Chủ Nhật, 31 tháng 8, 2014

CHỈNH LÝ(*)

Kịch một hồi

Nhân vật

Triều Đại - ngoài 30 tuổi
Minh Thúy - ngoài 20 tuổi (Vợ Triều Đại)
Kim Minh - Em trai Minh Thúy
Lê Thái - ngoài 30 tuổi
Cụ Ba - ngoài 50 tuổi
Thanh Sơn - Chú Triều Đại

Kịch xảy ra tại một thị trấn kháng chiến vùng bắc Liên khu 4, vào năm 1952.
Nhà Triều Đại dựng bằng tre nứa, dựa lưng vào sườn đồi, vách bằng phên đan ken hình ô vuông, hiện màu xanh trắng của nứa. Hai bên đầu hồi có cửa sổ. Vách sau là cửa nhỏ mở ra ngay sườn đồi, có hầm trú ẩn hàm ếch. Cửa chính ra vào tại gian bên trái. Sát cửa kê bộ bàn ghế thấp, kiểu tiệm giải khát. Trong cùng bên phải kê một giường hòm, trông như chiếc divan đóng thô. Phía ngoài có một bàn giấy gỗ mộc.
Trời đã về chiều, nắng chiếu nghiêng bóng những cành thông đổ vào trong nhà. Và, thấp thoáng những mô đá tại sườn đồi phía sau.

MỞ MÀN

Triều Đại lúi húi viết ở bàn giấy. Minh Thúy ngồi ở bàn nước, tay cầm một lọ crème thoa mặt thượng hạng, trước mặt là cái gương có chân. Minh Thúy vừa trang điểm vừa nói chuyện với chồng.

Minh Thúy: Thứ kem này trong ấy thì đáng mấy tí tiền nhỉ?
Triều Đại: (Vẫn viết, trả lời buông xuôi) Đáng bao nhiêu!
Minh Thúy: (Xoa kem vào lòng bàn tay, ngửi trước khi xoa lên má) Rất Thủ đô!... Lâu lắm đây… Ông tướng Thái đến bây giờ mà vẫn mất hút… Lạ thật!
Triều Đại: Ừ… ừ…
Minh Thúy: Anh viết gì đấy?
Triều Đại: À… viết…
Minh Thúy: (Vẫn đắm vào ý nghĩ riêng, nghiêng nghiêng soi gương, cười với bóng) Anh à, hay là ta đi luôn.
Triều Đại: (Vẫn viết) Đi đâu?
Minh Thúy: “Dinh”…
Triều Đại: À… Để liệu xem sao đã…
Minh Thúy: Còn xem sao với xem giăng mãi… bực cả mình!
Triều Đại: (Vẫn cắm cúi viết) Ừ… ừ… để xem…
Minh Thúy: (Nguýt chồng, quay lưng lại, lúng búng) Người đến là hay! (Im một giây. Đứng lên với tay vào gian trong, sát ngay cửa; lấy ra cái áo màu hoàng yến khoác lên người, ngắm nghía rồi ngẩng lên gọi chồng) Anh ngắm hộ tí… Chỉnh đấy chứ nhỉ?
(Triều Đại ngẩng lên nhìn nhanh rồi lại cúi xuống viết).
Minh Thúy: Tay Thái ăn chơi thật, chọn màu đến mẽ… À, anh… em nói với  anh chưa nhỉ?
Triều Đại: Chưa, nói gì?
Minh Thúy: Thái nhất định biếu em cái áo này đấy. Cả mấy thứ lặt vặt… như kem nữa. Chắc chuyến vừa rồi của chàng phất to. Cừ thật… anh nhỉ?
Triều Đại: Ừ… cừ.
Minh Thúy: (Đến gần chồng) Từ nãy anh có nghe em nói không… mà cứ ậm à ậm ừ thế?
Triều Đại: Có… có… Mình bảo “dinh” chứ gì? (Vẫn viết).  
Minh Thúy: (Ghé đọc) Anh viết gì thế? (Đọc) Kính gửi Ban Thuế công thương nghiệp… (Giọng dằn dỗi) Lúc nào cũng thuế. Em đã bảo bán xưởng đi, không làm nữa.
Triều Đại: (Ký vào tờ giấy vừa viết, ngẩng lên xoa tay) Không làm gì cơ?
Minh Thúy: (Cau có) Anh lạ thật, đã bảo chuẩn bị đi rồi, còn cứ rắc rối! Chẳng thuế thì đừng… Lúng ta lúng túng, nhỡ đùng một cái anh Thái anh ấy đi thì làm thế nào?
Triều Đại: Anh ấy đi thì anh ấy cứ đi… chứ sao? 
Minh Thúy: Ơ hay, sao lại dở quẻ thế, đã bằng lòng là đi rồi cơ mà.
Triều Đại: Khoan đã. Làm gì mà cuống cuồng lên thế? Cũng phải để liệu xem sao đã chứ. Bỗng chốc vứt tất cả những cái này để đi được à? (Chỉ tay vào phía trong).
Minh Thúy: Thì đã bảo bán xưởng đi…
Triều Đại: (Chặn vợ lại) Phải bình tĩnh để tính toán chứ, cứ bốc như mình thì có phen…
Minh Thúy: Phải!
Triều Đại: Chứ không à? Mình tưởng bán xưởng lúc này dễ lắm đấy. Có vạ mẹ đứa nào nó chịu quàng cái ách ấy vào cổ… cái khoản thuế ấy!
Minh Thúy: Thì rút lui đi, đóng xưởng, đình dệt lại…
Triều Đại: (Đứng dậy gấp thư bỏ vào bì) Tiêu cực như thế không được. Mình đóng xưởng lại bây giờ là có vấn đề ngay… gây khó cho mình…
Minh Thúy: (Hậm hực) Thì đóng thuế… mấy chục vạn bạc… vài ba đồng cân, chứ bao nhiêu!
Triều Đại: Nếu cứ hăng máu vịt như cô… thì rồi họ bỏ muối vào mắt mình cho mà xem.
Minh Thúy: (Chanh chua) Thách!
Triều Đại: Thì đấy, bình nghị rồi, họ nhất định đẩy mình lên hạng A; còn lão Phan Thành, phiên chợ nào khách ăn hàng cũng kìn kìn ra, mà lại đứng hạng B. Hạng B tụt xuống đến năm sáu chục vạn cơ đấy! Bây giờ chỉnh lý lại mức, lão ta chẳng những không bị đẩy lên, lại tụt xuống hai bậc nữa.
Minh Thúy: Sao lạ thế được? Đời nào mình chịu!
Triều Đại: Không chịu thì mức thuế cũng đã định rồi. Nhân dân người ta đã bình nghị rồi, đã thông qua rồi.
Minh Thúy: Cái gì cũng mang nhân dân ra để bịt mồm người ta lại à? Thế cậu Minh ở Ban Thuế cũng để yên thế à?
Triều Đại: Trời ơi! Cái ông Minh còn muốn mình đóng lên nữa ấy chứ. Em tưởng nó tốt lắm đấy… Ti toe… mới đi dự học tập được vài ngày mà đã định thủ đoạn với cả người ruột thịt.
Minh Thúy: Cậu ấy thủ đoạn gì?
Triều Đại: Nó định dùng anh làm tay sai, em có biết không?
Minh Thúy: Tay sai? Tay sai là thế nào?
Triều Đại: Nó xui anh xung phong gương mẫu, khai đúng mức. Nhưng đời nào anh lại quỷnh như nó tưởng! Hà, đúng mức… Đúng mức để mà bỏ mẹ à?
Minh Thúy: Để em bảo nó.
Triều Đại: Không phải bảo ban gì cả, để xem nó còn giở những trò gì ra nữa. Nhóc con! Mình xuống xem thợ họ đóng xong năm mươi tá khăn chưa? Tối, bà ở trên Bái Thượng đến lấy rồi đấy. Tôi đi đằng này một tí.
Minh Thúy: (Vẫn hậm hực) Đã thế mà còn cứ lần chần. Khăn gói lên vai tếch thẳng đi cho rảnh. (Đủng đỉnh đi vào cửa phải. Sân khấu bớt Minh Thúy).
Triều Đại: (Xếp giấy bút vào ngăn kéo, nhìn theo vợ) Tếch! Lúc nào cũng chỉ những tếch. Tếch gọn được ngay thì đã chẳng phải bàn. (Định đi vào phía trong, chợt trông qua cửa sổ, gọi lớn) Này… này… thu những sào xợi vào trong hiên kia chứ. Phơi tênh hênh ra giữa giời thế kia để gọi máy bay đấy phỏng?
Tiếng Minh Thúy: (Hơi gắt) Cho máy bay nó bỏ bom… càng đỡ vướng!
Triều Đại: Đã chắc khỏi vướng chưa, hay lại “bị gậy” sớm? Bác phó thu gọn vào hộ đi, đừng liều vô tổ chức thế.
Tiếng một người: Được ông ạ, chúng tôi vẫn chú ý đấy. Có tiếng máy bay là chúng tôi chạy ngay. Để ra ngoài cho sợi nó se một tí. Chiều rồi, chắc chúng nó còn ăn cơm, nó không xục xạo nữa đâu, ông ạ!
Triều Đại: (Bực mình) Đừng có chủ quan!
(Vừa lúc đó Thái vào. Sân khấu thêm Thái. Thái mặc quần áo kaki Mỹ, mũ nồi rộng, xách một túi da).
Lê Thái: Cái gì chủ quan đấy?
Triều Đại: (Chỉ ra ngoài) Anh xem phơi phóng thế kia có bằng thách máy bay nó dội bom à?  
Lê Thái: (Nghiêng đầu nhìn ra, cười) Tưởng gì, nó không thể dội bom ngay đâu mà sợ! Nó có bom cũng phải bỏ ở những nơi đích đáng, chứ cái thị trấn này thì nó đếm xỉa làm gì.
Triều Đại: Thôi, xin ông!
Lê Thái: Chứ không ư? Anh tưởng chúng nó quỷnh lắm hay sao mà lại húc xuống đây. Đất này có yểm rồi, anh cứ yên chí lớn đi. Cái xưởng dệt mắt muỗi này của anh đặt đúng huyệt thiêng đấy, vững như bàn thạch, không sao đâu!
Triều Đại: Cứ cái lối ăn nói ấy, có “tử” lại bảo tại số.
Lê Thái: Ô hay, “tử” mà ngon thế thì lấy ai sản xuất, lấy ai mà… Thôi, “biếm” mãi cũng rất dễ bị nghi, dễ đi “giác ngộ” đấy. Thế ông định đi đâu bây giờ đấy?
Triều Đại: (Giơ cái thư) Mở đợt tấn công mới.
Lê Thái: Ồ, tưởng ông đã “lăng xê” đi rồi?
Triều Đại: Còn nghe động tĩnh xem sao, mới liệu chứ. Cứ húc bừa vào, chúng nó lại cho là mình…
Lê Thái: (Cướp lời) Chẳng cho là gì sất. Mình có quyền phát biểu, có quyền thắc mắc, có quyền xây dựng. Phải dám làm dám chịu mới được. Cứ làm cho rối tinh rối mù một mẻ, xem chúng nó có bấn lên không nào. Đã chỉnh… thì cho chỉnh một thể.
Triều Đại: Xin lỗi anh, đừng chủ quan. Cán bộ ở phố này chúng nó cũng “chiến thuật” lắm. Đấy anh xem, mình công phu bố trí thế mà chúng vẫn đối phó kịp thời đấy.
Lê Thái: Xin phép anh, đối phó được cũng mệt lắm ạ.
Triều Đại: Thì đấy, cái đòn xa trên, bám dưới… đẩy cán bộ đấy, thật là một kế xuất quỷ nhập thần nhé. Mình đã nắm được toàn ngành dệt, cốt để đẩy lão Phan Thành lên mức A, còn đa số ở mức dưới sát nút nhau, thế mà họ vẫn phá được đấy thôi. Họ dễ dàng đánh tan được cái khối tập hợp của mình. Rút cục, tôi bị tấn lên hạng A, lão Phan Thành lại tụt xuống hạng B.
Lê Thái: Cái nông nỗi nó xảy ra như thế là tại các anh chủ quan. Đã bảo kiểm điểm lại mọi mặt xem, thì lại cứ là xong rồi… xong rồi. Đến lúc lâm trận mới lòi ra có nội gián. Nhân của họ nắm vững như thành ngay giữa óc mình, như thế chết là phải!
Triều Đại: Ức thật! Chả lẽ lại là lão Ba?
Lê Thái: Chả hắn thì còn ai! Hắn luôn cặp kè với thằng Minh nhà anh. Mà… chứng cứ rành rành ra đấy thôi, mức thuế lão Ba chả được chỉnh lý xuống là gì! Đền công đấy!
Triều Đại: Có lẽ! Nhưng này… nếu lần này họ lại đối phó kịp thì chịu à? 
Lê Thái: Chịu là thế nào! Việc chỉnh lý có thể là chúng nó cứ làm cho xong, nhưng cũng còn mệt, còn bét be… (Kéo Đại ra một góc) Chỉnh lý sổ sách thì được, nhưng thuế có thu được dễ dàng không lại là chuyện khác.
(Lê Thái bật lửa châm thuốc, Triều Đại suy nghĩ)
Lê Thái: Dù sao phải đề phòng lão Ba, và phải tỉnh táo mà nhìn cho rõ.
(Minh Thúy vào).
Minh Thúy: Anh Thái, may quá!
Lê Thái: Có việc gì mà may mắn thế, bà chị?
Minh Thúy: Chúng tôi đang muốn gặp anh để bàn xem… (Thấy Triều Đại nguýt, đi ra một phía, im bặt lườm chồng).
Lê Thái (Tủm tỉm): Bàn bạc gì thế ạ, thưa bà chị?
Minh Thúy: (Đập vào vai Thái) Khéo nhỉ, lúc nào cũng tếu được.
(Triều Đại cũng bật cười).
Lê Thái: Ơ hay, em phấn khởi mà bà chị cũng chỉnh ư?
Minh Thúy: Thôi, thôi… (Kéo Thái lại bàn nước) Bao giờ thì anh đi?     
Lê Thái: Đi mô?
Minh Thúy: Thôi đừng tếu nữa anh. (Hạ giọng) Bao giờ anh “dinh”? Có hoãn lại chờ chúng tôi được không?
Lê Thái: Ồ, tưởng việc gì. Ông bà chuẩn bị xong chưa? Xưởng dệt còn lù lù thế kia thì rứt ra làm sao?
Minh Thúy: Đấy! (Nhìn chồng, hậm hực) Tôi cũng bảo mãi nhà tôi thế, nhưng còn tiếc rẻ kia. Ra cái điều… tinh thần mà!
Triều Đại: Hừ, tiếc rẻ! Còn có thứ tiếc rẻ bằng vạn ấy chứ lại!
Minh Thúy: (Cáu) Phải rồi, tiếc đời lắm đấy… Muốn bay nhảy thì ai buộc được chân ai?
Lê Thái: Ơ kìa, sao mà tuyên chiến nhau dễ thế? Bàn bạc, thảo luận phải bình tĩnh mới được chứ. Ồn lên để trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã thông, thì rồi chả cần buộc chân đâu, vẫn sẽ bị xích ngay thôi!   
(Minh Thúy phụng phịu ngồi yên).
Triều Đại: (Dàn hòa) Anh bảo, bán xưởng cũng còn phải tìm người mua, mà phải khéo léo, chứ toang toác ra thì… Đi đâu chẳng biết, chứ cái xích anh vừa nói, dễ được quàng ngay!
Minh Thúy: (Cụt lý, hờn) Phải… anh khôn! Chả thấy khôn đấy ư?
Triều Đại: Phải, tôi dại… Mình khôn thì sao không tự làm đi xem nào. (Ném điếu thuốc hút dở).
Lê Thái: (Cười, rút bao thuốc lá đưa Đại) Làm điếu nữa cho tĩnh tâm để... bàn việc lớn. (Triều Đại quay đi) Dỗi à? Thế có muốn bán xưởng không? Đệ giúp là trôi ngay. Mà, theo tôi giá không “viền” thì cũng nên đẩy cái của nợ ấy đi. Chứ cứ khư khư ôm lấy máy với móc… để chịu thuế má cũng ốm đòn.
Minh Thúy: Tôi cũng bảo thế đấy.
Triều Đại: (Với Thái) Anh bảo bán xưởng đi để làm cái gì bây giờ? Còn ở đây, còn phải làm ăn. Làm gì mà chả vất vả.
Minh Thúy: Không chỉ có vất vả mà thôi đâu!
Lê Thái: Thôi nhá… Em xin hiến kế thế này: Muốn đi thì phải tênh tênh mà đi! Cho nên, một là cứ thế này rồi đùng một cái là ta biến. Hai là, nếu ông bà muốn càn quét thêm ít “pôn ca nay”(1) thì ta bán. Mà bán cũng dễ thôi. Em xin đảm nhiệm kích giúp cái “nhà máy” của ông bà ngay tức khắc. Bán phắt, rồi mời ông bà theo tôi!
Triều Đại: (Lửng thửng) Theo anh để đi đến đâu?
Lê Thái: (Hẫng một giây) Đi đến chỗ ra tiền chứ còn đi đến đâu! (Ném điếu thuốc dở, rút thuốc châm tiếp) Lạch cạch cái khung cửi như anh thì chỉ có mòn chân cũng không đi đến đâu!       
Triều Đại: Nghe anh hót, tôi cứ tưởng anh hớt ra tiền như người ta hớt bèo.
Lê Thái: Anh cứ đùa! Xin thưa là, vừa cho đi một “sít téc linh” làm hai mươi “vê” gọn, mà chẳng phải kê khai doanh thu gì cả. Đấy, cứ phất phơ buôn không cửa hàng như thế mà ổn, ra “gì” lắm đấy. Chiều nay lại đi Nga(2) khều cái khác đây, về là lại có tiền. Ấy là chưa kể những món linh tinh lang tang mà nhà em vớ được một chầu thì… có thằng chết!

(1)   - Paul Canaicle - tiếng lóng chỉ tiền.
(2)   - Nga Sơn - nơi tiếp giáp vùng địch tạm chiếm.



Triều Đại: Chạy hàng chuyến như anh thì trứ danh lắm rồi!
Lê Thái: Kể thì cũng chưa được trứ danh lắm. Nhưng mà tiện ở chỗ, không phải chạy thuế, và lại đỡ vướng cẳng. Cao hứng lên lúc nào là tếch một lèo.
Triều Đại: (Đi ra một phía) Tếch! Lúc nào cũng chỉ những tếch!
Minh Thúy: (Hỏi Thái, vẻ băn khoăn) Thế anh cũng chưa định hôm nào đi ư?
Lê Thái: Xin bà chị cứ yên tâm, cái trò buôn của tôi nó không có dây có rễ vào đâu cả. Đùng một cái đi là đi, không một lý do vương vấn nào.
Triều Đại: Ông hót nó vừa vừa chứ. Ai liều được như ông
Lê Thái: Dạ, đàn anh bảo em liều ở lỗ mô?
Triều Đại: Chứ không à? Buôn bán như kiểu anh nếu không đòn vọt thì chỉ có vứt của đi. Lọt được thì bở đấy, nhưng vô phúc vướng phải chầu “lưu động” là đi “đoong” cuộc đời, lại dơ nữa chứ.
Lê Thái: (Cười khẩy) Còn sao nữa, thưa đại huynh?
Triều Đại: Cả đến việc “dinh” nữa, anh có bảo đảm là vào trong ấy làm ăn sẽ được yên ổn không?
Lê Thái: (Nhếch mép) Nói thế thì em thua đấy! Mọi việc ở đời thắng hay bại là ở như mình cả, kể cả cái việc chạy hàng, ăn nhau là ở chỗ dám chơi, mà chơi trơn chu mới hách chứ! (Vừa lúc đó cụ Ba vào. Cụ mặc áo dạ lĩnh).
Cụ Ba: Chào các vị ạ!
(Triều Đại, Lê Thái nhìn nhau).
Minh Thúy: Chào cụ! Cụ đi đâu đấy?
Cụ Ba: Thưa bà, ông Minh có bên này không ạ?
(Lê Thái nháy Triều Đại).
Minh Thúy: Cậu cháu không có ở đây, cụ ạ!
Cụ Ba: Quái!
Lê Thái: Cụ Ba hỏi ông cán bộ Minh làm gì thế? Chắc cụ tìm ông Minh để cảm ơn có phải không cụ?
Cụ Ba: Không, tôi có gì phải cảm ơn ông Minh đâu.      
Lê Thái: Hay là cụ tìm ông Minh để báo cáo…
Cụ Ba: Báo cáo gì cơ?
Lê Thái: Báo cáo thuế…
Cụ Ba: À vâng… có đấy ạ!
(Lê Thái đưa mắt cho Triều Đại ).
Triều Đại: Thảo nào mức thuế của cụ được chỉnh lý lại cũng phải. Các ông trong Ban Thuế có cảm tình với cụ lắm đấy.
Cụ Ba: (Hiểu ra, bực) Ông đừng nói thế. Ông làm như tôi tư túi gì với Ban Thuế để được rút mức xuống ấy.
Triều Đại: Thì hàng phố bà con kháo thế, chứ ai biết đâu!
Cụ Ba: Hàng phố là những ai, ông cho tôi biết.
Triều Đại: Tôi có phải người đi báo cáo vặt đâu mà cụ lại điều tra tôi.        
Cụ Ba: (Ức) Tôi thì tôi nói thật với các ông, chết thì thôi, chứ tôi không làm những việc đê tiện như thế! Thời buổi này làm những sự ám muội gian lận như ngày trước thì chỉ có những hạng người vô luân thường đạo lý. Nay chính phủ là của nhân dân…
Triều Đại: Cụ Ba ơi, chúng tôi được tuyên truyền nhiều rồi, cụ không phải nói thêm cho mệt.
(Cụ Ba tưng hửng, ấm ức).
Lê Thái: Kể ra thì tinh thần xung phong của cụ trong mọi công tác rất là gương mẫu, nhưng tôi e rằng cụ đã có tuổi, đôi khi lẫn cẫn chăng?
Cụ Ba: Lẫn cẫn… tôi lẫn cẫn cái gì?
(Triều Đại và Lê Thái nhìn nhau cười).
Lê Thái: Không… cụ chưa lẫn cẫn nhưng dễ bị người ta xui dại lắm.
Cụ Ba: (Sửng cồ) Tôi từng này tuổi đầu, không phải trẻ con, các ông đừng có chia rẽ.
Minh Thúy: (Từ nãy ngồi nghe, đứng lên đẩy cụ Ba đi) Thôi cụ ạ, mời cụ lại nhà. Lát nữa cậu Minh nó có qua đây, tôi sẽ bảo sang tìm cụ.
Cụ Ba: (Hậm hực nhìn hai người, lật đật đi ra) Các ông là những người… những người…
Lê Thái: (Cười ngất, nói theo) Người gì? Phá hoại chăng?
(Sân khấu bớt cụ Ba).
Minh Thúy: Các anh thật lạ! (Bảo chồng) Anh rỗi hơi quá, việc nhà thì chẳng chịu thu xếp, chỉ rỡn là không ai bằng.
Triều Đại: Rỡn cái gì? Cứ động nói đến ông em là bênh chằm chặp.
Minh Thúy: Chứ lại chẳng bênh thì sao!
Triều Đại: Ti toe vừa học đòi ra đời đã định úm thiên hạ!
Lê Thái: Thôi, thôi, em xin là xử hòa. Ông bà tạnh ngay đi cho được việc! (Với Minh Thúy) Bà chị cứ yên tâm, tôi sẽ gấp rút bố trí để bà có thể… vừa lòng. (Với Triều Đại) Còn ông, ông đi làm ngay hộ cái việc gửi bùa trừ tà kia đi cho. Ở đời này chả ai úm được ai đâu! Ông đi đi… tôi sẽ chờ ông ở cà phê, để thảo luận về mục bán xưởng. Tôi sẽ giới thiệu ngay khách “ăn”, tay này “kếch” lắm, lại đang mê làm xưởng dệt.
(Triều Đại chù chừ, Minh Thúy lườm chồng).
Lê Thái: (Rút thuốc lá đưa Đại) Làm tí khói nữa cho sảng khoái tâm hồn. Mần chi phải nghĩ ngợi cho nặng “trốc”… nên để sức mà phản công. Thôi, mời ông đi đi cho… (Dúi thuốc lá vào tay Đại và đẩy Đại đi. Triều Đại miễn cưỡng đi ra, Thái dặn với) Rồi đến tiệm cà phê nhá! (Nhìn theo, cười. Quay lại nhìn Minh Thúy, lẳng lơ) Người đẹp từ xưa đến nay chỉ có dùng khóe thu ba, hoặc nụ cười “nhất tiểu thiên kim”, hoặc đôi dòng chân lệ, để khuynh đảo những trang anh hùng hảo hán; chứ có ai đem những lời nói dấm dẳn soi móc để chinh phục nhân tâm đâu. Cho nên, mặc dù ông nhà không phải là một trang khí phách cho lắm, nhưng bà gắt với ông ấy là hỏng đấy!
Minh Thúy: (Lườm Thái) Khéo nhỉ? Anh định mần tuồng với tôi hay sao đây? Đàn ông các anh chỉ là chúa ưa nặng… có bao giờ nói nhẹ mà nghe đâu.
Lê Thái: Hãy khoan, bà không nên vơ đũa cả nắm. Cũng tùy thôi… đàn ông cũng ba bảy kiểu đàn ông, chứ có phải ai bà cũng bỏ vào lồng bà xách đi chơi được đâu.
Minh Thúy: Thôi đừng rỡn nữa anh, ta nói chuyện đứng đắn một tí.
Lê Thái: Thì tôi vẫn đứng đắn, đã cớt nhả gì đâu!
Minh Thúy: Anh cứ đùa mãi. (Tỏ vẻ rỗi).
Lê Thái: Thế thôi, không đùa nữa nhá, nào ta nói chuyện đứng đắn.
Minh Thúy: Anh đứng đắn mà cũng cứ như riễu ấy! (Lê Thái cười, Minh Thúy tiếp) Anh định bao giờ thì lên đường?
Lê Thái: Nghe hai tiếng “lên đường” thật rất nên thơ. Tiếc rằng tôi không phải là một tráng sĩ để mỹ nhân hát khúc ly sầu tiễn biệt lên đường sương gió.
Minh Thúy: Đấy, tôi không thích đùa dai. (Quay đi).
Lê Thái: Xin lỗi! Bây giờ thì bắt đầu đứng đắn, chị vừa hỏi bao giờ tôi lên đường phải không?
Minh Thúy: (Quay lại gật) Vâng.
Lê Thái: Bao giờ chị lên đường thì tôi cũng lên đường theo.
Minh Thúy: Nhưng cứ thế này thì biết đến bao giờ? Anh vừa bảo có người muốn mua xưởng dệt phải không? Ai thế? Có chắc không?
Lê Thái: “Ga-răng-ti” một trăm phần trăm. Thủy Ngân đấy mà. À mà chị không biết anh Thủy Ngân nhỉ? Vừa ở ngoài khu Ba vào. Anh ấy phụ trách kinh tài, đang có kế hoạch tổ chức kinh doanh công nghệ. Nếu mình chịu đặt giá hời một chút, là xong ngay. Một xưởng dệt chứ mười xưởng vẫn cứ trôi!       
Minh Thúy: Thế thì may quá. Lỗ mấy tôi cũng bán, cho lão Đại hết chỗ bấu víu, để khỏi nay lần mai lữa mãi.
Lê Thái: Cứ phải từ từ, không nên làm mạnh, sẽ già néo đứt dây chăng? Tôi xem anh Đại vẫn chưa dứt khoát về vấn đề đi lắm đâu.
Minh Thúy: Không dứt khoát thì lần này tôi cũng mặc kệ!
Lê Thái: Không được!... Không được! Sự đời đâu có đơn giản như vậy. Vả lại, thuyền theo lái, gái theo chồng…
Minh Thúy: (Ngắt Thái) Theo?… Chẳng theo thì đừng! Lần này nếu anh ấy không đi… tôi cũng cứ đi một mình!
Lê Thái: (Cười lẳng lơ) Sao lại một mình? Chị quên rằng ở đời còn có những người tri kỷ hiểu chị hay sao? (Đổi giọng) Xét ra hiểu được lòng nhau cũng là cả một sự khó đấy. Xem như chúng mình bây giờ thì rõ quá. Chịu đựng gian khổ cũng như ai, chạy bom chạy loạn cũng như ai, thế mà vẫn chẳng được yên thân. Cái thứ tiểu tư sản như bọn mình, giờ có tinh thần mấy nữa cũng hết thời rồi. Phải là thành phần nông dân kia, mới thật “suây”! Chả lẽ lại bỏ giáo lai hàng… nông dân hóa? Chịu! Xin là chịu thôi! Nhà em không thọc được chân xuống ruộng bùn, không cầy được, không bừa được, không gánh được!
Minh Thúy: Cực thật đấy! Họ làm như mình là bọn người hủi ấy. Mà còn thế nào nữa mới được cơ chứ? Nhà cửa này… (Chỉ quanh) Ăn mặc này…  (Chỉ vào mình) Huyệt đào sẵn này… (Chỉ hầm trú ẩn) Cảnh sống tuyềnh toàng khốn khổ thế này còn chưa đủ ư?
Lê Thái: (Xa xôi) Người ở xét công, vợ chồng xét nhân nghĩa… mình cũng kháng chiến chứ lép à? Thế mà cứ bị coi khinh. Thì để cho họ kháng chiến với nhau… chúng ta tiểu tư sản thì cứ tiểu tư sản mà sống… Cuộc đời được mấy gang tay, tuổi thanh xuân qua đi như chớp nhoáng, tội gì lụa là không mặc, son phấn chẳng điểm trang… lại cứ lê la quần nâu áo vá?
Minh Thúy: (Ngắm cái áo đang mặc) Khỏi chê… anh nhỉ? Cái áo anh cho tôi tuyệt thật!
Lê Thái: Chị cứ nhắc đến những cái nhỏ mọn ấy làm tôi thêm ngượng. Đúng ra một người như chị thì… phải dùng những hàng sang trọng hơn thế nữa mới xứng. Đưa tặng chị cái thứ hàng thường quá, tôi cứ áy náy mãi.
(Minh Thúy nhìn Thái, õng ẹo. Vừa lúc đó có tiếng máy bay rú lên. Tiếng còi báo động hối hả đổ hồi).
Minh Thúy: (Hốt hoảng) Máy bay, anh! (Vớ chiếc áo nâu khoác ra ngoài chiếc áo màu hoàng yến).
Lê Thái: (Vẫn ung dung, thản nhiên ngồi hút thuốc) Không sao! Nó đảo qua đi tuần một lượt buổi chiều đấy thôi.
(Bên ngoài tiếng người chạy, tiếng la lớn: Nó chiếu thẳng về đây đấy! Chạy hộ sào sợi ngoài sân đi!).
Minh Thúy: (Kéo tuột Thái vào hầm trú ẩn) Vào đi anh!
(Hai người chui vào ngồi thu lu trong hầm hàm ếch. Tiếng động cơ sạt qua mái nhà vượt sang phía sau đồi, một tràng đại liên vang lên).
Minh Thúy: (Ôm chầm lấy Thái) Nó bắn! (Lê Thái vứt thuốc ôm chặt lấy Thúy, áp má vào má Thúy, phởn phơ. Tiếng động cơ xa dần).
Lê Thái: (Vẫn ôm Thúy trong hầm) Có sợ không? Sao mà run thế? (Vuốt má Thúy) Lấm cả má hồng rồi.
Minh Thúy: (Khẽ nhích ra một tí, nhưng vẫn lả người vào Thái) Cứ thế này… đến đau tim mất anh ạ. (Đặt tay lên ngực) Trống ngực đập ghê quá!
Lê Thái: (Sỗ sàng đặt tay lên tay Thúy ở ngực) Đập mạnh thật!
(Vừa lúc đó Kim Minh ở cửa trái đi ra. Sân khấu thêm Kim Minh).
Kim Minh: Đi đâu cả rồi?
(Lê Thái và Minh Thúy buông nhau và lách ra).
Kim Minh: (Nhìn Thái, cố giữ tự nhiên) Máy bay nó bay xa từ đời tám hoánh nào rồi mà còn trú với ẩn.
Lê Thái: Chào ông cán bộ thuế. Chúng tôi yếu bóng vía lắm, nhỡ nó quay lại thì sao?
Minh Thúy: (Đã trấn tĩnh) Nó bắn đâu đấy cậu?
Kim Minh: Vu vơ một băng ở ngoài sông… Anh đâu chị?
Minh Thúy: Nhà tôi ra phố.
Kim Minh: (Định đi) Quái nhỉ, tôi ở ngoài phố sao lại không gặp? Anh đến nhà ai hả chị?
Minh Thúy: Tôi không biết, cậu hỏi gì mà gấp thế?
Lê Thái: Ông cán bộ nào bây giờ cũng bù đầu. Anh bận lắm phải không?
Kim Minh: (Hơi nhíu mày) Tôi không phải là cán bộ… xin anh đừng gọi thế.
Lê Thái: Công tác trong Ban Thuế mà lại không là cán bộ à? Mà ai bây giờ cũng có thể là cán bộ được, phải không anh Minh? (Rút thuốc lá mời Kim Minh) Làm một điếu, đồng chí.
Kim Minh: (Cười khẩy, gắng bình tĩnh) Cảm ơn anh, tôi không dùng. (Tấn công) Thế nào, chạy hàng chuyến dạo này phấn chấn chứ?
Lê Thái: (Nháy mắt) Như các đồng chí đã biết… đủ tiền hút thuốc lá! (Giơ bao thuốc, đập đập bàn tay kia lên) Tiện đây mời đồng chí đi uống với tôi một tách cà phê… nhân thể gặp cả anh Triều Đại…
Kim Minh: Tôi không quen uống cà phê vào buổi chiều, mời anh cứ đi.
Lê Thái: Sao bảo cần gặp anh Triều Đại?
Kim Minh: Để lúc khác tôi gặp anh ấy cũng được.
Lê Thái: Thôi vậy… (Với Thúy) Tôi đi… (Quay sang Minh) Xin kiếu đồng chí)! (Xách túi đi ra).
Kim Minh: (Nhìn theo cười gằn, quay nhìn Thúy) Tên này ít lâu nay có vẻ tung hoành gớm nhỉ? Lại muốn…
Minh Thúy: Cậu nên bỏ cái giọng khinh người ấy đi. Tên này tên nọ… khó nghe lắm!
Kim Minh: (Nhìn chị chăm chú) Tôi nói thế đã sao? Khinh hay không thì rồi sẽ biết!
Minh Thúy: Cậu dọa ai đấy? Đừng có cái lối theo voi ăn bã mía, giở trò hống hách… Đến ngay cái hạng “Tớp”(1) chính cống cũng chả dễ mỗi lúc làm gì nổi ai, nữa là cái thứ cậu!

(1)   - Tiếng lóng gọi quan to.



Kim Minh: (Nhíu mày) Chị nói gì mà lạ thế. Chị quý thằng Thái đến thế kia à? Tôi mới nói thế mà chị đã cự tôi là thế nào… Tớp? Ai là Tớp?
Minh Thúy: Này, cậu nên nhớ tôi còn là chị cậu, cậu vuốt mặt còn phải nể mũi chứ. Cậu có học đòi thủ đoạn thì cũng thủ đoạn tùy từng nơi chứ. Đừng có thủ đoạn với cả người trong nhà, mà thiên hạ họ móc cho thối óc ra!
Kim Minh: Tôi yêu cầu chị đừng có cả vú lấp miệng em như thế. Tại sao chị lại phải bênh thằng Thái mà dồn tôi? Tôi thủ đoạn gì? Thủ đoạn với ai? Chị nói rõ ra… đừng có hàm hồ nói cho thích miệng!
Minh Thúy: À, gớm nhỉ, cậu kết tội tôi đấy phỏng! Cậu không thủ đoạn mà lại xúi người này xung phong thuế, huých người kia khai lên. Đến lúc người ta khai rồi… lại chỉnh lý lên, chỉnh lý xuống.
Kim Minh: (Cười nhạt) À ra thế đấy! Ai mớm lời cho chị thế? Thằng Thái phải không?
Minh Thúy: Cậu đừng có láo… Cần gì phải đứa nào mớm lời tôi mới biết. Cái việc khai báo thuế của nhà tôi đây này… cậu còn giả vở giả tảng gì?
Kim Minh: Thế ra chị cũng thắc mắc về thuế như anh ấy đấy. Tưởng gì, tôi đến cũng định gặp anh Đại về việc đó. Để chờ một lát anh ấy về, chúng ta sẽ nói chuyện.
Minh Thúy: Thôi, chúng tôi cũng không cần phải cậu dạy khôn cho đâu. Đừng có họ nhà tôm cứt lộn lên đầu…
Kim Minh: (Nén giận) Chị cần bình tĩnh. Cứ sồn sồn lên như thế thì nói với nhau ra lẽ phải trái làm sao được!
Minh Thúy: Chả phải trái thì đừng! (Đứng vùng lên).
Kim Minh: (Giữ lại) Hãy khoan đã chị. Kẻ nói phải có người nghe… mà nghe cũng cần phải nghe cho thủng, và cũng đừng nghe nhảm. Nhất là đừng nghe những lời xuyên tạc… Cái thằng Thái…
Minh Thúy: Này, người ta người nhớn, đừng có vu oan giá họa… Mà người ta cũng chả sợ đâu. Mấy lại tôi chả hơi đâu mà cãi vã với cậu. Thế là tôi biết rõ bụng dạ cậu rồi. Từ nay cậu đừng nhận tôi là chị nữa… cậu đừng nói gì với tôi nữa… (Bỏ đi vào. Sân khấu bớt Minh Thúy. Kim Minh nhìn theo chị hậm hực, lấy thuốc hút. Cụ Ba lấp ló nhìn rồi ra hẳn).       
Cụ Ba: Chào ông Minh! Gớm, tìm ông hết cả hơi.
Kim Minh:  Có việc gì thế cụ?
Cụ Ba: Tôi định tìm ông để hỏi về cái việc chỉnh lý…
Kim Minh: Việc chỉnh lý làm sao cơ hả cụ? Mức thuế của cụ chỉnh lý xuống rồi mà?
Cụ Ba: Ấy nó xuống mới phiền! Bà con họ cứ xì xào, họ nói như có ý là tôi thậm thụt với các ông để xin xỏ ấy.
Kim Minh: Đâu có thế!
Cụ Ba: Thì vậy! Các ông cũng phải giải thích, giải thiếc thế nào, chứ… để thế này thì bực lắm. Thà rằng cứ giữ mức của tôi như cũ, tôi có kêu ca thắc mắc gì đâu. Đóng thuế là đóng cho chính phủ, để góp phần vào kháng chiến. Biết như vậy nên tôi có nề hà gì đâu. Tôi nghĩ là mình đã già yếu, chả giúp gì được cho Tổ quốc, chỉ còn có cái nhiệm vụ đóng góp thì phải đóng góp cho đầy đủ, có phải thế không ông?
(Cụ Ba đang nói thì Minh Thúy ở phía phải đi vào, đứng bĩu môi nghe).
Kim Minh: (Chợt trông thấy chị, lảng chuyện) Thôi cụ ạ, cụ chẳng cần phải nghĩ ngợi nhiều, để rồi đâu sẽ có đó…
Cụ Ba: (Cũng chợt thấy Minh Thúy, vồ ngay lấy) Đây, có bà Triều Đại đây, ông nói hộ cho bà ấy rõ, chẳng kẻo các ông các bà ấy cứ tưởng…
Minh Thúy: (Đỏng đảnh) Chúng tôi chẳng mơ với tưởng gì cả… xin cụ không phải đôi co… phân trần!
Cụ Ba: (Cụt hẫng) Ơ… sao bà lại nói thế? Là tôi muốn cho mọi sự nó rõ ràng minh bạch, chứ tôi làm gì mà đôi co?
Kim Minh: Thôi, cụ Ba ạ, ta đi về nhà nói chuyện. Việc thuế đã có chính sách cụ thể, ta không lo! (Kéo cụ Ba đi, cụ Ba không chịu).
Minh Thúy: (Bĩu môi) Chính sách thì đã giết ai!? Động một tí thì đưa chính sách ra. (Kim Minh tỏ ra khó chịu).
Cụ Ba: Đấy… ông xem, ông bảo tôi chịu làm sao được. Yêu cầu ông cứ nói cho… cho cả tôi cũng được hiểu rõ hơn. Thế cái việc chỉnh lý này thì lý do nó ra làm sao?
Kim Minh: (Nhìn chéo Minh Thúy) Vấn đề này là do Ban Thuế khu, khi xét bản định mức thuế thấy có những điểm chưa hợp lý, nên quyết định chỉnh lý lại cho công bằng hơn.
Minh Thúy: (Vùng đi ra) Công bằng… (Bớt Minh Thúy. Kim Minh và cụ Ba châng hẩng nhìn theo Thúy).
Kim Minh: Ta đi chỗ khác nói chuyện…
Cụ Ba: Hừ! Sao lại có những người chẳng chịu nghe…
Kim Minh: Thôi cụ ạ… ta đi.
Cụ Ba: Bà ấy không nghe thì mặc bà ấy, ông cứ nói dùm cho tôi thông cảm.
Kim Minh: Vâng, tôi xin trình bày rõ để cụ nắm vững… nhưng ta đi về…
Cụ Ba: (Định đi, ngập ngừng, lại thôi) Ông cho nói chuyện ở đây… Tôi đi với ông ra phố, họ cứ nhìn soi mói, tôi khó chịu lắm.
Kim Minh: Việc gì cụ phải e ngại thế, họ càng được thể làm già… Mình cứ thẳng thắn chính nghĩa là chả sợ những con mắt soi mói dèm pha.
Cụ Ba: Nếu tôi mà nắm vững chính sách thì… chẳng những tôi không ngại, mà còn nói vào mặt họ kia! Ta cứ tạm ở đây một lát, cũng là để cho họ biết tôi không thậm thụt gì với ông cả… có phải không ông?
Kim Minh: Cũng được!
Cụ Ba: (Ngồi xuống ghế) Thế nó ra đầu đuôi thế nào?
Kim Minh: (Cũng ngồi xuống ghế) Cụ còn nhớ mức thuế bình nghị trước, ông Hợp Lợi ở mức 5, và cụ ở mức 6 không?
Cụ Ba: Đúng thế!
Kim Minh: À… thế có phải ông Hợp Lợi khai mức doanh thu 60 vạn và cụ thì khai 50 vạn không? Mà theo Ban Thuế thì mức doanh thu của ông Hợp Lợi là tương đối sát nhất, nên lấy đó làm căn cứ…
Cụ Ba: (Chăm chú) Ừ… ừ…
Kim Minh: (Tiếp) Khi tự nguyện khai thì thế. Nhưng khi bình chênh lệch thì doanh thu của cụ chỉ bằng 6 phần 10 ông Hợp Lợi. Nhân dân nhận định có cụ thể phải không?
Cụ Ba: Vâng, đúng thế.
Kim Minh: Vậy đã có sự chênh lệch thế, thì mức doanh thu của cụ không phải tới 50 vạn, mà chỉ là 36 vạn thôi. Một phần 10 của 60 vạn là 6 vạn; 6 phần 10 là…
Cụ Ba: Ờ… ờ… phải. 6 lần 6 là 36 thật. Đúng lắm!
Kim Minh: Tinh thần xung phong của cụ thì ai cũng phải nhận thấy. Nhưng vì sổ sách của cụ chưa ghi được kỹ lưỡng, nên mức khai lên quá như thế thì phải chỉnh lý xuống cho công bằng. Cụ thấy không?
Cụ Ba: Đúng! Thế mà họ cứ bảo Ban Thuế có cảm tình với ai thì rút thuế của người ấy.
Kim Minh: Đâu có thế… Cụ chẳng nên nghe những lời nói không xây dựng…
Cụ Ba: Tôi không bao giờ nghe những lời nói vớ vẩn. Nhưng cứ thấy họ nói ra nói vào, tôi không chịu được. Ngay như ông bà Đại đây, với cái nhà ông Thái, lúc nãy cũng bốp chát vào mặt tôi…
Kim Minh: (Can ngăn) Thôi cụ ạ… cứ thẳng thắn công tâm… lo gì! Cây ngay không sợ chết đứng. (Vừa lúc đó thì Thái đi vào. Lê Thái vào đến cửa, thì hai người dừng chuyện. Kim Minh trừng trừng nhìn Lê Thái).
Cụ Ba: (Thấy Lê Thái) À, ông Thái… có phải lúc nãy ông bảo tôi lẫn cẫn. Ông với ông Triều Đại còn nói có ý như tôi nịnh nọt Ban Thuế để được hạ mức thuế xuống. Bây giờ tôi nắm vững rồi, tôi cần cảm thông với ông… (Kim Minh thấy thế vội ngăn cụ Ba lại). 
Lê Thái: Ô hay… cụ định sinh sự với tôi chăng? Cụ với tôi chẳng liên quan gì với nhau mà.
Cụ Ba: (Sửng cồ) Không liên quan với tôi sao ông lại có cái giọng lưỡi ấy?
Kim Minh: Thôi, cụ Ba ơi. Bình tĩnh cụ ơi, ta về. (Kéo cụ Ba đi).
Cụ Ba: (Đi với Kim Minh nhưng còn quay lại nói vào) Đừng có cái thói ăn nói hàm hồ, ba que, đâm bị thóc chọc bị gạo…
Tiếng Kim Minh: (Từ bên trong vẳng ra) Thôi cụ Ba ơi, cụ nên nghe tôi.
(Sân khấu bớt cụ Ba và Kim Minh).
Lê Thái: (Bực tức, xông ra cửa) Này… Liệu!… Liệu!… (Quay lại, tiến đến sát cửa vào nhà trong) Anh Đại ơi!
(Yên lặng một giây, rồi có tiếng Đại: Ai đấy? Tôi lên ngay đây! Lê Thái đi ra giữa nhà thì Triều Đại xuất hiện).
Triều Đại: Thế nào anh?
Lê Thái: Có thể nói, xong một nửa rồi. Họ rất hăng hái mua, nhưng giá cả chưa ngã ngũ với mình. Tôi muốn để cho họ trực tiếp gặp anh. Vả lại, họ cũng cần xem nhà xưởng, máy móc thế nào đã. Vì họ đang bận việc, nên chưa thể đến đây cùng tôi. Thôi, thế là tạm ổn rồi. Họ bảo, nội ngày hôm nay sẽ trực tiếp cùng anh, để dứt khoát việc mua bán với nhau.
Triều Đại: Có chắc họ mua không? Thôi thì đắt rẻ thế nào tôi cũng tống đi cho xong. Có tin ông chú tôi sắp ra đến nơi rồi. Ông cụ ra, xem tình hình thuận lợi là chúng tôi đi thôi. Anh có thể đi với chúng tôi chứ?
Lê Thái: Tôi thì đi lúc nào cũng được. Ngay lúc này mà đi thì cũng cứ là xong rồi.          
Triều Đại: Nhưng anh Thái này, tôi vẫn thắc mắc là đi lúc này là mang tiếng trốn thuế.
Lê Thái: Xin lỗi ông! Ông rỡn nó vừa vừa chứ. Thiên hạ chán vạn thằng nó dẫm lên dư luận kia kìa. Có sao đâu!
Triều Đại: Thật ra việc này là ý riêng của nhà tôi, chứ tôi thì tôi thấy vào đấy cũng không đi đến đâu. Sau này lại khó ăn khó nói ra.
Lê Thái: Trời ơi! Lại còn chuyện đường trường thế nữa. Nếu ông muốn thì ông cứ việc đóng thuế, rồi tếch luôn. Đã liều thì liều một thể. Cứ là coi khinh tuốt, tạnh hết!
Triều Đại: Có lẽ cũng phải đến như thế mới yên tâm được phần nào…
Lê Thái: (Đứng dậy) Thôi đấy, tùy. Đó là việc của anh. Tôi về xem họ đã lại chưa, để đưa họ đến đây xem máy nhé! (Bắt tay Đại ra về. Triều Đại tiễn Thái ra khỏi cửa, trở vào ngồi xuống ghế, nét mặt bần thần suy nghĩ. Lại đứng lên).
Triều Đại: Chà!... (Lấy thuốc lá hút. Định đi xuống nhà dệt thì Kim Minh bước ra).
Kim Minh: Anh Đại!
Triều Đại: (Quay ra) Cậu đã về…
Kim Minh: Tôi muốn nói chuyện với anh một lát.
Triều Đại: (Ngửa mặt thở khói thuốc, ngồi xuống ghế) Chuyện gì thế cậu?
Kim Minh: Chuyện xung quanh vấn đề thuế.
Triều Đại: Cậu mời tôi vào đoàn vận động đóng thuế à? Thôi cậu ạ, tôi cũng bận lắm. Cậu biết đấy, mọi việc trông nom, chạy ngược chạy xuôi đều ở tôi cả. Chị có làm được gì đâu. Việc nhà tất bật, mở mắt ra không được!
Kim Minh: Không phải chuyện đó. Tôi muốn hỏi ý kiến anh thế nào khi anh gửi cho Ban Thuế cái thư này? (Lấy thư trong túi dết đưa ra trước mặt Đại).
Triều Đại: (Hơi nhíu mày) Tôi tưởng tôi đã nói đủ trong thư rồi.
Kim Minh: Vâng, đủ lắm. Anh nhận là… mức thuế của anh đúng nhưng hơi cao, bởi thời gian này hàng họ bị đình trệ. Anh còn nói thêm là… mức thuế của số đông người trong ngành dệt thì lại thấp quá. Tuy nhiên, anh tán thành mức thuế của anh sẽ phải đóng, nhưng không đồng ý với mức thuế thấp của các đồng nghiệp. Như thế, chính phủ sẽ thất thu…
Triều Đại: Đúng thế đấy! Tôi tưởng bổn phận một công dân khi thấy sự thiệt thòi cho ngân quỹ Quốc gia, thì phải nói ra chứ.
Kim Minh: Điều này rất đúng, tôi không dám nói gì cả. Những việc anh nêu ở trong thư, nghe ra thì nó hợp lý và lại có vẻ chân thành lắm. Nhưng tinh thần cái thư thì lại khác…
Triều Đại: (Chau mày nhìn Minh) Khác thế nào?
Kim Minh: Theo tinh thần cái thư của anh, thì người ta nhận thấy anh chưa hài lòng về mức thuế của anh. Anh so bì với người khác và gián tiếp phê bình Ban Thuế.
Triều Đại: Tôi cần gì phải so bì với ai. Cậu nói thế là nhầm!
Kim Minh: Có thể là tôi nhầm, nhưng cả Ban Thuế đã nhận định, và thêm vào đó là dư luận bên ngoài thì không có thể nhầm được.
Triều Đại: Cậu định chất vấn tôi đấy phải không?
Kim Minh: Tôi không có ý định chất vấn anh, nhưng chỗ anh em trong nhà, tôi rất mong chúng ta sẽ thành thực, hết sức thành thực để đả thông với nhau… Anh có đồng ý không?
Triều Đại: Được, cậu cứ nói.
Kim Minh: Tôi thì xin hết sức thành thực và hứa là sẽ sửa đổi những khuyết điểm của tôi.
Triều Đại: (Khẩy) Cậu thì khuyết điểm vào đâu được.
Kim Minh: Anh đừng nói thế! Ai mà không có khuyết điểm, nhất là tôi lại còn trẻ tuổi, thì khuyết điểm tất nhiên phải nhiều.
Triều Đại: Được, cậu cứ nói.
Kim Minh: Thế tôi xin thành thực hỏi anh nhá. Ý kiến của anh về việc chỉnh lý thế nào?
Triều Đại: Ý kiến tôi ấy à? (Ngập ngừng) Thì cũng như ý kiến mọi người…
Kim Minh: Thế là thế nào?
Triều Đại: Tôi thấy có nhiều người kêu ca, à không, nhiều người thắc mắc…
Kim Minh: Họ thắc mắc thế nào?
Triều Đại: Họ thắc mắc vì không hiểu tại sao lại chỉnh lý lên… nhưng mà, tại sao cậu không đi hỏi người ta mà lại hỏi tôi. Tôi có phải là nhân viên điều tra của cậu đâu!
Kim Minh: Sao anh lại có cái tư tưởng ấy? Anh đã nói bổn phận người dân bây giờ phải nói thẳng những việc mình biết, để giúp Ban Thuế, giúp Chính phủ chỗ thiếu sót mà bổ khuyết. Thế nên việc đóng thuế cũng là một việc rất cần nói thẳng.
Triều Đại: Nói thẳng cũng tùy cái nói thẳng…
Kim Minh: Đã thẳng thì còn trừ điều gì nữa? Bây giờ không ai sợ làm mất lòng nhau khi thấy cần phải nói thẳng cả.
Triều Đại: Tôi không thích nói thẳng về người khác, khi người ấy vắng mặt. Tính tôi thế…
Kim Minh: (Cười) Anh đừng nhầm nói thẳng với nói xấu… Ví dụ, anh đã phê bình tôi với cụ Ba…         
Triều Đại: Tôi phê bình gì cậu. Cụ Ba đã nói với cậu thế nào, để tôi sang gọi cụ Ba… (Vùng đi).
Kim Minh: (Giữ lại) Anh đừng làm thế. (Hai bên dùng dằng, Minh Thúy vào, nhìn thấy, cau mày).
Minh Thúy: Cái gì thế này?
Triều Đại: Đấy, cô về để nghe cậu em dạy bảo. Tôi thì tôi không nghe những lời ông cậu này nói đâu!
Minh Thúy: (Nói với Kim Minh) Cậu đừng có hỗn!
Kim Minh: (Quay phắt lại) Tôi xin chị hãy từ tốn lời nói…
Minh Thúy: Cậu bảo tôi phải từ tốn với cậu à? Ghê gớm nhỉ?   
Kim Minh: Nhưng mà chị biết tôi làm gì mà chị bảo tôi hỗn nào?
Minh Thúy: Cậu đừng có cái lối dạy ngược như thế! Dù sao anh ấy cũng là chồng tôi, anh rể cậu.
Kim Minh: Tôi yêu cầu chị hãy bình tĩnh, đừng hàm hồ như thế. Chị vừa mới về, chị đã biết giữa tôi với anh ấy có chuyện gì đâu mà chị vội nghe lời anh ấy, cho là tôi dạy ngược.
Minh Thúy: (Nhìn chồng) Anh nói gì với cậu ấy?
Triều Đại: Không biết, cô hỏi cậu ấy thì rõ.
(Minh Thúy nhìn Kim Minh).
Kim Minh: (Cười gằn) Được, anh không nói thì tôi sẽ nói. Nhưng trước hết, tôi hãy xin hỏi chị, cả anh nữa, là anh chị có nhận thấy mình có bổn phận phải tham gia vào công việc kháng chiến không đã?
Triều Đại: Cậu hỏi câu ấy là thừa! (Minh Thúy ngồi im).
Kim Minh: Chị cho biết ý kiến.
Minh Thúy: Nếu không kháng chiến thì chúng tôi đã không ở ngoài này. (Triều Đại bĩu môi quay đi).
Kim Minh: (Thản nhiên) Anh chị và tôi là những người kháng chiến, nhưng lại không trực tiếp đánh giặc, thì chúng ta phải đóng góp công sức để tham gia kháng chiến. Chỉ có thế thôi!
Triều Đại: Thì tôi cũng đóng thuế chứ không à?
Kim Minh: Đã đành rằng thế, nhưng hành vi của anh đối với việc đóng thuế vẫn chưa thẳng thắn, rứt khoát.
Triều Đại: Thế nào là không thẳng thắn, rứt khoát?
Kim Minh: Anh đã nghe anh Thái xui khôn xui ngoan, anh tính toán suy bì nhiều quá, nên anh đã làm những việc có thể gây khó dễ cho công việc của Ban Thuế.
Triều Đại: Chứng cứ đâu mà cậu lại vu cho tôi cái việc nghe anh Thái?
Kim Minh: Nếu anh cần chứng cứ thì đây. (Đưa bức thư ra) Bức thư này đã được Ban Thuế kiểm thảo vì đã nhận thấy rõ ý định quấy rối của anh, là làm cho cán bộ không tin tưởng vào nhân dân và nhân dân thì thâm thù cán bộ. Xét thấy thế nên Ban Thuế định đưa bức thư này ra trước nhân dân để kiểm thảo rộng rãi thêm.
Triều Đại: (E ngại) Sao lại thế được? Đây là việc riêng của tôi với Ban Thuế, có dính líu gì đến dân chúng đâu.
Kim Minh: Nhân dân bây giờ có quyền thẩm định tất cả. Và nếu anh không có ý đồ ám muội thì anh sợ gì việc nhân dân kiểm thảo?
Triều Đại: (Dịu giọng) Cậu để tôi trình bày rõ với Ban Thuế đã… sự thật về việc này thì, tôi cũng không có ý định gì… Còn anh Thái…
Kim Minh: Chúng tôi cũng biết là anh Thái nấp sau lưng anh giật dây, anh bị đẩy ra làm cái trò hề… hò hét múa may. Anh đã thấy chưa?
Minh Thúy: (Dịu giọng) Cậu không nên nói những chuyện vu vơ, để rồi làm mất lòng nhau.
Kim Minh: (Mỉm cười) Chị cho đấy là chuyện vu vơ à? Thế còn việc chị chuẩn bị về thành thì có vu vơ không?
Minh Thúy: Cậu đừng vạch áo cho người xem lưng. Ít nhất cậu cũng nể tôi một tí chứ!
Kim Minh: Vì nể chị, vì là chị em tôi mới nói, mà nói với tất cả sự thành thực… là anh chị nên suy xét cho kỹ, để chỉnh lý lại tư tưởng đi, để sau này khỏi ân hận. (Triều Đại ngồi im. Có tiếng loa bên ngoài: Alô, alô… Ban thông tin chúng tôi xin loan báo để đồng bào được biết danh sách các vị đã xung phong đóng thuế: Cụ Thịnh Minh đã đóng 27 vạn, ông Ba Kình 11 vạn…).
Triều Đại: (Lắng nghe và lẩm bẩm) Đã đóng thuế rồi cơ à?
Kim Minh: Đấy, anh xem. Việc làm của anh và anh Thái có ảnh hưởng gì đâu. Đồng bào bây giờ sáng suốt lắm. Mọi người bây giờ đều hướng theo một đường kháng chiến tiến bộ. Vì thế, anh không nên nghĩ quẩn!
Triều Đại: (Bần thần đi ra một phía) Có lẽ quẩn thật!
Kim Minh: Lại còn cái việc Thái, hắn bàn với anh, định vận động dân chúng ì thuế nữa. Tôi thấy không nên đâu. Anh nên nghĩ đến việc làm ăn chính đáng của mình, tham gia góp phần kháng chiến là hơn.
Triều Đại: (Quay lại thiết tha) Vâng… vâng… (Vừa lúc đó thì cụ Ba ngơ ngác đi vào).
Cụ Ba: Ông Minh ơi! Tôi đã nghĩ ra rồi. Cái việc chỉnh lý thế mà đúng đáo để. Thôi bây giờ thì tôi yên tâm đóng thuế.
(Kim Minh đi về phía cụ Ba kéo cụ cùng đi).
Kim Minh: Vâng, thì vẫn là đúng… Có lẽ mời cụ ra trụ sở. (Quay lại) Chào anh chị, tôi về nhé.
(Vợ chống Triều Đại nhìn nhau).
Triều Đại: Vâng… cậu về.
(Bớt cụ Ba, Kim Minh. Minh Thúy ngồi phụng phịu ở giường. Triều Đại tiến về phía vợ).
Triều Đại: Thế nào, em có gặp chị Tùng không?
Minh Thúy: Có, nhưng chị ấy không biết rõ hôm nào ông Sơn ra cả. Hôm chị ấy gặp, ông Sơn chỉ nhắn vội là cũng sắp ra, thế thôi. Rõ bực cả mình!
(Vừa lúc đó thì ông Thanh Sơn vào đến cửa, tay ôm một bọc nhỏ. Thanh Sơn là ông già quắc thước, mặc áo bành tô. Vợ chồng Triều Đại ngồi ở giường nên không trông thấy).
Thanh Sơn: Anh chị làm gì đấy?
Triều Đại: (Quay lại, reo lên) A, ông đã ra!
Minh Thúy: (Chạy vội ra nắm tay ông Thanh Sơn) Trời ơi, chú. Sao lâu thế chú? Chúng con chờ chú sốt cả lòng cả ruột. Thế nào hở chú?
Thanh Sơn: Úi dào! Để khoan rồi nói chuyện. (Đi vào để cái bọc lên bàn, ngồi xuống ghế).
Minh Thúy: Có vui không chú? Hà Nội bây giờ chắc đẹp lắm có phải không chú? (Triều Đại đi rót nước).
Triều Đại: Chú xơi nước ạ!
Thanh Sơn: (Thở phào khoan khoái) Sung sướng thật!
Minh Thúy: Hẳn đi rồi. Ở trong ấy thì phải sung sướng hẳn rồi còn gì. Thích quá nhỉ?
Thanh Sơn: Không, ra được đến đây chú mới thấy thật là sung sướng. Từ nhỏ cho đến giờ, không có cái dại nào bằng cái dại quay về Hà Nội. Đang ở kháng chiến, cứ nghĩ về Hà Nội là sung sướng lắm. Vì thế, chú mới tìm cách “đằng sau quay”. Nay, chú nguyện không bao giờ nghĩ đến cái việc lại về Hà Nội khi còn thằng giặc nữa. Hèn mạt lắm! Bỉ ổi lắm! Con người… con người không có thể tưởng tượng ra như thế được!
Minh Thúy: Thủ đô bây giờ đông lắm phải không chú? Chắc phố Hàng Bạc, Hàng Ngang tấp nập vui lắm!
Thanh Sơn: Đông, đông lắm, lúc nhúc như đống ròi. Mà ròi thật. Vì giặc Pháp đã biến Hà Nội thành ra một thành phố thối tha hết sức…
Minh Thúy: Sao bảo các phố đã sửa sang lại và những nơi bị tàn phá đã tẩy uế rồi cơ mà.
Thanh Sơn: (Nhìn Thúy) Không, đấy là chú nói đến cái đời sống tinh thần của Hà Nội cơ. Phởn phơ, phù phiếm, chỉ lấy ăn, lấy chơi, lấy tiền làm mục đích. Gái thì đàng điếm; trai thì trụy lạc, nhảy đầm, rượu chè, cô đầu, thuốc phiện… Thôi thì đủ mặt!
Triều Đại: Thế họ không phải bắt đi lính à chú?
Thanh Sơn: Có chứ, cái việc bắt lính này giặc tiến hành rất ráo riết. Đe dọa bắt đi cũng có. Phỉnh phờ dụ dỗ cũng có. Hầu hết, nếu không vào lính hẳn thì cũng phải theo học lớp quân sự của chúng nó, để không bị chúng động binh.
Triều Đại: Thế thanh niên họ xử trí ra sao?
Thanh Sơn: Họ có tranh đấu đấy. Nhưng còn một số thì tinh thần bạc nhược, tư tưởng rỗng tuếch, chỉ biết lao đầu vào trác táng. Có tiền thì ăn chơi cho thỏa thích, kẻo mai kia phải vào lính đi Triều Tiên, hoặc ra trận mà chết mất xác thì cũng đã đời! (Bực) Một thế hệ thanh niên như thế, sống dưới sự đầu độc của giặc là chết, là bỏ đi rồi. Người có tâm huyết trông thấy cảnh ấy cứ đứt từng khúc ruột. Hỏng! Hỏng!
(Triều Đại bần thần ngồi xuống).
Minh Thúy: Thì vào đấy ai chả mong sống đầy đủ. Ở trong ấy các thứ hàng rẻ lắm phải không chú?
Thanh Sơn: Rẻ thế nào? Rẻ mà không có tiền, đứng nhìn thì rỏ rãi ra. Ai thương? Chẳng ai thương ai hết! Chỉ có sự nghi ngờ lẫn nhau… và lúc nào cũng nơm nớp sợ sệt. Hình như ai cũng sợ tụi Phòng Nhì nó ập đến bắt đi ấy. Trước dân thì tụi này nghênh ngang, hoạnh họe làm tiền. Với cấp trên thì xum xoe nịnh hót. Thân thích bạn bè không có nghĩa lý gì cả! Đời sống nặng nề như trong ngục vậy!
Minh Thúy: Nhưng mình vào đấy làm ăn buôn bán thì vẫn được chứ, hả chú?
Thanh Sơn: À, còn việc anh chị định vào ấy mà… Trước kia thì…  chú nhớ đã có lần chú đồng tình, khuyến khích. Nhưng nay chú can, đừng dại dột thế. Buôn gì bán gì ở cái xã hội lừa bịp, giả dối ấy! Đừng chạy theo đồng tiền mà hối hận, các cháu ạ! (Giọng thiết tha).
Minh Thúy: Thế này thì lạ thật! Sao họ vẫn bảo…
Thanh Sơn: (Cướp lời) Không nên nghe những lời nông nổi. Mọi sự trong ấy, mắt chú trông thấy rõ ràng, tai nghe thấy rành mạch cả. Mà thôi… thôi, chú can!... Chà… ra thoát đến ngoài khu tự do này, mình như sống lại. Đời thênh thang dễ thở, đồng bào thì cần cù làm ăn, mọi người cùng hướng về mục đích kháng chiến. Đêm hôm qua, chú gặp hàng đoàn, hàng đoàn bộ đội hành quân. Hừ, trông những anh bộ đội nhà mình thật đẹp, giản dị, mạnh mẽ… sướng quá! Chú như trẻ hẳn lại… lòng cứ như mở cờ… (Giọng say sưa). Được trông thấy cái thế hệ thanh niên kháng chiến của ta mới thật là tin tưởng. Chịu đựng gian khổ, gắng quyết tâm ắt đến cái ngày sung sướng… Sung sướng thật!
Minh Thúy: Ở đây bây giờ buôn bán không ra sao cả. Khó khăn quá, thuế lại sắp chỉnh lý… tăng...
Thanh Sơn: Buôn bán ở trong ấy còn khó khăn gấp trăm ấy. Sầy vẩy ra mới được vài trăm bạc. Mà thuế thì từ gánh rau, gánh quà cũng phải đóng. Hàng ngày cứ è cổ ra mà nộp. Nộp cho giặc nó ăn béo múp; còn thừa chúng nuôi một bày mèo mả gà đồng, mất gốc, mất rễ, để nó giết hại đồng bào mình. Bọn này được chúng thí cho miếng phomat thừa, hụm sâm banh cặn. Vậy mà cứ tưởng mình ghê gớm… Trông mà lộn tiết! Thôi, anh chị đừng có mà nghĩ quẩn nữa. Bán rẻ liêm xỉ mình, mất chất con người thì thật quả là không nên!
(Hai vợ chồng Triều Đại nhìn nhau. Ông Sơn đứng lên đi ra mở bọc lấy khăn mặt).
Triều Đại: Để con bảo lấy nước ông rửa mặt.
Thanh Sơn: Thôi được, để chú ra giếng rửa cho thoải mái. (Đi vào nhà trong, đến cửa quay lại hỏi). Cậu Minh bây giờ hoạt động gì?
(Vợ chồng Triều Đại nhìn nhau).
Minh Thúy: Cậu cháu công tác trong Ban Thuế công thương nghiệp khu phố.
Thanh Sơn: (Gật gù) Thế hả? Anh có ra phố, gặp cậu ấy bảo lại chơi nhé. Cậu ấy thế mà khá! (Vào khuất. Minh Thúy ngồi thụp xuống giường, mặt bần thần).
Triều Đại: (Định ghé ngồi, quay sang nói) Em xuống xưởng bảo ông Phó cho ruộm tất cả sợi đi, và cứ tiếp tục cho dệt em ạ!
Minh Thúy: (Ngẩng nhìn chồng, đứng lên) Vâng. (Đi ra thì gặp Lê Thái hấp tấp đi vào).
Lê Thái: Họ sắp đến đấy. Tôi phải đạp xe đến báo trước để anh chị khỏi mong.
Minh Thúy: Anh Thái ạ, có lẽ thôi!
Lê Thái: Thôi cái gì?
Triều Đại: Thôi, chúng tôi không bán nữa!
Lê Thái: Anh chị đừng đùa dai!
Triều Đại: Thật đấy, chúng tôi xin lỗi anh, đã làm anh mất thì giờ.
Lê Thái: Thật đấy à? (Quay sang Thúy) Có thật không chị?    
Minh Thúy: Vâng, chúng tôi lại muốn giữ lại để làm…
Lê Thái: Xin phép anh chị nhé… đóng kịch với nhau thế, mệt lính lắm!
Triều Đại: Không, chúng tôi không đùa đâu. Thực tâm là muốn giữ lại!
Lê Thái: Giữ lại thì đóng thuế!
Triều Đại: Vâng, phải đóng chứ!
Lê Thái: Ô hay! Ông bà đùa hay thật đấy. Đừng có gieo hoang mang nhé.  Xin ông bà “tạnh” ngay đi cho tôi nhờ!
Minh Thúy: Thật đấy, anh Thái ạ!
Lê Thái: Thế còn việc “viền”?
Minh Thúy: Thôi!
Lê Thái: (Chưng hửng) Ơ… ơ…
Triều Đại: Anh làm ơn nói lại hộ với người mua xưởng cho…
Lê Thái: Rõ nỡm! Thế thì tôi phải báo ngay cho họ mới được!
(Vớ mũ chạy ra đến cửa, nói lại) Xin phép!...
(Vợ chồng Triều Đại nhìn nhau cười).

MÀN HẠ


(Mùa Đông 1952 tại Rừng Thông - Thanh Hóa)




 (*) Sách “Lộng Chương - Để đến… Nơi đến”, Nxb Sân khấu, 2013.

    




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét