Thứ Bảy, 16 tháng 8, 2014

CHỈ MỘT ANH THÔI(*)

                                                                                                GS. Nhà nghiên cứu Chèo Hà Văn Cầu               
         
NVK Lộng Chương và Nhà nghiên cứu Chèo Hà Văn Cầu
Rồi đây, cả Anh, cả tôi, cả các bạn đồng thời, và cả các khán giả từng mến mộ Anh đều sẽ đi hết. Trong khoảng trời sân khấu lúc ấy - vốn là một khoảng trời phi vật thể, không sờ mó được - chẳng ai còn biết khoảng nửa sau thế kỷ XX này, các tác phẩm Lộng Chương đã được thể hiện như thế nào. Bản thân Lộng Chương đã biểu diễn ra sao.
            Người ta chỉ còn có thể thưởng thức các sản phẩm tinh thần của Anh thông qua những hàng chữ mực đen khô cũ kỹ. Giỏi lắm người đọc cũng chỉ có thể hình dung ra nhân vật theo cách tưởng tượng của mình trong các tác phẩm hoàn bị mà chưa hoàn thành. Một bà già có cặp mông "lồng bàn", một ông chồng cầm đuôi áo bà vợ, nhảy cẫng lên như múa sư tử… thì không ai có thể tượng tượng ra được trong khi đọc. Mà đã không tưởng tượng được thì không thấy hết sức châm biếm, rỉa ráy đến tận xương tủy của Lộng Chương.

Tuy vậy, con người có thể qua đi, tác phẩm có thể mòn mỏi, song Anh vẫn còn mãi. Cái còn của Anh thuộc về nhân cách, về đạo đức, về ứng xử, về thái độ đối với lịch sử và xã hội.
Những quan hệ giữa Anh và các bè bạn, họ trò, trong đó có tôi, đã được nói đến nhiều. Ở đây, tôi muốn nói đến Anh như một hiện tượng: Hiện tượng Lộng Chương.
Tôi nói “hiện tượng" vì ở Anh có những cái rất độc đáo, rất tự nhiên như trời sinh ra đã như thế, không cần kiểu cách, màu mè, những cái mà nhiều người khác không có, nhất là trong giới văn nghệ ta.
Một ngày nóng bức năm 1947, tôi là đại biểu thanh niên trong huyện Thái Ninh (Thái Bình), có việc đến nhà anh Vũ Tiến Thê ở xã Trực Nội, ở đó, lần đầu tiên tôi gặp anh Lộng Chương.
Tôi là con trưởng trong một gia đình nho học, nên từ nhỏ đã phải học thêm chữ Hán để ngày sau còn “biết đường” khấn vái tổ tiên những ngày giỗ tết. Vì vậy, khi nghe cái tên “Lộng Chương”, tôi rất thích, bởi vì nó có “cái gọi là tính chất nam nhi" theo kiểu xưa. "Nữ giả lộng ngọc, nam giả Lộng Chương" mà.
Tôi rất nhớ buổi đầu gặp mặt ấy:
Anh để hàng ria mép con kiến kiểu tài tử xi nê (Clark Geble), tóc phi-lô chải ốp, đeo kính mắt to gọng, thỉnh thoảng lại lấy cái mùi xoa trắng bong, phẳng phiu ra thấm mồ hôi một cách rất là Hà Nội (Đó là điều cực kỳ mới lạ đối với người kẻ quê). Vì ngày ấy, ở quê, người ta dùng cái khăn mặt go). Tôi chào Anh:
- Thưa ông…
Anh cắt ngang ngay:
- Ấy đừng! Anh thôi! Bây giờ cách mạng rồi, đừng kiểu cách như vậy! - Anh mời tôi hút thuốc lá Zukích, trong khi anh hút pip.
Sau này, khi chơi thân với em Anh - Phạm Quốc Dũng, tôi mới biết tên thật của Anh là Phạm Văn Hiền, từng làm điều chế viên hóa học ở Phủ Toàn quyền (và người nhà gọi Anh là ông Phán Hiền).
Bà cụ thân sinh Anh lại kể về cái tên Hiền của Anh như sau:
- Anh Cả nhà tôi sinh vào dịp gần Tết. Năm ấy, trời không mưa nhưng rét ngọt, lại chẳng lúc nào nín gió. Vậy mà anh cả nhà tôi chỉ khóc có mấy tiếng rồi nằm im trong tã lót, không ho he... Cho ăn thì ăn, cho ngủ thì ngủ, không khóc lóc, vòi vĩnh gì, nên ông cháu đặt cho cái tên Hiền...
Điều đó thuộc về sự tích. Cái mà tôi muốn nói đến là "thành phần giai cấp" của Anh mỗi khi Anh khai lý lịch kia.
Anh tự nhận mình là “cán bộ công nhân viên, tiểu tư sản”.
Nhưng nửa thế kỷ ăn ở, chơi bời, đi lại với Anh như một người em, tôi lại thấy khác.
Vì lẽ, tiểu tư sản thì không thể thế được. Trong kinh nghiệm sống của tôi, tiểu tư sản là những người tinh tế, nhạy cảm, nhận thức sắc bén, phát hiện các vấn đề thật nhanh nhưng lại dễ nản, thấy cái sai thì "chửi om" lên mấy câu rồi bỏ qua.
Còn con người phong kiến và tư sản thì luôn luôn ý thức được vai trò và trách nhiệm xây dựng của mình đối với xã hội; tuy không bằng được con người vô sản, song họ vẫn luôn luôn là những người cầm cờ trong lịch sử. Ở Anh, tôi thấy có đầy đủ những ưu điểm của một con người tiểu tư sản nhưng lại có thêm ưu điểm tuyệt vời của một con người tư sản - phong kiến, là tính kế hoạch, quyết đoán và dám chịu trách nhiệm.
Có lẽ phải nói rằng, Anh xuất thân từ một gia đình tư sản bị phá sản thì đúng hơn.
Ở bất cứ đơn vị nào, anh chị em cũng thấy Anh xứng đáng là người "chủ trò", mặc dầu, cho đến tận hôm nay, Anh vẫn chưa phải là đảng viên. Bởi vì Anh có tài tổ chức, từ hai bàn tay trắng mà dựng nên cơ đồ. Đoàn Văn công Liên khu III là một ví dụ:
Cuối năm 1951, Anh tập hợp chúng tôi (Việt Hồ, Phùng Văn Thái, Hoàng Linh và tôi) bàn việc thành lập một Đoàn Văn công cho Liên khu. Chẳng ai có một đồng xu dính túi. Anh bảo:
- Không lo! Việc đó, mình chịu trách nhiệm!
Thế là Anh và tôi lao vào viết vở. Rồi Anh ra phố Rừng Thông (Thanh Hóa), thuyết phục mấy gia đình người Hà Nội tản cư, cho phép các cô con gái tham gia tập kịch với chúng tôi. Chẳng biết Anh vận động như thế nào mà những người chúng tôi đề nghị đều được phép vào làng Sơn Viện tập kịch.
Anh lại đi gặp các anh Viềng, anh Thuấn, anh Ngạn, các chị Phương, Sĩ, Tâm, đại biểu thanh niên Rừng Thông lo việc xây dựng một cái Rạp ở chân núi Phượng để chúng tôi kịp diễn Tết. 
Họ đều nhận lời và hôm diễn có tới bảy cái đèn măng-sông, một sự lạ thời tản cư ấy!
Tết năm 1952, chúng tôi diễn ở Rừng Thông, Cầu Bố.
Tiền thu được, trang trải xong nợ nần, chúng tôi còn may sắm được đủ phông màn cho một đơn vị nghệ thuật, lại trang bị cho mỗi người 2m vải sơn để đi mưa (ngày ấy ở ngoài kháng chiến chưa có ni lông).
Khi ra mắt lãnh đạo Liên khu III, bác Lê Thanh Nghị(**) cứ ôm lấy chúng tôi mà khen nức nở về thành tích "lập một đoàn Văn công mà không phải tiêu của dân một xu nào". Thực ra, đó là thành tích riêng của anh Lộng Chương.
Thử hỏi: trong điều kiện chiến tranh cài răng lược lúc ấy, có mấy văn nghệ sĩ làm được công việc tốt đẹp như vậy?
Đó đúng là một hiện tượng!

Anh lại là một con người có tác phong thật gia trưởng kiểu phong kiến. Vào quán xá, đừng ai bỏ tiền ra trả mà dại, Anh không nghe đâu. Bạn tỉnh xa về công tác Hà Nội, đến ở nhà Anh dăm ba bữa, cứ việc ăn ngủ như ở nhà mình. Hồi ấy, kháng chiến còn nhiều gian khổ, tiêu chuẩn mỗi người 13kg gạo, đi đâu thì cắt phiếu gạo mang theo, nhưng đã đến ăn ở tại nhà Anh thì đừng chìa phiếu ra mà ăn mắng. Anh coi việc đó như một sự xúc phạm đến tình bạn.
Anh hay rượu và đã từng uống những bữa rượu "hung thần” mang đầy tính chất huyền thoại. Cho nên hũ rượu trong nhà Anh chẳng lúc nào được đầy, vì chưa đầy đã vơi ngay. Một số bạn bợm rượu, biết Anh có rượu ngon thường xuyên, nên thích đến nhà nhâm nhi cả buổi, đã tốn rượu lại tốn mồi. Anh vẫn rót, vẫn tiếp. Rót hết cả xe đạp Favorít, đài Orion... (do gán tiền rượu) mà vẫn cứ rót đều cho đến tận hôm nay.
Chính vì thế, trải qua những nghiệm sinh, tôi xin được phép sửa thành phần xuất thân của Anh là tư sản - phong kiến phá sản.
Vì không phải là con người tư sản - phong kiến phố Hàng Bạc, gốc Châu Khê (Hải Dương) thì chẳng bao giờ dám có những "coups de tête" như Anh thường nói.
Đó lại là một hiện tượng độc đáo!
Con người tư sản - phong kiến phá sản ấy bước vào nửa sau thế kỷ XX này như thế nào?
            Cách mạng tháng Tám bùng nổ. Tất cả các em trai và em rể Anh đều tham gia hoạt động (sau này có đến mấy người làm Trưởng ty Văn hóa).
Vốn là một trí thức, Anh không tin vào tiền định, vào "vận nước", mà thấy rõ, qua sự nghiệm sinh, nỗi thống khổ của dân Việt, điển hình là nạn đói năm 1945, là do các đế quốc gây ra. Cho nên Anh luôn luôn cởi lòng, cởi dạ đi theo Cách mạng, mặc dầu bên nội, bên ngoại Anh không thiếu gì người ở nước ngoài, sẵn sàng chìa tay ra đón mời Anh đi tìm một cuộc sống sung túc ở đất nước người.
Anh theo Cách mạng vì căm thù đế quốc lại vì giận ghét bọn tay sai.
Toàn quốc kháng chiến, Anh bỏ hết cả sản nghiệp để đi tản cư.
Ngoài việc doanh thương để có cái nuôi sống một gia đình đông đúc tới hàng chục người, Anh còn viết văn, viết báo, viết và diễn kịch để thể hiện lòng mình đối với Cách mạng.
Trong Lí Thới, Anh nói đến "bơ thừa” mà lũ tay sai đón nhận một cách hoan hỉ. Trong Quẫn, Anh lên án thói kiêu xa, thù địch của tầng lớp tư sản sau ngày giải phóng Thủ đô: khi bà thấy cháu đi "lao động xã hội chủ nghĩa" trở về, bà hỏi "Cháu đã được tha về đấy à?”. Những năm đầu Cách mạng, Anh không phán xử các nhân vật phản diện mà trong tác phẩm, Anh luôn luôn đánh "một đòn bảy mạng" bằng văn chương.
Nhiều người khen bút pháp của Anh là “sắc” và “ác”.
Đúng!
Một phần vì Anh có cái tính khí ít nhiều cực đoan, một phần vì Anh nhìn nhận Cách mạng như một vầng hào quang tỏa sáng len lỏi vào mọi ngóc ngách cuộc đời, không thế lực nào che lấp được. Anh bỏ nhà, bỏ cửa để đi kháng chiến. Em anh, con trai, con gái anh đi bộ đội hoàn toàn tự nguyện (nay đã có người đeo quân hàm đại tá). Bản thân Anh đi phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ và đã từng ngã ngất trên khuôn viên biểu diễn trong rừng sâu. Tuy so với sự vĩ đại của toàn dân tộc, phần đóng góp của gia đình Anh là rất nhỏ, rất, rất nhỏ, song, nhìn lại, nhìn trong giới văn và giới nghệ, đã mấy ai làm được như Anh? Không thiếu gì người chạy chọt, xin điểm, để con cái có thể lảng tránh được nghĩa vụ quân sự, ra nước ngoài đi học. Nhìn rộng ra nữa, không thiếu gì những ông “quan cách mạng”, ít thì tiêu tiền của dân như rác, nhiều thì ăn cắp của công làm giàu.
Anh căm ghét họ, và nói như Mai Bình: Anh khinh họ. Anh càng đi nhiều, càng thấy nhiều bà con nông dân một nắng, hai sương, ăn đói, mặc rách để đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc vĩ đại, thì Anh càng khinh ghét họ, những người sống phè phỡn trên mồ hôi nước mắt đồng bào, núp dưới khẩu hiệu "cần, kiệm, liêm, chính” để đánh cắp, móc túi nhân dân. Chính Anh đã từng cầm cày, cày ruộng hàng tháng ở Vũ Thư - Thái Bình, nên Anh càng quý trọng bà con nông dân chất phác, và càng khinh ghét bọn lưu manh đội lốt Cách mạng.
Khinh, phải! Ghét, phải!
Vì đó là bọn người có trái tim chó, không chút động lòng trước cảnh khổ của đồng bào.
Khi Anh phát biểu hoặc sáng tác, đôi lúc Anh sỗ sàng cho hết giận. Thế là Anh "mua" lấy cái bực vào mình và sự trả thù của lũ người hư hỏng.
Chính cái khinh, cái ghét ấy dẫn dắt ngòi bút Anh đi vào cõi trào lộng, Anh cất lên “một tiếng cười cho khỏi căm” đó thôi.
Lúc đầu, Anh đánh “vỡ mặt” bọn mặt người dạ thú, đánh không thương tiếc. Cho đến sau giải phóng miền Nam, ngòi bút Anh mới thuần trở lại, trong tiếng cười đôn hậu, còn ẩn nấp một tiếng thở dài thương xót: Anh còn tin ở con Người. Lúc này, chất hài ở Anh tiếp cận với chất bi tráng, đem lại cho Anh một cái gì đó rất độc đáo.
Ngoài hài kịch ra, Anh còn viết bi kịch. Anh thường khiêm tốn nói rằng, mình chỉ làm tiết mục chứ không có ý định làm tác phẩm. Nhưng rõ ràng những vở Anh viết rất xứng đáng là những tác phẩm. Có thể kể làm ví dụ: Dũng sĩ Rạch Gầm, Bản án tử hình, Cánh chim luân lạc, Đòi con . . .
Suốt bao năm chống Mĩ, tuần lễ nào Anh cũng có "tiết mục" ngắn mà Anh gọi là kịch "tương thanh" để phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Kịch tương thanh của Anh bao giờ cũng chỉ có hai nhân vật và không bao giờ dài quá 28 phút theo yêu cầu của Đài. Và tuần lễ nào cũng góp một vở!
Đó là những “tiết mục” viết theo yêu cầu. Rõ ràng những vở viết theo yêu cầu ấy là "làm chính trị". Đúng. Anh làm chính trị khi cái chính trị ấy thống nhất với động lực tinh thần và tình cảm của Anh.
Nhiều người trong giới thường nói trời, nói biển, nhưng đã mấy ai vừa sáng tạo những tác phẩm dài hơi lại vừa viết những tiết mục "sát sườn" được như Anh?
Cái đó cũng lại là một hiện tượng!

Nhà Anh, số 47 phố Hàm Long, là một ngôi nhà thờ họ, ba gian hai chái, làm theo kiểu cổ, từ thuở nào không rõ, vào những năm chống Mĩ đã trở thành giột nát, trong nhà có chỗ phải che ni lông. Cái chái Anh ở luôn luôn ẩm mốc, sách vở, tài liệu để trong đó, chẳng có tờ nào khô. Những tác phẩm Anh viết bằng mực Cửu Long ngày ấy, trở nên nhòe nhoẹt, phai bạc cả màu mực. Anh hút thuốc lá, gỡ cẩn thận lấy cái vỏ bao, kẹp lại thành tập, để nháp tác phẩm. Đôi khi, tôi cần mượn, Anh tìm không ra, tôi phải nhắc: "Cái tập Điện Biên ấy", hoặc "Cái tập Tam Đảo ấy" (Điện Biên và Tam Đảo là tên các vỏ bao thuốc lá). Anh còn viết cả lên những vỏ bao chè các loại như Hồng Đào, Ba Đình, Thanh Hương… Và, viết sau cả những tờ tem phiếu mua thực phẩm hồi đó nữa.
 Vất vả và gian khổ đến như thế, nhưng tuần lễ nào, Anh cũng dành một ngày viết báo, một ngày viết cho Đài, một ngày dành cho các bạn viết trẻ mới vào nghề tìm đến Anh cầu mong sự giúp đỡ. Nhiều tác giả đến với Anh là thanh niên, công nhân, giáo viên, bác sĩ, giám đốc sở… từ Hải Phòng, Thanh Hóa, Nam Hà, Hà Bắc… Họ cứ việc đến Anh. Nếu ở tỉnh xa về, cứ việc ném cái ba lô vào giường và báo với chị: ăn cơm (mà không cần phải trả tiền). Anh đọc tác phẩm cho họ, chỉ ra chỗ được và chỗ chưa được, thậm chí có lúc họ không sửa nổi thì Anh sửa giúp để làm mẫu. Anh Lưu Quang Thuận gọi công việc ấy của Anh là "cầm tay dạy chữ" (Anh Thuận và tôi cũng có lúc phải nhờ đến Anh như vậy). Có lần Anh đưa vở Cánh chim luân lạc cho Đoàn Chèo Hà Tây, nhưng rồi Anh ốm không dựng được vở. Anh bảo Mạnh Duy - Trưởng đoàn, ra tìm tôi. Tôi chẳng làm việc ấy bao giờ, nhưng Mạnh Duy nói: "Thầy Chương bảo: anh làm được". Tôi không tự tin nhưng thấy nói Anh bảo như vậy thì tôi cũng cố gắng và quả nhiên là làm được.
Các học trò của Khổng Tử khi xưa, đều đến hỏi thầy cùng một câu. Khổng Từ trả lời mỗi người một khác. Đối với người quá cẩn thận thì Ngài bảo "Tái tư khả hĩ!"(l). Đối với người liều lĩnh thì Ngài bảo "Chiến chiến, căng căng, như lâm thâm uyên, như lí bạc băng"(2). Đối với người văng mạng không nghĩ đến tương lai, Ngài bảo: "Bạo hổ bằng hà, tử nhi vô hối"(3). Đó là do Ngài nắm vững khả năng, phong cách sống của từng người. Anh Lộng Chương nhiều mặt không được như Khổng Tử, nhưng về mặt nắm vững học trò của mình thì Anh không thua. Anh nói với người này: "Cậu nên nhìn các nhân vật trong thế đối lập", nhưng lại nói với người khác: "Nhìn cuộc sống trong thế đối lập nhưng không được bỏ qua tính cách". Rồi: "Có tính cách, phải nghĩ đến cốt truyện". Anh nói với Lưu Quang Thuận: "Bình diện tình cảm (plan sentimental) của cậu rất vững, cần gia công về lí sự". Anh bảo tôi: “Cậu là cán bộ tuyên truyền, bình diện lô gích (plan logique) khá, được rồi, cần gia công thêm về mặt tình cảm".
Những điều Anh chỉ bảo cho tôi rất quan trọng. Bởi vì hồi đầu kháng chiến, có một nhà thơ bảo tôi: "Cậu khô lắm, chẳng viết được đâu. Chữ cậu tốt thế này, chịu khó chép bản thảo cho tớ thì hơn!".
Chỉ có Anh và sau này, anh Nam Cao, là cho rằng tôi có thể viết được.
Chính vì Anh không bắc bậc, cao cầu, lại hết lòng yêu thương những lớp người đến sau, cho nên anh chị em tác giả, nghệ sĩ đến với Anh thực đông đảo và Anh không từ chối một ai.
Năm Anh lên lão 60, tôi không ngờ anh chị em từng được Anh dìu dắt lại đông đến như thế, ngồi kín ba gian hai chái và cả cái sân phía trước nhà. Ngồi tính lại, chỉ riêng nước sôi mà chị đun để Anh tiếp anh chị em trẻ chúng tôi cũng đã ngốn hết biết bao nhiêu củi lửa.
Riêng việc đó cũng đã là một hiện tượng!
GS. Hà Văn Cầu (Đứng giữa) phát biểu 
trong Lễ mừng thọ NVK Lộng Chương 60 tuổi (1978)
                                           
(2)

(1)














(1) Nhà hoạt động SK Thế Lữ phát biểu trong Lễ mừng thọ Nhà hoạt động SK Lộng Chương 60 tuổi.
(2) Bạn bè và học trò NVK Lộng Chương tại buổi Lễ. 
Từ ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc - 1954, Anh đã góp công xây dựng nên rất nhiều đoàn nghệ thuật: chèo có, kịch có, cải lương có... Hà Tây, Nam Hà, Thái Bình, Thanh hóa... kịch Công nhân và kịch Thanh niên Hà Nội... Trong số các diễn viên mà Anh dìu dắt buổi ban đầu, ngày nay, không ít người đã trở thành nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, thành đơn vị trưởng... Họ vẫn nhớ đến Anh, vẫn gọi Anh bằng Thày. Có người lấy chồng ngoại quốc, theo chồng về xứ xa, thỉnh thoảng về thăm Hà Nội, vẫn nhớ đến thăm thầy, biếu Thầy chai rượu - một thứ quà đối với Thầy còn quý hơn cả vàng ngọc.

Thiếp chúc Tết Đinh Sửu (1997) thày Lộng Chương của chị Ngọc Yến (Diễn viên Đoàn kịch Công nhân  HN, sinh sống tại Canada.

Vì thế, khách đến nhà không lấy làm lạ khi thấy dưới chân tường, ngay phía dưới bàn điện thoại, bày la liệt các loại vỏ chai, quen có, lạ có, cứ như một cửa hàng đồng nát chuyên về vỏ chai vậy.
Cũng không lạ khi Anh đi công tác các tỉnh, anh thường mang theo vò, can đựng cái thứ “nước thánh" quen giọng, sản xuất ở Đình Bảng ấy.
Anh là người rất từng trải: trong thương trường, Anh hiểu rất rõ bụng dạ hám lời và miệng lưỡi ngọt ngào của con buôn; trong trí thức, Anh biết cái cần, cái thú và cái sợ của người có học; trong công chức, Anh biết tính cần cù, mực thước và phong cách ứng xử của người ăn lương Nhà nước; trong văn nghệ, Anh chấp nhận lề thói sinh hoạt có phần buông thả... Nhưng chính Anh, Anh lại sống thật nền nếp, làm việc có lịch, có giờ giấc, từng ngày trong tuần. Chỉ khi có bạn bè đến chơi, Anh mới buông bút, nghiêng bầu và cứ ngồi rót mãi cho đến khi hết khách.
Những năm đầu kháng chiến chống Pháp, cùng đi với Anh trong nhiều đợt công tác, Anh thường trỏ những người đi đường, đố tôi đoán xem họ là ai, làm gì, người địa phương hay người nơi khác tản cư đến (và Hà Nội tản cư, Hải Phòng tản cư hay Nam Định tản cư). Thường là Anh đoán đúng đến chín mươi phần trăm, còn tôi thì ngơ ngẩn mãi không nói lên được.
Sự từng trải và khả năng quan sát đã giúp cho Anh chỉ sau một vài chuyến đi là có thể viết một phóng sự: Đò dọc, đăng nhiều kì trên báo Công Dân, gây xôn xao dư luận thời bấy giờ.
Lại nhớ năm 1951, khi làm xong chương trình biểu diễn (như đã nói trên), cần phải in một loạt tờ gấp rời để giới thiệu chương trình cho người xem, Anh bảo tôi :
- Cậu phải vẽ trang một!
Tôi lúng túng chưa biết trả lời thế nào, Anh nói:
- Tớ biết: cậu vẽ được!
Lúc ấy, Anh chưa hề biết rằng tôi có dự một lớp vẽ do các họa sĩ Lương Xuân Nhị, Mai Văn Nam, Nguyễn Thiện mở ở Phù Lưu Tranh (nhưng do học kém, sau khi mãn khóa, tôi không đi vào nghề họa). Anh chỉ thấy tôi, đôi ba lúc túng tiền, thường ra phố Rừng Thông, vẽ biển quảng cáo thuê, lấy tiền trà lá, mà buộc tôi phải làm. Và sau mấy ngày trăn trở, tôi đã làm được. Thì ra, do từng trải, Anh đã phát hiện ra khả năng làm cái việc mà trời đất không cho tôi theo đuổi.
Sau này, về Đoàn Văn công Liên khu III, rồi lãnh đạo yêu cầu Đoàn xé lẻ người đi phục vụ chiến dịch Nam - Ninh Bình. Khi xé lẻ thì không thể diễn kịch, chỉ có thể hát múa được thôi. Phó Anh Nghiêm và tôi cùng đi với một nữ diễn viên của Ninh Bình (tôi quên mất tên) đến đội Điều trị III, bác sĩ Bửu Triều phụ trách, để phục vụ thương binh. Chúng tôi không sẵn có bài hát, điệu múa, nên cần phải sáng tác ngay.
Anh bảo chúng tôi:
- Các cậu làm được!
Quả thật anh Ti Go đã làm được cho tổ anh ấy. Bên này, chúng tôi rất lúng túng, Anh lại thúc:
- Cậu phải làm! Mình biết cậu làm được mà!
Rõ ràng đây không phải là lời động viên, mà là một sự trao trách nhiệm (Oái oăm là anh Nghiêm giỏi nhạc hơn tôi thì Anh lại không nói gì với anh ấy). Mấy đêm liền, tôi giở lại các bài giảng của nhạc sĩ Tạ Phước dạy ở Đống Năm (mà hồi còn ở hậu phương, tôi thường đến dự thính), ôn lại cách cấu tạo khổ, cách tiến hành âm, cách phân câu, cách kết của âm giai Rê trưởng... Tôi cứ hí húi, bí mật làm và cuối cùng đem ra trao đổi với anh Nghiêm. Nghiêm mừng lắm và bịa thêm các động tác để làm thành một điệu múa mà hai anh em đặt tên là múa "Công đồn". Bây giờ, nhớ lại thấy thật ấu trĩ, nhưng trong tình hình lúc đó, có thể coi là "nhất".
Tôi nhất định yêu cầu anh Lộng Chương phải nghe đoạn "nhạc" do tôi làm; có thông qua được, tôi mới đem đi biểu diễn :
- Rê' rê' la, la sí phà la
Phà son phà son lá la...
Anh vỗ đùi:
- Biết ngay mà! Không những cậu làm được mà lại có vẻ chuyên nghiệp cơ đấy!
Sau này, Anh còn định phân công cho tôi phụ trách tổ ca nhạc, nhưng vì đã có Trần Hoàn và Phùng Văn Thái, cho nên tôi nhất định từ chối, để chuyên tâm làm diễn viên kịch nói, và đôi lúc sáng tác kịch bản.
Lại đến năm 1952, cụ Nguyễn Đình Nghị từ khu Tư ra, bác Đặng Xuân Thiều giao cho tôi bám theo cụ để tìm hiểu về chèo. Lúc đó, nói thực tình là tôi coi chèo là thứ nghệ thuật "ê-a", không hiện đại bằng kịch nói, tôi đã trốn biệt về Cầu Vàng. Anh Lộng Chương tìm đến, bảo:
- Cậu ngốc lắm! Chèo là vàng, là ngọc của dân ta. Tớ là cậu thì tớ kí cả bốn tay!
Tôi nể Anh nên về nhận việc (và sau này mới biết là mình rất chất phác). 

Sau hòa bình lập lại, Anh về Hà Nội, cùng các anh Nguyễn Văn Niêm, Ngọc Đĩnh, Việt Hồ, và tôi lập ra ban kịch Mùa thu. Anh dựng Tác-tuýp của Mô-li-e theo phương hướng Việt Nam hóa, phục trang kiểu ta, diễn như chèo. Anh, cả Ngọc Đĩnh, bước ra sân khấu, đều phe phẩy cái quạt giấy, hút thuốc lá sâu kèn (có lúc còn nhai trầu bỏm bẻm). Nhà văn Nguyễn Tuân, sau khi xem, tìm đến, chỉ giơ một ngón tay cái, nói một câu:
- Tài lắm! Bợm lắm! Đúng là ta diễn kịch Tây theo kiểu ta!
Lộng Chương (trái) và Ngọc Đĩnh diễn vở "Đạo đức giả"
phỏng theo Tartuffe của Molière



Một năm sau, Anh lại cùng các anh Trần Huyền Trân, Nguyễn Đình Hàm, Lưu Quang Thuận và tôi vay mượn tiền bạc lập ra Đoàn Chèo Cổ Phong. Lúc này, tôi mới thấy được rằng, Anh không nói suông mà Anh rất yêu chèo, yêu thật lòng. Nhà Anh 47 - Hàm Long, trở thành trụ sở Đoàn Chèo. Tôi vốn đã theo cụ Nghị nên cũng biết một số nghệ nhân, được phân công đi đón các cụ An Văn Mược, Phạm Hồng Lô (Ninh Bình), Trần Văn Toái, Nguyễn Túy (Nam Định), cụ Chiêu (Hưng Yên) về để khai thác các vở cũ (Sau này, khi đoàn Cổ Phong được chuyển giao về Ty Văn hóa Sơn Tây, số kịch bản này, tôi đã đem tặng lại cho Nhà hát Chèo). Một số diễn viên có vai vế trong làng chèo bây giờ đã được đào tạo ở Đoàn Cổ Phong như Diễm Lộc, An Quang Định, Ngân Thoa, Mạnh Duy...
Tôi nhớ ngày diễn ra mắt ở sân nhà ông Hồi, làng Quảng Bá, giới văn nghệ sĩ đến thật đông đảo. Ngoài tình bạn ra, còn vì đây là bộ môn nghệ thuật dân tộc do các văn nghệ sĩ hôm nay chỉnh lí và nâng cao. Ngoài các cấp lãnh đạo văn hóa ra, có đủ mặt các văn nghệ sĩ ở Hà Nội: Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi, Kim Lân, Nguyên Hồng, Trần Văn Cẩn, Bùi Xuân Phái, Lưu Văn Sìn, Phạm Viết Song, Văn Cao, Nguyễn Xuân Khoát, Thế Lữ, Bùi Huy Phồn, Chu Ngọc, Bửu Tiến, Huyền Kiêu... Anh chị em miền Nam cũng nhiều người đến: Đoàn Giỏi, Nguyễn Sáng, Lưu Chi Lăng, Phạm Ngọc Truyền, Đắc Nhẫn, Ngô Huỳnh… (Lúc này, anh Trần Hoạt đang còn học ở Bắc Kinh).
Tôi vốn không bao giờ uống rượu, vậy mà hôm đó, được chạm chén với bác Tuân, bác Tưởng… tôi cũng say thừa sống, thiếu chết. Nói điều đó để thấy bữa đó, anh Lộng Chương, anh Trần Huyền Trân "nâng lên đặt xuống" với các chiến hữu đến tận lúc sao tàn, thì còn biết trời đất là gì nữa!
Sống với Anh đã nửa thế kỷ, tôi rút ra một điều Anh thường bảo: "Làm được hãy nói" và “Có nói được hãy làm" là điều chí lí.
Riêng Anh, Anh nói ít, làm nhiều và thường làm theo những điều mà người khác nói, chứ không làm theo những việc họ làm. Riêng tôi, tôi có thể nói: Không có Anh, có lẽ tôi đã làm nghề khác!
                                                                                                        ______________________________
(*) Sách: "Kịch Lộng Chương", Nxb Văn học, 1997; “Lộng Chương trong trái tim bè bạn”, Nxb Hội Nhà văn, 2013.
(**) Sau này là Phó Thủ tướng;
(l) Nghĩ đi rồi nghĩ lại là đủ (ý nói đừng nghĩ nhiều quá rồi rụt lại không dám làm);
(2) Run run, sợ sợ, như cúi xuống vực sâu, như đạp lên váng băng mỏng;
(3) Con hổ bạo tợn vượt qua sông, chết không kịp hối.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét