Tính đến nay ông nghỉ hưu
đã được mấy năm. Theo quan niệm người đời, nghỉ hưu nghĩa là được an nhàn tĩnh
dưỡng sau những năm tháng lao động miệt mài vất vả. Nhưng với ông, thì không!
Được biết vừa qua, một lần nữa ông giành Giải Nhất cuộc thi Vang Quốc tế Việt
Nam (Best Vietnamese Fruit Liguor Troply), tôi đến để chúc mừng, ông cười bảo:
Ôi trời. Đấy là cái nghiệp của mình rồi. Còn sống, còn nhúc nhắc được, thì còn
phải nghiên cứu chứ. Suốt đời, mình sống bằng nghiên cứu. Lấy nghiên cứu nuôi
nghiên cứu. Lấy nghiên cứu phục vụ cho đời sống dân sinh. Không nghiên cứu thì
ngứa ngáy chân tay lắm.
Thứ Năm, 21 tháng 12, 2023
VANG ÔNG HÀO - Sản phẩm mang tên một con người
Thứ Năm, 7 tháng 12, 2023
Cái tâm của người con rể (Báo Người cao tuổi, Xuân Giáp Ngọ 2014)
Nguyễn Thị Việt Nga: Viết như một cách thanh lọc tâm hồn! (Báo Lao động cuối tuần, 28/4-30/4/2017)
Giờ đây, thực sự tôi đã coi Nga như người trong nhà; coi Nga là: “Con gái đỡ đầu út ít” của Cha tôi - Nhà viết kịch Lộng Chương. Dù rằng, Cha tôi đã mất hơn 13 năm rồi, và tôi với Nga cũng mới quen biết nhau được khoảng gần 4 năm.
Nguyên do thì…
giản dị lắm. Nhưng… để làm được điều giản dị như Nga đã làm, liệu có mấy ai?
Trước khi quen biết Nga, tôi từng đọc những tản văn, những truyện ngắn, truyện dài, những trang ký của Nga đăng rải rác trên báo Lao động, trên trang nhavantphcm.com.vn. Tôi đọc tác phẩm của Nga, như đọc những sáng tác của người khác, chưa mấy ấn tượng. Đến khi gặp gỡ trực tiếp, hiểu rõ hơn về con người và cuộc sống của Nga, những nhìn nhận trong tôi dần vỡ vạc, thêm yêu quý và ngưỡng mộ Nga; càng trân trọng nhiều lắm cái chất “nhân” đầy ắp trong người phụ nữ trẻ luôn tất bật bằng hành động, luôn ngồn ngộn suy tư trong tâm tưởng, luôn tràn đầy những ý tưởng cho phía trước… là Nga.
Thứ Ba, 5 tháng 12, 2023
Triển lãm 50 PHÁT MINH bởi UKRAINE TRAO TẶNG THẾ GIỚI (2)
Di chuyển bằng buýt, mình đã cẩn thận tra google maps; nhưng đột nhiên thay đổi lộ trình khi hỏi ý kiến ông xã, không ngờ lại cực thuận lợi. Sau khi xuống buýt, chỉ chưa đầy 500m đã đứng trước cổng Đại sứ quán UKRAINE.
Cảm nhận đầu tiên khi bước vào đó là một không khí nhẹ nhõm, dễ chịu. Trưng bày khắp sân là những hình ảnh giới thiệu về 50 PHÁT MINH, với rất nhiều lĩnh vực, được nghiên cứu và ra đời bởi người UKRAINE. Lần lượt xem từng bức tranh giới thiệu, thực sự mình không ngờ, có những vật dụng đơn sơ, cả thế giới loài người sử dụng nhiều thế kỷ nay, và chính mình đã được dùng trong một thời đoạn dài của chiến tranh, lại là chính từ những người UKRAINE sáng chế ra.
Chủ Nhật, 3 tháng 12, 2023
Triển lãm 50 phát minh bởi UKRAINE trao tặng thế giới (1)
![]() |
Lưu niệm cùng ông Đại sứ và Phu nhân |
Trong cuộc trò chuyện, Ông Đại sứ mời vợ chồng
mình du lịch UKRAINE khi chiến tranh kết thúc. Mình vui vẻ nhận lời, với “điều
kiện nhỏ”: Ông cam đoan tạo thuận lợi khi cấp visa, nếu kết thúc CT mà vợ chồng
mình còn đủ sức 😀.
Bởi, nay vợ chồng mình đã thuộc diện, đi máy bay phải chứng minh sức khỏe 😂
Thứ Sáu, 1 tháng 12, 2023
MÀU XANH QUYẾN RŨ (Báo Người Hà Nội 30/11/2007)
Để được “mục sở thị” loại sản phẩm mới này, một chiều thu tôi theo Kim đến tận nơi sản xuất. Nơi ấy cách trung tâm thành phố chừng hơn bốn mươi cây số, giữa những ngọn núi cây cối xanh um. Nắng chiều thu hơi chói gắt nhưng gió vẫn man mát, lành lạnh, khiến cảm giác trong tôi thật dễ chịu. Thích thật, chỉ cách một quãng đường nhỏ, ngoài kia ô tô xe máy vù vù, bụi tung mù mịt, còn ở đây không khí tĩnh lặng, trong lành, nhẹ nhõm.
Thứ Ba, 28 tháng 11, 2023
Thứ Hai, 27 tháng 11, 2023
CÂU LẠC BỘ KỊCH THƠ - CHỐN ĐAM MÊ CỦA NHỮNG NGƯỜI LÃNG MẠN (Hanoimoi 24/9/2013)
Đầu năm 1979, cha tôi - Nhà hoạt động sân khấu Lộng Chương nghỉ hưu. Vào khoảng tháng 3/1979 cha tôi được ông Trương Đức Chính - Thường trực Viện Nghiên cứu sân khấu mời đến Viện, trao đổi về dự kiến tập hợp lực lượng, thành lập Câu lạc bộ Kịch thơ (CLB Kịch thơ - do Viện Nghiên cứu sân khấu đỡ đầu). Viện trưởng Viện Nghiên cứu sân khấu khi ấy là ông Hoàng Châu Ký rất ủng hộ chủ trương này. Theo nguyên văn nội dung giấy mời họp do ông Hoàng Châu Ký, ký ngày 18/4/1979, thực ra Viện Nghiên cứu sân khấu mong muốn tổ chức một Đoàn Kịch thơ thể nghiệm, trực thuộc Viện nhưng chưa có điều kiện. Vì thế trước mắt Viện đứng ra tổ chức một CLB Kịch thơ. Viện sẽ đảm nhiệm đỡ đầu CLB một phần về tổ chức vật chất. Thành phần tham gia CLB là những nghệ sĩ lão thành, những nghệ sĩ trẻ, các tác gia, diễn viên, những nhà lý luận sân khấu, họa sĩ, nhạc sĩ… với tinh thần tham gia một cách tự nguyện, vô tư, thiết tha với thể loại kịch thơ…
Với một CLB mang tính chất “tay không” về vật chất và đường lối hoạt động như thế, đương nhiên trong Ban Vận động thành lập CLB Kịch thơ không thể thiếu gương mặt Nhà thơ Trần Huyền Trân – một người bạn tri âm, tri kỷ của Lộng Chương từ những ngày tháng 7/1957, khi hai người cùng với nhiều bạn hữu khác đứng ra thành lập Đoàn Chèo Cổ Phong; cũng với tư thế của những ông bầu “tay trắng”. Và thế là, hai người bạn hiểu nhau đến tận chân tơ kẽ tóc đã cùng các thành viên trong Ban Vận động mời được gần bốn chục người, từ các đơn vị nghệ thuật chuyên và không chuyên: Đoàn ca nhạc Ủy ban PTTH Việt Nam, Nhà hát Kịch Việt Nam, Đoàn ca nhạc Đài tiếng nói Việt Nam, Công ty Xe khách Thống Nhất, Trường Nghệ thuật sân khấu VN, Đoàn kịch Công nhân Hà Nội… tham gia hoạt động.
Ba tập sách về Nhà viết kịch Lộng Chương (Hanoimoi 7/2013)
Chủ Nhật, 26 tháng 11, 2023
NỖI NIỀM QUÊ NGOẠI (Báo Văn nghệ số 14/2007)
Con đường Láng - Hoà Lạc rộng mở, đưa xe tôi bon bon trên nẻo về quê ngoại. Quê ngoại của tôi giờ gần Hà Nội lắm, chưa tới năm mươi phút đồng hồ đi bằng xe máy. Cây đa đầu làng đã sừng sững trước mắt. Toàn thân tôi chợt gai gai, bồn chồn. Ký ức một thuở tưởng như xa lắc, xa lơ chợt cuồn cuộn chảy về, quấn quýt, xoắn bện trong cái đầu chộn rộn, xốn xang của tôi. Quẹo vào con đê làng một đoạn ngắn, xe máy của cậu tôi phanh gấp. Xe tôi cũng khựng lại theo. “Chính chỗ này đây, ngót hai mươi năm trước, mẹ cháu bị kẹt chân vào bánh xe của dì Nhu, khi dì và cậu đưa mẹ về viếng mộ ông bà ngoại. Cậu với dì lo quá. Cậu cứ nâng lấy gót chân của mẹ cháu, hỏi: Chị ơi, chị có đau lắm không? Vậy mà, đã gần hai mươi năm. Giờ, cả mẹ cháu cũng đã không còn!”. Giọng cậu buồn buồn, xa xót.
Thứ Sáu, 17 tháng 11, 2023
CÁI TÔI NGHỆ SĨ VÀ TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI
(HNM) - Cuối tuần trước, Hànộimới nhận được bài viết của bà Phạm Hồng Thắm (con gái nhà viết kịch Lộng Chương). Tác giả đặt cho nó tựa đề "Chốn đam mê của những người lãng mạn".
Đó là một bài viết nhỏ về đời sống văn nghệ cách nay bốn - năm chục năm, thông qua câu chuyện giản dị thể hiện trách nhiệm của người nghệ sĩ, tình yêu nghệ thuật và thái độ làm nghề đúng đắn. Tiếc là, vì lý do khách quan mà chúng tôi chưa thể sớm giới thiệu bài viết của bà Phạm Hồng Thắm. Nói tiếc là bởi câu chuyện ấy, dù không to tát nhưng xứng đáng được giới thiệu rộng rãi trong bối cảnh nghệ thuật đích thực đang có sự chậm lại, đúng hơn là "kín tiếng", và bởi vậy, sức phản kháng đã yếu đi phần nào dù đang bị bủa vây bởi vô số yếu tố phi nghệ thuật nhưng được coi là hiện thân của nghệ thuật.
Thứ Ba, 7 tháng 11, 2023
EM GÁI TÔI
![]() |
Trang đầu số báo đăng bài EM GÁI TÔI |
Chủ Nhật, 5 tháng 11, 2023
BẦU TRỜI TRONG XANH QUÁ!
* * *
Hắn gò
lưng đạp chiếc xích lô. Từ sáng đến giờ, đây mới là chuyến hàng thứ
hai hắn được gọi chở. Trước đây ít năm, cái nghề của hắn cũng kiếm
được kha khá tiền. Bởi, rất ít người chịu làm cái nghề này. Bởi,
loại phương tiện này còn được cho phép hoạt động trên nhiều loại
tuyến phố. Bởi, các loại chuyên chở hiện đại hơn chưa phát triển.
Bởi, chưa có cái nghị định gì gì đó về đường thông hè thoáng của
“ông” Chính phủ ban hành. Nên, hắn có nhiều khách. Nên, hắn có thể
khua khoắng khắp các loại phố loại đường lớn nhỏ. Nên, hắn không
phải ngó nghiêng lấm lét trên đường để trốn tránh những bộ trang
phục màu xanh của cảnh sát trật tự. Chỉ một cái xích lô tèng tèng
mà hắn nuôi được vợ được con. Chẳng ung dung thì cũng có đủ cái ăn.
Chẳng ung dung thì cũng không đến nỗi ăn bữa sáng lo bữa tối. Cuối
mỗi ngày, hắn có thể khề khà lưng chén rượu nhạt bên mâm cơm đạm
bạc của gia đình. Chứ hắn chẳng bao giờ dám mong có được cuộc sống
sung túc như các tầng lớp trung lưu khác trong xã hội. Hắn cũng chẳng
dám nhảy vào những quán xá bia bọt tùm lum của những kẻ lắm tiền
nhiều của mỗi chiều. Có lúc khát quá, hắn ghé xe sát vỉa hè cạnh
quán bia. Hắn gọi một cốc uống “sếch”. Uống vội uống vàng. Rồi
đứng lên đạp xe đi ngay khi hai bên mép còn dính trắng xoá bọt bia. Như
thế cũng đã là xa xỉ đối với hắn.
Đi bộ đội về. Không nghề. Không nghiệp. Tuổi cũng
đã cưng cứng. Chẳng đâu nhận đào tạo nghề cho những kẻ đã ngót bốn
mươi như hắn. Cả gia đình hắn bốn người chúi vào gian nhà ngói thấp
lè tè trong một ngõ nhỏ sâu hun hút. Vì là cái ngõ nhỏ nên những kẻ
lắm tiền nhiều của chẳng màng đến định cư. Quanh nhà hắn, phần lớn
là những gia đình lam lũ, ăn bữa sớm lo bữa tối. Tiếng là sống trong
nội thành nhưng nơi hắn ở vẫn gọi là làng. Cái làng đặc sệt nếp
sống quê dân dã tuy đã có những cung cách lai căng của thị thành. May
cho gia đình hắn là còn có gian nhà ngói để chui vào chui ra. Đấy là
của “gia bảo”, mẹ hắn lúc còn sống lấn được bên cạnh một khu đổ
rác của làng. Nay đô thị hoá, để giữ gìn môi trường cái bãi rác đó
đã được di dời xa hơn ra ngoại thành. Thế là nghiễm nhiên, những hộ
dân sống nơi bãi rác, trong đó có gia đình hắn, sở hữu được chỗ
định cư yên ổn. ở đã vậy. Thôi tạm được! Nhưng còn ăn. Đó là nỗi lo
ngày càng thường trực cho một người chủ gia đình là hắn. Vợ hắn
cũng là một người đàn bà chăm chỉ, nhưng sức lại yếu. Mỗi sáng, cô
ấy làm một chõ xôi bán đầu ngõ. Bán hết xôi, lại về phụ làm đậu
với người hàng xóm. Với hai cái tàu há mồm mỗi ngày một lớn, cả
vợ cả chồng hắn quần quật quanh năm mới tạm yên. Đôi lúc nằm vắt tay
lên trán, ngó cái mái ngói với nhiều hòn đã mục, thỉnh thoảng rơi
bụi xuống mặt, hắn cũng thấy nản. Chẳng biết bao giờ vợ chồng hắn
mới ngẩng đầu lên được. Thiên hạ sao họ lắm tiền nhiều của thế. Cứ
bước ra khỏi cái xóm bãi rác hắn ở, là thấy đường xá tấp nập đông
vui. Ngày hắn mới ở bộ đội về, hiếm hoi lắm mới nhìn thấy con Honda
đèn tròn tám mươi tám mốt chạy trên đường. Nay các loại xe máy đời
mới hơn trăm phân khối nhiều lắm. Còn bắt đầu có cả ô tô biển đăng
ký của tư nhân. Đúng là kẻ ăn không hết người lần không ra. Cha sinh
mẹ đẻ ơi, chẳng biết đến bao giờ con sẽ có cuộc đời khác với cuộc
đời của cha của mẹ cách đây nửa thế kỷ. Thỉnh thoảng hắn thầm kêu
lên như vậy khi ngẫm về cái gia cảnh mà hắn đang làm ông chủ. Hì hì
hì. Hắn bật cười khẩy. Cũng được gọi là ông chủ cơ đấy. Nhưng ông
chủ như hắn thì, nhiều khi hắn nghĩ, thà… chết quách đi có khi lại
thanh thản. Khổ nỗi, khó khăn đến mấy cũng có ai tự chết được đâu.
Dù sao, hắn cũng có một mái nhà. Dù sao, hắn cũng có một người
vợ, chẳng xinh đẹp giỏi giang thì vẫn cùng hắn góp mặt làm nên một
gia đình. Dù sao, hắn cũng còn có hai đứa con luôn nhắc nhở hắn về
nghĩa vụ làm cha. Ôi, nghĩa vụ. Sao con người ta sinh ra lại phải làm
nhiều cái thứ nghĩa vụ thế? Còn cha còn mẹ, có nghĩa vụ làm con.
Đến lúc đủ mười tám tuổi, phải có nghĩa vụ công dân đối với đất
nước. Vào bộ đội, phải có nghĩa vụ của người lính bảo vệ Tổ quốc.
Rồi đến khi lấy vợ có con thì đấy… Trời đất ạ, hắn cũng cố làm
cái nghĩa vụ mà trời đất đã đặt lên vai hắn đấy chứ. Hàng ngày
hắn gò lưng đạp xe, chở hết chuyến hàng này đến chuyến hàng khác.
Có hôm tối mịt còn chưa được nghỉ. Mà có hàng chở đã là may. Thời
gian gần đây, xích lô bị cấm đi vào một số tuyến phố. Thế là địa
bàn hoạt động của hắn bị thu hẹp lại. Rồi thì bắt đầu xuất hiện
loại xe vận tải nhỏ. Như vậy là thêm một bước khó khăn cho công cuộc
mưu sinh của hắn. Cái túi tiền sau một ngày làm việc cật lực của
hắn ngày càng còm cõi đi. Thật đúng là mật ít ruồi nhiều. Sau
chiến tranh, biết bao thằng lính không nghề không nghiệp như hắn xuất
ngũ quá. Những thằng ở thành thị đã nhiều. Lại cả những thằng
khoác ba lô về quê, không trụ nổi nơi đồng đất ngày càng bạc màu với
những sách nhiễu của mấy ông “quan” địa phương, thế là chúng nó tếch
ra thành phố với quan niệm: Giàu nhà quê không bằng ngồi lê kẻ chợ.
Chúng nó kiếm tiền bằng nhiều nghề. Thằng đạp xích lô như hắn.
Thằng đi bốc vác. Thằng sắm bộ đồ nghề cắt tóc. Thằng làm nghề mài dao kéo. Hay thật, có cả
thằng vào cái nghề giúp “cân bằng sinh học” cho những mụ nạ giòng
lắm tiền nhiều của nhưng thiếu đàn ông… Thôi thì đủ cả. Làm đã vậy.
ăn ở thì đủ kiểu tại những xóm tạm xóm liều ven sông. So với những
thằng cùng đại đội may mắn sống sót trở về sau chiến tranh, dù sao
hắn còn hên hơn là có một mái nhà ngay tại đất đô thị này. Không
phải ăn nhờ ở đậu khi xa quê như chúng nó. Khi đối diện với đạn bom,
với B52 trải thảm, với những làn khói màu da cam mà máy bay địch
thả đặc một vùng trời, những thằng lính cầm súng như bọn hắn đâu
có nghĩ đến lúc phải vật lộn với miếng cơm manh áo như bây giờ.
Cũng chẳng ai tưởng tượng ra rằng, những con người tự hào là mình đã
chai sạn trước hòn tên mũi đạn như hắn lại có thể chịu khom mình
trước những kẻ đốn mạt. Và như vậy, họ đốn mạt hơn cả những kẻ
đốn mạt. Hắn nghĩ thế và uất. Nhưng hắn đã phải nghiến răng. Sống
chết trong chiến tranh là một sự may rủi. Để tồn tại lúc thời bình
này lại có kiểu khốc liệt riêng, dễ sợ! Trong chiến tranh, đối diện
cái chết anh có thể trở thành anh hùng. Khi thời bình, trước đồng
tiền anh lại rất dễ trở thành kẻ đốn mạt. Đốn mạt hơn ngàn lần
đốn mạt.
Một bận, hắn suýt bị thu xe vì một kẻ đốn mạt.
Do phát hiện chậm một gã cảnh sát còn non choẹt đứng nấp sau gốc
cây ở một góc phố, hắn bị chặn xe lại. Hắn đã phải dốc vào tay gã
cả số tiền đã còng lưng đạp xe gần hết ngày mới có được. Thế là
nó tha. Mẹ nó chứ, khi hắn cầm súng đối đầu với cái chết ở chiến
trường, chắc thằng chíp hôi này còn chưa là cái bào thai trong bụng
mẹ nó. Thế mà nó đã lên giọng bảo hắn: “Ông đã vi phạm trật tự xã
hội. Tuyến đường này đã cấm các loại phương tiện thô sơ mà ông vẫn
cố tình đi vào, làm xấu bộ mặt của phố phường. Ông có biết bao
nhiêu người đã đổ xương đổ máu đổ công đổ sức mới giữ được cho Hà
Nội như bây giờ không?”. Thật quả, hắn đã cố nén. Chứ không bàn tay
từng bấm cò B41 của hắn đã nện vỡ mẹ cái bản mặt bấm ra sữa ấy
rồi. Từ cái ngày ở bộ đội về, quay quắt tìm việc làm mãi không
được, hắn đành chấp nhận đặt đít lên chiếc xe xích lô. Ngay khi đó
hắn đã phải xác định, làm cái nghề này là phải chịu nhục. Nhưng
giả thử, hắn gò lưng chở khách để lấy tiền, khách không ưng điều gì
mà mắng mỏ, thì hắn phải nhịn. Đằng này, cái thằng chíp hôi ấy nó
vừa thở ra giọng kiểu cha bố, nó lại vừa giơ tay cầm tiền của hắn.
Đồ khốn. Không vì sợ cái phương tiện nuôi vợ nuôi con bị thu giữ thì
hắn cũng dám giơ nắm đấm ra lắm.
* * *
Xe hàng
hôm nay khá nặng. Lưng áo hắn ướt sũng sịu. Cái khăn mặt vắt trên vai
cũng âm ẩm do bị thấm mồ hôi. Đã gần cuối giờ chiều, chắc mấy tay
cảnh sát quản lý khu chợ này đang ngồi ở đâu đó. Biết đâu chúng
chẳng đang nâng cốc với nhau. Vì cái nắng chiều khá oi ả. Thôi, cứ
liều đi ngược mấy chục mét phố này. Cũng chỉ đoạn ngắn thôi mà.
Hắn cắm cúi đạp thật nhanh. Đã được hơn nửa đường. Chợt, một tiếng
còi “tuýt” vang ngay sau lưng hắn. Hắn sựng lại. Người cảnh sát khu
vực đã đứng kề bên:
-
Anh
đã đi ngược chiều. Đề nghị anh tấp xe sát vào hè.
-
Thôi,
anh cho xin. Chỉ còn mấy mét nữa là đến chợ - nhận ra bộ mặt quen
của tay cảnh sát, hắn vừa tạt xe vào sát hè, vừa thở phì phò.
-
Tôi đã chiếu cố anh mấy lần rồi. Lần
này anh phải chấp hành nghiêm chỉnh - Người cảnh sát nói nhỏ nhưng
cương quyết, rồi rút túi ra tập biên lai ghi tiền phạt - Đáng lẽ
trường hợp anh, tôi phạt năm chục. Nhưng tôi thông cảm với hoàn cảnh
anh, tôi chỉ ghi phạt anh hai chục.
Từ sáng ngồi suông mãi, tận chiều hắn mới có
chuyến hàng này, giờ rủi thế nào lại “dính đòn”. Có vài đồng bạc
cầm đi theo, vừa ăn trưa, vừa vá cái lốp sau bị thủng, túi hắn nhẵn
không còn một xu. Lúc này muốn cũng chẳng thể có tiền để dúi vào
tay cái gã cảnh sát này. Mẹ nó chứ, đời không khác gì cục cứt
chó… Máu trong người hắn tự dưng sôi lên. Cái thằng mặt búng ra sữa
mới mấy hôm trước đã vặt hết tiền lao lực trong một ngày còng lưng
của hắn. Nó còn lên giọng dạy cái thằng bằng tuổi bố nó. Giờ đến
lượt thằng này, mày định khó dễ hả? Bố mày cương lên đấy, làm gì
thì làm. Nghĩ vậy, hắn buông một câu bất cần:
-
Tôi
hết tiền rồi.
-
Vậy
anh đẩy xe lên hè. Về nhà lấy tiền đến nộp phạt - Người cảnh sát
vẫn từ tốn.
Nghe vậy, hắn càng nóng mặt hơn, đổi cách xưng hô:
-
Tao
không về. Tao đ… có tiền.
-
Tôi
đã viết biên lai rồi, không thay đổi được. Anh về nhà lấy tiền. Chiều
lên đồn làm việc với chỉ huy của tôi - Vừa nói, người cảnh sát vừa
cúi xuống cuốn hoá đơn đặt trên yên chiếc xích lô, xé tờ biên lai.
Nhìn động tác xé biên lai thu phạt của người ảnh
sát, trong tích tắc cơn giận dữ bột phát đã xúi hắn làm một việc
điên rồ. Hắn lao đến cái bàn bán thịt ngay gần cửa chợ, cầm phắt
lấy con dao to bản. Nhanh như cắt, hắn chạy veo đến bên người cảnh
sát, dang cao tay. Xung quanh vang lên nhiều tiếng rú, tiếng thét. Chưa
kịp hiểu cái gì đang xảy ra, người cảnh sát đã bị hắn xả một nhát
thẳng đỉnh đầu. Cái mũ mềm của cảnh sát không đủ sức cản nhát dao.
Máu chảy tràn xuống trán và quanh đầu người cảnh sát. Vẫn còn đủ
tỉnh táo, người cảnh sát đưa tay trái lên ôm đầu, tay phải nhanh nhẹn
tóm được cái tay cầm dao của hắn đang phang xuống. Trong tư thế thấp
hơn người cảnh sát, hắn không thể bổ dao bằng cả cánh tay. Bị tóm
chặt nơi cổ tay, hắn càng điên loạn, nhưng chỉ có thể cử động được
bằng cổ tay. Vì thế, những nhát chém tiếp sau nhẹ hơn, vào phần mềm
ở trán và một bên cổ. Trong phút chốc, mọi người đổ xô đến quây đặc
xung quanh. Mấy thanh niên nhảy vào giữ chặt được hắn. Cùng lúc,
những người khác gọi tắc xi, đưa người cảnh sát vào bệnh viện.
* * *
Sau mấy ngày ở trại tạm giam, hắn dần hồi tâm.
Ngẫm lại, hắn không thể hiểu tại sao mình lại làm như vậy. Hắn ân
hận. Hắn bị dày vò. Đêm đêm, hắn mê sảng. Hắn luôn thấy một người
đầu đầy máu me lờn vờn trước mặt. Có đêm hắn hoảng quá vùng thức
dậy, người vã mồ hôi. Sau hôm vợ hắn và vợ người cảnh sát vào thăm,
hắn càng bị day dứt ghê gớm. Vợ hắn nom tiều tuỵ hẳn. Vốn là người
yếu ớt, nay xảy việc tày đình của chồng, lại càng thảm hại hơn.
Hắn cũng ngỡ ngàng trước cuộc viếng thăm của vợ người cảnh sát.
Dáng vẻ chị ta phúc hậu. Nói năng dễ nghe. Không có ý hận thù gì
hắn. Còn an ủi nói rằng, đã đến nhà và hiểu được hoàn cảnh gia
đình hắn. Lại còn nói, sắp tới toà sẽ đưa ra xử vụ của hắn. Giúp
được gì, chị ta sẽ giúp, cứ yên tâm. Thế này thì còn trời đất gì
nữa!? Trước nay, hắn và rất nhiều những người làm nghề tự do như
hắn chưa bao giờ có cảm tình với mấy kẻ hay giở giọng “nhân danh
pháp luật” như vợ chồng chị ta. Thì đấy. Hắn đã chẳng bị cái thằng
chíp hôi mặc quân phục cảnh sát nấp ở gốc cây vặt hết tiền mồ hôi
nước mắt là gì. Nó cũng nhân danh pháp luật đấy. Nhưng nhân danh pháp
luật để “bóc” những người đã từng vào sống ra chết như hắn… Thế mà
nay…
* * *
Và, hôm nay. Tại phiên toà này. Người bị hại vết
thương còn chưa lành hẳn đã lên tiếng xin giảm nhẹ hình phạt cho hắn.
Họ cũng là những người nhân danh pháp luật, nhưng họ khác hẳn những
kẻ khác. Thật vậy. Bình tĩnh suy ngẫm lại hắn mới thấy, hắn sai
quá rồi. Đúng là anh ta đã tha bổng hắn mấy lần. Đúng là anh ta rất
biết hoàn cảnh gia đình hắn. Tại sao anh ta biết? Hắn không giải đáp
được. Lần vừa rồi hắn vi phạm, anh ta cũng chỉ phạt cảnh cáo có hai
chục nghìn đồng. Trong thời gian hắn bị tạm giam, vợ anh ta đã đến thăm
gia đình hắn. Đã cho quà vợ con hắn. Sao hắn không phân biệt được kẻ
xấu người tốt nhỉ. Bất cứ ở đâu, bất cứ nơi nào, mà chẳng có trắng
có đen, có trong có đục, có tốt có xấu. Cuộc sống bươn chải vất vả
đã làm hắn lú lẫn, mê muội mất rồi. Sao hắn lại làm một việc điên
rồ đến vậy. Có thể nại ra muôn ngàn lý do giải đáp cho sự ngông
cuồng mà hắn vừa phạm, cũng không thể tha thứ. Hắn thấy mình đáng
tội chết! Vậy mà…
Hai tay bị cùm. Hai người cảnh sát kèm hai bên
giải hắn ra xe. Họ xốc hắn lên thùng xe. Trước khi cửa xe đóng ập
vào, một lần nữa hắn quay người lại, cúi rạp xuống, chắp tay vái
về phía hai vợ chồng người cảnh sát. Hắn cũng còn kịp nhìn thấy
trên đầu, bầu trời cao và trong xanh quá.
Báo Lao động Thủ đô cuối tuần, từ 8-15/3/2007
Thứ Sáu, 3 tháng 11, 2023
LẠI TUOR DU LỊCH KHÔNG ĐỒNG
Chúng tớ nghỉ ngơi tại vườn "Thượng uyển" của Quốc trưởng Bảo Đại. (Khu II Đồ Sơn)
Toàn quyền Đông Dương Pafquiere cho xây dựng
Biệt thự này từ năm 1928 với hình bát giác theo kiến trúc Pháp. Sau đó, Biệt thự
được tặng cho Quốc trưởng Bảo Đại.
Đây là công trình kiến trúc độc đáo, có giá trị lịch sử đặc sắc; một không gian nghỉ ngơi tuyệt vời, với xung quanh là cây cối xanh mướt, phía trước là mênh mông biển cả mát mẻ... 🥰
Tuy nhiên, thật đáng tiếc là hiện tại những
giá trị quý báu này đang bị lạm dụng và mai một dần rồi... 🥲
Thứ Năm, 2 tháng 11, 2023
CHỈ CẦN BẠN CÓ TIỀN... SẼ MUA ĐƯỢC LÀM VUA
Bọn mình bước vào phòng khách Dinh Bảo Đại (Khu II Đồ Sơn), có bạn hướng dẫn viên tiến tới giới thiệu.
Những điều về Dinh Bảo Đại này, các bạn cứ Google sẽ ra hết.
Ở đây mình muốn nói về cách KINH DOANH DI SẢN tại đây.
Đương nhiên, mua vé vào tham quan là kinh doanh (20k/vé); nhưng có 1 kiều kinh doanh ở đây, nghe mà giật mình đấy!
Sau khi giới thiệu những nét tổng quát nhất về Dinh, bạn hướng dẫn viên nói: Tại đây có dịch vụ cho khách thuê nghỉ qua đêm. Giá phòng ngủ của Vua và Hoàng hậu, 1 đêm là 2 triệu đồng. Phòng của các Hoàng tử và Công chúa trên gác là 1 triệu đồng/đêm!
Mình thấy, toàn bộ khu trưng bày ngoài phòng khách, phòng ăn, từ bàn ghế ngồi cùng các vật dụng trưng bày đều có những tấm biển ghi: Không chạm vào hiện vật.
Bước vào phòng ngủ của Vua, trên những tấm ga phủ, đều có những biển ghi như thế.
Thấy vậy, mình ra chỗ các bạn hướng dẫn viên, hỏi:
- Em ơi, mọi nơi đều có biển cảnh báo: Không đụng chạm đến hiện vật. Trên giường của Vua và Hoàng hậu cũng vậy. Thế thì, sao lại cho thuê ngủ qua đêm?
- Mọi đồ vật ở đây hầu hết đều là phục chế, là tượng trưng thôi ạ. Chứ không có đồ sưu tầm cổ xưa đâu.
- À, ra vậy!
Thực ra, mình hỏi để mà hỏi. Chứ ngắm những vật trưng bày, mình thừa biết toàn là đồ phục chế, đồ mới toanh.
Nhưng... vấn đề là chữ "nhưng" đấy ạ!
Nhưng, dù là đồ phục chế, dù là đồ mới, theo mình, không thể đưa vào kinh doanh như thế được! Cái kiểu kinh doanh này mình cảm nhận: Sao nó thảm hại thế!
Trước khi lên đến Dinh, có một khu đề biển: Nam Phương Hoàng hậu. Mình định vào tham quan, có một bạn bảo: Chả còn gì đâu ạ. Ở đây biến thành cho thuê tổ chức hội, nghị, sự kiện cả rồi...
Mình đã đi tham quan một số nơi, rất thích đến những nơi thuộc về di tích. Vào Đà Lạt, có 3 Dinh của Quốc trưởng Bảo Đại, mình đến Dinh 1&3. Dinh 2 cũng đã bị tận dụng làm dịch vụ.
Tuy nhiên, vẫn cảm nhận "phía trong" họ tổ chức cho khách tham quan chu đáo hơn, thái độ đón tiếp dễ chịu hơn và những di sản còn giữ được khá nhiều, chứ không phải hoàn toàn phục chế như Dinh Bảo Đại ở Đồ Sơn.
Cũng có thể 1 phần là Dinh này Ngài chỉ đến 1 vài lần trong cuộc đời mình, nên di vật không còn nhiều. Nhưng như thế không có nghĩa là dùng Dinh như 1 kiểu khách sạn.
Mà có lẽ theo những thông tin mình đọc được và cảm quan khi đến Đồ Sơn, Du lịch Đồ Sơn "teo" nhiều năm nay. Vậy chắc cũng chẳng có mấy khách đến để thử "cảm giác làm VUA"!? Nếu đúng thế, đâu cần cho thuê phòng ngủ của VUA và HOÀNG HẬU như vậy!
1/11/2023
Thứ Tư, 1 tháng 11, 2023
ĐẾN VỚI KHU II ĐỒ SƠN
Để cải thiện "tình hình nhàn cư, nhưng vẫn... thiện", chúng tớ lại lang thang Khu II Đồ Sơn.
Từ rất lâu tớ đã biết câu ca vui dân gian:
Không đi không biết Đồ Sơn
Đi rồi mới biết không hơn ĐỒ NHÀ...
Và, trải mấy chục năm rồi, có lẽ vì qua cái đận "mở cửa", nhưng MỞ RỘNG QUÁ, nên có lẽ giờ Đồ Sơn càng kém ĐỒ NHÀ chăng?
Nhiều nhiều năm trước tớ đến Đồ Sơn, khi đó Đồ Sơn còn hoang vu, trong lành, quang cảnh sơ sài trong một vùng sơn thủy còn hài hòa, nhẹ nhõm...
Nay bước đến thì... Bên trái là một dãy ken đặc những nhà hàng, khách sạn, cao thấp khác nhau, màu mè lòe loẹt... che lấp hoàn toàn một dãy núi đồi xanh mát phía sau; làm biến mất sự hài hòa vốn có của thiên nhiên - cái sự hài hòa giờ đây rất cần cho sự sống con người!
Bên phải là bãi tắm Khu II, được giới thiệu là đẹp nhất khu nghỉ mát Đồ Sơn, thì nói thật, trong tớ cảm giác cũng thất vọng tràn trề...
Biết là chọn ngày thường đi cho vắng vẻ, nhưng bọn tớ vẫn cố tránh khu tắm chính cho thảnh thơi. Bước qua mấy bậc thang xi măng để xuống, bãi rất nhiều rác thải do khách vứt lại, nhiều cành cây và lá rơi dày nhưng chả được thu dọn. Ngay mép bậc bê tông bước xuống là những xe rác để ngổn ngang, đầy rác...
Có thể cách chỗ bọn tớ ngồi khoảng vài trăm mét là bãi tắm chính sạch hơn chút; nhưng nếu là ngày cuối tuần và ngày nghỉ, thì dám chắc khắp bãi này sẽ đông nghẹt người. Vậy thì họ sẽ đảm bảo vệ sinh môi trường thể nào?
Khu vệ sinh cho khách thì hiếm hoi. Khốn khổ cho những du khách cao tuổi như chúng tớ, không vào nhà hàng ăn uồng, nên tìm được chỗ công cộng để xả thì thật mệt toát... các kiểu...
Thôi thì, trên đường về, 2 cụ chép miệng: Đi cho biết vậy! Và, nhiều khi: Chết vì muốn biết đấy, các pác ợ...
Thứ Bảy, 28 tháng 10, 2023
MỘT CHIỀU THÁNG 10/2023 KHÁCH ĐẾN THĂM NHÀ
Hai
bạn ý ở Nhà hát Kịch Hà Nội.
Các bạn ý đang xây dựng Dự án Kịch học đường, nên muốn tiếp cận tác phẩm của Cha-Nhà viết kịch Lộng Chương.
Một
buổi chiều rất vui! 😍
Đặc
biệt, em rất cảm ơn NSUT-Đạo diễn Lê Đại Chức, người anh luôn nhiệt tình kết
nối niềm vui ạ! 🌹
Cháu Thiện Tùng nói với em: Thày Lê Chức nhiệt tình kết nối nhiều thế hệ học trò lắm. Thày luôn giúp đỡ nhiều diễn viên.
![]() |
Hai bạn thắp hương Cha |
![]() |
Chụp ảnh kỷ niệm |
![]() |
Giới thiệu sách Cha |
Hà Nội, ngày 27/10/2023 |
Thứ Sáu, 13 tháng 10, 2023
Giỗ MẸ lần thứ 21
Trước giỗ Mẹ đúng 1 tuần (Thứ ba, ngày 10/10/2023, 28 tháng 8 Tân Sửu) chúng con lên thăm CHA MẸ.
Một chuyến đi may mắn vào một ngày thời tiết cực đẹp. Không mưa, không nắng. Và trên đường đi, chúng con nói với nhau: Không biết đây là chuyến đi thứ bao nhiêu lên nơi này!?
Bởi, những năm đầu CHA MẸ nằm xuống, tuần nào vợ chồng con cũng lẽo đẽo lên ngồi với CHA MẸ. Nhớ năm đầu tiên, đúng sáng Mùng Một Tết, vợ chồng con lặng lẽ dậy sớm, lui cui chuẩn bị đồ thắp hương, rồi chở nhau đi trong cái rét đông lạnh lẽo, hướng lên Thanh Tước trên con đường quen thuộc...
Lên đến nơi, không gian tĩnh lặng đến rợn người. Ngày thường còn có công nhân nghĩa trang. Sáng Mùng Một, ai ở nhà nấy, người ta ra nghĩa trang làm gì...
Vậy là, cả mấy khu đồi mênh mang, chỉ 2 vợ chồng con lui cui dọn dẹp, khấn vái, mời CHA MẸ lên "vui" Tết...
Và, năm nay đã qua 21 năm... Thời gian trôi như một cái chớp mắt...
Rể út của CHA MẸ nay đã sát sàn sạt U90. Con cũng chả còn nhanh nhẹn, dẻo dai gì...
Thôi thì, nghĩa CHA MẸ trả không bao giờ là đủ. Còn cố gắng được năm nào, chúng con sẽ còn lên với CHA MẸ năm đó!
Nơi ấy, con cầu mong CHA MẸ thanh thản yên lòng... Chúng con yêu CHA MẸ nhiều!
Thứ Tư, 27 tháng 9, 2023
Trăng thu ngày ấy… bây giờ…
![]() |
(Ảnh mạng) |
Mùa trăng ấy. Cha tôi ngồi đó,
thanh thản nâng ly rượu làng Vân trong vắt, thơm lựng hương nếp mới.
Mùa trăng ấy. Mẹ ngây ngất trong
ánh nhìn ấm áp của cha, tỉ mẩn bày mâm cỗ trung thu giữa nhà cho đàn con nhỏ.
Mùa trăng ấy. Chưa đến đêm rằm
nhưng lũ con trẻ chúng tôi nhấp nhổm đợi chờ, mong để được bên cha âu yếm, bên
mẹ chỉn chu, ríu rít xúm quanh mâm cỗ trung thu, tắm ánh trăng vàng vời vợi của
chú Cuội và chị Hằng Nga.
Cha thường ít nói. Cha chỉ cười khà
sau lúc nhắp chút rượu nhỏ. Ngắm mẹ. Nhìn lũ chúng tôi. Sung sướng. Trong đầu
cha, khi đó chắc lại bật những ý tưởng cho sáng tác mới của mình. Cha là vậy.
Mẹ chỉ cười hiền. Chẳng bao giờ mắng
mỏ lũ con trẻ chúng tôi. Với mẹ, niềm vui của cha, nỗi sung sướng của đàn con
nhỏ, là điều mẹ trân trọng nhất. Mẹ luôn thế.
Mâm cỗ những mùa trăng trung thu ấy, là thế giới cổ
tích huyền diệu của lũ con trẻ chúng tôi. Nào na, nào bưởi, nào bánh nướng,
bánh dẻo, những quả hồng xanh đỏ, chiếc đèn ông sao cùng cái đầu sư tử. Chúng
tôi hởn hở, xuýt xoa, khi từ bàn tay hiền của mẹ, mấy chú chó, chú thỏ bông xù
xì, xinh xắn, sinh ra bằng những múi bưởi. Đôi mắt đen láy sinh động của chúng,
mẹ gắn bằng mấy hạt na, làm bật ra trong trí tưởng tượng thơ ngây con trẻ của
tôi, những con vật biết nói biết cười, biết đùa vui như bè bạn. Chiếc đèn ông
sao lung linh ánh nến, lấp loá niềm vui, thắp sáng không gian ấm áp gia đình.
Bánh dẻo mẹ cắt, bánh nướng mẹ chia, chúng tôi mỗi đứa một miếng nhỏ, ào ra sân
ơi ới gọi chị Hằng, xuống cùng chúng em phá cỗ. Tiếng trống ếch thập thình, rộn
rã những con tim bé bỏng. Ngước mắt ngắm trời cao, trong khát khao chờ đợi, tôi
thấy chị Hằng cười xinh đẹp quá. Và, mơ có một ngày được bay lên cung trăng
cùng chị. Nhưng lại sợ chú Cuội chẳng thật thà, như mẹ cha vẫn dạy… Hết chờ, lại
đợi, chẳng thấy chị Hằng đâu, chúng tôi châu đầu vào nhau so bánh ai to bé… So
mãi, mà chẳng ai chịu ai, cả lũ chạy vào nhà mách mẹ. Chợt nhận ra, sao mẹ giống
chị Hằng…
Những mùa trăng rằm tháng tám thuở tuổi thơ tôi bé xíu, năm nào cũng thế.
Mâm cỗ trung thu của hầu hết mọi nhà, đơn sơ, đạm bạc, giản dị thôi,
không giống bây giờ. Nhưng ăm ắp niềm vui. Tiếng nói. Nụ cười.
Giờ, mâm cỗ trung thu đã khác xưa lắm lắm. Có rất
nhiều loại cỗ to cỗ bé, cỗ giàu cỗ nghèo. Có cỗ trung thu của những kẻ lắm bạc
nhiều tiền, cỗ quên nghĩa quên tình. Có cỗ của những bé đánh giày bán báo, ăn
chẳng đủ no mặc không đủ ấm…
Và, mùa trăng rằm này, còn cả cỗ của
những bé nơi khúc ruột miền Trung đang ngụp lặn trong dữ dằn mưa giông, bão tố
của cơn giận dữ vô cớ Xang Xanxe. Tôi lặng ngắm trăng đang tròn dần khi sắp đến
ngày rằm tháng tám, lại thấy nỗi đau khoét cạn niềm vui và con tim ứa máu.
Rồi, chợt thốt lên: Các bé nơi khúc
ruột miền Trung ơi, trăng thu của bé giờ đang trôi dạt nơi đâu?
Phạm Hồng Thắm (Thu 2006)
Báo Kinh tế
& Đô thị, 6/10/2006