Truyện ngắn Giang Trung Học
Đã trở thành lệ, cứ đúng
ngày 27/7 là bà lão lại dọn dẹp bàn thờ thật sạch sẽ, rồi bày hoa
trái, thắp đèn nhang tưởng niệm chồng con. Lệ này khởi ra vào cái
năm chồng bà được công nhận liệt sĩ, khi hai miền Bắc Nam thống nhất
đã gần mười năm.
Đối
với bà, để được nhận tấm bằng Tổ quốc ghi công cho chồng sao mà vất
vả quá chừng. Phải bao nhiêu lần viết đơn đề nghị chính quyền. Và
ngược xuôi tìm người xác nhận chứng minh quá trình hoạt động cách
mạng của ông. Biết rằng ông ấy không còn sống, thì chẳng có thiết
thứ gì ở cõi trần này; thế nhưng bà cần làm rõ trắng đen phải
trái. Nếu không, oan ức sẽ tiếp tục dội xuống đầu bà cho đến lúc
chết. Chết cũng chưa sạch nỗi oan.
Thà cứ
rõ rành như thằng con trai bà, nó là lính ngụy nên mẹ phải đeo tai
tiếng. Sao người đời chẳng có phân biệt rạch ròi, để nó chịu oan. Bà
cũng chịu oan. Nó bị cưỡng ép đi lính, chứ đâu thuộc đám ác ôn. Mà nào nó
đã bắn giết ai đâu. Làm lính trong vòng có nửa năm trời, lần đầu bị
lùa ra trận, chết luôn trên đường hành quân.
Còn
với chồng bà, cả một đời đi theo cách mạng cơ mà. Ông là bộ đội cụ
Hồ, tập kết ra Bắc. Rồi trở lại quê hương chiến đấu trong những năm gian
khổ nhất. Trải bao nhiêu cuộc cọ sát ác liệt giữa hai bên, tiểu đoàn
ông không một lần thất bại. Nhưng rồi, qua chiến dịch chống càn quét dài
ngày, số quân sống sót của đơn vị ông còn lại quá ít, phải xé ra bổ
sung cho mấy nơi. Thành thử sau này, không ai nhớ hết mọi trường hợp hy
sinh của đồng đội. Nhưng tất cả đều khẳng định chồng bà hy sinh, chứ
không rơi vào trường hợp nào khác. Bởi trước sau, cả tiểu đoàn ông không
có người bị địch bắt, cũng không ai hồi chính cả. Trước những nhân
chứng bảo lãnh, buộc người ta phải ra quyết dịnh công nhận đồng chí
Đỗ Xuân Cầu - chồng bà - là liệt sĩ. Biết rằng cái danh hiệu ấy
chẳng cần, nếu bà không mang tiếng là gia đình ngụy quân ngụy quyền.
Lại bởi, không làm rõ trường hợp của chồng thì tai tiếng đối với
gia đình bà càng nặng nề hơn. Người đời đồn ông hẳn "có vấn đề"
mới không được báo tử, không được ban tặng danh hiệu Tổ quốc ghi công.
Nên bà phải cất công lặn lội ra Bắc về Nam để tìm chứng cứ minh oan
cho ông. Cũng là để lòng bà vơi được nỗi đau.
Chồng
bà mất vào ngày tháng nào không ai hay. Chỉ xác định ông hy sinh vào
cái năm đen tối nhất của chiến trưởng B3. "Thôi thì, - lời người
đại diện của Sở Thương binh và Xã hội - xin bà cảm thông cho hoàn
cảnh oái oăm trong chiến tranh nó là như thế. Nó không chỉ xảy ra với
riêng gia đình bà. Mà là rất nhiều. Nhiều lắm. Cho nên chúng
tôi quyết định lấy ngày 27/7 là ngày giỗ chung cho những quân nhân hy sinh
không rõ thời gian. Ông nhà mình cũng thuộc trường hợp như vậy. Đấy là ngày
kỷ niệm Thương binh Liệt sĩ của cả nước ta. Nó có ý nghĩa thật
trọng đại trong lịch sử giành giữ Độc lập Tự do Hạnh phúc cho nhân
dân... Bà có ý kiến gì khác không?". Bà không tỏ sự phản đối,
cho dù trong lòng chẳng một chút đồng thuận nào. Thấy bà khẽ lắc
đầu, người đại diện Sở Thương binh - Xã hội cho rằng như thế là ổn
thoả. Anh ta bảo bà yên tâm ra về, nhất định dịp 27/7 sắp tới gia
đình sẽ được nhận bằng Tổ quốc ghi công. Sẽ có đại diện của chính
quyền rước danh hiệu về tận nhà, trao với nghi thức tôn nghiêm long
trọng. Lời hứa khiến bà khấp khởi đợi chờ. Chỉ mong cái ngày ấy
tới cho mau.
Thế
rồi, vào lúc tối khuya ngày 26/7, bà đã đi nằm từ lâu mới nghe tiếng
kêu cổng. Được cô văn thư Uỷ ban Nhân dân xã - là người cùng xóm - báo
rằng, giữa sáng ngày mai có đoàn cán bộ đến phát bằng Tổ quốc ghi
công. Bà cẩn thận hỏi: "Có phải chuẩn bị gì hông, cô?".
"Hông phải làm gì. Các ổng chỉ trao bằng rồi đốt nhang vái là
kết thúc ấy mà!". Vậy sớm mai mình cần sắp đặt lại bàn thờ.
Nhang nến đã có sẵn. Hoa trái thì đầy vườn. Bà thầm thì: Ông Cầu ơi!
Ông có biết không? Từ ngày mai ông hết mang tai mang tiếng rồi. Cái
chết của ông sẽ được công nhận là liệt sĩ. Sẽ được phát bằng Tổ
quốc ghi công. Xin ông hãy về nhà để mà nhận vinh dự này. Vinh dự
phải đổi bằng cả mạng sống của ông. Tôi thì chỉ mất tý công dò hỏi
tin tức ông thôi. Được thế cũng là mãn nguyện đối với tôi. À mà...
tôi muốn nói thêm điều này: Từ nay, tôi thôi cúng giỗ ông vào cái
ngày nhập ngũ. Ngày giỗ mới của ông, Chính phủ quy định là ngày
27/7 dương lịch. Ông nhớ chưa nào? Đó còn là ngày lễ trọng đại của
cả nước dành cho thương binh liệt sĩ đấy. Thế là từ nay ông được hưởng phần
mát mặt, ông nhỉ. Chỉ còn thằng con của vợ chồng mình, tôi chưa biết
gỡ tai tiếng cho nó thế nào. Mà nó đâu có làm nên tội lỗi. Gây
tội lỗi là những bọn cầm quyền ở bên trên kia. Chúng đã bắt nó
cùng ngàn vạn thanh niên trai tráng, đem ném vào trận mạc mà không
chút mảy may thương xót. Nó là đứa con ngoan lắm ông ạ. Học hành chịu
khó, giỏi giang. Nếu không bị bắt lính, hẳn nó sẽ nên người hữu
ích. Ngày mai, ông nên bảo nó về nhà vui cùng cha mẹ. Tất là tôi
cũng sẽ kêu nó về.
Sớm hôm
sau. Lau dọn bàn thờ xong, bà lão đốt đèn nhang, khấn gọi chồng con. Rồi,
ba vị cán bộ có mặt đúng thời gian báo trước. Vừa đặt chân vào nhà,
ông Trưởng thôn giới thiệu hai bên chủ - khách, và tiếp việc luôn.
"Bởi là - lời ông Trưởng thôn - các đồng chí cán bộ cấp trên
còn mắc công chuyện nhiều nơi. Nên xin bỏ qua thủ tục mời nước
ạ!". Trước bàn thờ, bà Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã đứng cùng
bên với gia chủ. Phía đối diện là ông Trưởng phòng Thương binh - Xã
hội huyện với ông Trưởng thôn. Sau tiếng "è" dọn giọng, ông
Trưởng phòng huyện nói: "Kính thưa gia chủ, hôm nay nhân Ngày kỷ niệm
Thương binh Liệt sĩ, chúng tôi được thừa uỷ nhiệm của cấp trên đến
trao bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sĩ Đỗ Xuân Cầu. Tấm bằng thể
hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước ta đối với những ai đã
hy sinh vì Tổ quốc. Tổ quốc sẽ mãi mãi ghi công và biết ơn... Việc
trao bằng cho liệt sĩ Đỗ Xuân Cầu có phần muộn mằn là do hoàn cảnh
chiến tranh gây nên. Mong được sự cảm thông chân thực...". Lời vừa
dứt, ông Trưởng thôn kịp thời chuyển qua Trưởng phòng huyện tấm bằng
ghi công, được lồng cẩn thận trong khung kính. Ông Trưởng phòng huyện
liền trao cho phía gia chủ. Bà lão ôm tấm bằng với nỗi niềm xúc
động trào dâng, làm rung rung những nếp nhăn nheo trên khuôn mặt gầy.
Miệng bà méo xệch đi như muốn khóc, lát sau mới thốt ra được hai
tiếng "Cảm ơn". Đến lượt bà Phó Chủ tịch xã đỡ tấm bằng
đặt lên bàn thờ. Nhận ba nén nhang đã được đốt sẵn, ông Trưởng phòng
huyện mới phát hiện có hai tấm hình cùng ngự trên cao. Ông tỏ ra phân
vân ngập ngừng. Ông Trưởng thôn hiểu ý, liền thưa: "Đấy là hai cha
con liệt sĩ ạ!". Ông Trưởng phòng huyện hỏi: "Cả anh con
cũng là liệt sĩ?". "Dạ. Nhưng là người phía bên kia".
"Thế thì...". Bà Phó Chủ tịch xã nhanh tay kéo bà lão ra
ngoài nhà để trao đổi riêng. Bà nhắc lại rằng, đây là việc làm của
Đảng và Nhà nước ta dành cho liệt sĩ phía bên mình. Nên, để mọi việc
diễn ra đúng với ý nghĩa của nó thì phải tạm thời hạ hình anh con
trai khỏi bàn thờ. Chỉ có cách ấy là đơn giản, êm xuôi thôi. Bà lão
thấy nhói trong tim, nhưng đành gật đầu bằng lòng. Rồi đích thân bà
nhờ ông Trưởng thôn hạ hình người con trai trao cho mình. Lúc cất hình
con vào buồng, bà không sao nén nổi tiếng khóc, nhưng cố gạt nỗi đau
để làm cho xong mọi thủ tục lúc này. Cắm nhang lên bàn thờ rồi, ông
Trưởng phòng huyện vái ba vái, và nói lời thành kính biết ơn liệt
sĩ Đỗ Xuân Cầu. Ông cũng thay mặt Đảng, chính quyền địa phương cùng
toàn dân, hứa sẽ hết lòng giúp đỡ thân nhân liệt sĩ cả về vật chất
lẫn tinh thần.
Tiễn
khách rồi, bà lão ôm vội hình con, nằm vật xuống giường. Tiếng khóc
lại bật lên. Thút thít. Sụt sùi. Đã từ lâu lắm, nay bà mới bị nỗi
buồn xâm chiếm đến mức này. Bà không nghĩ cơ sự lại xảy ra như thế.
Xảy ra đúng vào cái lúc bà đang rất vui. Bởi đã làm được một việc
to lớn cho chồng, và cho cả mình. Nếu như biết rõ ý đồ của trên
phải như thế, bà đã sắp đặt nơi thờ cúng tạm thời khác đi. Khác
ngay lúc sớm nay, trước khi khách bước tới nhà. Tất là bà cần nói
để cha con ổng hiểu rõ cái lý do vì sao phải vậy. Còn việc xê dịch
chỗ thờ cúng như vừa rồi, chẳng khác cuộc tập kích bất ngờ, lại không
một lời kêu khấn, thì êm xuôi sao được. Làm thế khác gì chia rẽ cha
con ổng. Khác gì xua đuổi con bà ra khỏi nhà. Không! Con ơi, con không
phải đi đâu. Nhà này vẫn là của con. Con hãy ra gặp cha đi. Bà giục
con, như bảo chính mình dẫn nó tới ông. Thế là bà bật ngay dậy, ôm
hình con đặt đúng nơi thờ cũ. Hai tấm hình sao giống nhau đến thế.
Đều chụp ở tuổi hai mươi. Tóc cùng húi cua. Mắt to. Miệng lúc nào
cũng như cười. May mà ổng còn để lại được kỷ niệm này trước ngày tập
kết ra Bắc. Xê dịch cho hai tấm hình ngay ngắn như ý rồi, bà lại
thắp nhang vái gọi. Bao nhiêu nỗi niềm vui buồn nối nhau tuôn ra. Thì
thầm. Lúc mau lúc thưa. Lẫn cả tiếng nấc tắc nghẹn. Đứng lâu chừng đã
mỏi, bà kéo cái ghế tựa để ngồi kể tiếp. Những mong cha con ổng
hiểu rõ hơn lòng bà, cùng với sự thể dở hay trên cõi trần này. Kể
rồi hỏi. Bà hỏi nơi ông ăn ở có gì khác không. Sao lâu nay ông chẳng
báo mộng cho bà. Từ sau cái lần ông nói cuộc sống bơ vơ, không cửa
nhà, bà đã làm lễ hoá mã cho ông đủ thứ: Nhà tây ba lầu. Giường
nệm. Tủ đứng tủ ngồi. Bàn ghế sa lông. Quần áo, giày dép. Xe gắn
máy. Cả vàng. Và đôla nữa... Vàng đấy,
tiền đấy, ông ưng mảnh đất nào thì tự mua. Đừng lo thiếu. Thỉnh
thoảng tôi lại gửi thêm tiền thêm đồ cho ông. Và cho cả con
trai chúng ta.
Tuy đã làm hết trách nhiệm
của người sống, vậy mà mỗi lần nghĩ đến ông, bà không sao yên lòng.
Bởi bà vẫn ước ao tìm kiếm được phần xác ông, cho dù điều đó không
thể xảy ra. Thôi thì... ông ơi, tôi cầu mong ông sống khôn chết thiêng, hãy
luôn báo mộng cho tôi. Để tôi hiểu rõ cuộc sống cõi âm của ông. Để
đến cái ngày tận số, tôi còn biết đường tìm đến với ông.
Ông ơi, tôi còn muốn hỏi ông
nhiều điều lắm. Hai cha con có gặp nhau không? Tôi luôn gặp con đấy. Nhưng
nó ít chịu kể chuyện. Chỉ hay cười cười. Mỗi lần thăm mẹ, chỉ chớp
nhoáng đảo nhoàng rồi đi luôn. Nhiều lần gặp bữa cũng không chịu ăn.
Hỏi cần gì, mẹ cho. Nó bảo thanh niên sức dài vai rộng không thiếu
thứ gì. Mẹ đừng coi nó như con nít. Nếu đúng như thế thì tôi mừng.
Thế ông đã đến nơi ở mới của con chưa? Từ nhà mình tới chỗ nó xa
những mấy trăm cây số. Mãi tận cái xó khuất nẻo thuộc chân dãy
Trường Sơn ấy. Tôi chỉ đến đó được một lần. Vào cái dịp người ta di
dời nghĩa địa chúng nó đi. Sau tôi không thăm được nữa, là vì tuổi
già sức yếu nó ập đến. Phương tiện đi lại thì quá khó khăn. Tôi
phải để con đến nằm tại vùng khỉ ho cò gáy ấy, chỉ vì mình không
có chốn đưa con về. Mình là dân ngụ cư, muốn có đất làm phần mộ thì
phải mua. Tôi biết lấy đâu ra tiền. Vả lại, cũng không ai thực tâm
muốn bán chỗ cho con mình. Bởi họ ngại nó là lính ngụy. Thêm khó
khăn nữa là, khi ấy ông hay dở đúng sai thế nào không ai hay. Mọi
người còn dị nghị về ông ghê lắm. Cho nên con mình bớt khổ làm sao
được.
Con ơi! Con có gì không bằng
lòng mẹ thì bỏ qua đi. Cả đời mẹ không muốn làm điều trái ý hai cha
con đâu. Chỉ hận nỗi mình nghèo. Vì nghèo, mẹ không theo nổi nhiều
bậc cha mẹ đồng đội con. Nhìn họ đón hài cốt người thân về quê hương
bản quán, về nơi sang trọng, làm mẹ rớt nước mắt ròng ròng. Con ơi!
Con có khoẻ không? Nói cho mẹ biết đi. Đừng giấu mẹ điều gì. Ở nơi rừng
rú âm u ấy, con càng phải biết gìn giữ tấm thân. Và nhớ thăm nom chăm
sóc cha, con nhé. Để cha con bớt buồn phiền. Mẹ cũng bớt buồn phiền.
Nay mẹ già yếu thật đấy, song đầu óc vẫn còn tỉnh táo. Chẳng có
ngày nào đêm nào mẹ không nghĩ đến hai cha con. Thương lắm!
* * *
Ngày 27/7 năm nay, bà lão
làm lễ cúng chồng con thật sớm. Từ lúc đằng đông mới chỉ rạng lên
mảng hồng hồng. Ngoài đèn nhang hoa trái, bà còn đặt cả túi quà lên
bàn thờ. Quà gồm một ki lô gam đường kính và cái phong bì mười
nghìn đồng. Trong lời khấn bà nói rõ rằng, đường và tiền là của
Uỷ ban nhân dân xã gửi tặng tối qua, nhân ngày Thương binh Liệt sĩ.
Vậy bà trình ông. Để ông biết đấy là sự đền ơn đáp nghĩa của những
người đang sống dành cho ông. Mời cha con cùng thụ hưởng. Tôi cũng
được hưởng theo. Mà xét cho cùng, chỉ mình tôi thực hưởng túi quà ấy thôi...
Không thể đứng lâu hơn trước ban thờ, bà đành lui sang ngồi cạnh bàn nước
ở gian bên. Cái túi quà đền ơn đáp nghĩa vẫn vấn vương trong đầu bà.
Túi quà không lớn, nhưng nghĩa tình thì đo sao nổi. Túi quà như nói
với bà rằng, nỗi oan không còn đổ xuống gia đình nhà ta. Túi quà
còn để nhắc thiên hạ rằng, chồng bà là liệt sĩ được cấp bằng Tổ
quốc ghi công đấy nhé! Nghĩ thế, tự dưng bà thấy khoẻ khoắn hẳn lên,
như vừa được uống một liều thuốc tiên.
Tuy nhiên, cái túi quà cũng
gợi lên nỗi rầu lòng trong bà. Mỗi lần nhận nó, bà không thể không nghĩ
ngợi về anh con trai. Một thời con bà cũng được phía bên kia kê trong
danh sách các liệt sĩ đã quên mình vì nền Cộng hoà. Bởi thế người
ta mới rước hài cốt nó về cái nghĩa địa chiến binh bên bìa thành
phố. Nghĩa địa trang trọng, sạch đẹp như nơi nghỉ mát vậy. Một bên là
phố xá. Một bên là biển. Và cả con đường cái quan chạy séo trước cổng
ra vào. Hàng nghìn ngôi mộ nằm giữa những hàng phi lao rì rào gió
biển quanh năm, với khách viếng thăm sớm chiều tấp nập. Ngày con trai
còn nằm tại đấy, tháng nào bà chẳng xuất hiện một lần. Từ nhà
tới chỗ con, bà đi đường tắt rất gần. Lần nào thắp nhang cho nó, bà
cũng kêu ông tới. Để hai cha con gặp nhau. Hẳn là ổng phải mừng khi
thấy chỗ ở của con đông vui, mát mẻ. Còn ông ăn ở nơi nào, tôi đâu có
hay. Đồng đội ông đang sống, cũng không ai biết cụ thể. Chỉ nói ông hy
sinh tại một vùng núi rừng trùng điệp thẳm sâu. Vì không thấy xác, nên
tới nay họ chẳng thể rước ông về nghĩa địa Tổ quốc ghi công. Vùng
nào, tỉnh nào chẳng có nghĩa địa của đồng đội ông. Nghe nói Nghĩa địa
liệt sĩ Trường Sơn có hàng chục vạn ngôi mộ, được gìn giữ chu đáo
lắm. Số kiếp những ai nằm trong đó hẳn là bền vững đời đời! Ông ơi,
ông có tiêu chuẩn ở nơi sang trọng, được người đời ngưỡng mộ ghi ơn,
sao không về đấy mà nằm? Sao ông im hơi lặng tiếng cam chịu mãi ở nơi
nào, hả ông? Hay ông chuyển về ở với con đi. Ông đừng có băn khoăn cái
việc phải đi ở nhờ. Trẻ cậy cha, già cậy con - ấy là cái nhẽ xưa
nay. Dương sao âm vậy, ông ạ. Chắc là không ai chê cười ông đâu. Có điều
gì vướng mắc với xóm giềng, thì con nó đứng ra dàn xếp bảo lãnh cho
ông. Ở đấy đều là đồng đội nó. Chúng nó bảo nhau khó gì. Ông đừng có
ngại. Hơn nữa, khi sống ông là người của phía chiến thắng cơ mà. Nên
người ta cũng dễ nể ông. Nhưng nể hay không, còn phụ thuộc vào cách
ăn ở của mình ấy. Ông khiêm tốn, biết coi trọng người phía họ, thì
họ chẳng để bụng làm gì. Hẳn là họ cũng mong hai phía hoà hợp với
nhau thôi. Ở trần kêu gọi hoà hợp từ bao năm rồi. Hoà hợp để mà xây
dựng cuộc sống chung. Đánh nhau đằng đẵng mấy chục năm, khổ lắm. Làm
cho hàng triệu người phải chia ly, âm dương cách biệt. Kinh tế thì
nghèo đói. Nghe nói nước mình xếp loại nghèo trong số mấy nước
nghèo nhất thế giới, ông ạ. Thế cho nên cần hoà
hợp để đưa đất nước tiến lên!
Vậy mà không hiểu vì sao
cái nghĩa địa nơi con bà yên nghỉ lại bị người ta xoá bỏ. Nghe giải
thích rằng, để lấy đất xây dựng công viên. Liệu có đúng không? Hay
xuất phát bởi sự đố kỵ, hận thù. Nhiều người tỏ ý nghi ngờ chủ
trương được công bố. Rằng, thiếu gì địa điểm tốt có thể xây dựng công
viên cho thành phố. Chẳng qua người ta không muốn lưu giữ dấu tích
thuộc phía chống đối Cách mạng thôi. Nhất là nghĩa địa đó lại được
xây dựng nổi trội so với nơi an nghỉ của những người mang danh chiến
thắng. Xử như thế, thử hỏi hòa hợp ra sao? Cho dù nghĩa địa đã bị xoá
bỏ, con bà không còn nằm tại đấy, song chốn ấy vẫn cứ là nơi bà lão
tới lui. Khi thì bà chủ tâm tới. Có lần không chủ tâm, nhưng đôi chân
vẫn dẫn bà đến đúng lỗ huyệt chôn con ngày trước. Mỗi lần thăm, bà
ngồi cả tiếng đồng hồ. Bà coi đám đất trống không ấy đang còn là nơi
con bà yên nghỉ, dù người ta đã hót hài cốt nó đi rất xa. Ở nơi đất
mới ấy, người ta vùi lũ chúng nó thật sơ sài. Mỗi đứa chỉ một ô con
con, đủ lọt cái tiểu sành. Và, xây mấy hàng gạch nổi để giữ đất
không trôi khỏi mồ. Lần tiễn con đến nơi xa xôi ấy, bao nhiêu nước mắt bà
đã nhỏ ra. Thế mà từ mấy năm trước, bà vẫn nghĩ mắt mình cạn khô. Giờ
đây thì cạn khô thật rồi. Trong lòng bà chỉ còn âm thầm nỗi đau nỗi
buồn dành cho chồng con thôi.
Từ cái năm chồng bà được nhận
bằng Tổ quốc ghi công, cứ nghĩ ông ấy thế là tạm yên. Với cõi trần, như
vậy không còn tai tiếng dị nghị điều gì. Nơi cõi âm, ông cũng đã có
chỗ dựa là con. Nghĩa địa, nơi con trai bà yên nghỉ lại gần nhà mẹ. Thật
thuận tiện để bà viếng thăm. Thăm con. Thăm chồng. Vậy mà thế sự đổi
thay. Nơi nó ở bây giờ là chốn thâm sơn cùng cốc, xa lắc xa lơ. Mồ mả
chúng nó đã chẳng ra sao, lại còn chật chội, ngổn ngang trên sườn núi
dốc chênh chênh. Chỗ ăn nằm như thế, bảo ông ấy đến nương tựa con, xem
chừng cũng khó. Khó chẳng khác việc bà muốn đến với con mà không đủ
sức. Sức tận. Tiền không. Thôi đành lâu lâu dò dẫm thăm nơi chốn cũ nó nằm vậy.
Vì chủ tâm đi thăm nơi con vào
ngày Thương binh Liệt sĩ, nên bà lão đã thắp nhang ở nhà thật sớm. Khi
bà có mặt tại nghĩa địa cũ, cảnh vật như còn ngái ngủ cả. Gió
cũng uể oải, không muốn đánh thức những hàng phi lao reo vui. Trên con
đường cái quan, lác đác mấy chiếc xe hơi bò chậm chạp. Tuy nhiên bà
lão không mấy để ý đến mọi sự xung quanh. Như mọi khi, bà đặt đồ lễ
và thắp nhang nến trên cái đám gạch lổng chổng - chỗ con nằm mấy
chục năm xưa. Rồi gọi con, gọi chồng chứng giám. Chứng giám cái sự
thương nhớ khôn nguôi nơi bà dành cho người thân. Chứng giám cái nỗi
đau âm ỉ ruột gan suốt cuộc đời bà. Bà muốn kêu lên nỗi niềm ai oán,
mà không sao cất thành lời.
Ông trời ơi, sao ăn ở bất
công? Nỗi đau sao trút cả xuống đời bà. Bắt vợ chồng con cái phải
chia lìa. Chồng bà, đã không cho sống, sao còn vùi xác nơi nao. Con
bà, chết không được yên. Sao phải móc lên vùi xuống mấy bận, hở
trời? Sao bắt nó phải đến cái nơi xa tít mịt mù. Để bà không bao
giờ còn nhìn thấy phần mộ nó thêm một lần. Như thế khác nào bà
mất xác con. Như mất xác chồng.
Chồng và đứa con trai duy
nhất là những mảnh kết hợp làm nên cuộc đời bà; nay họ không còn,
có nghĩa cuộc đời bà cũng vỡ vụn nát tan!
(*) - Đăng
trên http://newvietart.com/index3.6088.html
- In trong tập Chuyện đời 3, Nxb Hội Nhà văn 2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét