Sinh viên đưa hàng (Ảnh minh họa) |
Sinh viên đi làm thêm giờ là chuyện không còn lạ. Những
sinh viên nghèo đi làm thêm để trang trải tiền học và chi phí sinh hoạt thường
ngày đã đành. Nhưng không ít sinh viên, dù xuất thân từ những gia đình dư dật
kinh tế, đủ sức lo cho họ chuyên tâm dùi mài kinh sử, vẫn ngược xuôi bươn bả kiếm
việc làm thêm. Họ làm bất kể việc gì, miễn là ra tiền để tự chủ cuộc sống sinh
hoạt cá nhân. Từ những việc cần đến chút kiến thức như admin của một trang Web,
kế toán của một doanh nghiệp tư nhân đến rửa bát, dọn nhà, đưa hàng, tiếp thị…
Cách sống này cũng góp phần trang bị vốn hiểu biết xã hội, rất có ích cho họ
khi bước vào đời.
Rõ ràng thế hệ sinh viên thời nay rất năng nổ, hoạt
bát, bạo dạn, nhanh nhạy. P - sinh viên năm thứ ba Đại học Kinh tế Quốc dân, đại
diện cho một công ty công nghệ, đến nhà tôi làm việc. Cậu mặc chiếc quần bò cũ rất
nhiều vệt mòn rách trên đầu gối. Cái áo len màu ghi đã mất tuyết. Đôi dép xăng
đan cũng mòn vẹt. Với tôi, những cái đó chỉ là tiểu tiết. Quan trọng hơn, đó là
bộ mặt sáng sủa, phong cách đàng hoàng, ăn nói chững chạc; còn nữa, hai năm nay
cậu không còn phải ngửa tay cầm tiền của cha mẹ chu cấp, chiếc xe máy mới toanh
cậu tự mua, cậu đang sở hữu số cổ phiếu ưu đãi không nhỏ của công ty. Và, cậu dự
định vừa học vừa làm để tích cóp, dành tiền đi tu nghiệp thêm ở nước ngoài, sau
khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân.
Có lẽ, chẳng cần phải bình gì thêm về P. Tôi chắc, hiện
còn rất nhiều sinh viên có nghị lực như P, đang cố gắng vượt khó để vươn lên,
xây đắp cho mình một tương lai tốt đẹp.
Đáng tiếc, thực tế cũng đang tồn tại không ít sinh
viên, lấy giảng đường làm vật trang trí, tiêu tiền của cha mẹ như rác. Và, khi
không còn tiền để tiêu xài thì trộm cắp, cướp giật, buôn bán ma túy… nhằm thỏa
mãn những ham muốn tầm thường.
(*) Báo An ninh Thủ đô, 10/4/2008
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét