Thứ Sáu, 15 tháng 8, 2014

Nửa cuộc đời của bố(*)

Bà Lộng Chương - Nguyễn Thị Quy
         
Có lẽ, khó có thể dùng lời để nói hết được những gì mà, bằng cả trái tim mình, mẹ đã dành cho bố. Ở cái tuổi gần đất xa trời này, khi mà bố nằm gần như bất động trên giường, còn mẹ vẫn ân cần chu đáo, như suốt cuộc đời, để chăm lo cháo lão, thuốc men... và cả những chén rượu ân tình cho bố! Con đứng cạnh, ngay sát giường bố, miên man, chìm đắm trong suy tư, như nhìn thấy tất cả, mà như, cũng chẳng nhìn thấy gì. 
            Bởi, con cảm nhận, qua từng cử chỉ, mỗi nét lo toan trên khuôn mặt mẹ, đều là biểu hiện của lẽ tự nhiên, hiện thân của tạo hoá, của ông bà ngoại đã sinh ra mẹ, vốn là như thế từ trong máu thịt, một người vợ, một người mẹ, trọn vẹn từ thuở ban đầu của tình yêu cho đến tận bây giờ, tuổi hơn tám mươi và chắc chắn cho đến phút chót của cuộc đời!
            Cha con, chẳng mấy ai trong giới văn nghệ và cả những người yêu nghệ thuật, mà không biết đến. Người ta nói về bố đã nhiều, quá nhiều! Nhưng còn mẹ, người cả đời chỉ đứng trong hậu trường sân khấu, người vợ thuỷ chung, người mẹ tần tảo, người đã "Lo đủ tám con với một chồng" (Tác giả phỏng thơ cụ Tú Xương - BT), một người mà bạn bè văn nghệ của bố đã phải khẳng định không ít lần rằng, "Không có bà Lộng Chương thì không thể có Nhà viết kịch Lộng Chương", thì mấy ai đã biết!
           Mà ngay cả chúng con, những đứa con của bố mẹ, mặc dù thấm đẫm lên cả cuộc đời, không những của mình, mà cả các con mình (những đứa cháu chắt của bố mẹ), tình yêu thương đến cạn kiệt của mẹ, nào đã thấu hết được tình mẹ?! Mẹ chẳng còn nhớ mình là ai, để mà dồn tất cả cho bố, từ những ngày mới khởi nghiệp, chưa tiếng tăm, chưa danh vọng. Mẹ bỏ lại sau lưng cuộc sống nhung lụa, yên ả. Mẹ tự đặt lên vai mình một gánh trĩu nặng - bên chồng, bên con. Mẹ rong ruổi theo bố qua các chiến dịch. Mẹ tần tảo, mưu sinh, lo từng củ khoai, củ sắn cho chúng con qua ngày, mà vẫn đau đáu bên mình nỗi niềm chờ mong bố. Chẳng hiếm lắm để có thể kể đến những lần dì con lặn lội đi tìm, mong đón được mẹ cùng chúng con trở về thành, nương náu trong sự yêu thương, đùm bọc của ông bà ngoại. Mẹ đã chối từ! Dù bố con đang ở nơi đâu, mẹ vẫn biết mình là điểm tựa vững chắc cho sự nghiệp mà bố con đeo đuổi. Mẹ coi đó là thiên chức tự nhiên nhất trên đời, "Vai mang khăn gói qua sông. Mẹ gọi mặc mẹ, theo chồng cứ theo".
            Là con gái đầu của một gia đình giàu có vùng Kinh bắc, mẹ đảm đang, quán xuyến. Mẹ thật đẹp mà kín đáo. Mẹ quyến rũ mà nhẹ nhàng. Mẹ đang có cuộc sống thật êm đềm. Vậy mà mẹ gồng gánh theo bố không một đắn đo, không hề giằng xé. Mẹ trút tấm áo dài nhung lụa để khoác lên vai chiếc áo nâu xẻ tà. Mẹ để lại sau lưng ánh đèn hào nhoáng của phố phường để đến những vùng thôn dã tù mù ánh đèn dầu, leo lét ngọn nến. Mẹ quên đi những tiện nghi được coi là sang trọng lúc bấy giờ, như chiếc vòi tắm hoa sen xả nhè nhẹ, thơm tho, để mò mẫm trong đêm, bên những chiếc cầu ao nước tù, nước đọng. Và, đến khi lần về được giường nằm là một cái nong, thì rùng mình nghe tiếng rơi đánh độp của một con đỉa trâu no mọng máu mẹ. Mẹ chắt chiu từng manh vải thô từ túi đựng gạo, chắp vá cho chúng con tấm áo ấm mùa đông. Áo chúng con mặc, còn tay mẹ rớm máu vì vải dày khó khâu. Ngón tay mẹ có quen đâu với đất sỏi vùng đồi để mẹ bới trồng rau củ. Rau củ chúng con ăn, còn tay mẹ nứt nẻ đớn đau. Đôi gót son mềm mại của mẹ quen nhẹ bước trên phố phường phẳng sạch, vậy mà mẹ cũng chẳng ngại chi những cuộc ruồng bố cả ngày lẫn đêm của giặc. Mẹ đã vai gánh, tay xách, nách bế chúng con theo, bươn bả chạy hàng chục kilômét đường rải đá răm, dẫm qua những bụi cỏ gai nhọn, lội qua nhiều mảnh ruộng lô nhô gốc rạ. Để đến lúc dừng chân, mẹ mới nhận biết sự sống chết chỉ trong gang tấc và ngắm nhìn đôi bàn chân rách toạc máu loang. Và cả những đêm diễn phục vụ chiến dịch, mẹ cùng chúng con được bố về đón đến xem, mà cái sự nguy hiểm đe dọa gia đình mình lại chính từ phía người mình đưa lại. Đêm đó, một đêm diễn phục vụ cải cách ruộng đất ở Xích Thổ (tỉnh Ninh Bình). Đoàn của bố diễn vở "Thù này phải trả". Bố đóng vai địa chủ. Từ cánh gà, một “tên” địa chủ nghênh ngáo, hống hách bước ra. “Tên” địa chủ đầu đội khăn xếp, áo dài the đen, quần lụa trắng, tay cầm ba toong khua khoắng. Bố vào vai giống đến nỗi, căm thù từ phía quần chúng trào dâng. Đá gạch tới tấp ném lên sân khấu. Mấy mẹ con con hốt hoảng, đứng dúm lại, chết trân, lo cho tính mạng của bố. Trên vai con, đôi bàn tay mẹ bấu víu, run rẩy.
            Bố mê mải gây dựng các đoàn kịch kháng chiến. Bố say sưa lo trang phục, gạo tiền nuôi sống diễn viên. Nhưng chính bố nhiều khi không hề biết rằng, có những thời gian dài, mẹ ngồi bấm bụng nhìn chúng con ăn cho no, dù chỉ là khoai sắn trộn cơm với chút tương cà. Đợi đến khi còn lại một sém cháy, mẹ mới trệu trạo nhai cùng lời vỗ về "mẹ no rồi", trong sự vô tư đến tận cùng của những đứa trẻ thơ chúng con. Rồi nữa, bố lặn lội qua vùng địch tạm chiếm, kiếm bằng được viên ký ninh cho diễn viên của đoàn kịch qua cơn sốt rét rừng, để đến lúc có dịp về thăm mẹ, bố mới bàng hoàng, dằn vặt khi hay tin rằng, mẹ cũng vừa mới qua "cửa tử", bởi băng huyết do "vượt cạn" một mình. Cũng may mẹ con còn gặp thày, gặp thuốc. Hồi đó, mẹ con con tản cư ở đồi Chương (Thạch Thành, Thanh hoá). Một bà cụ lang vườn nhân hậu đã rất tận tâm cưu mang. Đó là Cố Xế ở sát cận nhà mình. Một đêm mẹ trở dạ, mà bố thì còn đang biền biệt nơi đâu. Chúng con một lũ thơ dại sợ quá, xúm quanh mẹ khóc ròng. Chị Cả con đã sang nhờ Cố Xế. Cố chẳng ngại mưa phùn gió bấc, đường đất thôn quê trơn như đổ mỡ, cắn răng bấm chặt mười đầu ngón chân, nửa đêm vượt đường xa hơn chục cây số, đem về cho mẹ con thang thuốc cổ truyền. Mẹ mệt và đau quá lả đi, Cố còn hà hơi tiếp sức cho mẹ. Cố lăn lưng giặt giũ quần áo cho mẹ. Bởi chúng con còn dại, biết gì đâu mà chăm mẹ lúc cảnh ngộ này. Lúc sáng sớm, khi đêm khuya, Cố mang cho mẹ quả trứng luộc, củ sắn lùi. Ơn cứu mạng mẹ thường thủ thỉ cùng chúng con. Mẹ luôn tin rằng, gieo hạt nào gặt hái quả đó. Sống nhân đức sẽ để lại cho con cháu hoa thơm trái ngọt. Đến khi vãn đợt phục vụ chiến dịch, bố tranh thủ về thăm mẹ, cũng là lúc mưa tạnh, gió dừng. Trên khuôn mặt mẹ, tuy nét xanh xao, hao mòn còn đọng rõ. Song tình xóm giềng nơi thôn dã vẫn đầy ắp nơi ở của mẹ con con. Bố cúi đầu cảm tạ Cố Xế, người đã lại một lần sinh hạ ra mẹ chúng con. Rồi bố khoác ba lô, túi dết lên vai, trở lại nơi các đồng nghiệp đang nóng lòng chờ bố về cùng vào chiến dịch mới.
            Hoà bình lập lại, bố đưa mẹ cùng chúng con về Hà Nội. Những mong rằng có bố kề bên, mẹ con sẽ nguôi ngoai đỡ phần vất vả. Nhưng rồi mẹ cũng hiểu rằng, văn nghệ sĩ như bố con, lại luôn ứng xử với nhân gian bằng tấm lòng khoáng đạt rộng mở, mà để lo cho cuộc sống gia đình mình được coi là tạm đủ, cũng còn thật quá nhiều gian nan. Thế nên, mẹ con tiếp tục chấp nhận cái gánh nặng cuộc đời, lại lần hồi làm thuê kiếm sống, góp phần cùng bố gây dựng tám anh chị em con nên người và phụng dưỡng bà nội con - mẫu điển hình của một bà mẹ chồng phong kiến xưa.
            Hà Nội, những năm dài chiến tranh phá hoại ác liệt của đế quốc Mỹ, hằng tuần, mẹ con lại một mình lọc cọc với chiếc xe đạp cũ, tiếp tế cho chúng con chai nước mắm, lọ muối vừng nơi sơ tán. Chẳng ở lại được lâu, mẹ tong tả quay về Hà Nội, để chăm sóc, động viên bố qua những ngày đêm khói lửa của bom Mỹ, mong bố nhanh chóng có được những trang bản thảo kịch phục vụ kịp thời công cuộc kháng chiến ở giai đoạn này. Bạn văn nghệ của bố đến nhà mình rất nhiều. Bạn viết có. Học trò xin thày sửa bản thảo cũng nhiều. Và, không ít các chú, các bác những lúc nhạt miệng, tìm đến bố với đôi câu chuyện tâm tình và ly rượu giải khuây, vì biết bố là người rộng tính, cởi mở. Mẹ chẳng bao giờ phiền lòng. Mẹ ân cần tiếp đón. Con chắc rằng, dù chưa bao giờ nói ra bằng lời, nhưng trước mọi người, bố luôn tự hào về mẹ, bởi bất kể lúc nào bố cũng được "sang vì vợ"! Bố luôn hiểu rằng, có mẹ đã là một đảm bảo cho sự thành đạt của mình. Bác Nguyễn Hùng, một trong nhiều người bạn lâu năm của bố, rất quý trọng mẹ. Trước ngày về nơi thiên cổ, khi chia tay với bố, bác đã rơi nước mắt nhắc lại những kỷ niệm về tấm thịnh tình của mẹ. Với bác Hùng, người như mẹ chỉ có trong mơ ước. Bố thường làm việc thâu đêm. Mẹ con cũng chẳng thể ngủ yên khi ánh đèn bàn làm việc của bố còn mải miết sáng. Mẹ sẽ sàng đi lại, pha cốc sữa nóng, rót ly rượu nhạt, giúp bố qua đi giây phút mệt mỏi; và, thư giãn hồi tâm trong tình yêu thương vô bờ của mẹ. Có những lần bố bị bệnh hiểm nghèo, nhiều lúc tưởng cầm chắc cái chết. Bố ho ra máu, thở dốc nặng nề. Vào nằm ở bệnh viện Việt Xô, mỗi ngày bác sỹ rút từ phổi bố ra mấy lít nước. Sự sống của bố không tính được bằng ngày tháng. Mẹ con kiên nhẫn, tỉ mẩn bón từng viên thuốc, thìa súp ngọt cho bố. Bố bình phục dần theo từng thìa súp của mẹ con. Những lần bố ốm như vậy, cùng với sự tận tâm của các thày thuốc, con biết, chỉ có mẹ, duy nhất chỉ có mẹ mới giúp được bố hồi sinh.
            Gần sáu chục năm qua rồi, từ khi mẹ con về với bố, tám lần mẹ con mang nặng thì cũng là tám lần mẹ con đẻ đau. Mẹ con âm thầm gánh chịu, không kêu ca, không lời trách móc. Sự nghiệp của bố là tất cả với mẹ con. Anh chị em con tám đứa, nay đã trưởng thành, mỗi người một ngả. Tất thảy đều đã nên vợ, nên chồng. Bố mẹ giờ đã có chắt gọi bằng cụ. Vậy mà, mẹ con đối với bố vẫn như xưa: ân cần, chu đáo, tận tình, nín nhịn. Chúng con hiểu rằng, sẽ đến lúc, cái lúc đó anh em con không hề mong muốn, nhưng nó vẫn đến. Đó là khi bố mẹ trăm tuổi, bố mẹ sẽ đi vào cõi vĩnh hằng. Nhưng những kỷ niệm đẹp về tình yêu, tình nghĩa vợ chồng của bố mẹ, sẽ luôn còn lại trong tâm khảm của chúng con, giúp chúng con vượt qua những cơn sóng gió cuộc đời, những vẩn đục làm chao đảo hạnh phúc riêng tư. Và, chúng con luôn nhớ đến mẹ với câu răn rằng: Một điều nhịn, chín điều lành!
            Bố, bố đã có sự nghiệp, đã có tên tuổi, đã có hàng trăm vở kịch ngắn, dài, để mọi người biết đến bố là một Kịch tác gia Việt Nam, một người đặt nền móng đầu tiên cho thể loại Hài kịch hiện đại Việt Nam, mà đỉnh cao là kịch vở Quẫn với số buổi diễn không vở nào sánh kịp. Cuộc đời bố đã được nhận rất nhiều giải thưởng, cả Huân chương Độc lập. Giờ đây, Giải thưởng cao quý nhất - Giải thưởng Hồ Chí Minh, bố lại được trao tặng. Nhà nước đã đánh giá đúng công lao của bố đóng góp cho sự nghiệp cách mạng. Còn mẹ con - người suốt đời trọn tình vẹn nghĩa với bố thì sao? Dẫu biết rằng không có luật nào chấp nhận, nhưng đối với chúng con, vẫn mong muốn, mong muốn đến tột cùng, rằng tất cả, tất cả các tác phẩm của bố, từ những vở thuở ban đầu bố chập chững cầm bút khởi nghiệp, cho đến vở cuối cùng của cuộc đời, khi hai chữ Lộng Chương đặt dưới tên kịch bản thì bao giờ cũng phải có tên của một đồng tác giả - đó chính là mẹ con! Bởi rõ ràng, suốt cuộc đời mình, mẹ con luôn là điểm tựa vững chắc, là ngọn gió trong lành, nâng bổng cánh diều nghệ thuật của bố bay cao, vươn xa.
__________________
(*) TC Văn hóa - Văn nghệ Công an, số 1/2001; Sách “Lộng Chương trong trái tim bè bạn”, Nxb Hội Nhà văn, 2013.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét