Sau
nhiều năm, tôi được gặp lại thằng cháu gọi tôi là dì ruột tại làng Berikon (Thuy
Sĩ) nhân một chuyến du lịch. Cháu là con chị gái tôi, theo mẹ định cư ở Đức từ
nhiều năm trước, nay đang cùng vợ sống và làm việc trong ngành khách sạn tại Thụy
Sĩ. Hôm đón tôi ở nhà ga Dietikon (Zuerich), cháu đi làm, chỉ có vợ ra đón tôi.
Vừa
nhìn thấy tôi bước xuống sân ga, cô cháu dâu người Đức vồn vã chạy đến, chào bằng
cái giọng lơ lớ: “Chau chao cố” (Cháu chào cô). Rồi ôm tôi rất thân thiết. Chắc
được chồng “huấn luyện” tốt nên cô cháu dâu chào tôi rất trơn tru bằng tiếng Việt
- Tôi thầm nghĩ.
Về
đến nhà được chút xíu thì cháu đi làm về. Ôm thốc lấy tôi, quay một vòng, cháu
cười ha hả và bảo: Không ngờ con được gặp mẹ trên đất Thụy Sĩ này. Mẹ biết
không, con đã chuẩn bị đãi mẹ một món ăn Việt. Mẹ sẽ bất ngờ đấy. (Cháu gọi tôi
là mẹ từ khi bé).
Rồi
tôi thấy cháu nói gì đó với Katơrin và cô cháu dâu nhanh nhẹn chuẩn bị. Hóa ra
cháu làm món mắm tép. Trong không khí thanh bình, yên tĩnh của một làng quê, mấy
mẹ con tôi bắt đầu một bữa cơm Việt, do chính tay nàng dâu Đức thao tác (Rất lạ
là cô cháu “dâu Tây” này vô cùng khoái khẩu với các thứ mắm của Việt Nam). Có lẽ,
với tôi đây là bữa cơm có một không hai trong đời! Tất nhiên, tiếng là thưởng
thức món ăn Việt, nhưng chắc chắn đó không thể là “Việt xịn”, bởi những thứ gia
vị đã bị “lai Tây” ít nhiều. Tuy vậy, đó cũng là cái cớ để mẹ con tôi nhớ về một
thời đã qua.
“Mẹ ơi, con biết mắm tép hôm nay không thể bằng
mắm tép của ngoại xưa. Hồi đó dù còn bé, con vẫn nhớ như in những ngày sau Tết,
ngoại làm món mắm tép cho cả đại gia đình mình ăn, hihihi. Ngon “quên chết”.
Để
có được một bữa khoái khẩu cho đại gia đình hàng chục người, ngoại đã phải lo
chuẩn bị cả tháng trời. Ngoại lo mua tép. Cái loại tép còn tươi roi rói, có màu
xanh trong, có nhiều con còn nhảy tanh tách. Muốn mua được mấy lạng tép như ý,
ngoại phải “đặt hàng” mấy bà bán tôm cá quen ở chợ để dành cho. Nhìn nét mặt
ngoại khi mang rổ tép về, con cứ nghĩ trong lòng ngoại đang có điều gì vui ghê
lắm. Ngoại bắt đầu tỉ mẩn, chăm chút “công trình” của mình. Ngoại rửa tép bằng
nước đun sôi để nguội. Ngoại rang gạo, giã thính. Ngoại cho tép, thính, rượu
vào hũ; cái hũ chuyên để làm tép hằng năm của ngoại. Rồi ngoại đem hũ tép ra
phơi nắng. Ngoại còn dặn lũ trẻ chúng con đừng có vì ham vui mà làm vỡ hũ mắm
tép của ngoại. Có một lần giữa kỳ phơi nắng, ngoại mở hũ tép ra xem, con ngó trộm
sau lưng, nhận ra màu tép bắt đầu chuyển hồng và thấy ngoại ghé mũi gần miệng
hũ với tiếng hít thật mãn nguyện. Ngoại lẩm nhẩm nhỏ: Tuần nữa là mắm ngấu, ăn
được rồi!
Sau
cái “tuần nữa” ấy, ngoại triệu tập con cháu về. Một mình ngoại lo mua thịt, rau
thơm các loại, hành, gừng, khế chua, chuối xanh từ sáng sớm. Ngoại phải lo từ
sáng sớm là bởi, nan giải nhất là món thịt dọi luộc. Cái thứ thịt dọi này bây
giờ Hà Nội mua đâu chẳng có. Nhưng thời ấy, là cả một vấn đề khó khăn. Thời bao
cấp mà, đến muối còn khó mua, huống hồ là thịt. Để mua được thịt dọi tươi ngon,
ngoại phải dậy từ bốn giờ sáng đi chen chúc xếp hàng. Đôi khi nhớ đến những kỷ
niệm này, con thương ngoại quá.
Mẹ
đừng nghĩ hồi đó con bé mà không để ý đâu nhé. Món mắm tép của ngoại sao mà
“tuyệt cú mèo” thế! Thịt ba chỉ luộc vừa chín tới. Hành chẻ nhỏ quăn veo. Gừng
xắt lát mỏng. Chuối xanh thái khoanh vừa phải, nếu quả to ngoại cắt đôi để miếng
ăn đưa vào miệng gọn gàng. Có cả những lát ớt đỏ au nữa. Ngoại bày gia vị quanh
những cái đĩa to, ớt đỏ để giữa, nom hấp dẫn lắm. Đĩa rau xanh của ngoại trông
cũng thật mát mắt. Chuẩn bị mấy thứ lặt vặt này cùng ngoại, có mẹ con, mẹ với mấy
bác gái. Chưa ngồi vào mâm mà bọn con đã thấy thèm rỏ dãi rồi. Hihihi.
Xong
mọi thứ, ngoại mời ông và bảo con cháu vào mâm. Nét mặt ngoại vô cùng hỉ hả. Lạ
thật! Thịt, các loại gia vị cùng với mắm tép của ngoại đã hòa trộn với nhau, ngọt
lịm trong miệng mà chúng con ăn mãi không thấy no.
Sau
này xa ngoại, xa Hà Nội rồi, ngẫm lại con mới hiểu ra rằng, với ngoại niềm vui
lớn nhất là được nhìn thấy đại gia đình ta quây quần quanh mâm cơm những dịp lễ
tết; được thấy ông ngoại nâng chén hít hà; được chứng kiến cảnh các con các
cháu rôm rả chuyện trò quanh mâm cơm do chính tay ngoại nấu.
Bây
giờ thì… tất cả đã là quá khứ!”.
Cháu
tôi kết một câu làm không khí mâm cơm của mấy mẹ con cô cháu chùng hẳn xuống. Nỗi
nhớ của thằng cháu xa quê về một bữa ăn truyền thống của đại gia đình mình, đã
làm tim tôi chợt nhói. Sao mà nó nhớ tỉ mỉ đến thế một bữa mắm tép gia đình, điều
mà trước khi bước chân đến Thụy Sĩ, không bao giờ tôi ngờ tới. Cứ ngỡ, bữa mắm
tép có gì là ghê gớm đâu. Hóa ra với cháu tôi, đó chính là nỗi nhớ của một kẻ
tha hương về ông bà, về những người ruột thịt, về Hà Nội - nơi mà nó đã được
sinh ra và lớn lên trong bao kỷ niệm vui buồn của thời thơ ấu.
-
Thôi nào. Mẹ con ta bắt đầu - Phá vỡ
không khí có phần man mác buồn, giơ cao cốc bia, tôi tiếp - Chạm cốc để tưởng
nhớ ông bà ngoại, nào!
-
Và, cùng thưởng thức món mắm tép Việt
- Thụy Sĩ.
Cháu tôi đùa. Cô cháu “dâu Tây” hưởng ứng nhiệt tình. Cháu
tôi nói mắm tép Việt - Thụy Sĩ là bởi, mắm tép đóng chai nhập khẩu, còn thịt dọi
thì đông lạnh; gia vị chỉ có gừng, hành và… táo thay cho khế. Tôi vừa ăn vừa
khen sự “sáng tạo” của thằng cháu, khi tìm về cội nguồn bằng việc ăn món mắm
tép… theo kiểu của nó.
Hôm chia tay về nước, tôi hẹn sẽ đón vợ chồng nó tại Hà Nội bằng
món mắm tép, y trang của ngoại làm khi xưa. Phần tôi, chắc không bao giờ quên
món mắm tép Việt - Thụy Sĩ của cháu tôi!
(*) Báo Người Cao tuổi, 2011...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét