Thứ Sáu, 15 tháng 8, 2014

TẬP SÁCH CỦA CHA(*)

            Thế là tập sách của Cha “Lộng Chương trên mọi nẻo kịch trường" đã được ra đời! Con thành kính đặt tập sách lên bàn thờ vào dịp lễ tưởng niệm 100 ngày Cha vĩnh biệt cõi trần. 
Vui biết mấy. Mà cũng buồn biết mấy. Vui vì di bút của Cha đã được vợ chồng chúng con tìm kiếm, giữ gìn. Buồn vì... Cha đâu còn nhận biết được công trình này. Nước mắt con bỗng dàn dụa khi nghĩ về một kỷ niệm làm sách cho Cha lần trước. Năm 1997, chúng con trình Cha tập "Kịch Lộng Chương", dày gần nghìn trang, Nhà xuất bản Văn học in. Nhìn tay Cha run run lần giở với nét vui rạng trên khuôn mặt, khiến chúng con vơi hẳn nỗi niềm day dứt về nghĩa vụ báo hiếu chưa tròn. Bởi tuổi Cha ngày càng gần đất xa trời, mà đống bản thảo chất chồng của Cha thì ẩm nát mối mọt huỷ hoạt quá nhanh, không có cách nào ngăn lại được. Cả cuộc đời Cha đã vắt kiệt mình cho nghệ thuật, với hàng trăm vở kịch ngắn dài, với sự đa dạng về thể loại: chính kịch, hài kịch, chèo, cải lương... Cha đã đạt tới đỉnh cao vinh quang trong lịch sử sân khấu cách mạng nửa sau thế kỷ XX. Vậy mà, khi "đi xa”, Cha trút bỏ lại tất cả. Cho mọi người. Cho thế hệ hôm nay. Và chắc chắn, nhiều thế hệ mai sau còn biết đến Cha qua những vở kịch nổi tiếng như: Quẫn, A Nàng, Đôi ngọc lưu ly, Cửa mở hé... "Các nhà nghiên cứu sân khấu rồi đây sẽ lúng túng -
Điếu văn của Hội NSSK Việt Nam tại Lễ tiễn biệt Cha - khi xác định khối lượng tác phẩm đồ sộ của ông, sức sáng tạo khổng lồ không mệt mỏi của ông”.
Thưa Cha, tập sách chúng con trình Cha lần này không phải là những vở kịch mà Cha đã nặng lòng thai nghén, ấp ủ, sáng tạo viết ra. Đó là những bài viết về sân khấu trong suốt mấy chục năm ròng. Theo niên biểu ghi trong đó, chúng con biết những bài viết này cha đã lần lượt cho ra đời từ năm 1955 đến những năm 80 - thế kỷ XX. Cha viết theo sự thúc giục của con tim và theo đơn đặt hàng của các tập sách, tờ báo, tạp chí đương thời. Thời gian ấy Cha đang thừa hành trách nhiệm một "công chức nghệ sĩ", làm công tác quản lý tại Hội NSSK Việt Nam. Chúng con cất công tìm kiếm những bài viết cho tập sách là nhờ sự mách bảo tình cờ từ cuốn sổ tay ghi chép công việc hằng ngày của Cha. Tập bản thảo "Viết về sân khấu” của Cha đã qua tay nhiều người. Chúng con lặn lội tìm hỏi, nhưng không có được lời chỉ dẫn xác thực nào. Mãi sau, nhờ một nguồn tin khác, chúng con biết rằng, một phần tập bản thảo này đã được bàn giao cho Viện Sân khấu. Vậy mà, mấy người làm việc tại đây đều lắc đầu "Không biết!" Thế đấy, thưa Cha!
Rầu lòng, song vợ chồng chúng con chưa chịu thất vọng bó tay. Chúng con quyết tìm. Bằng việc lần giở, moi bới trong đống bản thảo và các loại giấy tờ mốc ẩm bụi bặm ngay tại nhà mình. Và chúng con tìm trong nhiều loại báo chí lưu tại các thư viện từ cả chục năm trước đây. Biết rằng, với 38 bài viết nằm trong tay chúng con, số lượng đó là quá ít, phải không Cha? Chúng con dự định tiếp tục tìm kiếm thêm để năm sau - 2004, sẽ dâng trình Cha công trình này. Nhưng... số phận đã chia ly vĩnh viễn sự sống của Cha với chúng con! Trong nỗi buồn tràn dâng, vừa mất Mẹ lại đến mất Cha, càng thôi thúc chúng con mau mau làm xong tập sách dâng Cha, cùng là dâng Mẹ. Thưa Mẹ, chúng con luôn tâm niệm rằng, mọi thành đạt của Cha đều có công lao không nhỏ của Mẹ góp vào. Công lao của Mẹ, nói như Giáo sư Hà Văn Cầu là chí lý lắm: "Không có bà Lộng Chương thì không thể có Nhà viết kịch Lộng Chương!".
Và, chúng con tiếp tục lao vào công việc không kể giờ giấc sớm hôm, để cho tập sách hoàn thành đúng như dự định. Bên cạnh nỗ lực chủ quan, chúng con còn có sự trợ lực tận tình của Hội NSSK Việt Nam. Chúng con xin Cha cùng Mẹ cho phép được bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Hội, đối với các anh chị giữ trọng trách của Hội.
Về nội dung tập sách, vì còn thiếu nhiều bài viết của Cha, nên chưa thoả nguyện ý muốn của chính chúng con. Nhưng, một số bạn hữu Cha cùng bạn bè chúng con đều nhận định đó là tập sách tốt, hữu ích. Nó đã ghi lại được nhiều tư liệu về quá trình hình thành và phát triển nền sân khấu cách mạng Việt Nam. Nó đã gợi mở nhiều vấn đề về quan điểm và phương hướng phát triển toàn diện ngành sân khấu mang đậm nét bản sắc văn hoá dân tộc. Nó không chỉ giá trị đối với thời kỳ ra đời những bài viết ấy. Còn nhiều vấn đề vẫn giữ nguyên giá trị đến nay và sau này nữa.
Tập sách (ngoài số bài viết kể trên) còn có phần nói về những đóng góp của Cha cho ngành nghệ thuật sân khấu nước nhà; những tấm lòng yêu thương tha thiết từ đồng nghiệp, bạn hữu và các thế hệ học trò dành cho Cha. Với chúng con, nội dung phần này là lời an ủi, cổ vũ to lớn, giúp chúng con vượt lên mất mát đau thương.
Bằng vào những bài viết trong tập sách, những vở kịch, cùng những hoạt động sân khấu cả cuộc đời Cha, người đương thời bảo rằng, Cha đáng bậc tiên tri lắm. Lời Điếu tiễn biệt Cha chẳng đã nói rõ đấy ư?! Cha là "Cây đại thụ của nền sân khấu Việt Nam (...) Nhà viết kịch lỗi lạc, một đạo diễn đầy tâm huyết, Người Thầy lớn của rất nhiều thế hệ diễn viên (...) Học trò của ông đủ mọi thành phần: những người thày thuốc, những kỹ sư,  những sinh viên, những công nhân và nông dân, trải khắp đất nước (...) Vĩnh biệt ông, giới sân khấu luôn nhớ về ông, một con người tâm huyết, một tấm lòng trăn trở với cuộc đời, một tâm hồn yêu thương nâng niu đồng nghiệp; vẫn nhớ về ông, một tài năng lớn, một nhân cách lớn, một người Anh, một người Thầy lớn". Và, giáo sư Hà Văn Cầu, chỉ kém Cha chưa tròn chục tuổi, từng nhận mình may mắn được Cha "cầm tay dạy chữ"; trong cơn bàng hoàng ông đã viết ngay bài đăng trên Báo Lao động (28/6/2003) mang tên "Thương nhớ Thầy Lộng Chương": "... Thầy không thuộc về một họ, mà là người của trăm họ, uống nước trăm con sông, ăn hạt gạo trăm làng để phục vụ hàng triệu con người (...) Thầy ra đi mất rồi. Thầy đã để lại nỗi đau, nỗi nhớ không chỉ cho giới sân khấu cả nước, mà cả hàng triệu hàng triệu đồng bào yêu thích nghệ thuật sân khấu Việt Nam".
Đương nhiên với chúng con, nỗi đau nỗi nhớ ấy còn ngưng mãi mãi trong tim. Nhưng chúng con biết cần thể hiện nỗi lòng mình bằng những dự định tiếp tục làm gì cho Cha. Cho dù Cha chẳng đòi hỏi, dù chúng con không đủ tài đủ đức theo đường Cha đi, song việc bảo tồn và giới thiệu di sản của Cha là trách nhiệm lớn đối với vợ chồng chúng con.
Vâng, sau tập “Lộng Chương trên mọi nẻo kịch trường", sớm muộn chúng con sẽ giới thiệu với bạn đọc gần xa những tập sách khác của Cha. Đó là điều chắc chắn, thưa Cha!
                                                       
                                                           Giang Trung Học
___________________________
(*) TC Văn hiến Thăng Long, số 19  - 2003; Sách “Lộng Chương trong trái tim bè bạn”, Nxb Hội Nhà văn, 2013.
                                                                                                               




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét