Khu đô thị tây Hồ Tây |
Cho đến lần điều chỉnh cuối cùng,
vào năm 1998 thủ đô Hà Nội đã có được quy hoạch chi tiết phát triển sang hai phía,
bắc và nam của sông Hồng. Bốn năm sau, vào ngày 7/3/2002, Ban Quản lý đầu tư và
Xây dựng khu đô thị mới (Ban QLĐT&XD KĐTM) Hà Nội đã được thành lập. Ban
QLĐT&XD KĐTM ra đời, có chức năng quản lý Nhà nước, phụ trách tổng thể hàng
ngàn dự án thành phần nằm trong Khu đô thị mới Hà Nội (ĐTMHN). Khu ĐTMHN bao
gồm Khu đô thị bắc sông Hồng và Khu đô thị Tây Hồ Tây (nằm ở phía nam sông
Hồng).
Khu ĐTMHN với diện tích cực lớn (hơn
11.847 ha), nằm ngay cạnh đô thị cũ của Thủ đô. Vì vậy, việc thực hiện Dự án
này cần phải có một mô hình tổ chức hợp lý với cơ chế đặc biệt; có trách nhiệm
khớp nối các dự án thành phần, tạo ra một sự hoàn chỉnh, đồng bộ về hạ tầng;
hiện đại và lớn về quy mô; tránh sự chắp vá, manh mún và lãng phí về đầu tư;
không được để lại hậu quả xấu cho mai sau.
Ngay từ khi thành lập, Thành phố đã giao
cho Ban QLĐT&XD KĐTM làm chủ đầu tư, lập quy hoạch chi tiết 1/2.000 Khu đô
thị Tây Hồ Tây (847,41 ha). Khu đô thị này thuộc địa giới 7 xã, phường của 3
quận, huyện: Tây Hồ, Cầu Giấy và Từ Liêm. Được giới hạn như sau: Phía đông giáp
đường Lạc Long Quân và bờ Hồ Tây; Phía tây giáp đường Phạm Văn Đồng (đường vành
đai 3); Phía bắc giáp đê phân lũ (đường Nguyễn Hoàng Tôn); Phía nam giáp đường
Hoàng Quốc Việt.
Dự kiến của Thành phố, Tây Hồ Tây sẽ là
một khu đô thị kết hợp được hài hoà giữa hiện đại và truyền thống; giữa cảnh
quan thiên nhiên và con người, bảo tồn được các làng mạc xen giữa những khu xây
mới; tạo dựng được không gian kiến trúc hài hoà và thân thiện với môi trường
thiên nhiên. Quy mô dân số của đô thị Tây Hồ Tây dự kiến khoảng 78.000 người.
Với mục tiêu phát triển bền vững, Khu đô thị Tây Hồ Tây sẽ hình thành 3 khu vực
chính như sau:
Khu xây mới, khoảng hơn 260 ha: Bao gồm
2 công viên (Hoà Bình và Hữu Nghị) và khu trung tâm hướng ra mặt nước Tây Hồ,
gánh các chức năng: văn hoá du lịch, giao dịch quốc tế, thương mại, tài chính,
hành chính chính trị và khu nhà ở tiêu chuẩn trung bình trở lên. Ngoài ra, còn
có các khu nhỏ lẻ, với các khu đất có các dự án đang được triển khai từ trước;
quỹ đất dành xây dựng các công trình hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật; quỹ
đất dành xây dựng khu tái định cư của Khu đô thị mới Tây Hồ Tây.
Khu vực phải di dân: gồm các khu đất mở
các tuyến đường giao thông quan trọng, nối liền khu trung tâm với các tuyến
đường hiện có; các tuyến đường xây mới dự kiến...
Khu
vực dự kiến cải tạo: các làng xóm hiện được giữ lại và các khu vực đã xây dựng
từ những năm 80 thế kỷ trước đến nay.
Dự kiến của Thành phố là sẽ xây dựng
xong Khu đô thị Tây Hồ Tây kịp chào mừng thủ đô Hà Nội kỷ niệm 1000 năm tuổi.
Khi đó, Khu đô thị Tây Hồ Tây sẽ trở thành một trung tâm văn hoá, chính trị,
tài chính, thương mại, giao dịch quốc tế... hiện đại.
Căn cứ kế hoạch đặt ra, Ban QLĐT&XD
KĐTM sẽ phải triển khai trước các dự án: xây dựng khu tái định cư, xây dựng các
đoạn đường khớp nối với ranh giới khu trung tâm đô thị mới Tây Hồ Tây. Tuy
nhiên, theo ông Hà Văn Quế - Phó giám đốc Ban QLĐT&XD KĐTM, việc thực hiện
các dự án thành phần này hiện còn chưa được "xuôi chèo mát mái". Xác
định rõ, công tác chuẩn bị khu tái định cư phục vụ cho việc giải phóng mặt
bằng, phải đi trước một bước, nên Ban đã chủ động đề xuất phương án tái định cư
ngay từ năm 2002. Nhưng do nhiều nguyên nhân đã dẫn đến sự chậm trễ trong kế
hoạch thực hiện ngay từ dự án khởi động, là khu tái định cư tại xã Cổ Nhuế (Từ
Liêm). Có khả năng, cuối quý IV/ 2005 mới tổ chức được lễ động thổ cho khu tái
định cư đầu tiên này. Mặt khác, ngay từ khi được thành lập, Ban QLĐT&XD
KĐTM đã tích cực dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban, nhưng đến nay đã
được 3 năm mà vẫn chưa được UBND Thành phố phê duyệt. Chính vì vậy, hiện Ban
QLĐT&XD KĐTM vẫn không có đủ cơ sở pháp lý để hoạt động và cùng phối hợp
với các sở ban ngành khác triển khai dự án đạt hiệu quả cao. Nên chăng, để đảm
bảo tiến độ triển khai Khu ĐTMHN, Nhà nước cần xem đây là một dự án đặc biệt,
cho áp dụng những cơ chế đặc biệt, nhằm thu hút tối đa các nguồn lực đầu tư
trong và ngoài nước. Phải có cơ chế một cửa thông thoáng, nhanh gọn, giảm tối
đa thời gian thực hiện các thủ tục hành chính rườm rà, nâng cao hiệu suất làm
việc của các bên đối tác.
Về phía Ban Ban QLĐT&XD KĐTM, cũng
theo ông Hà Văn Quế, rút kinh nghiệm những dự án đầu tư nước ngoài khác, để hạn
chế thất thoát cho Nhà nước, khi ký kết hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài
tham gia triển khai dự án, Ban QLĐT&XD KĐTM đã đón trước Luật Đất đai để
đặt ra những thoả thuận một số điều kiện về giá đất, về việc hỗ trợ, đền bù hợp
lý cho dân khi giải phóng mặt bằng.
Phía trước của Dự án KĐTMHN còn quá
nhiều việc phức tạp cần giải quyết. Kế hoạch kịp khánh thành Khu đô thị Tây Hồ
Tây vào dịp Thủ đô tổ chức kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, liệu có kịp?
Để giải đáp câu hỏi này, chắc chắn thẩm quyền quyết định không chỉ thuộc về Ban
QLĐT&XD KĐTM Hà Nội!
Báo KH&ĐS,
22/8/2005
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét