Truyện ngắn Phạm Hồng Thắm
Gã hi hí cười. Vừa cười gã vừa chạy vào bếp. Căn bếp ngay
cạnh chái nhà. Gọi là bếp vì nó dùng để đun nấu. Chứ, nó có được như một gian
bếp hoàn chỉnh đâu. Hai cái cột tre dựng lên phía ngoài. Mặt phía trong áp vào
bức tường của nhà chính. Xung quanh, gã xây bằng những viên gạch tự tạo. Gã
dùng xỉ than tổ ong đập nhỏ, trộn ít bùn đóng thành gạch. Còn xi măng cũng có,
nhưng thấm tháp gì. Vì chỉ là đồ đi xin. Xin thì làm sao mà nhiều được! Hàng
ngày, gã đi quanh xóm. Nhà nào đang xây dựng, gã lò dò đến. “E hèm, ông chủ có nhà không?”. Bao giờ
gã cũng bắt đầu bằng một cái “E hèm”. Rồi gã moi từ trong người ra chiếc túi
nilon; có khi là một mảnh giấy báo. “Xin
ông chủ tí xi măng về trát chỗ lở tường nhà nhé”. Lão xin, nhưng không chờ
chủ nhà đồng ý hay không. Miệng nói, tay lão bốc xi măng thật nhanh, ấn thật
chặt. Mặc cho bụi xi măng tạt vào mắt. Rồi gã quay đít, quầy quả đi về. Cả làng
này biết tính gã hay nhặt nhạnh, vơ quàng vơ xiên, mà “chày cối” lắm, nên cũng
đành kệ. Gã thì lại cho rằng, xin thì đã làm sao. Phận nghèo như gã, xin được
là tốt. Ở làng này, những công trình lớn nhỏ, phúc lợi hay công cộng, chẳng
toàn đi xin đấy ư. Cái nhà tưởng niệm liệt sĩ này, cái thư viện xã này, cái sân
cho thiếu nhi chơi này; đến cả buổi liên hoan ngả lợn ngả chó, mừng được công
nhận làng văn hoá... đều kêu gọi hảo tâm của bà con đồng hương đồng khói, dâu
rể ở tận đẩu tận đâu về đóng góp. Chứ cứ đợi dân bản địa thì... đến khuya nhé!
Còn ba cái đồng kinh phí của trên rót về ấy à, liệu có đủ chi cho mấy cuộc họp
của ông làng ông xã? Rồi chi phí đón tiếp, phong bì phong bao cho cấp trên
xuống duyệt ngân sách, sơ kết, tổng kết nữa chứ. Thế nên, bày việc gì ra, mấy
ông làng ông xã chả tính chuyện xin xỏ tài trợ khắp nơi! Huống hồ phận nghèo
như gã...
Trong bếp, tiếng hí hí
của gã vẫn tiếp tục, tỏ ra khoái trá lắm. Gã bảo vợ đưa cái bát. Thì ra, gã vừa
được mụ hàng xóm cho một túi nilon thịt bạc nhạc. Với người giàu có đầy đủ, thứ
này chỉ để cho chó. Nhưng với nhà gã, chỗ thịt này đủ làm nên một bữa thịnh
soạn. Cái nhà con mụ hàng xóm xởi lởi ra phết. Cho dù, chẳng mấy khi gã bỏ qua
dịp chơi khăm nhà mụ. Đôi lúc gã tự bảo, xử như thế cũng không phải lắm. Nhưng
rồi, “tầm cao tri thức” của một kẻ luôn bị bóng tre làng khuất lấp cùng với
thói quen so kè tủn mủn, thóc mách của đất lề quê thói luôn làm gã ấm ức, hậm
hực. Cũng là con người, mà vợ chồng mụ ta trông cứ phơn phớn. Những ngày nghỉ,
chỉ thấy họ chúi mũi trong nhà, cấm có để hàng xóm thấy mặt; chẳng bao giờ thấy
họ thèm bước chân ra đầu ngõ nói chuyện phiếm cùng hàng xóm. Mấy kẻ hay buôn
dưa lê cùng gã thì thầm vẻ chắc nịch: “Chắc
lại làm cái trò con tườu đấy!”. Có thể thế thật. Vì, lúc nào cũng thấy họ
ríu rịu vào nhau. Liệu có lúc nào họ chán nhau không nhỉ? Mụ vợ lúc nào cũng quần
là áo lượt; còn lão chồng thì luôn ngay ngắn, chỉnh trang, trông cứ như đi hội
ấy.
Khác hẳn vợ chồng nhà
gã. Nhất là con vợ gã, trông thật ngán ngẩm. Người thì quắt xà lai như con mắm,
bơi trong cái áo mụ hàng xóm thải cho. Hai ống quần luôn xoắn tít lên như hai
cái lò xo. Chẳng là vợ hắn hay xắn quần để lội ruộng cắt rau cho lợn. Lúc thả
ống xuống, nó cứ cong tớn lên. Khổ nhất là khi vợ gã cất tiếng nói, không khác
gì xé vải. Chứ đâu được êm ái, từ tốn như mụ hàng xóm. Đêm nào gã lên cơn thì chỉ
sùng sục được một tí là ngỏm. Rồi, thả mụ vợ ra ngay. Cái bộ khung của vợ gã
cứng đơ, đụng đâu đau đấy. Sung sướng cái nỗi gì mà âu với chẳng yếm.
Tiếng dao thớt vang lên
bộp bộp. Vợ gã đang hăm hở băm trong bếp. Gã phải chạy ra chợ mua ít hành với
rau sống. Lâu lắm mới có dịp được bữa tươi đây. Cái chỗ thịt bạc nhạc mụ hàng
xóm cho ngon đáo để. Chẳng qua đó là chỗ mỡ dắt của thịt nạc vai, mụ lọc ra. Mụ
bảo, chồng mụ bệnh tim, kiêng mỡ. Chứ gã biết, đồ thừa của nhà mụ còn ngon hơn
chán vạn những thứ hàng cơm bụi dùng moi tiền khách. Bởi chục năm trước đây,
chính gã đã từng mở hàng cơm bụi; dù gã mắc bệnh ho lao; dù tiếng thở của gã
lúc nào cũng khèn khẹt khèn khẹt; dù là ngồi bán hàng ăn, lão luôn miệng khạc
nhổ đờm dãi khắp nhà. Nhưng khi đó làm gì có ai bắt gã phải kiểm tra sức khoẻ
và phải có giấy phép hành nghề đâu cơ chứ! Thấy thiên hạ bung ra mở quán ăn
uống các kiểu, thì gã cũng mở. Cơ chế thị trường mà! Gã nhờ anh em họ hàng vay
tiền ngân hàng. Gã làm ông chủ. Gã thuê một người nấu và mấy con bé người làng
chạy bàn. Cứ nghĩ, thế là hốt bạc. Cứ nghĩ, kiếm tiền dễ như bỡn. Cứ nghĩ, sẽ
giàu lên nhanh chóng. Nhưng rồi chỉ một thời gian ngắn, gian hàng cơm bụi thuê
mặt đường của gã vắng như chùa bà đanh. Bàn ghế bị phủ một lớp bụi dày vì ô tô
chạy vèo vèo trên đường tung đất cát mù mịt. Để tranh giành khách, các nhà hàng
cạnh tranh nhau theo đủ kiểu, kể cả kiểu đồn thổi vào tai nhau đủ các tin thất
thiệt. Đúng có. Sai có. Riêng cái tin về bệnh lao phổi của gã thì đúng đến cả
trăm phần trăm rồi. Không bị lao phổi, sao người lão cứ quắt lại chỉ có da bọc
xương. Hai hốc mắt trắng dã. Da mặt vừa xỉn vừa vàng. Thế là, chẳng mấy ai dám
bước chân vào quán của gã, ngoài những khách qua đường bất chợt. Hết ngày này
đến ngày khác, ngồi đuổi ruồi chán, gã đành gói ghém bát đĩa xoong nồi, rồi là
thìa dĩa ghế bàn, tất tần tật về nhà; khoanh tay bó gối suốt ngày ngồi ngoài
cửa nhìn mọi người qua lại. Không sức khoẻ. Không kiến thức nghề nghiệp. Không
tri thức kinh doanh. Nhưng lại muốn làm ông chủ. Quả là chẳng dễ như gã tưởng!
Cái thời chỉ quanh quẩn đầu làng cuối xóm, gã thấy thằng chó nào chẳng như
nhau; nên gã nghĩ, mình nào kém cạnh chi ai. Giờ là lúc mở cửa. Giờ là lúc sánh
vai cùng thiên hạ. Cái loại nông dân xó ngoại thành đang trên đường thành thị
hoá như gã, mới thay được bộ quần áo trên người đã tưởng làm mưa làm gió với
thiên hạ được. Hoá ra đụng đâu sập đấy... Cũng khó thật!
Gã hăm hở xách túi hành
rau đi về. Còn nhớ mua thêm quả trứng. Làm nem có quả trứng đập vào mới ngon.
Lại nói đến trứng.
Hồi nhà mụ hàng xóm mới
dọn về được nửa năm, gã cứ thấy tức anh ách. Đang dưng, ở đâu về làng này. Lại
ở ngay sát cạnh nhà mình. Nhà thì xây thật cao. Cổng lúc nào cũng đóng kín. Lắm
lúc muốn liếc xem họ ăn thế nào, ở ra
sao, mà không được. Thế là có đêm, ngó nghiêng thấy nhà mụ hàng xóm đã im ắng,
sau một buổi tối khách khứa tấp nập, gã lò dò lùa tay qua khe cổng sắt, liệng
vào chính giữa cửa ra vào nhà quả trứng thối. Bõ tức! Gã lẩm bẩm vậy khi lách
mình qua cánh cổng gỗ đã mục nhà mình. Sáng hôm sau, gã thấy ông chồng mụ hàng
xóm lễ mễ xách nước rửa cửa. Mụ vợ cầm cái chổi rễ, xoa xoa chùi chùi mãi. Mùi
trứng thối mấy ngày sau gió còn đánh thoang thoảng sang nhà gã. Vậy mà tịnh,
không thấy cả hai vợ chồng nhà ấy lên tiếng kêu ca, chửi bới. Khác hẳn những kẻ
ở làng này. Thử đụng vào chúng xem. Chúng chẳng mang ghế ra ngõ ngồi cho đỡ
mỏi; rồi chửi từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều, thậm chí từ chiều cho đến
đêm, là cái chắc! Mà “tuyên ngôn” thì toàn những điều đao búa cả. Nào là, xâm
phạm địa phận. Nào là, xâm phạm chủ quyền. Nào là, ông muốn yên thân mà không
được. Ông sẽ gọi cú gọi cáo moi mắt chúng mày ra. Ông sẽ kêu hổ vồ xé xác chúng
mày ra. Ông sẽ kiện lên ông xã, ông huyện. Xét thấy cần thiết, ông sẽ kêu xa
hơn... Ôi, nhiều thứ đe doạ lắm. Nhưng thực ra, cuối cùng cũng đâu vào đấy,
chúng có làm gì được nhau. Còn với mụ hàng xóm, hôm sau đi làm gặp gã lúc mở
cổng, chỉ phàn nàn không biết đứa trẻ nhỏ nào nghịch ném trứng thối vào nhà,
khó chịu quá. Gã ậm ừ, rồi lảng.
Vợ gã đang hì hụi trong
bếp. Thấy gã bước vào, bèn giằng lấy túi rau, moi ra quả trứng, đập đánh cạnh
một cái vào mép nồi. Rồi vớ đôi đũa quấy tít thò lò, trông như múa. Gã ngồi
nhặt rau bên cạnh. Một lúc sau, mùi nem rán thơm phức cả gian bếp. Vừa lúc,
thằng con út ở ngoài đường chạy về, lấm lem từ đầu đến chân, tay xách mấy con cá
hin hin vừa rô vừa trạch. Hoá ra nó đi hôi cá ở cái đầm sau làng. Cái đầm này
là do mấy người xóm trong đấu thầu nuôi cá đã đến lúc thu hoạch, tát nước từ
sáng qua chắc giờ đã cạn. Hồi đấu thầu, gã được họ gọi cùng vào hội, nhưng gã
ngài ngại. Tiền góp vốn thì có thể đi vay. Kinh nghiệm nuôi cá thì mấy ông đó
không thiếu. Nhưng cái khoản thức đêm thức hôm thay nhau trông coi đầm cá thì
gã ngại thật sự. Mẹ nó chứ, đêm đông lạnh giá, lại còn mưa nữa; đang ngủ trong
chăn ấm, con vợ bên cạnh dù có gầy nhẳng gầy nheo, khi cần vẫn thúc được con cu
vào, không sướng hơn là phải chong mắt ra để dạo dạo canh trộm à? Thằng nào
chịu được thì làm, chứ bố mày chẳng dại! Thôi thà nhịn đói nằm co, còn hơn...
Gã hò con ném dây cá
vào chiếc sành vỡ gần chuồng lợn. Dây cá hin hin này cũng được niêu kho nho nhỏ
đây. Kho mặn lên, chấm mút cũng được đôi bữa, gã thầm nghĩ. Tội gì mà lăn lưng
ra làm. Đấy, không vào hội nuôi cá, mà giờ vẫn có cá ăn. Thằng nào làm thì ăn
cá to. Mình không làm thì mình ăn cá hin hin. Miễn là có cá! Lại đ... phải thức
đêm thức hôm. Mệt xác.
Nghĩ vậy rồi gã bê mâm
cơm lên nhà. Lúc ấy, gã mới rút trong túi quần ra chai rượu trắng nhỏ. Thì ra
gã không quên mua cái món quốc lủi cay cay để hỉ hả nâng lên đặt xuống. Thấy gã
giơ tay với chiếc cốc sành trên bàn nước, vợ gã nguýt dài: “Uống cho nổ cổ ra à? Rồi lại cái chứng lè nhè... Đ... chịu được!”.
Gã hì hì: “Chỉ đồng bạc ấy mà, bằng mớ
rau chứ... đ... gì”. Vợ gã vặc lại ngay: “Mớ rau, mớ rau cái đ... gì. Có sao lại khổ con này đưa đi viện”.
Gã thầm nghĩ, im cho ngon miệng. Nó nói chán, nó thôi. Thằng con ngồi cạnh và
lấy và để. Chẳng một câu mời bố mẹ. Thây kệ ông bà ấy. Bữa cơm nào mà chẳng va
bát va đũa. Chuyện vặt ấy mà.
Mâm cơm đã vãn. Chỉ còn
lại chỏng chơ mấy cái đĩa bát không. Bộ mặt hóp heo của gã đã hồng lên vì hơi
men. Nếu không có hơi men, trông nó y trang một cái đầu lâu vẽ trên những thân
cột điện cao thế. Giống nhất là cái bộ răng hô của gã. Bộ răng vàng khè, chìa
ra phía ngoài, tạo một góc đến bốn nhăm độ so với chiều thẳng đứng. Trông gã
lúc nào cũng như cười.
Gã quay phải quay trái,
chẳng thấy vợ đâu, con đâu. Quái lạ. Con mụ này mang cái giọng xoe xoé đi đâu
rồi không biết. Không bê cái mâm rếch này đi cho khuất mắt. Chắc lại ra ngoài
ngõ “buôn” rồi. Cái loại đàn bà chưa đặt đít đã đặt mồm. Rõ là... Tức nhất là
mỗi tối, khi mình đang ngồi góc đường cạnh nhà, bàn thế sự với cái lão Đễu hàng
xóm, mụ ấy nhảy xổ vào góp chuyện. Có khi gã quát vợ: “Biết cái đ… gì mà nói”. Mụ vặc lại gã: “Việc đ... gì đến ông”. Đôi khi gã im. Cũng có lúc hai vợ chồng đôi
co, ầm ĩ như cái chợ.
Ờ, mà sao lão hàng xóm
nhà mình lại tên là Đễu nhỉ? Nói chệch đi một tí thì là Đểu. Mà lão đúng là đểu thật...
Nhà lão Đễu ngay cạnh
nhà mình. Cái nồi chứa nước đái bằng đất, nó đặt sát bờ rào kề sân nhà mình.
Đêm khuya, mỗi lần đứa nào nhà nó đi tiểu, nước đái bị sục lên mùi khai gắt mũi
hắt luôn vào cửa sổ chỗ mình nằm. Mình nói thì nó bảo, nhà nó, để nồi nước đái
chỗ nào là quyền của nó. Ơ hơ, sao nó ngu thế nhỉ? Mình mới hỏi nó: “Thế ông không biết, tivi nó bảo, ô nhiễm
bầu không khí làm ảnh hưởng đến tất cả mọi người là gì? Đến nước Mỹ to như thế
mà còn bị cái tổ chức gì gì ấy của thế giới, Giao hợp quốc, à... à... Liên hợp
quốc đe phạt vì nhả nhiều khói lên trời, đấy à?”. Đang đôi co, nghe mình
nói nó cười rũ rượi. Mình càng cáu. Giao
hợp hay Liên hợp thì khác đ... gì
nhau. Cùng theo cái kiểu, nhiều thứ hợp lại làm một chứ đ... gì! Rồi không biết
vô tình hay hữu ý, ngay sau đó mấy hôm, nồi đất vỡ, nước đái lênh láng chảy
sang sân nhà mình. Lúc sau, nó chạy sang cười hề hề xin lỗi. Tức như bị bò đá
vào c... mà mình không biết nói sao? Thế mà ngay tối đó nó còn trâng tráo, ơi
ới: “Ông Bụi ơi, sang chơi. Có ấm chè mới
pha”. Biết thừa nó buồn, gọi mình sang nói chyện cho vui. Chứ nước chè nhà
nó ra cái đ... gì. Chẳng khác nước đái bò. Nhưng rồi gã cũng sang. Sang, chứ
ngồi nhà biết làm đếch gì cho hết buổi tối. Điện chỉ dám thắp một ngọn đèn nhỏ.
Tivi cũng thỉnh thoảng lắm mới bật. Dùng nhiều, tiền đâu trả. Mới lại, nó đểu
đấy nhưng nó vẫn còn mời mình sang nhà nó, dù chỉ là ngồi đầu hè, dù chỉ mời
uống cốc nước chè hạng bét. Chứ cái nhà lão hàng xóm mới đến, còn khuya mình
mới được mời vào nhà lão nhé... Ờ, mà lão ấy cũng hay thức khuya thật. Làm cái
chó gì mà suốt tối cứ thấy bóng lão ngồi nghiêng nghiêng ở sau bức rèm cửa sổ,
tay giơ cái gì trông như quyển sách. Đọc đ.... gì mà đọc nhiều thế?
Gã rũ quần đứng dậy. Thây mẹ cái mâm bát rếch này. Để con mẹ nó về mà dọn.
Bố mày xơi giấc ngủ đã. Thằng con giời đánh chắc lại tếch đi chơi rồi.
Nhưng chẳng hiểu sao,
hơi men hôm nay không làm gã ngủ được ngay như mọi khi. Gã đặt đầu lên chiếc
gối quen thuộc. Chiếc gối đen bóng nhẵn. Có lẽ từ khi lồng chiếc vỏ gối này đến
giờ cũng đã mấy năm rồi, chưa một lần vợ gã lột ra để giặt. Gã cũng thây kệ.
Quen rồi. Gã nằm vắt tay lên trán. Mắt cứ mở chong chong nhìn lên trần nhà. Nhà
gã xây được dăm bảy năm nay. Gã giữ còn hơn giữ mả tổ nên trông vẫn sạch sẽ. Gã
đã bán bớt một phần đất ông cha để lại, trả nợ cái đận vay ngân hàng mở quán
cơm bụi. May mà còn có đất để bán, chứ không ngân hàng xiết nợ thì bỏ mẹ. Trả
nợ xong, còn ít tiền, xây mới cái nhà này cho tươm một chút. Nhưng cũng chỉ là
cái xác nhà nho nhỏ thôi. Chẳng thể có tiền để mua sắm thêm vật dụng gì. Ăn còn
chẳng đủ. Ruộng thầu của hợp tác xã mấy năm nay cũng trả rồi. Suốt ngày hai vợ
chồng gã hết ra lại vào. Đấu khẩu chán lại mỗi người một xó. Mấy đứa con gái đi
lấy chồng đã xong phận. Còn thằng út, chưa biết tính sao đây. Không lên nổi cấp
ba. Hai năm nay lêu têu suốt ngày. Nhìn thằng con trai nhà lão hàng xóm mà thêm
ức. Nó kém thằng út nhà mình một tuổi mà to cao vạm vỡ. Chứ đâu loắt choắt đen
đủi như thằng út nhà mình. Đúng là lũ thừa ăn thừa mặc. Có một lần nó suýt đánh
nhau với thằng út nhà mình. Hôm đó, cánh cửa sắt của nhà lão hàng xóm không mở
nổi do thằng út nhà mình chèn hòn gạch vào. Thật ra, thằng con giời đánh nhà
mình sai lè lè ra rồi. Nhưng âu cũng để nó dằn mặt dân tứ chiếng ấy chứ. Ở tận đẩu đâu về làng này, phải biết nhé, phép vua còn thua lệ
làng đấy, con ạ! Mình cũng đã định mang cuốc xẻng ra, “sống chết” với nó. May
mà lão bố nó mát tính, dàn hoà. Hôm sau, biết mụ vợ mình bị cảm, mẹ nó vẫn sang
thăm lại còn cho quà nữa. Thái độ nhũn nhặn ra phết. Ấy nhưng mà chẳng hiểu
sao, hễ nhìn thấy lũ người bên ấy là gã vẫn thấy tức anh ách...
Cứ thế gã suy nghĩ miên
man, rồi lịm dần, lịm dần vào giấc ngủ....
Quái lạ, sao nhiều
chuột thế. Trong căn buồng ẩm thấp của vợ chồng gã lúc nhúc toàn chuột là
chuột. Chuột to. Chuột bé. Chuột đàn. Chuột nhắt. Chúng chạy rần rần đầy sàn,
leo tít cả trên nóc nhà. Chúng xục vào mấy chiếc thúng để đầu giường. Chúng xục
cả vào trạn bát nơi góc buồng. Chúng đánh đu trên sợi dây phơi quần áo sát
tường. Chúng nằm ngửa treo người lên mấy đoạn dây điện vắt ngang lòng thòng
giữa buồng... Rồi, giương mắt nhìn gã. Lại còn vểnh râu ngó ngó nghiêng
nghiêng. Lại còn lũ lượt bò lên người gã. Ôi, kinh khủng quá. Gã giãy dụa, vung
tay, vung chân, nhưng chân tay nặng chình chịch không vung lên được. Gã gào
lên, nhưng tiếng gào không bật ra khỏi cổ họng, cứ ú ớ ú ớ... Chợt một tiếng
“xoảng” ngay bên tai. Gã choàng tỉnh.
Mụ vợ gã đứng lù lù
ngay đầu giường. Hai tay chống nạnh, mắt đang tia vào thẳng mặt gã. Giọng mụ
xoe xoé: “Ăn xong không biết bê mâm ra
ngoài giếng, đã chỏng cu lên rồi. Chỉ biết con này hầu à?”. Thì ra đi
“buôn” về, thấy mâm bát rếch chỏng chơ giữa nhà, mụ ta tức đá veo một phát, làm
mâm bát xô mạnh vào chân bàn nước. Tiếng “xoảng” gã nghe thấy trong giấc mơ
chính là thế. Cảm giác bị chuột bò lên người, chắc là do chất men cay gây ngứa
ngáy rạo rực. Dù rất khó chịu vì cái giọng xoe xoé chói tai của vợ, nhưng gã
vẫn thầm cảm ơn mụ đã kéo gã ra khỏi giấc mơ khủng khiếp; giấc mơ về cái thời
nhà tranh vách đất rách nát, chuột bọ nhung nhúc xưa.
Gã tiếp tục nằm ì trên
giường. Đã quen với thói đành hanh của vợ, cứ nhịn đi là êm xuôi hết. Dù gì,
lúc này gã cũng đang nằm trong một căn nhà mái bằng chắc chắn hẳn hoi. Chuột bọ
cũng ít hẳn chứ không như xưa. Cũng may mấy năm qua có nhiều người trong thành
phố tìm ra ngoại thành ở, nên gã mới bán được đất. Để mà gã có tí tiền xây lại
căn nhà lá. Để mà không phải sống giữa bày chuột bọ lúc nhúc như xưa. Làng gã
cũng vậy, nhiều người cũng bán đất, cũng xây nhà cao cửa rộng đẹp đẽ. So với
gần chục năm trước đây, làng gã giờ khang trang hơn hẳn. Đường xá cũng sạch
đẹp, sáng sủa hơn. Chỉ có điều, đất bán mất rồi chẳng có ruộng cấy cày, mấy
thằng chíp hôi quậy phá quá. Rồi còn rủ nhau hút hít nữa. Không biết cái ông
nhà nước tới đây có triển khai gì để giải quyết nạn “hậu đô thị hoá”, để bọn
chíp hôi ở đây có việc làm? Chẳng khéo mà chúng quậy phá, bán cả nhà cả cửa để
đi ăn mày mất thôi. À, mà phải rồi. Thằng út nhà gã, nếu có lời nhờ vợ chồng mụ
hàng xóm, biết đâu họ chẳng giúp cho đi làm thuê ở một chỗ nào đó. Đỡ lêu têu.
Đỡ hư hỏng. Chứ còn biết nhờ cậy vào đâu nữa. Thế mà gã không nghĩ ra. Thói
đời, kẻ yếu bao giờ chẳng phải nương vào người mạnh. Sao gã cứ ghen tức vô cớ,
hậm hực không đâu thế nhỉ?
Mà suy cho cùng, vợ chồng cái nhà mụ hàng xóm ấy đến đây ở, cũng có gây
hại gì cho gã đâu. Thỉnh thoảng, mụ còn cho chút đồ thừa, đồ thải. Quá tốt! Một
tháng đôi lần, cả nhà gã được bữa nem rán như hôm nay chẳng hơn ư? Chẳng hơn
cái lần, gã đi làm hộ cỗ nhà Đễu ư? Ngồi băm tí thịt, thèm quá, gã nhót ngay
cái tai lợn, cho vào túi áo ngực giấu đi. Lúc giặt cái áo, vò mãi mà vết mỡ
không hết. Tức cả mình.
Cứ vậy. Cứ vậy. Gã nằm
ì trên giường nghĩ miên man...
Chợt có tiếng mở cổng
sắt nhà mụ hàng xóm. Có tiếng ì ì của ô tô đến gần. Gã nhỏm dậy, ngó mắt qua
cửa sổ nhìn ra. Thấy đôi vợ chồng ăn mặc diện lắm, bước xuống xe đi vào cổng.
Tự nhiên, máu trong người gã lại sôi lên. Gã lẩm bẩm: Mẹ nó chứ, trông vênh
vênh vang vang, làm gai cả mắt bố mày! Mà chúng lấy đâu ra lắm tiền thế nhỉ?
Cái ô tô đẹp quá. Điên tiết, ông lại lén chọc cho thủng mẹ nó cái lốp bây giờ!
(*) - Đăng trên http://newvietart.com/index3.6085.htm
- http://vietvanmoi.fr/index3.8186.html
- - In trong tập Nốt nhạc trầm, Nxb Hội Nhà văn
2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét