Thứ Sáu, 22 tháng 8, 2014

MỪNG THỌ NHÀ VIẾT KỊCH LỘNG CHƯƠNG 70 TUỔI(*)

  GS Hà Văn Cầu
Thưa các bạn,
Từ lần mừng thọ trước đến lần mừng thọ này, 12 năm đã đi qua.
12 năm ấy, chúng ta rất vui mừng vì trong chúng ta, nhiều anh chị em đã có nhiều tác phẩm, nhiều vai thuộc các thể loại kịch, tuồng, chèo, múa rối, phim ảnh… khẳng định một xu thế không có gì ngăn cản nổi của những người học trò đáng yêu của thày Lộng Chương.
NVK Lộng Chương (1988) 

Thành tựu ấy, như Doãn Hoàng Giang nói hôm qua, là công sức của từng cá nhân; đồng thời cũng lại là kết quả của những bước đi chập chững ban đầu, hai - ba - bốn mươi năm về trước, do thày Lộng Chương dìu dắt.
            Trong ngày vui này, chúng ta đồng thanh và đồng lòng đem những thành tựu nghệ thuật ấy kính tặng thày và đảm bảo với thày rằng: Sau này, dù đi tới đâu, dù ở cương vị công tác nào, dù vươn tới những đỉnh cao nào chăng nữa, chúng ta cũng không bao giờ quên công sức của thày trong những ngày đầu chập chững, như bạn Lê Mai đã nói hôm qua.
            Tôi mong rằng trong ngày vui này, mỗi anh chị em chúng ta hãy kể lại kỷ niệm của những ngày đầu gặp gỡ anh Lộng Chương và những điều học hỏi được ở anh, để làm giàu lẫn cho nhau. Tôi xin bắt đầu trước:
            Tôi nhớ mãi cái ngày đầu tản cư. Vào năm 1947, tôi là một đảng viên trẻ nhất trong số 63 đảng viên của tỉnh Thái Bình lúc ấy, được phân công làm công tác vận động trí thức tản cư. Người đầu tiên tôi gặp là anh Mạnh Phú Tứ. Chuyện thật dài dòng, nhưng có thể nói cái giới trí thức văn nghệ lúc ấy thật đáng sợ. Sau khi gặp gỡ nhiều người, tôi đi gặp anh Lộng Chương. Ấn tượng ban đầu thật sâu. Anh mặc sơ mi, bên ngoài là gi-lê, để ria mép, nhậm píp, đeo kính râm to bản. Đúng là một ông Phán sự Phủ Toàn quyền. Tuy tôi cũng đã từng học ở Hà Nội, nhưng chưa bao giờ được gặp các giới chức. Vốn tính tôi nhút nhát, nay lại mang ấn tượng “sợ” giới trí thức, cho nên tôi rất rụt rè (Vả lại, mấy năm về trước, tôi đã được đọc phóng sự Hầu Thánh của anh do Cộng Lực, phố Takeu xuất bản, nên càng ngại). Câu đầu tiên tôi nói với anh rất kiểu cách: “Thưa ông, tôi cũng xin tự giới thiệu…”. Rồi bỗng nhiên anh bảo tôi: “Này thôi, ta đừng gọi nhau là ông nữa. Cách mạng mấy năm rồi...”. Và anh gọi tôi là anh. Tôi rất băn khoăn và lưu ý anh rằng, tôi ít hơn anh chục tuổi. Anh liền bảo: “Anh có nhớ thơ Nguyễn Khuyến không? Kể tuổi tôi còn hơn tuổi bác… Đã hơn tuổi thì phải là …hơn tuổi chú chứ, sao lại … hơn tuổi bác? Đó chính là tình bạn vong niên đấy. Chúng ta bây giờ cũng vậy; đã chơi với nhau thì đừng kể tuổi. Thế mới bền!
Tổng thư ký Hội NSSK VN Dương Ngọc Đức tặng hoa 
NVK Lộng Chương, mừng thọ ông 70 tuổi
            Đúng vậy! Sau này tôi mới nghiệm ra, trong khi anh anh tôi tôi, thậm chí cậu cậu tớ tớ, thì tình bạn rất thắm thiết. Còn nhiều khi đã lên giọng đồng chí, lại là lúc sắp hại nhau, có khi hại đến cả một đời người.
            Ngay từ ngày ấy, anh mở lớp đạo tạo diễn viên, cùng với cụ Vi Huyền Đắc, anh Phan Tại… nhưng vai chính vẫn là anh. Vì cụ Vi còn đa mang cái bàn đèn, còn anh Phan Tại thì lại đang bận vở ở bên Bình Cách.
            Anh chỉ vẽ cho chúng tôi từng bước, trong diễn xuất, trong biên kịch. Anh lên đề cương cho tôi viết. Viết xong anh lại chỉ ra chỗ thừa, chỗ thiếu… Rồi, mưa lâu ngấm dần, tôi trở thành người viết chuyên. Nhớ lại buổi đầu gặp anh Huyền Kiêu, anh bảo tôi: “Chữ cậu tốt, cứ chịu khó chép tác phẩm cho chúng tớ thì hơn là sáng tác, vì cậu thì chẳng bao giờ sáng tác được đâu”. Có nhớ lại mới thấy công ơn anh Lộng Chương là rất lớn lao.
            Sau này, khi anh đứng ra lo thành lập Đoàn Văn công Liên khu III, tiền thân của Đoàn Điện Biên; tôi thấy anh lo việc chung như việc riêng, rất say mê, rất tận tình, không phải tiêu của nhà nước một xu nào; mà Đoàn sinh ra rất bề thế, có đủ phông màn, đèn đóm… mỗi thành viên lại được trang bị một cái áo mưa vải sơn (lúc ấy chưa có nilon). Trong dịp ấy, khi chúng tôi làm lễ khai trương vở mới, thì ông Trưởng ty Tuyên truyền Thanh Hóa ra lệnh cấm không được diễn. Đêm ba mươi tết, anh phải đạp xe mấy chục cây số đi xin phép. Quá giao thừa vẫn chưa thấy về, chúng tôi sốt ruột quá. Cụ Phái chủ nhà mở truyện Kiều ra bói được câu: Trên Tam Đảo, dưới Cửu tuyền. Tìm đâu chẳng thấy… lại càng sốt ruột. Chúng tôi từ Sơn Viện lội bộ ra Rừng Thông rồi sang Cầu Chầu cũng chẳng thấy anh. Mãi 2 giờ sáng anh mới về. Câu đầu tiên anh nói như một sự rút kinh nghiệm: “Không nản mới được. Phải có coup de tête mới sống được với họ”. Mãi về sau, những lúc khó khăn, tôi mới thấm thêm cái nghĩa của coup de tête!
Học trò mừng thọ thày Lộng Chương 70 tuổi
            Mấy mươi năm qua, gần gũi anh, tôi thấy rõ anh không bao giờ khoan nhượng trước những lệch lạc của cuộc đời. Anh Lưu Quang Thuận khi còn sống, đã viết về anh: Tài hay nhưng tật bướng!
            Tôi nghĩ: Bướng phải! Càng XHCN càng phải bướng. Bướng để thực hiện bình đẳng và công bằng xã hội! Bướng muôn năm!
Học trò mừng thọ thày Lộng Chương 70 tuổi
            Thưa anh Lộng Chương,
            Nhân dịp vui hôm nay, mừng anh trung thọ, tôi xin thay mặt anh chị em chúc anh quanh năm mạnh khỏe, làm việc vừa sức, bớt rượu thêm cơm, cho chị yên tâm và cho cả chúng tôi yên tâm.
            Cũng xin chúc chị luôn luôn sáng con mắt, chặt đầu gối, vui với anh và vui với con cháu, thỉnh thoảng vào Sài Gòn với thằng út cho thêm vui.
            Xin tất cả các bạn nâng cốc mừng anh chị trường thọ.
                                                                                                    

(*) Nhà nghiên cứu Chèo Hà Văn Cầu soạn và đọc tại Lễ mừng thọ, do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, bạn hữu và các học trò Nhà viết kịch Lộng Chương tổ chức. Ông đã nhận Giải thưởng Nhà nước năm 2005 về công trình nghiên cứu Chèo và Kịch bản Chèo; Sách “Lộng Chương trong trái tim bè bạn”, Nxb Hội Nhà văn, 2013.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét