Thứ Sáu, 15 tháng 8, 2014

LỘNG CHƯƠNG VÀ NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA ÔNG CHO NỀN KỊCH HIỆN ĐẠI VIỆT NAM(*)

TS. Phan Trọng Thưởng
Viện Phó Viện Văn học(**)            
Nhà hoạt động sân khấu 
Lộng Chương
                Là một người nghiên cứu văn học, có thiên hướng đi sâu vào văn học kịch, tôi biết đến tên tuổi và sự nghiệp của Lộng Chương đã lâu. 
Nhưng quả thực, cho đến tận lúc chuẩn bị viết bài này, tôi mới có dịp được đọc cuốn tiểu thuyết phóng sự Hầu Thánh do nhà xuất bản Cộng Lực, Hà Nội xuất bản năm 1942 (Nxb Hà Nội in lại năm 1990). 
           Hình như ông và một vài đồng nghiệp thế hệ ông (như Học Phi chẳng hạn) có một điểm chung là trước khi viết kịch đều đã thử bút ở những lĩnh vực sáng tác khác. Đọc cuốn tiểu thuyết của ông tôi càng có lý do để hiểu rõ thêm về sở trường, tư chất và phong cách riêng được thể hiện rõ trong quá trình sáng tác kịch - sự nghiệp chính làm nên thành tựu, bản sắc, tài năng và nhân cách nghệ sĩ của ông từ Cách mạng tháng Tám đến nay.
          Nếu chỉ giới hạn trong đội ngũ văn nghệ sĩ Cách mạng trưởng thành từ kháng chiến chống Pháp, thế hệ của những nghệ sĩ như Lộng Chương, Học Phi, Bưu Tiến, Nguyễn Văn Niêm… có thể coi là thế hệ kịch tác gia đầu tiên - những bậc tiên chỉ của giới viết kịch. 
TS. Phan Trọng Thưởng

Nhưng nếu tính từ khi hình thành kịch nói ở Việt Nam với vai trò mở đầu của Vũ Đình Long qua vở Chén thuốc độc (1921) thì thế hệ các ông cũng mới chỉ là thế hệ thứ hai, thứ ba gì đó. Trước các ông, tên tuổi của Vũ Đình Long, Nguyễn Hữu Kim, Vi Huyền Đắc, Lê Công Đắc, Nam Xương, Khái Hưng, Vũ Trọng Phụng, Đoàn Phú Tứ v.v.. đã lừng lẫy trên kịch trường và trên văn đàn. Nói như vậy để thấy trước, thấy sau và thấy vai trò tiên phong, vai trò mở đầu của thế hệ các nhà viết kịch như Lộng Chương trong nền kịch Cách mạng. Cho đến nay, vì tuổi cao, sức yếu, lực bất tòng tâm, ông không còn sáng tác nhiều, nhanh như những năm trước đây; cũng không còn tham gia gắn bó nhiều với phong trào sân khấu. Nhưng, nhắc đến tên tuổi ông, ai cũng phải nể trọng, tâm phục. Tuy cái vẻ trịch thượng, kiêu bạc, cái tính bộc trực thẳng thắn của ông có làm cho người này, người kia đôi lúc phải mếch lòng, e sợ, nhất là đối với những nghệ sĩ trẻ; nhưng trong thâm tâm, họ vẫn coi ông ngang với những bậc công thần, trưởng lão, vai trên cả với những người quyền cao chức trọng trong giới sân khấu. Bởi vì ai cũng hiểu, sự khắt khe của ông về việc này, việc kia, người này, người kia chẳng qua cũng chỉ là vì ông muốn có một nhân cách nghệ sĩ, một nền nghệ thuật sân khấu như ông hằng kì vọng. Có lẽ, đối với những nghệ sĩ như ông, ý thức về quyền uy không chỉ đơn giản là ý thức về quá trình hoạt động và cống hiến của ông cho nhiều đơn vị nghệ thuật và nền sân khấu nói chung, mà còn là ý thức về tài năng, nhân cách, ý thức về sự lịch lãm từng trải trong nghề. Đôi lúc, ta có cảm giác như ông coi những thế hệ đàn em phải biết đến ông như một ý thức về khuôn phép, còn ông thì không cần biết đến họ. Ông khó chiều cả trong ẩm thực hàng ngày. Riêng sở thích uống rượu của ông, ta cũng thấy có đôi chút lọc lõi, sành điệu kiểu như cố Nhà văn Nguyễn Tuân. Vẻ ngoài thì thế, nhưng thực ra, ông là người ưu ái, đôn hậu. Cái vị chua cay, khinh bạc mà GS Hà Văn Cầu xác nhận là có trong giọng điệu và bút pháp của ông, đôi lúc có cả trong lời nói châm chọc hàng ngày. Song cái Tâm của ông lại luôn hướng đến cái Thiện, cái Mĩ. Là một nghệ sĩ có cá tính, nhưng ông sống mực thước đến mức chính GS Hà Văn Cầu thách đố ai "phát hiện được một sự lệch lạc ở anh về tiền nong, đàn bà, và ý thức chấp hành kỷ luật trong suốt nửa thế kỷ qua". Lời thách đố đó đương nhiên không kích thích chúng ta tìm kiếm những khiếm khuyết nơi ông. Nó chỉ làm chúng ta yên tâm hơn để tin vào một bản lĩnh nghệ sĩ, một nhân cách nghệ sĩ rất đáng nể trọng.
                                                                         *        *        *
Khi viết Lời Bạt cho tập Hài kịch Lộng Chương do Nxb Sân khấu cho ra mắt bạn đọc vào năm 1992, GS Hà Văn Cầu đã bày tỏ sự cung kính và thái độ hết sức khiêm nhường: “Thật ra, tôi chưa phải là người đáng mặt viết Lời Bạt cho Nhà viết kịch Lộng Chương. Nhưng vì được đông đảo anh chị em, bạn bè, cùng được anh Lộng Chương “cầm tay dạy chữ” uỷ thác, nên tôi viết ít dòng tâm đắc về anh" (tr276). Thực ra, vì yêu quý, nể trọng Lộng Chương mà GS Hà Văn Cầu quá lời vậy thôi, chứ vị thế như ông mà chưa "đáng mặt” thì còn ai mạo muội, chơi chèo. Ngay cả khi ông lấy câu trong sách cổ "Nam giả lộng chương, nữ giả lộng ngọc” để cắt nghĩa, giải thích bút hiệu và cốt cách của Lộng Chương đã đủ cho thấy ông am hiểu về người thầy, người anh, người đồng hành trong suốt chặng đường dài hoạt động nghệ thuật sân khấu của mình như thế nào rồi. Chính thái độ dè dặt, cung kính của GS Hà Văn Cầu đã nhắc chừng chúng tôi - những người mới chỉ biết chưa đầy đủ về Lộng Chương qua đọc kịch bản, qua nghe kịch truyền thanh và xem diễn vài lần trên sân khấu - rằng viết về Lộng Chương khó biết bao! Nếu chỉ kể lể công lao, thành tích của ông, chắc gì đã cần đến chúng tôi, những người làm nghiên cứu văn học, những kẻ ngoại đạo. Nghĩ thế nên những gì chúng tôi viết về ông ở đây cũng chỉ tự giới hạn ở phạm vi nghiên cứu văn học kịch. Để có sự đánh giá thật đầy đủ, toàn diện về sáng tác của Lộng Chương, tôi nghĩ, còn cần phải có sự bổ khuyết của giới nghiên cứu sân khấu.
Lộng Chương 
(Ký họa của HS Hoàng Lập Ngôn)
Như nhiều kịch tác gia trong nền kịch Cách mạng, thời gian cầm bút của Lộng Chương gắn liền với hai cuộc kháng chiến trường kì và anh dũng của dân tộc. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, trong 9 năm chống Pháp, Lộng Chương sáng tác 17 vở kịch, trong đó có những vở ghi đậm dấu ấn lên quá trình sáng tác của ông, được nhiều người biết đến như: Lí Thới (1948), Du kích thôn Đồi (1952), Chiến đấu trong lòng địch (1954), Đoàn quân tóc trắng (1954) v.v.. Công bằng mà nói, các vở kịch trong thời kì đầu kháng chiến chống Pháp nói chung và các vở kịch của Lộng Chương sáng tác trong thời kì này nói riêng, chưa phải là những vở đặc sắc về nghệ thuật, thể hiện rõ phong cách riêng của tác giả. Giá trị của những vở kịch này trước hết thể hiện ở tinh thần công dân, ý thức của một nghệ sĩ nhập cuộc một cách tích cực vào sự nghiệp chung của dân tộc. Tuy ở Lộng Chương không diễn ra quá trình "nhận đường" để đến với cách mạng, với kháng chiến như nhiều nghệ sĩ cùng thời, nhất là những nghệ sĩ thuộc các trào lưu, khuynh hướng văn chương lãng mạn trước Cách mạng, nhưng để có được những vở kịch như Lí Thới Du kích thôn Đồi, ông đã phải gắn bó với thực tiễn kháng chiến, lăn lộn với các phong trào cách mạng ở vùng địch hậu khu III. Mỗi câu chuyện nhỏ ở một làng quê, những chi tiết nhỏ của đời sống kháng chiến đều được ông ghi lại trong các vở kịch của mình. Đặc biệt là chân dung của bọn Việt gian theo chân kẻ địch để phản quốc hại dân đã bị ông phơi bày, lột mặt. Có thể xem những buổi diễn các vở kịch của ông là một sinh hoạt của đời sống kháng chiến, qua đó không chỉ củng cố được tình đoàn kết chiến đấu, biểu dương kịp thời những hành động cách mạng, mà còn động viên cổ vũ, khích lệ kịp thời ý thức đấu tranh của quần chúng vì sự nghiệp Cách mạng, mà ở đó quyền lợi mỗi cá nhân và quyền lợi của dân tộc thống nhất với nhau. Từ một phương diện khác, các vở kịch của ông cũng là một lời cảnh cáo, răn đe, một đòn tấn công vào hàng ngũ địch. Đồng bọn của Lí Thới nếu được xem vở kịch chắc không thể yên ổn trước bản án mà nhân dân dành cho chúng.
          Ngoài hoạt động sáng tác, từ những năm đầu sau Cách mạng tháng Tám, ông đã tham gia hoạt động trong các Ban kịch và trở thành người sáng lập các Ban kịch Bình Dân, Đội kịch Duyên Hải, Đội kịch báo Công Dân (Nam Định kháng chiến) v.v... Chính từ các hoạt động có tính chất quần chúng này, ông tự gắn mình với phong trào sân khấu và trở thành một hạt nhân của nền kịch Cách mạng những năm sau này. Cũng như nhiều trường hợp khác, ông xuất thân không phải từ văn chương, nghệ thuật, mà từ một công chức làm điều chế hóa học dưới chế độ cũ. Nhưng nhờ đi với Cách mạng, gắn liền với kháng chiến và tự nguyện phục vụ kháng chiến mà ông viết văn, viết kịch và trở thành nghệ sĩ. Có lẽ đó cũng không phải là con đường riêng của ông, mà là con đường gần như phổ biến, tất yếu cho tất cả các nghệ sĩ của chúng ta. Bây giờ nhìn lại, chúng ta xác định đó là công lao, là cống hiến, nhưng vào thời điểm đó, gắn mình với kháng chiến như Lộng Chương chẳng phải do ai giao nhiệm vụ, mà là một ý thức tự giác, một tâm nguyện, một tình cảm tự nhiên. Tinh thần công dân dường như đã vượt lên trên cả tài năng, cả sở trường của mỗi người, và vì thế mà trong mỗi vở kịch, mỗi hình tượng, mỗi lời thoại ít thấy những câu nệ, những gọt dũa cầu kì. Đọc những vở kịch viết vào những năm đầu kháng chiến, người ta ít để ý đến mẹo mực, đến kĩ thuật văn chương, đến câu chữ, mà trước tiên người ta bị cuốn hút vào đời sống kháng chiến, sinh hoạt kháng chiến và đặc biệt là tình cảm kháng chiến - một tình cảm hồn nhiên, bồng bột mà chân thành, dường như khó thấy lặp lại ở các giai đoạn sau này.
          Hòa bình lập lại, miền Bắc bắt tay vào công cuộc xây dựng chế độ mới, nhưng miền Nam còn bị chia cắt, nằm trong tay kẻ thù. Trước ngổn ngang những khó khăn của đất nước trong hiện tình mới, một cuộc đấu tranh không kém phần phức tạp đã diễn ra: đấu tranh chống cưỡng ép di cư. Chính cuộc đấu tranh này đã trở thành đề tài thu hút nhiều cây bút tham gia và để lại những tác phẩm đáng ghi nhớ như Việt ơi của Bửu Tiến, Nhỡ chuyến tàu bay, Ma hiện, Giữa đường, Mưu giặc của Lộng Chương.
Tôi đồng ý với nhận xét của một tác giả nào đó rằng "Xét ở góc độ nghệ thuật, những vở kịch này chưa phải là những vở có sức sống lâu dài". Nhưng ở một góc độ khác, đây lại là những chứng tích cho thái độ sống, thái độ chính trị và ý thức gắn bó với những vấn đề lớn của đất nước ở mỗi nghệ sĩ. Vả lại, đối với một tác phẩm nghệ thuật, nhiều khi xét giá trị của nó lại phải đặt vào từng thời điểm cụ thể, từng hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Bởi vì sức sống của mỗi tác phẩm và giá trị của nó nhiều khi không đồng nhất với nhau. Mỗi màn kịch ngắn của Lộng Chương được diễn trên sân khấu, phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam hoặc in ra vào thời điểm này là một lời kêu gọi, một lời cảnh tỉnh cho những ai còn u mê, mù quáng tin vào luận điệu của địch.
Ngoài sáng tác, ông còn trực tiếp đảm nhiệm nhiều vai diễn. Dường như đến giai đoạn này, tư chất và phong cách riêng của ông vẫn chưa bộc lộ hết và chưa định hình. Sáng tác đối với ông dường như vẫn chỉ là phương tiện vận động, tuyên truyền. Các vở kịch của ông phần nhiều vẫn mang tính chất hoạt cảnh, vừa gọn nhẹ về cấu trúc, vừa dễ dàn dựng, dễ biểu diễn và dễ lưu động. Nổi lên hàng đầu những vở kịch này là tính thời sự. Mỗi vở hướng trực diện vào một vấn đề đang diễn ra, đang cần một phương châm xử thế, một câu trả lời. Sự mau mắn của nhà nghệ sĩ trong trường hợp này là ý chí chiến đấu, là tinh thần tiến công kẻ địch mà mỗi người cầm bút tự ý thức được. Như xác nhận của GS Hà Văn Cầu, đó cũng là một thế mạnh, một lí do để đồng nghiệp khâm phục ông.
Những ấn phẩm in sáng tác của NVK Lộng Chương
và những ấn phẩm viết về ông
Từ 1960 trở đi, có thể xem là một giai đoạn mới trong quá trình sáng tác của Lộng Chương, tuy ông vẫn thủy chung, gắn bó với thực tiễn đấu tranh và xây dựng đất nước và vì vậy mà kịch của ông vẫn đậm tính thời sự;  nhưng với sự mở đầu của vở Quẫn có thể nói đến một phong cách Lộng Chương, một thể loại hài kịch mà ông là tác gia hàng đầu. Không phải ngẫu nhiên mà có nhà nghiên cứu văn học xem Quẫn là bước ngoặt trong quá trình sáng tác của Lộng Chương. Với vở hài kịch này, ông không chỉ tiếp tục những gì đã có trong các sáng tác của hơn mười năm trước đó, như tinh thần bám sát thực tế, tính thời sự nóng hổi của các sự kiện, các vấn đề v.v... mà còn, lần đầu tiên kết hợp được các yêu cầu trên với một vấn đề có tầm vóc mới, chiều sâu mới, bằng một thể loại nghệ thuật mới. Đó là quá trình tâm lí diễn biến phức tạp, là tinh thần thâm nhập vào tận gốc rễ tư tưởng - một bình diện phản ánh chiều sâu của cuộc đấu tranh giai cấp diễn ra vào thời kì đầu của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội qua cuộc cải tạo tư sản. Cho đến lúc này, chưa chắc ông đã có điều kiện để tiếp xúc nhiều với lí luận mĩ học về cái Hài qua các tài liệu nước ngoài. Nhưng từ thực tế, với sự cảm nhận tinh tường của người nghệ sĩ, ông đã xây dựng được một tình huống hài kịch đặc trưng, vừa phản ánh được mâu thuẫn cơ bản nhất nảy sinh trong quá trình vận động của cách mạng và cuộc sống, vừa cho thấy ông trở lại với những gì đã từng được nhận diện qua cuốn tiểu thuyết phóng sự Hầu Thánh mà ông sáng tác trước Cách mạng. Đó là sự hoàn chỉnh trong nghệ thuật dẫn truyện và khắc họa hình tượng, là bút pháp hài hước, trào lộng gần như được thiên phú nơi ông. Có lẽ vì thế mà một trong những công trình lịch sử kịch nói Việt Nam từ 1945 đến 1975 các tác giả đã cho tên tuổi Lộng Chương gắn liền với vở Quẫn và gắn liền với hài kịch hiện đại. Giá trị của nó không chỉ xác định ở đề tài, ở nội dung mà còn được xác định cả ở bình diện nghệ thuật như cấu trúc thể loại, đặc trưng hài kịch, nghệ thuật tạo tình huống và bút pháp miêu tả tâm lí v.v… Vốn sống của nhà nghệ sĩ trong trường hợp này không phải chỉ đơn thuần là những gì ông ghi nhận được từ thực tại một cách khách quan trung thực, mà còn là sự kinh lịch, nếm trải, ở sự nghiền ngẫm, phân tích, ở khả nâng thâm nhập vào thế giới tâm lí của một kiểu người, lớp người, trước biến cố của Cách mạng, tỏ ra thông hiểu đời sống của các cá nhân và gia đình tư sản từ những nghi thức giao tiếp và những hành vi biểu hiện ra bên ngoài, đến những suy tư, toan tính, dự liệu diễn ra trong chiều sâu tâm lí và tư tưởng của họ. Đến mức, nhiều khi đọc một cảnh, một hồi nào đó, ta như vẫn thấy lẩn khuất sau mỗi lời thoại hình bóng tác giả, vừa như đang đăm chiêu theo dõi nhân vật của mình, vừa như đang nhếch mép cười vì đã quá hiểu y sẽ nghĩ những gì và làm như thế nào. Sự can thiệp vô hình của tác giả vào hành vi và suy nghĩ của nhân vật khiến ta có cảm giác như nhân vật là một con rối trên sàn diễn đang được bài trí, sắp đặt. Song, không hề vì thế mà những tình huống kịch do ông dẫn dắt, hành động kịch do ông xây dựng trở nên lộ liễu, giả tạo, mất tự nhiên. Dễ hiểu là vì sao vở kịch được trình diễn nhiều đêm trên sân khấu, được phát nhiều lần qua Đài Tiếng nói Việt Nam mà công chúng vẫn không cảm thấy nhàm chán. Tất nhiên, ở đây còn phải kể đến một lí do khác là nghệ thuật dàn dựng và diễn xuất của các nghệ sĩ sân khấu. Có thể nói, Quẫn gắn với Lộng Chương như thế nào thì nhân vật Đại Lợi của vở kịch này cũng gắn nghệ thuật diễn xuất của Nghệ sĩ nhân dân Song Kim như thế.
Trong khi viết lời Giáo đầu cho vở Quẫn, Lộng Chương đã cho thấy phần nào quan điểm của ông về vấn đế xây dựng nghệ thuật kịch nói Việt Nam, đặc biệt là hài kịch. Ông thừa nhận trong khi sáng tạo vở Quẫn, ông đã tiếp thu và vận dụng một số đặc điểm, thủ pháp của Chèo cổ, đặc biệt là thủ pháp xây dựng các vai Hề để tạo nên “sự giao lưu thoải mái giữa các vai trò với khán giả". Nếu đây là thể nghiệm đầu tiên thì cũng có thể xem là thành công đầu tiên của ông trong việc khai thác tinh hoa nghệ thuật truyền thống, tiếp thu có chọn lọc và sáng tạo để xây dựng nghệ thuật hiện đại. Sự vận dụng thành công thi pháp kịch hát truyền thống vào vở Quẫn quả đã không phụ tình của ông đối với Chèo - một lĩnh vực mà ông dành không ít thời gian và tâm huyết, cùng với một số nghệ sĩ khác như Trần Huyền Trân, Lưu Quang Thuận, Nguyễn Đình Hàm.v.v.. đã dày công nghiên cứu, sưu tập để làm vốn cho các thế hệ sau này.
          Từ Quẫn đến vở Quẫy (Hài kịch viết xong năm 1983) đối với Lộng Chương là cả một giai đoạn sáng tác dài hơn hai mươi năm. Trong giai đoạn này ông viết nhiều thể loại: kịch ngắn, kịch dài, kịch truyền thanh, hoạt cảnh, đặc biệt là những hoạt cảnh phục vụ cho chương trình binh vận, phát hàng tuần trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Theo ước tính của GS Hà Văn Cầu, tổng cộng "có đến vài trăm vở, riêng loại dài hơi, đặc biệt loại bi kịch và chính kịch cũng đã vượt trên con số một trăm". Nhưng từ trong ý thức của mình, ông đã tự phân biệt sáng tác của mình ra thành hai loại: Tác phẩm như Quẫn, Cửa hé mở,  Quẫy... còn Tiết mục là các màn kịch ngắn, các hoạt cảnh phục vụ yêu cầu có tính chất thời sự của đời sống sản xuất và chiến đấu. Bản thân sự phân biệt này đã xác định rõ tư cách của người nghệ sĩ, ý thức công dân và trách nhiệm của người cầm bút lao động nghệ thuật trong một hoàn cảnh không ít những đơn đặt hàng của thực tế. Trong khi lặng lẽ nghiền ngẫm chuẩn bị cho những tác phẩm mà ông đầu tư hứng thú sáng tạo, ông vẫn không khước từ một đòi hỏi ngay, kịp thời của phong trào sản xuất ở địa phương như: Hỏi vợ, Yếm bùa trừ sâu, Úng, Mối lo của cụ Cửu, Người nữ tự vệ áo trắng, Bầu bán.v.v… Có thể nói giai đoạn sáng tác này của ông là cả một chuỗi cười nhiều cung bậc: Cười mỉa mai, châm biếm trong Quẫn; cười đả kích, chế giễu trong Cửa mở hé; cười vui, hóm hỉnh, đầy thiện ý xây dựng như trong các vở hài kịch: Hỏi vợ, Yểm bùa trừ sâu, Úng.v.v…
          Khảo sát quá trình sáng tác của Lộng Chương, đặc biệt là đọc kịch của ông, ta thấy nổi lên hàng đầu là yếu tố thời sự và yếu tố hài hước trào lộng. Hai yếu tố này có lúc hòa quyện vào nhau, thống nhất với nhau, nhưng cũng có lúc yếu tố này trội lên so với yếu tố kia. Nhất là trong các trường hợp công kích vào tư tưởng hủ bại, vào lối nghĩ, lối sống không còn phù hợp với xã hội đương đại, thì tiếng cười của ông chiếm vị trí chủ đạo. Trong trường hợp này không còn là tiếng cười mách bảo để xây dựng và hoàn thiện nữa, mà là tiếng cười phủ định đối với một thói tật không còn cơ sống, cơ tồn tại. C.Mác đã có lần giải thích sự cần thiết của Hài kịch vì nó là cách: "để cho loài người từ biệt một cách vui vẻ quá khứ của mình" (Góp phần phê phán Triết học pháp quyền của Hegen - Nxb. Sự thật - 1977 - tr19). Có thể nói, từ 1960 trở đi, phong cách sáng tác của Lộng Chương đã định hình: phong cách hài hoặc trào lộng. Sở trường của ngòi bút ông như cũng đã được bộc lộ. Tuy ông vẫn sáng tác cả kịch thơ (A Nàng), chèo (Đôi mắt cô Tơ, Cánh chim luân lạc.. .), tuồng (Mỵ Châu - Trọng Thủy), cả bi kịch lẫn chính kịch... Nhưng Hài kịch dường như vẫn là thể loại mà ông tâm đắc nhất. Sẽ không cường điệu khi gọi ông là Danh thủ Hài kịch. Và vì thế mà trong giới viết kịch cũng như giới hoạt động sân khấu nói chung vẫn coi ông là người có đóng góp hàng đầu cho thể Hài kịch Việt Nam hiện đại.
 Sẽ là không đầy đủ nếu viết về Lộng Chương mà lại bỏ sót phần công lao, tâm huyết của ông đối với nghệ thuật Chèo. Tôi nhớ một lần đến thăm Trần Huyền Trân vào tháng 3 năm 1986, ông cho biết vào những năm đầu sau hòa bình lập lại, ông (Trần Huyền Trân) cùng với Lộng Chương, Lưu Quang Thuận, Nguyễn Đình Hàm... đã dày công tìm kiếm, sưu tập một khối lượng lớn các tích chèo cổ. Nhiều vở đã được các ông khảo tả kĩ, chỉnh lí và bổ sung trước khi xuất bản. Nhiều tiết mục đã được chọn để dàn dựng cho các đoàn chèo ở Trung ương và Hà Nội. Cùng với các nghệ nhân chèo nổi tiếng như Năm Ngũ, Cả Tam, Trùm Thịnh, Hoa Tâm... các ông đã tiến hành khôi phục lại các làn điệu, hình thức, các miếng chèo đã trở thành mẫu mực nghệ thuật, để truyền thụ cho các thế hệ đi sau. Khi thấy cần phải có một đơn vị nghệ thuật để thể nghiệm, nghiên cứu bài bản vũ điệu chèo, dựng lại những miếng trò "độc nhất vô nhị” trong nghệ thuật chèo truyền thống để giới thiệu với bè bạn quốc tế, lại chính các ông đã bỏ cả tiền túi ra để lập Đoàn chèo Cổ Phong. Sau này, khi có dịp đọc Tuyển tập Chèo cổ (Nxb Văn hóa 1976) và tập Tích cố viết lại (Nxb Văn hoá 1982), trong đó có hai bài khảo luận của Lộng Chương, tôi mới được dịp kiểm định lại những gì ông đã thổ lộ khi viết vở Quẫn mà ở trên tôi vừa đề cập tới. Sự am hiểu sâu sắc của ông về nghệ thuật chèo và công phu nghiên cứu của ông khiến tôi cảm phục vị nể. Dù chưa hẳn chỉ là duyên nợ riêng, tâm huyết riêng, tình cảm riêng với nghệ thuật chèo, mà còn là trách nhiệm nghệ sĩ, là ý thức trân trọng những di sản văn hóa nghệ thuật đẹp đẽ kết tinh từ hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trong lúc nghệ thuật chèo đang đứng trước thách thức của công chúng đương đại; trong lúc không ít người chủ trương cải biên nó thành một thứ nghệ thuật lai căng, gàn dở, thấp kém, nhắc lại công lao và tâm huyết của các ông, thiết nghĩ cũng là nhắc lại một bài học, nêu lại một tấm gương thủy chung với nghệ thuật dân tộc.
Với tư cách là Uỷ viên Thường vụ Hội NSSK Việt Nam từ 1958 đến 1983, cũng như với tư cách là một nghệ sĩ sáng tác, một đạo diễn, một diễn viên và một người nghiên cứu sân khấu, trong suốt thời gian dài hoạt động của mình, Lộng Chương đã cống hiến tài năng, sức lực và tâm huyết không chỉ cho nghệ thuật nói chung, mà còn cho nhiều đơn vị sân khấu, những đoàn văn công ở Trung ương và địa phương. Cho dù tính khí của ông có làm cho người này người kia không khỏi đôi lúc chạnh lòng, thậm chí e ngại, thì phần công lao đóng góp của ông cho nền kịch Việt Nam hiện đại vẫn cần phải được minh định công bằng. Chỉ riêng việc sưu tầm cho đầy đủ các sáng tác của ông cũng là điều đáng làm và phải làm ngay rồi!
Hà Nội, tháng 3 - 1997
____________________________
(*) Sách “Kịch Lộng Chương”, Nxb Văn học, 1997; Sách “Lộng Chương trong trái tim bè bạn”, Nxb Hội Nhà văn, 2013.
(**) Nay là TS Phan Trọng Thưởng - Viện Trưởng Viện Văn học





























Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét