Lời NXB:
“Để đến… Nơi đến” là vở kịch cuối cùng của
Nhà soạn kịch Lộng Chương. Vở được khởi bút vào năm 1996. Tuy nhiên, cho đến
khi tác giả qua đời (26/6/2003), vở “Để đến… Nơi đến” vẫn chưa được hoàn thành.
Lý do bởi sức khỏe không cho phép ông thực hiện xong ý định của mình.
“Để đến… Nơi đến”
đề cập tới viễn cảnh đổi thay tại một vùng nông thôn nước ta vào đầu Thế kỷ
XXI, khoảng những năm cuối thập niên thứ ba. Viễn cảnh đổi thay chỉ được tác giả
dàn dựng thoáng qua ngay khi vào kịch, để hướng người đọc (người xem) quay trở
lại những vất vả khó khăn ở thời kỳ đầu thực hiện chuyển đổi cách làm ăn “Để đến”
cái đích là “Nơi đến”.
Khó khăn chưa
thấy từ trên trời đổ xuống, cũng chưa thấy từ phía kẻ thù; mà, qua 5 cảnh kịch
ta mới biết từ người dân, từ ông đội trưởng sản xuất, từ vị chức sắc nhỏ trong
nhà thờ Thiên chúa giáo gây nên.
Đương nhiên sự
thắng lợi đạt được là do sức mạnh vượt
trội từ đông đảo cán bộ các cấp và người dân trên địa bàn - nguyên nhân tất yếu,
ta từng gặp trong mọi tác phẩm văn học kịch và ngoài đời.
Mặc dù “Để đến
… Nơi đến” chưa trọn vẹn, song nó đã mở hướng đi khá rõ cho câu chuyện. Cho dù
đến cuối thập niên thứ 3 - Thế kỷ XXI này, ta chưa thấy vùng nông thôn nào đạt
tới viễn cảnh đẹp như trong kịch bản, thì điều đó cũng chẳng đáng phàn nàn. Bởi,
sự lãng mạn nhìn nhận tương lai của Nhà soạn kịch Lộng Chương là phù hợp quy luật
phát triển xã hội. Và, ta rất nên trân trọng ý tưởng Tác giả, khi ông hạ bút khởi
thảo kịch bản này đã ở tuổi 78, mà sức khỏe thì suy giảm nhiều!
Nhà xuất bản
cho in “Để đến… Nơi đến” trong Tập kịch này cũng là thuận theo nguyện vọng của
những người thân trong gia đình Nhà soạn kịch Lộng Chương!
CẢNH
MỘT
Khoảng đầu Thế kỷ 21. Năm…
Vào một
ngày cuối đông, thời tiết đã chuyển sang lập xuân.
Gian
phòng lớn của nhà Câu lạc bộ trên đồi Trăng, xung quanh đều lắp kính; đóng kín
vào mùa đông, mở rộng vào mùa hè. Tại đây, trên đồi cao nhìn cảnh trời đất lung
linh như bức tranh thủy mặc. Đó là những ngọn đồi nhấp nhô được điểm trang từng
đường bậc đá và các hàng cây; là những dãy cột điện truyền thanh - tiếp hình;
là những ngôi nhà màu trắng màu hồng, tầng thấp tầng cao, dựa bên sườn đồi. Xa
hơn, là những mỏm núi cao mờ tỏ khác nhau, là ngọn tháp nhà thờ Thiên chúa
giáo, là bầu trời trong xanh, gợn mấy dải mây bông;… tạo nên một khung cảnh hài
hòa, làm hưng phấn lòng người.
Gian phòng được dọn quang bàn ghế,
làm nơi tập một điệu quần vũ của thanh niên nam nữ công nhân bến cảng, chuẩn bị
cho buổi lễ mừng xuân sắp tới.
Bến cảng Lộc An ở dưới chân đồi, bên
bờ sông Mã (được coi như ở phía khán giả).
Từ cảng đi lên Câu lạc bộ bằng hai
đường hai bên nách tiền diện sân khấu.
Sát tường khung kính, một tấm rèm mỏng
màu cẩm thạch, buông từ cao xuống, che gần một phần ba sân khấu; phía bên tường
trống, bày mấy chậu xương rồng hình thù gai góc; bên trên treo dòng chữ CÂU LẠC
BỘ.
Phía ngoài, trên cao treo tấm biểu
ngữ: MỪNG TỔNG SẢN LƯỢNG VƯỢT CHỈ TIÊU NĂM…
Trước sân khấu: Từ góc hố nhạc vươn
lên một cần cẩu màu xanh đậm; ngay sát ngoài biên là mấy cột neo tàu chạy dài
(hai nét này có thể sử dụng cố định suốt vở diễn).
Khúc nhạc khởi tấu: “Dòng sông
xanh”.
Dàn nhạc và nhóm ca múa Câu lạc bộ
là những cán bộ kỹ thuật, công nhân nông trang và bến cảng; theo nghề nghiệp mà
phục trang cho thích hợp: thủy thủ, hoa tiêu, công nhân máy kéo, cần trục, nữ
kiểm nghiệm viên hàng xuất và nhập…
Dàn nhạc tấu tiếp đoạn khai từ.
Một thanh niên, trang phục hoa tiêu
tiến ra khỏi dàn đồng ca.
Hoa
tiêu:
(Giọng trầm vang, lĩnh xướng)
Vấn Từ những thời nao, sông Mã ơi!
Dòng xanh cuộn
sóng nước trôi xuôi
Bến xưa heo
hút nay thành cảng
Nghe tiếng
còi reo, sông có vui?...
(Lùi trở lại
dàn đồng ca)
Đồng
ca:
(Tiếng hát dòng sông làm nền cho múa Dòng
sông xanh)
Dòng sông tụ
hội dòng người
Nước trôi in
bóng cuộc đời bấy nay…
(Một đợt sóng xanh biếc)
Bạch Từ núi thẳm băng miền sóng cuộn
Ngày lại
ngày năm tháng trôi theo
Tiếp
đồng ca: Núi xưa vách đá cheo leo
Đồi xưa mòn
mỏi hắt hiu nắng vàng
Đau lòng nước,
võ vàng lòng đất
Sống cùng
nhau, khó gặp được nhau…
(Dòng sông xanh khởi diễn: “Xuân phả”
biến tấu, theo “Hò sông Mã” cải biên cho múa)
Đồng
ca:
(Mạnh) Giận
hờn mặt ủ mày chau
Tung
bờm sông Mã phi vào biển khơi…
(Khoan thai) Người ơi thấm tạ tình người
Đất
hoang gặp nước bởi người mà nên
(Tha thiết) Lòng sâu nước đã vượt lên
Thấm
vào lòng đất trao duyên mặn nồng
(Bừng sáng) Đồi xưa nay đã nên đồng
Sáng
trưng núi biếc ánh đèn kết sao;
Bến xưa thành cảng dập dìu
Bóng
lồng gương nước đoàn tàu ngược xuôi…
Đổi
thay từ ở tay người
Đưa
dòng sông với núi đồi vào xuân…
(Dòng
sông lững lờ êm ả)
Tiếng
hò đơn: (Hò sông Mã)
Qua
đông rồi mới vào xuân
Đường hoa
còn lắm bước chân ngập ngừng
Như
con sóng quẩn ngược dòng
Sông trôi nước
cuốn, sóng lừng trôi theo…
(Bến trưởng, đồng phục tím, mũ lưỡi
trai trắng, râu mép xén gọn, trông rất nghịch, từ cảng đi nhanh ra).
Bến
trưởng:
Hay lắm! Hay lắm! (Cuộc diễn tập dừng)
Mọi
người:
Đồng chí Bến trưởng…
Bến
trưởng:
Hoan hô đội hợp xướng “Dòng sông xanh”!
(Vỗ tay. Mọi người nhảy múa theo)
Thôi nhé. Buổi tập luyện tạm dừng!
Chuyến tàu hàng đã sẵn sàng rời bến. Các đồng chí công nhân, hoa tiêu, thuyền
trưởng, hãy chuẩn bị lên đường!...
Mọi
người: Rõ!
(Mọi
người rút. Bến trưởng đứng nhìn theo. Bỗng tiếng kèn đồng inh ỏi điệu tập hợp. Bõ
nhà thờ - thường gọi Bõ già, hoặc Ông Bõ, xuất hiện trên thềm ngoài đầu cầu
thang, với chiếc kèn đồng treo trước ngực. Bõ già đầu đội mũ nồi đen, giày vải
cao cổ, áo dài màu đen bạc; ngoài mặc thêm chiếc áo gi-lê cụt tay hai thân đen,
khoang trắng vòng quanh cổ, nên trông như con quạ).
Bõ
già: (Chắp kèn lên
ngực, cung kính) Trình bề trên… chỉ huy bến…
Bến
trưởng:
Ông bõ già, ông muốn gặp ai? Hay ông định đi đâu?
Bõ
già:
Trình bề trên, tôi lùa đàn dê cung cấp xuống tàu… Bỗng nghe nhạc tấu từ Câu lạc
bộ thiếu tiếng kèn đồng, nên xin vào để thổi.
Bến
trưởng:
Ông nói sao? Ông xin vào đội nhạc?
Bõ
già:
Trình bề trên… (Vỗ nhẹ chiếc kèn trên ngực)
Chiếc kèn này, tôi thổi gọi đàn dê. Nhưng trước kia tôi thổi trong đội kèn
nhà thờ. Những buổi lễ Đức Chúa giáng sinh, những ngày lễ rước, tôi thổi bài
“Kính mừng”… (Nghiêm trang vung kèn như
múa, tiến bước từ tốn quanh phòng, phùng má thổi điệu kèn lễ… Bến trưởng mỉm cười
nhìn Bõ già. Vừa lúc, nữ Giám đốc Mục trường Thao cùng Viện trưởng Hảo và con
gái - Phó tiến sĩ Thùy Liên, vui vẻ từ cảng đi lên.
Thao - tóc hoa râm búi gọn sau gáy,
bịt khăn len vuông màu hoa cà, áo bludông tím nhạt, quần màu hạt dẻ, đi ủng dạ
ngắn.
Hảo - tóc ánh bạc, búi cao; áo măng
tô màu nâu nhạt, áo vét trong màu gạch, quần dạ ghi, giày đen thấp gót, cổ quấn
thõng chiếc khăn len màu hoàng yến.
Thùy Liên - quần len trắng ống hơi
loe, áo len cổ cao màu đỏ pháo, cổ thắt nơ màu tím sáng, mũ len màu trắng, đi
giày đỏ, tay xách máy quay phim nhỏ)
Bến
trưởng: (Trông thấy ba người,
ngăn Bõ già lại) Thôi… hãy dừng lại, ông Bõ. (Bõ già bị chặn, thổi tóe lên một tiếng kèn dài; mở to mắt thấy ba người,
vội hạ kèn treo trước ngực, kính cẩn).
Bõ
già: (Với Thao)
Trình bề trên… bà Giám đốc Mục trường Sông Mã…
Thao: Chào
ông Bõ!
Bến
trưởng: (Tiến lại Hảo) Thật
vinh hạnh… Chào đồng chí Viện trưởng…
Hảo: Chào
anh Huy… Bến trưởng!
Bến
trưởng: (Với Liên) Chào
cô Thùy Liên, Phó tiến sĩ thủy điện tân khoa (Hôn tay Liên).
Thùy
Liên:
Ôi chú! Má con cháu với chú đâu phải là khách, mà chú quá trịnh trọng vậy? Xin
chú cho được xưng hô thân mật…
Thao: Như
thế tốt hơn. Chớ coi nhau là khách để phô trương bằng cấp, chức quyền…
Bến
trưởng:
Xin hoan nghênh ý kiến. Ý của các bà là ý của thánh thần thượng đế…
Thùy
Liên:
Nhất là ý kiến của cô Thao… hẳn còn hơn ý Chúa đấy, chú ạ.
Thao:
A,
con bé… đáo để nhỉ… (Với Bõ già) Ông
Bõ hôm nay cũng đến Câu lạc bộ… thổi kèn?
Bõ
già:
Trình bề trên… Giám đốc! Tôi mới đến xin… Bẩm… chả là sáng nay tôi lùa dê xuống
tàu, được nghe các bề trên đàn hát, làm tôi nhớ đến chiếc kèn đồng đã sao nhãng
bấy nay…
Thao: Sao?
Thế không phải ông thổi kèn trên núi hàng ngày?...
Bến trưởng: (Xen vào) Đó là kèn chăn
dê. Còn đây là kèn thổi dâng Đức Mẹ…
Hảo: (Từ nãy vẫn nhìn Bõ già. Với Thao) Chị
Thao, có phải ông già là Bõ nhà thờ hàng xứ?
Thao: Ông ta đấy!
Bõ già:
(Với Hảo) Lạy
Chúa tôi! Bà là cô kỹ sư Hảo ngày xưa?
Hảo: Ông còn nhận ra
tôi?
Bõ già: Trình bề trên,
tôi quên sao được cái đận chuyển cư… (Lại
nhìn nhanh Liên). Bẩm, còn quý cô đây chắc là ái nữ? Cầu Chúa ban phước
lành… quý cô lại đậu bằng tiến sĩ!
(Thùy Liên từ nãy vẫn đứng nhìn ông Bõ chằm chằm).
Thùy Liên: (Với mẹ) Má!... Ông già
này thật ngộ, nhất là lúc thổi kèn. Để con nói với ông thổi lại… Con sẽ quay
phim. (Quay qua Bõ già) Ông già… Ông
gì nhỉ? À, Bõ già, đúng chứ ạ?
Bõ già: Trình quý cô,
Bõ là… trước kia tôi hầu Cha xứ, và giữ việc báo lễ gióng chuông…
Thùy Liên: À… Giống như
“Người gù Nhà thờ Đức mẹ thủ phủ Ba Lê”. Ông có biết không, đó là tác phẩm của Văn
hào Pháp Vích to Huy Gô.
Bõ già: Trình bề trên,
tôi không biết ông Gô ông Gù nào cả. Mà đã từ lâu tôi không còn là Bõ.
Thùy Liên: Bây giờ ông
chăn dê cho Mục Trường… kiêm làm trò thổi kèn cho Câu lạc bộ?
Bõ già: Trình quý cô,
tôi không làm trò… Tôi thổi kèn thờ.
Thùy Liên: À… phải, xin lỗi
ông. Thổi kèn thờ không phải là làm trò. Ông thổi kèn… hay qua!
Bõ già: (Khoái) Hề… trình bề trên… lại khen!
Thùy Liên: Ông vui lòng cho
nghe thổi lại…
Bõ già: (Sung sướng, kính cẩn) Trình bề trên đã
dạy, tôi không dám trái. (Trịnh trọng múa
kèn, chuẩn bị thổi. Liên cũng chuẩn bị máy quay phim. Bõ già phùng má khởi động,
vừa được một tiếng “omoét”, thì có tiếng gọi rất đanh dưới cổng).
Tiếng gọi: (Nữ kim cao) Ông
Bõ ới!...
Bõ già: (Giật
thót người, sững lại) Lạy Chúa, vợ tôi!
Vợ
tôi nó tìm (Lồng tiếng gọi “Ông Bõ ới!”)
Vợ
tôi nó gọi
Tôi
đành chịu lỗi
Không
thổi được kèn.
Trình
với bề trên
Thứ
cho khi khác…
(Lại tiếng gọi “Ông Bõ ới!”. Bõ
hấp tấp chạy ra, đưa kèn lên mồm thổi. Từng nhịp nghe thành câu: “Tôi về… Tôi
về đây!”. Xuống thang vừa khuất thì tiếng kèn ngắt quãng thành: “Te tò -Tôi
về…”. Thùy Liên mới đầu ngạc nhiên, sau bật cười, đi ra trông theo. Huy cũng
tiến ra với Liên).
Thùy Liên: (Quay lại nói với Huy) Lạ nhỉ! Một nghệ
sĩ kèn đồng lại vô cùng sợ vợ.
Bến trưởng: Úi! Ông ta sợ vợ
hơn là sợ Chúa!
Thùy Liên: (Cười, nhìn nhanh Thao. Kéo Huy ra một
góc) Thế
chú có sợ cô Thao không?
Bến trưởng: (Làm bộ cứng rắn) Không!
Thùy Liên: Chú giỏi thật!
Bến trưởng: Giỏi gì?... Bởi
bà ấy là chồng! (Hai chú cháu cười khúc
khích).
Hảo:
(Từ nãy vẫn im lặng, bỗng lên tiếng) Ông Bõ giờ khác
hẳn. Tôi nhớ ngày xưa… ông ta lặng lẽ như cái bóng…
Thao: Thì đúng, ngày
xưa hắn chỉ là chiếc bóng lặng thinh. Còn hành động múa may là tự ở cái hình…
Hảo: Hình với bóng
sao lại xa nhau được nhỉ? Hừ, một Bõ nhà thờ bỏ đi lấy vợ. Vợ ông ta là ai?
Thao: Vợ hắn là một cô mụ,
Hiện
là người vắt sữa ở mục trường.
Hai
vợ chồng cùng rời chốn thánh đường…
Tự
nguyện đi lao động để mong phần xác cùng phần hồn được cứu rỗi!
Hảo: Mới hơn hai mươi năm mà quê hương ta bao nhiêu thay đổi!
Thùy Liên: Má nói sao? Hơn hai mươi năm mà thay đổi có bấy nhiêu?
(Hảo chưa kịp trả lời con, thì Huy đã nói).
Bến trưởng: Cháu ơi!...
Có
biết ngày xưa, mới thấy rõ ngày nay đổi khác!
Má
cháu và cô chú đây là những người lớp trước
Đã
cùng làng xóm quê hương hợp sức dựng cơ đồ
Từ
bàn tay không với lòng tin tưởng vô bờ…
Từ
người kỹ sư nông nghiệp đầu tiên (chỉ Hảo)
và cũng là độc nhất
Của
quê ta khi còn là Hợp tác
Được
cử về thực tập tại xã nhà, lại gặp đúng lúc chuyển cư…
Đến
con người tiến sĩ (chỉ Liên) cũng trở
lại chính quê
Để rồi
đây bắt sông Mã cấp thêm sức điện!
Hảo: Lại cả một lực lượng đông đảo công nhân, kỹ sư, thuyền
trưởng…
Đã đẩy
sức sống bến sông xưa thành bến cảng thanh xuân.
Bến
này xưa ngày đêm quạnh vắng…
Chỉ
một con đò chở khách quá giang!
Bến trưởng: Chị Hảo ạ,
Xin
mời chị và cháu đi tham quan bến cảng
Tôi
sẽ trình bày kế hoạch mở rộng nay mai…
Hảo: Cảm ơn anh Huy! Má con tôi vừa từ bến cảng lên đây…
Thùy Liên: Chú ơi! Cả buổi sáng nay cô Thao đã đưa má con cháu đi
thuyền buồm ngược dòng sông Mã.
Bến trưởng: Để tham quan hay đi khảo sát?
Thúy Liên: Chưa phải khảo sát dòng sông, mà là khảo sát tâm tình…
(Vẻ mặt say sưa, từ nói đến
ngâm)
Chú
ơi! Gió căng cánh buồm
Ngược
dòng sông xanh…
Ôi! Dòng
sông sao mà trong xanh
Xanh như đồi núi lam xanh
Xanh như lúa đồng uốn quanh
Xanh như cỏ xanh mượt mà
Quê hương ta thật là tuyệt đẹp!
Bến trưởng: (Cười) Cô cháu chuyên gia thủy điện của tôi lại làm thơ…
Thao: (Cũng cười) Một bài thơ màu xanh!
Thùy Liên: Cô chú ạ… Thơ là nhạc điệu tâm tình
Tình
cảm quê hương càng vô cùng sâu đậm
Thao: Cháu mới thấy vẻ đẹp của màu xanh trời đất…
Còn
cái đẹp qua các công trình
Do
lao động và cả sức đấu tranh mới có…
(Dắt Thùy Liên đến vén tấm rèm lớn, chỉ ra
ngoài. Khung cảnh thiên hiên hoành tráng hiện lên).
Từ
chân núi Eo kia, cháu đã thấy màu xanh
Nhưng
chưa thấy những sắc màu thảm cỏ sống động bên trong
Những
điểm nâu, vàng, đen, trắng, di chyển thong dong
Của
đàn bò sữa, đàn dê Mục trường Sông Mã…
Gần
núi Chẹn lớp lớp mái xây, ống cao khói tỏa
Là những
nhà máy chè, hoa quả, thịt sữa… vây quanh
Trên
núi Eo, cột tháp tiếp hình
Với
cột truyền thanh đưa tin đi khắp nẻo…
Kia
trường học cấp ba, kia khu mẫu giáo…
Cháu
có thấy chăng?
Thùy Liên: Cháu thấy chứ cô!
Không
phải bây giờ mới thấy, mà thấy từ xưa
Từ
những năm còn quàng khăn đỏ
Rồi
sáu năm cháu xa xứ sở
Nay
trở về… sự đổi thay thật quả không nhiều!
Thao: So với ngày
xưa… hay so với những nơi nào?
Thùy Liên: Ngày tít xưa…
thì cháu chưa biết ra sao!
Thao: Phải, cái ngày
xưa cô nhắc, còn chưa có cháu
Ngày mà má cháu còn là cô Hảo…
(Vừa
lúc, ông Kế hấp tấp xách con cá từ cảng đi lên. Râu tóc ông hoa râm, đội mũ
biên phòng, áo bành tô tím bạc, ống quần đút vào ủng cao su).
Ông Kế:
(Chưa đến nơi đã nói, ra bộ khẩn trương, quý hóa)
Các vị ở đây! Các vị ở đây!
Thế mà tôi đi tìm khắp chốn, khắp
nơi… khắp… khắp…
(Cúi
chào Hảo)
Kính chào bà Viện trưởng… Viện
Nông nghiệp tỉnh ta.
Kính chào cô Thùy Liên, một ngôi
sao sáng quê nhà
Phó tiến sĩ chuyên khoa thủy điện…
Kính chào hai vị Giám đốc Mục
trường và Bến cảng…
Thao: À ông Kế… Ông
xách cá đi đâu?
Ông Kế: À vâng… (Nhưng lại quay qua Liên)
Cô Phó tiến sĩ chưa hay… để tôi
nói rõ tình đầu…
Tôi là Kế!
Tên là Kế nên cũng hay bày mưu
tính kế…
Hì… đó là chuyện ngày xưa!
Còn
bây giờ tôi phụ trách trại “giang ngư”
Hì…
Giang ngư là cá sông! Chả là cá cũng có nhiều loại: cá sông, cá đồng, cá bể… (Với vợ chồng Huy) Xin phép hai đồng chí
Giám đốc.
Chả
là tôi được tin bà Hảo cùng ái nữ Phó tiến sĩ mới về
Tôi
chạnh nhớ đến cái ngày… xa tít xa tắp, cái ngày chuyển cả xã đi…
Ngày
mà bà Hảo còn là cô… kỹ sư thực tập!
Ngày
ấy, câu chuyện rối tinh. Tôi vốn trọng người khoa giáp…
Nên
đã đem đến mừng con cá chép câu sông…
(Hát)
Hì…
Cá xưa biếu chẳng thực lòng
Cá
nay… thành thực đem mừng tân khoa. (Đưa
cá cho Liên).
Thùy Liên: (Ngỡ ngàng, nói với
mẹ)
Má!
Con không sao hiểu nữa!
Nào
chuyện chuyển cư, lại thêm chuyện cá…
Cả
chuyện đổi thay của ông Bõ nhà thờ
Mà
hình như… mọi người đều là người trong chuyện ngày xưa.
Chuyện
ra sao… hả má?
Hảo: Chính là chuyện mà cô Thao con vừa nhắc đến.
Thùy Liên: Và cô Thao là người trong chuyện?
Thao: Không, cô chỉ là người chứng kiến…
Ngay
tại ngọn đồi này… Bây giờ là đồi Câu lạc bộ “Dòng sông xanh”
Nhưng
xưa chỉ là ngọn đồi hoang trong dãy đồi Trăng…
Màn hạ
(*) Sách “Lộng Chương - Để đến… Nơi đến”, Nxb Sân khấu,
2013.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét