Thứ Hai, 1 tháng 12, 2014

ĐỂ ĐẾN... NƠI ĐẾN(*) - (Tiếp theo)

 CẢNH HAI
  
                   Đồi Trăng. Gần 30 năm trước.
                Đây là một ngọn đồi trong dãy đồi Trăng, bên dòng sông Mã. (Sông ở phía trước - phía khán giả). Đồi như bát úp, thấp cao. Phía xa là những ngọn núi: Độc, Eo, Chẹn… nhô cao hơn hẳn những mỏm gò đồi.
                Đất đồi khô cằn, sỏi mòn, một vài bụi sim thưa thớt và đồng cỏ xác xơ…
                Một sớm mùa đông sương mù, ánh nắng yếu ớt, pha màu sương đục.

                                                                      MÀN MỞ
  
                Điển đứng sững giữa đồi, tấm bản đồ quy hoạch trải trước mặt, đăm đăm trông ra xung quanh. (Thao - Giám đốc, đưa Thùy Liên đi ra góc ngoài sân khấu).
Thao: (Thế kỷ 21) Qua màn sương quá khứ
                                    Cháu trông cho thật rõ
                                    Xem người đứng đó là ai?...
                (Thùy Liên chằm chằm nhìn Điển. Thao đứng im bên cạnh).
Điển: (Cách nay gần 30 năm. Nói say mê)
                        Vẫn núi cũ: núi Eo, núi Chẹn
                        Vẫn sông xưa, sông Mã chảy xuôi
                        Vẫn đồi Trăng đây - tên gọi đã bao đời
                        Nhưng sông ấy, núi này đang chuyển động...
Thao: Cháu đã trông rõ, người đó là ai?
Thùy Liên: Tiếng nói dáng người, đúng là ba cháu.
                        Nhưng sao trẻ thế? Chỉ độ ngoài hai mươi...
Thao: Đúng ba cháu đấy... Hai mươi sáu năm rồi!
Thùy Liên: Cô ơi! Ba cháu đứng làm gì ở đó?
Thao: Ba cháu đang tính toán, lập sơ đồ chuyển xã...
                Câu chuyện cô kể cháu nghe, cũng từ đó... nổ ra
                Má cháu đã đến đây cùng cô... hồi còn trẻ...
                (Hảo - ngày xưa, cùng Thao - ngày xưa, từ chân đồi đi lên. Hai người cùng mặc áo cánh hoa, áo len dài tay mặc ngoài, khăn vuông len bịt tóc buộc ra sau, chân đi ủng. Thao linh lợi có phần tinh nghịch, kéo Hảo vẻ buồn rầu, xuất hiện).
Thùy Liên: (Trông thấy mẹ ngày xưa, lộ vẻ vừa ngạc nhiên vừa vui, xô lên) Má!...
Thao: (Giữ lại) Đó là những người ngày xưa... xuất hiện.
                Hãy để câu chuyện bắt đầu... Cô cháu ta tạm lánh.
                (Hai người rút vào màn sương. Ánh bình minh tỏa hồng đồi núi. Từ đây, trở lại người và cảnh ngày xưa, gần 30 năm về trước).
Thao: Hứ! Đồng chí Phó ban chỉ huy công trường chuyển xã, say đắm đồi Trăng đến quên cả người... y... êu!
Điển: Ố, cô Thao... Lại cả Hảo! Cô Thao với Hảo đi... đâu?
Thao: (Cười rũ) Chúng tôi đang đứng trước mặt anh... anh lại hỏi đi đâu? Lạ thật!
Hảo: (Nắm tay Thao) Thao! (Thao tỉnh bơ).
Điển: Dấu ấn Thanh niên xung phong vẫn chưa phai tính cách!
Thao: Anh nói tôi?
Điển: Còn ai nữa!
Thao: (Lại cười) Phai sao được, hỡi đồng chí pháo binh… ơi!
Nhưng thôi, ta vào việc. Anh cho xem bản sơ đồ di chuyển núi đồi…
            Của một anh chuyên thông nòng pháo ngày xưa… Nay to gan dám lao vào quy hoạch!
Điển: Tình hình chung, thực tế yêu cầu, vừa làm vừa học.
Thao: Anh nói thực lòng?
Điển: Cô có thấy người quân nhân nào nói dối chưa?
Thao: (Lại cười) Có đấy! Nhưng thôi… Hãy quay về hiện tại
            Anh cho xem bản quy hoạch khoanh vùng.
Điển: (Đùa, nhưng không cười) Với danh nghĩa gì?
Thao: (Không vừa, đáp rất linh hoạt) Công dân kỹ thuật (Nhấn mạnh từ dân)
            Với hai bằng kỹ sư: (Chỉ vào ngực) Kỹ sư thực hành!
                                                (Chỉ Hảo) Kỹ sư thực tập!
            (Điển cười, mở sơ đồ trải lên mô đồi. Thao thản nhiên) Anh trình bày đi. Kiểu bảo vệ đồ… đồ… (Quay qua Hảo, hỏi nhanh) đồ gì mày?
Hảo: (Phì cười) Đồ án.
Điển: (Cũng cười, ra vẻ đàn anh rộng lượng) Thôi được! Cô muốn tôi “báo cáo” những gì đây?
Thao: (Tinh nghịch, nhưng vẫn nghiêm trang)
            Thưa… à, báo cáo đồng chí Phó ban, em muốn biết, từ… cơ bản!
Điển: Từ cơ bản? Nghĩa là từ… chủ trương của Đảng?
Thao: Ấy chết! Cơ bản là từ thực địa khoanh vùng…
            Từ dãy đồi Trăng… (Chỉ bao quát và nói luôn)
            Mấy ngàn năm đồi Trăng trơ trụi sói mòn
            Từ đó sẽ mọc lên… như trong mơ… một nông thôn thị trấn!
            Ở đó, mỗi đội sản xuất sẽ quy lại một vùng vuông vắn.
Khu trung tâm thì dành cho… các công trình công cộng, các cơ quan…
            Kẻng báo giờ sẽ từ đó ngân vang
            Đưa sinh hoạt nông thôn vào nếp công nhân nông nghiệp…
            Sản xuất lớn!
            Sản xuất lớn… từ đó bộ mặt quê hương sẽ bừng lên rực rỡ.
            (Với Điển) Báo cáo anh…
Điển: Cô nói hết rồi, tôi còn biết nói gì?
Thao: Thưa anh… chưa hết!
Điển: Thế cô nói tiếp đi…
Thao: Nhưng cơ bản không thấy ghi trong quy hoạch
            Hay anh quên?... Cũng có thể là em dốt!... Chả lẽ kỹ sư Hảo đây cũng dốt hay sao?
Điển: Ai dốt sẽ xét sau… Còn quy hoạch thiếu điểm nào?
Thao: (Với Hảo) Chị nói đi!
Hảo: Đồng chí phụ trách chăn nuôi… đồng chí nói!
Thao: Thôi được, có dốt tôi cũng cứ nói
            Báo cáo đồng chí Phó ban công trường… hướng phát triển chăn nuôi…
            Trong quy hoạch… (Im)
Điển: Sao nữa? Trại chăn nuôi đặt bên chân núi Chẹn… một địa điểm tuyệt vời!
Thao: Vâng… rất đẹp! Nhưng hẳn đồng chí có phương pháp chăn nuôi, cho bò dê ăn đá núi?
Điển: (Nhận ra vấn đề rất nhanh) Ừ nhỉ? Quy hoạch mới có khoanh vùng dựng trại…
Thao: Mà trại tương lai, số đầu con luân chuyển sẽ lên tới hàng ngàn…
Điển: Hiểu! Tôi hiểu rồi!
Phải khoanh vùng trồng cỏ
Phải quy hoạch bãi chăn…
            Dốt! Tôi dốt thật!
            Cảm ơn cô Thao đã dạy tôi bài học
            Bài học về tầm nhìn bao quát
Thao: Chị Hảo phát hiện vấn đề, em mới thấy ra.
Điển: (Nhìn Hảo) Cảm ơn em… anh cũng đã thấy ra rồi.
Thao: Thôi xin phép… để ông bà tâm sự…
Hảo: Thao! (Giữ Thao lại).
Điển: Cô Thao! Hãy ở lại đây…
            Để cùng đón buổi sớm nay rạng rỡ…
Sắp bắt đầu rồi… tiếng nổ máy san
Từ sáng nay sẽ biến đổi đồi Trăng
Làm đất mới cho xã Lộc An lạc nghiệp.
Thao: Em sẽ xuống tận nơi, để ngắm nhìn tận mắt…
            (Định đi thì Quý lù lù đi lên).
            Anh Quý! Anh đi đâu?
Quý: Tranh thủ đi xem máy xúc đồi Trăng.
Thao: Sao bảo Văn phòng đang tổ chức rút thăm?
Quý: Chứ sao! Thế mới gọi là tranh thủ…          
            Nhưng sáng nay họ lại chưa làm… Tức quá!
Điển: Cậu nói sao? Tổ máy san họ chưa khởi công?
Quý: Vâng… Họ bảo còn chờ xem kế hoạch bổ sung…
Điển: À… Thế kỹ sư Thúy đâu?
Quý: Thì chính bà ấy tung tăng ra lệnh…
            Rồi đi ngay… Bảo chờ để đi tìm anh Điển!
Điển: Tôi ở đây, cô ta lại đi tận đâu tìm kiếm?
            (Thao vẫn cố ý lánh đi để Hảo gặp Điển).
Thao: Để tôi chạy đi tìm, rồi bảo đến ngay đây. (Kéo Quý) Về đi.
            Thư ký Văn phòng sao bỏ việc đi chơi?
            Mê máy kéo, sao không xin đi học?
Quý:  (Giằng co, đứng lại với Điển).
            Đấy! Em đã xin năm lần bảy lượt
            Giá anh cho đi thì đâu phải chịu tức thế này…
Điển: Được rồi, chuyển xã xong, tôi để cậu đi ngay.
Quý:  Đúng thế chứ anh? (Điển gật).
            Anh cho em bắt tay giao hẹn! (Điển giơ tay bắt) Em sẽ cùng cô Thao, tìm ngay cô Thúy đến… (Thao kéo tuột Quý đi. Còn lại Điển và Hảo).
Điển: Hảo!
Hảo: (Thở dài) Anh!
Điển: Hảo có chuyện gì, sao lại buồn rười rượi?
Hảo: Thôi anh ơi! Anh đừng nói…
            Lúc này đây, em không nghe nổi chuyện riêng tư.
            (Điển ngạc nhiên, đứng lặng)
            Mà chỉ mong thời kỳ thực tập mau chóng qua đi
            Để về trường… xin bổ nhiệm đến nơi nào xa… biệt!
Điển: (Hiểu lầm)
            Hảo!... Phải chăng vì chuyện chuyển cư mà em buồn?
Hảo: Vâng! Không chỉ buồn mà còn… (Ngập ngừng).
Điển: (Nóng nảy) Còn sao?
Hảo: (Buông sõng) Còn đau xót!
Điển: Đến thế cơ ư?
Hảo: Không phải buồn vì chuyện dỡ cửa dỡ nhà.
            Cũng không phải vì công việc cuốn anh đi từng phút từng giờ…
            Đến độ từ hôm em về… tận hôm nay mới gặp…
Điển: Vậy thì… tại sao em buồn bực?
Hảo: (Ngập ngừng) Nói ra thì tủi, không nói thì đau…
Điển: Em nói với anh… chứ có nói với ai đâu!
Hảo: (Không kìm được, nấc lên) Anh ơi!
            Thày em nhất định… không chịu đến nơi xã mới! (Im lặng).
Điển: (Chưa tin) Có đúng như lời em nói? (Hảo chỉ biết gật đầu).
            Không, làm gì có chuyện đó… đâu em!
            Anh tin rằng… bác nhà là một đồng chí trung kiên
            Những lần học tập chủ trương tiến lên sản xuất lớn
            Bác vẫn tán thành…
            Chẳng lẽ bây giờ?...
Hảo: Đến bây giờ thày em vẫn tán thành chủ trương sản xuất lớn, nhưng chuyển xã thì… nói mấy… cũng im…
            Đơn không viết… Rút thăm cũng mặc!
Điển: Hảo hãy bình tâm
            Anh sẽ về gặp bác thử xem… (Ngập ngừng)
            Nhưng chỉ e một đồng chí thanh niên
            Gặp bậc lão thành, nói năng cũng khó…
            (Vừa lúc đó, Thao vọt lên).
Thao: Báo cáo đồng chí Phó ban chỉ huy công trường, tôi đã tìm ra đồng chí Thúy, kỹ sư máy xúc.
Điển: Đồng chí ấy đâu?
Thao: Còn rẽ qua tổ máy.
Điển: (Với Hảo) Hảo chờ anh mấy phút. (Đi nhanh xuống đồi).
Thao: (Nhìn theo, lửng lơ) Đúng là cô nàng có sức hút gớm ghê…
Hảo: (Chưa nguôi xúc cảm) Thao nói gì kia?
Thao: (Quay lại) Này… chị ơi, chị cần cảnh giác.
Hảo: (Chưa hiểu) Cảnh giác gì kia?
Thao: Cái cô Thúy này… tính tình như lửa bốc. Còn anh Điển nhà ta thì lành thật như rơm… Mà lửa gần rơm…
Hảo: Hảo không tin…
Thao: Thao cũng không tin, nhưng vẫn phải đề phòng. Nên tôi khuyên chị một lời: Cẩn thận!
Hảo: Hảo rất tin anh Điển!
Thao: Thì… tin vẫn cứ tin…
            Nhưng vẫn cần thấy rõ mối tương quan
            Này nhé: Kỹ sư chăn nuôi, cái tài chỉ là vỗ béo cho bàn dân thiên hạ!
            Còn kỹ sư máy, nếu là máy san… cô ta có thể san bằng núi đá!
            Chứ chị thì… đã thấm vào đâu?
            Nếu là máy xúc… thì… không cần đến nửa gầu
            Cô ta sẽ xúc gọn anh Điển bỏ vào trong đáy túi!
            Kìa hai người sóng đôi lên tới
            Thao ở lại đây không tiện, rất mong Hảo bảo vệ hạnh phúc vững bền.
            (Thao bỏ đi về một phía. Hảo đứng lại một mình)
Hảo: (Băn khoăn) Có thể nào như thế được không? (Trông xuống phía dưới)
            Hai người đang bàn chuyện gì mà xem chừng tâm đắc!
            Mình đứng lại có nên,… hay là lánh mặt? (Còn chần chừ.. thì nghe tiếng Điển)
Tiếng Điển: Để tôi báo qua với Hảo, rồi ta sẽ cùng đi.
            (Hảo như vội lẩn tránh vào khuất. Điển cùng Thúy đi tới. Thúy dáng rất sôi nổi, quần áo công nhân tím nhạt, mũ két trắng, ủng màu gạch non, cầm đôi bao tay trắng).
Điển: Hảo đã đi rồi! Chắc là về… (Quay lại với Thúy)
            Thúy ạ! Tôi thấy ý kiến cô bổ sung rất tốt, nhưng thời gian đề ra thì vô cùng cấp bách.
Thúy: Thời gian cần hoàn thành trước tết, phải không?
Điển: Đúng thế! Từ nay đến tết chỉ còn hai tháng.
Mà hơn hai trăm hec-ta đồi đống phải san bằng.
Để trên một ngàn hộ chuyển xong, cho kịp vụ cấy xuân năm tới.
Thúy: Tôi hỏi thật… việc bổ sung có vướng gì cho bản quy hoạch do anh thiết  kế?
Điển: Không ! Không vướng gì hết! Có điều bản quy hoạch đã thông qua Huyện ủy.
Thúy: Dù Huyện ủy đã thông qua, tôi vẫn tin các đồng chí ấy sẽ tán thành
            Chấp nhận cho ta phần kế hoạch bổ sung,
            Được thế, xã mới Lộc An sẽ vô cùng đẹp đẽ…
            (Kéo Điển tiến ra, chỉ bao quát xung quanh).
            Anh hãy tưởng tượng xem: Nếu cả dãy đồi Trăng bị san bằng trơ trụi
            Ta sẽ thấy một vùng đất phẳng lì, vây quanh là núi…
            Xã mới Lộc An như cái đáy túi kín bưng.
            Nếu giữ lại vài quả đồi cao thấp chập chùng
            Sẽ tạo cho Lộc An dáng cong mềm uyển chuyển,
            Với khối lượng xúc san giảm, thì thời gian rút ngắn là lẽ đương nhiên!
            (Căng tấm bản đồ trên tay, chỉ ra xa)
            Theo quy hoạch mới này, tôi tạm xếp đặt anh xem:
            Ngọn đồi kia, giáp xã Lâm Yên
            Sừng sẵng oai nghiêm là khu trường ba cấp.
            Từ mái trường quê, các em sẽ vượt lên thánh đường tri thức!
            Nhà an dưỡng thì dựng bên sườn núi đá Eo
            Các cụ cao niên sẽ có nơi nhàn tản sớm chiều. (Chỉ ngay chỗ đứng)
            Còn trên ngọn đồi này… cao nhất dãy đồi Trăng
            Câu lạc bộ sẽ soi bóng xuống dòng sông xanh ngắt,
            Từ đây phóng tầm mắt, trời đất rộng bao la!
            Hát    Sông Mã dải lụa mượt mà
                        Nước cho nguồn điện, cảng là áo cơm
                        Chẳng uổng công ai vất vả ngày đêm!
Điển: (Theo dõi với ý thức phục thiện chân thành)
            Cô Thúy ạ,
            Phần bổ sung lại được cô minh chứng từng điều
            Càng làm tôi sáng tỏ biết bao nhiêu. Chỉ lo
            Hát      Đến khi áo ấm cơm nhiều
                        E như con trẻ thả diều buông dây,
                        Mong gì diều nọ cao bay…
Thúy: (Nhìn Điểu) Hãy thôi ngay cái sự suy tưởng không đâu ấy đi. Còn phần quy hoạch bổ sung anh có nhất trí không?
Điển: Làm sao lại không nhất trí, khi cô đã làm thăng hoa thêm vẻ đẹp quê tôi!
Thúy: Nếu vậy, ta cần gặp ngay Huyện ủy đi thôi.
Điển: Vâng!
Thúy: Nào, mời đồng chí. (Hai người vừa định đi thì Hảo xuất hiện).
Hảo: Anh Điển! (Điển và Thúy đứng lại)
Điển: Ối, anh tưởng Hảo đã về dưới xã. (Với Thúy) Xin giới thiệu với cô Thúy, cô Hảo - kỹ sư chăn nuôi.
Thúy: (Lịch thiệp bắt tay) Rất hân hạnh!
            Tôi đã được nghe nhắc đến tên, nay mới được gặp người.
Hảo: Chào chị!
Thúy: Tôi là Thúy, cũng là người hàng huyện
            Hồi học cấp ba, anh Điển học mười, tôi lớp chín
            Vào đại học nông nghiệp lại cùng trường
            Anh Điển học khoa kinh tế, trước một năm
            Tôi học máy móc… cái nghề cày bừa san xúc…
Hảo: (Có ý thăm dò) Chắc chị đã xây dựng gia đình?
Thúy: (Rất tự nhiên)
            Tôi vẫn là cây trúc… mọc một mình
            Còn có xinh không thì… chưa chắc!
            Nhiều người bảo tôi
            Làm việc thì hùng hục như máy xúc
            Lúc nghỉ thì lạnh lùng tựa máy cày…
            Cho nên tính đến hôm nay
            Vẫn còn phải đơn ca… bản tình ca đơn điệu!
(Chuyển hướng rất linh hoạt nhưng tế nhị)
            Xin lỗi! (Với Điển)
            Tôi cần bàn với anh em nhà lái
            Cho khởi công san mấy quả đồi thấp trước đi.
            Tôi chờ anh. Chào chị! (Đi nhanh xuống, Điển đi theo mấy bước).
Hảo: Chào chị! (Đứng im khi Điển quay lại)
            Anh Điển, sao anh chưa đi?
Điển: (Ngạc nhiên) Thì anh đang định đi… Hảo gọi lại.
Hảo: Không, việc anh đi học tiếp đại học nông nghiệp kia.
Điển: (Càng ngạc nhiên) Đi học trong lúc công việc chuyển xã đang bề bộn thế này?...
Hảo: Anh đi… chắc sẽ có người thay. Anh cần đi ngay!
            (Điển càng ngạc nhiên, im lặng suy đoán. Hảo hơi sỗ sàng)
            Vừa rồi, qua bản quy hoạch anh làm đã thấy rõ, khả năng mình còn hạn chế…
            Giấy gọi nhập học đã gửi về, sao anh không đi nhỉ?
            (Điển vẫn im lặng, Hảo càng hăng hơn)
            Sao anh không nói?
            Ngay chị Thúy đấy, học sau anh mà giờ đã vượt anh!
Điển: (Phản ứng một cách bình tĩnh)
            Cả Hảo nữa chứ? Hảo còn vượt nhanh hơn!
            Khi từ trường đại học anh đi bộ đội… thì Hảo mới vượt cấp hai. Bây giờ Hảo sắp thành kỹ sư chăn nuôi rồi. Anh biết anh cần phải đuổi theo lắm chứ!
            (Im lặng một giây).
Hảo: Anh thấy chị Thúy thế nào?
Điển: (Bình thản) Một con người chủ động. Một tâm hồn phóng khoáng.
Hảo: Thế thì anh càng nên đi sớm.
            Đi ngay bây giờ, và càng không nên chần chừ!
Điển: Sao Hảo bỗng nhiên lạ thế?
Hảo: (Càng như bị thôi thúc)
            Không có gì lạ cả! Không có gì lạ cả!...
            Đầu em đang rối tung về việc gia đình
            Còn tim em vẫn luôn quanh quẩn hướng về anh
            Anh! Anh phải đi học tiếp ngay chương trình đại học!
Điển: Hẳn Hảo lo cho trình độ cùng học vị của anh… chưa được bằng em?
Hảo: Không phải như thế!
            Chỉ là vì, anh gánh vai trò làm người xây dựng kế hoạch…
            Mà hợp tác này, mỗi ngày một lớn mạnh hơn
            Vì thế trình độ… tri thức cũng phải được tăng cường
            Để anh đủ sức mang gánh nặng trên vai
Của người làm kế hoạch cho tương lai…
            Vậy nên, anh cần đi học tiếp. Đi ngay mới được!
Điển: (Dứt khoát) Anh chưa đi được!
Hảo: Tại sao?
Điển: (Hơi có vẻ đùa, với ý hòa giải) Còn tại sao nữa…
            Với anh, đã là quân nhân thì làm bất kể việc gì
            Cũng không được lơ là, mà phải như đi đánh trận!
            Thắng giặc rồi, anh trở về đồng ruộng
            Quy hoạch lại quê hương, có khác nào ra trận…
            Quy hoạch xong rồi, anh sẽ đi ngay!
Hảo: (Kìm sự bực bội, chua chát) Thì ra anh cố tình ở lại… để dứt điểm trận đánh ấy ư?
            (Huy hớt hải chạy tới)
Huy: Thôi, thôi, thôi…
            Ông trẻ bà trẻ ơi!
            Còn đứng đây mà thủ thỉ thù thì…
            Dưới xã đang rối tinh rối xòe lên đấy!
Điển: Có việc gì thế hả Huy?
Huy: Công tác bảo vệ trật tự trị an thế là tan xác pháo,
            Kỳ này là tôi chết… chết ráo!
Điển: Nhưng việc gì?
            Trưởng ban bảo vệ mà thiếu bình tĩnh thế ư? Việc gì nào?
Huy: Ông Thôn bỏ đi đâu mất, có chết tôi không?
            (Hảo và Điển sững người, như cùng quên phứt sự bực dọc).
Hảo: Thày em đi mất?
Huy: Phải!
            Trưa nay sẽ tổ chức rút thăm nhận đất
            Các đội hầu hết đã có mặt
            Vậy mà chỉ mỗi đội Bốn nhà mình
            Mất ông đội trưởng…
Hảo: Thày em đi đâu nhỉ?
Huy: Nào tôi biết được. Thật khổ cho tôi!
Điển: Bác Thôn đi đâu được nhỉ?
Huy: Làm cái nghề bảo vệ thực trăm ngàn khổ cực. Thôi nào, giờ mọi người cùng phải bổ đi tìm… (Nhìn vào trong) Ai kìa? Hình như cô Thao, cậu Quý. (Gọi vào) Thao ơi, Quý ơi…
Quý và Thao: (Ra) Gì thế anh Huy?
Huy: Việc khẩn cấp! Ông Thôn bỏ đi đâu mất. Ta phải tức tốc đi tìm. Nghe phân công này:
            Tôi băng núi chạy vòng ra ruộng
            Cô Thao, qua ngay làng Sổ làng Bông,
            Cậu Quý lập tức tìm dọc bờ sông,
            Còn anh Điển cô Hảo về làng cấp tốc
            Đi! Đi!... (Chạy đi luôn cùng Quý).
Thao: (Thấy Điển chần chừ) Anh Điển, sao anh chưa đi? (Vừa lúc Thúy tới).
Thúy: Anh Điển, tôi đã bàn với anh em lái máy,
            Nếu đề xuất của ta được huyện duyệt y
            Ngay tối nay, chúng tôi làm việc đến khuya
            Anh đến với chúng tôi, được chứ?
Điển: (Quyết định luôn)
            Không những được, mà cần phải đến! (Với Hảo)
            Hảo về trước, trưa anh về. (Với Thúy) Ta đi!
            (Thúy gật đầu chào Thao, Hảo, rồi đi với Điển).
Thao: (Gọi) Anh Điển!
Hảo: (Ngăn) Đừng gọi nữa, chị Thao. Anh ấy còn phải dứt điểm trận đánh ấy! (Gục đầu vào vai Thao nghẹn ngào) Chị Thao, có lẽ em phải đi nơi nào xa tít tắp…
Thao: Thôi, thôi… việc ấy tạm xếp tại đây. (Đẩy Hảo) Giờ phải đi tìm bác Thôn ngay đã… (Kéo Hảo vào).
                                                           Màn hạ                                
  (*) Sách “Lộng Chương - Để đến… Nơi đến”, Nxb Sân khấu, 2013.
              


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét