Thứ Hai, 15 tháng 12, 2014

Đừng “đẽo cày giữa đường”(*)

Ảnh minh họa
Nhằm mục tiêu tiết kiệm, chống lãng phí, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã đề nghị các sở GD&ĐT chỉ đạo các phòng Giáo dục, các trường và các cơ sở giáo dục tuyên truyền vận động phụ huynh và học sinh sử dụng lại sách giáo khoa cũ. Đây thực sự là một chủ trương đúng, góp phần giảm tải gánh nặng chi phí cho các gia đình nghèo trong bối cảnh giá cả leo thang và lạm phát gia tăng.
Tuy nhiên, cách đây không lâu, trước thực trạng sa sút của ngành Giáo dục, Bộ GD&ĐT đã quyết định triển khai kế hoạch rà soát, đánh giá lại chương trình và nội dung của bộ sách giáo khoa hiện hành (CT-SGK). Đối tượng tham gia đánh giá CT-SGK là tất cả giáo viên và học sinh của 64 tỉnh thành, từ lớp 1 đến lớp 12. Bên cạnh đó, Hội Cựu giáo chức, Hội Khuyến học, Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam cũng tham gia độc lập đánh giá.
Việc đánh giá lại CT-SGK của Bộ là nhằm khắc phục tình trạng quá ôm đồm của chương trình; nội dung kiến thức quá nặng; một bộ sách giáo khoa không phù hợp với tất cả các vùng miền, dẫn tới tình trạng học sinh bỏ học; bản thân nhiều giáo viên cũng chưa đủ năng lực đáp ứng yêu cầu…
Theo ông Nguyễn Anh Dũng - Phó viện trưởng Viện chiến lược và Chương trình giáo dục (nay là Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) thì, phải có khoảng thời gian 3 năm mới có thể đánh giá lại thật chính xác, khoa học CT-SGK. Và, một giáo viên để làm quen được với CT, SGK mới phải mất ít nhất là 3 năm.
Chỉ nói riêng về kế hoạch và thành phần tham gia đánh giá lại CT-SGK, đã thấy một khối lượng công việc quá đồ sộ mà ngành Giáo dục phải tiến hành. Hiện, bên cạnh việc chạy “nước rút” kết thúc năm học, tất các các sở GD&ĐT, phòng Giáo dục, trường phổ thông trên cả nước phải tổ chức không biết bao nhiêu hội thảo để đánh giá, góp ý về CT-SGK. Lẽ tất nhiên, sau đó sẽ phải có những hội nghị tổng kết, xin ý kiến chuyên gia, các nhà khoa học… để đi đến hoàn chỉnh CT, SGK chuẩn.
Trong khi chờ đợi kết quả của đợt đánh giá và hoàn chỉnh CT, SGK chuẩn, có vẻ như một giải pháp “cấp bách” đã được đưa ra: từ năm học 2007-2008, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương sử dụng lại SGK cũ; được phép chủ động bố trí nội dung và thời lượng dạy học xê dịch linh hoạt trong một phạm vi nhất định!? Với giải pháp “xê dịch linh hoạt” nội dung và thời lượng dạy, nhiều người đã đặt câu hỏi: Không biết các địa phương sẽ tự xác định “phạm vi nhất định” của mình rộng bao nhiêu chưa?
Chưa biết kết quả thu được từ những chỉ đạo trên của Bộ GD&ĐT sẽ như thế nào thì, đến thời điểm này, SGK mới với giá bán tăng gần 10% so với năm học trước đã có mặt tại các cửa hàng sách - thiết bị giáo dục.
Xem ra, hiện đang có quá nhiều bài toán nan giải được đặt ra cho ngành GD&ĐT. Và, với cách làm, vừa muốn hoàn thiện một CT, SGK chuẩn; vừa muốn sử dụng SGK cũ để tiết kiệm; vừa yêu cầu các địa phương “xê dịch linh hoạt” nội dung và thời lượng giảng dạy như thế, liệu có khác gì cách làm “đẽo cày giữa đường”?
Báo An ninh Thủ đô, 12/5/2008

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét