Thứ Hai, 22 tháng 11, 2021

KHÔNG CHỈ TẠI THẰNG CON (*)

                                                 Truyện ngắn Giang Trung Học  

      Bà nhìn ông không chớp. Cặp mắt sâu hoắm, chậm chạp, đờ đẫn. Ông nắm bàn tay bà, lòng thầm xót thương. Hai người đều chưa đến tuổi già. Ông gần sáu chục. Bà mới năm mươi hai. Nhưng khốn khổ cho bà, vì sức lực sớm tàn. Chỉ tại cái bệnh thấp khớp nó lẩn vào tim quá nặng. Lại thêm chứng thần kinh tọa nữa. Thành thử quanh năm thuốc thang, mà chẳng đâu vào đâu. Đến cả năm nay không ra được khỏi nhà. Mọi việc chợ búa, bếp núc ông gánh tất. Để bà làm, nhỡ ra thì chẳng bõ.

            Trước lúc về giường ngủ của mình, ông nói với bà:

            - Mai tôi đi sớm. Bà ở nhà một mình vậy. Cơm nước, thuốc thang thế nào, tôi đã chuẩn bị và nói cụ thể với bà rồi. Tôi không thể không tiếp tục kiếm việc làm thêm, bà ạ.

            Sáng hôm sau, mới hơn bốn giờ ông đã dắt xe đạp xuống tầng. Cái túi du lịch cũ kỹ, tròn căng, treo bên tay lái. Mọi động tác hết sức khẽ khàng, không để hàng xóm nghe thấy tiếng động. Làm mất giấc ngủ của họ là điều chẳng nên. Hơn nữa, ông không muốn ai biết mình đi đâu, làm gì.

            Nơi ông đến cách chỗ ở gần ba kilômét. Nó gần một xí nghiệp cơ khí đông người. Có cả vài ba cơ quan làm việc quanh đấy. Nắng thì nép dưới tán cây bàng. Mưa to gió cả thì vào hàng nước ngồi cũng tạm ổn. Nơi ấy không được tốt khách, song lảnh xa chỗ ở tiện cho ông hơn.

            Cưỡi trên cái xe đạp Mifa cũ, ông vừa đạp vừa thầm nguyền rủa thằng con trai mất dạy, duy nhất của mình. Cơm không muốn ăn thì ăn cứt. Đáng ra, được chỗ tựa vững chãi của gia đình, nó phải nên người, hơn người. Đằng này, đang trên đường quang nó quàng vào bụi rậm. Học hết lớp mười một rồi rơi vào nạn nghiện hút. Tài sản gia đình, xe máy, tivi,... cõng đi bán hết. Nó trở thành thân tàn ma dại. Lại dính cả việc mua bán ma tuý nữa. Nên nó đi tù là đúng, không thể tha thứ được đâu bà ạ. Mà cũng chẳng nên chạy vạy xin xỏ làm gì. Đành để cuộc đời dạy bảo nó vậy. Đời không nương nhẹ ai hết. Nó nếm cảnh tù, may ra còn cải tạo được. Ở nhà, không chết vì ma tuý thì bọn côn đồ cũng giết chết nó bởi cảnh nợ nần. Muốn trả khoản nợ hơn năm chục triệu đồng kia, nhà mình chỉ còn cách bán nhà. Bán nhà rồi tôi với bà ra ở ngoài đường ư? Không thể được!... Thật chẳng ngờ số kiếp vợ chồng ông bĩ cực đến nước này.

            Ông mở túi, lấy cờ lê, mỏ lết, tất cả những thứ gọi là dụng cụ đồ nghề, bày lên tấm vải tráng nhựa nhàu nát. Đặt cái biển nhỏ có hàng chữ nguệch ngoạc "Bơm vá xe đạp, xe máy" ngay bên cạnh. Ông không ngồi ệch bên mớ đồ nghề chờ khách, như đám thợ chữa xe lâu năm chẳng cần giấu mặt. Hai tay khoanh hờ trước ngực, ông đứng sát cửa căn hộ còn đóng im ỉm. Nhà này, gần sáu giờ chưa thấy ai cựa quậy. Hẳn không buôn bán gì. Chắc đều làm Nhà nước cả. Thế càng may cho ông. Chứ nó mà mở quán bán hàng, đừng hòng ông đứng đây. Nơi đây không có nể nang chiếu cố dành cho ai đâu. Tất cả đều như cá mè một lứa. Ông chép miệng: “Ừ thì một lứa hay mấy cũng đành”. Nhưng còn cách ăn mặc thì ông cứ phải chững chạc. Giầy đen bóng. Cái áo bông bộ đội chính hiệu. Mũ mềm đội đầu còn in vết quân hiệu. Ăn mặc thế mà phải lê la kiếm tiền nơi vỉa hè xó chợ kể cũng cực thật.      Một chiếc xe đạp phanh kít, dừng trước mặt ông. Đứa trai vẫn ngồi trên xe, ngơ ngáo hỏi:

            - Ai bơm xe đây?... Ông hở? Bơm hộ cái!

            Thằng này nhiều lắm bằng tuổi con ông. Nom thì không đến nỗi mất dạy, nhưng nói năng sao khó lọt tai. Bơm xong, nó lẳng tờ một nghìn đồng cuộn tròn như cái sâu kèn xuống đất, liền nhảy phốc lên xe chuồn thẳng. Thôi thì, dù sao cũng được đồng tiền mở hàng. Đồng tiền đánh dấu công sức lao động làm thuê ở nơi ngã ba ngã bảy này. Ông cúi nhặt tờ bạc, hờ hững vuốt cho phẳng ra, đút vào túi áo ngực. Tim phổi ông vẫn tốt mà nghe nhoi nhói liên hồi.

            "Xoạch - oạch. Xoạch - oạch" - cánh cửa xếp phía sau ông bung ra như giận dữ. Người đàn bà còn khá trẻ, phấn son bự mặt, váy ngắn, lạnh lùng nhìn lướt mặt ông rồi ngoái về phía sau giục:

-         Làm gì mà mãi không cho xe ra, hử? Có biết muộn rồi không?

Ông hơi né mình cho cái xe máy tiến xuống lòng đường. Là ông muốn tỏ cử chỉ ý tứ thôi, chứ chỗ đứng ấy không hề gây vướng chân họ. Vẫn bộ mặt lạnh lùng, cô nàng buông khẽ một câu chỏng lỏn: "Lại đến lượt thợ chữa xe bày bẩn!".

            Tức là chỗ này từng có người ngồi kiếm ăn. Trước đó, ông định cất lời để giành sự thông cảm từ phía chủ nhà, nhưng bộ mặt ấy câu nói ấy đã xoá luôn ý nghĩ trong ông. Đã sao nào! Chẳng phải vỉa hè của riêng họ. Cốt mình không bày bẩn, không làm vướng lối đi bộ của mọi người.

Đít đặt lên yên xe rồi, một tay ôm bụng chồng rồi, cô nàng còn cố ném lại câu nói như dạy bảo lẫn đe doạ:

            - Ông đừng có làm bẩn cửa nhà tôi đấy. Bẩn thỉu bề bộn là không xong đâu!

            Im lặng nhưng lòng ông đắng ngắt. Cô ta chỉ đáng tuổi em út ông, thậm chí tuổi con ông. Không biết sống trong gia tộc thì ăn nói thế nào. Trước mặt thủ trưởng cơ quan, chắc cũng biết nói năng ngọt sớt. Thì mới tồn tại. Mới mong kiếm chỗ ngồi yên ổn để có tiền trưng diện tấm thân.

            Rồi, chưa qua sự nọ đã xọ sự kia. Đến lượt bà bán xổ số gây hấn với ông. Vừa xuất hiện, bà xồn xồn bắt ông phải trả chỗ. Bao tháng nay bà từng ngồi đây, tức là chỗ của bà rồi. Nghe bà nói, ông biết vậy thôi. Kỳ thực thì, hoạ hoằn bà mới đến ngồi chỗ này. Để hứng người tứ xứ qua lại, tiêu nốt số vé có khả năng tồn ế trước giờ mở thưởng. Chứ chỗ ngồi chính của bà ở cạnh quán nước đầu ngõ đằng kia cơ. Tại đấy mới lắm khách quen. Còn tiện để bà ghi số đề nữa. Thôi thì bà ta đúng sai thế nào, ông chẳng cần biết. Phải cãi nhau với bà ta quả là bất tiện. Nên sau mấy câu trao đi đổi lại, ông đành dịch đồ nghề của mình ra khỏi cái gốc bàng.

            - Không lui, đố ông tranh được!

            - Dễ bà đi kiện?

            - Chẳng phải kiện! Ông từ đâu đến đây dám thắng gái bản xứ này hả?

            - Bà cậy gần nhà?

            - Gần nhà, gần chuồng thì đã làm sao! Mà tôi bán đại lý cho nhà nước đấy nhé; còn hơn cái nghề tự do vô chính phủ của ông, đúng không nào?

            Ông cười trong bụng. Cái cười thật đau lòng, buốt ruột. Cùng giơ mặt ra đường kiếm sống mà còn phân biệt hơn thua. Chẳng lẽ bán thuê cái vé xổ số cho nhà nước sang hơn, có sức mạnh hơn nghề chữa xe đạp. Hay, phải vác cái tiểu sử quá trình phục vụ cách mạng của ta ra để tranh giành tý chỗ ngồi bên lề đường này?... Ông cố ghìm nén tiếng thở dài. Chẳng biết mình có tồn tại được ở đây với cái bà xổ số kia?

Thế mà chỉ lát sau, bà ta đã mau mồm gọi:

            - Ông gì ơi, chữa xe này!

- Vâng, cảm ơn bà.

- Nắng đâu mà cứ phải núp mái hiên nhà người. Sao không ngồi liền đây. Xấu hổ à? Hay tôi chẳng đáng để ông nói chuyện hử? Không thích thì phới. Càng đỡ vướng!

Giao xong chiếc xe đạp cho ông, chàng thanh niên xé sáu cái vé số nhét vào túi sau quần bò:

            -  U cho con gửi cái xe đạp đang sửa ấy nhé. Tý con trả tiền vé số.

            Miệng nói, chân bước, anh chàng biến nhanh vào quán nước trong hẻm gần đấy.

            Qua hơn tiếng đồng hồ, chiếc xe đạp cũng đã chữa xong không thấy chủ nó ra nhận. Anh chàng say sưa gì trong ấy? Nghĩ vậy, song ông chẳng mấy để tâm. Cho đến khi dân buôn bán vỉa hè chạy tán loạn như vịt vỡ đàn, thì hắn vội xô ra vồ luôn xe phóng chạy. Hắn không kịp ra, chiếc xe chắc chắn bị cánh quản lý thị trường quẳng tất lên ô tô. Xảy tình huống ấy, ắt ông phải gánh trách nhiệm chuộc cái xe về. Sẽ toát mồ hôi vì nó. Lại tốn kém tiền nong nữa chứ. Tiền phạt thì ít. Tiền đút lót thì nhiều… Thôi thế là thoát cái rắc rối này. Còn bà xổ số cũng biến rất nhanh, nhưng chả biết có trót lọt không. Tại đây chỉ còn trơ có ông, vì chưa biết đường ngang ngõ tắt thế nào để mà trốn chạy. Với lại, ông còn vướng đám dụng cụ kiếm cơm lung tung trước mặt, không thể chỉ lo có việc thoát thân.

Hai người quản lý thị trường nghe ông trình bày hoàn cảnh, xem ra có sự cảm thông. Có thể còn do cách ông ăn mặc, cả cái dáng lơ ngơ, thể hiện không phải dân vỉa hè lọc lõi, họ liền tha bổng. Nhưng cứ bị xua đuổi thế này, không biết ngồi đâu cho yên thân đây. Mà chỗ yên thân thì không thể kiếm ăn được. Đang băn khoăn, ông liền nhận được lời rỉ tai:

            - Bọn con đi rồi, bố cứ ngồi đây.           

            Ông gật đầu cảm ơn. Hoá ra họ cũng hiểu tình cảnh dân chúng. Phải phơi mặt ra vỉa hè, đều là dân cùng quẫn cả thôi. Bỗng ông nhớ lại mấy câu ca truyền miệng từ cái thời còn chế độ bao cấp, rằng: "Tông Đản dành riêng vua quan/ Nhà thờ cho giới trung gian nịnh thần/ Đồng Xuân nơi ấy thương nhân/ Vỉa hè là của nhân dân anh hùng." (Tức là: Sản phẩm tại cửa hàng Tông Đản chỉ bán cho cán bộ cao cấp; cửa hàng trước Nhà Thờ lớn dành cho hạng trung cấp; tranh giành nơi chợ Đồng Xuân là đám thương nhân; còn đông đảo dân nghèo thì kiếm sống nơi xó chợ vỉa hè). Lời ca khiến không ít vị tai to mặt lớn bực mình. Nghe nói còn có vị lớn tiếng quát: Bắt giam ngay thằng nào đã viết bài này! Kể cũng lạ. Người ta dám định ra chính sách chế độ bao cấp, lại cả gan để nó tồn tại dài mấy chục năm, sao ái ngại mấy câu ca xuất xứ từ thực tế ấy. Phải chăng họ sợ? Sợ bài ca như là sự lên án xã hội; mà xã hội này từ khi ra đời, nó từng ra rả tuyên án với mọi bất công áp bức. Thế mà gần hết đời người, ông đã ngưỡng mộ và tin tưởng tuyệt đối rằng: Sẽ có một xã hội đẹp tuyệt vời dành cho tất cả mọi người! Và vì thế ông giốc lòng xây dựng nó, không tiếc máu xương. Kết cục, ông đã nhầm to. Nếu không trải nghiệm những đêm đêm làm anh gác cổng, làm thằng coi cá, và bây giờ thì… bơm vá xe bên lề đường, có lẽ ông không dễ gì gạt bỏ mớ nhận thức sai lầm nhưng tràn đầy lãng mạn ấy ra khỏi đầu mình. Ông thầm cười bởi sự ngớ ngẩn ngu lâu ở mình. Làm đếch gì có cái xã hội làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu. Xã hội nào mà chẳng có kẻ giàu người nghèo, ông chủ và kẻ làm thuê, người ngự biệt thự sang trọng kẻ vạ vật nơi lề đường xó chợ…

            Hôm nay, bên lề đường này có thêm ông. Và sẽ còn thêm những ai ai nữa? Ông tiếp tục đợi khách để kiếm ăn. Sao cái anh chàng nhờ chữa xe đạp vẫn chưa trở lại trả tiền cho ông. Nếu bị hắn quỵt, chắc chắn ông lõm to. Bởi số tiền lời cả buổi sáng nay không bù nổi vốn mua mấy loại phụ tùng mà ông đã thay cho xe hắn. Ông sẽ nhờ bà xổ số đòi hộ. Chẳng biết có xong không? Vừa toan xếp đồ nghề để ghé vào quán cơm bụi bên kia đường, thì chị bán rong hạ cái thúng ngay bên cạnh ông, giọng mời rẻo quẹo:

            - Mời anh bác xơi trưa với em nào. Bánh chưng, bánh nếp, bánh mỳ giò chả, đủ loại nào. Vừa rẻ, vừa ngon, vừa ròn, vừa thơm nào. Ăn một lại muốn ăn hai… Ăn rồi hẹn đến ngày mai mong hoài nào!

            Cũng là để cho tiện bữa, lại khỏi phải thu dọn đồ nghề, ông mua luôn ổ bánh mì kẹp chả -  hai nghìn đồng. Ngồi khuất bên gốc bàng, ăn ù là xong. Rồi uống chén nước của bà lão bán rong nữa. Thật tiện. Thôi thì, cảnh nào cũng cần thích ứng. Không thích ứng, dễ đầu hàng ư? Hàng tức là chịu thua, chịu chết. Mình đã dám chiềng mặt ra vỉa hè thì cứ phải kiên trì. Chỉ thương bà ấy không có ai lo liệu cơm nước. Nhưng đơn giản thôi. Bật "cách" cái bếp ga,  mấy phút là nồi cháo sôi ấy mà. Chịu khó bà ạ. Chiều tối tôi về… Vậy mà mãi tối mịt ông mới đẩy được cái xe lên căn hộ tầng ba, thuộc khu tập thể quân đội. Tuy gọi thế, song  cư trú tại đây toàn dân tứ chiếng cả. Có căn hộ đã trao đi bán lại đến mấy lần rồi.

            Xa nhau từ sáng sớm đến giờ, lúc này có sự gì, ông bà thổ lộ hết. Bà thương ông nắng gió vạ vật, lại như cái thời trai trẻ. Ông bảo sức mình còn khoẻ, nên cần tranh thủ kiếm thêm chút tiền để mà thuốc thang lúc già yếu. Còn cái khoản nợ do thằng con gây nên, vì nó quá lớn nên đành tính sau vậy. Hơn năm chục triệu đồng, bằng nửa căn hộ gia đình ông đang ở đấy!

            Ông móc nắm tiền trong túi áo ra đếm trước mặt bà:

            - Cả ngày được đúng mười nghìn. y là đã trừ tiền ăn uống rồi. Ngày đầu, thế cũng tốt. Quen khách quen việc, chắc khá hơn bà nhỉ?

                                                                             *     *     *

            Thời gian đầu, ông ngồi vỉa hè một mạch từ sớm đến tối. Nay, buổi trưa ông cố về nhà. Cốt để động viên bà ấy - ông nghĩ thế. Với lại, cái túi đồ nghề đã có chỗ gửi tin cẩn, ông không phải xe đi xe về nữa. Như vậy vừa đỡ vất vả, lại bớt được sự săm soi bàn tán của xóm giềng. Đành rằng ông bỏ sức ra kiếm tiền, chứ có đi ăn cắp đâu mà lo. Thế nhưng, trước con mắt và câu nói của người đời chĩa vào mình, cũng ái ngại lắm. Dù sao mình đã từng là anh cán bộ cao cấp một thời. Cán bộ cao cấp về hưu mà phải làm cái nghề hạ đẳng thì sái chứ lỵ… Để củng cố quyết tâm theo nghề, đã nhiều lần ông xắm vai phản biện với hàng loạt câu hỏi được đặt ra. Và ông - vai trò chủ nhân - đã dễ dàng vượt qua tất cả; trừ vấn đề “lao động là vẻ vang”. vẫn còn vương vướng. Thế mà xưa kia đứng trên bục giảng, ông cứ trơn miệng nói rằng: Lao động là vẻ vang. Dù ở cương vị công tác nào mà hoàn thành tốt cũng đều vẻ vang như nhau cả. Khi đó, hàng trăm sĩ quan cấp dưới ông chỉ biết lắng nghe, công nhận; chứ chẳng ai được quyền phản biện phản đối cái nội dung do cấp trên biên soạn sẵn ấy. Phía ông được đánh giá là đã hoàn thành tốt nhiệm vụ truyền đạt - cũng tức là đã hoàn thành công việc một cách vẻ vang(!) Chỉ một lời khen mà lòng dạ ông lâng lâng sảng khoái. Còn bây giờ… Bây giờ ông đang cặm cụi kiếm sống bằng cái nghề bơm vá - thứ việc làm quá cần cho một thành phố vô địch thế giới về số xe đạp ngược xuôi chen lấn đường - mà sao ông chẳng mảy may cảm nhận chút vẻ vang nào. Như vậy là sao? Lao động có đúng là vẻ vang? Hay chỉ là hành động bắt buộc để cho con người tồn tại. Hay còn là xảo ngữ nhằm mê hoặc quần chúng lao vào một mục đích chính trị nào đó. Và, nếu quả thực lao động có là vẻ vang, thì vẻ vang cũng không dành cho những kẻ làm thứ nghề mà người đời từng gọi nó là nghề mạt hạng!... Nghĩ thế nên ông thở dài, như để hắt nỗi buồn ra khỏi cơ thể. Để tiếp tục cũng cổ quyết tâm theo nghề.

            Thấy ông về trưa, bà vơi bớt phần áy náy lo chồng vất vả. Được ngả lưng ít phút cũng dãn gân dãn cốt. Tham tiền tham bạc chẳng để làm gì, ông ạ! Nhưng, cái nghề này phải chịu khó ngồi - ông nói. Mỗi ngày chữa xe cũng được vài ba chục nghìn đồng. Hơn đứt những việc làm thuê trước kia.

            Việc đầu tiên ông nhận gác đêm cho một cơ quan. Xin cái chân coi nhà đâu có dễ. Phải cậy cục nhờ vả qua mấy cầu mới giành được đấy. Xem lý lịch, người ta gật rồi, song còn e tuổi ông cao không kham nổi. Nhưng khi nhận mặt, ông được khen: "Bác khoẻ khoắn, tinh nhanh thế này, thật tuyệt. Đọc tuổi trong hồ sơ tưởng già yếu lắm”. Câu nói làm cho ông vui hẳn lên. Cuối chiều hôm sau ông nhận bàn giao và vào việc luôn. Gác một đêm, nghỉ một đêm. Lại không nhất thiết phải thức trắng. Cơ quan này kín cổng cao tường, biệt lập với nhà dân. Kẻ trộm tài thánh cũng không dễ lọt vào được. Dù đã leo qua hàng rào cũng khó bề phá mấy lần cửa trong cửa ngoài, mà theo quy định phải cài đóng chu đáo khi hết giờ làm việc. "Họ thuê ta đến ngủ để ăn tiền đây!". Ông đùa vậy thôi, chứ mất gì, có è cổ ra mà đền. Được cái ông ít ngủ và thính giấc lắm. Khẽ có tiếng động là thức dậy ngay. Từ trẻ đã quen thế rồi.

            Thế rồi một sự cố xảy ra đúng vào cái đêm ông gác. Mưa to và giông thốc tháo cả tiếng đồng hồ. Cây cối uốn vặn răng rắc, ngả nghiêng. Sáng hôm sau, vào giờ làm việc, mọi người mới phát hiện mất một bộ vi tính, cả máy in lazer đời mới nhất. Thì ra kẻ trộm đã leo lên thân cây đổ, bẻ chấn song cửa thông gió nhà vệ sinh, lọt vào. Xác định hiện trường, ông thấy mình sơ xuất đáng trách. Lúc biết ngọn cây đổ ngả vào tường phía sau nhà cơ quan, không gây sự cố nguy hiểm, nên ông yên trí bỏ qua. Theo nguyên tắc, ông phải đền toàn bộ giá trị tài sản. Như vậy, hai năm rưỡi ông làm việc không công. Nhưng xét nhiều mặt, cơ quan đã chiếu cố ông, chỉ bắt đền khoản tiền nhỏ với ý nghĩa nhắc nhở đề cao trách nhiệm thôi.

            Mấy tháng sau, cơ quan này thay đổi người đứng đầu. Liền đó là một ê kíp mới được dựng lên. Ông nhận thông báo nghỉ việc. Tiếc. đành chịu. Vì biết chắc cái thời buổi mật ít ruồi nhiều này, kiếm việc làm đâu có đơn giản dễ dàng. Bọn trẻ còn đang thất nghiệp hàng đống hàng mớ kia. Nhiều người cầm bằng kỹ sư, bác sĩ... nhưng không có chỗ hành nghề, phải làm các việc linh tinh lang tang để sống. Tình trạng này ai ai cũng biết. Kêu gào khắc phục mãi, vẫn không ăn thua. Nhà trường cứ đào tạo. Đào tạo càng nhiều, người dạy càng có chỗ dựa vững chắc để kiếm ăn. Phía người học thì, ai có tiền có sức cứ học. Học xong, kiếm việc ở đâu, làm gì, mặc họ. Sinh ra lãng phí đơn, lãng phí kép. Không chỉ hại tiền bạc của nhà nước. Hại cả túi tiền của ngàn vạn gia đình. Suy đến cùng, thiệt hại của nhà nước cũng tức thiệt hại của người dân. Vậy là, mọi gánh nặng gánh nhẹ đều đổ hết lên đầu dân. Vì sao xảy tình trạng này? Có phải do trình độ yếu kém của những người gánh trách nhiệm điều hành vĩ mô trong ngành giáo dục đào tạo? Hay chẳng lẽ là sự vô trách nhiệm tới mức chỉ cần: Tiền - thày bỏ túi, (còn) sống chết mặc bay(!?)

            Đang lúc băn khoăn vì mất việc, thì có người bạn mách ông nơi xin việc. Vẫn là việc đi gác. Gác cá cho một cô trong ngành thuỷ sản. Ông và chồng cô ta thay nhau thức thức ngủ ngủ, từ bảy giờ tối hôm trước đến bảy giờ sáng hôm sau. Cái hồ dài rộng, nên không thể cứ ngồi một chỗ. Phải đi lại luôn luôn. Không thế, kẻ gian nó bắt hết cá bằng đủ các kiểu, cổ truyền, hiện đại. Kể ra, gác cá khi trời tạnh ráo cũng hay. Nhìn trời sao, sóng nước, nên thơ lắm chứ. Và lắng nghe tiếng cá ăn đêm, vừa lạ vừa vui tai. Nhưng lúc mưa gió thì thật khổ. Cái lều bạt không đủ che chắn nước mưa. Đã vậy, đồng công lại thấp. Cả tháng liên tục thức,  không bằng tiền gác cách đêm cho cơ quan trước. Rồi ông bỏ hẳn việc sau cái đêm chồng cô ta uống rượu, ngủ tịt đi vào giờ canh. Nghe cô ta chửi chồng như chửi cả ông:

            - Nốc cho lắm vào để mà ngủ chỏng cu lên với nhau. Hai thằng đàn ông coi giữ, mất vẫn hoàn mất!

            Những chuyện đi gác thuê và hoàn cảnh riêng, ông vừa cắm cúi chữa vội cái xe đạp, vừa kể vắn tắt với Tần - người đồng đội còn đang mặc quân phục, mang hàm thượng tá - khi hai người bất chợt nhận ra nhau.

            - Thế sao anh không chọn nghề gì cho nhàn hạ, mà lại ra đây ngồi chữa xe?

            - Có biết nghề gì mà kén với chả chọn. Đã tính cả việc đạp xích lô kia. Tránh xích lô thì chỉ có nghề này. Đành phải phơi mặt trước nắng mưa. Lúc mới cũng ngượng lắm. Giấu cả hàng xóm đấy.

            - Tôi thì tôi không chọn nghề này. Ngượng thật chứ lỵ!

            - Anh bố trí tôi làm việc gì cho công ty anh được không?

            - Để tôi xem có việc gì phù hợp với khả năng anh đã.

            Công ty của bạn ông rất nhiều việc. Năm trăm lao động đủ làm quanh năm. Còn thường xuyên san việc cho đơn vị khác. Vậy mà Tần không biết bố trí việc gì cho ông. Việc gì cũng cần đến chuyên môn kinh tế - kỹ thuật cả. Xem ra chỉ có chân gác cổng phù hợp với ông. Nhưng kín chỗ cả rồi. Mấy suất gác đều do người nhà anh em trong công ty đảm nhiệm, nên không nỡ để ai nghỉ. Thương ông mà đành chịu bó tay. Giá ông có cái bằng kỹ thuật hay kinh tế thì khối chỗ ngồi ung dung.

Mấy ngày sau, viên thượng tá - Giám đốc Công ty Sản xuất và Thương mại trao đổi lại với ông những vướng mắc ấy.

            - Tưởng cái phân xưởng gốm sứ thì có việc không cần đến chuyên môn kỹ thuật? – ông nói.

            - Cần hết. Có vài khâu thủ công rất vất vả, như nắm than, chẻ củi anh không nên làm. Quần quật cả ngày mà thu  nhập rất thấp. Nghề ấy, chỉ phù hợp với cánh thanh niên nông thôn đói việc thôi. Mà ít tháng nữa, chúng tôi áp dụng công nghệ tiên tiến, đưa khí ga vào nung đốt, thì việc nắm than chẻ củi cũng không còn.

            - Thì đành yên vị với cái nghề bơm vá này… Nghề này chắc còn lâu lâu…

            Ông nói vậy, song trong lòng thật buồn. Chẳng phải ông trách bạn bè không cho nhờ cậy. Mà tự trách mình không sớm biết lo xa. Đúng hơn là, ông đã tính nhầm.

            Sau khi chiến tranh kết thúc, khói bụi còn vương trên quần áo, tất cả sĩ quan đơn vị ông, ai có nguyện vọng học hành đều được nghiên cứu sắp xếp. Học xong cấp ba thì cử vào đại học. Chưa đủ tiêu chuẩn thì bồi dưỡng thêm, để sẽ vào đại học. Và còn mấy lớp trung cấp kỹ thuật cũng được mở ra. "Chỉ những người lính từng xông pha chiến trận mới quyền hưởng chính sách ưu tiên này. Để các đồng chí tiếp tục trở thành người đi tiên phong trên mặt trận xây dựng lại đất nước!" - nếu ông hưởng ứng lời kêu gọi ấy của sư đoàn, hẳn đã có cái bằng đại học như Tần, như hàng trăm anh em cùng thời trong đơn vị. Thì bây giờ, dù hoàn cảnh riêng khó khăn đến đâu, ông cũng không đến nỗi phải ra ngồi lê vỉa hè - nơi mà   chính ông từng một thời nhìn bằng cặp mắt khinh thường.

            Sao mấy chục năm trước đây ông không đi học? Tuổi ba mươi, học hành cũng ngại. Quân đội thôi dùng thì về nhà với vợ con. Làm gì chẳng sống được. Ông nghĩ đơn giản thế thôi. Mà cuộc đời ông sau chiến tranh cũng có một chặng dài diễn ra thật đơn giản. Ông làm trợ lý chính trị ở quân đoàn bộ, ngự tại trung tâm một thành phố lớn. Điều kiện sinh hoạt vật chất - tinh thần khá ung dung. Đi đâu có ô tô ngồi, chẳng mấy vất vả. Quanh năm nắng không xói mặt, mưa không rơi đầu ông. Hàm tước thì cứ chiếu quy định mà thăng tiến. Chủ yếu là đủ niên hạn. Ba năm lên bậc đối với hệ sơ cấp; trung - cao cấp thì bốn - năm năm. Hễ không mắc tội, đủ niên hạn là lên. Thêm mỗi ngôi sao trên vai ông, nó tựa như tăng một bậc lương công chức trong các cơ quan hành chính sự nghiệp ngoài quân đội vậy. Nhưng xem ra oai phong lắm lắm. Còn trình độ thế nào, thật khó đánh giá. Xét chi ly thì, không ít anh đeo lon cấp cao, nhưng trình độ thực chỉ ở mức sơ cấp mà thôi. Tuy vậy, người trên kẻ dưới, chẳng ai rành rẽ bới móc nhau để làm gì. Dễ người thì dễ ta. Nên tất cả những ai đang hiện diện đều đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao phó. Trong quân đoàn không ít người giống như ông, chẳng cần theo học một chương trình chính quy nào, đời vẫn thăng tiến êm xuôi. Bám quân đội đến độ tuổi bốn nhăm - năm mươi, lúc ra quân, anh nào cũng thuộc hàng cán bộ cao cấp cả. Nhưng ông không nhất trí với một số người bảo là, họ được hưởng lộc trời cho. Và ông kịch liệt phản đối thứ quan niệm cho rằng: Thăng tướng thăng tá ào ào là sự chia chác “quả thực”, nhằm tập hợp lực lượng gìn giữ lợi ích của một nhóm người.

Chặng đời đơn giản và êm xuôi ông đã trải là như thế đấy!

            Ông nghĩ mình có thể ung dung an hưởng cuộc sống đơn giản và êm xuôi đến hết đời, hóa ra không. Bà ấy dù có yếu đau thì cảnh nhà cũng chẳng đến nỗi nào, nếu thằng con ông không hư hỏng. Không kiếm nổi cái bằng đại học, chỉ cần làm thợ cũng đủ nuôi thân. Thì ông chẳng phải đày đọa tấm thân khi sắp về già. Gọ gẵng bằng đồng lương hưu, vợ chồng cũng đủ đùm bọc nhau. Chỉ tại thằng con ông. Nó đã phá nát cái nhà này. Nên bây giờ ông phải phơi thân nơi đầu đường xó chợ. Bất chợt, ông nhớ về cái thời bé tý, hồi Hà Nội còn bị Pháp chiếm, trước năm Bốn nhăm (1945). Khi ấy ông đã phải theo bố ra ngồi vỉa hè kiếm ăn…

            Mải suy tư, ông không biết có khách hàng đã đẩy cái xe máy đến kề bên.

            - Ông già! Ngủ gật à? Chắc hôm qua yêu mến bà cháu quá sức hở? Xem cho cháu cái bánh trước xì hơi ở chỗ nào!

            Khi ông đang giúi cái săm xe máy vào chậu nước để kiểm tra thì, cảnh sát ùa đến dẹp vỉa hè. Hết quản lý thị trường dẹp, lại đến cảnh sát dẹp. Hiếm có ngày không bị dẹp. Dẹp. Chạy. Lại dẹp. Lại chạy. Không nhanh chân nhanh tay chạy, hàng họ bị tống lên xe công vụ coi như mất trắng. Ai chống đối sẽ bị điệu về đồn công an chờ phân xử. Cuộc sống khắc nghiệt là thế, song đám dân nghèo lấy vỉa hè xó chợ làm nơi sinh sống không thể từ bỏ. Kết cục là, người dân nghèo càng thêm khổ. Phía nhà nước thì quanh năm đổ công đổ của cho cái chủ trương sạch quang vỉa hè, để rồi chỉ gặt hái được những con số không sự oán giận từ phía người dân. Ai ai cũng biết kết quả là như thế. Cả những người thừa hành công vụ cũng biết thế. Mà sao không có cách nào khác để cải thiện thực trạng này. Do bế tắc thực sự, hay là thái độ vô trách nhiệm của số người giữ quyền hoạch định chủ trương? Hay gì gì khác?... 

            Bỗng một tiếng quát khô sắc, chói tai, ném đến từ xa, cắt đứt dòng suy nghĩ trong ông:

            - Ông chữa xe, sao không biến?

            - ...

            - To gan! Dám ngồi ì hở!

            Đang dỡ cái xe ra thế này, muốn chạy cũng chẳng được. Và, ông chưa kịp đứng lên thưa gửi lý do, đã nghe tiếng quát ngay bên:

            - Cho kiểm tra giấy tờ!

            - Giấy gì cơ ạ? - ông từ tốn hỏi lại.

            - Giấy hành nghề!

            - Dạ, nghề này không có thứ giấy ấy.

            - Thì giấy gì cũng được! Xem ông ở đâu đến đây? Ông có biết quy định cấm ngồi vỉa hè không?

            Mồm hỏi nhưng viên trung uý cảnh sát vẫn nhìn đi đằng nào ấy, như không chút bận tâm đến cái lệnh soát xét mình vừa buông ra. Còn ông phải lần tận túi áo sơ mi, bên trong mấy tầng áo chống rét, mới lôi được nắm giấy tờ ra. Ông chọn một thứ đưa trình.

            Viên cảnh sát chưa xem cụ thể đã hỏi:

            - Giấy gì thế này?... Chứng minh thư quân nhân à? Làm gì còn giá trị!... Đại tá cơ à? Đại tá sao phải ra ngồi vỉa hè?

            Câu hỏi như mũi dao đâm trúng tim, khiến ông đau quặn. Nỗi đau, xét cho cùng không chỉ tại thằng con ông gây ra. Còn bởi tại ông!

(*) Đăng tại Chuyện đời 2, NXB Thanh Niên, Hà Nội, 2004

(*) Newvietart,... 

 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét