Chủ Nhật, 30 tháng 11, 2014

VỚI ĐẠO DIỄN LỘNG CHƯƠNG (*)

Nhà viết kịch Nguyễn Văn Niêm
Nguyễn Văn Niêm (Trái)
với Lộng Chương - 1953
         Trước hết, Lộng Chương là nhà viết kịch. Lộng Chương viết đến mấy trăm vở kịch dài, ngắn, với nhiều thể loại khác nhau. Vở hài kịch Quẫn của anh rất được hoan nghênh, đã diễn nhiều năm với hơn 1.000 buổi ở Nhà hát Kịch nói Trung ương.
Lộng Chương cũng là nhà đạo diễn sân khấu, không chuyên nhưng sắc sảo, năng nổ, đã xây dựng tiết mục biểu diễn cho nhiều đoàn kịch, đoàn chèo chuyên nghiệp và nghiệp dư.
Tôi quen biết Lộng Chương từ rất sớm, thường gặp nhau ở nhà Ngọc Đĩnh, nhưng mãi đến năm 1946 mới có dịp cùng nhau làm kịch. Năm ấy tôi tham gia Ban kịch Bình Dân, viết vở Vượt ngục và mời Ngọc Đĩnh làm đạo diễn. Ngọc Đĩnh đã kéo Lộng Chương đóng một vai trong vở kịch của tôi. Buổi biểu diễn chính thức ở Nhà hát Lớn Hà Nội (8/9/1946). Lộng Chương trong vai anh công chức, nhút nhát, cầu an, đã cuốn hút được sự chú ý của người xem. Tôi tưởng đây là lần đầu anh lên sân khấu, sau mới biết ngày còn học trường Bưởi anh từng diễn kịch ngay ở sân trường. Và, trong gia đình anh có ông bác ruột đã tham gia diễn kịch "tài tử" từ những ngày kịch nói mới xuất hiện ở Hà Nội. Khi anh còn là chú nhóc con đã được theo bác vào nhà hát ngồi sau cánh gà xem diễn kịch. Phải chăng, vì vậy mà trong người Lộng Chương sớm có "máu kịch", lúc nào và đi đến đâu anh cũng tổ chức diễn kịch?
Quảng cáo chương trình 2 đêm dạ hội của Đội công tác văn nghệ Liên khu III

Những ngày đầu kháng chiến, Lộng Chương đi theo Ban kịch Bình Dân một thời gian, rồi về hoạt động ở Thái Bình. Ở đây anh cũng tập hợp anh em diễn kịch. Tôi công tác ở Nam Định, không tham gia được với các anh; mãi đến ngày Lộng Chương sang làm phóng viên báo Công Dân cùng tỉnh, chúng tôi mới lại được cùng nhau làm kịch. Lộng Chương tổ chức một số anh em trong và ngoài cơ quan báo Công Dân tập hai vở Lí Thới của anh và Đêm tân hôn của Ngọc Đĩnh. Lấy danh nghĩa cơ quan tôi đang công tác là Ty Bình Dân Học Vụ, tôi đứng ra tổ chức biểu diễn bán vé để giúp quỹ chống nạn mù chữ. Chúng tôi diễn được mấy tối ở thị trấn Chợ Cồn, Đông Biên và cả ở làng Hành Thiện - quê tôi. Bà con nô nức đi xem rất đông. Do chúng tôi làm quảng cáo khá rầm rộ, áp phích dán tường, loa tay gọi vào từng xóm ngõ. Chúng tôi hoạt động đang có khí thế thì chiến tranh mở rộng ra vùng tự do. Chúng tôi mỗi người mỗi ngả, phải theo cơ quan rút vào Ninh Bình rồi vào Thanh Hóa. Một thời gian khá lâu chúng tôi không nhận được tin tức của nhau. Nhưng rồi một hôm, vào một ngày trời rét, Lộng Chương đã đến tìm tôi ở một làng quê gần thị trấn Hậu Hiền. Trông anh rất quân sự. Quấn áo kaki, trấn thủ bông, mũ lưới cài lá ngụy trang, lưng đeo ba lô buộc gọn gàng. Anh đến tìm tôi để lấy kịch bản Vượt ngục, nhưng tôi có mang theo được đâu. Đêm 19-12-1946 phải rời khỏi Hà Nội, tôi đã bỏ lại tất cả ở nhà, ngõ Tám Mái (nay là Cát Linh). Vở Giữa vòng vây của tôi đang in ở Nhà xuất bản Công Dân, cũng không mang theo được bản nào, thế là tay trắng. Tôi tiếc đến ngẩn ngơ. Lộng Chương ở chơi với tôi một hôm rồi lại ba lô trên lưng, đi về thị trấn Rừng Thông - nơi anh và mấy bạn đang chuẩn bị tiết mục cho Đội công tác Văn nghệ Liên khu III. Anh động viên tôi sáng tác cho Đội. Tôi loay hoay mấy hôm rồi cũng hoàn thành được vở Gặp gỡ, kịch nói 2 màn, viết về hoạt động gây cơ sở kháng chiến trong nội thành bị tạm chiếm. Tôi vội cuốc bộ gần hai chục cây số, mang kịch bản đến Rừng Thông. Lộng Chương giới thiệu tôi với các bạn, và tổ chức cho tôi đọc kịch trong một buổi sinh hoạt rôm rả, có chè thuốc, bánh kẹo, cả chè lam Thanh Hóa để chiêu đãi tác giả. Kịch Gặp gỡ được các anh nhận dựng, tôi mừng lắm. Hôm sau tôi phải về cơ quan, không ở lại cùng các anh tham gia dàn dựng kịch. Ngày ấy, kỷ luật kháng chiến nghiêm ngặt, không thể vắng mặt lâu ở cơ quan mà không có phép. Không lâu sau, tôi được các anh nhắn đến xem biểu diễn chính thức vào hai tối 28, 29-1-1952 tại khu chợ Rừng Thông. Hai tối kịch ấy được ghi trong chương trình là "Dạ hội Kịch do Đội công tác Văn nghệ Liên khu III trình bày". Dạ hội? Tôi hơi ngạc nhiên nhưng thấy gọi thế cũng không ngoa ngoắt lắm. Hai tối kịch tổ chức rất tưng bừng. Khán giả mua vé vào xem được phát một tờ gấp ghi chương trình trên giấy dó, in ba mầu, trình bày khá đẹp. Ngày nay đọc lại tờ chương trình anh Việt Hồ còn giữ được, thấy ghi ba vở diễn: Gặp gỡ của tôi, Lí Thới của Lộng Chương, Chỉnh lí của Lộng Chương và Hà Văn Cầu. Nhân vật các vở đều do Lộng Chương, Việt Hồ, Hoàng Linh, Hà Văn Cầu, Phùng Văn Thái, Phạm Quốc Dũng, Đặng Hương Khánh, Ngọc Hồng, Hồng Nhung xắm vai; trang trí mĩ thuật: họa sĩ Lê Quốc Lộc, Nguyễn Văn Xuân. Một điều có giá trị khuyến khích tôi là, chương trình đã ghi hàng chữ đậm: "Dàn kịch: Kịch sĩ Nguyễn Văn Niêm". Chính Lộng Chương là đạo diễn cả ba vở kịch, nhưng anh đã không quên dành cho tôi niềm vui lớn ấy. Hẳn là ông bạn không muốn mang tiếng "bao sân"? Hôm sau tiễn tôi về, anh còn dúi cho tôi ít tiền “thù lao”, và kéo tôi vào hiệu ảnh chụp một "pô". Tác giả, đạo diễn sát vai nhau thật thân mật. Bức ảnh kỷ niệm ấy tôi còn giữ được, qua mấy chục năm vẫn còn sáng nét. Sau hai tối kịch ở Rừng Thông, Lộng Chương kéo quân ra Xích Thổ (Ninh Bình), xây dựng thêm tiết mục, rồi cả Đội đi tham gia các chiến dịch. Mãi đến ngày hòa bình về Hà Nội, tôi với Lộng Chương mới lại gặp nhau, lại cùng nhau làm kịch. Cái "máu kịch" trong người Lộng Chương lúc nào cũng sôi lên. Chúng tôi thường gặp nhau ở nhà Ngọc Đĩnh và đã cùng Ngọc Đĩnh lập ra Đoàn kịch Mùa Thu. Tiết mục đầu của Đoàn, vở Khiếp sợ, Lộng Chương không có vai. Đến vở sau, vở Đạo đức giả, anh cùng Ngọc Đĩnh đóng hai vai chính. Ngọc Đĩnh vai Ba Voi, một anh thày tu "miệng phật, tâm tà". Lộng Chương vai Kí Ốc, một ông chủ nhà sùng đạo đến u mê ngốc nghếch. Hai anh diễn rất đạt, gây được thanh thế cho Đoàn kịch Mùa Thu. Nhưng rồi, theo chủ trương giải tán các đoàn kịch tư nhân, Đoàn Mùa Thu cũng phải đóng cửa. Ngọc Đĩnh được tuyển dụng vào Đoàn kịch Hà Nội. Lộng Chương sang giúp Thành đoàn Thanh niên lao động tổ chức ra Đội kịch Thanh niên, diễn kịch phục vụ các phong trào quần chúng. Lộng Chương đã viết và đạo diễn cho Đội vở hài kịch Hỏi vợ, được khán giả rất thích. Tôi cũng đóng góp với Đội một hài kịch, vở Bức ảnh. Đạo diễn Lộng Chương đã để tâm dìu dắt hướng dẫn các diễn viên trẻ luyện tập, sáng tạo. Vở hài kịch Bức ảnh ra mắt công chúng, đạt được kết quả đáng mừng. Khán giả cười và vỗ tay liên tục. Trên báo đã có bài giới thiệu là một vở kịch hay. Nhờ đó, vở Bức ảnh tiến được lên sân khấu chuyên nghiệp ở Đội kịch Nam Bộ (trong Đoàn kịch nói T.Ư). Lớp đào tạo diễn viên kịch nói đầu tiên của Trường nghệ thuật Sân khấu cũng cho học sinh tập diễn Bức ảnh, làm tiết mục thực tập ra trường. Rồi Nhà xuất bản Văn học nhận in sách. Rõ ràng là, không nhờ tài của đạo diễn Lộng Chương và nhiệt tình biểu diễn của các bạn trẻ trong Đội kịch Thanh niên Hà Nội thì tôi đâu có được may mắn đến thế !
Đội kịch Thanh niên Hà Nội tuy là nghiệp dư nhưng gồm toàn diễn viên trẻ ở lứa tuổi 18 - 20, có người còn đang học trường phổ thông. Các cô cậu đều yêu thích nghệ thuật, say sưa luyện tập theo sự chỉ dẫn của đạo diễn mà họ quý mến gọi là Thày - Thày Chương. Đội kịch Thanh niên Hà Nội nay không còn hoạt động, nhưng nhiều diễn viên của Đội đã tiến sâu vào nghề kịch, nhiều người trở thành nghệ sĩ, đạo diễn, nhà báo, nhà quản lí sân khấu chuyên nghiệp.
Ngày nay, sau mấy chục năm, có người đã có cháu nội cháu ngoại, mỗi khi gặp đạo diễn Lộng Chương ở nhà hát, ở Hội Nghệ sĩ sân khấu, vẫn vồn vã Thày Thày - em em, vui vẻ tự nhiên như thời tất cả còn sung sức.
Tôi với anh cũng vậy. Sau vở Bức ảnh tôi không còn dịp nào được đạo diễn Lộng Chương dàn kịch, nhưng cái "máu kịch" vẫn gắn bó chúng tôi bền lâu, thân thiết.
                                                                                                 Nhà viết kịch Nguyễn Văn Niêm (Trái)
                                                                                                       với Nhà viết kịch Lộng Chương 
   ______________________________

(*) Sách “Kịch Lộng Chương”, Nxb Văn học, 1997; Sách “Lộng Chương trong trái tim bè bạn”, Nxb Hội Nhà văn, 2013.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét