Thứ Bảy, 16 tháng 8, 2014

LỘNG CHƯƠNG - TÁC GIA KỊCH HIỆN ĐẠI VIỆT NAM(*)

TS Tôn Thảo Miên   
   Cùng với các tác giả Nguyễn Văn Niêm, Bửu Tiến, Học Phi... Lộng Chương được coi là thế hệ tác giả kịch đầu tiên của sân khấu Kịch nói trưởng thành sau Cách mạng Tháng Tám và trong kháng chiến chống Pháp. 

Lông Chương - 2000)
      Với khối lượng tác phẩm đồ sộ, trong đó một số vở có tiếng vang, Lộng Chương đã khẳng định vị trí của mình đối với nền Kịch Việt Nam nói chung, đặc biệt với thể loại Hài kịch nói riêng trong mấy chục năm qua. Mười năm đầu tham gia viết kịch, Lộng Chương hoạt động chủ yếu như một "tài tử" trong các ban kịch, đồng thời cũng chính là người tổ chức, thành lập các ban kịch như Ban kịch Bình Dân, Nhóm kịch Báo Công dân (Nam Định kháng chiến), Đội kịch Duyên Hải... 

      Mười bảy vở kịch ngắn của ông xuất hiện trong vòng sáu năm (1948-1954), đã là con số đáng kể đối với một người mới cầm bút sáng tác. Những tác phẩm ra đời trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp đều đã được các đoàn văn công dàn dựng và biểu diễn ở hầu hết các tỉnh miền Bắc, sau đó đã được in trong các tuyển tập, trên báo chí hoặc in thành tập riêng. Những tác phẩm này mang nội dung tuyên truyền, cổ động mạnh mẽ cho cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta. Ngòi bút của Lộng Chương hoạt động trên một bình diện rộng, mở ra nhiều đề tài khác nhau, nhưng đều hướng vào một mục đích là đáp ứng kịp thời, sát xao những yêu cầu cách mạng trước mắt. Ở ông, có thể thấy rõ sự cần cù, chịu khó, hết mình khi đi vào những vấn đề nóng bỏng đặt ra trong xã hội. Nằm trong mối quan tâm chung với các tác giả khác về đề tài chiến tranh du kích, một vấn đề trung tâm của thời kỳ đó, Lộng Chương đã viết bốn vở về đề tài này: Lý Thới (1948); Du kích thôn Đồi (1952); Chiến đấu trong lòng địch (1954) và Đoàn quân tóc trắng (1954). Có thể coi đó là những phác họa của tác giả về quá trình đấu tranh dũng cảm của dân quân du kích vùng địch hậu, đồng thời vạch trần bộ mặt độc ác của địa chủ cường hào. Tuy chưa sâu sắc, chưa phải là những đòn hiểm hóc đánh vào kẻ thù, nhưng bằng ngôn ngữ kịch trong sáng, cô đọng, nhân vật giàu chất hiện thực, sinh động, tác giả đã trực tiếp truyền đến công chúng tinh thần của cuộc chiến đấu, thức dậy trong lòng mọi người ý thức căm thù giặc và quyết tâm bảo vệ đất nước. Vì thế các vở này đã gây được sự chú ý và có tác dụng nhất định đối với phong trào đấu tranh của quần chúng thời kỳ đó. Vở Chiến đấu trong lòng địch là một trong số những vở về đề tài này của Lộng Chương được Hội Văn nghệ Việt Nam tặng Giải thưởng Văn học 1954-1955.
Những sáng tác của Lộng Chương
       Người ta đã quen với sự xuất hiện của Lộng Chương mỗi khi có vấn đề xã hội mới đặt ra. Chẳng hạn thời kỳ địch phát động chiến dịch tuyên truyền và cưỡng ép đồng bào miền Bắc di cư vào Nam, Lộng Chương đã có ngay một loạt tác phẩm, nhằm giác ngộ và nâng cao ý thức cảnh giác cho nhân dân, đồng thời kêu gọi đồng bào chống lại âm mưu của địch. Trong bốn vở viết về đề tài này, có hai vở Dân ca (Giữa đường; Mưu giặc) và hai vở Kịch nói (Nhỡ chuyến bay; Ma hiện) đều đã được in và diễn ở nhiều địa phương. Xét về phương diện nghệ thuật, đó chưa phải là những vở có giá trị lâu dài, nhưng với lối viết giản dị pha chút hài hước, các vở ấy đều được công chúng hiểu và nhớ. Ngoài ra, biết bao vấn đề đặt ra lúc đó đòi hỏi văn nghệ không thể vắng mặt. Mà so với các thể loại văn học nghệ thuật khác, chỉ có kịch là có thể đáp ứng kịp thời yêu cầu của xã hội và có tác dụng trực tiếp đối với đông đảo quần chúng. Hiểu rõ điều đó và biết gắn mình với những chuyển biến của xã hội, hoà nhịp phong trào quần chúng, Lộng Chương đã nhanh chóng chọn cho mình một vũ khí chiến đấu lợi hại, đó là Kịch ngắn. Phần lớn những vở kịch này mang nội dung giáo dục, tuyên truyền nhẹ nhàng đối với công chúng. Xem Lộng Chương diễn (thời kỳ này Lộng Chương tham biểu diễn và đạo diễn khá nhiều vở), đồng thời đọc những vở Lộng Chương viết, có thể thấy ít nhiều tính hài hước trong phong cách của ông. Song, dường như ở giai đoạn này, đó chưa phải là nét tiêu biểu để người ta nhớ tới tác giả Lộng Chương, mặc dù ông đã có một số vở khá thành công, như đã nói ở trên. Lộng Chương đi vào lòng công chúng bằng thái độ chân thành, cởi mở và điều quan trọng là bằng sự đáp ứng đúng những yêu cầu xã hội, cũng như nguyện vọng của quần chúng trước những đổi thay mới trong xã hội. Toàn bộ những vở kịch của Lộng Chương ra đời trong thời kỳ này đều khá đơn giản về kết cấu, về tính cách nhân vật, nhưng cũng phản ánh tương đối đầy đủ thực tế xã hội lúc đó, cả về đấu tranh chính trị lẫn đấu tranh xã hội. Hầu như không có một biến động nào, lại không được phản ánh vào tác phẩm của Lộng Chương. Điều đó chứng tỏ Lộng Chương là một tác giả hết sức gắn bó và lăn lộn với phong trào, đồng thời cũng là một nghệ sĩ có tinh thần trách nhiệm và thái độ dũng cảm khi đi vào những vấn đề mới. Chúng ta ghi nhận những đóng góp của Lộng Chương ở thời kỳ này bằng những tác phẩm đặc sắc, tiêu biểu cho nền kịch Việt Nam một giai đoạn. Và bằng số lượng tác phẩm phong phú, đa dạng về đề tài, kịch của ông đáp ứng kịp thời những vấn đề thời sự đặt ra trong xã hội. Cho đến nay, nhắc đến Lộng Chương, người ta vẫn không quên những vở như Lý Thới, Du kích thôn Đồi, Chiến đấu trong lòng địch, đã từng làm dư luận xôn xao một thời. Những vở đó thật sự có giá trị về mặt lịch sử. Đó là những cơ đồ vững chắc để khẳng định vị trí và vai trò của Lộng Chương trong hoạt động sân khấu từ đó về sau. Giai đoạn thứ hai trong cuộc đời sáng tác của Lộng Chương là thời kỳ chiến tranh chống Mỹ và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Điểm lại những sáng tác thời kỳ này, chúng ta thấy trong vòng hơn hai mươi năm, Lộng Chương vừa viết vừa chỉnh lý, viết lại đến trên 60 vở, gồm nhiều kịch chủng, chứ không phải chỉ toàn kịch ngắn như thời kỳ trước nữa. Tất nhiên, ở đây không lấy độ dài ngắn để đánh giá tác phẩm. Có thể nói, Lộng Chương là một trong số ít tác giả viết được nhiều thể loại khác nhau như vậy. Phần lớn những vở ông viết ra đều được sử dụng, nếu không in thành sách thì cũng được các đoàn dàn dựng hoặc phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam, phục vụ cho công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng. Như vậy là, bằng mọi con đường, kịch của Lộng Chương đã đến với quần chúng ở khắp mọi miền đất nước, và vì thế, tác dụng tích cực của nó phải được tính bằng cấp số nhân. Ở giai đoạn trước, người ta chỉ biết đến Lộng Chương qua một thể loại Kịch ngắn trong đó có dăm ba vở kịch vui phục vụ phong trào. Nhưng bước vào những năm sáu mươi, những nét hài hước đã dần dần mang một chất lượng mới trong một số vở Hài kịch của Lộng Chương. Lộng Chương thực sự được chú ý và đánh giá cao bắt đầu từ vở Hài kịch Quẫn. Nhà hát Kịch nói Trung ương biểu diễn lần đầu tiên tại Nhà hát Lớn vào đêm 9 và 10 tháng 12 năm 1960, và từ đó đến nay vở này đã được Đoàn mang đi biểu diễn ở khắp các tỉnh trong cả nước, ở đâu cũng được quần chúng hâm mộ, nhiệt liệt hoan nghênh. Thành công này của Lộng Chương chứng tỏ ông vừa am hiểu sâu sắc đặc điểm tính cách của tầng lớp phong kiến tư sản trong xã hội cũ, vừa có lối viết thông minh, độc đáo trong việc xử lý tính cách các nhân vật bằng ngôn ngữ chắt lọc, đầy chất hài của mình. Bên cạnh việc dùng lối chơi chữ, Lộng Chương đã liên tiếp tạo nên những tình huống kịch để đẩy nhân vật vào phục vụ cho ý đồ của vở kịch. Tính gọn gàng, cô đúc về ngôn ngữ và hành động nhân vật đạt đến đỉnh cao đã làm cho các nhân vật của Lộng Chương trở nên sắc sảo và độc đáo. Nhân vật nói và hành động đúng với tính cách của mình. Thật khó tìm thấy trong nền kịch Việt Nam một vở Hài kịch nào mang đúng tên thể loại của nó như Quẫn. Do đó, sự ra đời của Quẫn là lời khẳng định cho sự có mặt của thể loại Hài kịch ở Việt Nam, trong đó Lộng Chương là người có công đầu, người đặt nền móng cho thể loại này.

 Những ấn phẩm in sáng tác của Lộng Chương và ấn phẩm viết về ông 
       Tên tuổi của Lộng Chương gắn liền với sự tồn tại của vở Quẫn. “Khi nhắc đến Lộng Chương, người ta không thể không nhắc tới Kịch hài ở nước ta, không thể không nhắc tới Quẫn"(1). Điều đó hoàn toàn đúng. Vậy điều gì đã tạo nên giá trị của tác phẩm đó? Ngoài phần thành công như đã nói ở trên, một mặt khác cũng khá quan trọng là do tác giả đã nắm đúng được bản chất của vấn đề. Ông không bị sa đà vào các hiện tượng hời hợt bên ngoài, chẳng hạn đi vào những yêu cầu của cuộc cải tạo tư sản, hoặc những hiện tượng chống đối bên ngoài, mà đi vào bản chất của loại người ngấm ngầm chống lại chính sách của Nhà nước như ông bà Đại Cát, cụ Đại Lợi... Sau nữa, tác giả đã chú ý vận dụng một số đặc điểm của Chèo để thể nghiệm trong thực tế: sự giao lưu thoải mái giữa các vai và khán giả, cải tạo nhưng vai hề và ngôn ngữ Chèo với tinh thần truyện tiếu lâm, "mà ở đây cụ thể là chú ý đặc biệt đến những vai hề - cơ sở châm biếm trào lộng của Chèo" (Trích trong Lời giáo đầu vở Quẫn). Ý thức sâu sắc về điều đó, Lộng Chương luôn cố gắng kết hợp giữa tính dân tộc, truyền thống và tính hiện đại trong các sáng tác của mình. Tuy sự cố gắng đó không phải lúc nào cũng thành công, nhưng rõ ràng những tác phẩm thành công của ông đều được xây dựng trên cơ sở của sự kết hợp nhuần nhuyễn đó. Cho đến thời điểm này, nhìn lại cả quá trình sáng tác của Lộng Chương, kể từ tác phẩm đầu tay, những tác phẩm nào còn đọng lại trong ký ức chúng ta? Những tác phẩm nào đã làm cho chúng ta nhớ mãi tác giả Lộng Chương? Chắc chắn đó phải là những tác phẩm mang tính hài sâu sắc như Quẫn, như Cửa mở hé. Thông thường, ta thấy cái hài thường được tạo nên bởi sự hiểu lầm giữa các nhân vật, hoặc sự đối lập giữa cái đẹp với cái xấu, cái thấp hèn với cái cao cả, giữa mục đích và phương tiện đạt mục đích... Nói chung, có rất nhiều hình thức để tạo nên cái hài. Nhưng ở đây, cũng cần phải có sự phân biệt giữa cái hài và cái cười. Cái hài mang tính bản chất hơn cái cười. Một số kịch vui của Lộng Chương thiên về phần thể hiện cái cười, tức là gây cho người ta cảm giác buồn cười trên cơ sở của sự nhầm lẫn về những hiện tượng bên ngoài của sự kiện, nhân vật, hơn là sự đối lập về mặt bản chất. Chẳng hạn, chúng ta rất buồn cười khi thấy tâm trạng phấn chấn hồi hộp của nhân vật Đoán trong vở Hỏi vợ, khi vợ ông định hỏi vợ cho con trai, ông lại tưởng vợ hỏi vợ bé cho mình. Hay nhân vật Tăng trong vở Úng, định lên lớp cho ông em vợ vì tội trốn sản xuất để ở nhà nấu rượu, nhưng rồi chính ông lại bị hơi men cám dỗ, nên đã cùng em uống rượu rồi cả hai cùng say... Đó là những vở có nhân vật gây cười, chứ chưa phải là những vở có tính hài sâu sắc. Chỉ đến Quẫn, tính cách nhân vật Hài kịch mới thật sự dày dặn và sắc sảo. Tác giả đã biết tạo ra những hoàn cảnh điển hình để các nhân vật Hài kịch có cơ hội bộc lộ hết tính cách của mình. Những nhân vật như ông bà Đại Cát, cụ Đại Lợi là những hình tượng rất điển hình cho tầng lớp phong kiến tư sản lúc đó. Về giá trị nghệ thuật, riêng nhân vật cụ Đại Lợi có thể "xem như là một hình tượng điển hình đặc sắc của Hài kịch từ trước đến nay”. Một vở Hài kịch khác cũng khá thành công và tương đối nổi hơn trong số các sáng tác của Lộng Chuơng là Cửa mở hé. Vở này có thể xếp hàng thứ hai sau Quẫn. Vở đã được các Đoàn kịch Hải Phòng, Hà Nội và Thanh Hoá dàn dựng. Tiếng cười của Lộng Chương mang nhiều sắc thái khác nhau: khi thì vang lên rộn rã suốt năm hồi kịch như Quẫn, nhưng cũng có khi chỉ rộ lên ở một vài cảnh như Cửa mở hé, hoặc một số vở kịch vui khác như Hỏi vợ, Yểm bùa trừ sâu, Mối lo của cụ Cửu... Đồng thời nó cũng được biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, tương ứng với nội dung của đối tượng mang tính Hài kịch. Vì thế, ta có thể nhận rõ tiếng cười mỉa mai, châm biếm sắc sảo của Lộng Chương trong Quẫn; tiếng cười chứa đựng nội dung đả kích sâu cay, chua chát trong Cửa mở hé; tiếng cười chế giễu hóm hỉnh, nhẹ nhàng khi đi vào những hủ tục cũ trong nhân dân như Hỏi vợ… Nhưng dù biểu hiện dưới hình thức nào, nội dung nào đi chăng nữa, thì tiếng cười trong các vở kịch đó bao giờ cũng gắn liền với tính thời sự. Hai đặc điểm: thời sự và trào lộng hoà quyện thành một thể thống nhất trong phần lớn sáng tác của Lộng Chương, đã tạo cho ông có một phong cách riêng biệt so với các tác giả cùng thời. Đó cũng chính là một điểm mạnh trong sáng tác của Lộng Chương. Chính vì có sự kết hợp này mà tiếng cười của Lộng Chương khá mạnh mẽ và sâu sắc, bởi vì rõ ràng là "con người sẽ không cười những gì mà họ cho là hôm nay không quan trọng, những gì không đụng chạm đến họ, không làm họ xúc động(2), và chính "tính thời sự hiện đại là điều kiện bắt buộc của sự châm biếm"(3). Trong cả cuộc đời sáng tác của mình, cho đến giờ phút này, Lộng Chương vẫn nói rằng, điều ông tâm đắc nhất là phần sáng tác về Hài kịch. Và chính sự say mê đó đã dẫn đến thành công của ông khi sáng tác về thể loại này. Tuy nhiên điều đó không phủ nhận đóng góp của Lộng Chương ở những thể loại khác. Bởi vì, trên thực tế, ông đã sáng tác rất nhiều thể loại khác nhau. Và tất cả đã tạo nên sự phong phú, đa dạng, tạo nên bề dày trong sáng tác của Lộng Chương. Ngoài những vở đã kể trên, một số vở khác cũng gây được ấn tượng mạnh như vở Chèo Đôi ngọc lưu ly (in trong tập Tích cổ viết lại, Nxb Văn hoá, 1982). Vở này viết lại tích Chèo Trương Viên, nhưng so với vở Chèo cổ Trương Viên, nó được bổ sung và nâng cao khá nhiều về nội dung tư tưởng, chủ đề của tác phẩm để phù hợp với thời đại mới. Ngay việc đổi tên vở Trương Viên thành Đôi ngọc lưu ly, cũng thể hiện công phu tìm tòi của tác giả trong ý muốn diễn tả một nội dung mới trên cơ sở chất liệu cũ, trên cái vốn truyền thống đã có. Bên cạnh Đôi ngọc lưu ly, còn vở Trọng Thuỷ đã được Đoàn Tuồng Trung ương, Đoàn Chèo Hải Phòng, Quảng Ninh... dàn dựng, và là một trong những vở được quan tâm trong những năm 60-70. Hay vở A Nàng (Nxb Văn nghệ, 1962) đã được Đoàn Cải lương Kim Phụng, Đoàn Bình Minh (Nam Định), Đoàn Hoa Mai (Hà Sơn Bình) dàn dựng và biểu diễn cùng trong khoảng thời gian đó. Mảng sáng tác có thể coi là một đóng góp đáng kể của Lộng Chương trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, là mảng Kịch Truyền thanh viết cho Đài Tiếng nói Việt Nam. Phần lớn Lộng Chương sáng tác để phục vụ công tác binh vận. Ở loại kịch này, việc khẳng định nội dung tư tưởng dường như có ý nghĩa hơn và có sự quan tâm hơn so với giá trị nghệ thuật của nó. Nhưng dù sao, đó cũng là những tiếng nói cần thiết, không thể thiếu được trong một thời kỳ chiến đấu quyết liệt với kẻ thù như những năm 60-70. Ngoài khối lượng tác phẩm sáng tác rất lớn, Lộng Chương còn tham gia chỉnh lý, viết lại, chuyển thể kịch bản của khá nhiều tác giả khác theo yêu cầu dàn đựng sân khấu. Với hơn hai mươi tác phẩm thuộc loại này, Lộng Chương ngày càng trở nên gần gũi và quen thuộc với công chúng ở khắp các tỉnh trong cả nước. Chúng ta có thể kể những vở như Vòng quay (Nxb Lao động, 1964), Một dòng (1963), Giờ quyết định (1964), Hà Nội đầu năm 46 (1965), Người giám khảo cuối cùng (1976)... Đó là những vở viết về nhiều đề tài khác nhau, đã được các đoàn dàn dựng, biểu diễn và nhiều vở đã được dư luận chú ý. Người ta trân trọng tác giả Lộng Chương một phần ở kinh nghiệm sáng tác lâu năm, một phần ở khả năng đạo diễn, nhưng hơn thế là ở thái độ nhiệt tình, say mê và tâm huyết với nghề nghiệp của ông. Bên cạnh tất cả những hoạt động sáng tác Kịch nói, Kịch thơ, Chèo, hoặc chỉnh lý, chuyển thể, viết lại kịch bản, Lộng Chương còn sáng tác cả văn vần để phục vụ cho công tác cổ động tuyên truyền theo nhiệm vụ chính trị của từng giai đoạn cách mạng. Ông viết cả phóng sự, ký sự kháng chiến. Một hoạt động khác cũng khá tiêu biểu trong hoạt động sân khấu của ông là phần viết tiểu luận, lý luận phê bình sân khấu. Lộng Chương đặc biệt quan tâm tới vấn đề tính dân tộc trong sáng tác của mình. Uớc muốn thể hiện phong cách và bản sắc của người Việt Nam trên sân khấu là điều làm ông suy nghĩ ngay từ khi mới bắt đầu dấn thân vào con đường hoạt động nghệ thuật đầy gian khổ, nhưng cũng đầy hấp dẫn này. 
       Nhìn vào sáng tác của Lộng Chương, chúng ta thấy tất cả đều bắt nguồn từ hiện thực sinh động của đất nước, đó là những vấn đề gần gũi, thiết thân đối với vận mệnh của dân tộc, cũng như với số phận của mỗi người. Nói chung kịch của Lộng Chương gắn nhiều với đời thường, hoàn toàn không có tính chất khái niệm chung chung, hoặc đi vào triết lý trừu tượng. Ông xây dựng tính cách nhân vật, cũng như mâu thuẫn, xung đột trong vở kịch trên cơ sở những chất liệu có thực, do đó kịch của ông thường dễ hiểu, dễ nhớ. Người ta không thấy những mâu thuẫn quyết liệt, những xung đột gay gắt trong kịch Lộng Chương, nhưng không phải vì thế mà nó không sâu sắc hoặc giảm bớt tính chiến đấu mà ngược lại, chính việc phổ cập trong công chúng đã nói lên tác dụng tích cực của những tác phẩm nghệ thuật này. Song song với hoạt động sáng tác, Lộng Chương đã có công lớn trong việc xây dựng, tổ chức, thành lập nhiều đơn vị nghệ thuật và bồi dưỡng phong trào quần chúng, cũng như đào tạo nhiều thế hệ tác giả, đạo diễn và diễn viên trẻ cho sân khấu cả nước. Hiện nay, mặc dù đã thuộc lớp người "cổ lai hy” nhưng Lộng Chương vẫn còn nhiều dự định sáng tác và vẫn say sưa với hoạt động sân khấu.

 _________________________
 (*) Sách: “Tác gia kịch hiện đại Việt Nam” - Nxb Sân khấu, 1990; “Lộng Chương trong trái tim bè bạn”, Nxb Hội Nhà văn, 2013. (1) Sách “Bước đầu tìm hiểu lịch sử kịch nói Việt Nam 1945-1975”. TG: Phan Kế Hoành, Vũ Quang Vinh - Nxb Văn hóa. 1982. (2) (3) Sách “Mỹ học - Khoa học diệu kỳ của B.A.Ru-Groxx” - Nxb Văn hóa, 1984.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét