Thứ Tư, 20 tháng 8, 2014

Cái tết cuối cùng và sự “ra đi” của Nhà viết kịch Lộng Chương(*)

             Đó là Tết Quý Mùi (năm 2003) - cái tết chỉ còn một mình Lộng Chương trong ngôi nhà mênh mang, sau 61 cái tết buồn vui sướng khổ của một cuộc đời, những cái tết luôn có sự kề cận của người vợ thân yêu của ông!
Trước tết 4 tháng, vào đầu tháng 10.2002, bà Lộng Chương "đi xa", rất xa. Bà ra đi, không kịp gửi lại ông một lời từ biệt. Một sáng mùa thu, bà trở dậy. Giường bên, ông còn đang yên giấc. Cơn huyết áp tăng đã xô bà gục ngã ngay cạnh chân giường ông. Bà được đưa vào bệnh viện trong trạng thái hôn mê hoàn toàn. Ông lập cập đi theo, nhìn hút chiếc cáng đưa bà ra xe, mà cũng không hề biết rằng, rồi đây ông vĩnh viễn chẳng còn dịp nói với bà một câu yêu thương hay hờn giận.

NVK Lộng Chương những ngày cuối đời (2003)

Sau mười ba ngày vật lộn với tử thần, do tuổi quá cao, sức quá yếu, bà Lộng Chương đành nhắm mắt chịu thua số phận, chấp nhận rời xa cõi trần, rời xa ông - người mà suốt đời bà luôn yêu thương, trân trọng.
Năm hết, tết đến - cái Tết Quý Mùi ấy thật nghiệt ngã đối với Lộng Chương. Lúc này, ngày nào ông cũng thấy giống ngày nào. Ông ngồi lì bên li rượu. Với ông, giờ nó nhạt thếch còn hơn nước lã. Lưng cơm nguội ngơ nguội ngắt ông để chỏng chơ suốt bữa. Đĩa đồ nhắm cứ hâm đi hâm lại ông cũng chẳng buồn nhìn vào. Nhấc li rượu lên, rồi lại đặt trở về chỗ cũ. Mắt cứ ngó quanh ngó quất, khắc khoải tìm bà; hy vọng bà từ đâu đó bước qua ngưỡng cửa, bất ngờ hiện ra trước ông, trên khuôn mặt bừng tươi với nụ cười hiền muôn thuở. Thỉnh thoảng, ông lại lắc đầu. Lắc đầu như không chấp nhận cái thực tại phũ phàng mà ông đang gánh chịu - thực tại vắng bà. Người ông tọp dần, ánh mắt cũng trở nên ngơ ngác. Mỗi lần ra thắp hương cho bà, ông dang tay ôm lấy bàn thờ, đứng nhìn ảnh người vợ hiền như bị thôi miên, rồi âm thầm gạt nước mắt. Đâu rồi người vợ thuỷ chung, tận tâm, tận nghĩa; sao lại để ông đơn côi lạnh lẽo đến tận cùng nhường này? Ngần ấy đứa con, nhưng làm sao chúng bù đắp được cho ông nỗi đau mà ông chưa từng phải gánh chịu trong suốt cuộc đời đến giờ!
Mấy ngày tết rồi cũng qua. Nhưng niềm khắc khoải, cô quạnh, nỗi đau buồn của Lộng Chương thì còn đó. Qua mỗi ngày, nó lại bị nhân lên, lớn hơn, làm trĩu nặng trái tim già nua tuổi tác của ông. Cứ vậy, hết ngày lại tháng dần trôi, ông càng suy sụp hơn trong không gian cao rộng mênh mang của toà nhà, nơi vĩnh viễn vắng bóng người vợ thân yêu. Cách tốt nhất với Lộng Chương giờ đây, có lẽ là một sự giải thoát. Giải thoát để về cõi hư huyền của thế giới bên kia tìm bà, ở cạnh bà trong sự thanh thản vô tận - nơi mà, mọi ân oán, ganh ghét, tỵ hiềm nơi trần thế chẳng bao giờ tới được. Vậy là, ông tiếp tục lặng lẽ, tiếp tục không uống, không ăn, cả sự chợp mắt với ông cũng chỉ diễn ra trong giây lát. Cặp mắt sáng ngời cương nghị của Lộng Chương xưa, đã mãi mãi không còn nữa. Cặp mắt ấy giờ chỉ mê mải nhìn vào một điểm vô định nào đó trước mắt. Xung quanh, vạn vật với ông không tồn tại. Không có cả quá khứ. Ông như nghe vọng về từ cõi thinh không, giọng nói âu yếm quen thuộc của bà. Trước mắt ông, chỉ còn một tương lai - đó là bà, là linh hồn vĩnh cửu của bà. Thế là, hai sáu ngày đêm trôi qua. Hai sáu ngày đêm Lộng Chương không ăn, không uống,... Và rồi, những ngày cuối cùng, ông chìm đi trong mê man, trong bao giấc mơ tuyệt đẹp về cuộc tái hợp nơi cõi thiên thu với vợ mình - người mà chính ông đã dành trọn tình yêu duy nhất trong suốt cuộc đời mình.
Giờ đây, qua gần hai năm, kể từ ngày ông "ra đi", chắc chắn ông bà đã gặp nhau. Cuộc đoàn viên của ông bà nay mới thực sự vĩnh hằng. Cầu mong nơi ấy, nếu có kiếp sống thứ hai, bên cạnh người vợ tuyệt vời của mình, Lộng Chương lại có những tác phẩm sân khấu nổi danh, như khi ông sinh thời.
Ông bà Lộng Chương và cháu ngoại Bumbum (Nguyễn Trí Trung)
tại Lễ kỷ niệm Đám cưới Vàng của mình

(*) TC Sân khấu Xuân Ất Dậu - Số 1-2.2005; Sách “Lộng Chương trong trái tim bè bạn”, Nxb Hội Nhà văn, 2013.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét