Truyện ngắn Giang Trung Học
Tôi gặp anh sau mấy năm thủ đô Hà Nội được giải phóng theo quy định của Hiệp nghị Giơnevơ. Chúng tôi học cùng lớp trong trường đại học. Tôi từ một trường nữ sinh tên tuổi bậc nhất Hà Nội được tuyển chọn vào. Anh ở lớp bổ túc văn hoá cấp tốc dành cho cán bộ kháng chiến và con em họ được gửi đến. Chúng tôi thực lòng yêu nhau vào giai đoạn đầu năm học thứ hai. Yêu mà chỉ đôi lần dám nói nhỏ lời "anh yêu em", "em yêu anh"; hoặc ngồi chỗ vắng, cũng chỉ chạm nhẹ vào nhau, hay cầm bàn tay nhau đã là táo tợn. Ngày xưa tình yêu đẹp thường bộc lộ đến thế thôi. Còn thì chúng tôi tìm nhau qua ánh mắt nhiều hơn. Cặp mắt từ ngượng ngùng, lảng tránh, đến đắm say không muốn rời nhau. Khi yêu rồi, cả tôi và anh mới thấy thấm đậm cái hay ở những câu ca của tiền nhân để lại: "Mắt em là một dòng sông - Thuyền ai bơi lặng trong dòng mắt em"; hoặc như: "Cơm ăn hai chén lưng lưng - Nước uống cầm chừng để dạ thương em"... Từ yêu nhau, chúng tôi sưu tầm được thật nhiều thơ ca tình yêu. Chính những sưu tầm ấy đã mở hướng cho chọn viết thành công luận án tốt nghiệp đại học đạt mức xuất sắc và đưa tôi bước tiếp vào con đường nghiên cứu văn chương sau này.
Vì cùng nhóm học với anh, nên từ cách
nhìn nhờ nhạt ban đầu, tôi đã sớm nhận ra con người thật trong anh.
Anh thông minh và có cá tính rõ rệt. Mặc dù giai đoạn ấy người ta
ít dám bộc lộ tư tưởng mình, nhưng anh công khai nói rằng, trong sự
ham học ở mỗi con người, không phải cái trước tiên là nhằm phục vụ nhân
dân. Ham học trước hết là để bản thân nhận thức được khoa học, rồi
từ đó bản
thân gặt hái vinh quang và để nhân dân được cậy
nhờ. Điều anh nói, cho dù trái với nhận thức của số đông, song tôi
thật thích. Có lần anh hỏi vì sao tôi yêu
anh. Tôi bảo, quan niệm về sự ham học của
anh có ma lực cuốn hút tôi. Chỉ quan niệm ấy, tôi xem anh hơn hẳn những người con trai khác. Tôi đã chủ động
thể hiện cảm tình với anh. Sự chủ động còn có ý để chối từ mọi
lời tỏ tình của những người con trai khác. Tôi rủ anh đi xem phim ngày chủ nhật, đưa tới anh cuốn sách hay. Đôi lần tôi còn giúi vào túi xách anh gói kẹo hoặc phong bánh nhỏ. Đáp lại, anh
rất biết chăm sóc sự học của tôi. Nên từ học lực trung bình, tôi sớm
vươn lên mức khá.
Trước
nghỉ hè năm đầu, tôi mời anh và mấy bạn cùng lớp đến nhà. Mẹ tôi
có mặt trong buổi tiếp. Họ ra về rồi, mẹ tôi hỏi:
- Hình
như con có tình ý với một cậu trong đó?
Tôi chỉ
nhìn mẹ để tìm sự cảm thông thầm kín. Mẹ tôi bảo:
- Nếu
có, mẹ đâu cấm con. Nhắm dần đi, ra trường rồi tính chuyện xây dựng
là vừa. Tôi mạnh bạo hỏi mẹ:
- Thế
theo mẹ thì con nên để mắt anh nào?
Mẹ tôi
nói ngay:
- Cảm
nhận ban đầu thì mẹ ưng cái cậu nhỏ người, có màu tóc hung hung,
nói năng từ tốn ấy. Tên là Trung phải không?
Tôi ôm
lấy mẹ như để tỏ sự biết ơn lòng cảm thông nhân từ. Và thầm coi
những lời mẹ nói là điều dạy bảo con gái mình bước vào độ tuổi
trưởng thành. Dẫu vậy, không vì thế tôi làm điều gì trái với nếp sống
chặt chẽ thời bấy giờ. Tôi và anh chưa một
lần ngồi ghế đá công viên. Không lông bông, la hét
hoặc vụng
thầm cấu chí nhau. Càng không nói năng tục tĩu... Bấy và nay - khoảng cách có bốn thập niên, song nếp sống xã hội, nhất là quan hệ nam nữ khác nhau nhiều lắm.
Sang năm
học thứ hai, tuy chúng tôi đã thực lòng yêu nhau, nhưng cả năm
anh chỉ qua nhà tôi ba lần. Lần thứ ba, anh thăm mẹ tôi ốm. Anh ra về
rồi, mẹ hỏi tôi:
- Hai
đứa các con yêu nhau thực rồi ư?
- Nhưng
ý mẹ thế nào?
Mẹ
không đụng đến điều tôi đặt ra. Bà liên tiếp hỏi những gì thuộc về
anh ấy. Mặc dù mẹ tôi chưa một lời phản ứng, nhưng tôi hiểu bà không
bằng lòng khi biết xuất xứ của anh. Đến lượt tôi nói với mẹ như sự
phản công trở lại: "Anh ấy xuất thân
từ nông dân thì sao nào? Xưa nay thiếu gì những vĩ nhân, học giả xuất
thân từ nông dân? Ngay cả ông nội con cũng xuất thân từ nông dân, để đến
cuối đời trở thành nhà tư sản thành thị kiêm chủ đồn điền ở quê.
Mẹ lấy bố con tức lấy một người mang gốc nông dân đấy thôi. Và bố
con luôn luôn là niềm tự hào của mẹ. Mẹ từng nói thế với
con...".
Mẹ tôi
nằm im, cặp mắt lim dim nhìn rất lâu lên ảnh bố tôi treo trên tường. Ý chừng mẹ muốn nhắc tôi chớ quên nỗi đau thương đã xảy ra trong
cái gia đình bé nhỏ này. Những người nông dân
giết chết bố tôi, cho dù ông bà có công nuôi
giấu nhiều vị cách mạng tiền bối. Tuy được minh oan rồi, sự kiện cũng lùi về dĩ vãng, song hễ nghĩ lại, mẹ tôi không
hề thanh thản.
Bất
chợt mẹ tôi nói, như một sự khẳng định:
- Dù
con có thanh minh, bào chữa thế nào cho cậu nông dân ấy, thì mẹ vẫn
không thể chấp nhận. Ngay cả cậu ta xuất xứ là người Hà Nội thì
việc gả chồng cho con, mẹ vẫn phải tìm nơi
môn đăng hộ đối cơ mà!
- Mẹ
ạ, việc con được thi vào đại học là sự bù đắp của cách mạng cho
gia đình mình đấy. Con cái các gia đình tư sản, địa chủ không có công
với cách mạng thì không được vào đại học đâu... Hơn nữa , anh ấy
chẳng có tội tình gì.
Mặc tôi
tiếp tục ngỏ ý van xin, mẹ tôi không nói thêm một lời.
Mấy
ngày sau, ông bác nội tôi tỏ sự phẫn nộ. Rằng đừng có rước giặc vào nhà. Rằng trai Hà Nội hết rồi ư mà
"đem thân lấy đứa bán than - nó xuống biển lên ngàn mình phải
theo?"... Tiếp đến là những người họ hàng phía mẹ tôi lên tiếng
phản kháng. Ai cũng thắc mắc tại sao một cô gái xinh xắn, có học,
con nhà khá giả đất Hà Nội lại
yêu đứa con trai nhà quê, không cha không mẹ? Như thế là hành động làm xỉ nhục vong linh ông bà, cha tôi và
coi thường cả họ hàng. Rồi đến lượt bà hàng
xóm dẫn đến
một chàng bác sĩ để giới thiệu cho tôi. Lần thứ
hai anh ta đến, chỉ có tôi ở nhà. Tôi bảo mình đã có người yêu. Và đề nghị anh đừng bao giờ xuất hiện tại nhà này nữa.
Những
rắc rối ấy, tôi không muốn giấu anh. Anh ngồi bên tôi, thỉnh thoảng gật đầu để tỏ ý rằng: Em nói
tiếp đi, anh nghe đây! Kể về những điều chẳng lành, song tôi vẫn
tin anh đủ bình tâm chờ đợi. Mặc
dầu vậy, tôi vẫn hỏi:
- Anh
chờ em được không?
Chúng tôi cùng soi mình
trong mắt nhau. Anh nói giọng quả quyết:
- Là con trai, anh có gan
đợi em dài dài...
- Đợi
bao lâu?... Mấy tháng?... Mấy năm?...
- Năm
năm... Mười năm...
- Anh không chê em già chứ?
Tiếng cười của anh làm tan biến đi sự dè dặt còn phảng phất trong tôi. Cả khi nghe tôi thuật:
"Mẹ thề không bao giờ chấp nhận cậu Trung là rể nhà này!",
anh vẫn giữ tươi nét mặt, như động viên tôi vững lòng tin.
- Anh
có giận mẹ em không?
- Anh hiểu nếp nghĩ xưa của các cụ đều giống mẹ cả.
Rồi khẳng định:
- Phần
anh, anh đã yêu em và còn mãi mãi yêu!
Tôi
muốn ngả vào anh nhưng không dám. Đành chỉ cất lời sẽ
sàng:
- Em
cũng vậy!
*
* *
Cho dù tôi có mang tiếng khó bảo, cũng không vì thế
mẹ bớt tình thương dành cho tôi. Những ngày mẹ
ốm nặng, tôi liền kề ở bên. Bàn tay khô héo của mẹ thích vuốt mái
tóc dài mượt, thật dày của tôi. Tôi nhìn mặt mẹ nhăn nheo, teo tóp,
song vẫn hình dung đấy là khuôn mặt trái soan, cả cặp môi chúm chím
như hoa hé nở, ở thời con gái của mẹ. Và tôi là hình chiếu của mẹ
ngày xưa. Mẹ dặn tôi cặn kẽ việc nhà, việc họ, phải sử
sự cho chu đáo. Về tài sản, trừ phần đưa lên chùa -
nơi vong linh cha
mẹ tôi nương tựa, còn lại mẹ trao tất cả cho tôi; không nghe bất cứ lời khuyên nào của người gần, kẻ xa. Vậy mà, cho đến khi trút hơi thở cuối cùng, mẹ vẫn giữ nguyên quan niệm chọn rể gả chồng cho tôi.
Hôm đưa
mẹ về nơi yên nghỉ vĩnh hằng, anh Trung kịp có mặt trong số đông bạn
bè cùng lớp học. Sau khi ra trường, anh làm phóng viên một tờ báo
trong quân đội, phải lưu động thường xuyên. Từ ngày máy bay Mỹ tăng
cường đánh phá miền Bắc, anh càng đi nhiều hơn. Còn tôi, công tác ở một viện nghiên
cứu thuộc cơ quan trung ương. Tuy
thế, chúng tôi vẫn gần gũi nhau, thư từ cho nhau những lúc xa, gặp gỡ
mỗi khi anh về Hà Nội. Dường như khoảng cách của không gian và thời
gian càng làm cho tình yêu của chúng tôi bền chặt hơn. Cả khi mẹ còn sống, lúc bà giận dữ nhất, chúng tôi vẫn
tin tưởng ở tình yêu. Anh hay đùa: "Rồi sẽ đến lúc mẹ sung sướng
trong cảnh cháu bà nội, tội bà ngoại thôi, em ạ!". Nhưng mẹ đã không bao giờ được hưởng cảnh hạnh phúc như chúng tôi mong ước nữa.
Sau lễ
trăm ngày mẹ, lần đầu tiên chúng tôi nói đến chuyện cưới hỏi. Anh
bảo phải chờ hết tang mẹ, sẽ tổ chức cưới đơn giản nhưng trang trọng.
- Thế
nào là đơn giản? - tôi hỏi, cốt để trêu
anh.
- Là không khoa trương, phù hợp
tục lệ phổ biến nhất.
- Còn
trang trọng?
- Là...
là... không úi xùi, không dưới mức đơn giản. Là... là…
Tôi
cười, kịp đưa cái kẹo sôcôla vào miệng anh:
- Là...
là anh bí rồi! Em cho anh nợ. Sẽ phải thi lại môn vấn đáp này.
Những
chuyện vui vui tựa như thế, thỉnh thoảng lại diễn ra tại nhà tôi. Từ sau ngày mẹ tôi qua đời, dù còn phải giữ
ý thì anh vẫn thăm nom tôi nhiều hơn trước, giúp đỡ việc nghiên cứu
của tôi. Đương nhiên là chúng tôi luôn bàn định về một gia đình êm ấm
trong tương lai.
Rồi qua
ngày giỗ đầu mẹ tôi. Đến giỗ hết cũng thật là nhanh.
Chúng
tôi dự định tổ chức lễ cưới vào cuối mùa thu. Mọi việc đều chót lọt
cả. Họ hàng nội ngoại tôi cũng thôi xì xào. Đánh đùng một cái, anh
nhận quyết định đi Nam. Anh về Hà Nội đến thẳng nhà tôi, vừa để báo việc đột xuất này, vừa để động viên tôi:
- Đột
xuất hay không thì… đều là mệnh lệnh ra trận,
phải không em?
- Không
phải đột xuất, thích hơn chứ anh. Thì chúng mình còn có
thời gian ở liền nhau để mà trò chuyện. Hoặc là chúng mình có thể
cưới nhau trước khi anh đi xa.
Anh
ngồi im, vẻ suy ngẫm, rồi nói:
- Cho
dù có thời gian thư thả, nghĩ cho cùng, chúng mình chẳng nên cưới
trước làm gì.
- Vì
sao cơ?
- Nhỡ
ra anh... làm sao... nỗi khổ trút hết xuống đầu em.
Cùng
ngồi trên chiếc ghế dài, tôi ôm chặt lấy anh, kêu lên một tiếng rõ to:
-
Khô...ông!
Tối
ấy, anh ở lại với tôi đến tận khuya. Chúng tôi nói với nhau đủ thứ
chuyện. Anh nói nhiều hơn, có ý để xóa đi nỗi buồn trên nét mặt, khoé mắt, và cử chỉ của tôi. Lại có
lúc anh im lặng, vuốt mái tóc dài của tôi. Và thong thả đặt nhẹ nhàng từng cái hôn lên khắp mặt tôi. Chưa bao
giờ tôi được hưởng sự êm ái ngọt ngào đến thế. Nói đúng hơn là,
chưa bao giờ tôi ngoan ngoãn giống một đứa trẻ thả mình vào lòng anh
như tối nay. Cặp mắt tôi lúc nhắm nghiền, lúc lại mở to nhìn anh đắm đuối.
- Anh
à, vắng anh chẳng biết rồi em sống ra sao đây?
- Trước
nay anh vẫn vắng nhà cơ mà!
- Trước
vắng khác, nay mai vắng khác... Anh có nhớ em không?
- Anh
nhớ nhiều lắm. Nhớ em như ông Nguyễn Bính tả trong thơ vậy: "Trời
còn có bữa sao quên mọc - Anh chẳng đêm nào chẳng nhớ em".
- Tuyệt
vời anh nhỉ. Cái nhớ trong thi sĩ Nguyễn Bính sao cao rộng bao la,
đáng yêu thế. Nó vượt cả quy luật của vũ trụ!
- Thế
nhớ anh, em làm gì?
- Em
phải... phải... nhớ anh... nhiều nhiều hơn...
Anh
cười. Nét cười trên môi, trên mặt anh mới hiền làm sao. Tôi hiểu, anh
cười để gỡ bí cho câu trả lời bất ổn của tôi.
- Và em
phải làm việc nhiều hơn, cho không còn rỗi rãi để mà nghĩ đến nỗi
buồn vì
thương nhớ anh.
- Quên
ban ngày để lại nhớ nhau trong đêm đêm - ngày Bắc, đêm Nam - như thơ ông Tế Hanh viết ấy, phải không anh?
Lúc anh đứng dậy để ra về, thì tôi lại
muốn anh ở lại. Anh nói không nên. Sáng mai anh phải nhập đoàn nhà báo để hành quân ngay buổi tối.
Thế là anh sắp sửa đi xa. Rất xa. Cuộc chiến này liệu anh có
ngày trở về? Liệu chúng tôi còn gặp lại nhau? Tôi bâng khuâng, hụt
hẫng. Nước mắt tôi tuôn trào, và bật lên tiếng khóc
nức nở. Tôi ôm chầm lấy anh. Ở lại đi anh. Ở lại đây với em. Chỉ một đêm nay thôi. Ngày mai anh đi xa lắm cơ mà.
Em biết tìm anh nơi nào, hả anh?
Anh tìm
lời an ủi, xoa dịu tôi vượt qua cơn sốc tình cảm. Tôi rỉ rả, ước ao: Giá chúng mình đã là vợ chồng. Giá chúng mình đã có đứa con...
Được thế, tôi có quyền sống trọn đêm nay bên anh. Được thế, anh đi xa,
tôi đỡ trống vắng biết bao. Kết cục, anh vẫn nhẹ nhàng nói:
- Anh
rất muốn…
như em… song không nên em ạ!
Tôi chỉ
còn biết tiễn anh bằng những nụ hôn tới tấp, cuồng nhiệt với lời
hứa hẹn đợi chờ:
- Dù
phải chờ anh năm năm, mười năm hay lâu hơn nữa, em vẫn chờ. Chúng ta yêu
nhau và đợi chờ ngày cưới hơn bảy năm rồi, phải không anh?
Tiếp
đó là những tháng năm tôi sống trong thấp thỏm, lo âu, để tiếp
tục đợi chờ. Tôi đã chờ anh không chỉ hết cuộc chiến tranh. Chín năm anh vào chiến
trường, mấy năm đầu tôi có nhận được tin. Sau bặt hẳn. Rất hoang mang,
buồn nản, rồi lại phải tự tìm cách an ủi mình. Như hàng vạn, hàng
vạn gia đình có người thân ra trận, họ đều phải vượt qua nỗi buồn
nhớ lẫn khổ đau. Sau ngày đất nước một dải - năm 1975, rất nhiều gia đình được thông báo về trường hợp con em họ, còn tôi thì không. Tôi phải tiếp tục
ngược xuôi nhờ cậy, đệ đơn tìm kiếm, để rồi… thêm tròn mười năm nữa mới có thông tin chính thức về anh. Anh bị thám báo địch bắt trên đường
làm nhiệm vụ. Chúng đã sát hại anh sau khi không khai thác được gì
hơn, ngoài điều biết anh là nhà báo.
Tại buổi lễ tưởng niệm muộn mằn để ghi nhận danh hiệu liệt sĩ cho
anh, tôi không khóc. Nhưng sau đó tôi đã khóc nhiều ngày đêm. Tôi chính
thức đặt bát hương thờ anh. Cho dù trước pháp luật, anh chưa là chồng
của tôi; song từ bao năm rồi, tôi đã coi mình là vợ anh.
Tính đến ngày nhận tin anh hy sinh, thế là tròn hai mươi sáu năm tôi
yêu, tôi đợi anh. Biết bao kỷ niệm về
anh sẽ còn đi theo mãi cuộc đời
tôi. Anh bước vào từng trang sách, từng bài viết của tôi. Chỉ thế
thôi, anh đủ làm thần tượng, xứng để tôi tôn thờ.
Thế là vĩnh viễn anh đi xa rồi, tôi thật buồn, nhưng đủ nghị lực để đứng
vững trước sóng gió cuộc đời. Tôi đã từ chối lời tỏ tình của
nhiều người đàn ông. Có cả cái tát dành cho kẻ sàm sỡ. Và bước qua bao dư luận, đàm tiếu chĩa vào tôi. Cũng có phút tôi mở
lòng mình trao nhận những nụ hôn, rồi kết cục kẻ ấy không
xứng làm chồng. Tôi từng cầu xin vong linh anh tha thứ. Cầu xin anh chứng giám rằng, cả cuộc đời tôi đã thuộc về anh, mãi mãi
là của anh, như định mệnh vậy!
Nay kể lại mối tình đầu này, tôi đã qua tuổi cầm sổ hưu. Tưởng thời gian
và tuổi tác đã làm khô nước mắt mình, vậy mà nó cứ ứa
ra. Nghĩ thương anh. Thương cả mình.
Giá như
xưa kia mẹ tôi đừng quá nặng nề quan niệm "môn đăng hộ đối".
Thì tôi và anh đã nên vợ nên chồng. Thì ít ra chúng tôi đã có với
nhau một đứa con. Nhưng con không trách mẹ đâu, mẹ ơi! Có chăng, chỉ đáng
trách một hệ tư tưởng cũ kỹ, đã trói buộc đầy
ải bao nhiêu thế hệ con người; trong đó mẹ cùng là nạn nhân.
Giá như
đất nước này không có những bàn tay ngoại bang can
thiệp, chắc không thể nổ cuộc chiến tàn khốc kéo dài. Sẽ không có mất mát hy sinh, khiến hàng triệu gia
đình phải gánh chịu.
Giá
như... Giá như...
Giá như
qua khỏi được những "giá như" tôi ước, thì tình yêu đôi lứa
chúng tôi không thể chết! Thì... già này đâu chịu số phận hiu quạnh,
cô đơn cả một kiếp người!
(*) - Đăng trên Newvietart
- Tập truyện
ngắn Chuyện đời 1, NXB Thanh Niên, 2003
- Tập Truyện
ngắn tình yêu, NXB Văn hóa Thông tin, 2003
- Dự thi
"Mối tình đầu của tôi"", NXB Mũi Cà Mau, 2000
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét