Lộng Chương - 1937 |
Họ đã thản nhiên kéo lê đời họ dưới những ánh đèn màu của
các tiệm nhảy, qua những nơi địa ngục của trần gian, trong những đêm u tối dày
đặc mây sầu.
Họ dấn thân vào những nơi đó mê mải quá, khiến ta có thể lầm
tưởng họ là những kẻ chán đời ghê gớm, đang đi tìm sự quên lãng cho tâm hồn.
Không! Họ chỉ là những thanh niên vô tư hơn ai hết; họ
chưa một lần nào vấp phải sự thất bại của đời người; và, họ chưa hề biết đến sự
khó khăn, cực nhọc của cuộc sống.
Họ hăm hở đi tới những nơi trụy lạc để lấy tiếng. Vâng, để
lấy tiếng “ăn chơi”, để “bằng anh bằng em”. Sự đua đòi này mới thảm hại làm
sao! Họ đi đến chỗ làm băng hoại đạo đức một cách hớn hở, thanh thản quá; khiến
ta có thể băn khoăn, tự hỏi: Phải chăng, đấy mới là cuộc sống đích thực của
thanh niên bây giờ?
Phần tôi, thật sự dè dặt không dám khẳng định điều này. Bởi,
nhiều khi tôi cũng thấy có những người nghĩ đến tình yêu chân chính. Tuy nhiên,
với cách sống như hiện tại của họ, chính họ đã tự cản trở mình tiến tới hôn
nhân - là thành quả của ái tình.
Ngày xưa các cụ không hề biết và không bao giờ dám nghĩ tới
sự tự do kết hôn. Hôn nhân bao giờ cũng tự quyền cha mẹ. Cha mẹ chọn sao, con
phải nhận vậy. Cha mẹ đặt đâu, con phải ngồi đấy. Mong muốn biết được dung nhan
của hôn thê là một sự rất hiếm có ở thời xưa, mong hiểu được tính tình lại càng
khó khăn hơn.
Nhưng bây giờ thì khác hẳn. Nào tự tìm lấy vợ. Nào tình
yêu phải đi trước hôn nhân. Nào đả đảo lễ nghi… Nào… Nào… Còn gì nữa?
Và đây, kết quả của những tư tưởng văn minh ấy: bỏ nhà
cùng đi trốn, theo trai, quyến rũ, giết người, vì chẳng được cùng nhau kết tóc
thì cùng nhau tự tử…
Những tin ấy nhan nhản trên các báo hàng ngày, làm ta khó
chịu và thương hại cho sự mưu tính gàn dở và a dua của những cái đầu u tối.
Tôi cũng đã được biết đến những tình yêu nồng nàn lắm qua
những bức thư tình thống thiết - vâng rất thống thiết. Đấy là một vài tình yêu
“tiêu biểu” trong đó có vài lời dọa nạt rất “say đắm”.
Tỉ như: Nếu anh không lấy được em, anh thề sẽ chẳng lấy
ai! Hay: Nếu tôi không lấy được cô, tôi thề sẽ phát quy y cho rảnh kiếp. Ghê gớm
hơn nữa: nếu em không nhận lời, anh sẽ tự tử cho thoát kiếp đau buồn!
Khiếp!
Tôi vừa lo sợ thay cho những con người ấy, và cũng thương
hại cho họ. Tôi không ngờ cái chí khí của những trang nam tử lại chỉ có thể làm
được những việc nhu nhược vô lý hết sức kia!
Tôi lo sợ thay cho họ, vì dù sao chết đi cũng uổng mất một
đời. Và, sống bao giờ cũng có nhiều điều thú vị hơn
Nhưng tôi nhầm và cũng thẹn quá chừng: Vì chẳng ai làm
sao hết. Họ không bao giờ chịu ở vậy, cũng như không bao giờ chịu cắt tóc đi
tu. Và họ vẫn sống nguây nguẩy như thường.
Sao họ lại có thể ủy mị một cách tức cười như thế nhỉ? Việc
gì phải dùng đến những lời thống thiết có sẵn đó để kêu van hay ăn mày lấy một
chút tình thương! Họ nói những câu như thế vì thấy đã có người khác nói. Họ chỉ
khác người ở chỗ, không dám làm theo những điều mình nói.
Mà nếu họ nói sao làm vậy thì có phải còn được người đời
ban cho chút lòng thương hại không?
Rõ ràng, chỗ này là ảnh hưởng của tiểu thuyết ngôn tình tạp
sáo!
Tâm hồn đám thanh niên này bị “tiểu thuyết hóa”quá mạnh.
Tiểu thuyết đã tạo ra những mơ mộng về cuộc sống mà ở đó họ quỳ dâng trái tim
mình cho giai nhân. Họ sánh vai cùng người đẹp đi trên những tầng mây cao, có
ánh trăng huyền ảo và gió thoảng bay. Và họ mộng tưởng rằng, mình có thể uống
nước lã để sống và yêu!
Một lần nữa - xin lỗi các bạn - tôi thật sự thương hại những
linh hồn yếu đuối dễ bị lay động vì những mơ mộng hão huyền kia!
Những người này một khi đối mặt với cuộc sống eo hẹp, khó
khăn, sự thực đau đớn của cuộc đời, và phải gánh vác một gia đình, họ sẽ nhanh
chóng chán nản, gục ngã. Trước, họ luôn nghĩ cuộc đời là một giấc mơ. Họ biết
đâu cuộc đời thực chỉ là một chuỗi dài những khó khăn, phiền phức, gian nan… đến
mức nhiều khi không chịu nổi!
Họ sẽ không chịu được những điều đó. Vì đời họ giống như
cây tầm gửi, sống bám vào một cây to. Họ chưa hề biết tới sự khắc nghiệt của
mưu sinh. Và chắc chắn là họ sẽ đổ oán hờn vào đầu vợ con, vào cái gia đình mà
họ đã gây dựng nên. Hạnh phúc vì thế mà sẽ bị mất mát, gia đình sẽ bị tan vỡ.
Nhưng nếu ta biết coi những khó khăn gian nan là sự thường,
cứ vui vẻ ham mê làm việc, giữ gìn sự êm ấm trong gia đình và sự hòa hợp của
tình yêu thương, thì không có một khó khăn nào không thể vượt qua. Cuộc sống của
bạn sẽ hết sức nhẹ nhàng, không một chút nặng nề, hạnh phúc gia đình sẽ bền vững
đến ngàn năm.
Và tâm hồn bạn sẽ nảy nở sự sung sướng tràn đầy.
Vậy các bạn hãy cùng tôi đi tìm một cuộc đời đúng đắn. Bắt
đầu: Sự chọn lựa người vợ, chúng ta nên nhường quyền cho cha mẹ. Ta nên tin ở sự
tinh tường của các bậc bề trên. Vì tính tình nông nổi, bồng bột của tuổi trẻ có
thể làm chúng ta sai lầm lắm chứ!
Nhưng ta muốn tìm ở người thiếu nữ những điều kiện gì? Nhan
sắc nhé! Cái đó cũng có phần cần thiết. Nhưng trước hết phải là người con gái thùy
mị, đoan trang và rộng lượng.
Vì những đức tính đó là cần thiết cho sự êm ấm trong gia
đình, cho sự hòa hợp của vợ chồng, cho nền hạnh phúc chung của gia đình.
Các bạn chắc cũng muốn biết tính tình của người con gái sẽ
là vợ mình, để liệu bề xử trí, xếp đặt lại cuộc đời trong tương lai. Cha mẹ nào
có cấm đoán bạn trao đổi tâm tình, nếu bạn tỏ sự rõ ràng, thẳng thắn, nghiêm
trang của lòng mình, và cả sự đoan chính của vị hôn thê.
Sau hết, tình yêu trong bạn có thể là một cơn gió mạnh,
và cơn gió mạnh đó chỉ nổi dậy trong giây phút, để dễ dàng tan biến vào hư vô. Nếu
vậy, tôi nghi ngờ sự lâu bền, vững chắc của thứ tình yêu bồng bột ấy.
Tình yêu chỉ nên êm ả như một làn gió nhẹ, kín đáo như một
làn hương lan. Làn gió nhẹ thơm mát say sưa ấy sẽ mãi mãi phảng phất trong bầu
trời. Làn hương ấy tuy nhẹ nhưng rất trầm và kín đáo, để có thể làm nguồn
thương vĩnh viễn trong tâm hồn.
Như thế, tình yêu sẽ ở lại mãi trong lòng và sự sung sướng
sẽ tràn ngập gia đình bạn.
Sự hạnh phúc sung sướng ở chính trong lòng mình nhiều lắm.
Hãy tận hưởng nó. Sao lại cứ đi tìm những cái nhỏ nhặt, tầm thường của cuộc sống
bên ngoài!?
Ảnh chụp trên báo Đông Pháp |
(*) Đông Pháp, Thứ năm, ngày 8 Aout năm 1940, Tr4. Bút danh: Lộng Chương; Sách “Lộng Chương - Để đến… Nơi đến”, Nxb Sân khấu, 2013.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét