Thứ Sáu, 15 tháng 8, 2014

GIẤU RUỘNG(*)

Kịch một màn.
 Sáng tác hướng về chính sách thuế nông nghiệp; thực hiện lời thách thi đua tại Hội nghị Văn nghệ toàn Liên khu III tháng 10-1951
                                                                      Nhân vật

Ông Phiến                  Phú nông (hơn 50 tuổi)
Bà Phiến                    Trạc tuổi chồng
Cò Đối                        Con nuôi ông bà Phiến
Anh Khanh                Bộ đội (con trai ông bà Phiến - 22 tuổi)
Kịch xảy ra tại nhà ông Phiến vào một buổi chiều gần tối
                                                                 MỞ MÀN

 Ông Phiến vẻ mặt hậm hực, kéo điếu hút thuốc. Bên ngoài có tiếng cò Đối: Anh cứ sang trước đi. Tôi phơi nốt đấu thóc để cho người ta sắp đến đong, rồi tôi sang ngay!

Ông Phiến: (Dằn mạnh xe điếu xuống bàn) Đối, vào tao bảo!
Tiếng cò Đối bên ngoài: Ông bảo gì ạ? Con đang dở tay một tí.
Ông Phiến: Hãy để đấy vào đây đã… Hừ!
(Thêm cò Đối)
Cò Đối: (Đi vào tay còn xách thúng) Gì đấy ông?
Ông Phiến: Công việc của mi thì mi cứ là biết làm thôi. Sao lại cứ xoen xoét cái mồm thế?
Cò Đối: Con xoen xoét gì đâu.
Ông Phiến: Độc một chứng cãi! Mi vừa nói gì với Nhiêu Thích đấy? Mi biết tao phơi thóc làm chi mà mi hồng hộc lên thế?
Cò Đối: Thì con biết thế nào, con cứ nói thực vậy!
Ông Phiến: Ai khiến mi thực. Thực cái gì mà cứ “trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã thông” là nghĩa làm sao? Tao biết là mi manh tâm hại tao.
Cò Đối: Con đâu dám thế.
Ông Phiến: Thôi tôi biết anh rồi. Anh không dụng tâm hại tôi mà vừa rồi anh lại cung khai với thằng Nhiêu là: “Nhà ông tôi đây tất cả số ruộng là 10 mẫu 7 sào… Tao không hiểu mi moi đâu ra để buộc vào cổ tao nhiều ruộng thế?
Cò Đối: Thì đúng thế!
Ông Phiến: Đúng thế nào? Mi làm như tao lú lẫn không còn nhớ là tao có bao nhiêu ruộng nữa! Mà ai khảo đến lượt mi mà mi phải khai cơ chứ?
Cò Đối: Không phải là cái việc khảo. Cái việc là Chính phủ bảo nhân dân phải vận động nhau khai đúng.
Ông Phiến: Đúng thế nào? Dễ thường chúng nó bắt tao thế nào là tao phải nhận thế à? Chúng nó bắt tao có một nghìn mẫu thì tao cũng phải có một nghìn mẫu à?
Cò Đối: Ai lại bắt ông phải có nhiều ruộng đến thế. Con tưởng ông có bao nhiêu ruộng thì con nói bấy nhiêu, con sợ ông quên!
Ông Phiến: Quên! Ai khiến mi nhớ hộ tao? Thật mi không giống thày mi một tí nào. Thày mi trước kia thì thu vén nhặt nhạnh cho tao từng li. Đến mi thì… mi chỉ muốn phá tán cả cơ nghiệp của tao đi, mi mới thỏa.
Cò Đối: Ông cứ nói oan cho con, chứ con làm gì mà phá tán của ông?
Ông Phiến: Lúc nào mi cũng chối được. Tháng trước đóng thóc tạm vay, mi cũng “đâm ba chày củ” vào; đương bảy tạ tư, mi xúi bẩy thằng Nhiêu những gì để nó cứ nhất định bắt tao phải nộp những chín tạ hai. Gần hai tạ thóc của tao, bao nhiêu của?… Mi chối nữa đi!     
Cò Đối: Ông cứ phàn nàn mãi về việc tạm vay. Anh Nhiêu đã chả giải thích, chỗ thóc đó là Chính phủ mới tạm vay, rồi sẽ trừ vào thuế là chi! Mà chiểu theo sản lượng thì số thóc đóng còn hơn thế…
Ông Phiến: Thôi, mi không cần phải giải thích thêm nữa. Mỗi cái là, thằng Nhiêu nó ức tao vừa vừa chứ, thì tao mới chịu được. Gì thì gì, nó cũng chỉ là ở hàng con cháu tao. Mà sao nó không thúc bách cái ông Thông là bố vợ nó đi?
Cò Đối: Anh Nhiêu nào ức ông? Cái việc nó đúng như thế. Ông Thông có ít ruộng hơn nhà ta thì đóng ít là đúng. Nhiệm vụ cán bộ là cứ đúng mà làm. Cảm tình cá nhân thế nào được.
Ông Phiến: Này, mi cũng đừng có mà dạy khôn tao nhé. Tao từng này tuổi đầu, có phải học khôn cũng không phải học đến thứ mi.
Cò Đối: Ông cứ nóng, chứ cái thời buổi dân chủ thì cũng phải cho dân chủ, chứ có phải như cái thời áp bức bóc lột đâu.
Ông Phiến: Mi bảo thế nào là áp bức. Tao áp bức bóc lột gì mi?
Cò Đối: Là con nói cái thằng Tây nó áp bức bóc lột ấy, chứ con có nói gì ông đâu. Cái hồi con còn theo trâu, mỗi lần đổ thuế, lý trưởng hoạch họe bắt đóng bao nhiêu là cứ phải đóng, chả ai dám kêu ca!         
Ông Phiến: Chuyện, vì thế mới phải đánh Tây.
Cò Đối: Thì vậy, muốn đánh chết hết thực dân Tây thì bộ đội phải có đủ lương thực mới đánh được. Anh Cả mỗi lần nghỉ phép về, chả vẫn thường nói thế là chi.
Ông Phiến: Tao biết rồi! Tao đã bảo là tao biết thừa ra rồi. Mi đừng có “chấm phá” vào việc của tao nghe chưa? Việc mi lúc này là phơi thóc thì phải đi phơi thóc, không ai cần mi phải nói ra nói vào…
Cò Đối: (Vẫn đứng) Ông cũng cho con có ý kiến chứ!
Ông Phiến: (Ẩn cò Đối đi) Tao nghe nhiều ý kiến của mi rồi. Bây giờ mi chỉ có việc là nhanh tay lên cho tao một tí. Xong rồi mi chạy sang xóm Tây  xem bà đã gọi được người đong thóc chưa. Bảo bà về ngay tao bảo.
Cò Đối: Hình như bà con còn đi hội với các mẹ…   
Ông Phiến: Mi cứ bảo về đây đã. Xong việc nhà rồi thì tha hồ hội hè. Đi nhanh lên một tí.
(Cò Đối vừa định quay ra thì có tiếng bà Phiến ở ngoài: Ối dà! Vợi hết chưa mà không vãi ra thì khô làm sao?).
Cò Đối: Đấy, bà con đã về đấy. (Đi ra. Bà Phiến vào, đứng ở cửa).
Bà Phiến: Còn mấy đấu nữa?
Tiếng cò Đối: Còn mười đấu nữa thôi.
Ông Phiến: (Vén áo ngồi xuống ghế) Thế nào, có người đong thóc không? Bà đi đâu cũng la cà mất cả công cả việc.
Bà Phiến: Thì cũng còn phải đi chứ. Gạo dạo này đứng giá, nên ít người làm gạo bán.
Ông Phiến: Thế không có người đong à?
Bà Phiến: Có, lát nữa họ đến. (Một lát) Bán bây giờ sợ mai kia kém thì lại thiệt! Mà ông này, cái việc mua ruộng ấy, tôi vẫn thấy không xuôi!
Ông Phiến: Thế nào là không xuôi? Đàn bà phụ nữ các bà là nghĩ ngắn lắm. Tôi đã tính chán ra rồi mới quyết định chứ.     
Bà Phiến: Như nhà ta đấy, neo người mà mua thêm ruộng vào, kể ra thì vất vả lắm, ai trông nom xuể? Cứ cái chỗ hơn mười mẫu của nhà, nếu cấy vãi cho kỹ, tận lực trông nom, bội thu còn hơn là thêm một số ruộng nữa, để rồi ôm đồm, sơ lãng, thu hoạch kém đi thì hai thúng cũng chỉ được một đấu. Mà thời buổi này mua mãi ruộng vào làm gì, chắc thằng Cả nó cũng không đồng ý đâu.
Ông Phiến: Thế là bà chỉ nghĩ có một đường. Tôi nói cho bà nghe. Lúc này mình giữ thóc làm gì. Nhiều thóc chỉ tội về đóng với góp. Chi bằng bán đi mua ngay ruộng. Tôi tính cái hạng ruộng ấy, chỉ ba vụ là mình kéo lại vốn rồi.
Bà Phiến: Thế ông không tính đến công người ăn người làm, đến thuế má à? 
Ông Phiến: Sao lại không? Người làm thì khó gì. Mai kia cưới vợ cho thằng Nhanh, nhà mình sẽ có thêm người làm, lại có thêm nhân khẩu.
Bà Phiến: (Như chợt nhớ) Ừ, giá cưới vợ cho nó rồi hãy để nó đi bộ đội, thì đã có người đỡ chân đỡ tay cho tôi.
Ông Phiến: Thì khó chi, mai kia đánh giấy bảo nó xin phép về, cưới vợ cho nó… Còn cái việc thuế ấy mà, tôi định bàn với bà là…
Bà Phiến: Phải đấy, ta nên bàn bạc cho kỹ, kẻo rồi sai lệch đi, đến lúc bình nghị dân làng lại nói ra nói vào.
Ông Phiến: Về cái thuế nông nghiệp này, tôi vẫn còn có chỗ không tán thành.
Bà Phiến: Sao lại không tán thành? Ông nói thế không sợ dân làng người ta dư luận cho à? Đánh thuế nông nghiệp là Chính phủ đã nghiên cứu, thấy có lợi cho nhân dân thì mới ra sắc lệnh, ai cũng công nhận thế.
Ông Phiến: Nó lợi cho người khác chứ không lợi cho nhà mình!
Bà Phiến: Ông nói ra sao tôi chẳng hiểu!
Ông Phiến: Thì nó rành rành ra đấy còn chi. Chỉ những đứa ít ruộng, thóc đủ ăn là lợi, chứ mình thì còn là khổ.
Bà Phiến: Ông nói thế là ông chưa thấm nhuần. Cái số thóc đóng thuế là căn cứ vào sản lượng, nhiều thì đóng nhiều, ít đóng ít. Ông cứ nói vu vơ thế, rồi đi họp các cụ ấy kiểm thảo cho đấy.
Ông Phiến: Họ biết thế nào được nhà người ta mà kiểm thảo.
Bà Phiến: Làm gì mà nhân dân lại chả biết. Ông đừng có ý giấu diếm mà… tôi đi Hội bình nghị lại khó nói ra.
Ông Phiến: (Nhìn vợ một chút) Thế ý kiến bà thế nào?
Bà Phiến: Còn thế nào nữa. Khai cho đúng, đóng cho đủ, chứ còn gì…
Ông Phiến: Hừ, khai cho đúng, đúng thế nào?
Bà Phiến: Khai đúng là khai tất cả ruộng của mình có, chứ còn thế nào!
Ông Phiến: (Phản đối) Không được! Bà nói thế không nghe được!
Bà Phiến: (Cãi) Sao lại không nghe được?
Ông Phiến: Cứ như bà thì rồi nhăn răng ra. Những ruộng cố cựu tại xã, mình cấy cầy lấy, ai cũng biết thì khai ra đã đành. Còn những ruộng không có sổ địa bạ hàng tỉnh từ mấy mươi năm nay, từ hồi sinh thời các cụ tổ, không phải thuế khóa gì, mà cứ khai ra thì có là rực của.
Bà Phiến: Ông cứ chủ quan tưởng không ai biết cả đấy!
Ông Phiến: Chứ không ư? Họa mà có tra cứu từ thời Gia Long địa bạ thì may ra mới tìm thấy được. Lại những ruộng phải phát canh, nếu khai ra thì trừ địa tô lặt vặt linh tinh, rồi đóng thuế xong, liệu còn mấy hột?
Bà Phiến: Còn bao nhiêu thì cũng phải khai, chứ đùn cho ai?                
Ông Phiến: Không đùn cho ai cả. Nhưng không phải khai.
Bà Phiến: Không khai làm sao được?
Ông Phiến: Sao lại không được? Đây này, ví dụ cái một mẫu ba sào bên Nhương mà thằng Nhiêu Khanh lĩnh canh ấy, tôi sẽ bảo nó nhận là ruộng của nó. Nhà nó có chín miệng ăn, tính ra mỗi vụ trung bình thu hoạch bảy tạ thóc, chia theo số nhân khẩu mỗi người chưa được một tạ. Thế có phải là nếu đóng thuế thì cũng chỉ phải đóng có vài cân…
Bà Phiến: Như thế là phải sang tên ruộng cho nó à?
Ông Phiến: Sang tên cho nó thì đã sao?
Bà Phiến: Nhỡ nó nhận đấy là gia tài của nó thì làm sao?
Ông Phiến: Bà không biết một tí gì cả. Sang tên cho nó, rồi bắt nó viết văn tự nợ thế chấp chỗ ruộng đó cho mình, mỗi mùa phải trả cho mình một số thóc thì đã làm sao? Chạy được đấy! Nó là con cháu, sấp mặt lường mình thế nào được. Vả dĩ rồi mỗi mùa trợ cấp cho nó ít nhiều, trả công cho nó. Nó không mất, lại được lợi, tội gì mà không nhận.        
Bà Phiến: Ông chỉ mua dây buộc mình thôi. Giấu diếm gian lận thế còn ra làm sao?
Ông Phiến: Làm sao thì mặc. Cứ cái đua đòi ra bộ tinh thần của bà, rồi thì sắm sửa bị gậy cho sớm…
Bà Phiến: Ông đừng có nói quẩn thế. Mấy năm dân chủ rồi mà ông làm như không được giác ngộ ấy. Bây giờ quyền về dân, thì dân phải có nhiệm vụ tham gia đóng góp vào công cuộc kháng chiến, gây dựng cho dân chủ vững bền chứ.
Ông Phiến: Các người là ăn phải đũa của nhau cả. Động một tí thì dân chủ dân quyền. Còn tôi ngu cả đấy. Tôi ngu mà công việc nhất nhất đóng góp cũng có tên tôi. Ngu mà con tôi cũng vào bộ đội, cũng Trung đội trưởng!
Bà Phiến: Ấy, mình đã có con ở bộ đội thì mình càng phải giác ngộ chứ. Mình đóng góp đây cũng là để nuôi các con mình, cho chúng nó có sức đánh giặc.
Ông Phiến: Tôi biết rồi, khổ lắm! Tôi có nói là tôi không đóng thuế đâu. Tôi còn đóng trội hơn nhiều người khác nữa ấy chứ!
Bà Phiến: Ơ hay! Ông nói luẩn quẩn thế nào ấy?
Ông Phiến: Bà chả hiểu gì cả. Nhà mình chỉ đóng ngay ở những mảnh ruộng cần đóng thôi, cũng đã là bao nhiêu công của rồi. Chứ bây giờ ngu mà đi đóng cả những chỗ khác không cần đóng à?
Bà Phiến: Ruộng nào là ruộng lại chả cần phải đóng thuế. Ông đừng có man trá… nhân dân người ta…
(Vừa lúc đó có tiếng người léo nhéo bên ngoài và tiếng cò Đối: Các bác đã đến đấy như?).
Ông Phiến: Người ta đến đong thóc đấy, bà ra xem nào. (Nói xong ông đi ra phía cửa ra vào. Bà Phiến đủng đỉnh đi ra. Ông Phiến đứng nhìn một tí, rồi quay vào. Trong lúc đó…).
Tiếng cò Đối: Phơi qua để rê cho sạch đấy, các bác ạ. Chứ thóc đã khô lắm rồi.
Tiếng bà Phiến: Các bà ngồi chơi mời nước đã!
Có tiếng một người: Vâng được, cụ để mặc chúng tôi.    
Tiếng bà Phiến: Ấy, cần một tí tiền tiêu mới phải bán đấy. Chứ bán bây giờ là mất tiền đấy!
(Trong lúc này, ông Phiến đứng cạnh bàn sửa soạn hút thuốc lào, lẩm nhẩm tính: “Một mẫu ba, bảy sào nữa là vị chi hai mẫu. Còn hơn tám mẫu phải khai, vẫn nhiều quá”.
Tiếng bà Phiến bên ngoài: Các bà mời nước đi, ngồi nghỉ tí đã… (Rồi bà Phiến vào).
Bà Phiến: Này ông, thế ông nhất định mua món ruộng ấy à?
Ông Phiến: (Bị bất ngờ) Ờ… ờ… thì mua hai mẫu phát canh, lại vẫn còn hơn tám mẫu.
Bà Phiến: (Ngạc nhiên) Thế nào, ông định mua những bảy - tám mẫu ruộng mà bán có ba chục thùng thóc thì đủ tiền trả sao được.
Ông Phiến: Ai bảo tôi mua?
Bà Phiến: Thế ông vừa kể tám mẫu nào?
Ông Phiến: À không. Tám mẫu của nhà. Còn mua thì có gần một mẫu tám sào tư…
Bà Phiến: Thế giá bao nhiêu?
Ông Phiến: Ui chao. Giá thì vô kể. Cứ đằng đằng thì hơn tám sào ấy cận nông giang, hai mùa như thế phải hơn chục vạn. Thế mà đằng này họ đòi có ngoài mười lăm vạn. Rẻ thối ra, mình không mua thì người khác chả ai từ.
Bà Phiến: (Tính) Mười thùng hai vạn chín, ba chục thùng… chưa được mười vạn, còn thiếu hơn năm vạn. Bán thêm thóc nữa thì hết thóc.       
Ông Phiến: Được rồi, tôi đã tính đâu vào đấy cả rồi.
Tiếng cò Đối: Bà ra gạt thóc cho các bác ấy…
(Bà Phiến ra. Ông Phiến châm lửa hút thuốc, vừa thở dài vừa đi vào buồng. Sân khấu trống một lát. Ông Phiến lại xuất hiện mang theo một gói nhỏ, giở ra thấy một tập tiền mới. Ông đếm… Đang đếm, ông chợt nhớ…).
Ông Phiến: À, còn một mẫu sáu tộc điền nữa. Chỗ này phải giao cho cò Tôn nhận. Phải… phải… (Vui vẻ) Nó là cháu đích tôn, nhận ruộng kỵ, ruộng chạp là đúng rồi, ai kêu vào đâu được! Như thế là… tám mẫu bảy sào trừ một mẫu sáu đi, còn bảy mẫu một sào… (Gật gù) tàm tạm được đấy.
(Bà Phiến vào)
Bà Phiến: Này, này ông. Tính thử xem. Ruộng thì ở xa, nhân công thì cao, đi về cấy gặt mất ngày mất buổi còn gì. Còn thuế má phải đóng nữa chứ.
Ông Phiến: Bà nói ruộng nào?
Bà Phiến: Thì tám sào ông định tậu chả ở mãi bên Lựu là chi?
Ông Phiến: À… bà không biết gì cả. Vì nó ở xa mãi tận bên Lựu tôi mới mua. Bên ấy đã có thằng Nhiêu Bài, tôi bảo nó rồi, nó đứng tên… Nó cũng nhiều con. Tính ra thuế có đóng cũng không là bao…
Bà Phiến: (Ngạc nhiên) Ông mua ruộng cho thằng Bài à? Ô hay, ông điên hay sao? Con mình còn sờ sờ ra cả đấy mà ông đã tính đến đứa ăn thừa tự ư?
Ông Phiến: Bà thực là dốt quá, chả hiểu gì cả. Nó đứng tên ruộng thôi, chứ ruộng nào của nó.
Bà Phiến: Nó đứng tên ruộng thì không là ruộng của nó thì còn là của ai?
Tiếng một người gọi: Bà ra nhận tiền, cho chúng tôi về…
Ông Phiến: Của ai rồi khắc biết. Bà hãy ra lấy tiền đi đã.
(Cò Đối vào)
Cò Đối: (Đưa ông Phiến tờ giấy) Anh Nhiêu Thích bảo đưa cái này cho ông, để ông chuẩn bị cho đầy đủ.
Ông Phiến: (Cầm tờ giấy nhìn cò Đối) Giấy gì thế này? (Đọc) Quyết tâm thư… (Nhìn Đối trừng trừng) Quyết tâm thư là cái gì?
Cò Đối: (Trợn mắt ngạc nhiên) Quyết tâm thư là mọi người quyết tâm chứ còn gì nữa ạ!
Ông Phiến: Mọi người quyết tâm thì mặc họ, sao nó lại đưa cho tao?
Cò Đối: Tất cả dân làng đồng ý quyết nghị hạ quyết tâm thư thì Ban Thuế cũng phải đưa cho ông, để ông cũng phải hạ quyết tâm chứ?
Ông Phiến: Ơ hay, dân làng quyết nghị quyết tâm nhưng tao không quyết nghị quyết tâm, họ cũng buộc cổ tao phải quyết tâm à?
Cò Đối: Đa số trong hội nghị đã tán thành thì mọi người phải thi hành chứ.
Ông Phiến: (Trợn mắt) Nhưng thi hành cái gì?
Cò Đối: Thi hành hạ quyết tâm thư!
Ông Phiến: Hạ quyết tâm thư là làm sao? Nó thế nào?
Cò Đối: Hạ… là… mọi người cam kết quyết tâm kê khai đủ ruộng, đúng thuế… mọi người làm giấy…
Ông Phiến: À… à… gớm thật! Này, mi đừng bắt quyết tao nhá, đừng có lòe tao… Bút sa gà chết… Hừ, mi định phản tao đấy phỏng? Đồ đều… rõ nuôi ong tay áo… Đồ phản phúc.
Cò Đối: Con làm chi mà ông bảo phản ông?
Ông Phiến: Mày không phản tao mà mày đi xui thằng Nhiêu Thích bắt tao phải làm tờ cam đoan hử? 
Cò Đối: Ơ hay, ông cứ đổ oan cho con. Con xui thế nào được anh Thích bắt ông làm. Đây là quyết nghị của cả hàng thôn hàng xã. Ai cũng làm cả, đâu chỉ mình ông!
Ông Phiến: (Cụt hứng) Tất cả mọi người đều phải quyết nghị à?                     
Cò Đối: Thì thế. Làm tờ quyết tâm thư xong, còn đem ra bình nghị, dân làng đính chính, rồi mới đóng thuế cơ mà.
Ông Phiến: Đính chính là thế nào?
Cò Đối: Đính chính xem mình có khai man, có giấu diếm hoặc có quên gì  chăng?
Ông Phiến: (Cười gằn) Quên! Lại có cái thứ người quên cả mình có bao nhiêu ruộng, phải để cho người khác nhắc nữa. Nói lạ! (Định đọc tờ cam đoan).
Cò Đối: Quên thật thì ít ai quên, nhưng quên lửng để không khai thì thể nào cũng có đấy ạ…
Ông Phiến: (Ngắt) Thôi… thôi… Tôi xin anh. Anh không phải dạy tôi.
(Thêm bà Phiến).
Bà Phiến: (Tay cầm một nắm bạc đi vào) Cái gì thế cò?
Cò Đối: (Quay lại chỉ tờ giấy) Ông con không đồng ý…
Ông Phiến: (Gạt phắt) Sao? Bảo mi thôi cơ mà!
Bà Phiến: Ông đến hay gắt. (Tiến lại bàn, đọc tờ giấy) Quyết tâm thư… Phải rồi, buổi họp bình nghị hôm qua, hội nghị đã quyết nghị rồi, đa số tán thành. Ông không đi họp, bây giờ không đồng ý là thế nào? Cứ ngồi nhà không đồng ý thì ai nghe.
Cò Đối: Thì con cũng nói thế…
Ông Phiến: (Ngắt: Tao đã bảo tao không cần mi nói.
 Bà Phiến: Thế là ông độc tài phát xít. Việc chi bây giờ cũng phải dân chủ mà thảo luận. Tôi nhận định là… ông không chịu thảo luận gì với ai cả. Như thế là tư tưởng lệch lạc, nhất là cái vấn đề thuế nông nghiệp…
Ông Phiến: Khổ lắm, lại cả bà nữa!
Bà Phiến: Tôi là có ý kiến phê bình ông, cứ cắt lời người ta là thế nào?
Cò Đối: Con cũng có ý kiến là… đồng ý như bà. Cái vấn đề thuế nông nghiệp là trọng tâm bây giờ, nếu không thảo luận thì, thắc mắc sẽ không giải quyết nổi, mà lại không hiểu rõ được chủ trương đường lối.
Ông Phiến: Thảo luận cái gì nữa? Thuế Chính phủ đặt ra thì… mình là dân có mỗi việc là đóng. Còn thảo luận gì?
Cò Đối: Con có ý kiến là ông nói thế không đúng. Chính phủ ta là Chính phủ nhân dân, trọng quyền lợi của dân, nên mới có cái việc là thảo luận dân chủ, hội nghị bình nghị, để nhân dân nhận rõ và thông suốt, xem Chính phủ đánh thuế như thế có đúng với quyền lợi của nhân dân không?
Bà Phiến: Tôi cũng tán thành ý kiến thế.
Ông Phiến: (Đuối lý) Thì ai chả tán thành thế, nhưng mỗi người tán thành một cách, thì mặc người ta có được không? Dân chủ cơ mà!
Cò Đối: Con thấy như thế là không đúng. Đã tán thành thì là tán thành thống nhất ý kiến; chứ lại tán thành mỗi người một cách, thì là chia rẽ không đoàn kết, thì đảm bảo thắng lợi cho kháng chiến làm sao được.
Ông Phiến: Biết rồi, biết rồi… Mi phát biểu ý kiến dồi dào lắm rồi. Giờ tao có mỗi ý kiến là, mi đi thổi cơm ăn không tối rồi. Để đến tối đi họp tha hồ phát biểu, tha hồ đá đáp… tao thì tao thua mi rồi. (Quay sang bà Phiến) Cả bà nữa cũng thế, bây giờ việc bà là kiểm lại xem có đủ tiền không?
(Cò Đối lần chần đứng im, rồi đi ra).
Bà Phiến: (Đặt tiền lên bàn) Không phải kiểm nữa. Tất cả chín vạn sáu nghìn. Như thế là còn thiếu bao nhiêu?
Ông Phiến: Mười lăm vạn tư nghìn. Đấy chín vạn sáu, (giơ gói tiền của nhà)  đây ba vạn tư, vị chi mười ba vạn. Còn thiếu hai vạn tư.
Bà Phiến: Hai vạn tư nữa cơ à? Giật tạm đâu vậy, chứ bán thóc nữa thì…
Ông Phiến: Không!... (Giở một cái hộp nhỏ) Bà đi bán cái này đi. (Lấy ra một cái nhẫn vàng).
Bà Phiến: (Ngạc nhiên) Bán cái nhẫn để dành dẫn cưới cho thằng Nhanh ấy à? Sao lại bán của nó đi?                
Ông Phiến: Thì hãy bán tạm đi. Mai mốt bán thóc đánh cái 2 đồng cân cho nó dày dặn.
Bà Phiến: (Quả quyết) Đánh thêm cho nó thì đánh, chứ bán cái nhẫn đầu tay của nó đi, là tôi không nghe đâu. Chả tậu ruộng thì đừng.
Ông Phiến: Bà chỉ vẽ chuyện.
(Có tiếng cò Đối kêu lớn ở bên ngoài: “A, anh cả đấy à?” Rồi gọi: “Ông bà ơi, anh cả… Tay anh làm sao thế này? Bị thương à?”. Ông Phiến vùng đứng dậy).
Bà Phiến: Thằng Nhanh ông ạ.
(Bà chạy ra. Đến cửa thì gặp Nhanh đi vào. Theo sau là Đối. Nhanh mặc quân phục, một tay treo lên cổ. Ba lô đeo lệch một bên vai).
Bà Phiến: (Vồ lấy Nhanh) Ờ, Nhanh. Mi về nghỉ phép đấy à? Tay làm sao thế con?
Ông Phiến: (Bỏ cả tiền trên bàn, chạy đến) Nhanh, Nhanh. Bị thương à?
Nhanh: (Vui vẻ) Thày mẹ khỏe chứ?
(Cò Đối đỡ ba lô trên vai Nhanh xuống, để lên giường).
Bà Phiến: (Sờ sờ nắn nắn cánh tay Nhanh) Bị thương à con?
Ông Phiến: Làm sao thế? Khổ không! Bị ở trận nào thế hở? Có nặng không?
Nhanh: Không sao cả, thày mẹ cứ yên tâm. Con bị thương nhẹ thôi. Khỏi, vẫn có thể đánh giặc được.
Ông Phiến: Mày lại ra trận nữa ư?
Nhanh: Vâng, con về nghỉ phép dưỡng thương.
Cò Đối: Anh đánh trận nào mà bị thương thế?
Nhanh: Trận Hà Nam.
Bà Phiến: Thế mi bị Tây nó bắn bị thương à? Có đau không?
Nhanh: Không! Lúc con xung phong bị mảnh ô-buy của giặc ở trong đồn bắn ra, phạt ngang bắp thịt; đã tưởng phải cưa mất một cánh tay.
Bà Phiến: Thế không phải cưa chứ, phúc đức quá. (Quay sang Đối) Này, cò này, mi bắt cái con gà mái tơ hoa mơ làm thịt cho anh cả ăn cho nó bổ.
Cò Đối: (Nhanh nhảu) Phải đấy bà ạ! (Với Nhanh) Tôi đi làm cơm anh ăn, rồi đi họp anh ạ. Hôm nay hội nghị bình sản lượng thuế nông nghiệp anh ạ.
Nhanh: Thế à, thích nhỉ? Thế thì tôi phải đi họp mới được. Nằm ở trạm quân y, thấy địa phương nô nức dồn dập hội họp để phổ biến thuế nông nghiệp mà thích quá. Tôi chỉ muốn tham gia mà không được, người còn yếu quá.
Cò Đối: Thế thì bây giờ anh tham gia ở nhà. Ừ, đúng đấy. Thế thì thích quá. Anh nghỉ phép được lâu không?
Nhanh: Một tháng.
Bà Phiến: Ơ kìa thằng cò, mi đi bắt gà đi chứ.
Cò Đối: Vâng (Chạy vụt đi).        
Nhanh: (Tiến về phía bàn, trông thấy đống tiền) Tiền nào mà nhiều thế này, thày u?
Ông Phiến: (Thu gọn tiền gói lại) À… tiền để… tiền bán thóc đấy!
Bà Phiến: Ấy, thày mi định tậu thêm tám sào ruộng bên Lựu đấy.
Nhanh: Thế à? Nhà đã ít người trông nom, mua thêm ruộng thì bấn lắm, mẹ vất vả…
Ông Phiến: (Ngập ngừng trong khi rót chén nước) Tao thấy rẻ thì mua thêm. Đằng nào cũng phải mướn thêm người làm. (Đưa nước cho Nhanh) Này, uống chén nước nóng cho đỡ mệt.   
(Nhanh lúng túng, đưa tay lành bỏ mũ rồi đỡ chén nước. Ông Phiến nhìn con trầm ngâm…).
Bà Phiến: Ấy, tao đang bảo thày mi đánh giấy cho mi xin phép nghỉ, để về cưới xin cho xong đi…
Nhanh: Mẹ làm chi phải vội. Kháng chiến thành công con lấy vợ cũng vừa…
Bà Phiến: Thì mi cũng phải lấy vợ để cho nó về đỡ đần tao chứ. Để tao còn kiếm thằng cháu cho nó vui cửa vui nhà. (Nhanh cười).
Ông Phiến: (Gật gật) Phải, như thế để nhà thêm nhân khẩu, thêm đông đúc cho vui.
Nhanh: Ơ, thế vấn đề thuế khóa ra sao? Nhà ta kê khai ruộng đất, sản lượng, nhân khẩu đủ chưa ạ?
(Ông Phiến nhìn Nhanh, quay đi, một tay vân vê điếu thuốc lào, và một tay thông mãi nõ điếu…).
Bà Phiến: Ấy thì cũng đã bắt đầu đấy. (Đưa cái giấy ở bàn cho Nhanh) Nhiêu Thích vừa đưa cái này để thày mày hạ quyết tâm thư.
Nhanh: (Cầm giấy đọc) Quyết tâm thư, phải rồi, quyết tâm đóng thuế là quyết tâm kháng chiến. Sao thày không viết vào?
Ông Phiến: (Cúi xuống bật lửa) Ấy… tao thấy… chưa sẵn bút mực…
Nhanh: (Rút bút máy đưa cho bố) Bút đây… thày…
(Ông Phiến châm đóm vào bật lửa, lại dận đóm vào thành điếu, đặt xe điếu xuống, cầm bút viết… Cò Đối ở nhà dưới lên, tay còn cầm con dao cắt tiết gà. Thêm cò Đối).
Ông Phiến: (Cầm bút loay hoay) Viết thế nào?
Nhanh: Thày viết họ tên, thôn xã đã…
(Ông Phiến viết. Cò Đối đứng nhìn).
Ông Phiến: (Vẩy mực ở bút) Xong rồi… gì nữa?
Cò Đối: (Nhanh nhảu) Quyết tâm khai đúng, không dung túng khai man… Khẩu hiệu thế…
(Ông Phiến gờm gờm nhìn Đối. Cò Đối im).
Nhanh: Đại khái thày viết như thế cũng được, hoặc dài dòng thì xin quyết tâm kê khai đủ số ruộng, đúng sản lượng, nhân khẩu, đóng thóc tốt, đóng nhanh và vận động mọi người xung phong nộp thuế để phục vụ kháng chiến… (Ông Phiến cắm cúi viết).
Cò Đối: (Quay sang Nhanh) Anh Nhanh này, có phải trường hợp anh vẫn được tính là một nhân khẩu ở nông hộ nhà ta không nhỉ?
Nhanh: Phải đấy, trong sắc lệnh đã nói rõ là bộ đội tuy không ở nhà, vẫn được tính nhân khẩu, anh chưa nghiên cứu sắc lệnh à?
Cò Đối: Có chứ, học tập rồi. Nhưng hỏi lại cho nhớ chứ. (Nhanh cười).
Cò Đối: (Tiếp) Thế còn trường hợp tôi?
Nhanh: Anh ấy à? Được tính đứt đuôi đi rồi. Vì anh là con nuôi thực sự của thày mẹ tôi; ở đây từ thuở bé, làm ở đây, ăn ở đây… Thế là một nhân khẩu.
Cò Đối: Đúng nhỉ. Thế là nông hộ nhà mình có bốn nhân khẩu, đúng không?
Nhanh: Đúng! (Cò Đối đi xuống bếp).
Nhanh: (Hỏi ông Phiến) Còn ruộng nhà ta khai tất cả thì là bao nhiêu?     
Ông Phiến: (Vặn lại nắp bút) Kể ra thì là… Mười mẫu bảy sào… đúng. Nhưng trong địa bạ hàng tỉnh trước kia, từ lâu lắm, chỉ ghi có sáu mẫu chín, kể cả tộc điền là ruộng họ để làm kỵ làm chạp. Thành thử… (Ngừng).
Nhanh: Thế bây giờ khai đúng cả mười mẫu bảy sào phải không ạ?
(Ông Phiến ngần ngừ chưa trả lời thì…).
Bà Phiến: Kể ra thì khai mười mẫu bảy sào mới là đúng. Mà nếu mua thêm tám sào thì tổng số phải khai là mười một mẫu năm sào, nhưng thày mày lại định…
Ông Phiến: (Ngẩng phắt đầu lên ngắt lời vợ) Tao mới có ý thế thôi, chứ đã hạ bút kê khai đâu.
Nhanh: Thế là thế nào ạ?
Ông Phiến: (Ngập ngừng) Tao tưởng rằng hồi ngày xưa Pháp thuộc, số ruộng đóng thuế có sáu mẫu chín sào mà bây giờ nếu khai lên độ hơn tám mẫu, là mình đã có tinh thần lắm rồi.
Nhanh: Ấy, không thể thế đâu thày ạ. Ta không nên nói đến những gian lận khi thằng Tây còn cai trị. Bây giờ…
Ông Phiến: (Cướp lời) Thày biết. Bây giờ khác hẳn đi rồi chứ, mọi sự là do nhân dân tham gia xây dựng đóng góp. Cái độc lập tự do dân chủ mà giữ vững được, là cũng ở nhân dân mà!
Nhanh: Vâng, đúng thế thày ạ!
Bà Phiến: Mình hy sinh bây giờ là hy sinh cho muôn đời con cháu sau này được sung sướng. Cái lập trường nó phải vững như thế.
Nhanh: Vâng, mẹ nói rất phải!
Ông Phiến: (Đột ngột) Thày mẹ thấy các anh ấy bảo là trong những trận đánh nhau kịch liệt với Tây, bộ đội mình phần nhiều phải ăn đói, có phải không?
Nhanh: Vâng đúng. Bộ đội của ta thì thiếu thốn nhiều, nhưng tinh thần giết giặc thì không thiếu; có khi nhịn đói đến hai - ba ngày mà vẫn cật lực đánh giặc, vẫn cứ ôm bụng mà đuổi giặc để tiêu diệt.
Ông Phiến: Khổ, đói lả đi thì còn đuổi kịp thế nào được chúng nó mà tiêu diệt. (Vẻ mặt bần thần).
Nhanh: (Cười vui vẻ) Việc chúng con có đuổi kịp giặc để tiêu diệt hay không là do thóc của các cụ và của nhân dân đấy. Nhân dân nuôi bộ đội đấy. Bộ đội là con đẻ của nhân dân mà.
Ông Phiến: (Gật gù, cầm gói tiền đưa cho vợ) Bà cầm lấy gói tiền. Việc mua ruộng hãy để tính kỹ xem đã.
(Cò Đối ở dưới nhà chạy lên, tay áo xắn).
Cò Đối: Anh Nhanh này, tôi có ý kiến…
Nhanh: Ý kiến gì đấy?
Cò Đối: Cái số nhân khẩu của nông hộ nhà ta ấy mà…
Nhanh: Sao?
Cò Đối: Nếu có thêm người mà tích cực, thì năng suất thế nào cũng tăng, mà bội thu được thì việc đóng thuế dễ dàng lắm. Ông nhà đỡ băn khoăn.            
Ông Phiến: Tao băn khoăn gì nữa đâu. Cái việc cần là có người làm…
Cò Đối: Vâng, con cũng đồng ý thế. Nên con có ý kiến này, là nhà ta vừa có thêm người làm, thêm nhân khẩu ấy mà…
Ông Phiến: Tao thì đã già, mỗi ngày một yếu, có làm thì cũng chỉ làm tầm phơ tầm phất, nên thu hoạch mùa nào cũng lẹt đẹt, không vượt mức được.
Cò Đối: (Cười) Ấy thế nên con mới có ý kiến là đề nghị với ông bà, cưới ngay vợ cho anh Nhanh, nhân dịp anh nghỉ phép.
Bà Phiến: (Vui vẻ) Ừ, ừ. Tao cũng tán thành cái vấn đề ấy… Phải, phải… (Cầm gói tiền quay sang ông Phiến) Hay là sẵn đây, ta lo luôn…
Ông Phiến: (Hớn hở) Đồng ý… Đồng ý. Tao đồng ý đấy. Hãy hoãn mua ruộng. Sáng mai bà sang nói với bà Cai Bền ngay đi. Mà con Luân tao thấy chịu khó ra phết. Nó về đây thì ruộng nhà mình phải tăng năng suất nhất rồi. (Hỏi Nhanh) Thế mi bằng lòng chứ?
Nhanh: (Tủm tỉm) Thì, thày u để con… nghĩ cái đã.
Cò Đối: Thôi, miễn nghĩ. Cái vấn đề tăng năng suất là chính. (Cười).
Bà Phiến: Cái Luân nó hỏi thăm mi luôn. Nó chịu khó lắm…
Ông Phiến: (Lấy cái nhẫn đưa cho Nhanh) Này, cầm lấy con!
Cò Đối: Thôi, bằng lòng đi… Xung phong đi…
Nhanh: (Vui vẻ) Vâng, thì lấy. Nhưng thày mẹ để con còn viết thư về đơn vị…
Cò Đối: Hoan hô… Hoan hô… (Chạy xuống bếp) Anh chuẩn bị cơm rồi, anh ra đây một tí.
Ông Phiến: (Gọi với) Cò ơi, ới cò. Mày chạy sang bên anh Nhiêu Thích, nói anh ấy sang chơi, bảo có Nhanh nó về. Nhớ nhắc anh ấy mang cả cái thuế biểu sang đây nhé. Tao thảo luận một cái với cả nhà, rồi tối còn đi họp, cò nhá!
Tiếng cò Đối: Vâng. Thế bà xuống bếp giúp con một tay, để con đi.
Bà Phiến: Ờ, để tao! (Te tái chạy ra).
MÀN HẠ
Rừng Thông, ngày 17/10/1951
     
   (*) Sách “Lộng Chương - Để đến… Nơi đến”, Nxb Sân khấu, 2013.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét