Truyện ngắn Phạm Hồng Thắm
Thế là
ông đã về hưu. Về hưu ở tuổi năm bảy. Về hưu khi sức còn đang sung
mãn. Về hưu mà ngòi bút của ông vẫn tràn trề sinh lực. Về hưu bởi
chính cái đề án ông đã đề xướng. Và ông đã toại nguyện.
Hồi
đó, ngay sau khi trình lên cấp trên bản đề án cải tổ lại bộ máy cơ
quan, cũng là lúc ông vô tình tạo ra một phe đông đảo đối đầu với
chính mình. Bản đề án là tiếng sét làm đau đầu các nhà lãnh đạo
ngành. Làm nghiêng ngả cái quan niệm cổ hủ, lạc hậu ngự trị lâu đời
trong đầu các nhà quản lý về cách thức tổ chức bộ máy của một tờ
báo. Ông mạnh dạn đề nghị giảm biên chế, từ gần ba chục nhân mạng
xuống chỉ còn không quá bảy người, thu gọn phòng ban, chấn chỉnh lại
cơ cấu theo yêu cầu kiêm nhiệm, với tinh thần "việc tìm
người".
Và tất nhiên, những kẻ vô dụng, quen làm cái vòi
con bạch tuộc, túm chặt bầu vú bao cấp của nhà nước, đã nhảy dựng
lên. Đó là những ông trưởng phòng cả đời dính chặt đít trên chiếc
ghế hành chính "tám giờ vàng ngọc", viết một cái tin như
đánh vật một con bò mộng. Là những gã
phóng viên ăn nói một tấc đến trời, quen đi doạ dẫm, ăn tiền đút của
những nơi làm ăn có sai phạm; hoặc vụng trộm sàm sỡ vén váy, sờ
mông các cô gái ở cơ sở. Là những ả ỷ thế chồng kiếm được tiền
núi của thiên hạ thích danh nhà báo, cố tìm cách ngồi vào ghế phóng viên của toà soạn để lòe thiên
hạ. Tất cả bọn họ đã liên kết lại với nhau, cố dựng ra những phi
vụ giật gân, nào là biển thủ công quỹ, nào là trai gái bồ bịch,
nhằm đánh đổ cái âm mưu "tranh giành địa vị, thâu tóm quyền lực"
về tay mình của ông, mà họ tưởng tượng
ra. Đùng một cái, tất cả ngã ngửa khi biết rằng, cùng với bản đề
án, cấp trên đã nhận được đơn xin về hưu của chính ông. Cũng rất may
cho ông, một cán bộ tổ chức đã sớm nhận thấy sự vô tư, khách quan,
tính trong sáng đúng đắn của bản đề án. Không những thế, trong sâu
xa, người cán bộ đó cảm nhận từ tinh thần của bản đề án, nỗi đau
của một người có trách nhiệm với nhân tình, niềm xót sa đối với
những sai phạm về quản lý và sử dụng cán bộ, sự phẫn nộ và căm
ghét thói vô trách nhiệm của những
người luôn lớn tiếng nhân danh Đảng, nhân danh Nhà nước để trù úm,
quát nạt cán bộ dưới quyền, sải tay quơ vét không từ cả những thứ
nhỏ nhất. Cùng với ông, người cán bộ tổ chức đã kiên quyết đương
đầu với số đông, bảo vệ chân lý của một đề án, cho dù chân lý ấy chỉ mới manh nha le lói, như tia
nắng ban mai yếu ớt, cố lách qua đám mây mù dày đặc trong những buổi
sớm mùa đông ảm đạm, để ló ra. Thực tế khẳng định, chân lý của họ
đã đúng. Và điều đó, cũng có nghĩa cuộc đời của ông lật sang trang
mới.
Với
tuổi chưa đến sáu mươi, với sức khoẻ dẻo dai của một người quen sớm
hôm vật lộn với công việc, với ngòi bút vẫn ứ đầy nhiệt tâm và
trải nghiệm của người làm báo, ông biết chắc, không dễ gì sẽ chịu
ngồi nhà để chờ cơm hai bữa vợ ông phục vụ. Nhưng ông cũng
biết chắc một điều, với tấm thẻ hưu, minh chứng của một đời đi theo
cách mạng thuở mười lăm, cũng không dễ gì chen vai thích cánh được
với đội ngũ làm báo ngày càng hùng hậu, trẻ khoẻ, với đầy đủ
phương tiện nhà nghề hiện đại của họ. Nhưng ông vẫn day dứt, vẫn băn khoăn với cái nghiệp ông đã đeo đẳng gần
hết cuộc đời.
Sau
vài tháng nghỉ ngơi, cũng là đầy trăn trở, qua bạn bè, ông nhận làm
hợp đồng cho một tờ báo ngành. Ông biết, nghiệp của ông chưa thể
chấm dứt. Cái nghiệp mà ông say mê, yêu nó đến đắm đuối, mà nhiều
phen cũng điêu đứng, sống dở chết dở vì nó. Cái nghiệp này sẽ còn
dính bám, bấu víu ông dai dẳng cho đến lúc chết. Nhưng vợ ông, với
thói an phận nông cạn đàn bà, không bằng lòng việc ông đi làm trở
lại. Bà đã không hiểu ông, không hiểu ông ngay
từ những ngày đầu gá nghĩa vợ chồng cho đến hết cuộc đời!
Bước
chân về toà soạn, ông nhanh chóng nhận ra khả năng phát triển của tờ
báo. Tuy là báo ngành, nhưng là một ngành đầy triển vọng, liên quan
đến tất cả các ngành khác, quyết định sự sống, cái chết, sự lụi
tàn hay xu hướng phát triển của mỗi người, của mọi người , của mọi
ngành và của toàn xã hội. Đó là ngành khoa học nghiên cứu bảo vệ
môi trường. Với kinh nghiệm của người làm báo từng trải, ông tư vấn
cho lãnh đạo ngành một cơ cấu tổ chức gọn gàng
và hiệu quả. Trong số ít người của bản báo, ông rất có cảm tình
với một nữ phóng viên không còn trẻ, nhỏ người và nhanh nhẹn. Trong
con mắt ông, nàng chẳng có chút quyến rũ gì về ngoại hình, xong kinh
nghiệm bản thân mách bảo ông rằng, đây chính là người sẽ giúp ông đắc lực để gây dựng tờ báo. Ông
mến nàng, ông quý nàng qua mỗi câu chữ nàng nói, sau mỗi lần đọc
những trang báo nàng viết. Ông cảm phục nàng khi chứng kiến khả năng
lăn lộn với bất kể công việc nào của toà soạn. Một điều rất thú
vị khi ông biết rằng, nàng rất yêu văn
học, nàng từng viết truyện ngắn đăng báo, cả những bài thơ tự sự
cảm hứng, đọc nghe lòng cũng rưng rưng muốn khóc. Và, bất ngờ với
ông, nàng là con gái út của một nhà văn nổi tiếng. Nổi tiếng về
tác phẩm và không kém nổi tiếng về nhân
cách sống. Một nhân cách mà nhiều
người trong giới văn nghệ sĩ và chính ông thực sự nể trọng.
Ông
và nàng trở thành tri kỷ từ đó. Ông hay kể nàng nghe về kỷ niệm
của quá khứ, cùng nàng bàn luận về cuộc sống hiện tại, cũng như dự
kiến công việc cho những ngày hôm sau. Có lần ông kể về cuộc đời phiêu
bạt từ ấu thơ của mình. Trốn nhà. Theo bộ đội lội suối, vượt rừng.
Gian khổ lắm. Thiếu thốn lắm. Nhưng tràn đầy hy vọng và tin tưởng. Hy
vọng vào tương lai của cách mạng. Tin tưởng vào sự thành công của sự
nghiệp cao cả của Đảng. Nhưng rồi, giọng ông lặng đi, sâu lắng, đau
đớn, khi nhắc đến những thân phận, những kiếp người cùng cực mà ông
đã gặp. Tiếng ông ngẹn lại, chua xót, căm phẫn khi phải nói về những
kẻ khẩu phật tâm xà, đội lốt Đảng để tranh giành địa vị, vơ vét của dân. Những con người, những sự
việc ấy luôn hiện diện, luôn va đập vào ông trên mỗi bước đi, trên
từng đoạn đời mà ông đã trải. Ông vỡ mộng dần.
Điều
ông rút ra được qua nhiều năm lăn lộn đời lính, trong quãng đời của
người cầm bút, đó là, chỉ có bằng công việc, bằng kết quả mình
đạt được tại vị trí mình đảm nhận, khi đó, chính là mình đã thực
sự sống, thực sự xứng đáng với
đúng nghĩa là một con người!
Ông
còn kể nàng nghe về cuốn truyện được giải thưởng văn học của hội
văn nghệ thành phố, về những dự định sáng tác của ông - cái dự
định mà ông đã ôm ấp, trăn trở suốt những năm trước nhưng đã bị xếp
lại, đã không thực hiện nổi vì cuộc mưu sinh với miếng cơm manh áo,
vì cuộc sống vợ chồng khập khễnh, ông chẳng bà chuộc của đời mình.
Cứ vậy, ông trút tâm sự, ông dồn nỗi khắc khoải của đời ông cho
nàng. Bằng linh cảm của người từng trải, ông thấy tin nàng. Nàng
nghe. Nàng hiểu. Nàng nhất định sẽ thông cảm với ông. Như thế, ông đã
thấy nhẹ nhõm lắm rồi.
Nhưng
sự đời cũng lắm trớ trêu. Tình cảm tri âm tri kỷ giữa ông và nàng,
trước con mắt của người đời thật bất bình thường! Một kẻ chẳng còn gì
nặng gánh gia đình, đi làm thêm để lấp khoảng trống rỗi rãi khi cầm
sổ hưu và người đàn bà đa đoan đang tính chuyện bỏ chồng quan hệ với
nhau, còn gì phải bàn cãi nữa. Vợ ông loáng thoáng biết chuyện do có kẻ
đơm đặt, vốn đã không thông cảm với việc đi làm trở lại của chồng,
nay lại có cớ tưởng tượng ra cả một chuỗi những tình tiết ly kỳ về
chuyện tình vụng trộm này, đã làm ầm ĩ cửa nhà. Bà
định đốt xe máy. Bà xé bản thảo. Bà dọa tạt axít. Bà đe sẽ đánh ghen
cái con trốn chúa lộn chồng. Bà cấm không cho ông đi làm!
Với ông, không hoạt động nữa có
nghĩa là chết. Thế là, không còn đường nào khác. Ông đành dứt áo
khỏi nhà. Ông ra đi ở tuổi sáu mươi. Ông ra đi với hai bàn tay trắng.
Ông ra đi, để lại sau lưng tất cả, căn hộ ông được cơ quan phân cho, đã
cải tạo gọn gàng xinh xắn; cùng toàn bộ tài sản đủ sống dư dật cho bà,
do chính hai bàn tay ông gây dựng. Ông ra đi, để lại sau lưng mình những
đứa con đã đủ lông cánh, đủ cứng cáp để vững bước vào đời. Ông ra
đi với tài sản duy nhất, đó là nỗi đau của một người suốt đời tận
tuỵ với vợ con, nay hàm oan tiếng xấu: Già mà còn chưa chót...
*
* *
Hắn
loạng choạng tay lái. Ơ, sao thế nhỉ? Mình say à? Tửu lượng như mình,
say có mà trời sụp. Hai thằng, chỉ một chai "cuốc lủi". Say
thế đếch nào được!
Một
cơn gió thổi thốc vào mặt hắn. Lạnh. Buốt. Mấy hạt mưa phùn hắt
vào mắt. Hắn nhắm mắt lại. Hắn
mở mắt ra. Tay lái nghiêng nhào. Ngọn đèn đường vàng ệch lộn ngược.
Trời
ơi, sao khó chịu thế này? Chân tay lạnh buốt. Toàn thân ướt đẫm mồ
hôi. Đầu váng vất. Có tiếng chày nện thình thịch vào óc. Ngực và
cổ họng nôn nao, khô khốc. Oẹ! Oẹ! Toàn nước và rãi rớt. Khát rã
rời. Xung quanh im ắng.
Hắn
ngồi dậy. Mẹ hắn đâu rồi? Cả bố hắn nữa? Loạng choạng, bước lại tủ lạnh
lấy chai nước. Hắn ngồi phịch xuống sa lông. Ngửa cổ. Ực... ực... Tiếng đặt chai xuống bàn kính vang tiếng "cạch"
nghe khô khốc. Tưởng như vỡ cả mặt bàn.
À, phải
rồi...
Chiều
hôm trước, đi làm về, khi còn đứng ở ngoài cửa (cũng hiếm có ngày
hắn về đúng giờ như vậy), hắn nghe bố mẹ to tiếng. Dữ dội lắm. Đó
là lần đầu tiên và duy nhất, bố mẹ to tiếng như vậy. Nhưng hình như
chỉ có tiếng mẹ hắn. Rít lên xa xả! Chu chéo! Đay dứt! Còn bố hắn,
im lặng.
Bước
vào nhà, hắn thấy bố đang một tay dằng chiếc ba lô cũ, kỷ niệm của
quãng đời bộ đội, một tay cố nhét mấy bộ quần áo vào. Mẹ hắn
đứng cạnh cũng cố kéo chiếc ba lô về phía mình. Miệng không ngớt
nguyền rủa. Hắn loáng thoáng nghe đâu như có cả ông bà nội, cụ kỵ,
tổ tiên của bố trong lời nguyền đó.
Hắn
sững lại, cúi đầu im lặng. Bố hắn ngẩng lên, nhìn hắn, mắt tê dại
đau đớn. Không nói một lời, khoác ba lô lên vai, ông lặng lẽ bước ra
cửa.
Thế
là mẹ hắn lăn đùng xuống đất kêu gào. "Bà thì bà giết. Bà
giết cả hai. Cả thằng đĩ bợm lẫn con trốn chúa lộn chồng". Hắn
vỡ nhẽ. Thì ra bố hắn có bồ. Thật thế chăng? Bố hắn lừa dối mẹ
con hắn đi lang chạ với người đàn bà khác. Bố hắn đã làm gia đình
tan nát. Bố hắn bất chấp tuổi tác. Bố hắn đã về hưu
mà còn chưa chót...
Đã
thế thì được. Hắn sẽ về hùa với mẹ. Hắn sẽ xử "ông ấy".
Hắn sẽ xử con mụ đàn bà ấy. Đời chẳng là cái cóc khô gì hết. Giả
dối! Hợm hĩnh! Chó đểu! Hắn sẽ cho đi tong mẹ nó đi cả cái chỗ
ngồi kiếm cơm danh giá mà hắn đã đạt được. Hắn bất chấp đó là cơ
quan lớn, tiếng tăm mà bao đứa bạn hắn hằng ước ao. Hắn vứt toẹt
xuống vũng bùn những lời hay ý đẹp họ hàng người thân đã nhìn nhận
về gia đình hắn. Vứt hết! Ném hết! Đạp mẹ nó đi!
Hắn
lao ra khỏi nhà. Hắn vớ xe máy phóng như điên dại. Hắn rồ ga hết cỡ.
Hắn đạp phanh đột ngột tưởng có thể ngã bổ chửng. Trong tai hắn ong
ong lời chì chiết riết gióng của mẹ. Quẩn trước mắt hắn là vẻ mặt
lầm lũi thất vọng đến tột cùng của bố. Chẳng biết hắn đã qua những phố
nào. Mà đã bao lâu rồi. Cuối cùng, hắn thấy mình nằm chỏng gọng
trong nhà một thằng bạn độc thân cùng cơ quan. Thế là, hai thằng, hai
cái chén, một chai "cuốc lủi". Sếch. Sếch một trăm phần
trăm. Sếch từ giọt đầu tiên đến giọt cuối cùng. Sếch đến mòn
vẹt cái đáy chai "cuốc lủi" nửa lít
ấy.
Sau
này hắn được biết, hôm đó trên đường về, hắn say quá ngã lăn ở vệ
đường. Có hai cậu sinh viên đi qua trông thấy, bèn gửi xe vào nhà cạnh
đó, rồi họ kẹp hắn ngồi giữa đưa về nhà. Mọi thứ bàn giao cho mẹ
hắn nguyên vẹn.
Cho
đến nhiều hôm sau đó, hắn vẫn lang thang vô định khi hết giờ làm
việc. Hôm thì ngồi quán nước chè đánh tá lả với lũ vô công rồi
nghề ở gần cơ quan. Bữa thì khề khà quán bia đến chín mười giờ
tối. Có chiều lại nhảy vào quán bi a khua khoắng chiếc gậy đến tận
đêm khuya.
Sau những ngày buồn nản lê la quán xá,
hắn bình tâm trở lại. Ừ, dù sao hắn đã được nuôi ăn học tử tế. Hiện
hắn có những hai cái bằng đại học. Hắn là cán bộ trẻ có năng lực
của một cơ quan lớn. Cái nghề của hắn cũng là nghề chữ nghĩa, như
bố hắn. Tư duy logic của một người có học buộc hắn phải nhìn nhận
lại việc nhà.
Cái
giai đoạn khó khăn khi đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá
hoại miền Bắc, gia đình hắn vẫn đàng hoàng. Tuy không dư dật nhưng
cuộc sống không đến nỗi ăn bữa sáng lo bữa tối như bao gia đình khác
lúc đó. Bố hắn là người ít nói. Nhiều đêm bất chợt thức giấc, hắn
thấy bố vẫn lụi cụi bên ngọn đèn khuya. Nhưng buổi sáng, lúc ra khỏi
giường, đã không thấy bố ở nhà. À, thì ra bố lại đi làm thêm ở cái
hợp tác xã quen. Chắc đêm trước kết thúc bài phóng sự của tuần đi
công tác ở một huyện ven biển, nộp bài xong, bố lại đi quay máy ép
nhựa. Thảo nào bữa cơm hôm đó hắn thấy có thêm đĩa thịt lợn rang.
Chỉ mấy miếng thịt lợn rang thôi mà không khí bữa cơm vui hẳn. Hắn
hồn nhiên: Bố ơi, mai bố lại cố, cố tí nữa để có thêm
đĩa thịt bố nhé. Bố hắn chỉ cười, gật đầu. Còn mẹ thì lườm hắn
một cái rồi nói: Thôi, không biết là bố sái tay đấy à!
Hắn
nghệt ra. Thật trẻ con và ngây thơ.
Trong
cái trí nhớ non nớt của tuổi thơ, hắn chưa bao giờ nhìn thấy bố
ngủ. Tối nào cũng vậy, khi mẹ con hắn đã chui vào màn, bố còn loay
hoay bên ngọn đèn đã che đỡ sáng, nghiền ngẫm trên trang bản thảo.
Hắn thấy bố thật vất vả, nhưng mẹ lại càu nhàu: Đèn sáng quá, khó
ngủ. Mà mẹ nói không chỉ một lần. Có đêm còn cáu.
Sao thế nhỉ? Bố cố một bài để mai có thêm đĩa thịt lợn rang cho cả
nhà cơ mà. Hắn thấy mẹ khó hiểu quá!
Cùng
với thời gian, hắn lớn dần. Nhưng với cách suy nghĩ đơn giản của
tuổi trẻ chưa va chạm cuộc đời, hắn bàng quan với những gì xảy ra
trong gia đình. Hắn tốt nghiệp phổ
thông. Hắn học đại học. Hắn đi làm. Bao điều cuốn hút, lôi kéo, hấp
dẫn hắn hơn cái gia đình đã có người bố quá chỉn chu và người mẹ
nghỉ làm việc khi chưa đến tuổi bốn mươi. Có hôm về nhà, lùa vội
bát cơm, buông đũa, hắn chỉ kịp khoác áo và thả lại một
câu dặn mẹ: Con về khuya. Mẹ hắn nhìn theo, im lặng. Bố thì đang loay
hoay sửa lại cái chân ghế gãy. Lạ thật, một ý nghĩ thoáng qua trong
đầu hắn, cái chân ghế chắc thế mà gãy được!
Sau
những ca trực khuya về, hắn chúi đầu vào chăn ngủ vùi. Có đêm bị
đánh thức do tiếng động, hắn nghe có tiếng co kéo, lịch kịch, cãi
vã nho nhỏ trong buồng bố mẹ. Giọng mẹ kìm xuống, gằn hắt: "Tôi
biết ngay mà. Ông chán ở nhà. Ông cố đòi đi làm. Ông đi đàn đúm với
mấy con đĩ". Tiếng bố nén lại, cố thì thào: "Bà đừng nói
bậy, tôi về hưu, nhưng còn sức làm việc. Ngồi không tôi không chịu
nổi". Mẹ cố át: "Đừng có nguỵ biện. Tung tẩy với mấy con
ranh con".
Hắn
nghe có tiếng xô đẩy, tiếng ngã huỵch xuống giường... Hé mắt về
phía cửa buồng, hắn thấy bố đi ra. Tay phải đang xoa xoa cổ tay trái.
Kéo chăn chùm kín đầu, hắn thở dài. Ôi dào, các cụ phức tạp quá.
Chắc cụ bà đang ghen đây mà. Công bằng mà nói, bố hắn ham việc thật.
Còn cái sự trai gái, ngay khi còn ở cơ quan cũ, do ganh ghét, tị hiềm
vì bố là người được việc, cương trực, đầy nam tính, đã chẳng có bao
kẻ vu vạ, đổ vấy là gì. Rút cục có ai làm gì nổi bố hắn đâu. Cái
đề án thu hẹp biên chế và bố là người đầu đơn xin về hưu đã chẳng
vỗ vào mặt những kẻ bất tài nhỏ nhen là gì. Hắn đã là đàn ông,
hắn biết, mẫu người như bố hắn, nhiều cô mê là phải. Nhưng xét cho
cùng, bố có tội tình gì nào? Bố lo cho mẹ con hắn cuộc sống ổn
định. Mà việc nhà, bố cũng lăn xả, đâu có nề hà! Chẳng qua mẹ hắn
ngồi nhà nhàn quá đâm nghĩ vẩn vơ... Cứ thế, hắn mang mẩu độc thoại
vào giấc ngủ.
Bữa
cơm trưa hôm sau, hắn liếc trộm vào cổ tay trái của bố, thấy có mấy
vết xước dài đã khô máu.
Trong
những lần ít ỏi ngồi nhà, hắn cũng mơ hồ nhận thấy giữa bố mẹ có
chuyện gì đó găng nhau. Cái chân ghế gãy và miếng sứt to ở cánh cửa
tủ lạnh, hắn biết, đều là nạn nhân do cơn nóng giận vô lối của mẹ
hắn. Xưa nay, mẹ là người cực nóng tính. Nóng tới mức nhiều khi
không còn biết phải trái. Còn bố, luôn cố nín nhịn để khỏi bị hàng
xóm "xem lưng" nhà mình. Nhưng điều đó lại được mẹ hiểu
thành: À, có tội nên cứ cun cút ấy mà. Và, từ đó bà càng lấn lướt
làm dữ...
Nhưng
mọi việc xảy ra trong nhà hắn xem như là chuyện thường tình và đặt
mình đứng ngoài cuộc. Đến cái tuổi trên ngũ tuần cả rồi, các cụ
sẽ làm lành nhanh thôi mà.
Hắn
với bố cùng nghề nên có những lần đụng nhau khi xuống cơ sở. Một
lần trong cuộc họp báo tại một doanh nghiệp, hắn gặp bố đi cùng với
một người đàn bà nhỏ nhắn. Dân làm báo, đi công tác hay kéo đàn lũ
như thế, chuyện thường ấy mà. Hắn đánh bài lảng. Chợt nghe có tiếng
nói ngay cạnh: "Cô chào cháu". Ngẩng lên, hắn thấy hai người
đang đứng ở bên. Bố hắn mỉm cười. Cả cô ta nữa. Cung cách có vẻ đàng
hoàng lắm.
Nào
ngờ xảy ra việc bố hắn khoác ba lô ra đi...
Không.
Không có lẽ đến giờ bố lại sa đọa như vậy. Hắn không tin! Thôi thì
cũng phải từ từ đã.
Cứ
thế, hắn nghi nghi, hoặc hoặc. Rồi một năm. Hai năm. Và tự nhiên hắn
cứ buông trôi cái ý muốn tìm gặp bố...
Căn
nhà chỉ còn mẹ và hắn. Em hắn thì ở xa lắc xa lơ. Không khí gia
đình tẻ nhạt. Đúng là "vắng đàn ông quạnh nhà". Chịu không
thấu, hắn đành đóng vai trò ông chủ trong gia đình. Và vì vậy, hắn
vỡ vạc dần qua mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm sống bên mẹ, qua mỗi
việc phải giải quyết trong gia đình. Sự khô khan thô bạo, tính nóng
nảy cục cằn, và khổ hơn nữa cho hắn, đó là
sự ra đi của bố càng chất thêm hờn giận oán thù trong câu nói, cư xử
của bà mỗi khi trút xuống đầu hắn.
Hắn
bắt đầu cảm thấy nhớ bố, thương bố. Hắn hiểu ra rằng sự ra đi của
bố phần nào có lý. Không biết nhiều năm qua ông ăn ở thế nào? Ông
làm gì? Liệu bố có quyết dứt tình với mẹ lần này không? Tận sâu
thẳm trong đâu đó tình cảm của người con, hắn vẫn muốn bố trở về
đoàn tụ với mẹ. Hắn muốn bố trở về, như cái lần bố đã lưng cõng
tay bế anh em hắn mang về quê định gửi cho ông bà nội, để ra đi. Song,
bố đã không đành...
*
* *
Ngồi
đối diện với nàng qua cái bàn là hai gã đàn ông. Một cỡ trung niên.
Một trẻ. Một bộ mặt trắng lợt, bì bì. Một bộ mặt sùi lên những
nốt mẩn đỏ trứng cá dày dịt. Một đôi mắt hùm hụp, hay liếc xéo,
vừa lạnh, vừa gian. Một đôi mắt trố xấc xược, đầy lòng trắng.
Còn
cạnh nàng, cũng là đàn ông. Đó là chồng nàng.
Gã
trung niên, bộ mặt trắng lợt, chõ mồm về phía nàng, mắt lại đảo
ngược sang cái cửa sổ kế bên chiếc bàn, lên tiếng:
-
Thế nào, anh chị nghĩ kỹ chưa? Có thật anh chị nhất định ly hôn
không? Và, anh chị cũng không định nhờ toà án phân chia tài sản chứ?
Hình
như mấy tiếng "phân chia tài sản" hắn ta nhấn mạnh hơn, tỏ
rõ sự khó chịu. Nàng thấy lợm giọng. Với họ, giải quyết ly hôn chỉ
là việc nhỏ. Hợp hay tan thì việc gì đến họ. Phân chia tài sản mới
là vấn đề đáng quan tâm hơn cả. Nàng nghe bọn bạn kể lại, khi chúng
ly hôn, vợ chồng không thoả thuận được tài sản đã tạo điều kiện cho
một lũ đục nước béo cò. Ơ, mà mấy đứa bạn nàng hầu hết đều ly
hôn. Sao nhiều vậy? Hay đó là cái mốt đang hấp dẫn...
Nàng
im lặng. Có gì mà phải chia với chẳng bôi. Với nàng, người còn
chẳng tiếc, huống hồ... Chồng nàng lên tiếng:
-
Dạ, thưa. Về phần tài sản, xin để chúng tôi tự giải quyết.
Đôi
mắt hùm hụp trước mặt nàng sa xầm. Thế là không có cớ để chấm mút
vào vụ này rồi. Kẻ mắt trố vùng vằng đứng phắt dậy, mở tủ lấy
giấy làm biên bản. Hắn cắm cúi một hồi trên tờ giấy, rồi quăng ra
trước mặt hai người:
-
Anh chị ký vào đây. Sau mười lăm ngày không có sự kiện cáo nào khác,
mời anh chị đến nhận quyết định.
Thế
là xong! Thế là hết! Nàng cắm cúi ra khỏi toà án. Nàng bước như
chạy trốn. Nàng muốn nhanh chóng thoát khỏi đôi mắt lươn gian giảo,
tia nhìn xấc xược của những kẻ đại diện cho pháp luật.
Nàng
về toà soạn như thế nào nàng cũng chẳng nhớ. Trả tiền. Lấy xe. Nổ
máy. Và đi... giống như một cái máy.
Bước
chân vào phòng làm việc, người đầu tiên nàng nhìn thấy, đó là ông.
Ông đang ngồi đọc gì đó. Bải hoải, rã rời, nàng gục đầu xuống bàn
lặng ngắt hồi lâu.
-
Cô uống nước đi - Giọng ông khẽ, trầm.
- À, vâng. Cám ơn - Nàng luống
cuống.
-
Sao, ở nhà cháu ốm à? Trông cô phờ phạc quá.
Nàng
vâng dạ cho qua chuyện rồi cắm cúi đọc mấy trang bản thảo. Những con
chữ cứ trượt khỏi đầu. Nàng đứng lên đi ra ngoài phòng. Không. Không
nên để người khác biết chuyện.
Nàng
và chồng đã sống ly thân từ hơn năm trước. Căn buồng hai chục mét
vuông ra đụng vào chạm luôn làm nàng khó chịu. Hai đứa con thấy bố mẹ
cư xử kiểu mặt trăng mặt trời cũng len lét như những cái bóng. Tội
nghiệp! Sự nhạt nhẽo, trống vắng, hoang lạnh ngay trong những ngày oi
bức ở một không gian bé tẹo. Thật vô lý! Có tối chồng không đi trực,
nàng đành dắt xe đến tá túc qua đêm nhờ con bạn có chồng đang đi công
tác xa. Cực chẳng đã, phải dựng lên bức tường ngăn đôi căn buồng. Bức
tường đã che cho nàng một chốn riêng tư, một góc kín đáo. Nhưng thật
chớ trêu, kín đến nỗi vào ra, ra vào, cố công tìm kiếm một luồng
gió quẩn cả ngày cũng không nổi. Không khí sền sệt, ngột ngạt đến
nghẹt thở. Chật chội, bức bối quá, nàng buộc lòng nhờ đến pháp
luật can thiệp. Nàng đưa đơn xin ly hôn.
Đứa
lớn theo bố ra đi. Nàng đã gói cho con đến cái bát cuối cùng. Tạm
vậy thôi con. Mẹ không bỏ rơi con đâu. Đứa nhỏ ở lại cùng mẹ trong
gian buồng trống hoác. Thôi thì, mẹ là đàn bà, chịu
khó tảo tần vậy!
Xa xưa lắm, mẹ đã từng ước mong một cuộc sống gia
đình trọn vẹn. Chiếc gối không phải cắt đôi. Nồi cơm không bao giờ xẻ
nửa. Nhưng thời gian trôi theo dòng chảy tự nhiên, còn con người lại
bị cuốn vào những vũng xoáy cuộc đời không lối thoát. Sự hoà hợp
tưởng đạt đến độ hoàn mỹ của hai con người, hai số phận, đã trở nên
khập khiễng, xộc xệch, méo mó...
Thôi
thì, thà rằng tách ra đôi ngả có hơn chăng mỗi ngày sớm nắng chiều
mưa, dày vò, day dứt... Đũa dù đã có đôi nhưng chiếc queo chiếc
thẳng, muốn gắp miếng ngon mà cứ trượt trẹo hoài... Đành vậy...
Nàng
bắt đầu cuộc sống cô đơn, âm thầm lặng lẽ. Chẳng cần quan tâm đến sự
xỉ vả, nghi kỵ, nhiếc móc của người đời và của chính những người
thân.
Đúng
lúc này, công việc của nàng cũng chấp chới như cuộc đời nàng vậy.
Tờ báo, nơi nàng làm việc, xập xệ tưởng như sắp phải giải tán.
Không tiền xuất bản. Nợ lệ phí phát hành. Khất nhuận bút tác giả.
Trốn séc nhà in... Để cố lo cho con cuộc sống bình thường, nàng lại
lăn ra cùng mấy đứa bạn. Hết khai trương quán giải khát đến mở
hiệu photocoppy. Nàng trốn việc cơ quan, tranh thủ đến quán đứng bán
hàng hoặc chạy máy. Hơn năm trời, người nàng gầy quắt. Vốn dĩ nhỏ
bé nay trông chỉ như nắm xương. Khuôn mặt bầu bĩnh trắng trẻo được
thay thế bởi đôi gò má cao ngất với hai hốc mắt thâm xì. Thảng hoặc ngắm mình trong gương, tim nàng quặn thắt.
Ban ngày nàng quay quắt kiếm tiền. Còn đêm đêm con ngủ, nàng lặng lẽ
gậm nhấm nỗi cô đơn, chong đèn ngốn ngấu những trang sách hay đổ dồn
nỗi ưu tư lên tờ giấy trắng. Nàng mệt nhoài lịm vào giấc mơ khi
ngọt ngào lúc đắng cay...
Rồi
một ngày, lãnh đạo triệu tập họp đột xuất. Có gương mặt mới xuất
hiện ở toà soạn. À, nàng cũng biết, cấp trên chủ trương tìm người
tăng cường cho tờ báo. Phải chăng là ông ta? Ai thì ai. Nàng cũng
chẳng quan tâm. Đổi mới tổ chức. Nâng cao chất lượng tờ báo. Gì cũng
được, nhưng liệu có giúp được nàng dẹp ba cái quán nàng đang tranh
thủ kiếm vài đồng còm cõi nuôi con? Để xem sao!
Ngờ
ngờ. Hoặc hoặc. Nàng ngấm ngầm theo dõi cách điều hành công việc
của ông ta. Lúc đầu, nàng lãnh đạm tránh không tiếp xúc nhiều với
ông. Thi thoảng, nàng chỉ trao đổi những việc thật cần thiết. Nàng
lẳng lặng thực hiện những yêu cầu về nội dung bài vở thuộc phần
nàng phụ trách. Đôi khi, nàng cũng tham gia một số việc khác của toà
soạn. Một vài tháng sau đó, nàng hoà vào công việc lúc nào,
chính nàng cũng không rõ. Những số báo cải tiến đầu tiên ra đời
được đánh giá tốt. Sự xa cách, lạnh nhạt ban đầu giữa ông và nàng
dần biến mất. Công việc đã giúp nàng khuây khoả. Công việc cũng đã giúp
nàng kiếm được nhiều tiền hơn để nuôi con. Nàng đã tìm thấy niềm vui khi
được trở lại đúng cái nghề mà nàng yêu thích. Nàng viết say mê.
Nàng cần mẫn đọc bản thảo. Nàng kiên nhẫn học cả làm makét. Nàng
bị chinh phục bởi ý tưởng cải cách bộ máy một tòa báo của ông. Mọi
người đã nhận được việc làm, đã đến làm việc là phải làm hết
sức, hết khả năng, phải biết kiêm nhiệm nhiều
việc trong quy trình làm báo. Điều đó đồng nghĩa với gọn nhẹ về cơ
cấu, đề cao trách nhiệm của mỗi cá nhân, cải tiến chất lượng tờ
báo, từ đó tăng được lượng phát hành và cuối cùng là đảm bảo thu
nhập xứng đáng cho cán bộ. Tất cả
những ý tưởng đó đều không mới, cũng đã có không ít người từng lớn
tiếng hô hào cải cách, tỏ ra ủng hộ giảm biên chế, tinh lọc cán bộ.
Nhưng nàng dám chắc, không ít kẻ sử dụng miếng võ mồm ấy để ra vẻ
ta đây cầu thị, có tư tưởng tiến bộ; thực tâm thì họ run như dẽ,
"mình mà mất cái chỗ ngồi đương chức hiện nay thì bổng lộc mất
tiêu, kiếm chác kiểu gì đây để tồn tại đây?". Nàng biết, ông đến
làm việc tại toà soạn này cũng do cái đề án tinh giản biên chế bộ
máy ấy. Một lần nữa, tính đúng đắn của đề án của ông lại được chứng minh. Số đông ở cơ quan cũ đã không
áp đảo được ông. Nay tại vị trí mới, ở cơ quan mới, ông lại vững
vàng, tự tin khẳng định một ý tưởng, một chân lý tuy còn rất manh
nha, nhưng nhất định sẽ thành công.
Nhiều
lần giao du với cánh làm báo, nàng còn được nghe những chuyện khác
về ông. Thực hư nàng chẳng cần biết. Chỉ có điều, tờ báo của nàng
đang có cơ sống lại. Đã thể hiện xu thế đi lên vững vàng. Nàng cũng
tạm quên đi cách kiếm tiền theo kiểu lao động phổ thông, chông chênh,
tạm bợ trước đây của mình. Cái kiểu kiếm tiền đôi khi
đùa vui lũ bạn bảo, chỉ cần "văn hoá ngắn". Giờ đây, nàng
đã lấy lại được cân bằng. Cảm thấy yên tâm hơn với cuộc sống. Công
việc bù đầu. Gọi điện liên hệ công tác. Đi cơ sở viết bài. Biên tập.
Đọc bông. Kiểm soát nhà in. Chẳng khâu nào nàng không biết, nàng không làm được. Nàng đã được
ông nhiệt tình kèm dạy. Mệt nhoài, nhưng nàng rất vui. Trong mắt ông,
nàng đọc thấy niềm vui không kém.
Nàng
lại hứng thú viết truyện ngắn. Cũng chẳng có mong muốn gì cao siêu.
Tự nàng biết, đó là sở thích, là cách làm vơi nỗi cô đơn, nhẹ bớt
gánh nặng tâm tư. Còn là một chút vớt vát cái gien nàng được thừa
hưởng của người cha hơn tám chục tuổi trời, nổi danh trong làng sân khấu.
Cũng là cách bù đắp, một chút thôi, nỗi đau của Người: Ngần ấy đứa
con, chẳng đứa nào nối nghiệp!
Hiện
tại nàng chẳng mong muốn gì hơn. Công việc trôi chảy. Nỗi trắc trở
riêng tư đã bớt ám ảnh dứt day. "Vài ba cái thứ lăng nhăng" -
nàng gọi truyện ngắn của nàng như thế - khi viết xong, nàng không
ngại ngần nhờ ông đọc hộ. Văn là người. Đọc truyện nàng viết, ông
dần hiểu thêm cuộc sống riêng tư, tâm tính, nỗi niềm u ẩn còn đang
được nàng giấu kín, còn đang là bí mật đối với ông.
Một
sự vô tình, nàng và ông đã gặp nhau ở nhiều điểm trong cách sống.
Say mê công việc. Yêu thích văn chương. Thẳng thắn trung thực... Đôi khi,
cả những thói quen nho nhỏ hàng ngày, những khiếm khuyết chẳng mấy
khó mới nhận ra...
Cứ
vậy, nàng đi cạnh ông hàng ngày, qua tháng, qua năm... Bình thản, nhẹ
nhàng, chẳng gợn chút băn khoăn, không hề vẩn đục...
Nàng
đâu có ngờ, phía sau vẻ bình thản, đĩnh đạc, vững vàng của con
người quá trải đời ấy đang chứa chất những ngọn sóng ngầm. Nó réo,
nó gầm, nó sôi sục... Liệu nàng có dự cảm về một biến chuyển lớn sắp
tới trong cuộc đời mình?!
* *
*
Ngồi
trước hắn là ông, người đẻ ra hắn, người mà nhiều năm nay hắn đã
không gặp. Ông vẫn vậy, không già đi, có phần mập mạp hơn trước. Mái
tóc mềm, đen, không một gợn muối tiêu, cùng với khuôn mặt chẳng còn
chút nét hốc hác thời bươn chải xưa, trông ông như trẻ hơn trước. Đó
là điều hắn không ngờ tới. Cả cái nơi đang ngồi, khang trang, chắc
chắn, cũng làm hắn ngỡ ngàng.
Mấy
năm đầu ông bỏ nhà ra đi, hắn biết, đâu như ông ở nhờ một đứa cháu
đằng nội, anh con bác hắn. Song lúc đó, hắn còn giận ông, còn chưa
suy ngẫm thật kỹ việc nhà, nên không tìm gặp bố. Lâu dần, nửa e ngại
vì đã im lặng quá lâu, nửa muốn tìm nhưng vẫn còn chút hờn giận
của đứa con đã quen có bóng dáng vững chãi, tin cậy của người cha ở
bên; nay bỗng dưng bị hụt hẫng, hắn cố tình lánh mặt, cố không tìm
cách hỏi tin, phần lại như muốn thăm dò, chờ đợi... Bố dứt tình với
mẹ đã đành, nhưng chẳng lẽ lại quên hắn?
Từ
lúc gặp nhau, hai bố con vẫn im lặng. Hỏi gì ư? Quá nhiều điều để
hỏi! Nhưng hỏi gì? Cũng không dễ! Câu chuyện cứ ngập ngừng như kiểu
bước thấp bước cao. "Con thế nào?" Hắn chầm chậm: "Cũng vẫn vậy bố
ạ". Ông nói tiếp ngay: "Không, con khác trước nhiều. Khoẻ. Ra
dáng ông chủ". Hắn cười nhẹ: "Cũng nhờ bố đấy". Ông
hiểu, "nhờ bố", điều đó hàm ý, những năm
qua, nó đã phải đứng vào đúng chỗ của ông trong ngôi nhà ấy. Vắng
ông, nó đã phải tự lột xác, phải vứt bỏ cái vỏ chàng màng, lớt
phớt, dựa dẫm, ham chơi, để gánh vai trò người đàn ông, người chủ
trong gia đình. Tốt thôi! Phải chăng việc ông ra đi cũng có cái hay. Con ông đã trưởng thành.
Trưởng thành thực sự. Tốt nghiệp đại học. Vào công tác ở nơi tăm
tiếng. Làm việc có uy tín. Thu nhập khá cao. Những cái đó đâu đã
chứng minh được điều gì!
Cuộc
sống con ơi, còn nhiều gian nan lắm. Dù con người ta có thành đạt đến
đâu, có ngự trị ở ngôi vị cao đến như thế nào chăng nữa, thì gia
đình, cái tổ ấm muôn thuở của con người, vẫn luôn là nhu cầu máu
thịt, là chốn ấm êm và an toàn nhất cho họ trở về nương náu sau
những cuộc chen chúc, xô đẩy, mưu sinh. Cố nhiên, đó phải
đúng là tổ ấm! Mà để có một tổ ấm thực sự, khó lắm đó con!
"Con
uống gì, chè hay cà phê?". "Bố mặc con". Hắn dướn đôi
lông mày. Sao, giờ bố lại nghiện cả hai thứ đó cơ à? Hắn nhớ, khi
còn ở nhà, cơm nước xong, bố chỉ uống chè xanh hay nước lọc. Bố luôn
nói, hãy cố đừng nghiện một thứ gì. Nghiện gì tức là làm nô lệ
cho điều đó. Bố còn đùa, hãy đừng
nghiện cả đàn bà!
Như
đọc được điều gờn gợn trong mắt hắn, ông cười: "Ở nhà này không
thiếu thứ gì, kể cả rượu mạnh. Song, là
lúc cần tiếp khách cho đàng hoàng. Đó là quan niệm của cô. Bố thấy
cũng đúng thôi. Còn hàng ngày, bố vẫn chỉ dùng chè xanh. Như trước
kia."À, thế là bố bắt đầu rồi đấy, "quan niệm của cô",
bắt đầu động chạm đến điều mà hắn vừa muốn hỏi, lại vừa muốn né.
Cô, người đàn bà ấy, người mà hắn đã gặp trong cuộc họp báo, đã
chào hắn chủ động, tự tin.
Hắn
im lặng, mắt ngó lơ xung quanh. Gian phòng khách xinh xắn. Một bộ sa
lông kiểu cũ giản dị. Bức ảnh chân dung đen trắng, bố hắn, rất đẹp,
đang suy tư, vầng trán cao hằn những nếp nhăn sâu lắng, treo chính giữa
bức tường đối diện cửa vào. Mép trên cái cửa sổ trổ thông sang
phòng bếp, ảnh một thằng cu con khoảng bốn tuổi đang đùa rỡn với
sóng biển trắng xoá trên nền nước xanh, phía xa là dãy núi lô nhô.
Trên cái kệ hai ngăn sát chỗ hắn ngồi, có mấy tờ báo và một chồng
bản thảo, chữ bố hắn, gạch xóa lem nhem.
"Con
chắc biết, mấy năm mới xa nhà, bố đi ở nhờ. Gọi là vậy, chứ chỉ
như chỗ ngả lưng qua đêm. Bố quen khuya sớm. Sáng tinh mơ chủ nhà chưa
dậy, bố đã dắt xe đi. Chiều tối xẩm mới về. Hôm ăn cơm cùng, bữa
không. Tuy là họ hàng nhưng vẫn không thể coi là nhà mình được. Cảnh
ở đậu đằng đẵng thời gian dài, tựa cái gánh nặng lặc lè bố phải
gồng lên chịu đựng những năm cuối đời. Bố đau lắm!". Giọng ông
trầm trầm, đều đều, như tự nói với mình. "Nhưng
bố có thể về nhà". Hắn buột miệng vô thức. "Con nhầm. Cuộc
đời dài lắm nhưng cũng lại ngắn vô cùng. Nếu chỉ tính đến sáu mươi
tuổi cầm sổ hưu, nghỉ việc, mà coi là hết, thì bố đã hết đời rồi.
Nhìn lại, bố thấy quãng đời trước đó sao nó dài quá, lê thê quá... Còn giờ đây, bố đang sống cuộc đời thứ
hai, khác hẳn, bố đang "sống gấp"... Sao, "sống gấp" à? Có phải
sống theo cái quan niệm người đời vẫn nói, ăn chơi xả láng, bia rượu
suốt ngày, gái gẩm thâu đêm... Phải chăng bố đang vội vã gỡ gạc, gấp
gáp hưởng thụ... trả thù cho những năm
tháng cần mẫn, miệt mài, chỉn chu, thấu đáo, lo từ công chuyện cơ
quan đến cuộc sống gia đình của mẹ con hắn. Ông bật cười, biết hắn
nghi hoặc cái từ "sống gấp" của mình. Ông đọc thấy trong
đầu hắn, ý muốn thuyết phục ông trở về
nơi có mẹ con hắn. Đúng, hắn rất muốn ông về. Về đi bố. Dù sao bố
mẹ đã sống với nhau mấy chục năm trời, đã có hai anh em chúng con.
Con đồng ý, đời người dài lắm. Nhưng ở cái tuổi sáu mươi này còn
mấy nữa đâu. Bố cố cùng mẹ đi nốt chặng đường còn lại. Đừng tự dày vò mình làm gì. Đôi mắt hắn nhìn
ông, níu kéo. Mong muốn níu kéo của đứa con cho sự đoàn tụ của bố
mẹ là lẽ thường. Ông biết. Ông thương nó lắm. Giờ thì nó chưa hiểu,
nhưng rồi nó sẽ phải biết tất cả.
Ông
lại trầm ngâm: "Bây giờ bố đang ở với một người đàn bà khác.
Người mà con đã gặp...". Hắn cắt lời, hơi gay gắt: "Con
biết. Và cô ta trẻ hơn bố quá nhiều". Ông ngăn hắn lại: "Con
đừng vội vã lên án bố vội. Hãy đừng như những kẻ tầm thường, nhìn
sự việc qua hiện tượng...". Hắn hạ giọng chì chiết:
"Con phải hiểu như thế nào đây? Bố có biết, trong những năm bố
vạ vật sống nhờ, mẹ cũng rơi vào trạng thái khủng hoảng lắt
lay". Ông vẫn từ tốn: "Đó là cái giá mà cả hai phía đều
phải trả. Bố không quy kết ai. Cũng không chút ân hận. Bởi đoạn đời
bố đi bên cạnh mẹ con, cho dù còn nhiều điều bất ưng, bố cũng đã
sống hết khả năng, hết trách nhiệm của người chồng, người cha".
Nghe bố nói, hắn nhớ lại những đêm thâu bố còng lưng ngồi viết. Cặm
cụi nhận việc làm thuê hòng tăng thêm thu nhập cho gia đình. Kiên nhẫn
ngồi hứng từng giọt nước tí tách bên máy công cộng lúc khuya khoắt
cho mẹ con hắn dùng... Vậy mà bố vẫn tranh thủ đưa mẹ đi làm, đón
anh em hắn lúc tan trường. Hắn day dứt. Sao thế nhỉ? "Dù thế nào
bố mẹ cũng đã bên nhau mấy chục năm trời!". Hắn nói cứ như tự
câu đó tuột ra vậy. Ông im lặng. Nó nói đúng. Mấy chục năm trời.
Bằng sự nghiệp của cả cuộc đời, dù sự nghiệp đó chẳng ra gì. Bằng
cả sự sinh ra và trưởng thành của những đứa con. Bằng chuỗi thời
gian nhằng nhẵng đeo đẳng vào nhau của hai cuộc đời, hai số phận khấp
khểnh, gập gềnh, trúc trắc... Ông như lại nghe thấy tiếng kêu ăng ẳng
của con chó con bị đá oan, sợ quá chúi vào một xó nhà. Ông như lại
nhìn thấy những mảnh vụn bay lả tả của trang bản thảo bị xé. Đó
là những trang bản thảo của bài báo. Những cái mồi câu cơm của cả
gia đình. Còn truyện ngắn ư? "Những thứ vô tích sự", như lời
bà ấy nói, thì ông đã buộc mình kìm nén lại, buộc mình phải quên
đi. Mặc dù vậy, đó vẫn là nỗi đam mê, là niềm ước nguyện luôn dấm
dứt, khắc khoải, thậm chí đớn đau, tê tái của đời ông.
"Mấy
chục năm trời, hắn nhắc lại, không đủ để bố mẹ hiểu nhau ư?".
Bố không cần đến mấy chục năm để hiểu được mẹ con. Nhưng như người
bị quá đà trong hành động, bố phải cố xử lý cho xong hậu quả. Các
con đã khôn lớn. Đã vững vàng chèo chống với cuộc đời. Mẹ con đã
có các con ở bên". "Tức là, ý định ra đi của bố đã có từ
lâu?". "Đúng, lại vừa không. Đã một lần bố dứt áo, lặng lẽ
đem các con đi. Bố sợ sự cãi vã. Bố không thích ồn ào. Nhưng không
nỡ. Các con còn bé quá. Dù thế nào các con
cũng cần có mẹ. Cũng vì thế bố phải ở lại. Nhưng nay...". Ông
im lặng. Hắn tiếp câu: "... nay đủ điều kiện để bố ra đi?".
"Không phải. Bố không định. Bố muốn cố. Cố cho đến hết đời.
Nhưng giọt nước đã tràn qua miệng cốc. Bố không hứng lại nổi nữa
rồi!". Giọng ông ứ đọng âm hưởng
xót xa. Hắn cúi đầu. Vẫn phải nói thôi. Nói cho hết những suy nghĩ
của mình, cho dù bố có bất bình. "Mấy chục năm, hắn nhắc lại,
quá dài. Còn mới vài năm vừa rồi thôi, xem ra thì rất ngắn. Sao bố
dám kiên quyết vậy? Bố không e sự chênh
lệch tuổi tác quá lớn hay sao?". "Sống được đã là khó. Sống
thanh thản còn khó hơn rất nhiều. Mấy năm qua cũng nhiều lúc sóng to.
Sóng to gió cả hẳn hoi. Nhưng qua những đận ấy, bố tin ở người đang
cùng thuyền với bố. Xưa nay con quá biết, bố có nhu cầu gì ghê gớm cho mình đâu. Sự thanh thản là ước mong
lớn nhất. Hiện giờ bố đang có!". Giọng ông trở lại nhẹ nhàng,
tự tin.
Hắn
đưa mắt lướt qua khuôn mặt của bố, rồi ngước nhìn lên trần nhà.
Đúng. Thanh thản. Tự tin. Nét mặt bố đang tỏ rõ điều đó!
Có
tiếng còi xe máy vang lên ngoài cửa. Có tiếng gọi "Ba ơi".
Hắn thấy nét mặt bố dãn ra, nhẹ nhõm: "Mẹ con cô ấy về
đấy". Ông đứng dậy, nhanh nhẹn mở cửa. Tiếng thằng nhỏ chào vui
vẻ: "Con chào ba". Ông mỉm cười. Giọng một người đàn bà ríu
rít: "Anh. Em đánh xong bản thảo truyện của anh
rồi đấy. In năm bản. Trình bày đẹp hết ý. Trả công em đi". Như
mọi lần, ông sẽ nói: “Thì đấy, anh trả em cả cuộc đời anh rồi còn
gì”. Nhưng hôm nay, ông im lặng. Thấy lạ, nàng ngoảnh nhìn vào phòng
khách. Hắn đang nhìn ra. Bốn mắt giao nhau.
Thời gian ngưng lại. Ông lên tiếng: "Cháu nó đến lúc đầu
giờ". Nàng lấy lại tự nhiên: "À, cô chào cháu. Lâu
quá...". Ông ngắt lời: "Ngồi vào uống nước đi em".
"Vâng". Bà ta vẫn thế. Như lần đầu hắn gặp. Hơi gầy hơn một
chút. Hắn thấy nét mặt bà ta thật thư thái khi nói với bố. Còn ánh
mắt bà ta nhìn bố, hắn dám chắc, chỉ những người yêu thương nhau mới
có được.
Có
lẽ, mẹ mất bố thật rồi. Trước lúc đến đây, hắn nghĩ vẫn có thể
kéo được bố trở về. Nhưng giờ thì ... Hắn xót xa thương mẹ. Muôn
thuở, đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm. Vậy mà, mẹ đã không làm
được thiên chức ấy của người đàn bà! Sự chia ly là tất yếu. Bằng
trực giác công bằng, hắn biết bố đã tìm được tổ ấm của mình. Liệu
có gì phá nổi được sự yêu thương gắn bó của họ. Pháp luật ư? Mấy
chục năm chung sống của hai mảnh cuộc đời luôn so le, lệch lạc ư? Hai
đứa con có giá thú ư? Sự phá phách, đòn ghen, thù hận ư?... Tất cả,
đều không thể níu kéo được bố trở về nữa rồi! Hắn hiểu ra, với
cái tổ ấm này, bố đang "sống gấp", bố đang cố tận dụng
những năm tháng còn lại của đời mình, thực hiện nỗi đam mê từ thời
trai trẻ - sản sinh những đứa con tinh thần của mình.
Thôi,
cũng đành vậy. Con hiểu bố đã tìm được hạnh phúc cho mình, thứ
hạnh phúc giản dị, đơn sơ nhưng cũng rất ngọt ngào mà gần hết đời
bố mới có. Mọi sự nay đã an bài. Âu cũng là duyên phận!
(*) - Đăng trên http://newvietart.com/index3.6028.html
- In trong tập Nốt
nhạc trầm, Nxb Hội Nhà văn 2014
- Báo Văn nghệ Hội Nhà văn VN...
- Báo Người Hà Nội...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét