Thứ Ba, 16 tháng 12, 2014

Giải pháp nửa vời - doanh nghiệp sắp xếp lại còn ít(*)

      
Theo Báo cáo của Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Thành phố (Ban ĐM&PTDNTP) Hà Nội, trong 8 tháng đầu năm 2005, số lượng doanh nghiệp đã sắp xếp đạt thấp; chỉ bằng 37,7% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nguyên nhân được chỉ ra là: còn nhiều khó khăn vướng mắc trong việc áp dụng chính sách mới về cổ phần hoá; về xử lý tồn tại tài chính và tài sản chuyển giao, đặc biệt là vấn đề đất đai, nhà xưởng…
            Chờ… xem… cùng rút kinh nghiệm
            Nghị định 187/2004/NĐ-CP có nhiều nội dung mới về xác định giá trị quyền sử dụng đất, xác định giá khởi điểm cổ phần chào bán, cơ cấu cổ phần bán đấu giá công khai, cổ phần ưu đãi cho người lao động theo giá đấu thành công bình quân… nên không ít doanh nghiệp có tâm lý chờ đợi để “xem” những doanh nghiệp đi trước làm như thế nào, mới “học tập rút kinh nghiệm”. Xem ra đây là việc rất dễ hiểu, bởi việc xác định những giá trị đó đúng hay không đều liên quan rất thiết thân đến quyền lợi của mỗi cá nhân người lao động. Cùng với đó là việc xử lý tồn tại tài chính trước khi xác định giá trị doanh nghiệp cũng không dễ. Bởi ở nhiều doanh nghiệp trước nay, lưu trữ hồ sơ chứng từ không thành nền nếp, không đầy đủ thậm chí thất lạc do những cá nhân liên quan đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác… là tình trạng phổ biến. Chính vì thế, tuy “trên” đã có chỉ đạo “dưới” – là các doanh nghiệp, phải xử lý tồn tại tài chính xong trong năm 2004, nhưng tới nay đã qua 1 năm mới có Cty Thiết bị kỹ thuật điện Hà Nội thực hiện xong.

Thứ Hai, 15 tháng 12, 2014

Đừng “đẽo cày giữa đường”(*)

Ảnh minh họa
Nhằm mục tiêu tiết kiệm, chống lãng phí, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã đề nghị các sở GD&ĐT chỉ đạo các phòng Giáo dục, các trường và các cơ sở giáo dục tuyên truyền vận động phụ huynh và học sinh sử dụng lại sách giáo khoa cũ. Đây thực sự là một chủ trương đúng, góp phần giảm tải gánh nặng chi phí cho các gia đình nghèo trong bối cảnh giá cả leo thang và lạm phát gia tăng.
Tuy nhiên, cách đây không lâu, trước thực trạng sa sút của ngành Giáo dục, Bộ GD&ĐT đã quyết định triển khai kế hoạch rà soát, đánh giá lại chương trình và nội dung của bộ sách giáo khoa hiện hành (CT-SGK). Đối tượng tham gia đánh giá CT-SGK là tất cả giáo viên và học sinh của 64 tỉnh thành, từ lớp 1 đến lớp 12. Bên cạnh đó, Hội Cựu giáo chức, Hội Khuyến học, Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam cũng tham gia độc lập đánh giá.

NHỮNG MẢNH VỠ CUỘC ĐỜI(*)

Truyện ngắn Giang Trung Học
            Đã trở thành lệ, cứ đúng ngày 27/7 là bà lão lại dọn dẹp bàn thờ thật sạch sẽ, rồi bày hoa trái, thắp đèn nhang tưởng niệm chồng con. Lệ này khởi ra vào cái năm chồng bà được công nhận liệt sĩ, khi hai miền Bắc Nam thống nhất đã gần mười năm.
            Đối với bà, để được nhận tấm bằng Tổ quốc ghi công cho chồng sao mà vất vả quá chừng. Phải bao nhiêu lần viết đơn đề nghị chính quyền. Và ngược xuôi tìm người xác nhận chứng minh quá trình hoạt động cách mạng của ông. Biết rằng ông ấy không còn sống, thì chẳng có thiết thứ gì ở cõi trần này; thế nhưng bà cần làm rõ trắng đen phải trái. Nếu không, oan ức sẽ tiếp tục dội xuống đầu bà cho đến lúc chết. Chết cũng chưa sạch nỗi oan.
            Thà cứ rõ rành như thằng con trai bà, nó là lính ngụy nên mẹ phải đeo tai tiếng. Sao người đời chẳng có phân biệt rạch ròi, để nó chịu oan. Bà cũng chịu oan. Nó bị cưỡng ép đi lính, chứ đâu thuộc đám ác ôn. Mà nào nó đã bắn giết ai đâu. Làm lính trong vòng có nửa năm trời, lần đầu bị lùa ra trận, chết luôn trên đường hành quân.

Thứ Năm, 11 tháng 12, 2014

Hương hồn Cha Mẹ chắc chắn hài lòng!

Vợ chồng Gái út cùng 2 bạn Thu (Trái cùng) và Liên -
cán bộ phòng Sưu tầm TTLT QG III
Hôm nay Rể út và Gái út của Cha Mẹ đến Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.
Bước chân ra khỏi nhà lúc 9h00. Qua 2 lần buýt, đi bộ khoảng 1 km, là chúng con tới nơi cần đến. Tuy nhiên, cũng mất hơn 1 giờ mới tới được. Buýt Nhà nước mà Cha! Nhưng với chúng con, mọi sự bây giờ đều bình thường; Rể của Cha nói: Cứ coi là một cuộc dạo chơi, mọi sự sẽ nhẹ nhõm. Cha thấy Rể của Cha được không? Hì…
Hà Nội hôm nay không rét lắm, nhưng gió. Gió nhiều làm cho cảm giác lạnh hơn.
Chúng con đã được tận mắt chứng kiến nơi mà hồn cốt tinh anh của Cha sẽ tồn tại dài lâu nơi dương thế. Chúng con thật sự yên tâm rồi, thưa Cha!
Vì vậy, trên đường về, dù gió, dù rét, chúng con đều thấy thật ấm lòng, Cha ạ.
Khi Cha còn sống, Mẹ luôn là người sắp xếp, giữ gìn sạch sẽ những tác phẩm gan ruột của Cha. Nay Cha và Mẹ đều không còn; vợ chồng con đã, đang và sẽ cố gắng bảo tồn thật tốt những gì Mẹ đã tiếp sức cho Cha trong suốt cuộc đời!

Hương hồn Cha Mẹ chắc chắn linh anh, sẽ rất hài lòng với việc làm của chúng con; nhất là với Rể út của Cha Mẹ, đúng không ạ! 
Rể út tại Kho Lưu trữ
Gái út cùng 2 bạn Thu (Trái) và Liên 

 Hồ sơ của Cha

 Hồ sơ của Cha

 Hồ sơ của Cha

Rể út cùng các bạn TTLT QG III (Từ trái: Liên, Thu, Thủy)

BÓNG TRE LÀNG KHUẤT LẤP(*)

Truyện ngắn Phạm Hồng Thắm
Gã hi hí cười. Vừa cười gã vừa chạy vào bếp. Căn bếp ngay cạnh chái nhà. Gọi là bếp vì nó dùng để đun nấu. Chứ, nó có được như một gian bếp hoàn chỉnh đâu. Hai cái cột tre dựng lên phía ngoài. Mặt phía trong áp vào bức tường của nhà chính. Xung quanh, gã xây bằng những viên gạch tự tạo. Gã dùng xỉ than tổ ong đập nhỏ, trộn ít bùn đóng thành gạch. Còn xi măng cũng có, nhưng thấm tháp gì. Vì chỉ là đồ đi xin. Xin thì làm sao mà nhiều được! Hàng ngày, gã đi quanh xóm. Nhà nào đang xây dựng, gã lò dò đến. “E hèm, ông chủ có nhà không?”. Bao giờ gã cũng bắt đầu bằng một cái “E hèm”. Rồi gã moi từ trong người ra chiếc túi nilon; có khi là một mảnh giấy báo. “Xin ông chủ tí xi măng về trát chỗ lở tường nhà nhé”. Lão xin, nhưng không chờ chủ nhà đồng ý hay không. Miệng nói, tay lão bốc xi măng thật nhanh, ấn thật chặt. Mặc cho bụi xi măng tạt vào mắt. Rồi gã quay đít, quầy quả đi về. Cả làng này biết tính gã hay nhặt nhạnh, vơ quàng vơ xiên, mà “chày cối” lắm, nên cũng đành kệ. Gã thì lại cho rằng, xin thì đã làm sao. Phận nghèo như gã, xin được là tốt. Ở làng này, những công trình lớn nhỏ, phúc lợi hay công cộng, chẳng toàn đi xin đấy ư. Cái nhà tưởng niệm liệt sĩ này, cái thư viện xã này, cái sân cho thiếu nhi chơi này; đến cả buổi liên hoan ngả lợn ngả chó, mừng được công nhận làng văn hoá... đều kêu gọi hảo tâm của bà con đồng hương đồng khói, dâu rể ở tận đẩu tận đâu về đóng góp. Chứ cứ đợi dân bản địa thì... đến khuya nhé! Còn ba cái đồng kinh phí của trên rót về ấy à, liệu có đủ chi cho mấy cuộc họp của ông làng ông xã? Rồi chi phí đón tiếp, phong bì phong bao cho cấp trên xuống duyệt ngân sách, sơ kết, tổng kết nữa chứ. Thế nên, bày việc gì ra, mấy ông làng ông xã chả tính chuyện xin xỏ tài trợ khắp nơi! Huống hồ phận nghèo như gã...

Thứ Tư, 10 tháng 12, 2014

Thanh niên lập gia đình(*)

         
Lộng Chương - 1937
       
Lập gia đình có lẽ là một vấn đề rất phiền phức và khó chịu cho thanh niên hiện nay. Một thế hệ thanh niên bỡ ngỡ, mang trong lòng bao sự ưa chuộng những thú vui dễ dãi và điên cuồng, và những ham mê xác thịt đến rợn người.
            Họ đã thản nhiên kéo lê đời họ dưới những ánh đèn màu của các tiệm nhảy, qua những nơi địa ngục của trần gian, trong những đêm u tối dày đặc mây sầu.
            Họ dấn thân vào những nơi đó mê mải quá, khiến ta có thể lầm tưởng họ là những kẻ chán đời ghê gớm, đang đi tìm sự quên lãng cho tâm hồn.
            Không! Họ chỉ là những thanh niên vô tư hơn ai hết; họ chưa một lần nào vấp phải sự thất bại của đời người; và, họ chưa hề biết đến sự khó khăn, cực nhọc của cuộc sống.

Sống trên đống rác(*)

Phóng sự

Phố xá dạo này bẩn thỉu quá.  Rác rưởi và ruồi bọ đến khiếp!
Lời than phiền đó - than phiền hay chê trách? - đã làm tôi nảy ra ý định. Ý định bới những đống rác ấy lên cho nó tởm một thể. Nghĩ thế và xắn cao tay áo: Tôi đi tìm những đống rác.
Rác không phải là thứ hiếm, ở nhà ai mà chẳng có từng đống. Việc gì phải tìm đâu. Thật vẽ chuyện. Nhưng cái trò đời nó thế. Bao giờ cũng muốn nghé mắt săm soi sang hàng xóm cơ. Thì đây, hồi chiều hôm qua ông láng giềng tôi trong cơn phẫn nộ với nội tướng, đã thẳng tay liệng cả bộ khay cốc pha lê trên mặt gạch. Sọt rác bên ấy chắc đẹp lắm. Mảnh pha lê óng ánh bên những lá gói bánh giò khô nâu. Tôi đoán chắc thế. Vì vợ chồng giận nhau, chồng đập đồ thì vợ tuyệt thực chứ. Mà cái lệ tuyệt thực thì, lần nào bà láng giềng ấy cũng phải ăn vụng bánh giò.
Lại cái sọt rác của cửa hiệu cao lâu, bên trước cửa kia nữa. Hẳn có nhiều thú vị. Thú vị nhất là những đoàn-quân-cảm-tử-ruồi-nhặng vây kín trên đống đầu thừa đuôi thẹo thực phẩm thải.

Thứ Năm, 4 tháng 12, 2014

“Con tinh” của sân khấu!(*)

Đạo diễn Hà Nhân
Đạo diễn Hà Nhân
          “Con tinh của sân khấu!” - đó là câu nói mà Lộng Chương - người thày đầu tiên của tôi, đã dùng ngón tay chỏ, thân mật dí vào trán tôi và thốt lên, sau khi tôi thể hiện thành công vai cô Cúc - một nữ du kích trong vở Du kích thôn Đồi. Lộng Chương chính là tác giả của vở kịch này; trong vở, ông cũng là nam diễn viên đóng đôi với tôi - vai nam du kích tên là Kỳ.
            Thực ra, không phải ngay từ những ngày mới bước chân về Đoàn kịch, tôi đã coi Lộng Chương là người thày đầu tiên trong “nghiệp phấn son” của mình, cho dù tôi luôn trân trọng và nể phục ông. Tôi trân trọng, nể phục ông chỉ là bởi, sau một thời gian về công tác tại Chi hội Văn nghệ Liên khu III, tôi được biết nhiều về con người tài năng, hoạt bát, có biệt tài thuyết phục mọi người này. Đặc biệt, Lộng Chương thật điển trai, cư xử rất “nam tính”, song ông lại giữ được sự nghiêm túc trong quan hệ nam nữ. Ông chính là người đã thuyết phục được cha mẹ của hai cô gái gốc tỉnh thành đến Đoàn kịch thử vai diễn trước khi tôi về Đoàn; nhưng họ đã không thành công, không đáp ứng được yêu cầu nghề diễn, và lại cũng không nghiêm túc khi luyện tập. Chuyện coi Lộng Chương là “thày nghề” thì dài lắm, tôi sẽ kể ở phần sau.

Đạo diễn Lộng Chương hơn năm mươi năm trước(*)

 Nhà văn Thi Ngọc

Nhóm kịch kháng chiến ở Đống Năm - Thái Bình (1949)
Nhà văn Thy Ngọc bên trái cùng, tiếp đến là
Nhà viết kịch Lộng Chương
Trong bài "Về cõi hư huyền" của NSƯT Vũ Hà đăng trên báo Văn nghệ số 27 ra ngày 5/7/2003 viết về Nhà viết kịch lão thành Lộng Chương (sinh năm 1918, từ trần ngày 26/6/2003 tại Hà Nội), đã nhắc tới chức danh Đội trưởng Đội công tác văn nghệ Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn mà ông Lộng Chương đảm nhiệm, khiến tôi nhớ lại giai đoạn năm 1950, thời gian tôi và nhiều anh chị em khác được cùng công tác với ông.
Trước khi đặt bút viết những dòng này, tôi may mắn tìm thấy một bản thảo viết tay (vở kịch một màn của tôi, gồm 44 trang, khổ 16x22 centimet) có bút tích của ông trong kịch bản. Tôi thực sự xúc động vì, không những được ông bỏ công sức sửa chữa bản thảo, mà còn cho dàn dựng để trình diễn trên sân khấu nội bộ Trường Lục quân vào đêm 5/12/1950. Những đêm ấy, vở kịch hai màn có tên "Ngưỡng cửa" của Ngọc Đĩnh - một tác giả Hà Nội rất nổi danh lúc bấy giờ, cùng được trình diễn. Địa điểm, tôi không còn nhớ chính xác là núi Nưa hay Quần Tín ở Thanh Hoá.

Thứ Tư, 3 tháng 12, 2014

Xiếc khỉ(*)

              Trại kịch tổ chức rùm beng; cả việc vận động các Đoàn
                tặng hoa và tổ chức rầm rộ đọc kịch bản để làm cớ xin…
                ứng chút ít tiền, rồi… không dựng nổi vở!


       -"Kịch đâ… ây!
                                đem đọc, ký mua cho!…"
         Ơ hơ! Xiếc khỉ bỗng thay trò!
         Nuốt đã nhờn môi đành liếm mép
         Hay nhồi tắc họng, tọng không vô?

         Chúng mới tính bài chia kẹo mút
         Lắm thằng tắc lẻm đã sà bu!
         Hót được của trời thời cứ hót
                                                          Bỗng dưng đâu… bạc đút mồm cho!
                                                              V. 74
(*) Thơ "Ta - Bạn & Đời", Nxb Hội Nhà văn, 2013

Hội làng ta(*)

Nhân khai mạc Trại sáng tác do L… được đặc sủng trợ lý
Tân Phó Bộ Đ vừa đắc cử, nên rùm beng cái trò “bốc”
sân khấu lên… bằng cả việc tặng hoa tác giả -
 một sự chưa có tiền lệ!

                            Om sòm kèn trống Hội làng ta
                            Đầu trò kịch cỡm úm ba la!
                            Lũ trẻ chui vòng lươn rúc ổ
                            Mau đến mà xem… nó tặng hoa!
                                                                           V/ 74
 (*) Thơ "Ta - Bạn & Đời", Nxb Hội Nhà văn, 2013.

ĐỂ ĐẾN... NƠI ĐẾN(*) - (Tiếp theo và hết)

CẢNH NĂM
  
            Nhà ông Thôn đứng trơ trọi một mình. Sau nhà là vườn cam trĩu quả. Gần sát đầu hồi nhà là con đường làng cũ; và khu vườn xanh xum xuê trải dài phía bên kia đường. Xa hơn, là nhà thờ đạo. Làng xóm không còn mái nhà nào khác, chỉ thấy ngổn ngang những đống gạch ngói, tre lá… Buổi sáng tinh sương. 

ĐỂ ĐẾN... NƠI ĐẾN(*) - (Tiếp theo)

CẢNH BỐN

            Phía cuối đồi Trăng gần sát núi Chẹn, đất đỏ mới được san ủi phẳng lì. Khu đất ở của gia đình ông Thư đang bộn bề gạch ngói, gỗ luồng… Sát trong là phên liếp che làm lều tạm trú.
            Nửa đêm về sáng, trời tối sẫm. Tiếng tắc kè khắc khoải từ xa. Tiếng gió hun hút làm trời lạnh càng lạnh. Trong lều, ông Thư cời lửa sưởi. Lại tiếng tắc kè, tiếng gió u u làm cho ông có lúc run lên.

ĐỂ ĐẾN... NƠI ĐẾN(*) - (Tiếp theo)

                                                             
                                        CẢNH BA

            Nhà ông Thôn trong làng. Ngôi nhà gạch ba gian hai chái buồng. Buồng đầu sát ngay đường làng. Sau nhà, vườn cam chín chắn ngang tầm mắt.
            Ngày đông, trời một màu xám.
            Trong buồng, ông Thôn ngồi lặng trên giường, chân thả xuống đất, tay cầm tờ giấy; lúc ghé sát vào kẽ hở cửa sổ để đọc, lúc lại hạ xuống, lầm lì ngồi im… Một con chuột bò đến gặm chân, ông vùng vằng khua đuổi, không dám gây tiếng động, không dám cả nói to.
            Từ xa, tiếng trống ếch thiếu nhi tưng bừng, có cả tiếng kèn đồng thổi theo nhịp trống… Và tiếng loa vang lên:
            “Thưa toàn thể bà con nhân dân Lộc An, cuộc bắt thăm nhận đất mới trên khu đồi Trăng sắp bắt đầu. Yêu cầu nhân dân tập trung ngay tại trụ sở Ủy ban xã”.
            Ông Thôn lắng nghe, hồi hộp, như bị sức hút của tiếng loa. Ông đứng lên, đến áp tai vào cửa ra vào nghe ngóng…
            Tiếng hô của đông đảo quần chúng: “Chào mừng lễ nhận đất ở mới của nhân dân xã Lộc An!” càng làm ông bồi hồi.
            Bà Thôn hấp tấp từ ngoài về, nhìn quanh, tiến lại bên cửa buồng khóa trái.

Thứ Hai, 1 tháng 12, 2014

ĐỂ ĐẾN... NƠI ĐẾN(*) - (Tiếp theo)

 CẢNH HAI
  
                   Đồi Trăng. Gần 30 năm trước.
                Đây là một ngọn đồi trong dãy đồi Trăng, bên dòng sông Mã. (Sông ở phía trước - phía khán giả). Đồi như bát úp, thấp cao. Phía xa là những ngọn núi: Độc, Eo, Chẹn… nhô cao hơn hẳn những mỏm gò đồi.
                Đất đồi khô cằn, sỏi mòn, một vài bụi sim thưa thớt và đồng cỏ xác xơ…
                Một sớm mùa đông sương mù, ánh nắng yếu ớt, pha màu sương đục.

ĐỂ ĐẾN... NƠI ĐẾN(*)

Lời NXB: “Để đến… Nơi đến” là vở kịch cuối cùng của Nhà soạn kịch Lộng Chương. Vở được khởi bút vào năm 1996. Tuy nhiên, cho đến khi tác giả qua đời (26/6/2003), vở “Để đến… Nơi đến” vẫn chưa được hoàn thành. Lý do bởi sức khỏe không cho phép ông thực hiện xong ý định của mình.
“Để đến… Nơi đến” đề cập tới viễn cảnh đổi thay tại một vùng nông thôn nước ta vào đầu Thế kỷ XXI, khoảng những năm cuối thập niên thứ ba. Viễn cảnh đổi thay chỉ được tác giả dàn dựng thoáng qua ngay khi vào kịch, để hướng người đọc (người xem) quay trở lại những vất vả khó khăn ở thời kỳ đầu thực hiện chuyển đổi cách làm ăn “Để đến” cái đích là “Nơi đến”.
Khó khăn chưa thấy từ trên trời đổ xuống, cũng chưa thấy từ phía kẻ thù; mà, qua 5 cảnh kịch ta mới biết từ người dân, từ ông đội trưởng sản xuất, từ vị chức sắc nhỏ trong nhà thờ Thiên chúa giáo gây nên.
Đương nhiên sự thắng lợi đạt được  là do sức mạnh vượt trội từ đông đảo cán bộ các cấp và người dân trên địa bàn - nguyên nhân tất yếu, ta từng gặp trong mọi tác phẩm văn học kịch và ngoài đời.
Mặc dù “Để đến … Nơi đến” chưa trọn vẹn, song nó đã mở hướng đi khá rõ cho câu chuyện. Cho dù đến cuối thập niên thứ 3 - Thế kỷ XXI này, ta chưa thấy vùng nông thôn nào đạt tới viễn cảnh đẹp như trong kịch bản, thì điều đó cũng chẳng đáng phàn nàn. Bởi, sự lãng mạn nhìn nhận tương lai của Nhà soạn kịch Lộng Chương là phù hợp quy luật phát triển xã hội. Và, ta rất nên trân trọng ý tưởng Tác giả, khi ông hạ bút khởi thảo kịch bản này đã ở tuổi 78, mà sức khỏe thì suy giảm nhiều!
Nhà xuất bản cho in “Để đến… Nơi đến” trong Tập kịch này cũng là thuận theo nguyện vọng của những người thân trong gia đình Nhà soạn kịch Lộng Chương!

Chủ Nhật, 30 tháng 11, 2014

Không phải ai cũng làm được(*)

Ảnh minh họa
Thị trường hiện nay có quá nhiều kênh đầu tư, khiến các nhà đầu tư trở nên bối rối. Họ đôn đáo tìm hiểu, thăm dò, lựa chọn, để tìm được một kênh đầu tư phù hợp nhất với khả năng như: lượng vốn, quỹ thời gian…
Ảnh minh họa
Đầu tư bất động sản ư? Đó là một kênh đầu tư thu lợi một cách lý tưởng. Nhiều người đầu tư vào một lô đất dự án, một căn hộ chung cư mới, chỉ sau vài tháng đã có giá tăng 20-60%; còn với khu đất đẹp, chỉ trong một năm lãi gấp 2 lần hay lớn hơn. Tuy nhiên, hiện quá nhiều dự án đô thị, khu chung cư… ra đời, khiến nhiều người lo ngại tình trạng “bong bóng” thị trường bất động sản.
Đầu tư vàng ư? Trong nhiều tháng qua, đây là kênh đầu tư đem lại lợi nhuận khổng lồ cho nhiều người và cũng khiến không ít trường hợp bị thua lỗ không nhỏ. Nhưng đây là một trong những lĩnh vực kinh doanh rủi ro, không phải dành cơ hội cho bất kỳ ai.
Ảnh minh họa
Đầu tư chứng khoán ư? Vào thời điểm này cuối năm ngoái, hầu hết các nhà đầu tư chứng khoán “hả hê” khi đầu tư vào bất kỳ loại cổ phiếu nào. Bởi vì TTCK Việt Nam liên tục tăng trưởng và tăng trưởng mạnh trong suốt cả năm 2006 cho đến hết quý I-2007; chỉ trong 1 năm lãi gấp 3 lần. Nhưng hiện tại, hầu hết dân đầu tư chứng khoán đều cám cảnh trước sự trồi sụt bất thường của các loại cổ phiếu. Nhiều người thiếu kinh nghiệm, người không may, đầu tư chứng khoán tháng 2 và tháng 3-2007, đến nay bình quân mất đi tới 50-60% số tiền bỏ ra.
Vậy, đâu là kênh đầu tư lý tưởng, chắc chắn, đem lại lợi nhuận tốt cho các nhà đầu tư.
Xét cho cùng, kênh đầu tư nào cũng có thể mang lại lợi nhuận theo ý muốn của các nhà đầu tư, miễn là trước hết họ chịu khó đầu tư… cái vốn kiến thức của bản thân mình. Bám sát đường lối chủ trương phát triển kinh tế của Chính phủ, sự nhạy bén với các thông tin trên thị trường thế giới và trong nước, những hiểu biết sâu về thị trường chứng khoán, xây dựng cho mình một chiến thuật đầu tư cá nhân không mang tâm lý “bày đàn”… Tất cả những điều đó được gọi là “bản lĩnh” của nhà đầu tư. Phân tích nghe có vẻ “ngon” thế đấy, nhưng để trở thành một nhà đầu tư có “bản lĩnh” là điều không hề dễ. Tức, trước khi tham gia vào bất cứ thị trường nào, nhà đầu tư cần phải trang bị cho mình vốn kiến thức tương đối toàn diện như đã nói ở trên. Cái đó lâu nay được gọi là “chất xám” của mỗi người.
Mà, việc đầu tư “chất xám” của mỗi người, cũng không hề dễ!
Báo An ninh Thủ đô, 21/4/2008

Lỡm ông bạn đi Tây về mất trộm(*)

             
Nhà thơ Trần Huyền Trân
(Phải cùng, tiếp đến là Nhà viết kịch Lộng Chương)
Gửi ông
             Mt đời ông cực, được lần đi
             Ba cái đồ Tây vội nhót về
             Khao khát bao năm! Trời! Sướng nhỉ!
             Cha thằng đạo chích, chích đau ghê!
              Gửi bà
             Mần chi mê mẩn miết canh khuya?
             Để nó vào thăm nó giở nghề
             Đồ lạ phải chi bà nhốt kín
             Trộm nào khuân nổi của bà đi!…
                                                      IV/ 74


(*) Trần Huyền Trân đi Đức về, mất trộm. Thành thử giữa
 hai vợ chồng xảy chuyện gay cấn. Vận 2 bài này để hoà giải; Thơ "Ta - Bạn & Đời", Nxb Hội Nhà văn, 2013.





VỚI ĐẠO DIỄN LỘNG CHƯƠNG (*)

Nhà viết kịch Nguyễn Văn Niêm
Nguyễn Văn Niêm (Trái)
với Lộng Chương - 1953
         Trước hết, Lộng Chương là nhà viết kịch. Lộng Chương viết đến mấy trăm vở kịch dài, ngắn, với nhiều thể loại khác nhau. Vở hài kịch Quẫn của anh rất được hoan nghênh, đã diễn nhiều năm với hơn 1.000 buổi ở Nhà hát Kịch nói Trung ương.
Lộng Chương cũng là nhà đạo diễn sân khấu, không chuyên nhưng sắc sảo, năng nổ, đã xây dựng tiết mục biểu diễn cho nhiều đoàn kịch, đoàn chèo chuyên nghiệp và nghiệp dư.
Tôi quen biết Lộng Chương từ rất sớm, thường gặp nhau ở nhà Ngọc Đĩnh, nhưng mãi đến năm 1946 mới có dịp cùng nhau làm kịch. Năm ấy tôi tham gia Ban kịch Bình Dân, viết vở Vượt ngục và mời Ngọc Đĩnh làm đạo diễn. Ngọc Đĩnh đã kéo Lộng Chương đóng một vai trong vở kịch của tôi. Buổi biểu diễn chính thức ở Nhà hát Lớn Hà Nội (8/9/1946). Lộng Chương trong vai anh công chức, nhút nhát, cầu an, đã cuốn hút được sự chú ý của người xem. Tôi tưởng đây là lần đầu anh lên sân khấu, sau mới biết ngày còn học trường Bưởi anh từng diễn kịch ngay ở sân trường. Và, trong gia đình anh có ông bác ruột đã tham gia diễn kịch "tài tử" từ những ngày kịch nói mới xuất hiện ở Hà Nội. Khi anh còn là chú nhóc con đã được theo bác vào nhà hát ngồi sau cánh gà xem diễn kịch. Phải chăng, vì vậy mà trong người Lộng Chương sớm có "máu kịch", lúc nào và đi đến đâu anh cũng tổ chức diễn kịch?

Thứ Sáu, 28 tháng 11, 2014

Mạn hứng(*)

                        (Nhân hẹn Đĩnh đi thăm Trọng, quẩn quanh
  tìm nhau khắp nội đô ra tới khu vực Mai Dịch)
Ký họa Thị Màu của
Phạm Đình Trọng

                            Đạp xe tìm bạn bở hơi tai
                            Hai thằng bốn cẳng đẫy trăm hai!(**)
                            Bằng hữu nhẫn nay tình phải thế.
                            Hỡi ôi! Mai Dịch dịch giang mai!
                                                                                               III/ 74



 (*) Thơ "Ta - Bạn & Đời", Nxb Hội Nhà văn, 2013.
(**)Đạp đi đạp lại khoảng 120 km


Gửi bạn phấn son vào tuổi thọ(*)

                               (Nghệ sĩ sân khấu Ngọc Đĩnh về hưu.
                                      Ông nguyên là chủ tiệm may)
Ngọc Đĩnh (Phải) Lộng Chương (Trái) diễn vở
Đạo Đức giả (1957, phỏng theo Tartyffe của Molie)

                                              I
                  Xào xạc trong ngoài chuyện bác hưu
                  Vẽ mặt bôi râu cũng lộn lèo!
                  Phấn vốn giòng vôi đời nó bạc
                  Đã đành đeo nó, chớ đành kêu!...

                                                II
        Son phai phấn nhạt chán ra tuồng
        Rũ tay bỏ cuộc tính tình xuông!
        Biết thế kéo kim mà ấm cật
        Đắp điếm cho đời chúng nó… tươm!

                                                III
                   Nháo nhác bao năm đã được về
                   Được về sao bụng vẫn còn e
                   E kiếp phấn son còn nghiệp chướng
                   Hay gờm thiên hạ nó còn đe?
                             
                                                IV
                   Sợ đếch gì! Ông đã lộn nghề
                   Mặc cha lũ ngọng chúng i oe!
                   Ông mong bôi nhọ răn đàn trẻ
                   Chúng sợ oai mình, chúng phải… de!
                             Xuân muộn năm Hùm đói 18. III. 74
(*) Thơ "Ta - Bạn & Đời", Nxb Hội Nhà văn, 2013.    

Thứ Tư, 26 tháng 11, 2014

Nghị lực đáng khen(*)

Sinh viên đưa hàng (Ảnh minh họa)
Sinh viên đi làm thêm giờ là chuyện không còn lạ. Những sinh viên nghèo đi làm thêm để trang trải tiền học và chi phí sinh hoạt thường ngày đã đành. Nhưng không ít sinh viên, dù xuất thân từ những gia đình dư dật kinh tế, đủ sức lo cho họ chuyên tâm dùi mài kinh sử, vẫn ngược xuôi bươn bả kiếm việc làm thêm. Họ làm bất kể việc gì, miễn là ra tiền để tự chủ cuộc sống sinh hoạt cá nhân. Từ những việc cần đến chút kiến thức như admin của một trang Web, kế toán của một doanh nghiệp tư nhân đến rửa bát, dọn nhà, đưa hàng, tiếp thị… Cách sống này cũng góp phần trang bị vốn hiểu biết xã hội, rất có ích cho họ khi bước vào đời.
Rõ ràng thế hệ sinh viên thời nay rất năng nổ, hoạt bát, bạo dạn, nhanh nhạy. P - sinh viên năm thứ ba Đại học Kinh tế Quốc dân, đại diện cho một công ty công nghệ, đến nhà tôi làm việc. Cậu mặc chiếc quần bò cũ rất nhiều vệt mòn rách trên đầu gối. Cái áo len màu ghi đã mất tuyết. Đôi dép xăng đan cũng mòn vẹt. Với tôi, những cái đó chỉ là tiểu tiết. Quan trọng hơn, đó là bộ mặt sáng sủa, phong cách đàng hoàng, ăn nói chững chạc; còn nữa, hai năm nay cậu không còn phải ngửa tay cầm tiền của cha mẹ chu cấp, chiếc xe máy mới toanh cậu tự mua, cậu đang sở hữu số cổ phiếu ưu đãi không nhỏ của công ty. Và, cậu dự định vừa học vừa làm để tích cóp, dành tiền đi tu nghiệp thêm ở nước ngoài, sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân.
Có lẽ, chẳng cần phải bình gì thêm về P. Tôi chắc, hiện còn rất nhiều sinh viên có nghị lực như P, đang cố gắng vượt khó để vươn lên, xây đắp cho mình một tương lai tốt đẹp.
Đáng tiếc, thực tế cũng đang tồn tại không ít sinh viên, lấy giảng đường làm vật trang trí, tiêu tiền của cha mẹ như rác. Và, khi không còn tiền để tiêu xài thì trộm cắp, cướp giật, buôn bán ma túy… nhằm thỏa mãn những ham muốn tầm thường.
(*) Báo An ninh Thủ đô, 10/4/2008

Hội thảo “Tác gia LỘNG CHƯƠNG VỚI NỀN VĂN HỌC NGHỆ THUẬT VIỆT NAM”(*)

 Lời cảm ơn của Đại diện Gia đình Tác gia Lộng Chương
 
Con gái út Tác gia Lộng Chương phát biểu cảm ơn
Kính thưa Quý vị
     Thời gian qua, nhiều lần vợ chồng chúng tôi đã tìm về với Hải Dương - quê cha đất tổ của mình. Mỗi lần về, vợ chồng tôi lại một lần cảm nhận được sống trong tình cảm nồng hậu, ấm áp của quê hương.
      Thực ra, trong tâm mình, tôi cũng tự hiểu rằng, sự tiếp đón nồng ấm, nhiệt tình của quê hương dành cho vợ chồng chúng tôi, chính là tình cảm trân trọng, yêu kính, cảm phục của quý vị, của các anh các chị trong và ngoài ngành nghệ thuật sân khấu dành cho người cha đã khuất của mình.
      Hôm nay, tại Hội thảo này, tất cả anh chị em chúng tôi một lần nữa lại được sống trong không khí đầm ấm thực sự của một gia đình - gia đình lớn; để cùng nhau tưởng nhớ và mong muốn bảo tồn, lưu giữ di sản tinh thần của một con người đã cống hiến cả đời mình cho sự nghiệp sân khấu nước nhà, đó Cha tôi - Nhà hoạt động sân khấu Lộng Chương.

Đại diện Gia đình tặng quà Hội VHNT Hải Dương
      Nhân nói về việc bảo tồn và lưu giữ di sản tinh thần của người cha thân yêu của tôi; hôm nay một lần nữa tôi xin chân thành cảm ơn Hội Nhà văn VN và Hội NSSK VN đã động viên và giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần, giúp gia đình chúng tôi hoàn thành được tâm nguyện giữ gìn hồn cốt tinh anh của Cha mình trong những hiện vật cụ thể, là những công trình, những ấn phẩm đã được xuất bản.
     Đặc biệt, tôi muốn nói thêm rằng, đại diện gia đình là tôi - con gái út của Cha mình, sẽ không bao giờ quên tấm thịnh tình mà những người trò của cha, là anh Lê Chức (tôi xin được đứng ở vị trí là người em gái) và anh Doãn Hoàng Giang (anh Giang vì bận dựng vở chuẩn bị cho 10/10 giải phóng Thủ đô, nên không có mặt ngày hôm nay) đã giành cho cha tôi, không chỉ là tình cảm, mà còn ghé vai gánh đỡ gánh nặng vật chất khi chúng tôi ra mắt tác phẩm của Cha; để những tác phẩm ấy ngày hôm nay đến được với các anh các chị, với quê hương Hải Dương của chúng ta.

Kính thưa quý vị
      Trong giờ phút này, dù đang ở rất xa, rất xa - nơi cõi vĩnh hằng, nhưng hương hồn linh anh của cha tôi chắc chắn đang chứng giám lòng thành và việc làm của quý vị lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, MTTQ tỉnh,; lãnh đạo các sở ban ngành; của các anh các chị nơi quê hương Hải Dương thân yêu.
     Thay mặt cho gia đình, từ trái tim mình, tôi vô cùng cảm tạ quý vị, cảm tạ các anh các chị đã động viên, giúp đỡ tận tình trong mỗi chuyến vợ chồng chúng tôi tìm về gửi gắm hồn cốt tinh anh của Cha tôi cho quê hương. Cảm ơn tất cả quý vị đã góp mặt cho sự thành công của cuộc gặp mặt đầy ắp nghĩa tình ngày hôm nay.
     Một lần nữa, gia đình chúng tôi xin chân thành cảm tạ!

(*) Hội thảo tổ chức ngày 11/9/2014 tại trụ sở Hội Văn học Nghệ thuật Hải Dương