nhìn, ý muốn hỏi: Ông cần gì tôi mới được chứ?
Bác Tớp nhanh nhảu:
-
Ông ấy muốn xem hàng.
Ông áo dòng dọc
vụt niềm nở:
-
Ông muốn dùng thủy tinh vụn? Mời ông vào
nhà chơi!
Và ông quay gót đi vào phía trong.
Tôi bước theo, lòng phân vân vì sự hiểu lầm của ông. Nhưng biết làm cách nào
hơn là cứ nhắm mắt bước theo. Rồi sẽ có cách ứng phó thôi!
Ngồi trong căn nhà thấp lẹt tẹt, tôi
để ý thấy ngổn ngang những đồ đạc, và đều là đồ đạc “tạp pí lù” cả. Một bộ bàn
ăn kiểu mới nhưng tàng tàng; tủ cốc, tủ rượu, tủ chè; cả cái giường gọng đồng;
lại cả một cái đi-văng. Chung quanh tường vách còn chồng chất bao nhiêu là ghế,
và bàn nước, và kỷ, và cả bộ bàn thờ sơn son thiếp vàng bong rộp cũ kỹ.
Ngồi tại chỗ, tôi còn nhìn thật rõ cả
căn nhà sát nách. Một bên đầy ắp thủy tinh vụn; và bên cạnh, một đống đầy ụ những
giẻ lau tã rách. Căn nhà này còn lẹt tẹt lụp xụp hơn nữa. Cũng bởi vậy mà mặt đất,
không gian nơi đây sặc mùi khăn khẳn bao trùm. Và ruồi. Hằng hà sa số là ruồi.
Đã vậy, nhìn mấy chén nước đỏ màu máu đỉa, đặt trên bàn, khiến tôi càng khiếp sợ.
Nhưng tôi cố giấu cảm giác đó. Chủ nhân hân hoan kéo cái điếu ống trúc vào
lòng. Có thể ông hy vọng vớ được mối khách xộp ăn hàng là tôi. Còn bác Tớp thì vê
sẵn mồi thuốc, chờ tiếp lửa.
Tôi nghĩ cần phải “lấn đất” để mau cải
chính sự hiểu nhầm của chủ nhân, để sự tiếp đón đỡ vồn vã nữa. Nhất là, để tôi cũng
đỡ bối rối.
Đợi cho que diêm tàn trên nõ điếu,
và chủ nhân chiêu xong một tợp nước, tôi bắt chuyện với tất cả sự mềm dẻo lịch
sự:
-
Thưa ông, tôi đến quấy rầy ông một chút,
xin ông tha lỗi cho. Cũng xin ông vui lòng cho tôi được hầu chuyện. Thưa ông,
tôi muốn điều tra về nghề…
Tôi lúng túng chưa biết gọi là nghề
gì cho thích hợp với hoàn cảnh. Chủ nhân thì bỡ ngỡ với sự đột nhiên thay đổi ấy
trong giây lát. Bằng vẻ mặt nghiêm trang, với lời lẽ có vẻ khúm núm:
-
Bẩm thế ngài điều tra về vụ gì ạ?
Thôi chết rồi, sau khi nhầm tưởng
tôi là khách hàng, ông chủ nhà lại nhận nhầm tôi là nhân viên mật thám. Tiếng “điều
tra” đã đem lại sự hoài nghi giữa chủ nhân đối với tôi. Không thể trách ông. Bởi
vì cuộc sống đã xui ta cần hoài nghi; nhất là khi ta vướng phải một nhân viên
ty liêm-phóng, dù nó chỉ là tên chỉ điểm. Lại nữa, nước nhà chưa hẳn độc lập,
quyền dân chưa được tôn trọng, quá khứ nặng nề bởi sức đàn áp kinh khủng vẫn
còn để lại sự đau buốt trên hai vai lớp người thấp cổ bé họng; nên trong tâm
trí họ, nỗi lo mình có thể bị tóm cổ bất cứ lúc nào, luôn luôn ám ảnh ngày đêm.
Bị tóm cổ cũng có nghĩa là bị tra tấn, bị mất tiền, còn phải van lạy nữa...
Nghĩ thế, tôi tìm lời dẫn giải, nhằm
xóa đi sự hiểu nhầm trong ông:
-
Thưa ông, tôi không phải là mật thám.
Chủ nhân “à” một
tiếng, nét mặt vụt vui vẻ trở lại. Tôi tiếp lời:
-
Ông làm ơn cho biết những mánh khóe về
nghề… nghề buôn bán thủy tinh vụn và… và rác…
Nhìn kỹ vẻ mặt ông có phần ngớ ngẩn;
với hai mắt toét nhoèn giương to, đục lờ lờ. Có thể vì sự làm ăn vất vả quanh
năm đã tạo nên bộ mặt khó coi nơi ông. Ông thực sự có phải con người tốt? Hay…
Thấy ông ngần ngừ, tôi đành nói thêm, cốt để sớm tạo sự bình thường giữa hai
phía:
-
Chả giấu gì ông, tôi định theo nghề buôn
hàng cũ và đồng nát, nên muốn xem xét kỹ lưỡng một chút. Vốn tôi ít, và lại bỡ ngỡ,
nên còn rụt rè lắm. Được bác Tớp giới thiệu ông là người lão luyện ở đây, nên
tôi đến nhờ ông chỉ bảo giùm.
Chà, cái mặt ông chủ nhà lúc này đã “vác”
lên. Với giọng kẻ cả, ông nói:
-
Tôi tưởng gì!... Còn cái đó thì, nói
“khi phép” ông, với tôi chỉ là tay trái… tay trái! Có gì đâu!...
Ông im bặt, rung đùi. Còn bác Tớp đã
lủi đâu mất. Tôi tiếp tục khơi mào bằng cái sự tâng ông lên một tý. Ông đắc chí,
nói:
-
Nghề nào chả có những sự bí mật. Nhất là
nghề này, vơ vét bao tiêu từng cái rẻ rách, mảnh chai... thì phải biết làm sao
để có lãi. Nhưng lại phải biết giữ tín nhiệm với cả người bán lẫn người mua nữa.
Chỉ với những ai đặt gánh lên vai đi
rong phố để mua “vỏ chai bao chè đồng nát” kia, thì cái sự lừa lọc, gian ngoan
mới cần. Chứ đây, ở cái xóm này, biết nhau cả, thì việc giữ tín nhiệm với nhau
là cần thiết lắm. Tín nhiệm không ở lời nói mà phải tuân theo nguyên tắc: Kẻ
mua người bán cùng có ăn. Tức hai phía cùng được, cùng tồn tại, phải không? Cái
nghề buôn bán cũng như mọi nghề khác, không thể nghĩ phần thắng chỉ giành cho
riêng mình. Nhưng mà, nói thì dễ, còn làm khó lắm.
Tôi tỏ sự vụng về:
-
Phải chính thế. Nhưng còn cái thứ xương
khô thì hẳn là để làm khuy, làm lược, làm cán bàn chải phải không?
Chủ nhân vênh bộ
mặt, vẻ lão luyện:
-
Ừ, thế thì ông không biết rồi. Cái của ấy
chỉ người Tàu họ mua. Ông có biết họ làm gì không?
Ông hất hàm hỏi tôi. Tôi ngây mặt. Biết
họ làm gì với những mẩu xương chó gặm ấy. Chủ nhân yên lặng một giây và thành
thạo:
- Họ đốt làm than để lọc đường và
làm… làm gì nhỉ… làm cái chất hóa ve mà người ta gọi là “loa a man” ấy mà.
Tôi chợt nhớ, nói:
-
À, làm noir animal - than sinh vật ấy mà.
Chủ nhân gật lấy
gật để:
-
Phải rồi, phải rồi, làm cái ấy đấy, cái
gì “loa o man” ấy. Khi xưa còn tàu đi các nơi, họ tải ra ngoại quốc từng tàu đầy
chặt. Đủ thứ. Cả lông gà lông vịt nữa, chả có sót cái gì đâu. Mà kể họ cũng thần
tình. Lông vịt mà họ “diệt” - ý ông muốn nói: dệt - dệt thành gấm vóc, kể cũng
thánh.
Và ông kết luận một cách tán thưởng:
-
Thế mới biết ở đời không có cái gì vất
đi cả. Những cái vất đi, thường lại là những cái quý giá. Ông trời sinh ra lắm
cái lạ thật!
Với tôi, lạ nhất ở những cái vứt đi ấy,
lại là nguồn sống vô tận cho cả một lớp người lem luốc, khốn cùng. Từ lâu nay,
cái xóm nhỏ với số dân cư đông đúc và nghèo khó này, họ đã sống một cách hoàn bị,
ngoài sức tưởng tượng của tôi. Tôi tưởng rằng, khi bước chân vào đây sẽ gặp phải
những cảnh sống cơ cực đau thương đến não lòng, với những cuộc đời vô cùng thảm
hại không phải dành cho con người. Nhưng sự thật đã cho tôi nhìn thấy một cuộc
sống khác hoàn toàn. Tuy chẳng sán lạn giàu sang gì, nhưng không hề có tiếng thở
dài than vãn, và một không khí lao động sôi nổi miệt mài thật đáng quý.
Tôi chỏ những người ngồi chọn rác
phía ngoài sân, hỏi chủ nhân:
-
Họ là người nhà ông?
-
Không, không… - chủ nhà vội cướp lời - Họ
là người trong xóm cả. Bới được bao
nhiêu, họ đem lại đây chọn để bán tất cho tôi. Ấy chỉ có họ là lợi nhất.
Chẳng cần một xu nhỏ vốn. Bán được tiền, “sực” luôn, lại chẳng bao giờ thất
nghiệp hết. Rác còn, việc làm còn. Hằng ngày mỗi người bỏ nhỏ cũng kiếm được
hai ba đồng, ông ạ. Ba đồng đủ “chén” rồi. Cần gì đời!
Sau một mồi thuốc
lào, ông lại ung dung từ tốn nói:
-
Mà có khó nhọc mấy đâu. Đứng ngoài nhìn
vào thì tưởng những người sống nghề bới rác này không thể sống được, phải không
ông?
Tôi liếc nhanh ra sân để nhận chân
thêm về đám người kiếm tìm miếng ăn trong bùn rác. Họ vất vả khó nhọc đến đâu?
Bảo không khó nhọc là không đúng. Bởi vì, những người kiếm ăn bằng nghề này đều
ở cảnh ngộ nghèo khó, không có khả năng tìm những việc nhàn nhã để nuôi sống bản
thân và gia đình họ. Chọn nghề này, với họ đều bất đắc dĩ cả thôi.
Ông chủ kể tiếp:
-
Ấy nhưng… làm cái nghề dớ dẩn này thế mà
hay. Hàng trăm gia đình ở cái xóm này, bản xứ cũng như ngụ cư, khối người có của
để dành cơ đấy, ông ạ…
Bất giác tôi hỏi:
-
Cả ngụ cư à?
-
Vâng, ngụ cư. Họ chiếm khoảng một phần
ba. Đều là dân cùng đinh. Do số phận; và trộm cắp, bài bạc, đủ cả. Nhưng đến
đây đều phải thuần. Không thuần, dân chúng tôi cho bật bãi ngay. Chịu lam làm
thì được sự đùm bọc cảm thông, ông ạ. Cảnh nghèo bọn tôi dễ hiểu nhau lắm. Ăn
nói có khi cục cằn, nhưng quên ngay ấy mà.
Tôi ngạc nhiên biết bao trước những
điều ông kể. Và tôi thầm thấy ngường ngượng với ý nghĩ thương hại, cả coi thường,
đám người lam lũ bẩn thỉu, mà trước đây mình thường gán cho họ. Cho hay, những
kẻ tự phụ nghĩ mình hiểu thấu mọi ngóc ngách cuộc đời thì… hóa ra chỉ là kẻ
ngu! Kẻ ấy mới thật đáng thương hại, đáng nguyền rủa.
Tôi thầm sượng sung, nhưng cố lái
câu chuyện trở lại việc bán - mua:
- Thế ông mua của họ ra làm sao?
-
Ấy mua mớ chứ, vả lại có giá cả đấy. Này
nhé, như thủy tinh thì đằng màu một giá tiền - đằng màu, giá bét đấy. Còn đằng
hung hung một giá, đằng trắng tinh một giá. Mà, liệu mớ giả tiền không có nghĩa
là bắt chẹt người bán đâu. Họ chẳng lơ ngơ đâu. Mớ của họ là bao nhiêu cân, họ
đều biết cả. Họ học nhau mà. Còn giá cả thì… người mua không dễ bắt chẹt họ.
Bán cho tôi, có lợi thì họ chơi; thiệt họ đem đi nơi khác. Vậy là chơi với tôi,
họ thắng tôi cũng thắng… Cả hai bên đều thắng. Làm ăn với nhau mà bên nào cũng
thắng, thế mới bền vững. Bên thắng bên bại thì… có là anh em ruột thịt cũng
tan.
Tôi gật đầu tỏ sự đồng tình. Lại hỏi:
-
Ông chỉ mua có thủy tinh?
-
Không! Rẻ rách, xương khô, giấy vụn, đủ…
cái gì mà chả mua. Cái gì có người mua thì mình cũng mua.
-
Người ta mua thủy tinh vụn để nấu lại đã
đành; còn giẻ rách, giấy vụn, họ mua làm gì?
Chủ nhân giương
cặp mắt đục, tỏ vẻ ngạc nhiên:
-
Ơ hay, ông không biết à? Giẻ rách người
ta mua để lau máy. Khi trước có nhà máy giấy, họ mua để làm giấy. Còn giấy vụn,
họ mua về nấu làm giấy mới.
Nghe những người chọn rác gọi vào ơi
ới, chủ nhân đứng dậy. Tôi theo chân ông, cùng ra sân. Người trong xóm đã cùng
một lúc đổ xô lại đây rất đông. Họ lố nhố đứng chật cả sân; với những thúng mủng,
rổ rá đựng đầy mảnh kính, giấy vụn, giẻ rách... Họ đem hàng đến đây để bán cho
ông. Trong đám người này, tôi thấy cả thằng bé cầm cờ hát Tiến quân ca “… Cùng chung sức kiến thiết xây đời mới…”. Nghe người ta nói, bố mẹ nó chết đói ở đâu đó
rồi. Nó trôi dạt đến đây một mình, sống bằng cái nghề bới rác. Trên đời này,
không biết có bao đứa trẻ khốn khổ như nó? Song tôi tin: Rồi nó sẽ nên người!
Nó với lớp người trẻ cùng thế hệ sẽ xây dựng thành công cuộc sống mới no đủ, tốt
đẹp hơn; sẽ quét sạch mọi xích xiềng…
Lúc này, bác Tớp đã rửa ráy sạch sẽ,
còn khoác thêm cái áo bành tô vàng. Nom tươm lắm. Bác tới nắm tay tôi kéo đi.
Tôi ngỏ lời cảm tạ và gật đầu chào chủ nhân. Chủ nhân bận tíu tít, nên chỉ kịp
mỉm cười chào, cùng lúc giơ tay cho tôi bắt.
Ra
khỏi cổng, bác Tớp trịnh trọng mời:
-
Ông lại nhà cháu xơi chén nước.
Chẳng cần biết là tôi có bằng lòng
không, bác kéo tôi tới một căn nhà hai gian nhỏ tùm hụp. Tôi hân hoan trước sự
niềm nở của người bạn mới.
Nhà bác Tớp sạch sẽ đáo để. Cũng
hàng đống thủy tinh, rẻ rách, mảnh tôn… nhưng tất cả đều ngăn nắp gọn gàng.
Bác chỉ cái phản mời tôi:
-
Ông ngồi chơi. Tôi đoán hẳn không sai,
ông viết báo phải không? Tôi đoán ngay lúc gặp ông ở ngoài bãi rác đấy. Quí hóa
quá, tôi thích xem báo lắm. Từ năm ngoái, học được chữ quốc ngữ của Hội Truyền
bá, tôi như sống lại ông ạ. Bây giờ thì tôi thạo lắm, đọc thông được văn tự rồi.
À mà, nom ông cũng nhanh nhảu và hiền lành như các thầy giáo Truyền bá ấy. Nom
thấy ông, tôi mến ngay. Các ông giỏi lắm, phải không ạ?
Tôi ngồi yên lặng để nghe bác Tớp trầm
trồ khen. Khi mà con người có tấm lòng trung thực, chất phác thì ngôn ngữ cũng
thể hiện đúng họ, và thật dễ tin dễ yêu. Tôi hiểu, bác đã cố tìm những lời
thanh lịch, khác với thứ ngôn ngữ hàng ngày mà bác quen dùng, nên câu chuyện có
sự dè dặt và đứt quãng. Vì cố tìm kiếm thứ ngôn ngữ khác lạ, nên đôi chỗ bác
nói có chút ngô nghê. Nhưng tôi vẫn nhận rõ sự thành thực ở bác.
Bác rót cốc chè tươi nóng mời tôi,
và thông cái điếu cày đang cầm trong tay. Tôi thân mật hỏi:
- Bác vừa làm phu lục lộ, vừa buôn
các thứ kia? - Tôi trỏ những đống phế thải ở từng góc nhà.
Bác Tớp lắc đầu:
-
Đây là nhà em bới được, gom vào để rồi bán
cho người buôn. Ở xóm này, người buôn phế thải không phải chỉ riêng nhà ông Hai
- nơi ông vừa đến đâu. Nhưng em và phần đông bà con xóm này thích bán cho ông ấy.
Làm ăn như ông ấy, phát tài ra phết. Ông không biết chứ, buôn thất nghiệp lãi
quan viên đấy. Người bới chỉ đủ ăn; chứ các “cụ” ấy thì làm giầu, mà giầu tiền hàng
vạn cơ.
-
Hàng vạn cơ à? - Tôi ngạc nhiên hỏi.
-
Chứ gì! Ông tính mỗi một gian nhà thủy tinh
vụn của bên ấy bao nhiêu không, hàng tấn đấy. Còn các thứ khác chứ! Phải có nhiều
tiền thì mới bao tiêu được, ông ạ!
-
Ừ nhỉ, kể cũng phải lắm tiền. Nhưng chắc
bên ông ấy dựa được vốn của cha mẹ?
-
Không phải đâu. Ăn nhau cái vận cả ông ạ.
Ngày trước ông ấy cũng đi bới như những người ông đã nom thấy ngoài bãi. Thế mà
phúc tổ, một hôm bới bới moi moi được nay một phong bì nhỏ, trong đựng cái xuyến
vàng ông ạ. Thế là phất từ đấy. Bây giờ thì “sụ” lắm rồi. Dự định sẽ xây nhà
đàng hoàng to đẹp vào năm tới đấy. Ấy số giời cho được của mà. Ông tính xem có
phải không nhé, cái phong bì qua mặt bao nhiêu người nhé: Anh nhỏ quét nhà này,
mấy anh phu lục lộ thu gom rác này, lại cả một lô người bới bãi rác này. Thế mà
rút cục cái phong bì nhỏ bé ấy rơi ngay vào tay người ta… Không bảo giời cho
thì còn là gì?
Mắt bác Tớp long lanh, rít mồi thuốc
xong, uống luôn một hơi nước chè nóng. Tôi đùa:
-
Chắc bác cũng đã có lần nhặt được cái
phong bì như thế?
Bác trợn tròn
hai mắt:
-
Của đâu sẵn thế. Mình đâu có phúc. Mả đất
chưa phát ông ạ. Nhưng vợ chồng chúng em không hề dám phụ thổ công và tổ tiên
ông bà mình. Thổ công cho mình ở. Còn tổ tiên ông bà cha mẹ là những đấng sinh
thành dòng giống nhà mình. Không có tổ tiên, cha mẹ, thì sao có mình được. Cái
ơn sinh thành to lắm ông ạ. Kẻ không biết đến nguồn gốc là bất hiếu, không đáng
làm người. Phải không ông?
Tôi gật gật đầu, tỏ rõ lắng nghe.
Nhưng tôi vẫn để ý đến cái ban thờ của nhà bác. Bởi nhà chật chội, nên ban thờ
được treo cao sát vách hậu ngôi nhà. Hai bát hương chật cứng chân hương, chứng
tỏ gia chủ không lơ là việc thờ cúng.
Biết tôi để tâm đến ban thờ nhà
mình, bác Tớp nói như thanh minh:
-
Xin ông cảm thông cho cảnh nghèo nhà
chúng em. Muốn có bàn thờ khang trang hơn không thể được. Mà cả cái xóm nghèo
này, trừ vài nhà, còn lại đều thờ cúng úi xùi tựa nhà em. Thôi thì… lạy các cụ
xá cho! Cũng xin ông đừng cười dân chúng em mê tín.
Tôi lắc đầu:
-
Không không… Thờ cúng tổ tiên không phải
là mê tín. Đó là phong tục tốt cần phải duy trì gìn giữ. Đó là cái đạo “uống nước
nhớ nguồn”.
Bác Tớp tỏ vẻ ngạc nhiên:
-
Được ông giảng giải, em thấy sáng thêm
cái đầu. Vậy là em yên tâm về sự thờ cúng trước nay, cả sau này nữa.
Tôi lại nói:
-
Thờ cúng không thể bãi bỏ. Và càng phải
lao động chuyên cần, để cuộc sống mỗi ngày khấm khá hơn.
Bác Tớp gật đầu lia lịa:
-
Kể như nhà chúng em đây, hay tất cả dân xóm
này, tuy nghèo song không ai đến nỗi đứt bữa. Mèng ra cũng đủ ngày hai bữa, bữa
hai bát cơm, ông ạ. Vì là, không một ai là không kiếm ra tiền. Trong mỗi nhà, thằng
con nhỏ cũng làm được dăm hào một ngày.
Ngắt lời bác,
tôi hỏi chen:
-
Cả thời kỳ đói kém nhất vẫn ổn chứ?
-
Ấy, thời kỳ ấy thì mọi thứ ở đây đều khan
hiếm. Nhưng mà bán phế liệu lại được giá cao. Cao thì cao, song chẳng mấy nhà có
tiền để dành đâu. Bán được cao nhưng phải cái ăn uống đắt đỏ. Nhưng ông ạ, ăn đắt
còn có mà ăn là phúc lắm. Bởi thế, lúc thiên hạ chết ngổn ngang ra, thì ở xòm
nghèo này không ai chết đói. Thế có lạ không ông?
Bác Tớp gật gù cái đầu, ra vẻ mãn
nguyện. Tôi thấy lòng mình cũng êm ả với ý nghĩ: Số kiếp lớp người vật lộn đêm
ngày trên đống rác tuy khổ cùng tận song không thể cụt đường sống và niềm hy vọng.
Tâm hồn họ tuy mộc mạc đơn sơ, nhưng có lẽ trong sáng hơn hẳn những kẻ lắm tiền
nhiều bạc xưa nay!
Tôi
nâng cốc nước chè tươi đưa lên miệng. Hơi nước thơm phảng phất thật dễ chịu. Nước
chè tươi - thứ nước uống thuần khiết và thanh đạm biết bao; hệt như cái cách
suy nghĩ giản đơn, thuần phác của lớp người nghèo khổ vậy!
(Sang thu năm Dậu)
(*)
Phóng sự mang bút danh Thiên Tinh.
Đăng báo Sinh Lực; (*) Sách “Lộng Chương - Để đến… Nơi đến”, Nxb Sân khấu, 2013.
(*) Ra
trọn trong 6 số năm 1945.
Số1, ngày 7 tháng 10; Số 2, ngày 14 tháng 10; Số
3, ngày 21 tháng 10; Số 4, ngày 26 tháng 10; Số 5, ngày 4 tháng 11; Số 6, ngày
21 tháng 11.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét