Thứ Tư, 3 tháng 12, 2014

ĐỂ ĐẾN... NƠI ĐẾN(*) - (Tiếp theo và hết)

CẢNH NĂM
  
            Nhà ông Thôn đứng trơ trọi một mình. Sau nhà là vườn cam trĩu quả. Gần sát đầu hồi nhà là con đường làng cũ; và khu vườn xanh xum xuê trải dài phía bên kia đường. Xa hơn, là nhà thờ đạo. Làng xóm không còn mái nhà nào khác, chỉ thấy ngổn ngang những đống gạch ngói, tre lá… Buổi sáng tinh sương. 

Ông Thôn: (Từ ngoài vườn vào, cắp rổ cam vàng óng đến ngồi ở đầu hè. Ông hết ngắm nhà, ngắm vườn, rồi nhấc từng quả cam lên, thở dài)
Ông Thôn: Người ta nói: Cuối năm bán lứa cam vàng,
            Đầu năm có gian ngói đỏ…
Có phải bàn tay vô hình này đã níu áo ta?
Trên đời, ai chẳng mong cuộc sống ấm no
Nhưng nước bước đường đi, tránh sao khỏi vấp… (Thở dài)
Bí thư Đảng ủy bảo: Tôi mượn cái vỏ tập thể để hòng che lấp
Ý nghĩ bên trong là… tiếc khu vườn!
Con gái tôi thì nói:
Tôi là người chỉ biết nhìn gần,
Thì làm sao gánh vác nổi công việc trước dân?
Phải chăng tư tưởng mình chông chênh
Giống như hòn đá chềnh ềnh lối đi?...
Chính mình lại chẳng hiểu rõ lòng mình ra sao!
Như gà mắc tóc rối chân…
Tầm xa chẳng thấy, hướng lên trông gần!
Bà Thôn: (Ra, rụt rè) Ông, ông mới hái cam?
Ông Thôn: Những quả cam chín vàng ong óng.
Bà Thôn: Ông hái làm gì thế?
Ông Thôn: Hái, hái, rồi hái hết. Kẻo người ta bảo mình tiếc cái vườn đứt ruột đứt gan.
Bà Thôn: Ông ạ, cuối năm bán lứa cam vàng
            Đầu năm có gian ngói đỏ…
            Vườn nhà ta hàng năm trĩu quả
            Bấy lâu nay nó thủy chung gánh đỡ nhà mình
            Giờ bỏ đi, cái được chưa thấy, cái mất dã rành rành…
            Tiếc! Tôi tiếc lắm. Có lúc ngơ ngẩn… Nhưng…
Ông Thôn: Nhưng… nhưng cái gì nào?
Bà Thôn: Là tôi, cả con Hảo nữa, muốn ông nộp đơn xin rút thăm nhận đất cho xong.
            Có người có ta, ông ạ!
Ông Thôn: Bà chưa hiểu nổi lòng tôi. (Thở dài).
Bà Thôn: Làng xóm hôm nay… Thế là đi hết cả,
            Chỉ còn lại nhà thờ đạo với một nhà ta.
            Tôi nghĩ quẩn hay sao mà cứ thấy là…
            Ở đất này, có hai cái nhà thờ đứng đó!
Ông Thôn: Á! Bà cũng cho tôi là loại người bây giờ phải đặt lên bệ thờ hay sao? (Thở dài) Con Hảo cũng nói tôi tựa như bà vừa nói ấy.
Bà Thôn: Đã bảo tôi quẩn quanh, nghĩ sao nói vậy,
            Chứ nào lại dám ám chỉ ông! (Thở dài)
            Ông ạ, cả xã giờ… chỉ còn một lá thăm,
            Mẹ con tôi, kẻ héo ruột gan, người khóc ngấm khóc ngầm chờ đợi… ông
Ông Thôn: Thôi… thôi… Bà ơi, không phải nói. Bà cất hộ rổ cam đi!
Bà Thôn: Vâng. (Mang rổ cam vào).
Ông Thôn: (Trầm ngâm) Còn lại trong cả xã,
            Một lá thăm cuối cùng… Ái dà…
Ông Bõ: (Từ nãy lắng nghe, rồi bước ra) Thưa ông, nhà ta chuyển đến xã mới là phải ạ.
Ông Thôn: Ô hay… Ông nói gì vậy? Đây là việc của gia đình tôi… Mà ông đến có việc gì vậy?
Ông Bõ: Xin thưa… Không có việc thì tôi đâu dám ạ. Mà không chỉ tôi, còn cả ông Trùm.
            Chả rằng là… cha bề trên chúng tôi vừa về thăm xứ,
            Người vui lòng bởi việc giáo dân:
            Yên việc Chúa lo chăn dắt phần hồn,
            Vui việc đời là… đi theo con đường sản xuất lớn, ấm no hạnh phước.
            Thế nên…
Ông Thôn: (Nói cho qua chuyện) Phải… phải… (Nhưng bực lòng) Thế… thì sao nữa?
Ông Bõ: Thế nên… nhà thờ chúng tôi cũng tự nguyện lên đồi Trăng đấy ạ.
Ông Thôn: Ai bảo thế? Ai bảo thế? (Ông Trùm ra).
Ông Trùm: Xin thưa quý đội trưởng,
            Chẳng nhẽ chỉ một ngôi nhà thờ trơ trỏng,
            Đứng bơ vơ giữa đồng bãi mênh mông!
            Nên con chiên chúng tôi tự nguyện chuyển đến đồi Trăng
            Rồi Chúa sẽ giáng sinh trên đất mới!
Ông Thôn: Đấy là việc đạo các ông. Tôi không biết!
Ông Trùm: Dạ, cũng là dính đến việc đời,
            Bởi, nếu nhà thờ ở lại…
            Từ quê mới, con chiên về chầu Chúa sẽ xa xôi.
            Thành ra, cái tình khó ngỏ, cái cảnh khó coi,
            Nên chuyển nhà thờ đến đồi Trăng là tiện cho mọi nhẽ!
Ông Thôn: Ờ… ờ… cũng phải. Đỡ đi đi lại lại… cũng tiện cho việc làm ăn.
Ông Bõ: Đấy, đấy… Quý ông đội trưởng đội Bốn cho phép rồi!
Ông Trùm: Xin cảm ơn quý ông. Quý ông cho phép ạ!
Ông Thôn: Ô hay… Tôi thấy tiện việc làm ăn thì tôi nói thế. Chứ tôi quyền hành gì mà cho phép dỡ nhà thờ?
Ông Bõ: Thì quý ông ủng hộ cũng là quý hóa lắm… (Hất hàm ra hiệu cho ông Trùm cùng về).
Ông Trùm: Vâng, thật quý hóa quá. Xin kính chào quý ông. (Cùng ông Bõ vào).
Ông Thôn: (Một mình) Hừ, lạ thật, đến cái nhà thờ kiên cố thế kia cũng xin đi nốt.
(Thở dài) Cả xã đi rồi, mình ở với ai?
            Cả đội đi rồi, mình đội trưởng ở lại... (Rút lá đơn)
            Lá đơn này, hừ, lá đơn xin thôi chân đội trưởng… (Lại thở dài).
Hảo: (Ra) Con chào thày!
Ông Thôn: (Vội đút lá đơn vào túi) Hả?
Hảo: (Rụt rè) Thưa thày…
Ông Thôn: Gì thế?
Hảo: Con xin thưa với thày…
Ông Thôn: Về việc dỡ nhà chuyển xã?...
Hảo: Vâng ạ. Mẹ con dặn, trong gia đình muốn ấm êm, thì phải có trên có dưới…
Con cái phải được cha mẹ cho phép, mới bàn bạc những công việc chung.
Anh Nghĩa con thì đang bảo vệ đảo xa, mãi tận cùng đất nước
Con thay mặt anh con, xin thày cho phép bàn về việc chuyển xã…
Ông Thôn: Hả? Có phải con định khuyên thày nên thôi chân đội trưởng?
            Vì đường làm ăn mắc nếp nhìn mòn
            Của cách cũ cỏn con… thời sản xuất nhỏ,
            Kiểu hai bát bo bo úp một… Phải thế không?
Hảo: Nhưng thưa thày…
Ông Thôn: (Lại ngắt lời) Chắc là con định nói sản xuất lớn bắt đầu từ xã ta
Để rổi sẽ bung ra trên địa bàn cả huyện.
            Ta chuyển xã là vì bước phát triển chung
            Trồng trọt, chăn nuôi, chế biến theo vùng
            Đưa nông nghiệp lớn nhanh, lớn mạnh! (Thở dài)
Thế chứ gì? Con có cần nói gì nữa không?
(Hảo sững người, chưa nói được tiếp, thì… Bên ngoài, nhiều tiếng ồn ào nổi lên. Trên con đường làng, rất nhiều giáo dân đi qua; họ mang búa, mang thừng, vác thang, quảy gánh… Nhìn thấy, hai cha con ông Thôn cùng ngạc nhiên).
Những tiếng phía ngoài: (Xôn xao, ồn ã)
-         Dỡ nhà thờ lên đồi Trăng thật à?
-         Để tiện sản xuất, lại tiện lễ lạt mà.
-         Dỡ mái ngói trước hả?
-         Ừ, dỡ mái trước, phá tường sau.
-         Nhanh lên còn kịp để thợ huyện họ xây cho.
-         Nhà thờ dựng trên đỉnh đồi Trăng thì đẹp lắm!
Hảo: Thày, bà con giáo dân họ đi dỡ nhà thờ sao, hả thày? Làm gì có chủ trương ấy!
Ông Thôn: Tao nào biết được!
Một bà giáo dân: (Nhìn ngược nhìn xuôi, tạt nhanh vào nhà ông Thôn) Ông ơi, cô ơi… Chả biết từ đâu mà người nọ gọi người kia đi dỡ nhà thờ…
Ông Thôn: Thật không?
Bà giáo dân: Thì họ đã bắc thang lên mái rồi mà… Hóa ra ông chưa biết?... Thế thôi ông nhá! (Chạy vụt đi).
Ông Thôn: Hảo, lên ngay xã, báo cho họ biết. Nhanh đi!
Hảo: Vâng! (Vụt đi).
Điển: (Ra, hớt hải) Thưa bác, họ dỡ nhà thờ thật rồi à?
Ông Thôn: Anh đến nhà thờ ngay đi!
Điển: Dạ, đã có anh Huy rồi. Tiện đường, cháu tạt vào hỏi bác xem có chắc đúng không… và sẽ đến ngay đấy ạ! (Chạy đi. Lát sau có tiếng cãi cọ ầm ĩ phía ngoài sân khấu, mỗi lúc một to).
Những tiếng cãi nhau phía ngoài, từ xa:
Tiếng Huy: Xuống ngay! Không được dỡ!
Những giáo dân:
-         Chúng tôi tự nguyện mà…
-         Tự nguyện!
-         Nhà thờ ở đây, con chiên trên kia, xa quá…
Tiếng Điển: Xã đồng ý chưa?
Những giáo dân:
-         Đi hay ở là tự nguyện cơ mà…
-         Nhưng đã hỏi ý kiến ông Thôn chưa?
Tiếng Huy: Tôi cấm… tôi cấm… Ai trèo lên mái kia, xuống ngay!
Những giáo dân: Cứ dỡ… cứ dỡ…
Tiếng Điển: Tôi cấm… tôi cấm…
Ông Thôn: (Tỏ ra nóng ruột. Nói một mình) Sao lại có chuyện dỡ nhà thờ nhỉ? (Ngó nghiêng, rồi bước ra khỏi nhà).
                                                                Sân khấu trống

Ông Thư: (Đến chơi nhà ông Thôn. Ông bà Thôn đều vắng. Gặp Hảo về, ông Thư nói với Hảo) May quá, gặp cháu. Bác nhờ cháu đi mời anh Huy, ông Trùm họ đạo với ông Bõ sang đây gặp bác ngay!
Hảo: Vâng! (Hảo đi. Ông Thư đang ngó nghiêng nhìn vườn cam nhà ông Thôn thì ông Trùm và ông Bõ đến).
Ông Trùm, ông Bõ: Chào quý lãnh đạo.
Ông Thư: Xin chào… (Vẻ khó chịu, vào đề luôn) Tôi cho mời các vị đến đây, với tư cách là Bí thư Đảng ủy xã Lộc An. Xin hỏi, (Đanh giọng) ai đã ra lệnh cho bà con giáo dân phá nhà thờ, hả?
Ông Trùm: Thưa không, chúng tôi dỡ ngói ạ.
Ông Thư: Trước dỡ ngói, sau dọi tường, thế không là phá à… hả? Từ việc phá nhà thờ… sẽ sinh bao sự phức tạp tiếp sau. Chẳng phải ông Trùm không nghĩ tới?
Ông Trùm: Thưa… thưa…
Bõ già: (Lầm rầm) Giê-su-ma!
Ông Thư: Các ông đưa nhà thờ lên xã mới, cho Chúa chăn con chiên… xem ra thì tiện lợi đấy!
Ông Trùm: Dạ, được như thế thật quý hóa ạ.
Ông Thư: Ai đã bày mưu và xúi bẩy giáo dân làm việc này? (Im lặng một lát, quay nhìn ông Bõ) Có phải ông Bõ biết rõ chuyện?
Ông Trùm: (Lúng túng) Thưa… tôi khô…ông…
Ông Bõ: (Giật mình) Lạy Chúa tôi! Đấy là bà con chúng tôi tự nguyện ạ!
Ông Thư: Tự nguyện hay tự tiện?
Ông Bõ: Dạ, nào tôi biết gì hơn đâu. Thấy người ta đi dỡ thì tôi cũng có mặt ạ.
Ông Thư: Thôi được, việc ai bầy mưu, ai xui xiểm, giáo dân đều biết, chúng tôi đều biết. Nhưng sẽ xét sau. Bây giờ nghe tôi hỏi tiếp này: Ông… Các ông định phá nhà thờ, vậy giấy phép phá dỡ của Ủy ban tỉnh cấp đâu?
(Ông Trùm và ông Bõ nhìn nhau lo lắng. Huy đến, đứng xa lắng nghe).
Ông Thư: (Nói to hơn) Cả giấy đề nghị dỡ nhà thờ của tòa Giám mục đâu?
(Ông Trùm và ông Bõ càng lo lắng hơn).
Huy: (Bực bội, xông đến sát mặt ông Trùm và ông Bõ) Không có hả? Mọi thứ giấy tờ đều không có mà dám phá nhà thờ à? (Một số giáo dân thập thò lắng nghe).
Ông Thư: (Đến gần họ) Hẳn các ông các bà muốn biết ý kiến của tôi về việc dỡ nhà thờ, phải không?
Tôi nói nhé,
Thế là các ông các bà nghe người ta xui dại
Lấy tay mình để chọc mắt mình thôi. Bởi vì…
Một rằng:
Dồn sức vào dỡ nhà thờ thì bỏ bê việc của gia đình
Đang khi phải khẩn trương xây nhà xây cửa.
Lúc quay về dựng nhà dựng cửa,
Lại lơ là chuyện trồng lúa vun khoai.
Năng suất sẽ thụt lùi, bữa ăn ắt vơi hụt…
Phải không nào?
Ông Trùm: Dạ… dạ…
Ông Thư: Hai rằng:
            Nhà thờ lớn thế kia, phá đi xây lại phải vài năm,
            Vài năm ấy, giáo dân rối ren vì mồ côi Chúa.
            Ba rằng:
            Nhân chuyện đó mà có kẻ đi đổ vạ,
            Chính quyền này phá tự do tín ngưỡng của giáo dân
            Hòng làm cho mất đoàn kết giáo - lương…
            Và còn nữa, bao rắc rối khác… rất khó lường!
Huy: Chung quy là… định phá nông thôn đi lên sản xuất lớn, hả?
            Thế chứ gì, hả?
Ông Trùm: Lạy Chúa!
Ông Bõ: Giê-su-ma!
Huy: Bây giờ thì sao?
            Nào… tay nào giỏi thì vào phá nhà thờ xem nào!
            Nghe đây này, rồi về liệu bảo nhau
            Nhà thờ này là công trình công cộng
            Người giáo người lương, trước nay vẫn coi là của chung thôn xóm!
Ông Thư: (Gật đầu) Đúng, đúng lắm!
Huy: Vậy, bất cứ ai đụng đến hòn ngói, mảng tường,
            Coi như là phá hoại tài sản của giáo - lương.
            Tôi sẽ gô cổ lại, giải lên cấp trên
            Bà con rõ cả chưa nào?
Giáo dân: Dạ, rõ ạ…
Ông Thư: Nào, giờ bà con hãy giải tán!
            Về đồi Trăng, mau dựng cửa dựng nhà.
            Nào, xin giải tán!
Huy: Đấy, đã có lệnh của bác Thư: Giải tán!
            Tôi sẽ ra ngay nhà thờ, xem có ai dám chống lệnh!? (Vừa quay đi thì gặp ông Thôn bước vào) A, bác về rồi đây. Cháu có việc phải đi.
Ông Thư: (Gọi với Huy) Huy, Huy!... Nói Điển về ngay đây nhé!
Giáo dân: (lúng túng chào. Cùng ông Trùm, ông Bõ rút đi).
Ông Thư: (Nhìn ông Thôn) Đấy ông xem, thấy cánh mình triển khai công việc chuẩn bị cho sản xuất lớn, nên họ bày cách phá nhà thờ đi để ngăn cản… Chứ có ai cho phép đâu!
Ông Kế: (Thập thò phía ngoài, được thể lên tiếng) Ấy biết đâu rằng, có người cho phép…
Ông Thư: (Bực) Hả?... Ông bênh họ à? Hay, ông có ý châm chọc ông Thôn, hả?  Tôi nói để ông rõ: Ông Thôn vì quá thật thà, chưa thấy sự quắt quay của họ. Thế nên có lúc ông ấy khiến ta khó hiểu; nhưng không thể gán ghép ông Thôn phá như họ được… (Nói to hơn) Ông Kế nghe chưa?
Ông Kế: Vâng, thế là nhà thờ vẫn cứ ở lại… Đúng, đi lên sản xuất lớn thì nhà thờ ở lại là đúng rồi! Có thế thì, nhà thờ cùng nhà ông Thôn mới có bạn… có đôi…
Ông Thư: (Lại bực, vẫy tay gọi) Này, ông Kế… Vào đây tôi hỏi.
Ông Kế: (Vào) Ông gọi tôi?
Ông Thư: (Nhìn trừng trừng) Ông về đây làm gì hả?
Ông Kế: Thưa ông, chả rằng nhớ đất nhớ đồng,
            Tạt về thăm lại, cho lòng nguôi khuây…
Ông Thư: Để ăn nói châm chọc cho hả miệng nữa chứ?
            Này, sờ lên gáy đi. Lỗi của ông đêm trước còn treo đó.
            Về ngay đồi Trăng… Về!
            Việc của ông đang xây dựng cửa nhà, nghe chưa?
Ông Kế: Tôi về cũng bằng thừa.
            Ui dà… trước tôi lo hết chỗ nói là lo,
            Nhưng biết đâu rằng, thợ hàng huyện tay nghề thật tuyệt!
            Nhà cửa dưới này, trước nó thế nào,
            Dựng trên đồi Trăng, như thể bản sao.
            Đố ông khó tính nào chê nổi được! Hề… hề…
            Cho nên…
Ông Thư: Cho nên… cái gì? Tôi đã bảo, mời ông về!
Ông Kế: (Cụt hứng) Vâng… vâng… (Vừa quay đầu đi thì gặp bà Thôn và Hảo bước ra. Lúng túng) Chào… bà… (Vào khuất hẳn).
Ông Thư: (Nhìn bà Thôn niềm nở, chủ động) Chào bà Thôn.
Bà Thôn: Chào bác đến chơi… hay… có điều gì hệ trọng ạ?
Ông Thư: Có chuyện gì đâu! Chả là… tới thăm ông bà, đã e không gặp. Bởi cả hai đều vắng mặt. Tôi liền nhờ cháu Hảo mời mấy vị nhà thờ, để chấn chỉnh cái thói chọc gậy bánh xe…
Ông Thôn: Chưa hẳn chỉ là chọc gậy bánh xe.
            Nhớ mấy mươi năm trước… ai dè
            Xảy sự bất đồng lương - giáo
            Mà bắt nguồn chỉ là câu nói phạm Đạo của một người dân      
            Dẫn đến hai bên kiện cáo hàng năm
            Để đến nỗi Trung ương phải ra tay hòa giải
            Cảnh giác! Đấy chính là bài học
            Chớ vì mê mải công việc mà quên!
Bà Thôn: Nhưng, việc với họ xong rồi chứ bác?
Ông Thư: Xong là xong cái việc tôi nói.
            Còn họ chịu… là chịu từ miệng lưỡi trở ra
            Hẳn trong tâm họ, vẫn u ám điều tà!
Bà Thôn: Phải… việc phục thiện hẳn là không dễ! Nhưng thôi… (Gọi Hảo) Hảo đâu? Mang ấm nước ra đây.
Hảo: Vâng. (Kê cái chõng tre ra hè, xách tích nước chè tươi và mấy cái bát đặt lên chõng. Vào trong).
Ông Thư: (Chủ động đặt hai cái ghế con bên chõng) Nào ông bạn già, ngồi xuống đây. Xem ông có trốn nổi xóm làng, trốn nổi già Thư này không nào?
Ông Thôn: (Ngập ngừng) Tôi làm sao trốn nổi làng xóm, trốn nổi ông chứ! (Rót nước) Mời ông…
Ông Thư: Đúng! Từ cái hồi ấu thơ cày cuốc mướn
            Làm thuê làng xuôi xóm ngược
            Ông với tôi hôm sớm, no đói có nhau,
Thấm thoát giờ ta đã bạc nửa mái đầu
Con cái trưởng thành, lẽ đâu bạn già ta lại kẻ xuôi người ngược…
Phải không?
Ông Thôn: Vâng… phải! (Vừa lúc, Điển xuất hiện).
Điển: (Vui vẻ) Cháu chào các bác ạ!
Ông Thư: (Với Điển) Cháu có mặt kịp thời, tốt lắm! (Với ông bà Thôn) Có việc này… ông bà ạ, ta phải cùng lo gấp. (Cười cởi mở)
            Đảng ủy vừa ra quyết định đây
            Cậu Quý được cử đi học lái máy cày,      
            Còn cháu Điển, sau tết này…
            Đi học tiếp chương trình đại học nông nghiệp. (Ngừng một lát, uống nước)
            Vì thế… bên cháu Điển nhờ tôi đánh tiếng…
            Xin ông bà cho thu xếp… bỏ miếng trầu…
Để hai nhà đi lại cùng nhau
            Anh Điển, tôi vào đề rồi… đến lượt anh nói…
Điển: (Ngượng nghịu) Thưa bác, thưa hai bác…
Ông Thư: Cứ nói mạnh dạn xem nào.
Điển: Thưa hai bác, cái đó… tùy ở cô Hảo ạ. Cô ấy muốn xin bổ nhiệm đi nơi khác ạ.
Ông Thư: (Gọi) Hảo đâu, ra đây bác hỏi. (Hảo từ trong nhà bước ra) Cháu xin đi nơi khác hả?
(Hảo ngường ngượng, lặng im)
Bà Thôn: Kìa, bác hỏi!
Hảo: Cháu… Tùy bác ạ!
Ông Thư: Thì nhất định bác mong cháu ở lại đây,
            Cùng mẹ cha, chú bác, chung tay xây dựng quê hương thôn xóm.
            Nhưng, không được lạc đề này… Là cái việc xây dựng hạnh phúc lứa đôi,
            Ý cháu thật lòng thế nào, bác đây muốn biết!
Hảo: Cháu… không biết đâu ạ.
Bà Thôn: Ô hay, đấy là việc của các anh các chị, sao lại không biết?
Ông Thư: (Cười vui vẻ) Thế là được rồi, bà ạ. Bà phải biết tâm lý các cô con gái, bụng bằng lòng mười mươi, nhưng chẳng lẽ vỗ tay hoan hô sao? (Quay nhìn Hảo) Phải không cháu?
Hảo: Thưa bác, tùy thày mẹ cháu.
Ông Thư: Thế, ông bà nghĩ thế nào?
Bà Thôn: Thôi thì… tùy bác!
Ông Thư: (Cười) Tùy tôi à? Thì tôi cũng nghĩ như ông bà, thời buổi nào cũng thế…
            Chứa thuốc nổ trong kho, không lo bằng có con gái lớn trong nhà
            Các anh các chị trưởng thành rồi, nên mau mau cho yên nơi ấm chốn,
            Đỡ đần nhau để công việc chung luôn thuận. (Với ông Thôn)
Vậy ý ông thế nào?
Ông Thôn: Thôi thì tùy bác, tùy các cháu…
Ông Thư: Vậy qua giêng, ta thu xếp cho các cháu ở trên quê mới nhá. Nhưng còn nhà cửa thì… ông có định chuyển lên trên ấy hay không? Hay cũng lại… tùy tôi? (Cười).
Ông Thôn: (Gượng cười theo) Cái đó thì… tôi quyết định. Trong đầu tôi đã quyết định từ… từ cái hôm… (Ông Thư vui vẻ, nhìn bà Thôn, chưa kịp nói gì thì…)
Bà Thôn: Được thế thì… tôi và cháu Hảo… mừng lắm ạ!
                                                                                                                                       (Vở kịch bị dừng tại đây)
           (*) Sách “Lộng Chương - Để đến… Nơi đến”, Nxb Sân khấu, 2013.
           
           


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét