Thứ Ba, 23 tháng 11, 2021

VÀI KỶ NIỆM NHỚ LẠI.

Trước năm 2000 tôi được mời dự khánh thành nhà lưu niệm một người bạn của Cha tôi. Tôi thật sự vui và thành tâm chúc mừng người con có hiếu, đã rất cố gắng xây dựng được công trình tưởng niệm Cha mình!

Tuy nhiên, ngay khi đó trong tôi đã xuất hiện nhiều băn khoăn, trăn trở, khi ngắm xem nhà lưu niệm. Về tổng thể, chưa nói đến giá trị quý của các hiện vật, tư liệu và tác phẩm; chưa nói đến tính thẩm mỹ cao trong cách bày biện, sắp đặt và bố cục chung của nhà lưu niệm… thì rồi đây sẽ phải bảo quản, gìn giữ thế nào những đồ vật quý giá kia trong điều kiện bụi bặm, nóng ẩm của xứ nhiệt đới? Với vị trí khá khuất của nhà lưu niệm, với những người con dù rất có tâm, nhưng lại không có chuyên môn, nghiệp vụ về lưu trữ, bảo tàng, truyền thông… thì làm sao có giải pháp hiệu quả để bảo tồn và giới thiệu được tới rộng rãi công chúng những giá trị quý về ý nghĩa lịch sử và văn chương của các tư liệu ấy?    

 Trong khi hiện nay, nhiều bảo tàng khác của Nhà nước, phong phú về hiện vật, được đầu tư rất lớn về điều kiện làm việc, và có một đội ngũ cán bộ chuyên sâu về nghiệp vụ, mà vẫn còn bị ế ấm, vắng khách tham quan tìm hiểu, thì giá trị của bảo tàng tư nhân đến được rộng rãi công chúng có vẻ là khó!
Hiện vật của Cha trưng bày ở Bảo tàng




Phu nhân Nhà thơ Trần Lê Văn cùng con cháu
NVK Lộng Chương tại gian trưng bày hiện vật của Nhà văn.

Có thể, cái nhìn của tôi còn phiến diện, khi chưa đi khảo sát và ghé thăm thêm một số bảo tàng tư nhân khác, nhưng… một sự suy ngẫm thấu đáo và có logic mách bảo tôi rằng: Về phương diện con người có chuyên môn nghiệp vụ (nhất là những con người yêu nghề, có tâm với nghề), trên cái nền được đầu tư cơ sở vật chất bài bản, thì các Bảo tàng (như Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Văn học…) sẽ là lựa chọn tốt cho các GIÁ TRỊ VĂN HÓA - LỊCH SỬ cần lưu giữ! Hơn nữa, không chỉ là đơn thuần bảo quản lưu giữ, các Bảo tàng còn có một sứ mệnh lớn lao, đẹp đẽ: Đó là nơi giữ lửa, tôn vinh, tuyên truyền, giới thiệu, phố biến  những giá trị thiêng liêng, những nét đẹp của văn hóa dân tộc cũng như hun đúc lòng tự hào, tự tôn của những thế hệ sau đối với lớp cha ông đi trước. Điều này cực kỳ quan trọng, mà khó có thể các bảo tàng tư nhân đảm đương được!

Với những suy nghĩ trăn trở đó, nên khi cán bộ Bảo tàng Văn học liên hệ, tôi đã có những quyết định nhanh chóng, về “số phận” nhiều hiện vật, tác phẩm, tư liệu thuộc về người Cha thân yêu của mình.

Ngày 28/6/2007 là ngày đầu tiên tôi được tiếp xúc với cán bộ Ban Quản lý Dự án BẢO TÀNG VĂN HỌC VIỆT NAM. Sau đó liên tiếp nhiều năm trời, các cán bộ Bảo tàng đến nhà riêng để tiếp nhận tư liệu, hiện vật, tác phẩm của Cha từ chúng tôi trao tặng.

Tại sao lại kéo dài thời gian trao gửi như vậy? Điều đó cũng rất dễ hiểu. Những tư liệu, hiện vật, tác phẩm Cha, đâu có khác gì máu thịt đã ngấm vào trong tim tôi vậy! Cha tôi đã sống một cuộc đời dâng hiến trọn vẹn, cho đất nước, cho nhân dân, và cho cả chính những đứa con thương yêu của Người. Mỗi một tác phẩm, một hiện vật, một tư liệu.. của Cha tôi, là một câu chuyện vui buồn, thậm chí cả đau thương hờn giận chan chứa, đọng đầy trong đó. Khi trao đi, nếu nói là: Tôi đã trao gửi cả máu thịt mình, thì có vẻ hơi quá chăng? Với tôi, không hề quá, mà đó là sự thật!

Nếu mọi người nhìn thấy chồng tôi, giữa trưa hè cháy da cháy thịt, mà ông đội một cái mũ nan, ngồi trên sân thượng, cần mẫn giở từng trang bản thảo của Cha ra, trải phơi đầy sân, (bởi mối mọt quá nhiều khi chúng tôi mang kỷ vật của Cha về nhà riêng) thì sẽ thấu hiểu câu tôi nói về chồng: Ông không để rơi một chữ, một dấu chấm, một dấu phảy, trong bản thảo của Nhạc phụ!

Mà đó là con rể của Cha. Vậy thì với những đứa con được Cha sinh ra, ân cao nghĩa dày với Người, biết nói thế nào cho đủ!

Vì thế, tôi dám nói: Khi tôi trao đi những kỷ niệm thiêng liêng của Cha, chính là tôi đã gửi gắm máu thịt của mình, là vậy!

Thế nên, những cuộc trao gửi kỷ vật thiêng liêng thuộc về Cha của chúng tôi cho cán bộ Bảo tàng kéo dài trong vài năm, chính là thể hiện một quá trình, mà sự đắn đo, cân nhắc, lưỡng lự mất dần, còn niềm tin tưởng, yêu quý nhau giữa chúng tôi ngày một tăng và thêm bền chặt.

Trước cuộc gặp gỡ với cán bộ Bảo tàng Văn học vài tháng, vợ chồng tôi cùng một số người con của các nhà văn khác, được lãnh đạo Hội Nhà văn đưa đến ngõ 275 đường Âu Cơ, tham quan Dự án Bảo tàng Văn học, lúc đó đang xây dựng dở dang. Để rồi, trải qua khoảng chục năm, một Bảo tàng rất đặc trưng nghề nghiệp đã được ra mắt vào tháng 6/2015 - Đó là Bảo tàng Văn học Việt Nam. 

Và thế là, từ đó, Cha tôi đã có một vị trí trang trọng, nhưng giản dị và nhẹ nhàng, để tiếp tục “đời văn” của mình trong tâm tưởng các thế hệ yêu thích văn chương Việt đến tham quan, tìm hiểu và tưởng nhớ đến ông cùng rất nhiều thế hệ các VĂN TÀI khác của đất nước. 

Biết rằng nói câu “Cảm ơn” là không đủ, nhưng chắc chắn vẫn phải cất lời: Cảm ơn tất cả các bạn đã tham gia xây dựng và làm nên một địa chỉ văn hóa rất phong phú, đa dạng và hấp dẫn, chứa đựng khá đầy đủ nền văn chương Việt 10 thế kỷ qua!

23/11/2021

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét