Chủ Nhật, 14 tháng 11, 2021

CHUYỆN NHẶT DỌC ĐƯỜNG (5)

Đi dạo đến một ngã tư trong khu đô thị, thấy góc đường đối diện khá đông đúc hàng quán, mình mò sang. Hỏi:

- Em ơi, chỗ này mới có mấy hôm nay à?

- Không cô ơi, có từ mấy đợt giãn cách trước cơ - Cháu gái bán đồ hải sản trả lời.

- Ơ, sao cách đây mấy hôm, cô cũng lượn chỗ này, mà không thấy.

- Hic... những lần 2 cô chú đi dạo, rồi chụp choẹt góc đường có mấy cây hoa kia, chúng cháu đều để ý. Gớm, các cụ mải mê quá, chả nhìn thấy ai. Thế hôm nay mua gì cho chúng cháu đê...

- Ừ, hôm nào có khách cô sẽ qua mua. Chứ nhõn 2 cụ, chả ăn hải sản đâu... Cảm ơn nhé.

Chào cô bé lẻo mép, mình lượn luôn suốt cả dãy chợ, mới thấy rằng, dân mình cũng rất biết nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh.

Đây là dãy biệt thự liền kề, chắc chắn đã có chủ. Nhưng vì nhiều lý do, họ mua xong mà vẫn để hoang lâu nay. Trước dịch, có nhiều người thuê làm dịch vụ sửa chữa - rửa xe hơi, làm trường mầm non tư thục, dạy Anh ngữ... hoặc các chủ xây dựng thuê cho thợ ở.

Rơi vào khủng hoảng do dịch phải giãn cách, các dịch vụ kia "chết" đứ đừ, đành trả mặt bằng. Nhưng lại có một thứ dịch vụ khác, nếu biết làm, thì sẽ không bao giờ chết. Đó là dịch vụ cho cái bụng của mỗi người dân trong bữa ăn hàng ngày. Con người ta muốn sống để làm việc, thì không thể không ăn. Thế nên, các bạn kinh doanh ở chợ truyền thống bị giải tán, đã tóm lấy cơ hội "chết" của những dịch vụ nọ, để duy trì "sự sống" của dịch vụ mình làm. Và thế là, lực lượng chức năng khó bắt bẻ, khi họ đang "bán hàng mang đi" ở ngay nhà mình (thuê), và đảm bảo yêu cầu chống dịch...

Rõ ràng, rủi của người này đã chuyển thành may cho người khác.

Nhưng lúc nào cũng luôn có một lực lượng "ăn theo", là những người bán hàng rong, tìm cách ngồi vỉa hè nơi đó, bán nải chuối, túm tỏi, mớ rau, vài quả trứng gà... Cuối cùng là, lại hình thành một kiểu "chợ truyền thông", để rồi chính quyền sở tại tiếp tục có cớ để "thực thi công vụ"...

Khu mình ở có rất nhiều biệt thự liền kề để không như vậy. Trong khi, chủ đầu tư vẫn đang triển khai xây dựng và rao bán nhiều khu biệt thự khác. Bất động sản luôn là bức tranh nhiều gam màu sáng tối, phơi bày thực trạng: Kẻ ăn không hết, người lần không ra...

Cứ ngẫm về chênh lệch giàu nghèo ngày càng xa cách, mình hay đùa với ông hàng xóm: Khá khen thay cho cái ông râu xồm, vẽ ra được viễn cảnh của thế giới đại đồng: Ai cũng được sung sướng, làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu... Vui thật!



14/11/2021

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét