Thứ Tư, 3 tháng 12, 2014

ĐỂ ĐẾN... NƠI ĐẾN(*) - (Tiếp theo)

CẢNH BỐN

            Phía cuối đồi Trăng gần sát núi Chẹn, đất đỏ mới được san ủi phẳng lì. Khu đất ở của gia đình ông Thư đang bộn bề gạch ngói, gỗ luồng… Sát trong là phên liếp che làm lều tạm trú.
            Nửa đêm về sáng, trời tối sẫm. Tiếng tắc kè khắc khoải từ xa. Tiếng gió hun hút làm trời lạnh càng lạnh. Trong lều, ông Thư cời lửa sưởi. Lại tiếng tắc kè, tiếng gió u u làm cho ông có lúc run lên.

 Ông Thôn: (Lom khom rình mò, theo dõi ông Thư. Nhiều lúc gió phả lạnh rúm người, nhưng cố bám sát, xét nét ông Thư. Rồi tự nói với mình).
            Ta theo dõi từ lúc nửa đêm gà gáy
            Xem ông ta lo âu than thở những gì?
            Cứ lặng im… Lặng im…
            Kìa, ông ta cời lửa. Chắc lạnh lắm, mới phải cời sưởi ấm!
Ông Thư: (Không hay biết có người rình mò theo dõi mình)
            Càng trông sáng, trời càng lâu sáng
            Mắt chong chong giữa sương lạnh rợn người.
            Khắc khoải tiếng tắc kè, quạnh hưu núi đồi,
            Càng tê buốt, nghe vách đá u u tiếng gió.
Ông Thôn: Đó, ông này bắt đầu than thở,
            Thở than gì? Thì đã run sợ quạnh hưu.
            Run trong sương đêm, sợ tiếng tắc kè kêu,
            Lại ghê cả từ vách đá, u u tiếng gió.
            (Phía ngoài gió lộng rít lên từng trận).
Ông Thư: Gió! Càng sương nặng lại càng nhiều gió,
            Gió mang hơi lạnh từ sông Mã thổi lên…
Ông Thôn: Đó, cứ nói cứng nữa đi! Ông ta đã sợ cả gió từ sông Mã thổi lên…
Ông Thư: Gió! Gió!... (Gió càng rít mạnh vào vách đá u u)
            Ta nghe gió có tiếng nói riêng,
            Tiếng nói tâm tình của thiên nhiên vẳng lại
            Gió nói gì nhỉ?
            A, gió nói: Từ trong hoang dại,
            Đất hồn nhiên sẽ trả ngãi cho đời.
            Từ giọt sương buông lạnh buốt núi đồi,
            Sẽ vàng ruộm những cánh đồng rực rỡ.
            Gió nhắc ta!
            Người trồng lúa biết nghe từ lòng đất
            Bông lúa ẩn mình đợi những bàn tay
            Đất ở đâu, nơi đó xanh mướt những hàng cây
            Người yêu đất, đất ân tình đơm trái…
Ông Thôn: Ông Thư nói gì?... Nghe gió tâm tình?...       Vớ vẩn thật!
            Sao không thở than việc dời nhà chuyển cửa,
            Hay sợ nói ra, người khác lắng nghe?
Ông Thư: Trong cuộc đời, điều đáng để lắng nghe,
            Là chính lúc lòng mình tha thiết nhất!
            Dỡ nhà… ngói gạch, rui mè… tất cả dù tan tác…
            Dù mảnh đất này, giờ hoang dại buốt chân tay
            Nhưng để quê mình mạnh bước tới tương lai,
            Tâm vẫn vững, chí không sờn, ta bước qua hoang dại.
            (Ngừng một lát, như nhớ nhung)
            Ôi… bỗng nhiên như thấy bóng ông Thôn!?
Ông Thôn: (Giật mình) Ông ta thấy mình chăng? (Rúm người nghe ngóng) Không! Ông ấy nhắc mình thôi!
Ông Thư: Ông Thôn có phẩm chất sáng như gương,
            Tấm lòng tận tụy với xóm với thôn…
Ông Thôn: Đúng là thế! Tôi có quản gì vất vả sớm hôm,
            Coi sóc việc chung như việc nhà mình!
Ông Thư: Nhưng đến ngã ba đường chung rộng mở
            Ông chợt đắn đo, không hiểu rõ lòng mình…
            Không thấy tiền đồ… mà chỉ thấy bóng đêm
            Ông lẻ loi trong quạnh hưu giá buốt.
Ông Thôn: Ái dà! Ông ta lại nói về việc chuyển xã,
            Thôi ông ơi, chính ông chẳng vừa run vừa sợ…
            (Bỗng có tiếng động, lắng nghe).
Hảo: (Đi lại gần, gọi) Thày ơi, thày ơi…
Ông Thôn: (Nghe tiếng Hảo) Tiếng con Hảo nhà tôi rồi! Nó đi tìm, nó đi tìm… (Nhìn quanh) Phải lánh đi kẻo nó thấy!
Hảo: (Ra) A bác Thư, bác Thư ơi!... Thày cháu…
Ông Thư: Trời, cháu Hảo. Đêm hôm giá buốt, có việc gì mà cháu tới đây?
            Ngồi đây sưởi với bác cho ấm đã. (Kéo Hảo ngồi xuống cạnh mình, âu yếm) Nói bác nghe nào?
Hảo: Cháu đi tìm thày cháu. Bác ơi, cháu khổ…
Ông Thư: Suốt ngày qua, thày cháu chưa về lúc nào sao?
Ông Thôn: (Lại lần mò ra, lo lắng, thì thầm với chính mình) Đừng nói! Hảo, chớ nói cho ông ấy biết.
Hảo: Bác ơi, cả ngày qua thày cháu...
Ông Thôn: Hả, mày vạch áo cho người xem lưng… hả?
Hảo: Bác ơi, suốt ngày qua thày cháu trốn ở nhà,
            Mà chính cháu cũng không hay biết.
            Lúc mẹ cháu về kể chuyện rút thăm nhận đất,
            Chuyện bác dỡ nhà trước nhất để lên đồi,
            Thày cháu ngẩn ngơ, thày cháu thở dài…
            Thày cháu lầm rầm: Phải viết đơn xin thôi chân đội trưởng.
            Rồi, thày cháu đi tìm bác lúc lên đèn thôn xóm,
            Mẹ con cháu ngồi chờ… khuya cứ khuya thêm.
            Mẹ cháu khóc… cháu phải đi tìm,
Giờ thì… tăm cá bóng chim…
Ông Thư: Thì ra… mãi chập tối thày cháu mới ra đi.
            Nhưng tới lúc này, đơn không tới, mà người cũng bặt tăm!
            Thày cháu đi đâu? Giờ đang làm gì?
            Hảo ơi, theo bác thì… cháu cứ yên tâm,
            Người như ông Thôn, không thể vì cá nhân… bỏ Đảng bỏ nhà…
Ông Thôn: (Phía ngoài, giật bắn mình) Vâng! Tôi không thể nào bỏ Đảng bỏ nhà. Nhưng mà…
Ông Thư: Ta sinh ra bên dòng sông quê, nên rất rõ điều này:
            Sông Mã lúc chảy dịu dàng, khi cồn sóng dữ,
            Nhưng chẳng bao giờ có con nước ngược dòng xuôi!
            Cháu Hảo ơi, cuộc đời này cũng thế
            Chẳng ai tách được mình ra khỏi hướng đi chung.
            Cháu hãy yên tâm, chờ thày cháu xuôi dòng
            Cùng tập thể dựng xây quê hương giàu đẹp!
Nào, bây giờ cháu kể bác nghe. Bởi vì đâu thày cháu định làm dòng nước ngược?
Ông Thôn: (Rầm rì) Nó thì hiểu làm sao được lòng tôi mà nói chứ?
Hảo: Thày cháu nói, vì cuộc sống no ấm của bà con
            Thày cháu lo thôn xóm sẽ nát tan…
Ông Thôn: Đúng! Đúng! Con nói trúng tim gan của thày đó.
Ông Thư: Không, thày cháu đã mượn cái vỏ bề ngoài
            Nào vì bà con, nào vì tập thể
            Để che đi ý định bên trong: ích kỷ, cá nhân.
            Thế nên tầm mắt của thày cháu quá ngắn quá gần,
            Đã bị vườn cam nhỏ giữ giam chân lại…
Ông Thôn: Hừ, ông Thư ơi, ông nói thế thật không phải,
            Một khu vườn, chứ vài chục khu tôi cũng chả tiếc đâu.
Ông Thư: Thật lòng thì…Phải bỏ khu vườn ai chẳng tiếc
            Phải nói là tiếc đớn tiếc đau!
            Ai nói không, chỉ là người nói dối.
            Bác cứ suy mình ra, ngẫm có lúc lòng như xát muối,
            Này nhé:
            Sách bút quần áo cho cháu cho con, trông ở cái vườn,
            Rượu thịt khi giỗ ngày tết, cũng nhìn vào đó.
            Chỉ nửa sào vườn trong xó… còn hơn tròn mẫu ruộng đồng xa!
            Nửa sào vườn mỗi năm cho ta… tiền triệu đồng là ít!
            Thế nhưng…
            Mỗi đồng tiền chính là mỗi bàn tay chủ nghĩa cá nhân,
            Nó biến ta thành con gà trong vườn bới quẩn
            Phải chặn ngay nó lại,
            Hãy cất cánh bay ra với bãi dài đồng rộng,
            Cất cánh trên con đường sản xuất lớn mênh mông…
            Bác nói có đúng không, cháu Hảo?
Hảo: Thưa bác, có thể thày cháu nghĩ quẩn, nhưng lại nói tránh đi.
Ông Thôn: Chao! Con tôi nó nghĩ về tôi thế đấy! Ví tôi có tiếc khu vườn thì… tôi giữ để cho ai?
Ông Thư: Cháu ạ, chính bác đã cố nén đi nỗi đau quặn ruột,
            Bởi cái ích kỷ cá nhân lừa dối
            Nó ngụy trang bằng màu sắc hư danh sáng chói:
            “Nào năng suất Lộc An ta bảy tấn - hecta - năm
            Nào mức ăn đầu người bình quân tháng hai chục cân
            Nào tổng sản lượng Lộc An hơn một nghìn tấn thóc
            Trong hàng huyện, Lộc An sáng như ngọc!
            Đấy, điều bác nói có đúng chăng?
            Nếu cứ tự hào với thành tích hôm qua
Nguy cơ tụt hậu thật khó nhận ra.
            Bát cơm sẽ vơi dần, bởi dân số sinh sôi
            Và bảy tấn - hec ta cũng sẽ là lạ hậu
Nên mỗi người cần phải thấu chủ trương
            Chuyển xã là để cuộc sống đi lên
            Để đói nghèo hết nguy cơ rình rập.
            Chuyển xã còn để ta có thêm năm chục hec ta đất
Cùng một trăm hec ta cũ, huyện trả cho ta.
            Tương lai sáng lạn đang mở ra… trước mắt,
            Nếu ta biết chung lo, hãy dẹp đi điều nhỏ nhặt!
Ông Thôn: (Ôm đầu) Ối ối, các ông thật phiêu lưu.
            Các ông làm ăn không tính toán nhiều chiều
            Nguyên diện tích cũ đã làm tối mày tối mặt,
            Giờ lên trăm rưỡi hec ta, mà lao động vẫn chẳng hề thêm thắt,
            Đến mùa gặt, sẽ tính ra sao?
            Khi đống rơm cao lại càng cao
            Còn bồ thóc thì vơi sát đáy!
Hảo: Bác ơi, theo bác thì nên thế nào về cái việc thày cháu xin từ chức!?
Ông Thư: Vậy ý cháu thì nên giải quyết thế nào?
Ông Thôn: Ừ, xem con tôi nó ăn nói làm sao?
Hảo: Dạ thưa bác, cả thời gian dài thày cháu làm đội trưởng
            Bà con xã viên luôn tán thưởng khả năng.
            Nhưng giai đoạn mới này e… thày cháu khó đảm đương.
            Không chỉ chưa nhận rõ con đường làm ăn lớn
            Mà còn trình độ kỹ thuật, sức bật dẻo dai
            Thày cháu khó đáp ứng kịp thời.
Ông Thôn: Tức thị con tôi nói… tôi rút lui là phải?...
Ông Thư: Bác thì bác nghĩ… trái lại!
            Thày cháu là người có phẩm chất sáng trong,
            Và khả năng thì… vẫn còn đất để vươn xa
            Xã chủ trương khoanh mười hecta
            Để gieo trồng giống ngô lai mới
            Muốn thành công, mọi người đang mong đợi
            Thày cháu ra tay!
            Và từ thắng lợi này
            Chăn nuôi sẽ trở thành ngành mũi nhọn.
            Nhưng mấy ngày nay, bác và cả Đảng ủy đều thấp thỏm
            Tìm cách kéo ông ấy về cùng hợp sức tiến lên!
Ông Thôn: Hừ, con đẻ ra thì không tin bố,
            Ông Bí thư Đảng ủy lại vẫn tin mình…
            Lá đơn này… (Đang băn khoăn thì…)
Ông Kế: (Lén lút ra, vấp phải ông Thôn. Cả hai đều giật bắn mình) Ai, ai vậy?
Ông Thôn: (Nhỏ giọng thì thào) Ai, ai thế?
Ông Kế: Ối, ông Thôn! Ông…
Ông Thôn: (Bịt miệng ông Kế) Ông Kế, khẽ cái mồm chứ! (Chỉ vào phía ông Thư) Đi đâu mà đêm hôm…
Ông Kế: Còn ông, đi đâu mà cũng lặn lội đêm hôm?
Ông Thôn: Lên đồi này xem… trong lạnh buốt gió sương,
            Ông Thư có thật lòng mình khi chuyển đến. (Hỏi ông Kế) Còn ông?
Ông Kế: (Lảng) À… (Né người chắn mắt ông Thôn, để ông không nhìn thấy những cọc, vồ, hom rau ngót mang theo lỉnh kỉnh bên người)…
Ông Thư: (Nghiêng tai nghe ngóng, nói với Hảo) Quái lạ, ngỡ là tiếng gió? Cháu thính tai nghe xem, có phải tiếng người?
Hảo: Vâng… tiếng người. Tiếng hai người thì thầm rất khẽ…
Ông Thư: Đúng là kẻ gian. Kẻ gian mới thì thầm lén lút… (Cầm cái gậy lăm lăm).
Ông Thôn: (Hỏi sát tai ông Kế) Nói tôi nghe nào… ông mang cọc này, vồ này đi đâu, hả? (Nhìn kỹ) A, cả hom rau ngót, ông mang đi đâu?
Ông Kế: Chẳng giấu gì ông, tôi mang những của này đi
            Trước là, trấn an bờ cõi
            Sau là, để trồng… rồi nhoáng cái có rau ăn.
Ông Thôn: Nói rõ xem nào… (Chỉ tay về phía ông Thư) Mà khẽ mồm chứ!
Ông Kế: Chả rằng phần đất của tôi mới nhận,
            Định trồng hom rau ngót làm hàng rào ranh giới đất đai.
Ông Thôn: Thế đất nhà ông sát với đất của ai?
            Nhưng… không có mặt người ta, sao sòng phẳng được?
            (Quay ra nói một mình) Á à… cái lão này mượn đêm đen như mực,
            Để mưu toan lấn đất người ta…
Ông Kế: (Quay đi, nói một mình) Cái lão Thôn này tinh quái như ma,
            Không nói thật thì đâm ra rắc rối! (Nói với ông Thôn)
            Ông Thôn ơi,
            Cảnh nhà tôi đông hơn nhà bà hàng xóm mới,
            Xin ông ngơ cho… Vâng, đúng là nhằm lúc đêm đen
            Ranh giới có cong vênh thì… ai biết! (Nói to hơn)
            Ai biết đâu rằng…
Ông Thư: (Từ nãy rình nghe, xác định chỗ có tiếng nói, lao mạnh chiếc gậy vào) Này!...
Ông Kế: (Bị ném trúng người, kêu lên) Ối! (Rồi ôm cọc vồ, hom rau bỏ trốn. Ông Thôn cũng vội vã trốn đi).
Ông Thư: Kẻ gian thật rồi! (Với Hảo) Cháu ra ngay trạm gác, bảo anh Huy đi lùng bắt mau.
Hảo: Vâng! (Chạy vào).
            (Tiếng gà râm ran từ phía bờ sông vọng tới, làm ông Thư rạo rực. Trời sáng dần, quang mây, báo hiệu có nắng).
Ông Thư: Mạn đông đã hồng lên rồi. Chắc hôm nay nắng ấm.
            (Tiếng ồn ào phía ngoài dội vào. Người từ dưới xóm tràn lên, tốp năm tốp ba ríu rít vui vẻ. Kẻ gồng người gánh, người vác luồng, người khiêng gỗ… Họ dừng trước lều ông Thư. Ông Thư lùi vào một góc ngắm nhìn).
Bà A: Bà được đất số mấy ạ?
Bà B: Mười hai. Số mười hai. Đâu bảo gần đường ra cửa hàng mua bán. (Nhìn lều ông Thư) Tội ngiệp ông Thư, ở đây xa quá!
Bà C: (Nói với sang) Tôi mười một, hàng xóm rồi. Có bát canh bát cháo, gọi nhau qua bờ rào nhé!
Cô A: Đội Năm chỉ cách đội Bốn một trục đường.
Cô B: Đội tao láng giềng, sát nách với đội mày. (Với một anh) Đây, thăm của tôi đây này. Thích quá, nằm gần câu lạc bộ xã.
Anh A: (Xem lá thăm) Thật rồi, thật rồi. Thích nhỉ!
Cô B: Thì tôi có nói dối đâu cơ chứ. Còn đất của anh, nằm ở chỗ nào?
Anh A: Bên cô “thích quá”. (Tinh nghịch) Nằm sát nách cô.
Cô B: Trời đánh nhà anh, ỡm ờ…
Bà xã viên giáo dân: (Với một cô) Cô ạ, lạy Chúa! Thì ra cái chị kỹ sư máy kéo ấy quý hóa quá; hẹn cho tôi mấy cây dừa ở quê chị ấy, lại bảo sẽ gánh sang đây tự tay trồng đấy. Chả biết chị ấy có biết mảnh hai - tám - hai là nhà tôi không?
Ông Bõ: (Xuất hiện cùng ông Trùm. Lấm lét) Giê-su-ma!
Bà xã viên giáo dân: Ông cũng lên xem chúng tôi chuyển nhà à?
Ông Bõ: Bề trên  bảo lên xem bà con mình có cần giúp đỡ gì không?
Bã xã viên giáo dân: Cảm tạ bề trên. Công việc ở đây có huyện có xã lo cho rồi. Chu tất lắm ạ. Lạy Chúa, cái đáng lo nhất thì hết lo, nhà cửa dỡ ra bộn bề là thế mà chuyển lên đây không thiếu cái rui, viên gạch. Thợ hàng huyện có khác, giỏi quá, ông ạ!
Ông Bõ: Giê-su-ma (Quay nhìn ông Trùm. Thở dài) Ai dà. (Làm dấu).
Ông Trùm: Thế là chỗ ở an ổn rồi.
            Chỉ khổ mỗi lần về chầu Chúa xa xôi, (Với bà giáo dân)
            Hay là nhà thờ…
            Con chiên ta xin tự nguyện chuyển lên đồi
            Cho hợp cả lẽ đời lẽ đạo…
Bã xã viên giáo dân: Con chiên chúng tôi thì sao cũng được. Ông cứ về xin lời Cha xứ, xem người dạy thế nào?
Ông Trùm: (Ngắm đồi cao) Ờ ờ… nhà thờ đặt trên đỉnh đồi cao kia thì… thật là quang ráo,
            Chúa chăn chiên ắt đẹp dạ vô cùng.
Bà xã viên giáo dân: Thưa… chỗ ấy bảo cất nhà câu lạc bộ xã rồi!
Ông Trùm: Ta chả xin, chứ xin thì xã đâu có tiếc! (Thở dài)
            Chỉ e việc lễ Chúa xa xôi, bà con mình sớm hôm tất tưởi…
Ông Thư: (Ra) Nào, mời bà con vào gia đình tôi uống nước nào.
Mọi người: Vâng… vâng… Chào ông. (Tiếng chào hỏi lao xao, ồn ã).
Hảo: (Ra, nói với ông Thư) Cháu đã báo với anh Huy rồi, bác ạ!
            Anh Huy và mấy anh dân quân tức tốc đi lùng.
Ông Thư: (Chỉ bà con vui chuyển nhà. Với Hảo) Hảo, cháu thấy không?
            Khi mọi người có sức mạnh của tinh thần làm chủ
            Khó khăn mấy vẫn hớn hở tiếng cười.
            Chủ trương chuyển xã đúng là hợp lòng người
            Nên dù vất vả bà con ta vẫn vui như hội!
Điển và Quý: (Cùng ra. Với ông Thư) Chào bác ạ!
Ông Thư: Chắc đêm qua họp khuya hả?
Điển: Vâng! Có đại diện Huyện ủy chủ trì hội nghị. Bên Lâm Yên đã vui vẻ trao cho mình một trăm rưởi hec ta.
Ông Thư: Thế là ta thêm được năm chục hec ta, ngoài diện tích cũ. Nhưng gánh thêm số đất này cũng khá nặng với xã mình. (Vẫy gọi) Nào, các bạn trẻ… tất cả các bạn trẻ lại đây!
Nhiều thanh niên: (Cả Thao, quây lấy ông Thư, vui vẻ).
Ông Thư: Nào, ta quây quần lại đây, bàn chuyện mới này,
            Một cơn gió mạnh sẽ làm chao đảo chúng ta đây… (Cười)
            Chuyện là thế này,
            Huyện vừa điều chỉnh cho ta thêm năm chục hec ta
            Tức, cả diện tích đất trồng trọt cũ
            Ta có trăm rưỡi đồng xa đồng gần
            Lao động thì… chẳng hề tăng.
            Vậy, làm cách nào
            Để đạt năng suất cao?
Một anh: Đào gấp con mương từ Lâm Yên để lấy nước. Thanh niên chúng cháu xin ký cược làm ba ca!
Mọi người: Đúng… đúng!
Một cô: Phát động nhà nhà hiến kế, đẩy năng suất lúa vượt báy tấn-hecta!
Mọi người: Rất đúng!
Thao: (Kéo Hảo) Việc bón chăm, trại ta làm đầu mối cung cấp được không?
Hảo: Được lắm chứ!
Mọi người: Hoan hô!… Hoan hô!...
Thao: Nhưng cô Hảo lại không muốn công tác ở xã nhà. (Nhìn Điển)
            Anh Điển này, trại ta lớn mà thiếu kỹ sư giỏi
            Cánh trung cấp tôi sẽ không làm nổi
            Anh phải làm sao giữ cô ấy ở đây!
Ông Thư: Bác cũng góp một tay, được chứ?
Quý: Còn cày bừa? Không cày bừa máy không xong!
Mọi người: Ừ, không thể xong!
Điển: Ta sẽ lên yêu cầu trạm huyện
            Điều cày bừa máy cho ta.
            Nếu vì chậm ký kết hợp đồng, trạm huyện chịu bó tay
            Thì bà con ta phải có ngay phương án mới.
Ông Thư: Yên tâm! Bước đầu này, huyện sẽ đỡ cho ta phần lớn
            Còn phần ta, phải lo lập đội cày bừa máy từ giờ.
Quý: (Giơ tay) Cháu xin đi học!
Ông Thư: Được!... Còn bây giờ… sắp vào vụ cày bừa
            Nên anh Điển phải cùng cô Thúy bàn bạc...
Thúy: (Gánh mấy cây dừa giống ra) Chào bác, chào các anh các chị.
Quý: Ôi, chị Thúy thiêng quá. Vừa nhắc đến chị xong.
Điển: Cô gánh dừa đi đâu thế?
Thúy: Anh ạ, chẳng rằng hôm nọ đi chào hỏi bà con đội Bốn,
            Thấy bà Ba giáo dân nhà cửa neo đơn
            Nên hẹn là gánh khóm giống dừa sang
            Gọi là góp chút màu xanh nho nhỏ.
Điển: Thế là cô ươm màu xanh đầu tiên lên đất mới xã chúng tôi đây.
Thúy: Nếu đúng thế thì kỷ niệm này sẽ xanh tươi suốt cuộc đời tôi.
Hảo: Chị có phóng to kỷ niệm lên không thế, hả chị?
Thúy: Tôi là người không ưa nói trái lòng mình.
Ông Thư: Đồng chí Thúy biết việc huyện điều chỉnh cho xã chúng tôi thêm năm chục hec ta ruộng rồi chứ?
Thúy: Dạ, cháu đã được huyện thăm dò ý kiến rồi
            Thêm diện tích ấy thì xã ta vuông vắn… tuyệt vời
            Có đủ núi sông, đồng bãi, thung đồi…
Ông Thư: Nhưng việc cấy cày, trong lúc chúng tôi chưa lo kịp?...
Thúy: Việc này huyện đã giao cho trạm chúng cháu lo rồi,
            Chỗ nào cần là mày cày xuất hiện kịp thời.
            Để chủ động, cháu đã nhờ nông trường sông Chu giúp sức
            Các đồng chí bên ấy hứa giúp cật lực khi cần!
Ông Thư: Cám ơn đồng chí Thúy. Đồng chí thật là vất vả với xã chúng tôi.
Thúy: Bởi chính cháu rất mong xã ta mau tiến tới
            Xây dựng thành công mẫu hình mới cho khắp vùng.
            Phần riêng, cháu cũng muốn góp phần,
            Đưa vùng đất hoang trở thành bức tranh tuyệt đẹp.
            Và tháng sau… huyện cho cháu đi nước ngoài học tiếp,
            Máy gieo, máy cấy… để hiện đại hóa công việc làm ăn.
Thao: Chị đi có lâu không?
Thúy: Cũng đến ba năm.
Huy: (Từ ngoài gắt gỏng) Ông phải vào đây đã. (Kéo ông Kế ra) Đây, người lén lút thầm thì đây. (Nói với ông Thư) Thưa bác, cháu bắt quả tang. (Quăng cọc vồ, hom rau ngót xuống đất, rồi chỉ tay vào cái ghế) Ông ngồi xuống đây!
Ông Kế: (Làm vẻ cứng) Thì ngồi…
Huy: Tên ông là gì nhỉ?
Ông Kế: Anh làm cái trò gì thế? Ừ… tôi là Kế… Hoàng Đình Kế.
Huy: Không phải! Tên ông là Cú… Hoàng Đình Cú. Cú thì mới đi ăn đêm chứ!
Ông Kế: Anh không được nói bậy.
Huy: Bậy à? Vậy hỏi ông, sao đêm hôm ông lại đi đóng cọc, trồng hàng rào hả?
Ông Kế: Tôi có quyền. Vì đất của tôi!
Huy: Ối giời ơi, mời các ông các bà lên mà xem đất của ông ấy thế nào. Ông ta có quyền sửa vênh cả vạch vôi của ban Kiến thiết. Người ta phân chia thẳng tắp, nhưng ban đêm ông ta biến đám đất vuông vắn là thế, (Giơ hai tay minh họa) thành cái phễu lộn ngược, các ông các bà ạ!
(Mọi người cười ồ lên, làm ông Kế ngượng).
Huy: Đồng bọn ông còn ai nữa?
Ông Kế: Đồng bọn nào?
Huy: Lúc đêm có nhiều tiếng thì thầm ở đấy, đồng bọn ấy là ai?
Ông Kế: Không được nói bậy. Tôi nói với ông Thôn.
Ông Thư: Thật không? Thật ông Thôn không?
Ông Kế: Thật! Ông Thôn lên đây nghe ngóng xem ông có vui hay là… buồn bã than thở gì không.
Ông Thư: Thì ra thế!
Hảo: Thế thày cháu đâu?
Ông Kế: Chắc ông ấy về nhà rồi.
Hảo: (Với ông Thư) Bác ơi, cháu về tìm thày cháu.
Ông Thư: Ừ, cháu nên về. Rồi bác sẽ đến nhà chơi.
Hảo: Vâng ạ. (Chạy vào).
Huy: Ta lại vào việc. Ông Cú, à ông Kế này. Lại hỏi ông, giả thử có thằng cha nào đem cọc đóng vào đất nhà ông, rào giậu trên đất nhà ông, thì ông gọi thằng cha ấy là gì nhỉ?
Ông Kế: Thì tôi gọi thằng cha ấy là ăn cắp!
Huy: Câu trả lời tuyệt hay. Thế thì chính ông là… là... ăn cắp đấy!
Ông Kế: Anh không được nói láo. Anh dám bảo tôi là ăn cắp hả?
Huy: Thế thì gọi là gì, thưa ông?
Ông Kế: Là nhầm, nhầm vì… tối quá, tôi không thấy rõ!
Huy: Xin tuyên bố: Tịch thu vồ cọc với hom rau ngót này.
            Còn ông, về đi gặt ngay. Tơ mơ là không được!
Ông Kế: Thì anh làm gì tôi nào? Ừ, tôi thách anh làm gì tôi đấy!
Huy: Á à, nói cứng hả? Được, tôi sẽ hành động trước và giải thích sau. (Lấy chiếc cọc đặt trước mặt ông Kế, rồi lấy vồ đóng).
Ông Kế: (Giật bắn người) Ớ… (Buộc phải đứng dậy, lùi) Ớ…
Huy: Thách hả? Này!... (Lại lấy cọc đặt trước mặt ông Kế, đóng cho đến khi ông Kế vừa kêu “Ớ… ớ…” và lùi hẳn. Mọi người cười ran).
                                                                      Màn hạ

 (*) Sách “Lộng Chương - Để đến… Nơi đến”, Nxb Sân khấu, 2013.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét