Thứ Ba, 19 tháng 8, 2014

THAY LỜI BẠT(*)

                                                                                            GS Hà Văn Cầu
          Thật ra, tôi chưa phải là người "đáng mặt" viết lời bạt cho nhà viết kịch Lộng Chương. Nhưng vì được đông đảo anh chị em bạn bè cùng được anh Lộng Chương "cầm tay dạy chữ" ủy thác, nên tôi viết ít dòng tâm đắc về anh. 
GS. Hà Văn Cầu

            Hơn cả một lời "bạt", với tấm lòng yêu quí người Anh rất ruột thịt của mình, - không còn cơ hội nào hơn - tôi xin phép các vị độc giả yêu quí, ở đây, được nói lên đôi điều hiểu biết về con người và tác phẩm của anh.
Trước hết, tôi cứ nghĩ mãi về cái bút hiệu Lộng Chương. Sao lại là Lộng Chương?
Sách xưa nói: "Nam giả Lộng Chương, nữ giả Lộng Ngọc", ý nói con trai thì chơi văn vẻ, con gái thì chơi đồ "trang sức bằng ngọc". Vậy thì khi đặt bút hiệu, anh muốn tự thực hiện tính cách nam nhi của anh về mặt thực thể hay nhấn mạnh hoạt động của anh về mặt thi dụng? Hay cả hai, nói theo người xưa, "nam là thể, chương là dụng”?
Anh vốn là nhà điều chế hóa học (priparatun - chimiste) tòng sự tại Phủ Toàn quyền, nhưng có lẽ do cái nợ văn chương từ kiếp trước, anh đã phải chơi nghiệp văn chương từ rất sớm.
Nhưng đâu chỉ dừng ở văn chương. Anh còn là nhà hoạt động xã hội và nhà kinh thương giỏi mà ít ai biết. Chẳng thế mà khi cha anh mất sớm, anh phải gánh vác một gia đình đông đảo các em từ khi chưa đến tuổi 30. Phải chăng khi đặt bút hiệu, ngoài việc văn chương, anh đã hoàn toàn ý thức về phong cách nam nhi của mình.
Tôi quen biết anh đã gần nửa thế kỷ, thế mà mỗi năm lại thêm một lần phát hiện cái chất nam nhi ấy của anh.
Chàng trai Hàng Bạc này sinh ra trong một gia đình phong kiến gốc Châu Khê (Hải Dương) đang tư sản hóa ở Hà Nội, cho nên, tuy anh không theo đòi Hán học, chất phong kiến tư sản vẫn cứ thấm sâu vào tâm thức anh. Nếu không có Cách mạng tháng Tám, có lẽ lúc này, anh đã trở thành chủ nhân của nhiều tòa cao ốc ớ kinh địa Thăng Long rồi.
            Tính chất nam nhi không chịu khuất phục hoàn cảnh đã dẫn dắt tất cả tám anh chị em anh đi theo cách mạng: ba vị trưởng Ty Văn hóa, hai cán bộ văn hóa, trừ anh ra, còn lại là bộ đội và công an.
Luôn luôn anh giữ cái nết tốt: "Ninh vi kê thủ, vô vi ngưu hậu" (thà làm đầu gà, hơn làm đuôi trâu), luôn luôn vượt lên hoàn cảnh, khắc phục hoàn cảnh, để giành lấy thắng lợi. Ở đâu, anh cũng giữ vai "đầu trò". Từ một cuộc đi chơi phiếm, một buổi nhậu cho đến một đợt công tác, anh đều tranh lấy phần "chủ chi", không để một ai phải bận tâm. Viết chung với anh, anh nhường phần nhuận bút cho bạn. Anh sửa vở cho các tác giả trẻ, không kể công, cũng chẳng đứng tên.
Tôi nhớ những năm 1950, theo chủ trương chung, tất cả các Liên khu đều thực hiện "giảm chính". Chúng tôi nằm trong con số giảm chính đó. Chúng tôi không biết buôn bán, không biết cày cuốc, chỉ cần qua đò Chi Nê là đã sang vùng giáp ranh để vào cố đô Hà Nội, nhưng không ai muốn "dinh tê". Phải tìm cách ở lại với kháng chiến. Anh đứng ra tập hợp chúng tôi lại, kéo chúng tôi về phía sau núi Phượng, rừng Thông ở làng Sơn Viện, nhà cụ Phái (mà chúng tôi gọi là vùng Sơn Hậu). Anh chạy vạy, lo cho chúng tôi ngày hai bữa cơm mọn, gạo xoàng và vài con cá mắm khô cho qua ngày tháng. Anh nói: Phải ở gần người "quê hương" (ý nói bà con thành thị tản cư) thì mới có đất dụng võ.
Đúng thật! Anh tổ chức cho chúng tôi dạy học. Thế là dần dần học sinh khá đông. Khi ấy, tôi bị sốt rét rừng nặng, sốt đến phát sảng. Chủ nhà sợ tôi chết. Để làm yên lòng cụ Phái, anh mò ra Sở Y tế Liên khu III, tìm gặp bằng được bác sĩ Phạm Hữu Chương để đề nghị chữa cho tôi (lúc đó, một viên kinacrin là rất quí). Tôi mở đầu lời bạt bằng cách gọi anh là người anh “rất ruột thịt” là từ những chuyện đó.
Anh vốn là người năng động lại không chịu bó tay trước hoàn cảnh, cho nên khi chúng tôi vừa đứng chân được ở Sơn Viện anh đã bàn: "Chúng mình phải đánh giặc bằng nghệ thuật, chẳng lẽ cứ nằm mãi ở đây để gõ đầu trẻ sao?”. Chúng tôi nêu ra bao nhiêu là khó khăn: Không có phông màn, không có phục trang, không có tiền làm bố cảnh, lại toàn đàn ông với nhau, không có nữ diễn viên thì làm thế nào (lúc ấy, con gái còn e dè, rất hiếm người dám bước lên sân khấu, đóng “vợ chồng" với người khác). Anh chỉ vào đầu: “Phải có coups de tête chứ".
Anh xách cái túi đi ra rừng Thông, ngày hai buổi liền trong một tuần. Thanh niên thị trấn như các anh Viềng, anh Ngạn, anh Thuấn, các chị Phương, chị Sĩ, chị Tâm đều xung phong tham gia ban tổ chức. Anh còn vận động được một gia đình Hà Nội cho con gái đến tập kịch với chúng tôi. Thật quí như vàng. Anh lại đứng ra vay tiền và mượn đồ đạc để có một số tối diễn huy hoàng trong bom dạn. Tết năm đó, chúng tôi ra quân thật khí thế. Các anh Lê Quốc Lộc, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Văn Xuân, Mai Văn Nam lo việc trang trí. Các bạn Phương, Sĩ may phông màn. Hai sinh viên sau này đều là bác sĩ. Các anh Lê Mỹ và Đặng Hương Khánh tích cực "xin" một chân nhắc vở. Còn chúng tôi viết kịch và dựng kịch. Ngày chúng tôi tổng duyệt, anh chị em văn nghệ sĩ có mặt ở Thanh Hóa đều đến chia vui, mừng đến rơi nước mắt. Chúng tôi mổ lợn để chào mừng các anh, các chị và các Mạnh Thường Quân.
Tổng kết hai đợt biểu diễn ở Rừng Thông và Cầu Bố, sau khi thanh toán nợ nần, chúng tôi trang bị được đầy đủ phông màn, áo vải sơn che mưa (lúc ấy chưa có nilông), đèn măng sông và mỗi người một bộ đồng phục. Công lớn thuộc về anh.
Sau này, một số anh em ở lại với trường, tiếp tục dạy học. Một số trở về Liên khu III, đó là các anh Lộng Chương, Việt Hồ, Hoàng Linh, Phùng Thái và tôi. Còn cô bạn diễn yếu sức quá, gia đình không cho đi. Hôm diễn ở hang Na, anh Lê Thanh Nghị đến xem, cười rạng rỡ”: "Thế là Liên khu ta có một đoàn văn công mà tổ chức không tốn một xu nào!". Rồi anh giữ chúng tôi lại để phục vụ chiến trường Tây Bắc, sau đó đi chiến trường Điện Biên Phủ.  

           
Chi hội Văn nghệ Liên khu III (Thanh Hóa - 1950)
             Lộng Chương đứng thứ hai trái sang

          A
nh Lộng Chương ngỏ ý xin một cán bộ nữ làm diễn viên, anh Nghị bảo: "Các anh cứ tìm, cần ai, Khu ủy sẽ điều ngay, bất cứ đồng chí đó ở cương vị nào". Tôi nhớ hồi ở trường Đảng Trần Phú, tôi có biết chị Hà Nhân, người Hà Nội ra, học khóa IV, là người văn hóa mới, không phong kiến lắm, lại “co quắp” đúng chất Hà Nội, bèn ngỏ ý xin. Anh Nghị viết ngay thư tay cho Tỉnh ủy Ninh Bình. Tỉnh ủy đồng ý ngay, mặc dù lúc này Hà Nhân đang làm công tác phụ vận, rất được bà con Mường quí mến, vì tính sâu sát của chị (lộ bí mật: lúc ấy Hà Nhân đã nói tiếng dân tộc khá thạo và hút thuốc lào sòng sọc không thua kém bất cứ ai). Cái sốt rừng lúc đó làm chị bủng beo và sồ sề ra. Chúng tôi còn xin thêm được chị Hoàng Thi, người Hải Phòng, chuyên hát ca cảnh "Ánh trăng trắng ngà, có cây đa to…” trong đoàn văn công nữ, Chiến khu Ba cũ. Sau lại có thêm anh Trần Hoàn và Huyền Kiêu nữa.
Thế là đoàn chúng tôi đã đủ mạnh để có thể diễn cả vở ngắn lẫn vở dài. Rồi cần hát sô lô thì có: Trần Hoàn và Phùng Văn Thái... lúc nào cũng sẵn sàng cái ghi ta.
Rất nhiều chuyện từ nhỏ đến lớn về anh để có thể khái quát lại: Anh Lộng Chương là một con người hào hoa, kiêm ái, luôn luôn có tác phong gương mẫu như một chính ủy, mặc dầu anh chưa bao giờ làm chính ủy. Tôi thường được nghe ông A, ông B thuyết giảng là phải thương yêu đồng chí mà chẳng bao giờ thấy các ông ấy quan tâm đến đời sống của chúng tôi. Còn anh Lộng Chương thì biết rất rõ từng ngày, từng tháng của chúng tôi qua đi như thế nào; biết con cái chúng tôi, thằng Mít, thằng Soài đứa nào học hành, công tác, dựng vợ gả chồng ra sao. Anh thật sự nhường cơm, xẻ áo, theo nghĩa đen, và thật sự "lo cái lo, mừng cái mừng" của chúng tôi một cách tự nhiên như ăn cơm, uống nước, không cần người ngoài cuộc biết đến.
Người trong và ngoài giới sân khấu chỉ biết anh là nhà viết kịch chứ không mấy ai biết anh là nhà hoạt động sân khấu. Tôi nói "nhà hoạt động sân khấu" vì anh là người đã góp công đào tạo diễn viên và dựng nên nhiều đoàn sân khấu từ con số 0. Đoàn chèo Cổ Phong (sau này là chèo Hà Tây) chẳng hạn. Rồi Đoàn kịch Thanh niên Hà Nội, Đoàn kịch Công nhân Hà Nội, Đoàn kịch Thanh Hóa, Đoàn chèo Nam Hà v.v...  
        
NVK Lộng Chương gặp gỡ bạn 
cùng hoạt động Liên khu III
    

Anh lại trực tiếp đạo diễn nhiều vở: Xúy Vân (của Nam Hà), Nắng (của Hà Bắc); dựng kịch cho Thái Bình, Thanh Hóa; dựng chèo cho Hải Phòng, Hải Hưng, Hà Bắc, Hoàng Liên Sơn... mà lâu ngày tôi quên mất tên vở. Như vậy, đã có thể coi anh là một trong những ông trùm lão thành của làng sân khấu hay chưa? Nhiều người chỉ biết anh là tác giả của nhiều vở kịch dài hơi, nhưng mấy ai biết anh còn là tác giả của rất nhiều kịch ngắn. Ngoài những vở ngắn - vừa như Lý Thới, Hỏi vợ, Người nữ tự vệ áo trắng, Úng... anh còn viết rất nhiều vở truyền thanh, đảm bảo cho chương trình binh vận hàng tuần trên làn sóng Tiếng nói Việt Nam, mà anh gọi là kịch tương thanh: chỉ hai nhân vật và không quá 25 phút. Anh động viên tôi viết, nhưng cố lắm, tôi cũng chỉ góp được một vở "Quẻ bói cuối cùng”. Thế mà, hầu như tuần nào anh cũng có góp phần. Bây giờ, ngồi nhẩm tính, loại kịch này anh đã viết ra ít nhất cũng vài trăm. Có những vở sâu sắc như "Bầu bán" chẳng hạn. Có nhảy xuống nước bơi mới biết tài đồng đội. Riêng tôi, tôi bái phục ông lão «tốt nái và mắn đẻ thật!».
Tôi thường đến anh, lặng lẽ ngồi ngắm cái bàn viết của anh. Trên mặt bàn, bên phải là cái máy chữ xách tay cùng giấy pơ luya, giấy than. Trước mặt: giá bút, dao kéo và lọ hồ (để cắt dán những chỗ sửa chữa trong các bản viết tay). Bên trái anh là cái blocnote để anh ghi công việc hàng ngày và kẹp các thứ giấy mời (anh được quá nhiều nơi mời). Hàng tuần, từ thứ hai đến thứ năm, anh viết tác phẩm (cả ngày và đêm). Thứ sáu, anh viết các loạì "lý sự”: bài báo, chuyên luận, hồi ký v.v... Thứ bảy, tiếp các bạn trẻ đến nhờ anh góp ý kịch bản (hoặc anh dành thì giờ sửa giúp kịch bản). Chủ nhật, anh viết tiết mục (anh quan niệm: tác phẩm là loại "sống lâu" như Quẫn, Cửa mở hé, Quẫy... còn tiết mục là loại phục vụ kịp thời như Bầu bán, Người nữ tự vệ áo trắng, Hỏi vợ… gần đúng như cách phân biệt “hàng thửa" và "hàng chợ” của cụ Yên Đổ ngày xưa.
Anh ăn uống thật đạm bạc nhưng không chịu được bữa cơm cẩu thả. Vì thế, không một ai chiều nổi anh ngoài chị ấy, một người vợ hiền, thật sự hiền của anh.
Anh có thú uống rượu và có những bữa rượu đã đưa anh vào giai thoại, nhưng anh không bê tha. Có rượu ngon, bạn tốt thì uống chơi, be sành, chén sứt cũng quí. Còn rượu xoàng, bạn rởm thì thôi, dù bát ngọc mâm vàng cũng không thiết. Đúng như lời thơ xưa:
Rượu ngon thì uống chơi
Rượu xoàng thì tớ thôi...
Nhiều người chỉ biết anh là người viết hài kịch mà không hề biết anh còn viết cả bi kịch, chính kịch, như loại Du kích thôn Đồi, Đòi con... Anh còn viết cả chèo (Đôi mắt cô Tơ, Cánh chim luân lạc) cải lương (Tình sử A nàng), tuồng (Mỵ Châu - Trọng Thủy)... Chính mắt tôi trông thấy chồng bản thảo của anh, riêng loại dài hơi và đặc biệt loại bi kịch và chính kịch cũng đã vượt trên con số một trăm.
Anh bông phèng cả ngày nhưng cuộc sống thật nghiêm nghị, nghiêm nghị đến  thành "tích". Có những lần đi thực tế, tiếp xúc với lãnh dạo địa phương, các cô bạn viết trẻ hàng ngày chuyện gẫu, tán như mụ dạy, ma "làm", thế mà ngồi bên anh, đố có dám toe toét. Hỏi ra mới biết vì họ sợ "cụ". Cụ đây là cụ Lộng, mặc dầu, cụ luôn luôn kính trọng phụ nữ, dành cho họ nhiều ưu ái nhất, chưa bao giờ nói nặng với một người nào (may mà họ không xem anh là cụ "Khốt"). Tôi không phải là phụ nữ nên không thể nói ra được phản cảm trong lòng họ. Có lẽ phải nhờ nữ đạo diễn Hà Nhân, nguyên Cục trưởng Cục Nghệ thuật, chắc trong vòng 40 năm qua, chị cảm nhận được ở cụ nhiều điều đặc biệt…
Người đi xem sân khấu luôn luôn nhận ra bút pháp và phong cách Lộng Chương nhưng mới chỉ thầy cái vị chua cay, khinh bạc.
Vâng, có đấy. Giọng điệu Lộng Chương là giọng điệu chua cay, khinh bạc; Nhất là giọng điệu ấy lại được các nghệ sĩ tài năng như Song Kim, Thu Hà, Chu Xuân Hoan, Ngô Cừ thể hiện thì càng rõ nét thêm.
Anh thường nói với tôi là anh học tập Molie trong cách viết và khuyên chúng tôi nên học Molie. Nhưng theo tôi, đó chỉ là cách nói khiêm vì anh là Lộng Chương, hậu thân của Sai Ất hoặc Từ Đạo Hạnh, chứ trong người anh không có pha một chút máu Tây nào.
Trước năm 40 tuổi, anh viết hài kịch với tất cả thái độ căm giận, đánh một hèo chết tươi đối với những bệnh hoạn cuộc đời "đã đáng chết mà vẫn còn đang sống" nhăn răng ra đấy.
Sau cái tuổi "bất hoặc", mỗi năm, anh viết một chín hơn. Đằng sau tiếng cười sâu cay, dữ dội, người xem còn cảm nhận được tấm lòng thương xót những số phận con người muốn hướng thiện, muốn đi lên cái tốt, cái đẹp thật viên mãn.
Hãy đọc lại những phóng sự Hầu thánh (1944), Đò dọc (1948), chúng ta thấy anh thật quyết liệt, đánh giập, đánh vùi, vạch mặt những kẻ hư hỏng không một chút tiếc  thương.
Nhưng đến Quẫn (1959) và Cửa mở hé (1971) chúng ta đã thấy anh ưu ái các nhân vật, kể cả các nhân vật tiêu cực, vì anh xem họ chỉ là nạn nhân của thế kỷ. Trong Ngã, anh đau, anh khóc một bạn nghề. Vì thế, tiếng cười của anh thường tiếp cận với tiếng nấc nghẹn ngào.
Là người có nhiều đóng góp cho sân khấu cách mạng, từ sáng tạo đến đào tạo xây dựng, anh cười cợt và nói bông cả ngày, cả tháng, nhưng tôi dám đánh cuộc với bất cứ ai phát hiện được một sự lệch lạc ở anh về tiền bạc, về đàn bà hoặc về chấp hành công tác trong suốt nửa thế kỷ qua.
Đó là những vấn đề tôi nêu lên để đề nghị các bạn đọc thẩm tra và phán xét cho thật đúng về anh.
Ngày 22 tháng 9 năm 1992

NVK Lộng Chương (ngồi chính giữa)
cùng Đoàn kịch Công Nhân Hà Nội

(*) Tập Hài kịch Lộng Chương - Nxb Sân khấu, 1992; Sách “Lộng Chương trong trái tim bè bạn”, Nxb Hội Nhà văn, 2013.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét