Trong
gần một năm qua, chúng con cùng họ hàng, bạn hữu… tiễn đưa Cha Mẹ về cùng tiên
tổ. Với giới sân khấu, sự “ra đi” của Cha là nỗi buồn vô hạn đã đành. Nhưng còn
Mẹ - người bạn đời yêu quý của Cha, tình cảm tiếc thương của họ dành cho, cũng
không hề thua kém.
NVK Lộng Chương nhìn mặt người vợ thân yêu của ông lần cuối cùng. |
Bởi ai cũng biết rằng, trong những năm tháng hoạt động sôi nổi
và đầy nhiệt huyết của Cha, không lúc nào thiếu vắng sự có mặt của mẹ. Họ rất
biết rằng, chính vì có mẹ mà Cha mới có thể toàn tâm toàn ý dành hết tâm huyết
cùng sức lực của mình cho nền kịch nghệ nước nhà; mới dồn được mọi quan tâm lo
lắng, sự giúp đỡ chí tình của mình cho bạn hữu và nhiều thế hệ học trò trong cả
nước.
Hơn
sáu chục năm qua, kể từ thuở ban đầu gặp gỡ để đến lúc nên duyên chồng vợ, cho
đến tận phút chót của cuộc đời, dường như Cha Mẹ được sinh ra là để cho nhau và
vì nhau vậy.
Thế nên, hiếm khi (hay có thể nói là không có) gia đình mình bị
chông chênh bởi “cơm không lành, canh chẳng ngọt”! Anh em chúng con luôn được sống
trong không khí tràn trề hạnh phúc, ấm êm. Cũng không phải là không có lúc Mẹ Cha
hiểu lầm về nhau; không phải không có lúc trên khuôn mặt mẹ từng tuôn trào những
dòng nước mắt hờn ghen, buồn tủi. Nhất là, người như Cha: đẹp trai, hào hoa, đầy
nam tính… lại hoạt động trong môi trường dễ “nghiêng ngả”, nếu có nhiều phụ nữ
mê là điều dễ hiểu! Song, bao giờ sóng gió cũng qua đi rất nhanh. Để sau đó, mọi
hờn ghen buồn giận ấy lại biến thành luồng gió nhỏ, hun nóng thêm ngọn lửa tình
yêu nồng nàn, bền chặt, luôn hiện hữu giữa hai người.
Trong
Làng sân khấu, Cha nổi tiếng là người hay rượu. Nhưng cái tiếng “nát rượu” chưa
từng có ai dám áp đặt cho Cha. Với cái “tật hay rượu” của Cha, Mẹ chẳng bao giờ
phiền lòng. Bất kể lúc nào Mẹ cũng lo cho Cha bình rượu làng Vân trong vắt,
không mấy khi vơi. Vì, cứ vơi một chút là mẹ lại rót đầy… Ai đã từng đến nhà
mình vào đúng bữa cơm thời gian khó xưa, đều cảm động vì sự tiếp đón ân cần của
Mẹ. Tiền tuy eo hẹp mà lòng Mẹ luôn rộng mở. Việc Mẹ nhường chỗ mình trong mâm
cho bạn của Cha là chuyện thường ngày. Không những vậy, ngay sau đó Mẹ còn tất
tả ra chợ để kiếm thêm chút “mồi”, để Cha “lai rai” tiếp khách. Khách của Cha
nhiều lắm, ở khắp mọi nơi. Hà Nội có. Các tỉnh về. Phía Bắc xuống. Trong Nam
ra… Nhà mình từng được GS Hà Văn Cầu ví: Nhà ông Lộng Chương chẳng khác gì một
Ty Văn hóa! Nhưng, về một khía cạnh khác, Ty Văn hóa làm sao ấm cúng được như ở
nhà mình! Nếu đến Ty Văn hóa, khách cần nơi ăn, chỗ ngủ, phải trình báo khâu nọ,
kia mới xong. Nhưng đến nhà mình, các chú, các bác, các anh chị… sau khi quẳng
ba lô vào giường và nói với mẹ, xin dùng bữa trưa, bữa tối, là cứ vô tư mà đi
làm việc đó đây.
Còn
nhớ những năm 60 (thế kỷ XX), khi lên Hà Nội biểu diễn, đã có lúc cả Đoàn Chèo
Nam Định ăn ở tại nhà mình. Vậy mà với Mẹ, mọi việc cứ êm xuôi. Mẹ còn lo đỡ đầu
cho một diễn viên chính của Đoàn khi chị sinh con. Cũng lo hầm chân giò cho chị
có sữa nuôi con. Cũng tự tay giặt tã để chị kiêng khem đỡ lạnh. Mẹ lo cho chị
đâu có khác lo cho con mình dứt ruột đẻ ra. Thời bây giờ, những chuyện ấy là
“việc vặt”! Song mấy chục năm trước, chắc chắn đó không phải là “chuyện đùa”!
Nhất là việc ấy lại dồn lên Mẹ - một người đã trĩu nặng trên vai một gánh bên
chồng - bên tám đứa con, cùng một bà mẹ chồng nghiệt ngã. Vậy nên, lúc Mẹ giã
biệt cõi trần, vợ chồng chị ân nghĩa trước nghĩa tử của Cha Mẹ, đau buồn nhiều
lắm.
Chỉ
một việc con nhắc lại, cũng đủ thấy sự bao dung, thiện tâm, nhân hậu của Mẹ;
cũng chứng tỏ Mẹ đã sống hết lòng vì sự nghiệp của Cha. Chính điều này đã làm
Cha thêm yêu thương, trân trọng Mẹ và càng động viên Cha trải lòng cưu mang,
nâng đỡ những lứa học trò của mình trong suốt cuộc đời hoạt động.
Năm
Cha lên lão sáu mươi, học trò của Cha đến nhà mình đông lắm. Họ ngồi chật mấy
gian nhà, ngồi cả xuống khoảng sân mênh mông. Đó là một năm sau chiến tranh chống
Mỹ. Đất nước còn nghèo. Miếng cơm manh áo đối với mỗi gia đình luôn là nỗi lo
thường nhật. Thế mà, hôm đó mọi người đã bảo nhau gom góp tiền mua tặng Mẹ chiếc
máy khâu. Giai đoạn đó, chiếc máy khâu là cả một gia tài, có giá trị quá lớn so
với thu nhập của một viên chức. Mẹ rơi nước mắt trước tình cảm chân thành của
các học trò chồng dành cho mình. Chắc chắn, chẳng phải vô lối mà họ đã cởi lòng
cởi dạ đến với Cha, và nhất là, quý Mẹ đến vậy!
Cha
ơi! Sau những ngày Mẹ mất, Cha ngồi triền miên trong im lặng. Có phải chăng Cha
mong đợi Mẹ về? Bởi cả cuộc đời mình, lúc buồn cũng như khi vui, Cha đã quen có
sự kề cận sẻ chia của Mẹ. Đợi mãi, đợi hoài, chẳng thấy Mẹ con đâu, Cha đành chống
gậy đi tìm. Cha đã gặp lại Mẹ con chưa, Cha ơi?
(*) Báo Phụ nữ Việt Nam - số 81, ngày 19/9/2003; Sách “Lộng Chương trong trái tim bè bạn”, Nxb Hội Nhà văn, 2013.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét